Viêm đại tràng thể táo bón đặc trưng bởi tình trạng đại tiện táo kèm theo đầy hơi, chướng bụng, ăn uống kém,… Nếu chủ động thăm khám sớm, bệnh lý này có thể được kiểm soát bằng cách sử dụng thuốc, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và thay đổi một số thói quen xấu.
Viêm đại tràng thể táo bón là bệnh gì?
Viêm đại tràng thể táo bón là một trong những dạng viêm đại tràng mãn tính. Như đã biết, viêm đại tràng mãn tính là tình trạng niêm mạc ruột già bị viêm lan tỏa hoặc khu trú xảy ra trong thời gian dài và có đặc tính hay tái phát. Trong một số trường hợp, ruột già không xuất hiện tổn thương thực thể mà bị rối loạn chức năng. Viêm đại tràng thể táo bón là thể bệnh đặc trưng bởi tình trạng đại tiện táo kèm theo một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa khác.
Cách gọi viêm đại tràng thể táo bón được sử dụng để phân biệt với bệnh viêm đại tràng thể tiêu chảy (thể lỏng). Bởi bệnh lý này đặc trưng bởi các triệu chứng rối loạn đại tiện (tiêu chảy, táo bón hoặc xen lẫn các đợt tiêu lỏng và bón). Do đó, cách gọi này xuất phát từ triệu chứng lâm sàng mà bệnh nhân gặp phải để bác sĩ dễ dàng nắm bắt bệnh tình và đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.
Thống kê cho thấy, bệnh này chủ yếu gặp ở người bị bệnh viêm đại tràng co thắt (hay còn gọi là hội chứng ruột kích thích). Ngoài ra, thể bệnh này cũng có thể xảy ra do nhiễm vi trùng, ký sinh trùng,… Thống kê cho thấy, đa phần các trường hợp mắc bệnh có thể được kiểm soát thông qua điều chỉnh lối sống – đặc biệt là chế độ dinh dưỡng và sử dụng thuốc.
Đọc thêm: 12 Bài thuốc chữa hội chứng ruột kích thích an toàn, hiệu quả nhất 2023
Nguyên nhân gây viêm đại tràng thể táo bón
Viêm đại tràng mãn tính có triệu chứng tương đối đa dạng. Trong đó, rối loạn đại tiện (tiêu chảy, táo bón) kéo dài được xem là triệu chứng điển hình nhất. Theo các chuyên gia, viêm đại tràng thể táo bón có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Nhiễm lỵ amip: Lỵ amip (Entamoeba histolytica) là sinh vật đơn bào có thể sinh sống và phát triển trong đường ruột. Khác với các vi trùng khác, nhiễm lỵ amip gần như không gây ra triệu chứng. Do đó, tình trạng viêm đại tràng rất dễ chuyển biến mãn tính. Viêm đại tràng do Entamoeba histolytica có thể gây tiêu chảy hoặc đại tiện táo kèm theo các rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, nhiễm lỵ amip được xem là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm đại tràng thể táo bón.
- Rối loạn nhu động đại tràng: Rối loạn nhu động đại tràng là tác nhân trực tiếp gây ra viêm đại tràng co thắt. Trong trường hợp nhu động ruột chậm, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng chướng bụng và đại tiện táo, phân cứng, khô. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng viêm đại tràng thể táo bón.
- Do yếu tố tự miễn: Ngoài ra, bệnh còn có thể xảy ra do yếu tố tự miễn (bệnh Crohn,…). Viêm đại tràng do yếu tố này đặc trưng bởi tình trạng niêm mạc ruột bị viêm lan tỏa hoặc khu trú kèm theo hiện tượng rối loạn nhu động ruột. Vì vậy, căn bệnh này cũng có thể xảy ra do các rối loạn của hệ miễn dịch.
- Không rõ nguyên nhân: Trên thực tế, đa phần các trường hợp bị viêm đại tràng mãn đều không thể xác định được nguyên nhân cụ thể. Do đó, phần lớn trường hợp mắc bệnh đều không thể điều trị dứt điểm. Đối với những bệnh lý này, giải pháp duy nhất là kiểm soát triệu chứng và tiến triển của bệnh thông qua phương pháp y tế kết hợp với điều chỉnh lối sống.
