Nội dung chính

Xuất huyết tiêu hóa trên là tình trạng cấp cứu nội/ngoại khoa thường gặp. Tình trạng này có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, điển hình với triệu chứng nôn ra máu hoặc đại tiện ra phân đen. Chảy máu đường tiêu hóa cần được xử trí sớm để tránh mất máu nhiều gây choáng, sốc hoặc thậm chí là tử vong. 

Xuất huyết tiêu hóa trên
Xuất huyết tiêu hóa trên là gì? Có nguy hiểm không?

Xuất huyết tiêu hóa trên là gì?

Xuất huyết tiêu hóa trên là tình trạng máu chảy ra khỏi lòng mạch vào đường tiêu hóa trên (từ thực quản đến D4 trên dây chằng Treiz – góc giao giữa tá tràng và hỗng tràng). Đây là tình trạng cấp cứu nội hoặc ngoại khoa rất phổ biến với biểu hiện điển hình là tiêu ra máu hoặc nôn ra máu. Ngoài ra, xuất huyết tiêu hóa trên còn là biến chứng của nhiều bệnh lý như loét dạ dày – tá tràng, ung thư dạ dày,…

Mặc dù có triệu chứng xuất huyết dạ dày khá điển hình nhưng tình trạng này cũng có thể bị nhầm lẫn do chảy máu cam và ho ra máu do các vấn đề về đường hô hấp. Do đó, bệnh nhân cần hiểu rõ về bệnh để kịp thời phát hiện và xử trí trong thời gian sớm nhất.

Thống kê cho thấy, xuất huyết tiêu hóa trên gặp chủ yếu ở người trưởng thành. Trong đó, nam giới là đối tượng có nguy cơ cao hơn so với nữ giới, đặc biệt là người có chế độ ăn uống không lành mạnh, stress và sử dụng thuốc chống viêm dài hạn. Xuất huyết tiêu hóa trên là tình trạng rất phổ biến và hoàn toàn có thể kiểm soát mà không để lại di chứng nếu được cấp cứu kịp thời.

Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trên

Xuất huyết tiêu hóa trên có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm:

xuất huyết tiêu hóa trên là gì
Xuất huyết tiêu hóa trên có thể xảy ra do loét dạ dày tá tràng, ung thư/ polyp dạ dày,…
  • Rối loạn cơ chế đông máu: Giảm tiểu cầu, bệnh Hemophilia, suy gan, sốt xuất huyết, thiếu vitamin K và dùng thuốc chống đông (Heparin, Warfarin) có thể khiến cơ chế đông máu bị rối loạn dẫn đến tình trạng mạch máu vỡ và chảy ồ ạt vào ống tiêu hóa. Đây cũng các nguyên nhân có thể gây xuất huyết tiêu hóa dưới.
  • Loét thực quản: Loét thực quản là tình trạng niêm mạc thực quản bị loét do ảnh hưởng của axit dạ dày cùng với các chất kích thích trong thức ăn và thức uống. Theo thời gian, vết loét tiến triển nặng khiến mạch máu vỡ và gây ra tình trạng xuất huyết (chảy máu). Tình trạng này thường gặp ở bệnh nhân bị viêm loét thực quản do ảnh hưởng của bệnh trào ngược dạ dày.
  • Hội chứng Mallory Weiss: Hội chứng này xảy ra khi lớp niêm mạc giao giữa thực quản và dạ dày bị rách, thường gặp ở người nghiện rượu bia. Vết rách khiến máu chảy ra thực quản – dạ dày và biểu hiện bởi triệu chứng nôn ra máu. Hội chứng Mallory Weiss thường tự hết sau khoảng 10 ngày mà không cần phải can thiệp y tế.
  • Vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, tĩnh mạch phình vị: Tình trạng này thường gặp ở bệnh nhân bị xơ gan. Nguyên nhân là do xơ gan gây áp tăng áp tĩnh mạch cửa, dẫn đến tăng áp lực lên tĩnh mạch của dạ dày và thực quản. Nếu không kiểm soát kịp thời, tĩnh mạch có thể bị phình giãn, vỡ dẫn đến chảy máu (xuất huyết). Đây là nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trên có mức độ nghiêm trọng và có tỷ lệ tử vong cao nhất.
  • Loét dạ dày tá tràng: Loét dạ dày tá tràng là nguyên nhân phổ biến gây xuất huyết tiêu hóa trên nói chung và xuất huyết dạ dày nói riêng. Tương tự như loét thực quản, vết loét ở dạ dày và ruột non có thể bị kích thích bởi dịch vị, rượu bia, thuốc,… Kết quả là gây vỡ mạch máu và chảy máu ra khỏi dạ dày, tá tràng (ruột non).
  • Ung thư/polyp dạ dày tá tràng: Ngoài nguyên nhân do loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa trên cũng có thể là dấu hiệu của polyp hoặc ung thư dạ dày. Khối u ở dạ dày và ruột non có thể bị ma sát với thức ăn, dịch vị dẫn đến vỡ máu và chảy máu. Trong trường hợp khối u lớn, bệnh nhân có thể mất nhiều, nhanh dẫn đến tình trạng sốc.
  • Các sang thương mạch máu: Xuất huyết tiêu hóa trên còn có là hệ quả do các sang thương mạch máu như loạn sản mạch máu, Hemangioma (u máu trong gan), Dieulafoy,…
  • Chảy máu đường mật: Chảy máu đường mật là một trong những nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trên. Đây là tình trạng nghiêm trọng có thể gây tử vong do mất máu nhiều. Tình trạng này thường xảy ra do tai nạn, sinh thiết gan, dẫn lưu dịch mật qua da, nội soi mật tụy ngược dòng, nội soi cắt bỏ túi mật, cắt khối u gan nguyên phát/ di căn, tán sỏi qua da,…

