Nội dung chính

Polyp đại tràng đa phần là những khối u lành tính. Tuy nhiên trong một số trường hợp, khối polyp có thể tăng sinh quá mức và tiềm ẩn nguy cơ ung thư do không được biệt hóa. Chính vì vậy, cần có phương pháp can thiệp điều trị kịp thời và đúng đắn.

polyp đại tràng
Polyp đại tràng là gì? Chẩn đoán và điều trị như thế nào?

Polyp đại tràng là gì?

Polyp đại tràng là thuật ngữ đề cập đến sự hình thành các khối tế bào bất thường trên niêm mạc đại tràng. Thực tế, đa phần các khối polyp này là vô hại. Tuy nhiên theo thời gian, một số khối polyp có thể tăng sinh quá mức, nếu không được biệt hóa sẽ phát triển thành ung thư.

Bệnh polyp đại tràng có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng. Trong đó, số liệu thống kê ghi nhận, những người trên 50 tuổi, thừa cân, hút thuốc lá thường xuyên… sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Polyp đại tràng thường hiếm khi gây ra triệu chứng. Để nhận biết bệnh sớm, cần tiến hành làm các xét nghiệm tầm soát thường xuyên. Bệnh nếu phát hiện ở giai đoạn đầu sẽ có thể được loại bỏ hoàn toàn và an toàn.

Không phải tất cả các khối polyp đại tràng đều giống nhau. Polyp có nhiều loại mô học khác nhau. Nghĩa là các tế bào tạo nên polyp sẽ có các đặc điểm khác nhau khi được quan sát dưới kính hiển vi. Chúng cũng có thể khác nhau về kích thước, số lượng cũng như vị trí. Quan trọng nhất là chúng khác nhau về xu hướng trở thành ung thư.

hình ảnh polyp đại tràng
Hình ảnh một số khối polyp xuất hiện trên niêm mạc đại tràng

Thông qua kết quả nghiên cứu mô bệnh học và giải phẫu bệnh, polyp đại tràng được chia thành các loại chính như sau:

Theo kích thước:

  • Polyp nhỏ: Kích thước của polyp dưới 5mm.
  • Polyp vừa: Kích thước của polyp từ 5-10 mm.
  • Polyp lớn: Kích thước của polyp > 10mm. Polyp càng to, nguy cơ ung thư sẽ càng cao.

Theo hình thể:

  • Polyp không cuống: Loại polyp này có nguy cơ ung thư cao hơn và khó để thực hiện cắt bỏ. Bên cạnh đó nguy cơ biến chứng khi cắt cũng cao hơn loại polyp có cuống.
  • Polyp có cuống: Loại polyp này có nguy cơ ung thư thấp hơn, dễ cắt và ít xảy ra biến chứng.

Theo đặc điểm giải phẫu bệnh:

  • Polyp tăng sản: Loại polyp này có kích thước khá nhỏ, nằm ở cuối của đại tràng (trực tràng và đại tràng sigma). Nó không có khả năng biến chứng thành ác tính và không đáng lo ngại. Người bệnh không phải lúc nào cũng có thể phân biệt polyp tăng sản với polyp tuyến thông qua phương pháp nội soi. Thông thường bác sĩ phải dựa vào kết quả mô bệnh học sau khi cắt bỏ polyp để phân biệt.
  • Polyp tuyến: Hai phần ba polyp đại tràng thường là polyp tuyến. Kích thước của polyp tuyến càng lớn thì khả năng ung thư càng cao. Do đó polyp lớn hơn 5mm nên được loại bỏ hoàn toàn để ngăn ngừa phát triển thành ung thư.
  • Polyp ác tính: Là loại polyp chứa tế bào ung thư, việc điều trị phụ thuộc vào mức độ bệnh khi kiểm tra bằng kính hiển vi và các yếu tố cá nhân khác.
  • Polyp răng cưa: Kích thước của loại polyp khi nhỏ thường lành tính. Với loại polyp răng cưa lớn thường dẹt, phẳng, không cuống và nguy cơ ung thư cao, khó cắt bỏ.

Xem thêm: Polyp đại tràng sigma là gì? Có mấy loại bệnh lý

Nguyên nhân gây polyp đại tràng

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra polyp đại tràng vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên thông qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng, sự hình thành các khối polyp bất thường trong đại tràng có liên quan đến sự phát triển bất thường của mô.

