[Tìm Hiểu] Dùng Thuốc Kháng Sinh Trị Viêm Đại Tràng Thế Nào An Toàn?
Thuốc kháng sinh trị viêm đại tràng được sử dụng trong trường hợp bệnh xảy ra do nhiễm khuẩn, nấm, ký sinh trùng,… Tùy theo tác nhân cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định loại kháng sinh phù hợp với độ tuổi và mức độ đáp ứng của từng bệnh nhân.
Khi nào dùng kháng sinh chữa viêm đại tràng?
Viêm đại tràng là tình trạng niêm mạc ruột già bị viêm, phù nề do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, các nguyên nhân thường gặp nhất là nhiễm vi trùng, nấm, ký sinh trùng, ảnh hưởng của hóa xạ trị, tự miễn, thiếu máu ác tính,… Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón kèm theo các triệu chứng do rối loạn chức năng đại tràng như đầy hơi, đi phân sống, chướng bụng và khó tiêu.
Điều trị bệnh viêm đại tràng phụ thuộc vào nguyên nhân, triệu chứng và mức độ đáp ứng của bệnh nhân. Trong đó, kháng sinh là nhóm thuốc đặc hiệu được sử dụng trong trường hợp có dấu hiệu viêm đại tràng xảy ra do viêm nhiễm (nấm, ký sinh trùng, vi trùng,…). Nhóm thuốc này có tác dụng tiêu diệt tác nhân gây nhiễm trùng, qua đó làm giảm mức độ viêm ở ruột già và cải thiện các triệu chứng do rối loạn chức năng đại tràng.
Bên cạnh kháng sinh, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thêm một số loại thuốc điều trị triệu chứng như thuốc giảm đau chống co thắt, thuốc cầm tiêu chảy, thuốc nhuận tràng (giảm táo bón), thuốc an thần, giải lo âu,… Ngoài viêm nhiễm, viêm đại tràng cũng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác. Do đó, bác sĩ sẽ yêu cầu nội soi và sinh thiết để tìm ra nguyên nhân chính xác trước khi chỉ định phương pháp điều trị.
Ưu và nhược điểm khi dùng kháng sinh trị viêm đại tràng
Để người bệnh có thể hiểu rõ hơn và sử dụng thuốc kháng sinh chữa viêm đại tràng phù hợp, chúng tôi đã phân tích sẽ phân tích thế mạnh và những hạn chế của chúng ngay sau đây.
Ưu điểm của thuốc kháng sinh
Mặc dù mỗi loại thuốc kháng sinh đều mang những đặc tính và có cách sử dụng khác nhau, tuy nhiên khi xét về ưu điểm thì thuốc kháng sinh trị viêm đại tràng đều có chung một số điểm chính như sau:
- Đem lại tác dụng nhanh chóng: Các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng như tiêu chảy, táo bón, đau bụng,… sẽ nhanh chóng biến mất chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng thuốc.
- Đa dạng và dễ tìm mua: Đây cũng chính là một trong những ưu điểm nổi bật của thuốc kháng sinh. Các loại thuốc này được bày bán đa dạng, phong phú trên thị trường. Cùng một triệu chứng bệnh, bạn có thể lựa chọn các loại thuốc khác nhau để điều trị. Tuy nhiên, bạn nên xin hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng.
- Mức giá phù hợp: Không chỉ dễ dàng trong việc sử dụng, các loại thuốc kháng sinh đa số đều có giá bán tương đối thấp nên phù hợp với nhiều đối tượng bệnh nhân.
Nhược điểm
Các loại thuốc kháng sinh vẫn có những mặt còn hạn chế mà người bệnh nên biết như sau:
- Kháng thuốc: Nếu sử dụng thuốc kháng sinh trong một thời gian dài nguy cơ cao người bệnh sẽ bị kháng kháng sinh. Hiện nay, tình trạng này gặp ở người bệnh viêm đại tràng ngày càng cao. Nguyên nhân là do bệnh này dễ bị tái phát nên bệnh nhân phải dùng thuốc kháng sinh thường xuyên. Điều này cũng làm cho vi khuẩn quen dần với các độc tính của kháng sinh và kháng lại, từ đó gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như: Nôn mửa, suy thận, suy gan, ảnh hưởng thần kinh, ngộ độc,…
- Dẫn đến các bệnh lý khác: Với những người sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài có thể dẫn đến hiện tượng cơ thể trữ nước và gây ra tiểu đường, béo phì.
