Đau dạ dày là hiện tượng cơn đau bùng phát do rối loạn nhu động dạ dày hoặc tăng tiết dịch vị (axit) quá mức. Tình trạng này thường bắt nguồn từ thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học, lạm dụng thuốc chống viêm, stress,… Sau đây Favina Hospital sẽ chia sẻ kiến thức tổng quan nhất về đau dạ dày.
Định nghĩa đau dạ dày
Đau dạ dày (đau bao tử) có tên tiếng anh là Stomach Aches. Đây là thuật ngữ đề cập đến cơn đau xuất hiện khi niêm mạc dạ dày bị kích thích quá mức (do tăng tiết axit hoặc do rối loạn nhu động). Tình trạng này có thể gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn nhưng ảnh hưởng nhiều hơn đến người trưởng thành, nhất là người có thói quen sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh.
Đau dạ dày có thể xảy ra trong thời gian ngắn nhưng cũng có thể tiến triển dai dẳng, mãn tính, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Theo ước tính của Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, có khoảng 70% người trong độ tuổi trưởng thành ở nước ta bị đau dạ dày. Đây là con số đáng báo động, phản ánh thực trạng sức khỏe đi xuống của dân số.
Đau dạ dày thường xảy ra ở vùng thượng vị (chiếm hơn 90% trường hợp)
Dạ dày nằm ở vùng thượng vị (vùng bụng trên rốn và dưới xương ức). Do đó, cơn đau dạ dày thường xuất hiện ở vị trí này. Tuy nhiên ở một số trường hợp, cơn đau cũng có thể xảy ra ở vùng bụng bên trái – phải hoặc vùng bụng dưới tùy theo vị trí niêm mạc dạ dày bị tổn thương (phình vị, hang vị, thân vị, môn vị). Trong đó, hang vị là vùng niêm mạc dễ bị kích thích và viêm, loét nhất.
Các vị trí đau dạ dày thường gặp:
- Đau thượng vị: Thượng vị là vị trí thường xuất hiện cơn đau dạ dày. Thống kê cho thấy, 90% trường hợp đau dạ dày xuất hiện ở chính giữa phần bụng trên, phía dưới xương ức và nằm trên rốn. Cơn đau có thể bùng phát đột ngột nhưng cũng có thể âm ỉ, dai dẳng và kéo dài.
- Đau bụng trên bên trái/ bên phải: Ngoài vùng thượng vị, cơn đau cũng có thể xảy ra ở vùng bụng trên bên trái hoặc bên phải, thường chỉ đau 1 bên và rất hiếm khi đau cùng lúc 2 bên. Nguyên nhân gây ra tình trạng này được cho là do dạ dày bị tổn thương ở phần phình vị (phần đầu) hoặc môn vị (phần cuối dạ dày). Hai vị trí này nằm nghiêng hẳn sang bên trái và bên phải nên thường gây đau bụng 1 bên thay vì đau chính giữa ở vùng thượng vị.
- Đau bụng giữa: Ở một số ít trường hợp, đau bao tử cũng có thể xuất hiện ở vùng bụng giữa. Tình trạng này thường xảy ra khi môn vị (phần cuối của dạ dày) bị hẹp/ tắc dẫn đến kích thích nhu động ruột và làm xuất hiện cơn đau ở vùng bụng giữa. Ngoài ra, đau bụng giữa cũng có thể xảy ra do bệnh nhân bị loét dạ dày – tá tràng (phần đầu của ruột non).
Đau dạ dày có triệu chứng tương đối điển hình, trong đó đau vùng thượng vị là vị trí đặc trưng nhất. Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi no hoặc khi bụng đói.
Nguyên nhân đau dạ dày
Đau dạ dày có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu bắt nguồn từ thói quen ăn uống và sinh hoạt, tình trạng này thường có tiến triển chậm và dễ cải thiện. Tuy nhiên trong một số trường hợp, đau dạ dày cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý tiêu hóa.
Một số nguyên nhân gây đau dạ dày thường gặp:
- Vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp): Vi khuẩn Hp được xem là tác nhân chính gây ra các vấn đề ở dạ dày. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể do ăn uống, hôn môi hoặc sử dụng chung vật dụng cá nhân với người mắc bệnh. Vi khuẩn Hp làm thay đổi môi trường của dịch vị, dẫn đến ăn mòn tế bào biểu mô và làm phát sinh cơn đau.
