Viêm đại tràng xung huyết là thuật ngữ đề cập đến hiện tượng niêm mạc ruột già bị phù nề, sưng viêm do tăng lưu lượng máu tuần hoàn. Bệnh lý này thường xảy ra do nhiễm vi khuẩn hoặc hại khuẩn thường trú trong đường ruột phát triển quá mức.
Viêm đại tràng xung huyết là gì?
Xung huyết là thuật ngữ đề cập đến hiện tượng lưu lượng máu tăng lên đột ngột ở một số mạch máu dẫn đến phản sưng viêm và phù nề. Hiện tượng này có thể xảy ra ở nhiều cơ quan trong cơ thể như gan, phổi, dạ dày, đường ruột,… Trong đó, viêm đại tràng xung huyết là bệnh lý tương đối phổ biến.
Viêm đại tràng xung huyết là hiện tượng niêm mạc đại tràng bị phù nề, sưng viêm do tăng lưu lượng máu trong các mạch máu. Hiện tượng này thực chất là phản ứng của ruột già khi tiếp xúc với độc tố của các chủng vi khuẩn có hại. Tương tự như các bệnh đau đại tràng khác, viêm đại tràng xung huyế
t cũng có thể tiến triển cấp hoặc mãn tính.
Lưu lượng máu tăng lên đột ngột ở một số vị trí có thể khiến niêm mạc phù nề, sưng viêm và tăng nhu động bất thường. Ngoài những triệu chứng rối loạn tiêu hóa và đại tiện, viêm đại tràng xung huyết có thể tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng nặng nề nếu không được thăm khám – điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây viêm đại tràng xung huyết
Viêm đại tràng xung huyết chủ yếu xảy ra do nhiễm vi trùng hoặc hại khuẩn trong đường ruột tăng sinh quá mức. Độc tố trong các vi khuẩn có hại kích thích phản ứng xung huyết ở một số vùng niêm mạc và kết quả là gây viêm đại tràng xung huyết. Ngoài nguyên nhân do nhiễm khuẩn, bệnh cũng có thể xảy ra do nhiễm độc tố và ảnh hưởng hóa xạ trị (trong điều trị bệnh ung thư).
Một số nguyên nhân có thể gây bệnh viêm đại tràng xung huyết:
- Thói quen ăn uống không vệ sinh: Các thói quen ăn uống như ăn sống, tái, dùng nước uống chưa được đun sôi, không rửa sạch tay trước khi ăn,… đều có thể làm tăng nguy cơ nhiễm các vi khuẩn gây hại cho dạ dày như Clostridium difficile, Shigella, Salmonella, E. coli,… Độc tố từ các hại khuẩn này kích thích mạch máu ở đại tràng giãn rộng và kết quả là xuất hiện hiện tượng xung huyết.
- Nhiễm độc tố, hóa chất: Trong một số trường hợp, viêm đại tràng xung huyết có thể xảy ra do nhiễm độc hóa chất và độc tố có trong nước uống, thực phẩm. Tương tự như độc tố từ vi khuẩn, độc tố từ các loại thực phẩm và nước uống có thể gây giãn mạch dẫn đến tăng lưu lượng máu và sưng viêm, phù nề.
- Một số yếu tố, nguyên nhân khác: Ngoài ra, nguy cơ bị viêm đại tràng xung huyết còn có thể tăng lên khi có những yếu tố như hóa xạ trị điều trị ung thư, sử dụng kháng sinh dài hạn (làm tăng chủng hại khuẩn trong đường ruột), hệ miễn dịch suy giảm, tuổi tác cao, sử dụng rượu bia và hút thuốc lá trong thời gian dài.
Viêm đại tràng xung huyết cũng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân không được đề cập trong bài viết. Để xác định nguyên nhân chính xác, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự xác định nguyên nhân gây bệnh và tự ý điều trị khi chưa có chỉ định.
