Viêm đại tràng đau ở đâu là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Bởi đại tràng (ruột già) chạy dọc xung quanh ổ bụng nên triệu chứng đau thường xuất hiện ở nhiều vị trí với tính chất đa dạng, dẫn đến khó khăn trong việc xác định và phân biệt với các bệnh tiêu hóa khác.
Viêm đại tràng đau ở đâu?
Viêm đại tràng là hiện tượng niêm mạc ruột già (đại tràng) bị viêm hoặc rối loạn chức năng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, virus, vi trùng, ký sinh trùng và nấm là những tác nhân thường gặp nhất. Ngoài ra, bệnh cũng có thể xảy ra do yếu tố tự miễn, ảnh hưởng của các vấn đề tâm lý, lối sống thiếu khoa học và lạm dụng thuốc – đặc biệt là kháng sinh quá mức.
Đại tràng là cơ quan nằm bên dưới dạ dày với cấu trúc dạng ống. Trong đó, tá tràng nằm gọn bên trong ổ bụng còn đại tràng chạy dọc xung quanh tạo thành hình chữ U ngược. Ruột già có chiều dài khoảng 1.5m với đường kính khoảng 6 – 7cm. Vì có cấu trúc dạng ống dài nên viêm đại tràng có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào của ruột già như manh tràng, kết tràng và trực tràng.
Có thể thấy, đại tràng không nằm gọn ở 1 vị trí như dạ dày, tá tràng và gan. Do đó, cơn đau do đại tràng có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau. Ngoài ra, tính chất cơn đau cũng có sự khác biệt tùy theo giai đoạn phát triển của bệnh.
1. Vị trí đau
Vị trí xuất hiện cơn đau của bệnh viêm đại tràng phụ thuộc hoàn toàn vào vùng niêm mạc bị tổn thương. Thực tế cho thấy, bệnh lý này có thể gây đau ở vùng hạ vị (phần cuối của dạ dày), đau ở vùng bụng dưới, hố chậu, hạ sườn trái – phải hoặc đau ở vùng xương mu (trong trường hợp tổn thương xảy ra ở đại tràng sigma).
Ở một số trường hợp viêm xảy ra trên diện rộng, cơn đau có thể lan tỏa toàn bộ vùng bụng giữa và bụng dưới. Nếu chú ý, bệnh nhân có thể cảm nhận được cơn đau chạy dọc theo khung đại tràng và đặc biệt đau nhiều hơn hố chậu trái hoặc phải.
2. Tính chất cơn đau
Không chỉ đa dạng về vị trí, cơn đau do viêm đại tràng gây ra còn có tính chất khác biệt ở từng giai đoạn và nguyên nhân gây bệnh. Thống kê cho thấy, mức độ đau thường nặng hơn ở giai đoạn cấp. Đau quặn từng cơn, sau đó có thể đau âm ỉ, cảm giác đau giảm đáng kể sau khi đi tiêu nhưng có thể xuất hiện trở lại chỉ sau một thời gian ngắn.
Ngược lại ở bệnh nhân bị bệnh viêm đại tràng mãn tính, cơn đau thường có mức độ nhẹ hơn. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau từng cơn nhưng mức độ nhẹ hơn giai đoạn cấp và triệu chứng đau có tính chất tái đi tái lại thường xuyên. Trong trường hợp viêm đại tràng mãn, cơn đau thường xảy ra ở nhiều vị trí, ít khi tập trung ở hố chậu phải hoặc hố chậu trái như viêm đại tràng cấp tính.
3. Triệu chứng đi kèm
Ngoài cơn đau dọc theo khung đại tràng, viêm đại tràng còn gây ra một số triệu chứng đi kèm. Thực tế, đau bụng không được xem là riệu chứng điển hình của bệnh vì vị trí và tính chất đa dạng, không có tính thống nhất. Để xác định bệnh lý này, bệnh nhân có thể xem xét thêm một số triệu chứng khác như:
- Rối loạn đại tiện được xem là triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh viêm đại tràng.