Ở cơ thể người, các tế bào khỏe mạnh mới sẽ được phát triển định kỳ để thay thế cho các tế bào cũ bị hư hại hay không còn cần thiết.  Sự phát triển và phân chia của tế bào mới được xác lập và điều chỉnh theo một trật tự nhất định.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các tế bào mới có thể phát triển và phân chia trước khi cần thiết. Và chính sự phát triển quá mức này sẽ khiến cho các khối polyp hình thành. Thực tế, các polyp có thể phát triển tại bất cứ khu vực nào trong đại tràng.

1. Các yếu tố rủi ro

Mặc dù nguyên nhân cụ thể gây ra polyp đại tràng vẫn chưa được xác định nhưng một số yếu tố được cho là có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển polyp đại tràng. Các yếu tố rủi ro được đề cập bao gồm:

nguyên nhân gây bệnh polyp đại tràng
Thường xuyên hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh polyp đại tràng
  • Tuổi tác: Bệnh xuất hiện phổ biến ở những người trên 50 tuổi
  • Tình trạng viêm đường ruột: Bệnh Crohn, viêm đại tràng, loét đại tràng…
  • Tiền sử gia đình có polyp hay ung thư ruột kết
  • Từng bị polyp trong quá khứ
  • Bị ung thư tử cung hay ung thư buồng trứng trước 50 tuổi
  • Không kiểm soát tốt bệnh tiểu đường tuýp 2
  • Hút thuốc lá, thường xuyên uống rượu bia
  • Duy trì lối sống ít vận động
  • Duy trì chế độ ăn uống quá nhiều chất béo

2. Rối loạn di truyền

Mặc dù hiếm xảy ra nhưng một số người thừa hưởng đột biến gen có thể dễ bị polyp đại tràng hơn. Trường hợp có những đột biến di truyền này thì người bệnh sẽ có nguy cơ phát triển ung thư đại tràng cao hơn nhiều lần.

Dưới đây là một số rối loạn di truyền có thể gây ra polyp đại tràng:

  • Hội chứng Lynch:

Những người mắc hội chứng Lynch thường có xu hướng phát triển khá ít polyp đại tràng. Tuy nhiên những khối polyp này lại nhanh chóng trở thành ung thư. Hội chứng Lynch là một dạng ung thư ruột kết di truyền phổ biến. Hội chứng này cũng có thể liên quan tới các khối u ở vú, ruột non, dạ dày, buồng trứng và đường tiết niệu.

  • Bệnh đa polyp tuyến gia đình (FAP):

Đây là một chứng rối loạn hiếm gặp có thể gây ra rất nhiều khối polyp phát triển trong niêm mạc đại tràng. Tình trạng này thường bắt đầu từ khi bạn còn ở tuổi thiếu niên. Nếu các khối polyp không được điều trị thì nguy cơ phát triển thành ung thư ruột kết có thể trên 95%, đa phần vào trước tuổi 40.

  • Hội chứng Gardner:

Đây chính là một dạng biến thể của FAP. Hội chứng Gardner khiến cho các khối u phát triển ở cả đại tràng và ruột non. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể phát triển các khối u lành tính ở những bộ phận khác, bao gồm cả da, bụng và xương.

  • Bệnh polyp liên quan gen MUTYH (MAP):

Những người mắc MAP thường có xu hướng phát triển nhiều polyp tuyến ở trong đại tràng suốt cuộc đời. Bệnh lý này còn làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng nếu không thường xuyên theo dõi bằng nội soi đại tràng.

  • Hội chứng Peutz – Jeghers:

Hội chứng này thường bắt đầu với sự xuất hiện của các đốm tàn nhang mọc khắp cơ thể. Bao gồm cả ở lợi, môi và bàn chân. Sau đó, các khối polyp không phải ung thư có thể phát triển ở khắp ruột. Những polyp này có nguy cơ trở thành ác tính nên người bị hội chứng Peutz – Jeghers thường có nguy cơ mắc ung thư ruột kết cao.

