Đau thần kinh tọa là tình trạng đau dọc dây thần kinh to từ thắt lưng xuống hông, đùi. Bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động do đó sớm phát hiện và điều trị là khuyến cáo từ chuyên gia.

Định nghĩa đau thần kinh tọa

Dây thần kinh tọa là dây thần kinh dài nhất của cơ thể, bắt đầu từ tủy sống kéo dài sau hông đến ngón chân. Nhiệm vụ của dây thần kinh tọa là chi phối khả năng vận động, cảm giác ở chi dưới, nuôi dưỡng các phần mà nó đi qua.

Đau thần kinh tọa hay đau thần kinh hông to (Tên tiếng anh là Sciatica Pain) là chứng đau ở rễ thần kinh bị chèn ép. Tình trạng đau lan theo đường đi của dây thần kinh hông.

Tùy vào vị trí tổn thương mà biểu hiện đau nhức, các triệu chứng đi kèm khác nhau. Nhẹ là đau đớn nặng sẽ gây rối loạn cảm giác, giảm khả năng vận động, teo cơ, thậm chí tàn phế.

Hiện tượng dây thần kinh tọa bị tổn thương gây đau
Hiện tượng dây thần kinh tọa bị tổn thương gây đau

Nguyên nhân đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa hình thành do nhiều nguyên nhân, xác định đúng sẽ giúp việc điều trị, phòng ngừa hiệu quả hơn.

  • Thoát vị đĩa đệm: Đây là nguyên nhân hàng đầu được xác định. Khi nhân nhày đĩa đệm lồi, thoát ra ngoài đến giai đoạn nhất định sẽ đè lên dây thần kinh tọa và gây tổn thương, đau.
  • Khối u cột sống: Khối u phát triển tại cột sống hoặc dây thần kinh làm gia tăng áp lực, chèn ép gây rối loạn, tê bì và đau với các mức độ khác nhau.
  • Viêm khớp vùng chậu: Bệnh lý này gây viêm ở một hoặc hai bên khớp vùng chậu tổn thương tại dây thần kinh tọa gây đau tê bì một hoặc hai bên chân
  • Hẹp ống sống: Hiện tượng ống sống bị hẹp sẽ gây áp lực lên các bộ phận bên trong và ngoài bao gồm tủy sống, rễ thần kinh. Tình trạng chèn ép ngày càng nghiêm trọng khi bệnh kéo dài không điều trị.
  • Chấn thương: Chấn thương trong quá trình lao động, chơi thể thao, tai nạn giao thông tại vùng cột sống thắt lưng có thể tác động đến rễ thần kinh tọa từ đó gây đau.

Đối tượng đau thần kinh tọa

Đau dây thần kinh tọa phổ biến ở những người trong độ tuổi lao động, có thể gặp ở cả 2 giới tuy nhiên phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bởi quá trình mang thai. Ngoài ra những đối tượng dưới đây có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn:

  • Người thừa cân, béo phì: Khi trọng lượng quá lớn sẽ khiến các cơ quan trong cơ thể hoạt động quá mức, áp lực cho các dây thần kinh.
  • Người mắc bệnh tiểu đường: Lượng đường trong máu cao khiến các dây thần kinh bị tổn thương từ đó dẫn đến đau, tê.
  • Những người lười vận động: Ngồi im, đứng lâu một chỗ trong thời gian dài gây ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống, xương khớp, dây thần kinh.
  • Công việc: Những người thường xuyên mang vác nặng, chạy xe đường dài, vận động viên… dễ bị đau dây thần kinh và bệnh xương khớp.

Người thường xuyên mang vác nặng dễ bị bệnh
Người thường xuyên mang vác nặng dễ bị bệnh

Triệu chứng đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa có những dấu hiệu đặc trưng dễ dàng nhận biết do đó người bệnh nên chú ý, chủ động thăm khám khi thấy những biểu hiện dưới đây:

  • Đau: Ban đầu là những cơn đau nhẹ thoáng qua, đau ở rễ dây  thần kinh tọa sau đó lan dọc xuống vùng mông, đùi, cẳng chân. Đau đớn gia tăng khi ho, hắt hơi, cúi người, chạy... Tình trạng đau thường tăng về đêm.
  • Tê bì, châm chích: Từ vùng thắt lưng, đến mông đùi có cảm giác nóng ran, tê bì hoặc như kiến bò, châm chích, bứt rứt khó chịu.
  • Giảm cảm giác ở chân: Khả năng đi lại, vận động bị ảnh hưởng sau những cơn đau, buổi sáng khi thức dậy. Người bệnh thường đi tập tễnh, giảm cảm giác thật ở chân, cơn đau tăng khi cử động liên tục.
  • Các triệu chứng khác: Mệt mỏi, sụt cân, mất ngủ, stress...

Biến chứng đau thần kinh tọa

Một số biến chứng dễ gặp ở bệnh nhân đau dây thần kinh tọa gồm:

  • Cứng cột sống: Là tình trạng co thắt cơ bắp, mất lực ở chân thường xuất hiện vào buổi sáng khi ngủ dậy. Biểu hiện là đau cứng vùng cột sống khi ngồi dậy, quay người.
  • Teo cơ vận động: Dây thần kinh tọa bị tổn thương, người bệnh hạn chế vận động khiến bên chân bị đau dễ teo cơ, giảm dần chức năng.
  • Mất kiểm soát đại, tiểu tiện: Tình trạng đau thần kinh tọa nặng sẽ ảnh hưởng đến bàng quang, đường ruột từ đó dẫn đến việc mất kiểm soát khi đi tiểu hoặc đại tiện ở người bệnh.
  • Rối loạn thần kinh thực vật: Là hiện tượng phản xạ kém, mất kiểm soát phần chi dưới. Tổn thương tại dây thần kinh tọa càng kéo dài khả năng vận động của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng, mất dần khả năng điều khiển vận động.
  • Bại liệt: Đây là biến chứng nặng nề nhất của chứng đau thần kinh tọa. Người bệnh có thể bị liệt 1 bên chân hoặc liệt hoàn toàn.

Người bị đau thần kinh tọa sẽ có nguy cơ tàn phế chi dưới
Người bị đau thần kinh tọa sẽ có nguy cơ tàn phế chi dưới

Chẩn đoán đau thần kinh tọa

Để sớm phát hiện, có phác đồ điều trị phù hợp bệnh nhân cần tìm đến cơ sở chuyên khoa để được khám, chẩn đoán chính xác.

Chẩn đoán lâm sàng

Bác sĩ sẽ khai thác thông tin tình trạng bệnh, tiền sử bệnh, phương pháp điều trị, loại thuốc...

Chẩn đoán cận lâm sàng

Để kết quả chính xác, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số kiểm tra, xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm thường quy: Chỉ số viêm, sinh hóa, huyết học…
  • Chụp X-quang: Chẩn đoán phân biệt giúp tìm ra những bất thường, nguyên nhân gây bệnh
  • Chụp CT: Giúp quan sát hình ảnh cột sống, tổn thương rõ ràng
  • Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ giúp phát hiện vị trí, nguyên nhân gây đau thần kinh tọa như thoát vị đĩa đệm, u thần kinh hay viêm...

Từ các triệu chứng lâm sàng và kết quả hình ảnh thu được bác sĩ sẽ chẩn đoán tổn thương tại dây thần kinh cũng như đưa ra giải pháp điều trị phù hợp.

Điều trị đau thần kinh tọa

Chứng đau thần kinh tọa hoàn toàn có thể chữa trị nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách. Để càng lâu việc chữa trị sẽ khó khăn, tốn kém hơn. Bên cạnh đó khả năng phục hồi cũng không cao. Chính vì vậy để đạt kết quả tốt mọi người hãy chủ động tới cơ sở chuyên khoa để được hỗ trợ kịp thời.

Trị đau thần kinh tọa tại nhà

Đối với các trường hợp bị đau thần kinh tọa nhẹ người bệnh có thể điều chỉnh thông qua các biện pháp như:

Tiến hành chườm ấm tại nhà để giảm đau cấp tốc
Tiến hành chườm ấm tại nhà để giảm đau cấp tốc

  • Thay đổi thói quen sinh hoạt, vận động: Để giảm sự chèn ép, cải thiện tình trạng đau thần kinh tọa người bệnh cần chú ý nghỉ ngơi, vận động hợp lý. Tránh thức khuya, hạn chế các công việc nặng nhọc và các hoạt động ảnh hưởng đến dây thần kinh, chú ý tư thế ngồi, nằm, kết hợp làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng: Thông qua việc bổ sung dinh dưỡng sẽ hỗ trợ quá trình điều trị, giảm áp lực cho xương khớp, các dây thần kinh cũng như ngăn ngừa bệnh tiến triển. Bệnh nhân đau thần kinh tọa nên bổ sung thực phẩm giàu canxi, omega3, vitamin nhóm B...
  • Tập luyện hỗ trợ: Người bệnh có thể tham khảo, thực hiện các động tác, tư thế nhẹ nhàng, giảm chèn ép thần kinh như tư thế rắn hổ mang, tư thế em bé, tư thế cây cầu... Ngoài ra các môn thể thao, bài tập không dùng quá nhiều sức cũng được khuyến khích.

Thuốc Tây y

Dùng thuốc tân dược là cách nhanh nhất để kiểm soát các cơn đau và triệu chứng bệnh. Dưới đây là những loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định:

  • Thuốc giảm đau Paracetamol: Có thể dùng theo đơn hoặc không theo đơn. Thường được chỉ định cùng opioid nhẹ.
  • Nhóm thuốc kháng viêm không steroid: Gồm ibuprofen, diclofenac, meloxicam, celecoxib… có tác dụng giảm đau, kháng viêm.
  • Thuốc corticoid: Được chỉ định khi người bệnh không đáp ứng với nhóm NSAID, loại thuốc thường dùng là: prednisolone
  • Thuốc giảm đau thần kinh: Gồm có gabapentin, pregabalin
  • Tiêm ngoài màng cứng: Bác sĩ sẽ chỉ định khi các loại thuốc uống không đáp ứng, tình trạng tổn thương nặng.
  • Các loại thuốc khác, vitamin theo chỉ dẫn.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là phương pháp hỗ trợ giúp giải phóng dây thần kinh, cải thiện khả năng vận động. Hiện có nhiều phương pháp được chỉ định cho người bệnh cả cơ sở hiện đại và cổ truyền như:

  • Chườm nóng, tắm nhiệt.
  • Điện châm.
  • Chiếu đèn hồng ngoại.
  • Tác động cột sống.
  • Sử dụng máy điện xung, siêu âm.

Phương pháp này thường được kết hợp cùng thuốc để tăng khả năng tác động, rút ngắn thời gian trị bệnh.

Phẫu thuật

Đây là phương pháp tiên tiến nhất với các trang thiết bị hiện đại, giúp giải phóng khối nhân nhày khỏi dây thần kinh tọa nhanh nhất. Tuy nhiên chi phí cao, cần chú ý sau phẫu thuật để tránh rủi ro.

Can thiệp ngoại khoa không được khuyến khích, tuy nhiên với những trường hợp dưới đây bác sĩ sẽ yêu cầu phẫu thuật:

  • Điều trị bằng thuốc sau 6 tháng nhưng không mang lại kết quả.
  • Tổn thương dây thần kinh nặng gây teo cơ, liệt
  • Bệnh tái phát nhiều lần ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống.

Các phương pháp ngoại khoa được áp dụng cho bệnh nhân đau thần kinh tọa gồm: Phẫu thuật nội soi, mổ hở, vi phẫu, dùng sóng cao tần...