- Ở giai đoạn cấp, bệnh nhân thường bị tiêu chảy, tần suất đi tiêu lên đến vài chục lần 1 ngày, phân nhão, kèm chất nhầy, đôi khi có mủ và máu
- Trong khi đó ở giai đoạn mãn tính, viêm đại tràng có thể gây táo bón hoặc tiêu chảy. Một số trường hợp có thể xen kẽ giữa các đợt đại tiện lỏng và táo.
- Bệnh nhân luôn có cảm giác buồn đi tiêu nhưng không đi ra phân hoặc khối lượng phân không đáng kể, thường xuyên phải mót rặn
- Rối loạn đại tiện đi kèm với các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như ăn uống kém, chướng bụng, đầy hơi,…
- Ở giai đoạn cấp, bệnh nhân còn có thể bị sốt nhẹ, cơ thể suy nhược do mất nước
Viêm đại tràng là thuật ngữ chung đề cập đến các bệnh lý gây viêm ở niêm mạc đại tràng (bao gồm cả tổn thương thực thể và rối loạn chức năng). Chính vì vậy, bệnh lý này có triệu chứng rất đa dạng, biểu hiện cũng có thể thay đổi tùy theo cơ địa và thể trạng của từng bệnh nhân. Do đó để được chẩn đoán chính xác bệnh lý mắc phải, nên tìm gặp bác sĩ để thực hiện một số kỹ thuật và xét nghiệm cần thiết.
Đọc thêm: Đại tràng có siêu âm được không? Bảng Giá Mới Nhất 2023
Viêm đại tràng có nguy hiểm không?
Viêm đại tràng là một trong những bệnh tiêu hóa phổ biến. Theo ước tính, khoảng 15% dân số nước ta mắc phải bệnh lý này. Đa phần các trường hợp bị viêm đại tràng đều có thể kiểm soát thông qua sử dụng thuốc và tổ chức lại lối sống. Tuy nhiên nếu chủ quan, tổn thương ở niêm mạc ruột già có thể tiến triển nặng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Một số ảnh hưởng, biến chứng thường gặp của bệnh viêm đại tràng:
1. Giảm chất lượng cuộc sống
Ảnh hưởng đầu tiên của bệnh viêm đại tràng là giảm chất lượng cuộc sống. Ở cả giai đoạn cấp và mãn tính, bệnh lý này đều khiến bệnh nhân gặp phải các triệu chứng khó chịu, mệt mỏi,… Trong giai đoạn cấp, đa phần bệnh nhân đều phải nghỉ ngơi trong ít nhất 3 – 5 ngày. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ công việc, học tập và gây trì hoãn những dự định trong cuộc sống.
Trong khi đó ở giai đoạn mãn tính, triệu chứng của bệnh thường có đặc tính và dễ tái phát. Tình trạng này khiến chất lượng cuộc sống suy giảm, giấc ngủ, tâm lý, hiệu suất lao động và học tập bị ảnh hưởng đáng kể. Hơn nữa ở một số bệnh viêm đại tràng mãn tính – chẳng hạn như bệnh viêm đại tràng co thắt, bệnh nhân dễ hình thành tâm lý lo âu, căng thẳng do lo ngại mắc các bệnh nguy hiểm.
2. Sụt cân, suy nhược cơ thể
Đại tràng là một trong những cơ quan tiêu hóa bên cạnh tá tràng, dạ dày, tuyến tụy, gan,… Cơ quan này có chức năng hấp thu nước và lượng dinh dưỡng còn lại trong thực phẩm, đồng thời đóng khuôn và lưu trữ chất thải. Khi đại tràng bị tổn thương, khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cơ thể sẽ giảm đi đáng kể. Vì vậy nếu không điều trị sớm, bệnh có thể kéo dài dai dẳng dẫn đến sụt cân, suy nhược, người gầy yếu, xanh xao.