- Một số nguyên nhân khác: Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, bệnh còn có thể xảy ra do lạm dụng thuốc giảm đau chống co thắt, thuốc kháng sinh hoặc ảnh hưởng khi điều trị bằng xạ trị.
Nguy cơ bị viêm đại tràng thể táo bón cũng có thể tăng lên khi có những yếu tố thuận lợi như:
- Chế độ ăn ít chất xơ
- Không uống đủ 2 lít nước/ ngày
- Thường xuyên dung nạp rượu bia, đồ uống chứa caffeine và hút thuốc lá
- Thừa cân – béo phì
- Ít vận động, lười tập thể dục
- Stress, căng thẳng trong thời gian dài
Tìm hiểu thêm: Điều trị viêm đại tràng mãn tính như thế nào?
Dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng thể táo bón
Đúng như tên gọi, viêm đại tràng thể táo bón đặc trưng bởi tình trạng đại tiện táo. Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây ra một số triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp khác.
Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị viêm đại tràng thể táo bón:
- Đại tiện táo, phân khô cứng, khối lượng phân ít
- Tần suất đi tiêu dưới 3 lần/ tuần, thời gian đi tiêu dài và luôn có cảm giác chưa hết phân sau khi đại tiện
- Đau bụng, cơn đau âm ỉ hoặc đau quặn từng con và thường có xu hướng chạy dọc theo khung đại tràng
- Sôi bụng, bụng đầy trướng và ăn uống kém
Tình trạng táo bón kéo dài có thể khiến bệnh nhân xanh xao, cơ thể suy nhược và mệt mỏi. Ngoài ra, táo bón mãn tính còn có thể làm tăng nguy cơ một số vấn đề ở khu vực trực tràng – hậu môn.
Nên biết: Viêm đại tràng cấp tính có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?
Viêm đại tràng thể táo bón có nguy hiểm không?
Viêm đại tràng thể táo bón là bệnh lý khá phổ biến – đặc biệt là ở người trưởng thành. Thông thường, bệnh lý này có thể cải thiện thông qua sử dụng thuốc và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt. Tuy nhiên ở một số trường hợp nặng, táo bón kéo dài, bệnh nhân có thể gặp phải một số biến chứng nếu không can thiệp xử lý kịp thời.
Các biến chứng thường gặp ở người bị viêm đại tràng thể táo bón:
- Bệnh trĩ: Trĩ là bệnh lý xảy ra khi tĩnh mạch ở ống trực tràng – hậu môn bị phình giãn do tăng áp lực ở vùng hậu môn trong thời gian dài. Bệnh trĩ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó táo bón được xem là nguyên nhân phổ biến nhất. Do đó nếu không kiểm soát kịp thời, viêm đại tràng thể táo bón có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.
- Nứt kẽ hậu môn: Nứt kẽ hậu môn là tình trạng xuất hiện các vết nứt do hậu môn bị căng giãn quá mức khi đại tiện hoặc do chấn thương. Ở một số bệnh nhân, phân cứng, khô có thể ma sát và kéo giãn cơ vòng hậu môn. Hệ quả là hình thành vết nứt ở cơ quan này dẫn đến tình trạng đau rát và đại tiện ra máu tươi.
- Cơ thể suy nhược: Tương tự như viêm đại tràng thể lỏng, viêm đại tràng thể táo bón kéo dài khiến cơ thể suy nhược và sụt cân. Nguyên nhân là do đại tràng giảm hoạt động hấp thu vi chất dinh dưỡng. Ngoài ra, tình trạng suy nhược cũng có thể bắt nguồn từ tâm lý lo âu quá mức khi bệnh tái đi tái lại thường xuyên, ảnh hưởng đến hiệu suất lao động và giấc ngủ.
Đọc thêm: 8 Bài tập chữa viêm đại tràng tại nhà hiệu quả dễ thực hiện
Cách chữa trị bệnh viêm đại tràng thể táo bón
Viêm đại tràng thể táo bón có thể được kiểm soát thông qua điều chỉnh lối sống và sử dụng thuốc. Đối với những trường hợp táo bón nhẹ, bệnh nhân cũng có thể thay thế tân dược bằng các loại thảo dược có tác dụng nhuận tràng, thông tiện.