Đọc thêm: Hội chứng đại tràng kích thích: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Các dấu hiệu nhận biết bệnh polyp đại tràng

Như đã đề cập, bệnh polyp đại tràng thường không gây ra các triệu chứng. Đa phần các trường hợp, người bệnh không nhận ra sự tồn tại của khối u cho tới khi bác sĩ phát hiện ra nó thông qua kiểm tra ruột.

triệu chứng polyp đại tràng
Mặc dù thường không gây ra triệu chứng nhưng một số trường hợp, polyp đại tràng có thể gây đau quặn bụng

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh vẫn có thể gặp phải các triệu chứng. Có thể bao gồm:

  • Chảy máu trực tràng: Máu có thể dính trên giấy vệ sinh hay đồ lót sau khi đại tiện. Chảy máu trực tràng có thể là dấu hiệu cảnh báo polyp trực tràng, ung thư hay một số bệnh lý khác. Ví dụ như bệnh trĩ hay nứt kẽ hậu môn.
  • Thay đổi thói quen đại tiện: Tình trạng tiêu chảy hay táo bón kéo dài khoảng hơn 1 tuần có thể là do có sự hiện diện của các khối polyp lớn trong đại tràng. Tuy nhiên một số bệnh đường tiêu hóa khác cũng có thể gây ra sự thay đổi thói quen đại tiện.
  • Thay đổi màu phân: Phân có thể chuyển thành màu đen hay trong phân có xuất hiện máu dưới dạng vệt đỏ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, sự thay đổi màu sắc phân cũng có thể liên quan tới thực phẩm, thuốc hay chất bổ sung.
  • Đau đớn: Sự xuất hiện của các khối polyp đại tràng có thể làm tắc nghẽn một phần ruột. Tình trạng này có thể dẫn tới đau bụng quặn thắt rất khó chịu.
  • Thiếu máu: Chảy máu do polyp có thể sẽ diễn ra từ từ theo thời gian mặc dù không thấy xuất hiện máu trong phân. Tình trạng này kéo dài sẽ gây thiếu sắt để sản xuất hemoglobin. Hệ quả là gây thiếu máu do thiếu sắt khiến người bệnh cảm thấy khó thở và mệt mỏi.

Polyp đại tràng có nguy hiểm không?

Theo nhận định từ các chuyên gia, bản thân polyp đại tràng không phải u mà chỉ là 1 khối thương tổn có hình dạng giống với 1 khối u, có thể có cuống hoặc không. Đa số các trường hợp polyp đại tràng là lành tính. Trong một số trường hợp chúng vẫn có khả năng trở thành ác tính.

Các polyp tăng sản thường không có nguy cơ bị ung thư. Còn các polyp u tuyến được cho là tiền thân của phần lớn các trường hợp ung thư đại tràng. Đặc biệt là các khối polyp có kích thước lớn, còn những khối polyp có kích thước lớn hơn 2cm thì có thể là những vùng nhỏ bị ung thư hóa.

Ngoài ra, những khối polyp có chân rộng và không cuống thì khả năng ác tính hóa sẽ cao hơn những loại có chân nhỏ hoặc cuồng dài. Hơn nữa, trên 1 cơ thể càng có nhiều polyp thì khả năng ác tính hóa sẽ càng cao. Nhất là ở các trường hợp có nhiều polyp đại tràng di truyền.

Như vậy có thể thấy rằng, polyp đại tràng là tình trạng nguy hiểm bởi có tiềm ẩn nguy cơ ung thư. Số liệu thống kê ghi nhận, có khoảng 90% trường hợp bị ung thư đại trực tràng phát triển từ polyp.

Nên biết: Dấu hiệu nhận biết ung thư đại tràng? Biện pháp phòng tránh hiệu quả

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ

Để chẩn đoán chính xác loại polyp đại tràng, đồng thời ngăn ngừa biến chứng xảy ra, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện khám và điều trị. Vậy bạn cần đến gặp bác sĩ khi nào?

  • Người bệnh có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài, đi đại tiện lẫn máu, khuôn phân nhỏ dẹt…
  • Bạn có bệnh viêm mãn tính đại trực tràng.
  • Tiền sử người trong gia đình đã từng bị ung thư đại trực tràng.
  • Người trên 50 tuổi có nguy cơ mắc polyp đại tràng cao hơn người trẻ.

Chẩn đoán polyp đại tràng bằng cách nào?

Các xét nghiệm sàng lọc đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện ra các khối polyp trước khi chúng phát triển thành ung thư. Ngoài ra, các xét nghiệm này cũng sẽ giúp tìm ra ung thư đại tràng ở giai đoạn đầu. Lúc này cơ hội phục hồi và tiên lượng thường tốt.

chẩn đoán polyp đại tràng
Nội soi đại trực tràng là xét nghiệm có thể giúp phát hiện polyp đại tràng

Các phương pháp sàng lọc được đề cập bao gồm:

  • Nội soi đại trực tràng:

Đây được cho là xét nghiệm nhạy cảm nhất với polyp cũng như ung thư trực tràng. Trường hợp phát hiện thấy polyp thì bác sĩ có thể tiến hành loại bỏ chúng ngay lập tức. Hoặc cũng có thể lấy mẫu mô để phân tích.