Ngoài ra, tình trạng tiêu chảy và đau bụng thường xuyên khiến bệnh nhân e ngại khi ăn uống, dẫn đến việc kiêng khem một số nhóm thực phẩm quá mức. Tình trạng kéo dài gây thiếu máu, suy giảm sức khỏe do thiếu hụt một số vi chất dinh dưỡng thiết yếu.
Xem ngay: Viêm đại tràng sau sinh có nên cho con bú?
3. Hạ huyết áp, trụy tim mạch
Hạ huyết áp, trụy tim mạch là biến chứng thường gặp của bệnh viêm đại tràng cấp tính. Biến chứng này xảy ra do tiêu chảy kéo dài khiến cơ thể mất nước, rối loạn điện giải dẫn đến suy thận, hạ huyết áp và thậm chí là tử vong.
Vì vậy ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường, bệnh nhân cần đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Mặc dù có tiến triển nhanh và dễ gây ra biến chứng nhưng đa phần các trường hợp bị viêm đại tràng cấp đều đáp ứng tốt với điều trị và thuyên giảm chỉ sau 7 – 10 ngày.
4. Giãn đại tràng
Phình giãn đại tràng là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh viêm đại tràng. Biến chứng này xảy ra khi đại tràng bị giãn nở bất thường không do tắc nghẽn cơ học. Giãn đại tràng khiến nhu động ruột bị gián đoạn, ruột già hấp thu hết toàn bộ lượng nước trong phân khiến chất thải tích tụ lâu ngày trong đường ruột, gây ra hiện tượng cứng bụng và nhiều biến chứng nặng nề khác.
Phình giãn đại tràng thường gặp ở bệnh nhân bị viêm đại tràng cấp tính do nhiễm Shigella, Salmonella, Clostridium difficile (vi khuẩn gây viêm đại tràng giả mạc), Entamoeba histolytica (trùng kiết lỵ),… Ngoài ra, biến chứng này cũng có thể xảy ra gián tiếp do nhiễm khuẩn ruột gây mất cân bằng điện giải, dẫn đến hạ kali máu và làm giãn phình đại tràng bất thường.
5. Xuất huyết tiêu hóa dưới
Hội chứng xuất huyết tiêu hóa dưới là thuật ngữ đề cập đến hiện tượng mạch máu ở ruột non hoặc ruột già bị vỡ, dẫn đến tình trạng chảy máu vào lòng ruột hoặc ổ bụng. Biến chứng này có thể xảy ra ở cả bệnh nhân bị viêm đại tràng cấp và mãn tính. Vị trí xuất huyết thường là vùng niêm mạc bị viêm, loét tiến triển do không kiểm soát kịp thời.
Xuất huyết tiêu hóa dưới xảy ra nhiều ở những trường hợp bị viêm đại tràng cấp do nhiễm khuẩn và trường hợp viêm đại tràng mãn tính do yếu tố tự miễn – chẳng hạn như bệnh Crohn. Xuất huyết có thể xảy ra đột ngột nhưng cũng có thể âm ỉ. Triệu chứng điển hình của tình trạng này là đau vùng bụng giữa, bụng dưới kèm theo đại tiện ra phân đen.
Nên biết: Bệnh xuất huyết tiêu hoá trên: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
6. Thủng đại tràng
Tương tự như viêm loét dạ dày tá tràng, vùng niêm mạc bị viêm, loét ở đại tràng (ruột già) có thể tiến triển nặng dần theo thời gian nếu không có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, thủng đại tràng cũng có thể xảy ra do giãn phình ruột khiến phân ứ đọng bên trong trong thời gian dài.
Đại tràng là nơi lưu trữ chất thải với nhiều vi khuẩn có lợi và có hại. Khi cơ quan này xuất hiện lỗ thủng, hại khuẩn dễ dàng xâm nhập vào ổ bụng dẫn đến viêm phúc mạc và nhiều biến chứng nặng nề khác.
