Chữa viêm đại tràng bằng thuốc Đông y được nhiều bệnh nhân lựa chọn bên cạnh các phương pháp điều trị từ Tây y. Các bài thuốc từ Đông y có khả năng bổ tỳ kiện vị, ôn trung, hóa thấp và nâng cao khả năng phòng vệ của cơ thể. Mặc dù có độ an toàn cao nhưng thuốc Đông y thường cho hiệu quả chậm và tác dụng hạn chế hơn so với tân dược.
Bệnh viêm đại tràng theo quan niệm Đông y
Viêm đại tràng là chứng bệnh tiêu hóa khá phổ biến. Theo Tây y, bệnh lý này xảy ra khi đại tràng (ruột già) bị rối loạn chức năng hoặc viêm niêm mạc do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là do nhiễm virus, vi trùng, nấm, ký sinh trùng,… từ thực phẩm và thức uống chưa được nấu chín.
Theo quan niệm Đông y, viêm đại tràng được gọi là chứng phúc thống hoặc đại tràng ung. Bệnh xảy ra do thấp và phong hàn xâm nhập vào đại tràng khiến đường ruột tăng hoặc giảm hấp thu nước một cách bất thường. Do đó, bệnh nhân bị viêm đại tràng luôn luôn gặp phải triệu chứng rối loạn đại tiện (phân lỏng hoặc táo bón) đi kèm với một số biểu hiện rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, ăn uống kém, ợ hơi, buồn nôn, đau bụng,…
Hiện nay bên cạnh điều trị bằng tân dược, nhiều bệnh nhân lựa chọn chữa viêm đại tràng bằng thuốc Đông y – đặc biệt là trong giai đoạn mãn tính. Thực tế ngoài nguyên nhân do nhiễm trùng, viêm đại tràng cũng có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân rất khó cải thiện như rối loạn hệ thần kinh não – ruột, tự miễn hoặc không rõ nguyên nhân. Trong những trường hợp này, sử dụng thuốc không thể kiểm soát bệnh hoàn toàn. Chính vì vậy để tránh tình trạng lạm dụng tân dược, nhiều bệnh nhân lựa chọn chữa bệnh bằng thuốc Đông y.
So với tân dược, thuốc Đông y có độ an toàn cao, lành tính và phù hợp với cơ địa của người Á Đông. Tuy nhiên, do hiệu quả chậm và tác dụng hạn chế nên phương pháp này chỉ được khuyến khích áp dụng trong giai đoạn mãn tính. Ở giai đoạn cấp, bệnh nhân nên điều trị bằng Tây y để kiểm soát bệnh nhanh nhằm hạn chế các rủi ro và tình huống ngoài ý muốn.
Không tập trung điều trị triệu chứng như Tây y, các bài thuốc Đông y tác động toàn diện đến bệnh viêm đại tràng thông qua việc điều hòa chức năng tỳ vị, nâng cao sức khỏe và hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng của bệnh. Nhờ vậy, áp dụng các bài thuốc Đông y đều đặn có thể cải thiện thể trạng và điều hòa nhu động ruột một cách lâu dài.
Trên thực tế, mỗi phương pháp điều trị đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Do đó, bệnh nhân nên trao đổi với với thầy thuốc để nhận được tư vấn chuyên môn. Thầy thuốc sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe, độ tuổi và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân để đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.
Đọc ngay: Viêm ruột già: Nguyên nhân, Triệu chứng và cách phòng ngừa
Các bài thuốc Đông y điều trị bệnh viêm đại tràng
Tương tự như Tây y, Đông y cũng chia viêm đại tràng thành nhiều thể bệnh với căn nguyên, biểu hiện lâm sàng và phương pháp luận trị riêng biệt. Do đó để áp dụng bài thuốc phù hợp, bệnh nhân cần tìm gặp thầy thuốc để được thăm khám và chẩn đoán thể bệnh. Tự ý điều trị dẫn đến tình trạng áp dụng bài thuốc không phù hợp khiến bệnh tiến triển dai dẳng và chuyển biến nặng.
Nếu đang có ý định điều trị viêm đại tràng bằng thuốc Đông y, bệnh nhân có thể tham khảo một số bài thuốc được áp dụng phổ biến hiện nay:
1. Bài thuốc Đông y chữa viêm đại tràng thể tỳ hư khí trệ
Tỳ hư khí trệ là thể bệnh xảy ra do khí hàn thấp sinh ra từ phủ tạng (do dùng đồ ăn lạnh) hoặc do cảm nhiễm tà khí, hàn thấp từ bên ngoài. Thể bệnh này thường bắt nguồn từ chứng thận dương hư, theo thời gian chức năng phế và tỳ suy giảm mà gây ra bệnh.