  • Nội soi đại tràng ảo (CT colonography):

Nội soi đại tràng ảo là một xét nghiệm xâm lấn tối thiểu, bác sĩ tiến hành chụp CT để quan sát ruột kết của người bệnh. Trường hợp phát hiện có polyp thì cần nội soi nhằm loại bỏ nó.

  • Nội soi đại tràng sigma:

Bác sĩ sẽ đưa một ống mảnh, sáng vào trực tràng để kiểm tra đại tràng sigma và trực tràng. Nếu có phát hiện polyp thì cũng cần thực hiện nội soi để loại bỏ nó.

  • Xét nghiệm phân:

Loại xét nghiệm này hoạt động bằng cách đánh giá DNA trong phân hay kiểm tra sự hiện diện của máu trong phân. Trường hợp xét nghiệm phân dương tính thì người bệnh cần thực hiện nội soi.

Tham khảo thêm: Nội soi đại tràng: Quy trình và chi phí

Phương pháp điều trị polyp đại tràng hiệu quả

Điều trị polyp đại tràng có thể bao gồm:

1. Cắt bỏ polyp đại tràng

Cách tốt nhất để điều trị polyp đại tràng chính là cắt bỏ chúng. Bác sĩ có thể thực hiện loại bỏ tất cả các khối polyp được phát hiện trong quá trình kiểm tra ruột. Các tùy chọn để loại bỏ polyp trực tràng bao gồm:

  • Cắt bỏ polyp bằng kẹp hoặc vòng dây: Trường hợp có 1 polyp lớn hơn 1cm thì bác sĩ sẽ tiêm 1 chất lỏng vào dưới nó để nâng và cách ly khối polyp ra khỏi mô xung quanh. Từ đó sẽ giúp loại bỏ polyp dễ dàng hơn.
  • Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu: Đa phần áp dụng phẫu thuật nội soi. Các polyp quá lớn hay không thể loại bỏ được một cách an toàn trong quá trình kiểm tra có thể được loại bỏ qua nội soi. Bác sĩ sẽ thực hiện bằng cách đưa một dụng cụ nội soi vào ruột kết.
  • Cắt bỏ đại tràng và trực tràng: Trường hợp người bệnh mắc một hội chứng di truyền hiếm gặp thì có thể cần phẫu thuật để cắt bỏ đại trực tràng.
điều trị polyp đại tràng
Cắt bỏ polyp đại tràng là cách tốt nhất để điều trị bệnh

2. Chăm sóc và theo dõi

Trường hợp người bệnh có một polyp tuyến hay một polyp có răng cưa thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị ung thư ruột kết hơn. Mức độ rủi ro còn phụ thuộc vào đặc điểm, kích thước hay số lượng các khối polyp đã được cắt bỏ.

Người bệnh cần thực hiện việc sàng lọc sau đó để tìm polyp. Bác sĩ sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để đề nghị nội soi:

  • Trong từ 5 – 10 năm nếu người bệnh chỉ có 1 hay 2 khối polyp tuyến nhỏ.
  • Trong 3 năm nếu người bệnh có nhiều hơn 2 polyp tuyến và polyp tuyến có kích thước lớn hơn 1cm.
  • Trong vòng 3 năm nếu người bệnh có nhiều hơn 10 khối polyp tuyến.
  • Trong vòng 6 tháng nếu người bệnh có 1 khối polyp tuyến rất lớn hay 1 khối polyp tuyến phải được cắt bỏ thành từng mảnh.

Điều quan trọng là người bệnh cần chuẩn bị đầy đủ trước khi tiến hành nội soi. Trường hợp phân vẫn còn trong ruột kết và gây cản trở tầm nhìn của bác sĩ thì người bệnh có thể cần tái khám nội soi sớm hơn so với hướng dẫn chỉ định.

Đọc ngay: Nội soi đại tràng có cần nhịn ăn? Lưu ý cho người bệnh

Ăn gì sau khi thực hiện cắt polyp đại tràng?