- Tác dụng phụ không mong muốn: Kháng sinh là phương pháp dùng để tiêu diệt vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh. Tuy nhiên cũng làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Bởi vậy, trong quá trình sử dụng thuốc người bệnh dễ bị đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng, tiêu chảy hay táo bón.
- Không điều trị dứt điểm bệnh: Tác dụng của thuốc kháng sinh thường chỉ mang tính chất tạm thời. Bởi vậy người bị bệnh viêm đại tràng vẫn có nguy cơ bị tái phát và bị chuyển sang giai đoạn mãn tính.
Bạn cần biết: Viêm đại tràng mãn tính có chữa được không?
Các loại thuốc kháng sinh trị viêm đại tràng phổ biến
Có thể thấy, viêm đại tràng xảy ra do nhiễm các loại virus, nấm, ký sinh trùng và vi trùng từ nguồn nước và thực phẩm chưa được nấu chín. Vì vậy trước khi chỉ định kháng sinh, bệnh nhân cần được nội soi đại tràng kết hợp với sinh thiết để nuôi cấy vi khuẩn.
Tùy theo chủng vi khuẩn gây bệnh, bác sĩ có thể chỉ định các loại kháng sinh trị viêm đại tràng sau:
1. Ciprofloxacin
Ciprofloxacin là kháng sinh nhóm quinolon thế hệ 2, được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm đại tràng do nhiễm khuẩn. Thuốc được chứng minh có tác dụng tiêu diệt các chủng vi khuẩn thường gây viêm nhiễm đường ruột như Shigella, Salmonella, Yersina và Vibrio cholerae. Là kháng sinh có phổ kháng khuẩn rất rộng, Ciprofloxacin còn được sử dụng để điều trị các bệnh viêm nhiễm khác do chủng virus gram âm và gram dương gây ra.
Ciprofloxacin tiêu diệt vi khuẩn bằng cách ức chế enzyme DNA girase nên có thể ngăn sự sao chép của chromosom. Từ đó khiến vi khuẩn không thể sinh sản và bị tiêu diệt dần theo thời gian. Do cơ chế khác biệt với các nhóm kháng sinh thông thường nên Ciprofloxacin là lựa chọn ưu tiên đối với bệnh nhân bị dị ứng kháng sinh penicillin, cephalosporin và aminoglycoside. Ngoài ra, Ciprofloxacin còn có hiệu quả tốt với các chủng vi khuẩn đã kháng lại các nhóm kháng sinh khác.
Nhờ có nhiều ưu điểm vượt trội, Ciprofloxacin được sử dụng rất phổ biến trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nói chung và viêm đại tràng nói riêng. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà nguy cơ kháng kháng sinh Ciprofloxacin đang có xu hướng tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.
Bên cạnh những ưu điểm kể trên, kháng sinh Ciprofloxacin trị viêm đại tràng cũng có những hạn chế:
- Gây viêm dây thần kinh và đau cơ
- Ảnh hưởng đến sự phát triển của sụn và khớp (thai nhi và trẻ em)
- Ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh dẫn đến các triệu chứng như kích động, run rẩy, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu,…
- Có thể gây dị ứng, quá mẫn (nổi mề đay, phù mặt, phù thanh quản,…)
Mặc dù được sử dụng để điều trị viêm đại tràng nhưng dùng Ciprofloxacin liều cao cũng có thể tiêu diệt lợi khuẩn trong đường ruột dẫn đến mất cân bằng sinh thái hệ vi sinh. Tình trạng này dẫn đến tiêu chảy, đau bụng và làm nghiêm trọng hơn các triệu chứng của bệnh.
Tư vấn thêm: Bị viêm đại tràng nên uống thuốc gì?
2. Metronidazol
Ngoài Ciprofloxacin, Metronidazol cũng là một trong những loại kháng sinh được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm đại tràng. Loại thuốc này hiệu quả với cả virus, động vật nguyên sinh (ký sinh trùng, nấm) và vi khuẩn. Metronidazol là dẫn chất 5-nitro-imidazol có phổ kháng khuẩn rộng.
