Viêm đại tràng là thuật ngữ đề cập đến hiện tượng viêm lan tỏa hoặc khu trú ở niêm mạc ruột già. Nguyên nhân gây bệnh thường là do nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, dị ứng, ngộ độc thực phẩm, sử dụng kháng sinh dài hạn,… Bệnh lý này gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống nên cần thăm khám và điều trị sớm.
Định nghĩa viêm đại tràng
Viêm đại tràng là thuật ngữ đề cập đến tình trạng niêm mạc đại tràng (ruột già) bị viêm lan tỏa hoặc khu trú. Ở một số trường hợp, bệnh hoàn toàn không có tổn thương thực thể mà chỉ biểu hiện qua các rối loạn cơ năng (viêm đại tràng co thắt còn được gọi là hội chứng ruột kích thích). Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều hơn ở người trưởng thành.
Như đã biết, đại tràng có chức năng hấp thu nước và một số chất dinh dưỡng còn lại trong thực phẩm. Sau đó tạo khuôn phân, lưu trữ chất thải và bài tiết các chất cặn bã qua trực tràng – hậu môn. Vì là nơi lưu trữ chất thải của cơ thể nên đại tràng dễ bị viêm nhiễm và tổn thương.
Bệnh phát triển ở 2 giai đoạn là cấp và mãn tính. Trong đó, viêm đại tràng cấp có đặc tính bùng phát triệu chứng đột ngột và tiến triển nhanh chóng. Nếu không xử lý sớm, bệnh nhân có thể bị rối loạn điện giải, thủng ruột và gặp phải nhiều biến chứng nặng nề khác. Ngược lại, viêm đại tràng mãn tính thường khởi phát triệu chứng âm ỉ, dai dẳng trong thời gian dài.
Viêm đại tràng cấp tính
Viêm đại tràng cấp tính là tình trạng niêm mạc đại tràng bị sưng viêm và phù nề đột ngột. Bệnh tiến triển nhanh, dễ phát sinh biến chứng nhưng chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Triệu chứng của bệnh thường có mức độ nghiêm trọng và bùng phát đột ngột, ồ ạt nhưng đáp ứng tốt với điều trị. Tuy nhiên nếu không xử lý kịp thời, có thể gây rối loạn điện giải, hạ huyết áp và trụy tim mạch do mất nước.
Viêm đại tràng cấp chủ yếu xảy ra do các tác nhân nhiễm trùng như nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn,… Các tác nhân này thường có trong các loại thực phẩm và nguồn nước bẩn, chưa được nấu chín và đun sôi hoàn toàn. Ngoài ra, bệnh cũng có thể xảy ra nhiễm độc hóa chất, độc tố có trong thức ăn và kim loại nặng.
Viêm đại tràng mãn tính
Khác với viêm đại tràng cấp, viêm đại tràng mãn tính xảy ra khi niêm mạc đại tràng bị viêm kéo dài. Đây có thể là hệ quả do viêm đại tràng cấp không được điều trị triệt để hoặc do yếu tố tự miễn. Ngoài ra, một số trường hợp bị chuyển sang giai đoạn mãn tính gần như không thể xác định được nguyên nhân cụ thể – chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích (viêm đại tràng co thắt).
Viêm đại tràng mãn tính có đặc điểm dai dẳng, âm ỉ và kéo dài. Đa phần các trường hợp mắc bệnh đều không thể điều trị hoàn toàn mà chỉ có thể kiểm soát thông qua sử dụng thuốc và tổ chức lại lối sống. Mặc dù triệu chứng có mức độ nhẹ, âm ỉ nhưng bệnh có thể gây loét niêm mạc, thủng ruột, xuất huyết, phình giãn ruột hoặc thậm chí là tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Nguyên nhân viêm đại tràng
Bệnh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ở một số trường hợp, bệnh có thể khởi phát mà không tìm được nguyên nhân chính xác.
Nguyên nhân gây viêm đại tràng cấp tính
Viêm đại tràng cấp thường xảy ra đột ngột và bùng phát rầm rộ, dễ nhận biết. Hiện tượng viêm niêm mạc ruột già cấp tính có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
- Tác nhân nhiễm trùng: Virus, nấm, vi khuẩn và ký sinh trùng là tác nhân chủ yếu gây viêm đại tràng cấp. Các tác nhân thường gặp nhất là nấm Candida, Rotavirus (gặp nhiều ở trẻ nhỏ), vi khuẩn thương hàn, trực khuẩn lỵ, trực trùng coli, giun kim, lỵ amip,… Các tác nhân này có thể xâm nhập vào ruột già qua thức ăn, nguồn nước bị nhiễm khuẩn hoặc không vệ sinh tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với đất, cát.