Xem ngay: Những dấu hiệu nhận biết ung thư đại tràng không nên bỏ qua
Triệu chứng của bệnh viêm đại tràng xung huyết
Tương tự như các bệnh viêm đại tràng khác, viêm đại tràng xung huyết đặc trưng bởi tình trạng rối loạn tiêu hóa và rối loạn đại tiện. Triệu chứng của bệnh có thể bùng phát đột ngột, tiến triển nhanh (cấp tính) nhưng cũng có thể âm ỉ, dai dẳng và tái đi tái lại thường xuyên (mãn tính).
Các triệu chứng nhận biết bệnh viêm đại tràng xung huyết:
- Đau bụng quằn quại hoặc đau âm ỉ, một số trường hợp có thể đau dọc theo khung đại tràng
- Thỉnh thoảng xuất hiện cơn đau dữ dội ở một vị trí cố định (thường là ở vị trí niêm mạc bị xung huyết)
- Rối loạn đại tiện (tiêu chảy hoặc táo bón), đôi khi có thể xen lẽ từng đợt tiêu lỏng và đại tiện táo
- Thường xuyên cảm thấy buồn đại tiện nhưng không đi được – ngay cả khi mót rặn, tần suất đi tiêu tăng dẫn đến mất nước, cơ thể mệt mỏi và uể oải
- Đi kèm với một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi, chướng bụng, mệt mỏi, suy nhược,…
Trong trường hợp viêm đại tràng xung huyết phát triển mãn tính, bệnh nhân còn có thể gặp phải một số triệu chứng khác như sụt cân, xanh xao, suy nhược, ăn uống kém.
Nên biết: Phác đồ điều trị viêm đại tràng mãn tính như thế nào?
Viêm đại tràng xung huyết có nguy hiểm không?
Viêm đại tràng xung huyết là một dạng viêm đường ruột tương đối phổ biến. Bệnh chủ yếu xảy ra do nhiễm vi khuẩn hoặc do các chủng hại khuẩn trong đường ruột phát triển mạnh (thường do hệ miễn dịch suy giảm, lạm dụng kháng sinh). Bệnh lý này có thể tiến triển cấp hoặc mãn tính tùy theo tác nhân gây bệnh và mức độ tuân thủ điều trị của từng bệnh nhân.
Trên thực tế, đa phần các trường hợp bị viêm đại tràng xung huyết đều có đáp ứng tốt với điều trị bằng thuốc kết hợp với chế độ chăm sóc. Nếu tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, các triệu chứng của bệnh có thể thuyên giảm sau 5 ngày và hiện tượng nhiễm trùng sẽ được kiểm soát hoàn toàn sau 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, viêm đại tràng xung huyết cũng có thể tiến triển nặng dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu chủ quan và không can thiệp điều trị kịp thời.
Các biến chứng có thể gặp phải khi điều trị viêm đại tràng xung huyết:
- Xuất huyết tiêu hóa dưới: Xuất huyết tiêu hóa dưới là biến chứng thường gặp nhất của bệnh viêm đại tràng xung huyết. Như đã biết, xung huyết là hiện tượng mao mạch giãn nở và tăng lưu lượng máu tuần hoàn. Nếu không xử lý sớm, áp lực trong mạch máu có thể tăng lên dẫn đến hiện tượng chảy máu (xuất huyết). Xuất huyết tiêu hóa dưới đặc trưng bởi tình trạng đi ngoài ra máu hoặc đại tiện ra phân đen.
