Siêu Âm Đại Tràng: Quy Trình Thực Hiện Và Bảng Giá Mới Nhất 2022
Siêu âm đại tràng là một kỹ thuật không xâm lấn và không gây đau đớn. Kỹ thuật này có thể hỗ trợ chẩn đoán một số bệnh đại tràng như viêm đại tràng, polyp đại tràng hay ung thư đại tràng. Cần nắm rõ các thông tin về kỹ thuật siêu âm đại tràng để có sự chuẩn bị trước khi thực hiện.
Siêu âm đại tràng là gì? Khi nào cần thực hiện siêu âm đại tràng?
Siêu âm đại tràng là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn. Phương pháp này sử dụng các sóng siêu âm có tần số cao nhằm thu lấy hình ảnh bên trong đại tràng cùng các cơ quan lân cận. Máy siêu âm sẽ được đưa vào vùng bụng của người bệnh thông qua một lớp gel mỏng. Chính lớp gel này sẽ giúp máy di chuyển được dễ dàng hơn.
Thông qua việc quan sát hình ảnh hiển thị trên màn hình máy siêu âm, bác sĩ sẽ đánh giá được tình trạng của đại tràng. Đồng thời xem xét cụ thể các vấn đề bệnh lý. Từ đó giúp đưa ra chẩn đoán xác định và phương pháp điều trị phù hợp.
Siêu âm đại tràng là kỹ thuật thường được thực hiện trong các đợt thăm khám sức khỏe tổng quát. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo rằng, khi gặp phải các dấu hiệu bất thường về đường tiêu hóa thì bạn nên chủ động thăm khám để được thực hiện siêu âm.
Một số dấu hiệu bất thường cần đến việc siêu âm đại tràng bao gồm:
- Thường xuyên bị tiêu chảy hoặc táo bón:
Tiêu chảy và táo bón chính là các triệu chứng phổ biến có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong một số trường hợp có thể là do bất thường ở đại tràng. Việc siêu âm có thể giúp bác sĩ xác định rõ các triệu chứng có thật sự do bất thường đại tràng gây ra hay không.
- Đại tiện ra máu:
Phân có lẫn máu tươi thường là do khối u hay tổn thương ở phía ngoài, phần nhiều liên quan tới bệnh trĩ. Tuy nhiên nếu phân có màu nâu đỏ thì chứng tỏ rằng bùng bị tổn thương nằm sâu bên trong. Có thể là tổn thương tá tràng hoặc đại tràng. Đại tiện ra máu có thể là dấu hiệu của một số bệnh nghiêm trọng về đại tràng. Điển hình như chảy máu đại tràng, viêm đại tràng, khối u đại tràng… Lúc này cần thăm khám để bác sĩ thực hiện siêu âm.
- Co thắt dạ dày và đường ruột:
Tình trạng này có thể xảy ra khi đại tràng xuất hiện khối u. Khối u này có thể va chạm vào dạ dày các cơ quan khác. Khi co bóp và tiêu hóa thức ăn sẽ gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu. Cơn đau có thể xuất hiện liên tục dữ dội hay theo từng chu kỳ. Khi gặp phải dấu hiệu này, người bệnh được khuyên là nên sớm thăm khám và tiến hành siêu âm đại tràng.
Đọc ngay: Nội soi đại tràng là gì? Quy trình và chi phí
Ưu điểm và hạn chế của phương pháp siêu âm đại tràng
Dưới đây là một số ưu và nhược điểm của phương pháp siêu âm ruột già mà người bệnh cần nắm rõ:
Về mặt ưu điểm:
- Giúp tiết kiệm chi phí. Thực tế, so với các phương pháp khám bệnh hay tầm soát ung thư thì siêu âm là một thủ thuật có giá thành thấp hơn rất nhiều.
- Siêu âm là phương pháp không xâm lấn nên không gây đau đớn. Đồng thời an toàn cho sức khỏe và phù hợp với nhiều đối tượng người bệnh. Bao gồm cả người già và trẻ nhỏ.
Về mặt hạn chế:
- Siêu âm không thể giúp bác sĩ quan sát được các tổn thương nhỏ hay các khối u vừa mới manh nha xuất hiện bên trong đại tràng.
- Hình ảnh của những đoạn ruột bị che khuất không được hiển thị rõ ràng trên màn hình máy siêu âm.