- Dị ứng, ngộ độc thức ăn: Dị ứng thức ăn là một trong những nguyên nhân thường gặp gây viêm đại tràng cấp. Khi bị dị ứng, hệ miễn dịch phóng thích histamine vào niêm mạc ruột già, kết quả là khiến ruột bị sưng viêm và phù nề. Ngoài ra, hiện tượng viêm niêm mạc ruột già còn có thể xảy ra do độc tố có trong thức ăn.
- Hóa chất, kim loại nặng: Niêm mạc trực tràng cũng có thể bị tổn thương và viêm nặng do nuốt phải hóa chất và kim loại nặng. Trong trường hợp này, triệu chứng thường bùng phát đột ngột, rầm rộ và diễn tiến rất nhanh chóng. Nếu không xử lý kịp thời, bệnh nhân có thể phải đối mặt với nhiều di chứng hoặc thậm chí là tử vong.
- Do sử dụng kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn có hại và kiểm soát nhiễm trùng. Tuy nhiên khi dung nạp, nhóm thuốc này có thể “vô tình” tiêu diệt lợi khuẩn trong đường ruột và kết quả là gây loạn khuẩn ruột. Dùng kháng sinh kéo dài tạo điều kiện cho vi khuẩn kỵ khí C. difficile thường trú trong ruột già phát triển mạnh. Độc tố từ vi khuẩn này có thể gây viêm niêm mạc đại tràng và tạo thành các giả mạc màu trắng. Viêm đại tràng giả mạc là một trong những dạng viêm đại tràng cấp nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng.
- Một số nguyên nhân khác: Ngoài ra, nguy cơ bị bệnh có thể tăng lên đáng kể khi có những nguyên nhân và yếu tố thuận lợi như stress, sử dụng nhiều rượu bia, táo bón kéo dài, thói quen vệ sinh kém, không đảm bảo ăn chín uống sôi,…
Nguyên nhân gây viêm đại tràng mãn tính
Tương tự như viêm đại tràng cấp, viêm đại tràng mãn tính có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp bệnh ở giai đoạn mãn đều không thể xác định được nguyên nhân cụ thể. Chính vì vậy, điều trị bệnh thường gặp nhiều bất lợi hơn so với bệnh ở giai đoạn cấp tính.
Các nguyên nhân thường gặp gây viêm đại tràng mãn tính:
- Yếu tố miễn dịch (tự miễn): Bệnh có thể xảy ra do tự miễn. Đây là tình trạng rối loạn miễn dịch khiến các tế bào miễn dịch trong cơ thể tạo ra kháng thể tấn công vào niêm mạc ruột già, kết quả là khiến cơ quan này bị viêm dai dẳng và kéo dài. Trong đó, bệnh Crohn là một dạng viêm đại tràng mãn tính có mối liên hệ mật thiết với yếu tố tự miễn.
- Không điều trị triệt để viêm đại tràng cấp: Như đã đề cập, bệnh này do nhiễm trùng không được điều trị dứt điểm có thể khiến bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính. Ở giai đoạn mãn tính, bệnh gây ra các triệu chứng mờ nhạt, không điển hình. Tuy nhiên nếu không điều trị sớm, niêm mạc đại tràng có thể bị loét nặng và tăng nguy cơ rối loạn chức năng đường ruột (hội chứng ruột kích thích).
- Do một số loại ký sinh trùng: Ngoài ra, bệnh cũng có thể xảy ra do một số loại ký sinh trùng như giun tóc, giun kim, giun đũa,… Các loại ký sinh trùng này có thể sinh sống trong đường ruột và gây viêm niêm mạc kéo dài.
- Không rõ nguyên nhân: Thực tế, có rất nhiều trường hợp bị viêm đại tràng mãn tính không rõ nguyên nhân (viêm đại tràng co thắt). Ở người mắc bệnh lý này, niêm mạc ruột già hoàn toàn không bị viêm, loét hay xuất hiện khối u. Bệnh chỉ biểu hiện qua các triệu chứng do đại tràng bị rối loạn cơ năng (giảm hoặc tăng nhu động bất thường).
- Một số yếu tố, nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân kể trên, bệnh cũng có thể xảy ra khi có các yếu tố thuận lợi như chế độ ăn uống thiếu khoa học, táo bón kéo dài, tiêu chảy mãn tính, căng thẳng thần kinh,…
Đọc thêm thông tin: Viêm đại tràng xung huyết: Nguyên nhân và phương pháp điều trị
Đối tượng viêm đại tràng
Viêm đại tràng có thể gặp phải các nhóm đối tượng sa:
- Người lạm dụng các loại thuốc giảm đau nhóm NSAIDS, thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai.