Các phương pháp điều trị bệnh viêm đại tràng thể táo bón:
1. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng là một trong những biện pháp chính đối với bệnh viêm đại tràng thể táo bón. Nguyên tắc khi xây dựng thực đơn ăn uống là tăng cường chất xơ, nước, vitamin và khoáng chất nhằm làm mềm phân, tăng số lần đi tiêu và giảm áp lực lên ống trực tràng – hậu môn. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng trong chế độ ăn để tránh tình trạng cơ thể suy nhược và sụt cân.
Chế độ ăn dành cho người bị viêm đại tràng thể mãn tính:
- Đảm bảo uống đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày để bù chất lỏng, cân bằng điện giải và điều hòa nhu động ruột. Thói quen uống ít nước khiến nhu động ruột chậm và làm nghiêm trọng hơn tình trạng táo bón, đầy hơi, chướng bụng.
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh – đặc biệt là rau lang, rau mồng tơi, rau dền, rau cải, rau ngót,… Bên cạnh đó, nên bổ sung thêm đu đủ, khoai lang, bầu, bí và các loại trái cây để hỗ trợ điều hòa nhu động ruột, từ đó hạn chế tình trạng táo bón và giảm nhẹ các triệu chứng rối loạn tiêu hóa khác.
- Tuy nhiên, nên tăng lượng chất xơ lên theo thời gian. Cung cấp một lượng chất xơ lớn có thể gây ra tình trạng nặng bụng và đầy hơi.
- Bổ sung các loại thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như dầu ô liu, dầu dừa, quả bơ, cá hồi, óc chó, hạnh nhân và các loại cá béo khác. Chất béo trong các loại thực phẩm này giúp làm mềm phân và tạo điều kiện cho hoạt động bài tiết chất thải.
- Tránh ăn quá no, thay vào đó nên chia nhỏ bữa ăn để dạ dày và đường ruột dễ dàng tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp giảm áp lực lên đại tràng và hỗ trợ điều hòa nhu động ruột. Qua đó cải thiện rõ rệt tình trạng táo bón và ăn uống khó tiêu.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu lợi khuẩn (probiotic) như sữa chua, phô mai, kim chi, dưa chuột muối,… Lợi khuẩn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tăng nhu động và cải thiện chứng táo bón hiệu quả. Ngoài ra, bổ sung probiotic thường xuyên còn giúp phòng ngừa loạn khuẩn ruột – nguyên nhân gây bệnh viêm đại tràng giả mạc.
- Bên cạnh đó, nên kiêng cử thực phẩm có tính nóng (tỏi, ớt, tiêu, mù tạt, mít, sầu riêng), món ăn mặn, chứa nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm cứng khô, rượu bia và nước ngọt có gas,… Các loại thực phẩm và thức uống kể trên có thể gây rối loạn nhu động ruột dẫn đến tình trạng táo bón, đầy hơi và khó tiêu.
Thay đổi chế độ dinh dưỡng là biện pháp cho hiệu quả lâu dài đối với bệnh viêm đại tràng thể táo bón. Do đó ngay cả khi triệu chứng thuyên giảm, bệnh nhân vẫn nên duy trì chế độ ăn như trên để phòng ngừa tình trạng tái phát.
2. Sử dụng thảo dược có tác dụng nhuận tràng
Bên cạnh điều chỉnh chế độ ăn, bệnh nhân bị viêm đại tràng thể táo bón cũng có thể tận dụng một số nguyên liệu tự nhiên để cải thiện tình trạng táo bón, đầy hơi, khó tiêu,… Các thảo dược được sử dụng thường có đặc tính thông tiện, kích thích và nhuận tràng tự nhiên.
Một số thảo dược hỗ trợ điều trị viêm đại tràng thể táo bón:
- Dùng mè đen: Mè đen có vị ngọt, béo, tình bình, tác dụng nhuận táo, dưỡng huyết và ích khí lực, rất tốt cho bệnh nhân bị táo bón và cơ thể suy nhược do viêm đại tràng kéo dài. Bệnh nhân có thể dùng mè đen rang chín, sau đó trộn với mật ong hằng 1 – 3 thìa/ ngày hoặc nấu cháo mè đen ăn thường xuyên để cải thiện tình trạng đại tiện khó.