Thuốc được sử dụng chủ yếu trong điều trị viêm đại tràng giả mạc (do chủng vi khuẩn Clostridium difficile). Ngoài ra, Metronidazol còn được dùng trong điều trị bệnh Crohn thể hoạt động ảnh hưởng đến kết tràng, trực tràng và được sử dụng phối hợp trong phác đồ triệt trừ vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp).
Thận trọng khi sử dụng Metronidazol:
- Có thể gây rối loạn tạo máu
- Gây ra một số phản ứng nhẹ kiểu disulfiram như nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, đỏ bừng mặt và đổ nhiều mồ hôi
- Cho kết quả dương tính giả của nghiệm pháp Nelson (suy thượng thận mãn tính)
Trong thời gian điều trị viêm đại tràng bằng Metronidazol, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, chán ăn và miệng có vị kim loại khó chịu. Khi nhận thấy các tác dụng ngoại ý, nên thông báo với bác sĩ để được xử trí kịp thời.
Đọc ngay: Triệu chứng viêm đại tràng giả mạc, chẩn đoán và điều trị
3. Berberin – Kháng sinh trị viêm đại tràng an toàn
Berberin được sử dụng trong trường hợp viêm ruột, tiêu chảy và hội chứng lỵ do trực khuẩn (Shigella shiga). Đây là một alkaloid được chiết xuất từ thân và rễ của cây vàng đắng với khả năng kháng khuẩn mạnh. Hoạt chất này có tác dụng tiêu diệt tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn và trực khuẩn lỵ – tác nhân gây viêm đại tràng cấp tính và mãn tính. Ngoài ra, Berberin còn có hiệu quả đối với một số động vật nguyên sinh và các chủng nấm men thường gây bệnh ở người.
Đối với viêm đại tràng do trực khuẩn lỵ, điều trị ưu tiên luôn là Berberin. Vì so với các loại kháng sinh khác, Berberin không ảnh hưởng đến sự phát triển của các chủng lợi khuẩn trong đường ruột và có nguy cơ kháng thuốc thấp hơn so với kháng sinh tổng hợp. Nghiên cứu cho thấy, Berberin làm giảm khả năng sinh tổng hợp RNA và protein của vi khuẩn khiến vi khuẩn không thể phát triển và sinh sản.
Berberin là kháng sinh tương đối an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng – trừ phụ nữ mang thai (do làm tăng co bóp tử cung). Ở liều điều trị, thuốc hầu như không gây ra tác dụng ngoại ý. Tuy nhiên, cần tránh sử dụng đồng thời với PABA, Nicotinamid và Vitamin B6 vì các loại thuốc này có thể làm mất tác dụng kháng khuẩn của Berberin.
4. Trimethoprim / Sulfamethoxazole
Trimethoprim / Sulfamethoxazole (co-trimoxazole) là kháng sinh kết hợp giữa hai chất đối kháng với axit folic với tỷ lệ 1% Trimethoprim và 5% Sulfamethoxazole. Thuốc được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, hô hấp và viêm nhiễm đường ruột.
Đối với viêm đại tràng, co-trimoxazole thường được sử dụng đối với những trường hợp ruột già bị viêm nhiễm do chủng Shigella, E. coli, Salmonella, Klebsiella, Yersinia,… Vì kết hợp cả hai hoạt chất nên co-trimoxazole ít có nguy cơ kháng kháng sinh hơn so với các loại thuốc kháng khuẩn thông thường. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tỷ lệ kháng thuốc đang có xu hướng tăng lên (đặc biệt là lỵ trực khuẩn).