- Người có tiền sử bị đại tràng giả mạc.
- Người điều trị bằng hóa chất, các loại thuốc ức chế miễn dịch.
- Người có chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, đồ ăn chứa chất bảo quản, đồ ăn sẵn.
- Người thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng rượu bia.
Triệu chứng viêm đại tràng
Viêm đại tràng là bệnh lý có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng. Triệu chứng của bệnh có sự khác biệt rõ rệt ở từng giai đoạn (cấp – mãn tính), tiến triển và nguyên nhân cụ thể.
Viêm đại tràng cấp tính
Viêm đại tràng cấp tính thường có các biểu hiện sau:
Do lỵ amip (Entamoeba histolytica/ trùng kiết lỵ):
- Đau quặn bụng, cơn đau âm ỉ dọc theo khung đại tràng (hố chậu bên phải). Mỗi lần đau quặn thường gây ra cảm giác buồn đại tiện, sau khi đại tiện cơn đau giảm nhưng nhanh xuất hiện trở lại.
- Đại tiện từ vài lần đến vài chục lần một ngày, luôn có cảm giác đi không hết phân nên bệnh nhân thường có xu hướng mót rặn, phân có chất nhầy và máu.
- Một số trường hợp không hề đại tiện ra phân dù cố mót rặn (đây được xem là triệu chứng đặc trưng của viêm đại tràng cấp do Entamoeba histolytica).
- Bệnh nhân bị sốt nhẹ hoặc không sốt, sức khỏe tổng thể ít bị ảnh hưởng.
Do lỵ trực khuẩn (Shigella):
- Bệnh nhân bị sốt cao đột ngột kèm theo đau đầu, rét run, chán ăn, da xanh tái, mệt mỏi.
- Đau bụng âm ỉ dọc theo khung đại tràng, đau nhiều hơn ở hố chậu trái. Tương tự như lỵ amip, lỵ trực khuẩn gây đau bụng kèm theo cảm giác buồn đại tiện và mức độ giảm sau mỗi lần đi tiêu.
- Luôn có cảm giác buồn đại tiện và đại tiện không hết phân.
- Đại tiện nhiều lần trong ngày, phân lỏng có màu và chất nhầy, thậm chí có mủ, phân có mùi thối và tanh nồng.
- Sau khoảng 2 – 3 ngày, bệnh nhân bị mất nước và rối loạn điện giải (môi khô, tiểu ít, khát nước,…).
Những nguyên nhân khác:
- Đau bụng từng cơn, đau dọc theo khung đại tràng.
- Bụng cứng, chướng hơi.
- Đại tiện thường xuyên, phân lỏng kèm nước và máu.
- Có thể sốt hoặc không.
- Người mệt mỏi, ăn uống kém, gầy sút do mất nước.
- Đôi khi đi kèm với cảm giác buồn nôn và nôn mửa.
Viêm đại tràng mãn tính
Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm đại tràng mãn tính:
- Đau dọc khung đại tràng, cơn đau âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn, đau đi đau lại nhiều lần. Sau khi đi tiêu, cơn đau có xu hướng giảm nhưng có thể tái phát lại sau một thời gian.
- Rối loạn đại tiện là triệu chứng điển hình nhất của bệnh. Bệnh nhân có thể đi tiêu lỏng nhiều lần nhiều lần kèm theo mót rặn, phân lỏng kèm máu và chất nhầy. Nhưng cũng có thể bị táo bón, đại tiện khó khăn.
- Một số trường hợp có thể xen kẽ giữa các đợt táo bón và tiêu chảy.
- Bụng đầy hơi, chướng, ăn uống kém.
- Thể trạng có thể không bị ảnh hưởng nhiều hoặc sụt cân, ăn uống kém, mệt mỏi do giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng. Một số trường hợp nặng có thể bị sụt cân nhiều, cơ thể gầy sút và hốc hác.
Xem thêm thông tin: Viêm đại tràng góc gan là gì? Có nguy hiểm không?
Biến chứng viêm đại tràng
Viêm đại tràng nếu không xử trí kịp thời, viêm đại tràng có thể gây ra các biến chứng như:
- Rối loạn điện giải, trụy tim mạch: Rối loạn điện giải là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân bị viêm đại tràng cấp, xảy ra do mất nước và muối khoáng do tiêu chảy liên tục. Nếu không xử lý sớm, bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp, trụy tim mạch và thậm chí là tử vong.