- Các loại vi khuẩn, ký sinh trùng khác: Ngoài ra, đau dạ dày cũng có thể xảy ra do nhiễm vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có trong thực phẩm bẩn như Clostridium perfringens, Salmonella spp, Campylobacter jejun, Escherichia coli, Enterovirus,… Các tác nhân này gây viêm dạ dày ruột (một dạng nhiễm trùng tiêu hóa cấp) với triệu chứng điển hình là đau dạ dày nặng, bùng phát đột ngột kèm tiêu chảy, nôn mửa.
- Thói quen ăn uống: Thói quen ăn uống thiếu khoa học được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau dạ dày. Thực tế cho thấy, đau bao tử thường xảy ra ở người có thói quen nhịn ăn, ăn uống quá mức, dùng nhiều rượu bia, thức ăn cay nóng và chứa nhiều axit. Ngoài ra, thói quen ăn quá nhanh và vận động ngay sau khi ăn cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiêu hóa.
- Thói quen sinh hoạt: Ngoài thói quen ăn uống, đau dạ dày cũng có thể xảy ra do các thói quen sinh hoạt như hút thuốc lá thường xuyên, thức khuya, làm việc với cường độ cao, stress, căng thẳng thần kinh,… Các yếu tố này gây rối loạn hệ thần kinh não – ruột dẫn đến kích thích tăng tiết dịch vị gây ăn mòn niêm mạc và làm bùng phát cơn đau dạ dày.
- Do thuốc: Đau dạ dày là tình trạng thường gặp khi sử dụng kháng sinh, corticoid đường uống và NSAID (thuốc chống viêm không steroid). Trong đó, corticoid và NSAID là các nhóm thuốc tác động trực tiếp khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Kết quả là khiến dịch vị phá hủy chất nhầy, ăn mòn tế bào biểu mô và gây đau thượng vị kèm theo buồn nôn, nôn mửa.
- Biểu hiện của các bệnh tiêu hóa: Đau dạ dày là triệu chứng tiêu hóa khá phổ biến. Không chỉ xảy ra do những nguyên nhân kể trên, đau dạ dày còn có thể là biểu hiện của các bệnh tiêu hóa như hội chứng Zollinger-Ellison, trào ngược dạ dày, viêm dạ dày, viêm dạ dày ruột, loét dạ dày tá tràng,…
Nên xem: HP Dạ Dày Có Chữa Khỏi Được Không Và Chữa Bằng Cách Nào?
Đối tượng đau dạ dày
Đối tượng có nguy cơ cao bị đau dạ dày gồm
- Người nghiện thuốc lá, rượu bia
- Người làm công việc áp lực cao, thường xuyên căng thẳng, stress
- Những người có thói quen thức quá khuya
- Những người làm dụng thuốc kháng sinh
- Do chế độ ăn uống: nhai nhanh, ăn quá no, ăn chua, cay thời gian dài, nằm ngay sau khi ăn...
Triệu chứng đau dạ dày
Đau bao tử là tình trạng rất phổ biến. Tuy nhiên nếu không chú ý, tình trạng này có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh tiêu hóa khác như sỏi mật, viêm tụy, thoát vị cơ hoành,…
Các triệu chứng thường gặp của chứng đau dạ dày:
- Cơn đau xảy ra ở vùng thượng vị (chiếm hơn 90%), đôi khi xuất hiện ở bụng trên bên trái, bên phải và vùng bụng giữa xung quanh rốn
- Cơn đau bùng phát chủ yếu ngay sau khi ăn no hoặc khi bụng đói
- Mức độ tăng lên khi có những điều kiện thuận lợi như uống rượu bia, hút thuốc, căng thẳng, xúc động quá mức,…
- Đau dạ dày có thể xuất hiện đột ngột, đau quặn từng cơn hoặc đau âm ỉ, kéo dài
Ngoài ra, đau dạ dày còn đi kèm với một số triệu chứng khác như:
- Ợ hơi, ợ nóng: Ợ là một trong những triệu chứng thường đi kèm với tình trạng đau dạ dày. Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua,… xuất hiện chủ yếu ngay sau khi ăn no. Mức độ ợ tăng lên nếu ăn quá no hoặc dung nạp các loại thực phẩm, thức uống kích thích như rượu bia, thực phẩm nhiều dầu mỡ,…
- Buồn nôn, nôn mửa: Ngoài ra, đau dạ dày còn có thể đi kèm với tình trạng buồn nôn và nôn mửa. Tương tự như chứng ợ, tình trạng này thường xuất hiện sau các bữa ăn. Sau khi nôn mửa hết thức ăn, cơn đau dạ dày và các triệu chứng đi kèm có xu hướng thuyên giảm đáng kể.