Chống chỉ định – thận trọng:
- Suy thận nặng không giám sát được nồng độ thuốc có trong huyết tương
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi
- Mẫn cảm với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ do thiếu vitamin B9 (acid folic)
- Dùng co-trimoxazole dài ngày có thể gây mất nước, suy dinh dưỡng và thiếu hụt acid folic. Thuốc còn có thể gây thiếu máu tan huyết ở người bị thiếu hụt men G6PD
Thống kê cho thấy, khoảng 10% bệnh nhân sử dụng co-trimoxazole có thể gặp phải tác dụng phụ. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là buồn nôn, viêm lưỡi, tiêu chảy, nôn mửa, sốt, ngứa,…
Chia sẻ thêm: Top 7 thuốc đại tràng của Nhật Bản tốt nhất
5. Vancomycin
Vancomycin là kháng sinh nhóm glycopeptides nhân 3 vòng phổ hẹp. Thuốc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn bằng cách ức chế sinh tổng hợp vỏ tế bào vi khuẩn, đồng thời tác động đến quá trình tổng hợp RNA và tính thấm của màng tế bào.
Hiện nay, Vancomycin chủ yếu được sử dụng trong điều trị viêm đại tràng giả mạc (tổn thương đại tràng do vi khuẩn Clostridium difficile). Ngoài ra, thuốc cũng được dùng trong trường hợp viêm đại tràng xảy ra do Enterococcus faecalis. Vì có phổ kháng khuẩn hẹp nên loại thuốc này chỉ được dùng khi các kháng sinh khác khong mang lại hiệu quả.
Vancomycin chủ yếu được sử dụng trong điều trị nội trú để bác sĩ có thể theo dõi chặt chẽ về các phản ứng phụ và nguy cơ kháng thuốc. Đối với điều trị ngoại trú, loại thuốc này thường không được chỉ định. Ngoài nguy cơ kháng thuốc cao, Vancomycin còn gây độc lên thính giác, thận và quá trình tạo máu.
Chuyên gia tư vấn: Top 9 thuốc chữa bệnh đại tràng tốt nhất 2023
6. Một số kháng sinh khác
Ngoài những kháng sinh kể trên, viêm đại tràng do viêm nhiễm cũng có thể được điều trị bằng các loại kháng sinh như:
- Azithromycin
- Ceftriaxone
- Diloxanid (được sử dụng trong trường hợp amip đã chuyển sang thể kén)
- Rifampicin, Isonniazid, Pyrazinamide (được sử dụng trong điều trị viêm đại tràng do lao/ lao ruột)
Viêm đại tràng có thể xảy ra do rất nhiều tác nhân nhiễm trùng. Do đó, ngoài những loại kháng sinh được đề cập trong bài viết, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng các loại kháng sinh khác tùy theo chủng virus, nấm, vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh.
Dùng kháng sinh có thể gây viêm đại tràng?
Mục tiêu chính của sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm đại tràng là tiêu diệt tác nhân nhiễm trùng, từ đó làm giảm hiện tượng viêm ở niêm mạc và cải thiện các triệu chứng như khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, táo bón,… Tuy nhiên, sử dụng kháng sinh cũng có thể là nguyên nhân gây viêm đại tràng hoặc khiến bệnh chuyển biến nghiêm trọng hơn.
Thực tế, viêm đại tràng giả mạc (do vi khuẩn Clostridium difficile) chủ yếu xảy ra do sử dụng kháng sinh. Ngoài tác dụng tiêu diệt vi khuẩn có hại, kháng sinh có thể vô tình ức chế sự phát triển lợi khuẩn bên trong ống tiêu hóa. Kết quả là gây loạn khuẩn ruột và tạo điều kiện lý tưởng để hại khuẩn (chủ yếu là Clostridium difficile) tăng sinh quá mức. Độc tố từ Clostridium difficile khiến đại tràng tăng bài tiết, sau đó hình thành giả mạc có màu trắng hoặc vàng nhạt. Giả mạc bám nhẹ trên bề mặt niêm mạc, dễ bị bong ra và gây chảy máu đường ruột.
Các loại kháng sinh có nguy cơ gây viêm đại tràng giả mạc thường là:
- Kháng sinh beta-lactam kết hợp với Tazobactam hoặc Clavulanate
- Kháng sinh fluoroquinolines
- Kháng sinh beta-lactam
Trong điều trị viêm đại tràng giả mạc, kháng sinh được sử dụng thường là Metronidazole, Vancomycin và Rifampicin (khi cần thiết).
Ngoài viêm đại tràng giả mạc, sử dụng kháng sinh cũng có thể khiến viêm đại tràng chuyển biến nặng hơn. Nguyên nhân là do vi khuẩn kháng kháng sinh và loạn khuẩn ruột. Đây là điều kiện thuận lợi để hại khuẩn phát triển mạnh và gây tổn thương niêm mạc đường ruột nặng nề.