7. Tăng nguy cơ ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là một trong những loại ung thư thường gặp nhất. Thực tế, nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư đều không thể xác định. Tuy nhiên với ung thư đại trực tràng, nguy cơ mắc bệnh có thể tăng lên nếu đại tràng bị viêm nhiễm trên 10 năm. Hiện tượng viêm gây ra hoạt động quá mức của các yếu tố miễn dịch dẫn đến sự chuyển đối bất thường của tế bào ruột già.
Mặc dù chưa có công bố chính thức nhưng thực tế cho thấy, đa phần bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng đều bị các bệnh viêm đường ruột mãn tính trong 7 – 10 năm. Do đó, bệnh nhân cần có ý thức bảo vệ sức khỏe bằng cách chủ động thăm khám và điều trị bệnh trong thời gian sớm nhất.
Chia sẻ thêm: Tìm hiểu bệnh viêm đại tràng góc gan: Nguyên nhân và cách phòng bệnh
Khi nào người bệnh cần đến bệnh viện khám?
Các cơn đau của bệnh viêm đại tràng thường khiến người bệnh cảm thấy vô cùng mệt mỏi và khó chịu. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể kiểm soát tình trạng này bằng các loại thuốc được bác sĩ kê đơn trước đó. Hầu hết các trường hợp bị đau đại tràng đều là do các vấn đề tiêu hóa tạm thời gây ra. Đau đại tràng thường không phải là tình trạng nguy hiểm, các triệu chứng có thể biến mất sau vài giờ hoặc vài ngày.
Nếu cơn đau đại tràng kéo dài hơn một vài ngày không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc trở nên trầm trọng hơn, bạn nên đến bệnh viện để được các bác sĩ kiểm tra ngay lập tức.
Có thể bạn cần: TOP 16 địa chỉ khám viêm đại tràng tốt ở Hà Nội và Hồ Chí Minh
Chuyên gia hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh viêm đại tràng
Bệnh viêm đại tràng hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng các biện pháp duy trì lối sống ăn uống sinh hoạt lành mạnh, cụ thể như:
Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm
Việc giữ vệ sinh trong ăn uống là điều vô cùng quan trọng và cần thiết, giúp bảo vệ không chỉ hệ tiêu hóa của bạn mà còn ngăn ngừa nguy cơ mắc phải các bệnh ung thư nguy hiểm. Do đó, bạn cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, bảo quản đến chế biến. Một số thực phẩm có thể kích hoạt tình trạng viêm đại tràng bao gồm thịt đỏ, thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhiều đường và carb tinh chế, rượu, cà phê, rau sống, nem chua, nem chạo, tiết canh, lòng lợn, gỏi cá…. Do đó, bạn nên hạn chế hoặc tránh sử dụng trong các bữa ăn hàng ngày.
Hạn chế căng thẳng, stress
Stress, căng thẳng kéo dài gây trầm cảm là nguyên nhân làm giảm nhu động ruột,gây ra những cơn đau dạ dày và các bệnh liên quan. Do đó bạn hãy luôn tạo cho mình một tinh thần thoải mái, vui vẻ, lành mạnh. Các bác sĩ tâm lý cho biết, bạn có thể kiểm soát cảm xúc tiêu cực của mình bằng cách nói chuyện với bạn bè, ngồi thiền, nuôi thú cưng, hít thở sâu và thư giãn cơ thể để giúp người bệnh giảm căng thẳng. Những phương thức điều trị này sẽ giúp đầu óc và cơ thể bạn được nghỉ ngơi, hệ tiêu hóa cũng sẽ hoạt động một cách hiệu quả hơn.
Vận động và uống nhiều nước
Thói quen tập thể dục thường xuyên rất có lợi cho việc kiểm soát nhiều biến chứng liên quan đến viêm đại tràng như béo phì, ung thư đại trực tràng, đau xương khớp. Bạn nên tham gia một số môn thể thao với cường độ vừa phải như bơi lội, đạp xe mỗi tuần từ 3 đến 5 lần sẽ giúp bạn cải thiện hệ tiêu hóa và đường ruột.