Viêm đại tràng thể tỳ hư khí trệ đặc trưng bởi tình trạng bụng đầy trướng, đau âm ỉ, chán ăn, ăn uống kém, cơ thể mệt mỏi, rã rời và hay buồn nôn. Đặc biệt, cơn đau có xu hướng tăng dần khi về đêm và đi ngoài nhiều. Đối với thể tỳ hư khí trệ, bệnh nhân cần dùng bài thuốc có tác dụng ôn tỳ vị và hóa thấp.
Các bài thuốc Đông y được sử dụng để chữa bệnh viêm đại tràng thể tỳ hư khí trệ:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị hoàng tinh, hoàng kỳ, xuyên quy và táo nhân mỗi thứ 12g, đại táo 3 quả, trần bì, viễn chí và cam thảo mỗi thứ 6g, bạch truật, mạch môn, đẳng sâm và sinh địa mỗi thứ 16g. Cho dược liệu vào ấm sắc lấy nước uống, ngày dùng đều đặn.
- Bài thuốc 2: Dùng ý dĩ nhân, hoài sơn, mộc hương, đẳng sâm và liên nhục mỗi thứ 12g, cam thảo 4g, mộc hương 3g, trần bì, sa nhân, chỉ xác và binh lang (hạt cau) mỗi thứ 8g. Nếu bụng đau nhiều kèm buồn nôn, có thể gia thêm can khương (gừng khô) 6g. Sắc lấy nước uống, ngày dùng đều đặn 1 thang cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
- Bài thuốc 3: Chuẩn bị chích cam thảo, viễn chí và quế tâm mỗi thứ 6g, mộc hương 8g, đẳng sâm và bạch truật mỗi thứ 16g, đại táo 3 quả, phục thần, táo nhân và hoàng kỳ mỗi thứ 12g, đương quy 10g, gừng nướng 4 lát. Cho tất cả dược liệu vào ấm sắc với 700ml nước vào đến khi còn 300ml thì tắt bếp. Chia nước sắc thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.
Viêm đại tràng thể tỳ hư khí trệ xảy ra do ngũ tạng sinh hàn thấp hoặc nhiễm tà khí từ bên ngoài vào gây tổn thương tạng thận, phế và tỳ. Do đó bên cạnh sử dụng thuốc, bệnh nhân cần tránh dùng thức ăn lạnh (hải sản, đồ tươi sống) và năng tập thể dục để nâng cao sức khỏe.
Xem thêm: Các loại thuốc điều trị viêm đại tràng được bác sĩ khuyên dùng
2. Thuốc Đông y trị bệnh viêm đại tràng thể hàn thấp
Viêm đại tràng thể hàn thấp là chứng bệnh xảy ra do dùng thực phẩm dị ứng hoặc ăn quá nhiều thực phẩm có tính hàn như hải sản, sắn dây, rau má,… Tình trạng này khiến cho khí hàn tích tụ nhiều trong phủ tạng dẫn đến trung dương bị dồn nén, tỳ vị không vận hóa được mà sinh ra bệnh.
Thể hàn thấp đặc trưng bởi tình trạng tiêu chảy, số lần đi tiêu tăng lên đáng kể, bụng đau âm ỉ, cơn đau chạy dọc khung đại tràng kèm theo chướng bụng và đầy hơi. Tình trạng tiêu chảy kéo dài khiến bệnh nhân mất nước, mệt mỏi, suy nhược và người gầy sút. Để giải thể bệnh này, bệnh nhân nên sử dụng các bài thuốc có tác dụng bổ tỳ vị, tán hàn và ôn trung.
Các bài thuốc Đông y chữa bệnh viêm đại tràng thể hàn thấp:
- Bài thuốc 1: Dùng chích cam thảo, ngải diệp, lá khổ sâm, hậu phác, xuyên tâm liên, cẩu tích và bạch linh mỗi thứ 12g. Cho tất cả dược liệu vào ấm sắc với 800ml nước đến khi còn 300ml thì tắt bếp. Chia nước sắc thành 2 phần bằng nhau và dùng uống hết trong ngày.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị ngũ gia bì, bạch truật, hoài sơn và lá đinh lăng (sao) mỗi thứ 16g, bán hạ 10g, hậu phác, đương quy, liên nhục, tất bát và lương khương mỗi thứ 12g. Cho tất cả dược liệu vào ấm sắc kỹ với 800ml nước. Chia nước sắc thành 2 phần bằng nhau và dùng hết trong ngày.