- Giãn đại tràng: Bên cạnh biến chứng trụy tim mạch, viêm đại tràng cấp tính cũng có thể gây sa giãn đại tràng. Biến chứng này xảy ra do niêm mạc ruột già bị viêm nhiễm nặng và thường xảy ra ở đại tràng sigma. Giãn đại tràng khiến nhu động của đường ruột bị rối loạn, tăng nguy cơ bị táo bón mãn tính, trĩ và viêm nhiễm đường tiêu hóa dưới.
- Thủng ruột: Thủng ruột là biến chứng nghiêm trọng ở bệnh nhân bị viêm đại tràng cấp và mãn tính. Biến chứng này có thể xảy ra do tác nhân nhiễm trùng hoặc kháng thể tấn công mạnh vào niêm mạc khiến ruột già bị thủng. Thủng ruột có thể gây nhiễm trùng phúc mạc, nhiễm trùng huyết và tử vong nếu không được kiểm soát kịp thời.
- Chảy máu (xuất huyết): Tương tự như viêm loét dạ dày, viêm loét đại tràng không được kiểm soát cũng có thể gây ra biến chứng xuất huyết tiêu hóa. Xuất huyết xảy ra khi mạch máu ở niêm mạc ruột già bị tổn thương, vỡ khiến máu thoát ra bên ngoài. Chảy máu đường ruột biểu hiện qua một số triệu chứng điển hình như đại tiện ra phân đen hoặc phân lỏng có kèm máu tươi, bụng dưới đau dữ dội, buồn nôn và nôn mửa.
Chẩn đoán viêm đại tràng
Chẩn đoán bệnh bao gồm các bước sau:
- Thăm khám lâm sàng (sờ vùng bụng, khai thác triệu chứng cơ năng, tiền sử cá nhân, gia đình, lịch sử dùng thuốc,…).
- Xét nghiệm phân, máu.
- Nội soi đại trực tràng + sinh thiết (nếu cần).
- Chụp X-Quang cản quang.
Đọc thêm thông tin: Viêm đại tràng co thắt: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Điều trị viêm đại tràng
Hiện có nhiều phương pháp điều trị với các trường hợp mới mắc, ở giai đoạn trung bình hoặc nặng, các cách chữa có thể áp dụng gồm:
Điều trị nội khoa
Các biện pháp điều trị nội khoa được áp dụng trong điều trị cả với giai đoạn cấp và mãn tính:
- Bù nước và điện giải qua đường tiêm truyền + đường uống.
- Sử dụng thuốc kháng sinh, kháng nấm, virus và ký sinh trùng nếu viêm đại tràng xảy ra do nhiễm trùng.
- Thuốc kháng histamine H1 được sử dụng trong trường hợp viêm đại tràng xảy ra do dị ứng thực phẩm.
- Tùy theo triệu chứng bệnh nhân gặp phải, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc dùng kèm như thuốc giảm đau chống co thắt, thuốc nhuận tràng, viên uống bổ sung chất xơ và lợi khuẩn, thuốc an thần, giải lo âu, thuốc ức chế thần kinh phế vị,…
Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa chỉ được cân nhắc trong trường hợp viêm đại tràng tiến triển nặng, dai dẳng và không có đáp ứng với điều trị bảo tồn. Ngoài ra, phẫu thuật cũng được áp dụng bệnh đi kèm với các khối u lành tính hoặc ác tính.
Các phương pháp phẫu thuật được áp dụng cho bệnh nhân:
- Cắt khối u: Được áp dụng khi viêm đại tràng đi kèm với polyp hoặc ung thư đại tràng. Đối với khối u ác tính, bác sĩ có thể cắt bỏ 1 phần đại tràng để giải quyết triệt để các tế bào ác tính, đồng thời hạn chế nguy cơ khối u tái phát và di căn.
- Mổ nội soi khâu vết thủng: Trong trường hợp xuất hiện biến chứng thủng ruột, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật nội soi để khâu vết thủng và làm sạch thức ăn, chất thải thoát ra ổ bụng.
- Nội soi cầm máu: Nội soi cầm máu được chỉ định khi viêm đại tràng gây loét nặng dẫn đến xuất huyết tiêu hóa dưới. Với kỹ thuật nội soi, bác sĩ có thể xác định vị trí chảy máu và tiến hành các biện pháp cầm máu như tiêm chất đông máu, laser, kẹp mạch máu,…
- Phẫu thuật cắt ruột già: Cắt ruột già được cân nhắc khi đại tràng bị chảy máu không thể kiểm soát, bệnh Crohn gây loét niêm mạc nặng hoặc viêm đại tràng mãn tính tiến triển dai dẳng, chuyển biến xấu và không có đáp ứng với điều trị bảo tồn.