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây xuất huyết tiêu hóa trên, trong đó thường gặp nhất là loét dạ dày tá tràng và loét thực quản. Ngoài những nguyên nhân trực tiếp, nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa trên có thể tăng lên nếu có những yếu tố thuận lợi như:

  • Sử dụng thuốc chống viêm (corticoid, thuốc chống viêm không steroid/ NSAID).
  • Nghiện rượu bia.
  • Stress, xúc động quá mức.
  • Tăng tiết dịch vị do nhiều nguyên nhân khác nhau.
  • Rối loạn đông máu.
  • Nhiễm Helicobacter pylori (vi khuẩn Hp).

Đọc thêm: Vì sao uống rượu xuất huyết dạ dày? Hướng dẫn điều trị và phòng ngừa

Triệu chứng nhận biết xuất huyết tiêu hóa trên

Xuất huyết tiêu trên có triệu chứng khá điển hình bao gồm nôn ra máu (bã nôn có màu nâu đen hoặc đỏ bầm) và đại tiện ra phân đen/máu tươi (trong trường hợp xuất huyết tiêu hóa lượng lớn). Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số triệu chứng đi kèm.

nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa trên
Chảy máu đường tiêu hóa trên thường gây nôn ra máu hoặc nôn ra dịch màu cà phê

Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa trên:

  • Nôn ra máu: Nôn ra máu là triệu chứng điển hình nhất của xuất huyết tiêu hóa trên. Bệnh nhân có thể nôn ra máu tươi hoặc máu bầm, máu đông và thường có lẫn thức ăn. Tình trạng này dễ bị nhầm lẫn với ho ra máu. Tuy nhiên, ho ra máu thường là máu có màu đỏ tươi, độ pH kiềm, có bọt và không lẫn với thức ăn.
  • Tiêu phân đen: Tiêu phân đen có thể gặp ở bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa trên. Tình trạng này thường xảy ra sau 7 – 8 giờ nôn ra máu. Phân có màu đen do sắc tố hồng cầu đã bị giáng hóa. Một số trường hợp bệnh nhân có thể tiêu máu đỏ nếu lượng máu nhiều và xuất huyết ồ ạt (trên 1000ml máu).
  • Các triệu chứng khác: Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số triệu chứng đi kèm như ù tai, chóng mặt, hoa mắt, khát nước, sôi ruột, đau bụng và đau vùng thượng vị. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể bị sốt (chiếm 80% trường hợp xuất huyết tiêu hóa trên).