- Khó tiêu: Đau dạ dày là dấu hiệu cho thấy dạ dày bị tổn thương và rối loạn chức năng tiêu hóa. Do đó ngoài cơn đau, bệnh nhân còn có thể gặp phải tình trạng khó tiêu và ăn uống kém.
- Một số triệu chứng khác: Ngoài những triệu chứng kể trên, đau dạ dày còn có thể đi kèm với một số triệu chứng khác như đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, người sụt cân, xanh xao,… do dạ dày tiêu hóa kém khiến đường ruột giảm hấp thu dinh dưỡng.
Ở giai đoạn mới khởi phát, đau dạ dày và các triệu chứng đi kèm thường có mức độ nhẹ. Tuy nhiên nếu không điều trị sớm, mức độ của các triệu chứng có thể tăng dần theo thời gian, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, lao động và sức khỏe.
Đọc thêm thông tin: Bệnh viêm loét dạ dày có lây không? Lây qua đường nào?
Biến chứng đau dạ dày
Đau dạ dày là triệu chứng tiêu hóa gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn. Mặc dù có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng đa phần các trường hợp đau dạ dày đều bắt nguồn từ thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học. Tình trạng này hoàn toàn có thể khắc phục thông qua sử dụng thuốc và tổ chức lại lối sống. Vì vậy, đau dạ dày thường có mức độ không quá nghiêm trọng và thuyên giảm nhanh nếu chăm sóc và điều trị sớm.
Tuy nhiên, đau dạ dày cũng có thể tiến triển nặng trong trường hợp chủ quan không can thiệp điều trị. Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp gặp phải các biến chứng nặng nề như:
- Thủng dạ dày
- Tắc môn vị
- Chảy máu dạ dày
- Ung thư dạ dày
Không chỉ gây ra các biến chứng kể trên, đau dạ dày xảy ra với mức độ nặng và tần suất thường xuyên còn ảnh hưởng đến giấc ngủ, sinh hoạt, hiệu suất lao động và học tập. Dạ dày bị tổn thương còn làm giảm hoạt động tiêu hóa dẫn đến hấp thu dinh dưỡng kém, cơ thể uể oải, xanh xao, suy nhược và sụt cân.
Chẩn đoán đau dạ dày
Trên thực tế, đau dạ dày chỉ là triệu chứng do dạ dày bị kích thích quá mức. Do đó, triệu chứng này có thể thuyên giảm sau một thời gian ngắn điều chỉnh lại lối sống. Tuy nhiên, nếu đau bao tử xảy ra với tần suất thường xuyên, bệnh nhân cần gặp bác sĩ để thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán.
Các kỹ thuật chẩn đoán đau dạ dày:
- Khai thác triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh lý, gia đình và lịch sử dùng thuốc
- Nội soi dạ dày + sinh thiết (nếu cần thiết)
- Xét nghiệm máu, xét nghiệm phân
- Test hơi thở
Tùy vào tình trạng của từng trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số kỹ thuật cận lâm sàng khác. Ngoài chẩn đoán xác định, các kỹ thuật này còn giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân (do vi khuẩn, u gastrin,…) và đánh giá mức độ tổn thương của niêm mạc dạ dày.
Xem thêm: Viêm Dạ Dày Cấp Là Gì? Có Nguy Hiểm Không? Điều Trị Thế Nào?
Điều trị đau dạ dày
Dạ dày là cơ quan hoạt động liên tục do chế độ ăn uống. Chính vì vậy các tổn thương cũng khó lành hơn nhất là các vị trí môn vị, hang vị, bờ cong nhỏ... Tuy vậy nếu người bệnh điều trị đúng cách, thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt bệnh có thể chữa trị được.
Tuy nhiên kết quả của người bệnh không hề giống nhau phụ thuộc vào các yếu tố:
- Cơ sở điều trị, phương pháp điều trị
- Quá trình điều trị, ý thức chữa trị, kiêng khem
- Mức độ tổn thương và các bệnh lý đi kèm...
Mặc dù không quá nghiêm trọng nhưng đau dạ dày không được điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Do đó, bệnh nhân cần tích cực điều trị và chăm sóc để kiểm soát bệnh trong thời gian sớm nhất.
