Viêm đại tràng sigma là bệnh lý tiêu hóa khá thường gặp do nhiều nguyên nhân gây ra. Ngoài gây phiền toái và ảnh hưởng sức khỏe thì bệnh còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không can thiệp điều trị kịp thời.
Tìm hiểu về đại tràng sigma
Về mặt giải phẫu, đại tràng sigma là đoạn cuối của ruột già nằm gần trực tràng và ống hậu môn. Bộ phận này có chiều dài dao động trong khoảng từ 35 – 40cm. Bình thường, đại tràng sigma được nằm gọn trong khung xương chậu. Tuy nhiên, do có tính di động tự nhiên nên đôi khi đại tràng sigma có thể bị dịch chuyển vị trí và nằm lạc chỗ ở trong ổ bụng.
Trong ruột già, đại tràng sigma có chức năng đào thải chất rắn và lượng khí phát sinh từ đường tiêu hóa. Nhờ có các đường cong về phía hậu môn nên bộ phận này có thể giữ khí trên phần cao của quai ruột. Từ đó cho phép đại tràng sigma có khả năng đẩy khí ra bên ngoài mà không cần thực hiện cùng lúc với hoạt động đào thải phân.
Đọc thêm: Polyp đại tràng 3mm: Cách chữa polyp đại tràng sigma
Viêm đại tràng sigma là gì? Dấu hiệu nhận biết
Viêm đại tràng sigma là thuật ngữ đề cập đến tình trạng viêm nhiễm xuất hiện ở niêm mạc đoạn cuối ruột già. Bệnh lý này thường gặp ở người cao tuổi và có xu hướng tái phát thường xuyên.
Triệu chứng của bệnh viêm đại tràng sigma có thể khiến cho người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, khó chịu. Tình trạng bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì có thể tiến triển mãn tính. Lúc này việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bệnh viêm đại tràng sigma có thể gây ra các triệu chứng bao gồm:
- Rối loạn tiêu hóa (đi ngoài phân sống – nát, tiêu chảy, táo bón).
- Thay đổi số lần đi đại tiện, đôi khi trong phân xuất hiện chất nhầy và máu.
- Đau bụng có thể âm ỉ hay dữ dội ở vùng hố chậu 2 bên. Cơn đau thường lan rộng dọc theo khung đại tràng. Tuy nhiên mức độ đau có xu hướng giảm nhanh sau khi đại tiện.
- Đầy hơi, chướng bụng, bụng kêu réo ọc ạch suốt ngày.
- Mệt mỏi, thường xuyên cáu gắt, sút cân, suy nhược cơ thể.
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà các triệu chứng gặp phải có thể khác nhau. Cần chú ý để sớm phát hiện và chủ động thăm khám nhằm kiểm soát bệnh nhanh chóng, tránh phát sinh vấn đề nghiêm trọng.
Nên biết: Triệu chứng viêm đại tràng ở trẻ em và cách điều trị
Nguyên nhân gây viêm đại tràng sigma
Như đã đề cập, viêm đại tràng sigma là một dạng bệnh đại tràng phổ biến ở người cao tuổi. Nguyên nhân là do, người cao tuổi có chức năng tiêu hóa giảm sút, thêm vào đó là hệ miễn dịch đã bị yếu đi.
Tuy nhiên, bệnh lý này cũng có thể ảnh hưởng đến các đối tượng khác. Các yếu tố sau đây có thể tác động và làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Bị nhiễm vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng. Đôi khi tình trạng nhiễm trùng tại đại tràng sigma có thể xuất hiện do lây lan từ các phần khác của ruột già.
- Ngộ độc thức ăn, dị ứng thực phẩm hay kém dung nạp với thực phẩm.
- Hàm lượng ure trong máu cao.
- Do ảnh hưởng từ một số bệnh lý khác. Điển hình như bệnh Crohn, thiếu máu cục bộ đại tràng, rối loạn thần kinh thực vật…
- Sử dụng các loại thực phẩm kém vệ sinh hay đồ ăn bị ôi thiu, mốc hỏng.
- Uống thuốc kháng sinh kéo dài.
Xem ngay: Dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng co thắt? Có nguy hiểm không?
Viêm đại tràng sigma có nguy hiểm không?
Theo nhận định từ các chuyên gia, viêm đại tràng sigma là bệnh tiêu hóa tương đối lành tính. Tuy nhiên, đây là bệnh lý khó điều trị dứt điểm và có xu hướng dễ tái phát thường xuyên. Chính vì vậy mà gây ra rất nhiều phiền toái, khiến sức khỏe và chất lượng cuộc sống suy giảm.
Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, nếu không can thiệp điều trị kịp thời và đúng cách thì bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Phải kể đến như:
- Chảy máu đại tràng: Biến chứng này thường xuất hiện khi tình trạng viêm tiến triển nặng và xuất hiện các vết loét. Niêm mạc đại tràng nếu bị kích thích sẽ chảy máu liên tục. Trường hợp không được cầm máu kịp thời sẽ dẫn đến mất máu.
- Thủng đại tràng: Những ổ viêm loét ở niêm mạc có thể trở nên nghiêm trọng và ăn mỗi ngày một sâu. Điều này có thể tiềm ẩn biến chứng thủng đại tràng. Đây là biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa trực tiếp tới tính mạng.
- Ung thư đại tràng sigma: Các vị trí tổn thương lâu dần có thể bị loạn sản hay dị sản tế bào. Từ đó dẫn tới rủi ro là làm tăng nguy cơ bị ung thư.
Chẩn đoán viêm đại tràng sigma
Để đưa ra chẩn đoán xác định về bệnh viêm đại tràng sigma, trước hết bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng. Đồng thời thu thập các thông tin về bệnh lý. Đặc biệt là hỏi cụ thể về triệu chứng mà người bệnh gặp phải.
Ngoài ra, một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể được chỉ định nhằm hỗ trợ xác định chẩn đoán. Tùy thuộc vào từng trường hợp mà bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm sau:
- Nội soi đại tràng: Đây là kỹ thuật chẩn đoán phổ biến với bệnh viêm đại tràng nói chung và viêm đại tràng sigma nói riêng. Ở xét nghiệm này, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành luồn 1 ống soi có gắn camera cùng với đèn chiếu vào bên trong đại tràng. Sau đó quan sát hình ảnh thu được trên màn hình để xác định vị trí và mức độ tổn thương.
- Chụp X-quang đại tràng: Xét nghiệm này được dùng thay thế cho những người bệnh không thể thực hiện nội soi đại tràng. Nhất là những bệnh nhân có sức khỏe suy nhược. Điển hình là người già và trẻ nhỏ.
- Xét nghiệm phân: Đây là xét nghiệm giúp nhận diện sự xuất hiện của máu trong phân. Đồng thời hỗ trợ kiểm tra nguyên nhân gây bệnh cụ thể là vi khuẩn, nấm men, virus hay ký sinh trùng.
Chế độ ăn uống cho người bị viêm đại tràng Sigma
Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng bệnh viêm đại tràng sigma. Ăn uống khoa học, đầy đủ chất sẽ giúp bổ sung nguồn dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể cũng như hỗ trợ cải thiện tốt hơn các tình trạng của bệnh.
Cụ thể, người bị viêm đại tràng sigma nên và không nên bổ sung những thực phẩm sau đây:
Thực phẩm nên sử dụng
Người bị các vấn đề về đại tràng, đặc biệt là viêm đại tràng cần bổ sung thêm các loại thực phẩm sau:
- Tăng cường bổ sung các loại rau xanh đậm trong thực đơn hàng ngày.\Bổ sung hoa quả tươi như cam, xoài, bưởi, đu đủ chín, bơ,… và các loại nước trái cây giàu vitamin, khoáng chất để giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng bệnh.
- Người bệnh có thể uống nước dừa để làm mềm phân, dịu niêm mạch dạ dày và giảm các cơn đau. Ngoài ra bạn có thể uống nước ép táo để bổ sung sắt và photpho cho đại tràng.
- Bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể mỗi ngày để hạn chế tối đa tình trạng táo bón cũng như giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Thực phẩm nên hạn chế
Bên cạnh những thực phẩm cần thiết phải bổ sung thì người bị bệnh viêm đại tràng sigma cũng cần kiêng – hạn chế một số thực phẩm như:
- Tránh sử dụng thực phẩm có chứa đường trắng, bánh mì trắng hoặc các sản phẩm từ bột mì trắng, thực phẩm nhiều gia vị, có lượng muối cao vì chúng dễ khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
- Không sử dụng bia – rượu, đồ uống có ga, cafe, gia vị cay nóng bởi những đồ ăn thức uống này dễ gây kích ứng niêm mạc đại tràng và khiến bệnh trở nên tồi tệ hơn.
- Người bệnh không nên sử dụng các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn thực phẩm sống – tái, chưa được nấu kỹ hoặc chưa được đun sôi.
- Người bị viêm đại tràng nên uống nước đun sôi để nguội hoặc khi nước còn ấm và t không nên uống nước lạnh.
Chia sẻ thêm: Viêm đại tràng có được ăn sữa chua không? Những lưu ý khi ăn
Một số món ăn hỗ trợ điều trị bệnh viêm đại tràng Sigma
Ngoài những lưu ý trên trong quá trình ăn uống thì người bệnh cũng có thể tham khảo thêm một vài món ăn bổ dưỡng khi bị viêm đại tràng sau đây:
Cật heo – cốt toái bổ
Không chỉ có tác dụng trong việc điều trị chứng thận hư, thận yếu, tăng cường chức năng sinh lý mà trong cật heo còn có chứa nhiều chất dinh dưỡng như: Vitamin A, C, B1, sắt, photpho, canxi, kali và đạm,… Vậy nên cật heo hay cốt toái bổ được sử dụng rất nhiều cho những người đang bị bệnh, đặc biệt là bệnh liên quan tới đại tràng.