Ngoài ra, tùy theo nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trên, bệnh nhân còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:

  • Loét dạ dày tá tràng: Đau ở vùng thượng vị.
  • Loét thực quản: Khó nuốt, nuốt vướng, trào ngược.
  • Hội chứng Mallory Weiss: Ho nhiều, nôn và buồn nôn.
  • Vỡ giãn tĩnh mạch thực quản do tăng áp lực cửa: Yếu ớt, thiếu máu, đau bụng, mệt mỏi và vàng da.
  • Do bệnh ác tính: Sụt cân nhanh, ăn mau no, khó nuốt,…

Trong trường hợp mất máu nhiều, bệnh nhân có thể nhận thấy các dấu hiệu sốc như:

  • Da lạnh, trắng bệch, niêm mạc nhợt nhạt.
  • Mạch nhanh, khó bắt.
  • Vật vã, li bì, mệt.
  • Giảm huyết áp.
  • Hôn mê gan.
  • Thiểu niệu.

Có thể bạn chưa biết: Xuất huyết dạ dày đi ngoài ra máu – Nguy hiểm chớ xem thường

Xuất huyết tiêu hóa trên có nguy hiểm không?

Xuất huyết tiêu hóa trên là tình trạng cần được cấp cứu trong thời gian sớm nhất. Nếu chậm trễ, bệnh nhân có thể bị mất máu nhiều dẫn đến sốc, hội chứng nguy kịch hô hấp cấp hoặc thậm chí là tử vong. Do đó, cần đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các dấu hiệu như nôn ra máu, đại tiện ra phân đen, đau vùng thượng vị, mệt mỏi, choáng váng – đặc biệt là trong trường hợp có tiền sử mắc các bệnh lý có thể gây biến chứng chảy máu đường tiêu hóa.

Trên thực tế, bệnh có thể được kiểm soát nếu thăm khám và xử trí sớm. Ngược lại, tình trạng chủ quan có thể khiến thể trạng bệnh nhân suy sụp rõ và tử vong do giảm thể tích máu đột ngột. Với người cao tuổi và người có bệnh lý nền, nguy cơ tử vong do xuất huyết tiêu hóa thường cao hơn so với trẻ tuổi và người có thể trạng khỏe mạnh. Vì vậy, bệnh nhân cần tránh tình trạng lơ là trước những biểu hiện bất thường của cơ thể.

Tìm hiểu thêm: Xuất huyết dưới da ở người già: Nguy hiểm nếu không điều trị sớm

Chẩn đoán bệnh xuất huyết tiêu hóa trên

Xuất huyết tiêu hóa trên có triệu chứng tương đối điển hình. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể bị nhầm lẫn với một số vấn đề sức khỏe (nôn ra máu do chảy máu cam, ho ra máu,…). Do đó trước khi điều trị, bệnh nhân sẽ được thực hiện các kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng nhằm chẩn đoán bệnh và xác định nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa.

nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa trên
Nội soi là kỹ thuật có giá trị trong chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa trên

Chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa trên bao gồm các bước sau:

  • Khám lâm sàng: Chủ yếu dựa vào triệu chứng cơ năng, khai thác tiền sử bệnh lý, lịch sử dùng thuốc và đánh giá huyết động qua một số dấu hiệu lâm sàng. Ngoài ra, dựa vào thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể đánh giá được mức độ nguy cấp và tiến hành các biện pháp xử lý sớm nếu cần thiết.
  • Xét nghiệm máu: Bao gồm xét nghiệm công thức máu toàn phần, xét nghiệm ure, creatinine, BUN, xét nghiệm Bilirubine, ALT, AST và xét nghiệm khí máu động mạch (trong trường hợp mất máu nặng).
  • Đặt sonde dạ dày: Đặt sonde dạ dày được thực hiện bởi tất cả bệnh nhân nghi ngờ bị bệnh (đại tiện phân đen, nôn ra máu hoặc bã nôn có màu đỏ sậm, cà phê). Kỹ thuật này giúp rửa sạch dạ dày, từ đó giúp bác sĩ quan sát và xác định chính xác vị trí gây chảy máu (xuất huyết).
  • Nội soi tiêu hóa: Nội soi dạ dày là kỹ thuật có giá trị nhất trong chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa trên. Qua hình ảnh từ kỹ thuật này, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán xác định và tìm được nguyên nhân cụ thể gây chảy máu đường tiêu hóa. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể tiến hành cầm máu ngay trong khi nội soi.
  • Các kỹ thuật khác: Chụp X-Quang cản quang, chụp mạch máu cản quang, CT,…