Vì nguyên nhân do ăn nhiều thực phẩm có tính hàn, lạnh và thực phẩm dị ứng nên bệnh nhân cần kết hợp dùng thuốc với kiêng cữ các nhóm thực phẩm gây bệnh. Ngoài ra, nên tăng cường một số loại thực phẩm có khả năng cầm tiêu chảy như hạt sen, khoai lang, khoai môn,…
Tìm hiểu thêm: Viêm đại tràng sau sinh có nên cho con bú?
3. Bài thuốc Đông y chữa viêm đại tràng thể thấp nhiệt
Ngược lại với thể hàn thấp, viêm đại tràng thể thấp nhiệt xảy ra do ăn thực phẩm có tính nóng như món ăn nhiều gia vị, giàu đạm, dầu mỡ, chất bảo quản hoặc dùng nhiều rượu bia, ít vận động và uống không đủ 2 lít nước/ ngày. Dung nạp các món ăn và các loại thức uống kể trên trong thời gian dài có thể khiến tỳ vị ngưng trệ và giảm công năng.
Viêm đại tràng thể thấp nhiệt đặc trưng bởi tình trạng sốt nhẹ, tiêu lỏng kèm đại tiện táo, đau bụng, chướng bụng, đầy hơi và khó tiêu. Bệnh kéo dài khiến bệnh nhân giảm vị giác khi ăn uống, người gầy sút, mệt mỏi và suy nhược. Ngoài ra, bệnh nhân bị chứng viêm đại tràng thể thấp nhiệt còn có tâm tính nóng nảy, dễ tức giận. Đối với bệnh viêm đại tràng thể thấp nhiệt, bệnh nhân cần dùng bài thuốc có tác dụng hóa thấp, thanh nhiệt và kiện tỳ vị.
Một số bài thuốc Đông y chữa bệnh viêm đại tràng thể thấp nhiệt:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị kê nội kim (sao vàng), đương quy, chích cam thảo, liên nhục và liên kiều mỗi thứ 12g, hoài sơn, cây ngũ sắc, lá nhót, nam hoàng bá và bồ công anh mỗi thứ 16g, bán hạ, hậu phác và ngân hoa mỗi thứ 10g. Cho dược liệu vào ấm sắc kỹ, ngày dùng đều đặn 1 thang.
- Bài thuốc 2: Nếu cơ thể gầy yếu, suy nhược và mệt mỏi do bệnh tiến triển mãn tính, nên thêm toan táo nhân (sao đen) 16g và ngũ vị 12g.
- Bài thuốc 3: Trong trường hợp bụng chướng, đầy hơi, khó chịu, gia thêm sinh khương (gừng tươi) 4g, chỉ xác 10g và trần bì (vỏ quýt sao) 12g.
Trong thời gian điều trị, cần kiêng cử thực phẩm nóng, nhiều gia vị và tránh tuyệt đối không uống rượu bia. Để đẩy nhanh tiến độ phục hồi, nên ăn uống điều độ và khoa học. Ngoài ra, nên bổ sung đầy đủ 2 lít nước/ ngày để bù nước và chất lỏng, tránh tình trạng rối loạn điện giải.
Lưu ý: Viêm đại tràng không nên ăn gì để mau chóng khỏi bệnh
4. Bài thuốc chữa viêm đại tràng thể táo kết co thắt
Viêm đại tràng thể táo kết thường xảy ra do thói quen ít vận động, ngồi quá nhiều và căng thẳng thần kinh gây ra. Tây y gọi chứng bệnh này hội chứng đại tràng kích thích (thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới). Thể bệnh này có tiến triển dai dẳng, mãn tính và dễ tái đi tái lại.
Viêm đại tràng thể táo kết đặc trưng bởi tình trạng ăn ngủ kém, người mệt mỏi, đau từng cơn ở vùng hạ vị, bụng trướng, đầy hơi và ăn uống không tiêu. Rối loạn đại tiện (táo bón hoặc phần đầu khô nhưng phần sau nhão kèm theo chất nhầy). Đối với thể bệnh này, cần dùng bài thuốc có tác dụng điều hòa nhu động ruột để giảm triệu chứng của bệnh.