Các biện pháp giảm đau dạ dày cấp tốc
Đau dạ dày có thể bùng phát trong một thời gian ngắn do ăn uống quá mức, thức khuya, dùng thuốc, căng thẳng,… Trong trường hợp này, bệnh nhân không nhất thiết phải sử dụng thuốc mà có thể giảm triệu chứng bằng một số biện pháp đơn giản ngay tại nhà.
Các biện pháp giảm đau dạ dày cấp tốc:
- Uống nước ấm: Uống nước ấm là cách đơn giản để làm dịu cơn đau dạ dày ngay tại nhà. Nước ấm có khả năng trung hòa dịch vị và giảm mức độ kích thích lên tế bào biểu mô. Qua đó làm dịu hiện tượng dạ dày co thắt quá mức và cải thiện cơn đau một cách rõ rệt.
- Xoa bóp: Xoa bóp bụng bằng tinh dầu nóng cũng có thể giảm đau dạ dày và một số triệu chứng đi kèm. Cách đơn giản nhất là massage bụng theo hình tròn, masage theo chiều dọc và ngang từ 5 – 10 lần. Tác động cơ học từ liệu pháp này giúp điều hòa nhu động dạ dày, đường ruột và cải thiện cơn đau rõ rệt.
- Dùng một số thảo dược: Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể dùng gừng, mật ong, cam thảo, bạc hà,… pha với nước ấm uống. Tinh chất từ các thảo dược này có khả năng trung hòa dịch vị, giảm viêm và hạn chế tình trạng dạ dày co thắt quá mức. Ngoài ra, một số thảo dược như bạc hà, gừng còn có hiệu quả cầm nôn và giảm nôn mửa.
Sử dụng thuốc Tây
Trong trường hợp đau dạ dày xảy ra với tần suất thường xuyên, có thể dùng một số loại thuốc không kê toa để cải thiện. Nếu tình trạng bắt nguồn từ các bệnh lý tiêu hóa, bệnh nhân nên dùng thuốc theo phác đồ điều trị của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả.
Các loại thuốc chữa đau dạ dày được sử dụng phổ biến:
- Thuốc bảo vệ niêm mạc: Thuốc bảo vệ niêm mạc là nhóm thuốc có khả năng kết hợp với chất nhầy trong dạ dày tạo thành lớp màng bảo vệ ổ viêm, loét và ngăn chặn hiện tượng ăn mòn của dịch vị. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến gồm Bismuth, Sucrafate và Misoprostol.
- Thuốc antacid: Antacid hay còn gọi là thuốc trung hòa axit là nhóm thuốc được sử dụng để làm giảm đau dạ dày do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cơ chế của thuốc là làm tăng độ pH của dịch vị, từ đó giảm hoạt tính ăn mòn niêm mạc và làm dịu cơn đau dạ dày nhanh chóng. Các loại thuốc trung hòa axit được sử dụng phổ biến bao gồm Carbonate canxi, Magnesium hydroxide, Aluminum hydroxide,…
- Thuốc ức chế tiết axit dạ dày: Tăng tiết axit dạ dày là yếu tố trực tiếp khiến dạ dày bị kích thích và bùng phát cơn đau. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng histamine H2 (Famotidin, Nizatidin, Cimetidine) hoặc thuốc ức chế bơm proton (Esomeprazole, Omeprazole, Rabeprazole, Lansoprazole).
- Kháng sinh: Kháng sinh được dùng khi đau dạ dày xảy ra do vi khuẩn, virus và ký sinh trùng (thường có trong thực phẩm bẩn). Trong trường hợp nhiễm vi khuẩn Hp, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị tối ưu để ngăn hiện tượng kháng kháng sinh.
- Một số loại thuốc khác: Bên cạnh những loại thuốc trên, bệnh nhân đau dạ dày cũng có thể giảm cơn đau bằng một số loại thuốc khác như thuốc chống co thắt (Buscopan, Spasmaverin) và thuốc ức chế choline (Banthine, Probanthine và Pirenzepine).
Đa phần các trường hợp đau dạ dày đều đáp ứng tốt khi điều trị bằng tân dược. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả, bệnh nhân chỉ sử dụng thuốc khi đã tham vấn y khoa. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định, nhất là với thuốc kháng sinh.