Mục tiêu của chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa trên là xác định vị trí, mức độ chảy máu, chẩn đoán nguyên nhân, phân biệt với các bệnh lý khác và đánh giá tiến triển ở từng bệnh nhân.

Cần lưu ý: Xuất huyết dạ dày có nguy hiểm không? Có chữa được không?

Cấp cứu, điều trị xuất huyết tiêu hóa trên

Xuất huyết tiêu hóa trên thường gây mất máu nhiều nên bệnh nhân cần được cấp cứu và xử trí sớm. Xử trí tình trạng này tập trung vào bồi hoàn thể tích máu, bù nước và cân bằng điện giải. Sau khi thể trạng ổn định, cần điều trị nguyên nhân để tránh tình trạng tái phát. Trên thực tế, phác đồ cấp cứu – xử trí bệnh sẽ được cá thể hóa tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân cụ thể.

Điều trị xuất huyết tiêu hóa trên mức độ nhẹ

Trong trường hợp xuất huyết tiêu hóa trên có mức độ nhẹ, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng các phương pháp sau:

xuất huyết tiêu hóa trên điều trị
Trường hợp xuất huyết tiêu hóa trên có mức độ nhẹ có thể được kiểm soát bằng cách nghỉ ngơi và truyền dịch
  • Cho bệnh nhân ăn nhẹ, nghỉ ngơi tại giường.
  • Truyền dịch qua đường tĩnh mạch để bù nước và cân bằng điện giải (nếu cần thiết).
  • Theo dõi triệu chứng lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm hằng ngày để đánh giá tình trạng sức khỏe.
  • Điều trị nguyên nhân để tránh tái phát.

Xem ngay: Xuất Huyết Dạ Dày Nhẹ: Dấu Hiệu Và Cách Xử Trí An Toàn, Hiệu Quả

Xuất huyết vừa và nặng

Bệnh nhân có mức độ vừa và nặng sẽ được xử trí theo các bước sau:

Chế độ chăm sóc:

  • Cho bệnh nhân nằm bất động tuyệt đối với tư thế đầu thấp, nghiêng 1 bên trong không gian yên tĩnh và thoáng. Bệnh nhân được thở oxy, theo dõi nhiệt độ và huyết áp 1 – 3 giờ/ lần.
  • Nhịn ăn trong vòng 24 giờ để thuận tiện cho việc điều trị. Sau đó, có thể uống sữa lạnh để giảm đói và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Khi máu được cầm hoàn toàn, có thể dùng thức ăn mềm, lỏng, sau đó chuyển sang dùng các món bún mềm và dễ tiêu hóa.
  • Cho bệnh nhân dùng các loại thuốc an thần (Seduxen) để giảm đau và căng thẳng.

Bồi hoàn máu, cân bằng điện giải:

xuất huyết tiêu hóa trên điều trị
Bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa trên có mức độ vừa và nặng cần được truyền máu để bồi hoàn thể tích máu
  • Truyền dịch qua đường tĩnh mạch để cân bằng điện giải, tránh mất nước và hạ huyết áp.
  • Truyền máu tươi cùng nhóm hoặc có thể dùng huyết tương khô trong trường hợp không có máu.
  • Đặt ống thông dạ dày để theo dõi tình trạng chảy máu.
  • Cho bệnh nhân dùng các loại thuốc cầm máu (Transamin).
  • Chống sốc và hồi sức.