- Bệnh tiến triển mãn tính: Nếu không điều trị sớm, vi khuẩn gây bệnh có thể trú ngụ trong ruột già và gây xung huyết mãn tính. Viêm đại tràng mãn tính thường có triệu chứng nhẹ hơn so với giai đoạn cấp nhưng có đặc tính dai dẳng, dễ tái đi tái lại và gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
- Phình đại tràng: Là hiện tượng giãn nở bất thường của đại tràng đi kèm với chứng tê liệt các nhu động ruột. Đây được xem là một trong những biến chứng nghiêm trọng của viêm đại tràng xung huyết. Tình trạng này cũng thường gặp ở mọi đối tượng từ trẻ nhỏ cho đến người lớn, bệnh thường đi kèm với các triệu chứng như: Táo bón kéo dài, đau quặn bụng theo cơn, căng tức bụng…
- Ung thư đại tràng: Tình trạng xung huyết đại tràng nếu không được kiểm soát sẽ có thể tiến triển thành ung thư đại tràng. Đây là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, tuy nhiên lại đang dần trở nên phổ biến hơn. Ung thư đại tràng không chỉ phát triển tại chỗ mà còn có thể di căn tới nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
- Các biến chứng khác: Ngoài ra, viêm đại tràng cũng có thể gây ra một số biến chứng khác như rối loạn điện giải, hạ huyết áp (do mất nước và muối khoáng), thủng ruột, tắc ruột,…
Viêm đại tràng xung huyết là một trong những dạng viêm đại tràng thường gặp. Dù không quá nguy hiểm nhưng nếu chủ quan, bệnh lý này có thể tiến triển dai dẳng dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề. Do đó, bệnh nhân cần chủ động thăm khám và can thiệp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát bệnh trong thời gian sớm nhất.
Lưu ý: Làm thế nào để chẩn đoán Ung thư đại tràng?
Chẩn đoán viêm đại tràng xung huyết như thế nào?
Để chẩn đoán tình trạng của bệnh viêm đại tràng xung huyết, bác sĩ sẽ tham vấn bạn bằng cách đặt một số câu hỏi liên quan để khai thác về tính chất, mức độ của các triệu chứng mà bạn đang gặp phải. Chẳng hạn như: Triệu chứng xuất hiện khi nào, với tần suất ra sao, đã từng bị trước đó chưa, người thân trong gia đình đã có ai từng mắc các bệnh lý về đại tràng không, cụ thể các triệu chứng như thế nào…? Sau đó sẽ tiến hành:
- Thăm khám trực tiếp
Khi đã nắm bắt được các triệu chứng lâm sàng qua việc tham vấn thông tin từ người bệnh, bác sĩ sẽ thăm khám trực tiếp bằng cách sờ nắm tại vùng bụng để kiểm tra các biểu hiện bất thường. Sau đó dựa vào chẩn đoán để đưa ra chỉ định về kỹ thuật khám chuyên sâu khác mà bạn sẽ phải thực hiện.
- Xét nghiệm máu, nước tiểu, phân
Đây là những xét nghiệm sinh hóa được sử dụng khá phổ biến mà bạn nên thực hiện định kỳ để có thể sớm phát hiện ra các bệnh lý liên quan tới sức khỏe. Xét nghiệm máu, nước tiểu và phân rất cần thiết trong trường hợp đại tràng bị xung huyết. Dựa vào kết quả thu được, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác về tình trạng của bạn để đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp nhất.
- Nội soi đại tràng
Đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi, thông qua việc dùng một ống mềm có kích thước nhỏ, nhẹ, được gắn camera vào đầu. Sau đó từ từ đưa vào đại tràng thông qua đường mũi, miệng hoặc hậu môn để thăm khám. Khi nội soi, camera gắn tại đầu ống sẽ kết nối với màn hình lớn bên ngoài, cung cấp hình ảnh bên trong dạ dày. Nhờ đó mà bác sĩ có thể phát hiện các điểm bất thường tại bề mặt niêm mạc của ruột già.
Nội soi đại tràng được đánh giá mang đến hiệu quả cao và chính xác nhất hiện nay, giúp kiểm soát và điều trị các bệnh lý về tiêu hóa. Thủ thuật này thường kéo dài dưới 30 phút, có nhiều trường hợp sẽ phải thực hiện lâu hơn nếu phát hiện thêm các vấn đề khác như xung huyết đại tràng, hoặc chảy máu cần xử lý gấp.
- Chụp X-quang đại tràng
Chụp X-quang đại tràng được chỉ định dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng của bác sĩ, tuổi tác cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ đại tràng bị thủng, dính ruột, hoặc người bệnh có tiền sử dị ứng với chất cản quang thì phương pháp này hoàn toàn không phù hợp.