Nguyên liệu chuẩn bị:
- 2 cái cật heo.
- 10g cốt toái bổ.
- Các gia vị khác.
Cách thực hiện:
- Mang cật heo rửa sạch sau đó cắt thành từng miếng vừa ăn. Cốt toái bổ thì bạn cho vào miếng vải sạch bọc lại rồi cho cả cật heo, cốt toái bổ vào nồi, cho thêm nước và đem hầm trong khoảng 1 tiếng.
- Sau khi hầm chín cật heo và cốt toái bổ thì nêm nếm gia vị cho vừa ăn, chia thành 2 – 3 lần ăn trong ngày và ăn liên tục trong vòng 7 ngày liền.
Cháo củ sen
Từ lâu, sen được xem là một trong những vị thuốc quý với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Không chỉ có hạt sen, hoa sen mà cả củ sen cũng được tận dụng để mang lại các tác dụng hữu ích cho cơ thể. Trong đó, hạt sen giúp bổ gan, chống oxy hóa, hạ sốt, ngăn ngừa viêm nhiễm và cải thiện đường huyết, chữa bệnh tiêu chảy cũng như kháng khuẩn vô cùng tốt.
Để chế biến củ sen thành món cháo dinh dưỡng cho người bị bệnh viêm đại tràng, các bạn có thể thực hiện theo cách đơn giản sau đây:
Nguyên liệu chuẩn bị:
- 100g gạo tẻ.
- 150g củ sen già.
- 30g đường cát trắng.
Cách thực hiện:
- Củ sen sau khi mua về thì bạn đem đi rửa thật sạch và cắt thành miếng nhỏ vừa ăn.
- Gạo vo sạch cho vào nồi nấu cùng với củ sen.
- Nấu cho tới khi cháo chín nhừ thì cho đường cát vào và ăn.
- Thực hiện cách nấu cháo củ sen này một vài lần trong tuần để đem lại kết quả tốt nhất.
Có thể bạn cần: Mẹo Uống thuốc Nam Trị Đại Tràng Bạn Có Thể Tham Khảo
Cách điều trị viêm đại tràng sigma
Lựa chọn phương pháp điều trị viêm đại tràng sigma cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ của bệnh. Có thể bao gồm:
1. Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc được cho là phương pháp điều trị chính với bệnh viêm đại tràng sigma. Mục tiêu của dùng thuốc là giúp kiểm soát nhiễm trùng cũng như cải thiện các triệu chứng của bệnh.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và các triệu chứng mà bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc sau:
– Kháng sinh:
Kháng sinh được chỉ định nếu bệnh viêm đại tràng sigma xảy ra do nhiễm trùng (vi khuẩn, nấm men, virus, ký sinh trùng…). Tùy theo mức độ nghiêm trọng ở từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh đường uống hoặc tiêm truyền. Để tránh tình trạng kháng thuốc, người bệnh cần dùng kháng sinh liên tục 7 – 14 ngày tùy theo chỉ dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.
– Thuốc chống viêm:
Nhóm thuốc này được dùng trong trường hợp người bệnh bị viêm và đau nặng. Sulfasalazine, Balsalazide,… là 2 loại thuốc chống viêm được dùng phổ biến nhất. Ngoài ra, nhóm thuốc này còn được cân nhắc dùng cho những người bị viêm đường ruột mãn tính.
– Corticoid:
Corticoid được chỉ định cho những người bị viêm đại tràng sigma cấp tính có mức độ từ vừa đến nặng. Thuốc này có tác dụng kháng viêm và ức chế miễn dịch hiệu quả. Corticoid có thể được dùng ở đường tĩnh mạch khoảng từ 10 – 14 ngày để làm giảm mức độ viêm.
– Các loại thuốc khác:
Ngoài các loại thuốc nêu trên, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng một số thuốc khác. Bao gồm:
- Thuốc cầm tiêu chảy
- Thuốc giảm đau chống co thắt
- Thuốc nhuận tràng trị táo bón
- Thuốc ức chế miễn dịch
- Thuốc an thần, giảm âu lo
Việc điều trị bằng thuốc thường tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ và rủi ro ngoại ý. Chính vì vậy, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định từ bác sĩ về cả liều lượng, tần suất và thời gian sử dụng. Tránh việc tùy tiện điều chỉnh liều hay ngưng thuốc khi chưa được cho phép.