Sau khi thể trạng của bệnh nhân ổn định và được hồi phục, bác sĩ sẽ tiến hành cầm máu và xử trí nguyên nhân để tránh tái phát.

Do loét dạ dày tá tràng:

  • Cầm máu qua nội soi: Tiến hành kẹp cầm máu, khâu hoặc dùng thòng lọng cầm máu. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được cầm máu bằng cách tiêm quanh vị trí chảy máu bằng các dung dịch như dung dịch nước muối ưu trương, Adrenalin 1/10000, Polidocanol,… Hoặc cầm máu bằng nhiệt (đốt điện, dùng đầu nóng hoặc tia YAG laser).
  • Sử dụng thuốc ức chế tiết axit: Thường dùng nhóm kháng histamine (Cimetidin, Famotidine, Ranitidin) hoặc thuốc ức chế bơm proton (Esomeprazole, Pantoprazole và Omeprazole). Các nhóm thuốc này được sử dụng chủ yếu qua đường tiêm tĩnh mạch.
  • Dùng thuốc kháng axit dạng gel: Các loại thuốc kháng axit dạng gel (Maalox, Phosphalugel,…) được sử dụng nhằm giảm nhanh các triệu chứng khó chịu và bảo vệ vùng niêm mạc bị tổn thương.
  • Phẫu thuật: Được cần nhắc khi ổ loét chảy máu dữ dội, nội soi cầm máu thất bại, chảy máu tái phát, ổ loét ở dạ dày có kích thước lớn hơn 2cm hoặc ổ loét xảy ra ở những vị trí có khả năng tái phát (phần đứng bờ cong nhỏ, mặt sau tá tràng).

Chia sẻ từ chuyên gia: Hướng Dẫn Xử Lý Xuất Huyết Dạ Dày Đúng Cách – Thông Tin Quan Trọng

Do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản:

  • Lựa chọn hàng đầu là nội soi cầm máu + thuốc co mạch tạng (Propanolol, Nitroglycerin, Isosorbit mononitrat, Somatostatin, Vasopressin, Adrenoxyl,…).
  • Thắt tĩnh mạch thực quản qua nội soi bằng tiêm xơ dung dịch Polidocanol 2% hoặc thắt bằng vòng cao su.
  • Khi các phương pháp trên thất bại, bệnh nhân sẽ được xem xét điều trị bằng phương pháp TIPS (Gây tê tại chỗ, mở tĩnh mạch cảnh trong, sau đó luồn thông đến tĩnh mạch trên gan và tĩnh mạch cửa gan. Luồn dây dẫn, rút kim để nong ruột đường hầm quanh dây dẫn và đặt nòng kim loại. Phương pháp này giúp làm giảm áp lực tĩnh mạch trong gan, từ đó giảm áp lực lên tĩnh mạch dạ dày và thực quản.
  • Trong trường hợp không thể thực hiện TIPS hoặc TIPS thất bại, bệnh nhân sẽ được cân nhắc phẫu thuật Shunt bán phần hoặc toàn phần.

Các nguyên nhân khác:

  • Chảy máu đường mật: Truyền dịch, truyền máu kết hợp với điều trị nhiễm khuẩn đường mật. Trong trường hợp máu không cầm được, bệnh nhân sẽ được xem xét ngoại khoa.
  • Chảy máu do viêm dạ dày: Đặt sonde dạ dày để bơm rửa, sau đó cho dùng Sucralfat (thuốc bảo vệ niêm mạc) và thuốc ức chế tiết axit dạng tiêm (thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc kháng histamine H2).
  • Chảy máu do hội chứng Mallory Weiss: Đa phần các trường hợp bị bệnh do hội chứng này đều tự ngừng chảy. Vì vậy, điều trị chủ yếu là truyền máu + truyền dịch. Trong trường hợp xuất huyết nặng và xảy ra liên tục, bệnh nhân sẽ được xử trí bằng các phương pháp nội soi cầm máu.