- Kết quả siêu âm còn phụ thuộc phần nhiều vào trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm của bác sĩ thực hiện.
Trước khi siêu âm đại tràng cần làm gì?
Siêu âm đại tràng là một kỹ thuật đơn giản và dễ thực hiện. Tuy nhiên người bệnh cũng cần có sự chuẩn bị trước để đảm bảo kết quả nội soi. Chú ý đến một số vấn đề sau:
- Trước khi siêu âm khoảng 3 – 4 ngày, người bệnh chỉ nên ăn nhẹ để giúp cho đại tràng luôn sạch. Tốt nhất nên sử dụng các loại thực phẩm dễ tiêu hóa và ít chất xơ.
- Nên bổ sung nhiều nước cho cơ thể. Nước lọc là lựa chọn tốt nhất. Tuyệt đối không được uống các loại nước ngọt có gas hay thức uống có chứa chất phẩm màu.
- Đặc biệt, trước khi siêu âm 2 tiếng đồng hồ, người bệnh không nên ăn hay uống bất cứ thứ gì.
- Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện xét nghiệm máu. Đồng thời kê toa một số loại thuốc có tác dụng làm sạch đại tràng để người bệnh sử dụng tại nhà.
Tìm hiểu thêm: Nội soi đại tràng có phải nhịn ăn không? Lưu ý cho người bệnh
Quy trình siêu âm đại tràng
Quy trình thực hiện siêu âm đại tràng trải qua một số bước như sau:
- Người bệnh được chỉ định nằm ngửa trên bàn khám siêu âm, 2 tay đưa cao qua đầu còn 2 chân duỗi thẳng.
- Bác sĩ sẽ kéo áo của người bệnh lên qua mũi ức và kéo quần xuống qua khớp mu.
- Sau đó sẽ hỏi và điền đầy đủ thông tin của người bệnh vào màu rồi tiến hành chọn đầu dò và chương trình siêu âm.
- Tiếp đến bác sĩ sẽ thoa 1 lớp gel mỏng lên bụng của người bệnh. Lớp gel này sẽ tạo điều kiện giúp máy siêu âm di chuyển dễ dàng hơn.
- Tiếp theo, đặt máy siêu âm lên bụng người bệnh và bắt đầu di chuyển xung quanh vùng bụng.
- Thông quá đầu dò và thiết bị, kết quả siêu âm sẽ được hiển thị lên màn hình của máy siêu âm. Bác sĩ sẽ quan sát và chẩn đoán những bất thường nếu có ở bên trong đại tràng.
- Cuối cùng, sử dụng giấy y tế lau sạch lớp gel trên bụng của người bệnh.
Siêu âm đại tràng có thể chẩn đoán được bệnh gì?
Đại tràng hay còn được gọi là ruột già – cơ quan làm nhiệm vụ tiêu hóa các chất xơ không hòa tan, đạm cùng một số dưỡng chất không thể tiêu hóa ở phần trên. Ngoài ra còn có chức năng tạo khuôn phân và lưu trữ các chất thải trước khi đẩy ra ngoài.
Vì đảm nhận nhiều chức năng nên nếu đại tràng có vấn đề sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Đặc biệt hiện nay, các bệnh lý về hệ tiêu hóa nói chung và đại tràng nói riêng đang có xu hướng gia tăng. Chính vì vậy thăm khám để sớm can thiệp điều trị là vấn đề cần thiết.
Siêu âm đại tràng là kỹ thuật hình ảnh được dùng phổ biến trong việc chẩn đoán các bệnh lý về đại tràng. Theo nhận định của các chuyên gia, kỹ thuật này có thể giúp chẩn đoán được một số bệnh lý sau đây:
Viêm đại tràng
Viêm đại tràng là bệnh đường tiêu hóa tương đối phổ biến, có thể gặp ở cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Bệnh lý này bùng phát khi ruột già bị viêm lớp lót niêm mạc hay bị rối loạn chức năng do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó phổ biến là do nhiễm vi khuẩn, nấm men, ký sinh trùng hay virus từ đồ ăn chưa được nấu chín kỹ.
Bệnh thường gây ra các triệu chứng như rối loạn đại tiện, có thể xen kẽ giữa tiêu chảy và táo bón. Bên cạnh đó, người bệnh còn bị đau quặn bụng, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, ăn uống kém… Tình trạng bệnh kéo dài còn ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng. Từ đó khiến cơ thể mệt mỏi và suy nhược.