Một số bài thuốc Đông y chữa bệnh viêm đại tràng thể táo kết co thắt:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị toan táo nhân, ngải tượng và hoàng kỳ mỗi thứ 12g, lá mơ lông, rau má, sinh địa và đẳng sâm mỗi thứ 16g, táo 3 quả, trần bì 6g, đại hoàng 4g. Cho dược liệu vào ấm sắc kỹ lấy nước uống, chia nước sắc thành nhiều phần bằng nhau và uống hết trong ngày. Dùng bài thuốc liên tục trong vòng 10 ngày.
- Bài thuốc 2: Dùng bạch truật, xuyên quy, hoàng kỳ, hoàng tinh và táo nhân mỗi thứ 12g, đảng sâm và mạch môn mỗi thứ 16g, viễn chí, cam thảo mỗi thứ 6g, đại táo 3 quả. Cho dược liệu vào ấm sắc đặc lấy nước uống, ngày dùng đều đặn 1 thang. Dùng liên tục trong vòng 10 ngày, sau đó ngưng và có thể lặp lại liệu trình nếu cần thiết.
Bệnh nhân bị viêm đại tràng táo kết co thắt nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng tùy theo triệu chứng gặp phải (tiêu chảy/ táo bón). Ngoài ra, cần năng tập thể dục thể thao và tránh căng thẳng quá mức để hỗ trợ điều hòa nhu động ruột.
Chia sẻ thêm: Bài tập thể dục chữa viêm đại tràng tại nhà hiệu quả dễ thực hiện
5. Bài thuốc chữa tổng thể – Tiêu thực phục tràng hoàn
Đây là bài thuốc được nghiên cứu bởi các chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Thuốc dân tộc. Bài thuốc gồm các thành phần như: Sa nhân, mộc hương, hoàng bá, bạch truật, hoàng liên, chỉ xác, phục linh, đẳng sâm, hương phụ, phòng phong,…. Tiêu thực phục tràng hoàn gồm 4 chế phẩm nhỏ, kết hợp với nhau mang đến công dụng trị hội chứng ruột kích thích, rối loạn tiêu hóa, đại tràng co thắt, đau bụng, tiêu chảy, thanh nhiệt thải độc cho cơ thể, giúp hệ tiêu hóa hoạt động ổn định hơn.
6. Các bài thuốc hỗ trợ khác
Ngoài những bài thuốc đặc trị theo thể bệnh, bệnh nhân bị viêm đại tràng cũng có thể dùng một số bài thuốc hỗ trợ vào giai đoạn bệnh ổn định. Các bài thuốc hỗ trợ có tác dụng nâng cao sức khỏe, giảm mệt mỏi và phòng ngừa suy nhược do bệnh tiến triển dai dẳng, kéo dài.
Một số bài thuốc hỗ trợ chữa viêm đại tràng:
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị thịt dê và hoài sơn (củ mài) mỗi thứ 100g, gạo tẻ 250g. Đem hoài sơn rửa sạch, xắt nhỏ, thịt dê rửa sạch, để ráo và cắt thành miếng nhỏ vừa ăn. Vo gạo tẻ, sau đó cho vào nồi cùng với hoài sơn và thịt dê, đổ lượng nước vừa phải vào ninh cho mềm nhừ. Khi chín, nêm nếm gia vị và chia thành 2 – 3 lần ăn hết trong ngày. Bài thuốc này nên được dùng khi còn ấm và ăn khi bụng đói để cơ thể hấp thu tối đa dinh dưỡng. Thịt dê hầm hoài sơn thích hợp với người bị viêm đại tràng mãn tính thường xuyên bị tiêu chảy, người gầy sút, mệt mỏi, sợ lạnh, ăn kém và bụng đau âm ỉ.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị gừng khô 6g, ngô thù du 3g, nhục đậu khấu 3g, đinh hương 1g, nhục quế 2g và thịt ngỗng 750g. Sơ chế thịt ngỗng rồi cắt thành miếng vừa ăn và ướp với tất cả dược liệu đã được tán bột mịn trong vòng 2 giờ đồng hồ. Cho thịt ngỗng vào chảo xào sơ, đổ thêm 1 ít nước và hầm đến khi thịt mềm nhừ. Nên dùng khi nóng kèm với cơm trắng hoặc dùng riêng đều được. Bài thuốc này thích hợp với bệnh nhân bị tiêu chảy xen kẽ táo bón, đi phân sống, cơ thể mệt mỏi, gầy sút và ăn uống kém.