Việc duy trì lối sống lành mạnh và kiểm tra thường xuyên có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh polyp trực tràng. Dưới đây là một số biện pháp chính giúp ngăn ngừa bệnh lý này:

Mặc dù cắt polyp đại tràng được xem là tiểu phẫu đơn giản nhưng người bệnh cần nhiều thời gian để phục hồi sức khỏe như bình thường. Vì thế chế độ dinh dưỡng sau khi phẫu thuật là điều bạn cần đặc biệt chú ý. Cụ thể như sau:

Người bệnh nên ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng
Người bệnh nên ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng
  • Người bệnh cần ăn nhiều thực phẩm mềm, lỏng và dễ tiêu hóa trong những ngày đầu sau phẫu thuật. Thông thường sau ca mổ, bệnh nhân phải nhịn ăn từ 24-48 tiếng. Bắt đầu từ ngày thứ 3 trở đi, nếu bác sĩ cho phép bạn mới có thể ăn cháo loãng hoặc súp.
  • Bổ sung thêm thực phẩm giàu chất xơ để nhanh chóng phục hồi cơ thể. Theo đó chất xơ có tác dụng kích thích tiêu hóa, ngăn chặn táo báo sau khi cắt polyp đại tràng. Những thực phẩm giàu chất xơ như bánh mì nâu, bánh mì đen, nho, chuối, cam,… Chúng sẽ cung cấp chất xơ và vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
  •  Ăn thực phẩm giàu đạm để cung cấp năng lượng cho cơ thể tham gia vào việc tái tạo mô, làm lành vết thương. Vì thế sau khi người bệnh cắt polyp nên ăn đậu nành, trứng gà, thịt bò và ngũ cốc,… Tuy nhiên bạn nên băm nhỏ hoặc hầm nhừ để dễ dàng tiêu hóa.
  • Người bệnh nên ăn thực phẩm nhiều chất béo để cải thiện hệ miễn dịch, tốt cho việc hấp thụ vitamin phục hồi cơ thể. Do đó người bệnh nên bổ sung chất béo lành mạnh như đậu nành, dầu mè, dầu dừa,…
  • Tăng cường bổ sung vitamin D và canxi để ngăn ngừa tái phát bệnh ung thư ruột kết. Vitamin D có tác dụng bảo vệ cơ thể, chống lại yếu tố gây ung thư trực tràng.

Cuối cùng, ngoài ăn những thực phẩm tốt cho sức khỏe, người bệnh cần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nguyên nhân polyp đại tràng thường rất khó phát hiện nên chúng ta cần thăm khám sức khỏe định kỳ để nhanh chóng phát hiện bệnh, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp nhất.

Trường hợp bạn có tiền sử gia đình bị polyp đại tràng thì cần xem xét việc tư vấn di truyền. Nếu được chẩn đoán là mắc hội chứng rối loạn di truyền gây ra polyp đại tràng thì việc soi ruột kết thường xuyên bắt đầu từ khi còn trẻ là cần thiết.

Polyp đại tràng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát triển thành ung thư nên người bệnh cần chú ý cẩn trọng. Sớm phát hiện và loại bỏ polyp sẽ giúp ngăn ngừa ung thư ruột kết xảy ra. Ngoài ra, bạn cần thực hiện tốt các biện pháp giúp ngăn ngừa bệnh polyp đại tràng.

Có thể bạn quan tâm:

Câu hỏi liên quan

Ung thư đại tràng là bệnh lý có tỷ lệ bệnh nhân khá cao tại Việt Nam, tuy nhiên sẽ có tiên lượng tốt khi bệnh nhân điều trị kịp thời, có lối sống lành...

Xem chi tiết

Viêm đại tràng đau ở đâu là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Bởi đại tràng (ruột già) chạy dọc xung quanh ổ bụng nên triệu chứng đau thường xuất hiện ở nhiều...

Xem chi tiết

Khám viêm đại tràng tốt ở đâu là vấn đề được nhiều bệnh nhân quan tâm. Bởi thăm khám tại những cơ sở uy tín giúp quá trình chữa trị diễn ra thuận lợi, an...

Xem chi tiết

Nội soi là kỹ thuật thăm khám phổ biến và hiệu quả trong việc chuẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến đại tràng. Việc chuẩn bị cho quá trình nội soi...

Xem chi tiết

Ung thư đại tràng thuộc một trong những căn bệnh có tỷ lệ mắc khá cao tại Việt Nam. Bệnh có những ảnh hưởng rất rõ rệt tới sức khỏe bệnh nhân, gây giảm sút...

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa

Dinh dưỡng sức khỏe

Dịch vụ & Giải pháp