Để chẩn đoán bệnh viêm đại tràng, trước hết bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng và hỏi về tiền sử bệnh lý. Tuy nhiên để đưa ra chẩn đoán xác định thì kỹ thuật siêu âm đại tràng có thể được thực hiện. Bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả chẩn đoán để đưa ra giải pháp điều trị phù hợp.
Polyp đại tràng
Polyp đại tràng là thuật ngữ đề cập tới sự xuất hiện của các khối tế bào bất thường ngay trên niêm mạc đại tràng. Đa phần các khối polyp đại tràng là vô hại. Tuy nhiên theo thời gian, một số khối polyp có thể phát triển thành ung thư. Nguyên nhân là do tăng sinh quá mức nhưng không được biệt hóa.
Polyp đại tràng thường rất hiếm khi gây ra các triệu chứng đặc trưng. Điều này gây cản trở rất lớn đến việc phát hiện bệnh sớm. Tuy nhiên, hình ảnh siêu âm đại tràng có thể giúp hiển thị các khối polyp nếu có trên niêm mạc đại tràng. Từ đó giúp bác sĩ xác nhận sự hiện diện của bệnh và có giải pháp điều trị kịp thời và đúng đắn.
Đừng bỏ lỡ: Polyp đại tràng sigma là gì? Có nguy hiểm không?
Ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là một loại ung thư đường tiêu hóa thường gặp. Bệnh ung thư này có tiên lượng sống tốt trong các trường hợp phát hiện sớm khi còn là các tổn thương tiền ung thư hay ung thư giai đoạn sớm.
Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất cứ vị trí nào của đại tràng. Ví dụ như đại tràng xuống, đại tràng lên, đại tràng góc gan, đại tràng ngang, đại tràng sigma hay manh tràng. Nguyên nhân gây ung thư đại tràng có thể do polyp đại tràng, các bệnh đại tràng mãn tính, yếu tố di truyền, ăn uống kém lành mạnh…
Siêu âm đại tràng hiện đang là một trong những phương pháp chẩn đoán giúp hỗ trợ phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư đại tràng. Tuy nhiên, để đưa ra chẩn đoán xác định, bác sĩ có thể cần thêm một số kết quả xét nghiệm cận lâm sàng khác.
Siêu âm đại tràng giúp chẩn đoán bệnh chính xác không?
Siêu âm đại tràng có thể giúp phát hiện một số bệnh lý liên quan tới đại tràng. Ưu điểm của kỹ thuật này là không xâm lấn nên sẽ không khiến người bệnh bị khó chịu trong suốt quá trình điều trị.
Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia, phương pháp chẩn đoán hình ảnh này có độ chính xác không cao. Bởi khi siêu âm từ bên ngoài thì đường tiêu hóa có thể gây cản trở tia siêu âm. Đa phần bác sĩ sẽ chỉ quan sát được các tình trạng như lồng ruột, tắc ruột, thành đại tràng dài… Nhiều trường hợp, các khối u chỉ mới manh nha hay viết loét niêm mạc nhỏ sẽ không hiển thị rõ trên hình ảnh siêu âm.
Chính vì vậy, ngoài siêu âm, bác sĩ có thể chỉ định thêm các kỹ thuật chẩn đoán khác. Điển hình nhất là nội soi đại tràng. Đây là phương pháp tốt nhất có tác dụng kiểm tra toàn bộ lớp lót niêm mạc đại tràng. Từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh chính xác hơn để có giải pháp điều trị phù hợp.
Ngoài ra, để chẩn đoán các bệnh lý khác về đại tràng, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng khác. Phải kể đến như:
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm phân.
- Chụp MRI.
- Chụp CT Scanner.
- Nội soi kết hợp sinh thiết.
Bạn cần biết:
- Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm đại tràng chính xác
- Làm thế nào để chẩn đoán Ung thư đại tràng?
Siêu âm đại tràng giá bao nhiêu? Ở đâu tốt?
Siêu âm đại tràng là phương pháp có mức phí không quá cao như một số xét nghiệm cận lâm sàng khác. Tùy thuộc vào từng cơ sở y tế mà giá thành có thể khác nhau nhưng thường dao động không nhiều.
- Đối với siêu âm thường: Mức phí dao động khoảng từ 30.000 đến 50.000 đồng.