- Nha đam giảm táo bón: Với hàm lượng nước và chất xơ dồi dào, nha đam có thể làm mềm phân, điều hòa nhu động ruột và giảm tình trạng táo bón. Ngoài ra, hoạt chất anthraquinon trong thảo dược này còn giúp thúc đẩy hoạt động tiêu hóa và hỗ trợ giảm viêm ở niêm mạc đại tràng. Vì vậy, bệnh nhân nên dùng nước nha đam đường phèn uống thường xuyên để hỗ trợ làm mềm phân và giảm áp lực lên trực tràng – hậu môn trong quá trình đại tiện.
- Dùng mận khô trị táo bón: Mận khô chứa hàm lượng sorbitol dồi dào, thành phần này có tác dụng tăng lượng chất lỏng bên trong đại tràng, từ đó làm mềm phân và giảm tình trạng táo bón. Do đó, bệnh nhân có thể ăn trực tiếp 2 – 3 quả mận khô mỗi ngày để giảm táo bón do viêm đại tràng gây ra.
Ngoài các loại thảo dược trên, bệnh nhân bị viêm đại tràng thể táo bón cũng có thể cải thiện triệu chứng bằng một số thảo dược có tác dụng nhuận tràng khác như hạt chia, hạt lanh, đậu xanh, phan tả diệp, thục địa,…
Có thể bạn cần: Các bài thuốc đông y trị viêm đại tràng lưu truyền
3. Dùng thuốc điều trị táo bón
Trong trường hợp tình trạng táo bón không thể cải thiện khi điều chỉnh chế độ ăn và tận dụng nguyên liệu tự nhiên, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ để được chỉ định thuốc. Bên cạnh các loại thuốc đặc trị viêm đại tràng tùy theo nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại thuốc cải thiện triệu chứng tùy theo biểu hiện lâm sàng ở từng bệnh nhân.
Đối với viêm đại tràng thể táo bón, bác sĩ có thể chỉ định dùng các loại thuốc như:
- Thuốc nhuận tràng tạo khối: Thường chứa các polysaccharide tự nhiên hoặc tổng hợp, được sử dụng để tăng khả năng hấp thu nước trong ống đại tràng, đồng thời tăng khối lượng phân và thúc đẩy nhu động ruột. Nhóm thuốc nhuận tràng tạo khối không ảnh hưởng đến hoạt động của đường ruột nên ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, tác dụng của thuốc thường chậm hơn so với các loại thuốc nhuận tràng khác. Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm Methylcellulose, Polycarbophil, Psyllium,…
- Thuốc nhuận tràng kích thích: Thuốc nhuận tràng kích thích (Bisacodyl, Phenolphthalein, Cascara,…) tác động trực tiếp lên dây thần kinh ở đường ruột, từ đó tăng nhu động và đẩy nhanh thời gian phân lưu trữ trong ống tiêu hóa. Tuy nhiên, nhóm thuốc này chống chỉ định với người sắp phẫu thuật ổ bụng, viêm dạ dày – ruột, viêm ruột thừa và chảy máu trực tràng.
- Thuốc nhuận tràng làm mềm phân: Thuốc nhuận tràng làm mềm phân (Docusat) làm tăng sự bài tiết của ruột, đồng thời gia tăng hiện tượng hút nước vào phân. Nhờ vậy, phân được làm mềm và dễ dàng đào thải ra bên ngoài.
- Thuốc nhuận tràng bôi trơn: Các loại thuốc nhuận tràng bôi trơn (Glycerin, Parafin) được sử dụng bằng cách đặt hoặc bơm vào kết tràng. Sau khi dung nạp, thuốc nhanh chóng được làm mềm và bôi trơn thành ruột để phân dễ dàng di chuyển xuống trực tràng – hậu môn.