Đọc thêm: Top 15+ Thuốc Trị Đau Dạ Dày Hiệu Quả Tốt Nhất Hiện Nay
Một số phương pháp khác
Hiện nay ngoài sử dụng tân dược, nhiều bệnh nhân lựa chọn điều trị đau dạ dày bằng thuốc nam và Đông y. Thuốc nam và thuốc Đông y được đánh giá cao hơn về độ an toàn, lành tính và gần như không có chống chỉ định tuyệt đối. Tuy nhiên, các loại thuốc này thường có hiệu quả chậm và đem lại cải thiện hạn chế hơn so với tân dược.
- Thuốc Nam: Một số cây thuốc nam đã được chứng minh về hiệu quả trị đau dạ dày như lá khôi tía, chè dây, gừng, nghệ, mật ong, cam thảo,… Bệnh nhân có thể dùng các loại thuốc Nam này dưới dạng hãm trà, ngâm, sắc hoặc sử dụng ở dạng viên uống hỗ trợ.
- Thuốc Đông y: Thuốc Đông y là biện pháp được nhiều bệnh nhân đau dạ dày lựa chọn. Các bài thuốc Đông y kết hợp nhiều dược liệu có tác dụng hành khí, bổ tỳ vị, giải can khí uất, thu liễm, chế toan,… để điều hòa hoạt động bài tiết dịch vị, làm lành ổ viêm loét và kích thích tiêu hóa. Tùy theo thể bệnh và triệu chứng của từng bệnh nhân, thầy thuốc sẽ gia giảm dược liệu cho phù hợp.
Phòng tránh đau dạ dày
Có thể nói, lối sống là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với đau dạ dày và các chứng bệnh tiêu hóa thường gặp. Do đó song song với các biện pháp y tế, bệnh nhân nên xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học để hỗ trợ quá trình điều trị. Hơn nữa, duy trì lối sống lành mạnh cũng là chìa khóa để nâng cao sức khỏe và phòng ngừa đau dạ dày tái phát.
Chế độ chăm sóc và phòng ngừa đau dạ dày tái phát:
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm có khả năng trung hòa dịch vụ và điều hòa hoạt động tiêu hóa như rau củ, trái cây, hạt óc chó, hạnh nhân, thịt gà, cá,… Bên cạnh đó, nên dùng thức ăn mềm, lỏng, ít gia vị và chia nhỏ bữa ăn để giảm áp lực lên dạ dày.
- Tránh các loại thực phẩm và thức uống kích thích đau dạ dày bùng phát như rượu bia, thực phẩm chứa nhiều axit (cam chua, chanh, cóc, me, đồ muối), nước ngọt có gas, đồ ăn chiên xào, nhiều gia vị,…
- Hạn chế ăn thực phẩm sống, tái khi bị đau dạ dày. Bên cạnh đó, cần ăn chậm nhai kỹ và tránh vận động mạnh ngay sau khi ăn.
- Tập thói quen ăn đúng giờ, đủ bữa, không ăn uống quá mức hoặc nhịn ăn. Nên ăn bữa tối trước 19:00 và giảm lượng thức ăn vào bữa tối để ngăn hiện trượng trào ngược.
- Lựa chọn thực phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng, không dùng thực phẩm ôi thiu, kém chất lượng.
- Cân đối thời gian nghỉ ngơi, làm việc nhằm hạn chế căng thẳng và stress quá mức.
- Dành 30 – 60 phút mỗi ngày tập thể dục thể thao. Bên cạnh lợi ích đối với xương khớp, hoạt động thể chất còn giúp điều hòa quá trình bài tiết dịch vị của dạ dày. Từ đó giúp ổn định hoạt động tiêu hóa và phòng ngừa đau dạ dày tái phát.
- Không tự ý sử dụng thuốc chống viêm khi không có chỉ định. Ngoài ra, nên thông báo với bác sĩ tiền sử đau dạ dày để được chỉ định loại thuốc phù hợp.
- Không hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích.
- Ngủ đúng giờ, đủ giấc và hạn chế thói quen thức khuya.
Đau dạ dày là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp ở cả trẻ nhỏ và người trưởng thành. Nếu điều trị và chăm sóc đúng cách, tình trạng này hoàn toàn có thể được kiểm soát trong thời gian ngắn. Tuy nhiên để có hướng điều trị phù hợp, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường.
Xem thêm: Những Loại Trái Cây Nên Ăn Khi Đau Dạ Dày Để Nhanh Khỏi