Xem thêm: Siêu âm đại tràng như thế nào? Quy trình thực hiện
Các phương pháp điều trị bệnh viêm đại tràng xung huyết
Viêm đại tràng xung huyết thường có đáp ứng tốt với các biện pháp bảo tồn. Tuy nhiên nếu điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả hoặc bệnh đã phát sinh biến chứng, bác sĩ có thể cân nhắc về các phương pháp ngoại khoa.
Trước khi đưa ra phương án điều trị, bệnh nhân cần được nội soi đại tràng, sinh thiết mô, xét nghiệm máu, phân và thăm khám lâm sàng. Qua các kỹ thuật chẩn đoán này, bác sĩ có thể xác định bệnh lý, loại trừ một số khả năng có thể xảy ra và chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với nguyên nhân và mức độ tổn thương của niêm mạc đại tràng.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm đại tràng xung huyết:
1. Điều trị bảo tồn
Trong tất cả các trường hợp, điều trị bảo tồn luôn là lựa chọn ưu tiên. Đối với bệnh viêm đại tràng xung huyết, điều trị bảo tồn chủ yếu là sử dụng thuốc và bù dịch (nếu bệnh nhân bị mất nước, rối loạn điện giải).
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm đại tràng xung huyết:
- Kháng sinh: Kháng sinh là thuốc đặc hiệu đối với viêm đại tràng xung huyết do nhiễm khuẩn. Trước khi có kết quả sinh thiết, bác sĩ thường chỉ định dùng kháng sinh phổ rộng. Sau khi có kết quả nuôi cấy vi khuẩn, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ đáp ứng của từng bệnh nhân để điều chỉnh hoặc giữ nguyên kháng sinh. Thuốc có thể được dùng dạng tiêm tĩnh mạch hoặc đường uống tùy theo mức độ nhiễm khuẩn.
- Thuốc giảm đau chống co thắt: Các loại thuốc giảm đau chống co thắt (Phloroglucinol, Trimebutine và Papaverin,…) được sử dụng để làm giảm cơn đau do đại tràng tăng nhu động bất thường.
- Thuốc cầm tiêu chảy hoặc nhuận tràng: Tùy theo triệu chứng rối loạn đại tiện mà bệnh nhân gặp phải, bác sĩ có thể chỉ định thuốc cầm tiêu chảy hoặc táo bón để cải thiện triệu chứng. Khi dùng các loại thuốc này, nên uống nhiều nước để làm mềm phân và tránh mất nước, rối loạn điện giải do tăng tần suất đi tiêu.
- Corticoid: Corticoid có thể được sử dụng ở đường uống hoặc đường tiêm. Thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch và chống viêm mạnh. Nhờ vậy, corticoid có thể giảm nhanh hiện tượng xung huyết ở niêm mạc đại tràng và dự phòng một số biến chứng nặng nề như xuất huyết, thủng ruột,…
- Một số loại thuốc khác: Ngoài những loại thuốc trên, bệnh nhân cũng có thể được chỉ định thêm một số loại thuốc như thuốc chống viêm (Mesalamine, Olsalazine, Sulfasalazine,…), thuốc an thần, giải lo âu, thuốc ức chế miễn dịch,…
Ngoại trừ kháng sinh là thuốc đặc hiệu trong trường hợp viêm đại tràng do nhiễm khuẩn, các loại thuốc khác chỉ được sử dụng để làm giảm mức độ xung huyết và cải thiện triệu chứng của bệnh. Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý hiệu chỉnh liều hoặc ngưng thuốc đột ngột khi chưa có chỉ định.