Chính vì vậy, bệnh nhân bị viêm đại tràng cần phải thận trọng khi sử dụng kháng sinh. Sử dụng không đúng cách hoặc lạm dụng quá mức đều làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh và phát sinh nhiều tác dụng ngoại ý khác.
Cần biết: Viêm đại tràng giả mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Hướng dẫn cách dùng kháng trị viêm đại tràng an toàn
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng kháng sinh điều trị viêm đại tràng, bệnh nhân cần tuân thủ các biện pháp sau:
1. Chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định
Trong những năm gần đây, số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh tăng lên đáng kể. Điều này bắt nguồn từ thói quen sử dụng kháng sinh tùy tiện khiến các chủng vi khuẩn có khả năng biến đổi để thích nghi với hoạt tính của thuốc. Do đó để hạn chế tối đa các rủi ro phát sinh, bệnh nhân chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định.
Đối với viêm đại tràng, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân nội soi + sinh thiết để phát hiện chủng vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên trong trường hợp cấp thiết (viêm đại tràng cấp), bệnh nhân thường được dùng kháng sinh phổ rộng trong thời gian chờ đợi kết quả nuôi cấy. Sau đó, bác sĩ có thể đánh giá mức độ đáp ứng để giữ nguyên phác đồ điều trị hoặc thay thế kháng sinh trong trường hợp cần thiết.
2. Dùng đúng liều lượng, thời gian được hướng dẫn
Nếu điều trị ngoại trú, bệnh nhân thường được kê toa thuốc để tiện cho việc sử dụng tại nhà. Tương tự như các loại thuốc khác, kháng sinh cần được dùng theo đúng liều lượng và thời gian được chỉ định. Tự ý hiệu chỉnh liều hoặc ngưng thuốc quá sớm có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm và kháng kháng sinh.
Ngoài ra, dùng kháng sinh liều cao còn gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dẫn đến loạn khuẩn ruột và kích thích hại khuẩn phát triển quá mức. Do đó để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế tối đa tác dụng phụ, bệnh nhân cần sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
3. Một số lưu ý khác
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng nên lưu ý một số vấn đề khác khi sử dụng kháng sinh điều trị viêm đại tràng như:
- Các loại kháng sinh đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của lợi khuẩn trong đường ruột, dẫn đến một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa nhẹ như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy,… trong thời gian sử dụng. Để giảm thiểu tác dụng phụ lên cơ quan tiêu hóa, bệnh nhân nên tăng cường bổ sung chất xơ và probiotic thông qua các loại thực phẩm lành mạnh.
- Ngoài việc sử dụng thuốc đúng liều lượng và thời gian được chỉ định, bệnh nhân cũng cần dùng kháng sinh vào thời điểm được hướng dẫn (trước hoặc sau khi ăn). Ngoài ra, nên dùng thuốc vào một số thời điểm cụ thể trong ngày để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.
- Trong thời gian sử dụng kháng sinh, nên tránh sử dụng rượu bia và các loại thực phẩm, món ăn gây áp lực lên cơ quan tiêu hóa.
- Chú ý các biểu hiện trong thời gian sử dụng và thông báo với bác sĩ trong trường hợp cần thiết.
- Không tự ý phối hợp các loại kháng sinh nếu không có chỉ định của bác sĩ. Việc phối hợp nhiều loại kháng sinh có thể giúp hiệu quả kháng khuẩn tăng mạnh nhưng dẫn đến nguy cơ kháng thuốc cao. Điều này góp phần làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh trong cộng đồng.
Sử dụng kháng sinh trị viêm đại tràng là một trong những biện pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Hy vọng qua bài viết, bệnh nhân có thể hiểu rõ hơn về cơ chế, các loại kháng sinh phổ biến và cách dùng kháng sinh an toàn, hiệu quả nhất.
Tham khảo thêm:
- Top 12 Bài Thuốc Nam Trị Viêm Đại Tràng Bạn Có Thể Tham Khảo
- Chữa viêm đại tràng bằng thuốc Đông y lưu truyền
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!