- Đối với siêu âm màu: Mức phí dao động khoảng từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Siêu âm đại tràng là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng rất dễ thực hiện. Hầu khắp các cơ sở y tế lớn nhỏ trên toàn quốc có thể thực hiện được phương pháp này. Tuy nhiên, để đảm bảo nhận được kết quả siêu âm chính xác thì người bệnh nên lựa chọn thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín. Tốt nhất hãy chọn các bệnh viện lớn của nhà nước như:
- Bệnh viện Việt Đức: Đây là địa chỉ hàng đầu nếu người bệnh muốn khám sức khỏe đại tràng. Tại đây có khoa Nội soi với 4 phòng cùng hệ thống nội soi hiện đại, 2 phòng rửa và tiệt trùng máy, 1 phòng hồi tỉnh. Người bệnh khi đến đây sẽ được khám và điều trị cùng các bác sĩ và chuyên gia hàng đầu trong ngành. Địa chỉ khám của bệnh viện ở phố Phủ Doãn, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.
- Bệnh viện Đại học Y: Bệnh viện có phòng siêu âm, nội soi thuộc khoa Khám chữa bệnh và giúp chẩn đoán chính xác các bệnh về dạ dày, tá tràng. Tại đây có đội ngũ chuyên gia hàng đầu cùng hệ thống máy nội soi phóng đại nhuộm màu tiên tiến, giúp chẩn đoán chính xác các bệnh có liên quan, tầm soát sớm ung thư và chính xác. Địa chỉ bệnh viện ở số 1 đường Tôn Thất Tùng, Hà Nội.
- Bệnh viện Chợ Rẫy: Ở khu vực Hồ Chí Minh thì bệnh viện Chợ Rẫy là địa chỉ uy tín trong siêu âm đại tràng. Nhiều thiết bị hiện đại được áp dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh gồm có: Máy cộng hưởng từ, máy chụp cắt lớp, máy siêu âm, hệ thống nội soi gây mê,… Bạn có thể đến số 201B Nguyễn Chí Thanh HCM để được tư vấn siêu âm khám chữa bệnh.
- Bệnh viện Nhân dân 115: Bệnh viện có khoa Nội tiêu hóa là địa chỉ chuyên thực hiện tầm soát, chẩn đoán cũng như điều trị các bệnh về tiêu hóa. Tại đây có nhiều thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ hàng đầu giúp chẩn đoán chính xác. Khi đi khám bạn cần đến sớm để tránh chờ đợi vì bệnh viện có khá nhiều bệnh nhân. Địa chỉ khám của bệnh viện là số 88 Thành Thái, Quận 10, HCM.
Một số lưu ý để siêu âm đại tràng thuận lợi
Một số trường hợp nếu không có sự chuẩn bị trước thì việc siêu âm sẽ gặp khá nhiều khó khăn, tốn kém thời gian. Vậy nên bạn lưu ý những vấn đề sau khi thực hiện siêu âm.
- Nếu siêu âm túi mật thì nên nhịn ăn khoảng 6 – 8 giờ để tránh túi mật co nhỏ, khó kiểm tra.
- Kiểm tra vùng tiểu khung nên nhịn ăn cho đến khi buồn tiểu.
- Nếu siêu âm dạ dày, tụy thì nên uống nước trước khi khám.
- Nên ăn đồ rộng rãi, thoải mái trước khi khám và trong quá trình chờ đợi nên giữ yên lặng, tâm lý thoải mái.
- Lựa chọn địa chỉ uy tín và có thể kiểm tra trước quy trình khám chữa để thuận tiện hơn, tránh mất nhiều thời gian.
- Nên trao đổi với bác sĩ tất cả những vấn đề sức khỏe có liên quan để quá trình khám chữa diễn ra thuận lợi.
Siêu âm đại tràng là phương pháp chẩn đoán giúp phát hiện một số bệnh lý về đại tràng. Bài viết đã cung cấp những thông tin cần biết liên quan đến phương pháp chẩn đoán này. Bạn cần nắm rõ để có sự chuẩn bị giúp việc siêu âm diễn ra thuận lợi và nhận được kết quả tốt.
Có thể bạn quan tâm:
- Triệu chứng bệnh đại tràng kích thích: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
- Top 7 Thuốc Đại Tràng Của Nhật Được Đánh Giá Tốt Nhất
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!