Bác sĩ tư vấn: Top thuốc chữa viêm đại tràng tốt nhất hiện nay
2. Điều trị ngoại khoa
Trong trường hợp viêm đại tràng xung huyết không có đáp ứng với điều trị bằng thuốc hoặc đã phát sinh biến chứng, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật để xử lý. Tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp phẫu thuật như:
- Cắt bỏ đoạn ruột già bị xung huyết (trong trường hợp xung huyết nặng và không có đáp ứng với điều trị bảo tồn)
- Nội soi cầm máu (khi xảy ra biến chứng xuất huyết tiêu hóa)
- Nội soi khâu lỗ thủng (trong trường hợp thủng ruột)
Phẫu thuật không phải là lựa chọn tối ưu vì nguy cơ và biến chứng cao so với điều trị bảo tồn. Tuy nhiên trong trường hợp cần thiết, điều trị ngoại khoa sẽ được cân nhắc nhằm bảo tồn chức năng đại tràng và tính mạng cho bệnh nhân.
Xem ngay: Viêm đại tràng uống kháng sinh gì an toàn?
Hướng dẫn cách phòng ngừa viêm đại tràng hiệu quả
Viêm đại tràng xung huyết là bệnh tiêu hóa khá phổ biến. Bệnh lý này có thể được kiểm soát thông qua sử dụng thuốc và điều chỉnh lối sống. Tuy nhiên nếu chủ quan, niêm mạc ruột già có thể bị tổn thương nặng dẫn đến hiện tượng loét, xuất huyết hoặc thậm chí là thủng ruột. Do đó sau khi điều trị, cần chủ động thực hiện một số biện pháp giúp phòng ngừa viêm đại tràng tái phát.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ là phương pháp đơn giản, nhanh chóng, chính xác để có thể phát hiện ra những biến chứng nguy hiểm mà bạn có thể gặp phải. Khi xuất hiện các triệu chứng như đau dạ dày rối loạn đại tiện, phân không thành khuôn, phân dính máu,…thì cần tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra cụ thể, chi tiết. Ngoài ra, bạn cũng nên chủ động kiểm soát tình hình bằng cách thăm khám định kỳ 6 tháng/lần. Qua đó có phương pháp điều trị kịp thời, tránh để tình trạng diễn biến nặng, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Khi bị viêm đại tràng bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu hóa. Đặc biệt là nên tăng cường nhóm thực phẩm chứa nhiều acid béo omega 3, tránh các món gây kích thích lên niêm mạc. Ngoài ra cần uống đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày để hỗ trợ tiêu hóa và giúp cho đại tràng được hoạt động dễ dàng, trơn tru hơn.
- Tăng cường vận động
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, những người bị các bệnh lý về đại tràng, khi thường xuyên tập luyện, vận động phù hợp sẽ cải thiện dần được các triệu chứng, nhất là táo bón. Do đó, bạn cũng nên thường xuyên vận động nhằm tăng cường sức khỏe và giúp cho hệ tiêu hóa được khỏe mạnh hơn. Tốt nhất, nên bắt đầu từ các bài tập đơn giản như tập thở sâu, bơi lội, yoga, đi bộ, cầu lông… Lưu ý là tên luyện tập đều độ, khoa học, tránh quá sức khiến tình trạng thêm nghiêm trọng hơn.
- Thư giãn, tránh căng thẳng
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, có mối liên hệ mật thiết giữa hệ thần kinh và hệ tiêu hóa. Nếu tâm lý thường xuyên bị căng thẳng, stress kéo dài, mệt mỏi thì nguy cơ bị dạ dày xung huyết hay tình trạng bệnh chuyển nặng sẽ càng cao. Chính vì thế mà bạn nên cố gắng giữ cho tâm trạng được thoải mái nhất, hạn chế lo âu và xây dựng chế độ làm việc, nghỉ ngơi phù hợp nhất.
Viêm đại tràng xung huyết là bệnh lý đường ruột khá phổ biến. Bệnh có thể được kiểm soát thông qua sử dụng thuốc và điều chỉnh lối sống. Do đó, bệnh nhân nên chủ động thăm khám để được chẩn đoán và tư vấn phương án điều trị phù hợp. Tuyệt đối không chủ quan khiến bệnh tiến triển nặng dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như xuất huyết, thủng và tắc ruột.
Bài viết liên quan:
- Viêm túi thừa đại tràng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
- Người bị viêm đại tràng nên ăn gì và kiêng gì tốt nhất?