Phẫu thuật giải phóng dây thần kinh tọa bị chèn ép
Phẫu thuật giải phóng dây thần kinh tọa bị chèn ép

Thuốc Đông y

Đông y chia bệnh thành từng thể, dựa theo chứng trạng mà có phép trị, bài thuốc phù hợp.

  • Bài thuốc thể phong hàn

Gồm các thành phần: cam thảo, ngưu tật, đẳng sâm, bạch thược, độc hoạt, đại táo, phòng phong, quế chi, đỗ trọng, tang ký sinh, tế tân, thục địa, phục linh. Liều lượng được gia giảm cho từng người.

  • Bài thuốc thể hàn thấp

Gồm các vị thuốc: Bạch linh, tế tân, xuyên khung, thương truật, phụ tử chế, quế chi, bạch chỉ, cam thảo. Liều lượng được điều chỉnh theo thể trạng.

  • Bài thuốc thể huyết ứ

Sử dụng các vị thuốc: Đào nhân, cam thảo, sinh địa, kê huyết đằng, ngưu tất, xích thược, hoa hồng, trần bì, uất kim, đan sâm...

  • Bài thuốc thể thấp nhiệt

Gồm có các vị thuốc: Xích thược, liên kiều, tang chi, nhẫn đông đằng, hoàng bá, phòng ky, uy linh tiên, đan bì... Thuốc được gia giảm cụ thể sau thăm khám.

LƯU Ý KHI ĐIỀU TRỊ:

Chữa bệnh đau thần kinh tọa không thể diễn ra trong ngày 1 ngày 2. Tùy vào giai đoạn mắc bệnh cũng như quá trình điều trị mà kết quả nhận được sẽ khác nhau. Một số vấn đề bạn cần chú ý nếu muốn kiểm soát bệnh tốt:

  • Nên khám tại các cơ sở chuyên khoa uy tín, lấy thuốc theo đơn từ bác sĩ.
  • Mua thuốc, uống thuốc theo đúng chỉ định về liều/ngày, thời gian uống đều, tránh bỏ liều
  • Không tự ý kết hợp các loại thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ
  • Trường hợp gặp phản ứng bất thường sau khi dùng thuốc, tiêm thuốc cần thông báo với bác sĩ để được xử lý kịp thời.
  • Với thuốc đông y kiên trì là yếu tố tiên quyết bởi thuốc phát huy tác dụng chậm. Bên cạnh đó không nên mua thuốc trên mạng, thuốc từ các thầy lang chưa được kiểm chứng.
  • Nên kết hợp dùng thuốc, vật lý trị liệu và thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày để mang lại kết quả tốt nhất.

Phòng tránh đau thần kinh tọa

Bệnh đau thần kinh tọa hoàn toàn có thể phòng ngừa từ khi còn trẻ. Nếu không muốn đối mặt với căn bệnh này ngay từ bây giờ bạn hãy thực hiện theo lời khuyên dưới đây:

  • Duy trì cân nặng hợp lý, trường hợp thừa cân nên tích cực thực hiện phương pháp giảm cân an toàn
  • Có chế độ ăn uống khoa học, tăng cường rau xanh, thực phẩm chứa vitamin tốt cho xương khớp, hệ thần kinh, hạn chế thức ăn chế biến sẵn, chất béo, nội tạng động vật...
  • Điều chỉnh lại tư thế lao động, sinh hoạt tránh các tư thế không đúng
  • Không mang vác quá nặng, không ngồi hay đứng một chỗ quá lâu
  • Tránh căng thẳng, stress
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe, tăng độ dẻo dai, bảo vệ xương khớp và rễ thần kinh.

Trên đây là thông tin về bệnh đau thần kinh tọa mà benhvienfavina muốn giới thiệu đến quý độc giả. Hãy chủ động phòng ngừa cũng như tích cực khám, chữa nếu mắc bệnh, tránh để kéo dài gây biến chứng nguy hiểm.

Dịch vụ & Giải pháp

Bài viết liên quan