Đừng bỏ qua: 7 thuốc viêm đại tràng của nhật được bác sĩ chuyên dùng
2. Can thiệp phẫu thuật
Trong các trường hợp bệnh không đáp ứng với điều trị bằng thuốc hay gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể cân nhắc việc chỉ định phẫu thuật để cắt bỏ đại tràng sigma. Tuy nhiên, việc can thiệp phẫu thuật có thể tiềm ẩn biến chứng xuất huyết hay nhiễm trùng nghiêm trọng.
Ngay cả khi thực hiện phẫu thuật nội soi đại tràng thì cũng vẫn tiềm ẩn rủi ro và không thể điều trị dứt điểm bệnh lý. Chính vì vậy, phương pháp phẫu thuật chỉ được cân nhắc trong các trường hợp thật sự cần thiết. Sau phẫu thuật, người bệnh cần chú ý ăn uống và sinh hoạt điều độ để ngăn ngừa bệnh tái phát.
3. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống được cho là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát triệu chứng cũng như ngăn chặn tiến triển của bệnh. Chính vì vậy, ngoài việc điều trị y tế, người bệnh cần chú ý điều chỉnh thói quen ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Chế độ ăn uống dành cho người bị viêm đại tràng sigma cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
- Thực hiện tốt nguyên tắc ăn chín uống sôi nhằm tránh tình trạng vi khuẩn, virus, nấm men hay ký sinh trùng xâm nhập và tấn công niêm mạc ruột già.
- Bổ sung đủ 2 – 2.5 lít nước/ngày nhằm hỗ trợ tăng cường nhu động ruột và làm mềm phân. Riêng với các trường hợp bị tiêu chảy, uống nhiều nước sẽ giúp bù chất lỏng và cân bằng điện giải. Từ đó tránh tình trạng sụt cân và suy nhược do bệnh tiến triển mãn tính.
- Tăng cường bổ sung những thực phẩm lành mạnh vào chế độ ăn. Điển hình như rau củ quả tươi, thực phẩm chứa chất béo lành mạnh và hàm lượng đạm dễ tiêu hóa.
- Hạn chế tiêu thụ thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn, đồ cay nóng… Không nên uống các loại đồ uống chứa cồn hay caffeine…
- Tránh tình trạng nhịn ăn khiến cơ thể bị suy nhược, giảm đề kháng. Thay vào đó nên ăn đủ bữa, đúng giờ. Nếu bị đầy hơi, khó tiêu thì có thể chia nhỏ bữa ăn để cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn. Từ đó tránh gây áp lực lên đại tràng cùng các cơ quan tiêu hóa khác.
Phòng ngừa bệnh viêm đại tràng sigma
Viêm đại tràng sigma là bệnh lý khá phổ biến. Bệnh có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng nếu không sớm phát hiện và có biện pháp xử lý đúng đắn. Ngoài ra, bệnh lý này còn có nguy cơ dễ tái phát khi có các điều kiện thuận lợi. Chính vì vậy, bạn nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Đặc biệt ở ở những người có nguy cơ cao.
- Tập thói quen ăn chín uống sôi, không nên dùng các loại thực phẩm tái, sống. Với rau củ quả, nên ngâm rửa sạch sẽ với nước muối loãng nhằm loại bỏ nấm mốc cũng như vi khuẩn có hại.
- Tránh sử dụng rượu bia, thức uống có cồn, thuốc lá hay chất kích thích. Đồng thời tránh ăn các loại đồ cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ…
- Nên tăng cường bổ sung chất xơ và lợi khuẩn nhằm ổn định hệ vi sinh trong đường ruột.
- Thăm khám định kỳ từ 1 – 2 lần/ ăm nhằm phát hiện các dấu hiệu bất thường. Nhất là khi gia đình có tiền sử mắc bệnh viêm đại tràng mãn tính hay ung thư đại trực tràng…
- Nên dành thời gian nghỉ ngơi và luyện tập thể dục thường xuyên để kiểm soát căng thẳng. Đồng thời hạn chế tình trạng stress và lo âu quá mức.
- Cần rửa tay với xà phòng kháng khuẩn cả trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Không dùng kháng sinh hay các loại thuốc giảm đau, kháng viêm khi không thật sự cần thiết.
Viêm đại tràng sigma là bệnh lý tiêu hóa tương đối phổ biến. Cần chú ý phát hiện sớm và kịp thời thăm khám bác sĩ. Đồng thời nghiêm túc điều trị theo chỉ dẫn để sớm kiểm soát và ngăn chặn tiến triển của bệnh. Ngoài ra, cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa để ngăn bệnh tái phát.
Có thể bạn quan tâm:
- Ppolyp trực tràng và đại tràng: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị hiệu quả
- Đại tràng có siêu âm được không? Quy Trình Thực Hiện Và Bảng Giá Mới Nhất 2023