Xem thêm thông tin: 8 Bài tập chữa viêm đại tràng tại nhà hiệu quả dễ thực hiện
Chế độ chăm sóc
Bên cạnh các phương pháp y tế, bệnh nhân cần kết hợp với chế độ chăm sóc phù hợp để niêm mạc đại tràng nhanh chóng hồi phục.
Cách chăm sóc dành cho bệnh nhân:
- Tập thói quen ăn chín uống sôi, tuyệt đối không dùng thức ăn tái, sống và nước chưa được đun sôi hoàn toàn.
- Uống đủ 1.5 – 2.5 lít nước/ngày – nhất là trong trường hợp bị tiêu chảy và nôn mửa nhiều.
- Không dùng rượu bia, nước ngọt có gas và các loại thực phẩm gây kích thích lên cơ quan tiêu hóa như món ăn chứa nhiều gia vị cay nóng, muối, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chứa độc tố và các nhóm thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao.
- Có thể chia nhỏ bữa ăn nếu thường xuyên bị đầy hơi, chướng bụng. Ngoài ra, cần chú ý ăn chậm nhai kỹ và hạn chế vận động mạnh ít nhất 30 phút sau khi ăn.
- Nếu bị táo bón, cần hạn chế đạm và chất béo. Thay vào đó, nên bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều rau xanh và khoáng chất.
- Trong trường hợp bệnh nhân bị tiêu chảy, nên hạn chế ăn quá nhiều chất xơ từ rau xanh. Để hạn chế tình trạng phân lỏng, nên bổ sung thực phẩm chứa tinh bột và chất xơ vừa phải như khoai lang, khoai tây, yến mạch, bánh mì,…
- Triệu chứng của bệnh có thể nặng hơn nếu sử dụng sữa và các chế phẩm chứa sữa (trừ sữa chua). Do đó, bệnh nhân nên hạn chế nhóm thực phẩm này để kiểm soát và giảm nhẹ triệu chứng của bệnh.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia, tránh thức khuya và căng thẳng quá mức. Ngoài ra, nên hạn chế sử dụng các loại thuốc chống viêm như corticoid đường uống và thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Các loại thuốc này có thể làm nghiêm trọng mức độ viêm ở niêm mạc và tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa.
- Tập thể dục thường xuyên để giảm căng thẳng và điều hòa nhu động ruột. Biện pháp này có vai trò cực kỳ quan trọng trong kiểm soát viêm đại tràng mãn tính – đặc biệt là với hội chứng ruột kích thích.
Phòng tránh viêm đại tràng
sau khi điều trị, cần chủ động phòng ngừa bệnh bằng một số biện pháp đơn giản như:
- Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng. Đồng thời cần ngâm rửa thực phẩm với nước muối pha loãng và ăn chín uống sôi để tiêu diệt hoàn toàn các tác nhân gây viêm nhiễm đường ruột như nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn,…
- Không sử dụng thực phẩm tái, sống và hạn chế ăn rau sống – đặc biệt là rau được trồng bằng phân bón hữu cơ.
- Tăng cường bổ sung chất xơ và lợi khuẩn (probiotic) để cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Tăng số lượng lợi khuẩn giúp ruột già hoạt động tốt, hạn chế táo bón, tiêu chảy và hạn chế nguy cơ bị loạn khuẩn ruột.
- Không tự ý dùng kháng sinh và thuốc chống viêm. Ngoài ra, cần chú ý các biểu hiện trong thời gian dùng thuốc và thông báo với bác sĩ trong trường hợp cần thiết.
- Ăn uống điều độ, lành mạnh. Không sử dụng rượu bia, nước ngọt có gas và các nhóm thực phẩm gây kích thích niêm mạc tiêu hóa.
- Nên tự chế biến món ăn tại nhà để đảm bảo vệ sinh và giá trị dinh dưỡng. Hạn chế dùng các món ăn tại các nhà hàng và quán ăn lề đường.
- Tránh căng thẳng bằng cách giảm thời gian làm việc, ngủ sớm, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên.
- Tẩy giun sán định kỳ 1 – 2 lần/năm.
Trên đây là thông tin về bệnh viêm đại tràng và các phương pháp điều trị, phòng tránh hiệu quả. Hy vọng mọi người chú ý sớm thăm khám, điều trị để tránh những rủi ro xảy ra.
Nên xem: Dùng Thuốc Kháng Sinh Trị Viêm Đại Tràng Thế Nào An Toàn?