Thuốc nhuận tràng thường được sử dụng không quá 7 ngày. Lạm dụng thuốc quá mức có thể gây liệt ruột, rối loạn nhu động ruột và mất cân bằng điện giải. Trong thời gian dùng nhóm thuốc này, bệnh nhân cần chú ý uống nhiều nước và ăn uống điều độ. Bên cạnh thuốc điều trị triệu chứng (thuốc nhuận tràng), bệnh nhân nên sử dụng thêm một số loại khác theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chuyên gia tư vấn: Các loại thuốc chữa viêm đại tràng được bác sĩ khuyên dùng
Địa chỉ điều trị bệnh lý viêm đại tràng tốt nhất hiện nay
Để có thể nhanh chóng cải thiện các triệu chứng, đẩy lùi bệnh và phục hồi sức khỏe thì bệnh cần đến thăm khám và điều trị tại chuyên khoa tiêu hóa của các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín. Dưới đây là một số địa chỉ được người bệnh phản hồi tốt và giới chuyên gia đánh giá cao nhất hiện nay.
BV Trung ương Quân đội 108 tại Thủ Đô
- Địa chỉ: Nằm ở số 1 Trần Hưng Đạo, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Số điện thoại: 0967751616 hoặc 1900 98 68 69
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là cơ sở y tế có thế mạnh hàng đầu về thăm khám và điều trị các bệnh lý Tiêu hóa. Tại đây được đầu tư các trang thiết bị, máy móc hiện đại có thể kể đến như: Máy nội soi dạ dày – tá tràng, máy soi ổ bụng, máy soi siêu âm, chụp cộng hưởng từ MRI từ ổ bụng,… Nhờ đó giúp chẩn đoán bệnh chính xác và có phương pháp chữa phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.
Bên cạnh đó, khoa còn sở hữu đội ngũ y bác sĩ uyên thâm và dày dặn kinh nghiệm đã trực tiếp điều trị thành công cho rất nhiều ca bệnh. Bởi vậy, nếu còn lo lắng không biết khám bệnh viêm đại tràng thể táo bón ở đâu? Bạn có thể tìm đến ngay Khoa Tiêu hóa tại BV Trung ương Quân đội 108.
Bệnh viện Bạch Mai
- Địa chỉ: Nằm ở số 78 Giải Phóng, Q.Đống Đa, TP.HN
- Số điện thoại: 1900 57 57 58
Khoa Tiêu hóa trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị được mệnh danh “cái nôi” trong điều trị Tiêu hóa nói chung và các bệnh về viêm đại tràng nói riêng. Tại đây hội tụ đội ngũ các bác sĩ giỏi, dày dặn kinh nghiệm và các chuyên gia đầu ngành về Tiêu hóa. Đặc biệt trong đó phải kể đến: PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Vân, TS.BS Nguyễn Công Long, TS.BS Vũ Trường Khanh,…
Ngoài ra, Khoa cũng rất chú trọng trong đầu tư và cập nhật các thiết bị y tế hiện đại nhằm phục vụ tốt nhất cho việc thăm khám và điều trị bệnh đại tràng như: Chụp cắt lớp vi tính CT-Scan, chụp cộng hưởng từ MRI ổ bụng, hệ thống thiết bị nội soi có độ phóng rất lớn nhờ đó kịp thời phát hiện sớm ung thư,…
Tuy nhiên, người bệnh cần hết sức lưu ý Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế thuộc tuyến Trung ương nên mỗi ngày tiếp nhận số lượng bệnh nhân khám và chữa bệnh rất lớn. Bởi vậy, để quá trình thăm khám diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn thì bạn nên đến sớm.
Bệnh viện Chợ Rẫy
- Địa chỉ: Nằm ở số 201B Nguyễn Chí Thanh, P.12, Q.5, TP.HCM
- Số điện thoại: (028) 39.556.079
Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những bệnh viện đa khoa tuyến đầu của TPHCM nói riêng và toàn bộ khu vực phía Nam nói chung. Đặc biệt đây là địa chỉ uy tín và nổi tiếng trong khám và điều trị các bệnh lý liên quan đến tiêu hóa như viêm đại tràng.
Nguyên nhân bệnh viện được đánh giá cao là do nơi đây hội tụ đội ngũ các y bác sĩ giỏi, có chuyên môn và giàu kinh nghiệm. Hơn nữa, đơn vị còn có hệ thống các trang thiết bị hiện đại như: Hệ thống thiết bị nội soi gây mê và không gây mê, máy chụp X quang kỹ thuật số, máy siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ,… Những điều này đã hỗ trợ rất tốt cho quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh.
