Bị xuất huyết dạ dày có phải truyền máu không là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Trên thực tế, truyền máu chỉ được xem xét trong trường hợp mất máu có mức độ từ trung bình đến nặng. Tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định truyền máu toàn phần hoặc huyết tương đông lạnh.
Bị xuất huyết dạ dày có phải truyền máu?
Xuất huyết dạ dày là gì?, là tình trạng cấp cứu nội/ ngoại khoa rất phổ biến. Thuật ngữ này đề cập đến hiện tượng máu chảy ra từ niêm mạc dạ dày. Xuất huyết dạ dày thường là biến chứng của viêm dạ dày cấp, viêm loét dạ dày tá tràng, loạn sản mạch máu, ung thư hoặc polyp dạ dày. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân ít gặp hơn như rối loạn đông máu, tác dụng phụ của thuốc chống đông và tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Xử trí bước đầu đối với bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa trên nói chung và xuất huyết dạ dày nói riêng là truyền dịch để bù nước và cân bằng điện giải. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi để đưa ra chẩn đoán xác định và can thiệp các thủ thuật cầm máu. Vậy “Bị xuất huyết dạ dày có phải truyền máu không?”.
Trên thực tế, không phải tất cả trường hợp xuất huyết dạ dày đều phải truyền máu. Với những bệnh nhân có triệu chứng xuất huyết dạ dày nhẹ, lượng máu thất thoát không đáng kể thường được điều trị bằng cách truyền dịch, thực hiện thủ thuật cầm máu nội soi và dùng thuốc. Tuy nhiên, truyền máu cũng được xem xét nếu bệnh nhân mất máu nhiều và có các rối loạn huyết động rõ rệt.
Truyền máu trong xuất huyết dạ dày được chỉ định trong những trường hợp sau:
- Trường hợp mất máu trung bình (500 – 1000ml), huyết áp > 90mmHg và mạch 100 – 120 lần/ phút nhưng máu vẫn đang chảy hoặc đi kèm với bệnh lý thiếu máu tan huyết.
- Trường hợp xuất huyết dạ dày ồ ạt, mất máu nặng (> 1000ml máu), mạch >120 phút, huyết áp có thể bằng 0. Bệnh nhân có dấu hiệu thiểu niệu hoặc vô hiệu và choáng
Mục tiêu của truyền máu là bồi hoàn thể máu tuần hoàn để ổn định huyết áp và bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, lượng máu truyền phải ít hơn lượng máu thất thoát sao cho nâng Hb lên để cải thiện triệu chứng lâm sàng, không nâng lên ngưỡng như bình thường.
Xem thêm: Hướng dẫn cách xử lý xuất huyết dạ dày tại chỗ
Các chế phẩm máu được dùng cho bệnh nhân xuất huyết dạ dày
Có rất nhiều chế phẩm của máu được sử dụng trong truyền máu như máu toàn phần, hồng cầu lắng, huyết tương đông lạnh, kết tủa lạnh và tiểu cầu đậm đặc. Mỗi chế phẩm máu đều có những đặc điểm và tính chất hoàn toàn khác biệt. Do đó, bác sĩ sẽ cân nhắc về tình trạng của từng bệnh nhân để chỉ định chế phẩm máu phù hợp.
Với bệnh nhân xuất huyết dạ dày, các chế phẩm máu thường được chỉ định bao gồm:
1. Máu toàn phần
Máu toàn phần là chế phẩm được sử dụng phổ biến cho bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày và những trường hợp mất máu cấp có hạ huyết áp. Ngoài ra, chế phẩm này cũng được dùng trong thiếu máu tán huyết ở trẻ sơ sinh và truyền thay máu trong nhiều trường hợp khác.
Một đơn vị máu toàn phần (250ml) gồm có 50ml chất chống đông và 200ml máu. Máu sẽ được truyền vào cơ thể bệnh nhân trong vòng 30 phút sau khi lấy ra khỏi tủ lạnh.
2. Huyết tương đông lạnh
Trong trường hợp chảy máu dạ dày do suy gan (gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa) hoặc do rối loạn đông máu, bệnh nhân có thể được chỉ định truyền huyết tương đông lạnh. Chế phẩm này cần phải được bảo quản tốt để tránh phá hủy các yếu tố đông máu. Mục tiêu của truyền huyết tương đông lạnh là cầm máu và ngưng hiện tượng chảy máu ở niêm mạc dạ dày.
Đọc thêm: Xuất huyết dạ dày ăn được hoa quả gì?
Chế độ ăn giúp bù máu cho bệnh nhân xuất huyết dạ dày
Truyền máu được chỉ định với mục đích nâng huyết áp, cải thiện lâm sàng và phòng tránh tình trạng sốc, tử vong. Do đó sau khi hiện tượng xuất huyết được kiểm soát, bệnh nhân cần xây dựng chế độ ăn hợp lý để bồi hoàn thể tích máu thất thoát.
Chế độ ăn giúp bù máu cho bệnh nhân bị chảy máu dạ dày:
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu sắt – nguyên tố vi lượng cần thiết để tổng hợp hemoglobin (tế bào quan trọng thực hiện chức năng của hồng cầu) như thịt bò, gan, rau dền, trứng, các loại hải sản, bông cải xanh, bí ngô,… Khi chế biến, nên nấu mềm nhừ và nêm nếm ít gia vị để tránh gây áp lực lên cơ quan tiêu hóa.
- Chia nhỏ bữa ăn và ăn chậm nhai kỹ để dạ dày tiêu hóa và hấp thu tốt vi chất dinh dưỡng.
- Vitamin C có chức năng cải thiện hấp thu sắt của cơ thể. Do đó song song với việc các loại thực phẩm giàu sắt, bệnh nhân cũng nên dùng thực phẩm chứa nhiều vitamin C như cà chua, ổi, sơ ri,… Tuy nhiên, cần tránh dùng thực phẩm chứa nhiều vitamin C có hàm lượng axit cao như quýt, cam, bưởi, chanh.
- Để đảm bảo quá trình hấp thu sắt, cần tránh dùng đồng thời với thực phẩm giàu canxi.
- Ngoài chế độ dinh dưỡng, bệnh nhân cũng cần nghỉ ngơi và tập thể dục thường xuyên để thúc đẩy hoạt động tiêu hóa và hấp thu vi chất dinh dưỡng. Hơn nữa, thói quen sinh hoạt lành mạnh còn giúp thể trạng hồi phục nhanh.
Trên đây là những thông tin giải đáp “Bị xuất huyết dạ dày có phải truyền máu không?”. Để được tư vấn cụ thể hơn về vấn đề này, bệnh nhân nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa.
Tham khảo thêm:
- Bệnh xuất huyết dạ dày có nguy hiểm không? Có chữa được không?
- Xuất huyết dạ dày có phải mổ không? Khi nào nên mổ?