Đọc qua: Xuất Huyết Dạ Dày Có Phải Mổ Không? Khi Nào Nên Mổ?

Khám chữa bệnh xuất huyết tiêu hóa trên ở đâu tốt nhất?

Khi bị bệnh, chúng ta cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Theo đó, người bệnh có thể tới những đơn vị uy tín dưới đây:

  • Bệnh viện Bạch Mai tại số 78 đường Giải Phóng, thành phố Hà Nội. Lịch khám bệnh theo yêu cầu từ thứ 2 tới chủ nhật. Liên hệ: 0869587728.
  • Bệnh viện Việt Đức địa chỉ số 16-18 Phủ Doãn, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Lịch khám bệnh theo yêu cầu từ thứ 2 tới thứ 7. Liên hệ: 02438253531.
  • Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có địa chỉ nằm trên số 1 đường Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa. Lịch khám bệnh theo yêu cầu thứ thứ 2 đến sáng thứ 7. Liên hệ: 19006422.
  • Bệnh viện Thanh Nhàn địa chỉ thuộc số 42 đường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Lịch khám bệnh từ thứ 2 tới thứ 6 bao gồm cả khám thường và theo yêu cầu. Liên hệ: 02439714363.
  • Bệnh viện E Đa khoa Trung ương tại số 89 Trần Cung, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Lịch khám bệnh từ thứ 2 tới sáng chủ nhật. Liên hệ: 02437543832.

Phòng ngừa xuất huyết tiêu hóa trên

Chảy máu tiêu hóa trên là một dạng cấp cứu nội/ngoại khoa phổ biến nhất. Tình trạng này hoàn toàn có thể tái phát nếu không xứ trí nguyên nhân và xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh. Xuất huyết tiêu hóa trên tái phát thường có mức độ nặng và khó kiểm soát hơn lần đầu tiên. Do đó, bệnh nhân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:

xuất huyết tiêu hóa trên điều trị
Tích cực điều trị nguyên nhân là biện pháp phòng xuất huyết tiêu hóa trên hiệu quả nhất
  • Tích cực điều trị các bệnh lý có thể gây chảy máu đường tiêu hóa trên như trào ngược dạ dày thực quản, loét thực quản, loét dạ dày tá tràng, xơ gan, thiếu vitamin K,…
  • Hạn chế căng thẳng quá mức.
  • Tránh sử dụng thuốc lá và kiêng cữ tuyệt đối rượu bia.
  • Không tự ý sử dụng thuốc giảm đau chống viêm (NSAID). Ngoài ra nếu có ý định dùng thuốc, nên thông báo với bác sĩ tiền sử xuất huyết tiêu hóa để được cân nhắc về lợi ích và nguy cơ.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, ngủ đúng giờ, đủ giấc, ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên.

Xuất huyết tiêu hóa trên là tình trạng cấp cứu nội/ ngoại khoa phổ biến. Tình trạng này có thể gây mất máu nhiều dẫn đến choáng, sốc hoặc thậm chí là tử vong. Vì vậy, bệnh nhân cần tích cực điều trị nguyên nhân và chú ý các biểu hiện bất thường của cơ thể để được cấp cứu và xử trí kịp thời .

Bài viết liên quan:

Câu hỏi liên quan

Xuất huyết dạ dày có đau bụng không? Có sốt không? là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Bởi đây là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nên cần phải nhận biết...

Xem chi tiết

Xuất huyết dạ dày có nguy hiểm không? Chữa được không? là thắc mắc thường gặp. Được biết, đây là tình trạng cấp cứu nội - ngoại khoa có thể gây ra nhiều vấn đề...

Xem chi tiết

Xuất huyết dạ dày có phải mổ không là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Được biết, đa phần trường hợp chảy máu dạ dày đều có đáp ứng tốt với các thủ...

Xem chi tiết

Bị xuất huyết dạ dày có phải truyền máu không là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Trên thực tế, truyền máu chỉ được xem xét trong trường hợp mất máu có mức...

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa

Dinh dưỡng sức khỏe

Dịch vụ & Giải pháp