Các nghiên cứu y khoa đều cho rằng tập thể dục vừa phải giúp giải phóng các myokine, giúp thúc đẩy quá trình chữa lành và chống viêm đường ruột. Đồng thời ngăn ngừa nguy cơ tái phát của bệnh viêm đại tràng mãn tính. Do đó bạn hãy kiên trì vận động thể dục thể thao, uống nhiều nước để kích thích nhu động ruột.
Xây dựng chế độ ăn hợp lý
Việc xây dựng chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp sức khỏe người bệnh nhanh chóng được cải thiện, đồng thời ngăn ngừa bệnh chuyển biến sang thể mãn tính. Nếu bạn vẫn còn cảm thấy băn khoăn, hãy áp dụng chế độ ăn uống theo lời khuyên sau đây.
- Ghi nhật ký thực phẩm: Nếu bạn cảm thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường sau khi sử dụng những thực phẩm nào thì hãy ghi lại để hạn chế sử dụng những thực phẩm đó.
- Ăn uống đủ bữa: Việc bỏ bữa nhất là bữa sáng chính là nguyên nhân gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa. Do đó bạn cần ăn uống đủ bữa, có thể chia thành 4-5 bữa nhỏ mỗi ngày để giúp đường ruột tiêu hóa dễ dàng hơn.
- Uống nhiều nước mỗi ngày: Việc uống đủ nước sẽ giúp cơ thể tránh bị kiệt sức. Tuy nhiên, bạn cũng không nên uống quá nhiều nước cùng một lúc để tránh tình trạng chướng bụng, đầy hơi.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất: Nên bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm có chứa chất xơ, vitamin, canxi và sắt. Khi cơ thể được cung cấp đủ dưỡng chất, đại tràng sẽ giảm áp lực lên bụng và tĩnh mạch, giúp phòng tránh được một số bệnh như: Thoát vị bẹn, bệnh trĩ, suy tĩnh mạch, ung thư đại tràng, béo phì, huyết áp cao.
- Hạn chế những thực phẩm có hại: Để phòng ngừa các bệnh viêm đại tràng nói riêng và các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa nói chung, bạn cần tránh những thực phẩm sau đây: Đồ uống có cồn, thực phẩm quá ngọt, thức ăn cay và nóng, đồ uống chứa caffeine, đồ ăn có nhiều chất béo, thực phẩm sữa có chứa lactose…
Hạn chế sử dụng thuốc giảm đau
Thuốc giảm có tác dụng ngăn chặn các tín hiệu đau từ não bộ. Mỗi loại thuốc sẽ có cơ chế hoạt động riêng phù hợp với từng tình trạng của người bệnh. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Theo tổ chức Crohn’s and Colitis Foundation (CCF), một số loại thuốc giảm đau có thể gây loét đường ruột như thuốc chống viêm ibuprofen và aspirin. Các thành phần ức chế COX-2 gồm các nhãn hiệu Vioxx và Celebrex. Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị mọi người tránh lạm dụng các loại thuốc giảm đau trừ khi bạn được chỉ định để điều trị một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng .
Trên đây là những thông tin giải đáp “Bị viêm đại tràng đau ở đâu? Nguy hiểm không?”. Hy vọng qua những chia sẻ trong bài viết, bệnh nhân có thể hiểu rõ hơn về triệu chứng, tính chất và mức độ nguy hiểm của bệnh lý này. Qua đó chủ động hơn trong việc phòng ngừa, thăm khám và điều trị bệnh.
Bài viết liên quan:
- Tìm hiểu qua các loại polyp đại tràng và cách phòng tránh như thế nào?
- Cách nhận biết viêm túi thừa đại tràng để sớm điều trị