BV Đại học Y dược TPHCM
- Địa chỉ: Ở số 215 Hồng Bàng, P.11, Quận 5, TP.HCM
- Số điện thoại: 08 3855 4269
Khoa Tiêu hóa trực thuộc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM là địa chỉ khám, chữa các bệnh về viêm đại tràng tốt mà mọi người có thể tìm đến. Tại đây có hệ thống trang thiết bị được đầu tư hiện đại, nhập mới hoàn toàn và cập nhật liên tục. Hơn nữa, đội ngũ y bác sĩ đều là những người giàu kinh nghiệm, nhờ đó giúp chẩn đoán và phân tích bệnh vô cùng chính xác để đưa ra chỉ định sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, bệnh viện thuộc tuyến trung ương, nên có số lượng bệnh nhân khám và chữa bệnh tương đối đông. Vì vậy, người bệnh nên đặt lịch trước để có thể được khám, chụp chiếu và kê đơn điều trị trong ngày.
Đọc ngay: Bệnh viện nào chữa đại tràng tốt nhất ở TPHCM và Hà Nội
Lối sống dành cho bệnh nhân bị viêm đại tràng thể táo bón
Ngoài các phương pháp điều trị, bệnh nhân bị viêm đại tràng thể táo bón cần xây dựng lối sống khoa học để giảm nhẹ triệu chứng và điều hòa nhu động ruột. Nếu không kết hợp với lối sống lành mạnh, tình trạng táo bón có thể tiến triển dai dẳng, tái phát thường xuyên dẫn đến nguy cơ lạm dụng thuốc và nhiều biến chứng nặng nề khác.
Lối sống dành cho bệnh nhân bị viêm đại tràng thể táo bón:
- Xây dựng chế độ ăn giàu chất xơ với hàm lượng dinh dưỡng cân bằng. Ngoài ra, nên chú ý ăn chậm nhai kỹ, ăn chín uống sôi và chia nhỏ bữa ăn để giảm áp lực lên đại tràng.
- Dành 30 – 40 phút mỗi ngày để luyện tập các bộ môn có cường độ phù hợp với thể trạng và độ tuổi. Hoạt động thể chất đều đặn có tác dụng điều hòa nhu động ruột và giải phóng căng thẳng, qua đó hỗ trợ cải thiện tình trạng táo bón, đầy hơi và chướng bụng.
- Không sử dụng thuốc lá và các chất kích thích. Nghiên cứu cho thấy, nicotine trong khói thuốc có thể gây rối loạn nhu động ruột và làm nghiêm trọng các triệu chứng của viêm đại tràng như táo bón, đầy hơi, ăn uống khó tiêu, chướng bụng,…
- Ít ai biết rằng, căng thẳng thần kinh là một trong những yếu tố khiến nhu động ruột bị rối loạn. Do đó ngoài các biện pháp trên, bệnh nhân cần giảm thời gian làm việc và thực hiện một số hoạt động thư giãn nhằm giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi.
- Tập thói quen đi tiêu ngay khi có nhu cầu, tuyệt đối không được nhịn đại tiện. Ngoài ra, nên ổn định thời gian biểu để hoạt động đại tiện diễn ra vào một thời điểm cụ thể trong ngày. Điều này có thể giúp hạn chế táo bón và các triệu chứng rối loạn tiêu hóa đi kèm.
- Có thể kết hợp massage bụng và tắm nước ấm để tăng nhu động ruột và cải thiện tình trạng táo bón do viêm đại tràng gây ra.
Viêm đại tràng thể táo bón là bệnh tiêu hóa khá phổ biến ở người trưởng thành. Nếu thăm khám và điều trị sớm, bệnh nhân hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh bằng cách sử dụng thuốc và điều chỉnh lối sống. Trong khi đó, tình trạng chủ quan có thể khiến bệnh tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Tin liên quan:
- Bệnh Viêm Đại Tràng Phù Nề: Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị
- Bệnh Viêm Đại Tràng Vi Thể: Cách Chẩn Đoán, Điều Trị Hiệu Quả