- Bài thuốc 3: Dùng ý dĩ nhân sao 30g và gạo tẻ 60g. Vo gạo và rửa sạch ý dĩ, sau đó cho vào nồi cùng với nước và hầm nhỏ lửa đến khi ninh thành cháo thì tắt bếp. Nêm nếm gia vị vừa ăn và chia cháo thành 2 – 3 lần ăn mỗi ngày. Bệnh nhân bị viêm đại tràng mãn thường đi phân sống, tiêu chảy, ăn uống kém và khó tiêu nên dùng bài thuốc này để bồi bổ sức khỏe.
- Bài thuốc 4: Chuẩn bị đậu ván trắng 60g, gạo tẻ 60g và củ sen 30 – 50g. Ngâm rửa gạo tẻ và củ sen, đem đậu ván đãi sạch. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi nấu nhừ thành cháo, nêm nếm gia vị vừa ăn và nên sử dụng khi bụng đói. Bài thuốc này thích hợp với người thường xuyên bị đau bụng, sôi bụng, ăn uống kém kèm theo chứng ợ chua.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể tham khảo một số món ăn bồi bổ sức khỏe, hỗ trợ kiện tỳ vị, hóa thấp,… để hỗ trợ quá trình điều trị.
Bạn cần biết: Thuốc điều trị viêm đại tràng cấp khuyên dùng
Một số lưu ý khi chữa viêm đại tràng bằng bài thuốc Đông y
Các bài thuốc Đông y chữa viêm đại tràng có thể cải thiện triệu chứng, nâng cao sức khỏe và điều hòa chức năng tỳ, vị. So với tân dược, thuốc Đông y có độ an toàn cao và ít tác dụng phụ lên gan, thận hơn. Tuy nhiên, sử dụng bài thuốc Đông y không phù hợp hoặc lạm dụng quá mức đều có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn.
Vì vậy trước khi chữa viêm đại tràng bằng các bài thuốc Đông y, bệnh nhân nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Nên tìm gặp thầy thuốc để được thăm khám, chẩn đoán thể bệnh và tư vấn bài thuốc phù hợp trước khi áp dụng. Tự ý dùng các bài thuốc được lưu truyền trong dân gian có thể không mang lại hiệu quả hoặc thậm chí gây ra nhiều tác dụng không mong muốn.
- Khi dùng bài thuốc, cần bào chế dược liệu (nếu cần), sắc và uống thuốc theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc. Không tự ý hiệu chỉnh liều hay tự ý ngưng thuốc nếu không có chỉ định.
- Chú ý các biểu hiện của cơ thể trong thời gian điều trị. Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, nên báo với thầy thuốc để được tư vấn hướng xử lý.
- Thực tế, thuốc Đông y có thể tương tác với một số tân dược. Chính vì vậy, bệnh nhân không nên tự ý dùng phối hợp nếu chưa tham vấn y khoa.
- Bài thuốc Đông y chữa viêm đại tràng thường có hiệu quả chậm. Để nhận thấy chuyển biến tích cực, bệnh nhân nên áp dụng bài thuốc đều đặn trong thời gian được chỉ định.
- Hiện nay có khá nhiều phòng khám Đông y hoạt động nhưng chưa có giấy phép, thầy thuốc không đủ chuyên môn và kinh doanh dược liệu bẩn, không rõ nguồn gốc – xuất xứ. Do đó, bệnh nhân cần thận trọng nếu có ý định điều trị viêm đại tràng bằng thuốc Đông y.
- Bên cạnh các bài thuốc điều trị, nên xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để hỗ trợ điều hòa nhu động ruột và nâng cao sức khỏe, thể trạng. Ngoài ra, bệnh nhân cần tăng cường tập thể dục để giảm các rối loạn tiêu hóa và đại tiện do viêm đại tràng gây ra.
Chữa viêm đại tràng bằng các bài thuốc Đông y là phương pháp được nhiều bệnh nhân lựa chọn. Tuy nhiên để quá trình điều trị đạt kết quả tốt, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến thầy thuốc/ bác sĩ y học cổ truyền trước khi áp dụng. Bên cạnh đó, cần phối hợp với lối sống lành mạnh để đảm bảo tiến độ phục hồi.
Bài viết liên quan:
- Bệnh xuất huyết đại tràng: Nguyên nhân và phương pháp điều trị
- Triệu chứng viêm đại tràng sigma, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị