Viêm đại tràng góc gan là thuật ngữ đề cập đến hiện tượng viêm ở đại tràng góc gan (vị trí nằm ở nếp gấp giữa đại tràng lên và đại tràng ngang). Bệnh lý này đặc trưng bởi tình trạng đau hạ sườn phải kèm theo các triệu chứng rối loạn tiêu hóa và đại tiện. Nếu không chú ý, bệnh rất dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề ở gan và tuyến mật.
Viêm đại tràng góc gan là gì?
Đại tràng (ruột già) là một trong những cơ quan của hệ tiêu hóa. Trung bình, ruột già có chiều dài khoảng 1.5m nằm xung quanh ổ bụng tạo thành hình chữ U. Để dễ dàng cho việc xác định vấn đề mà đại tràng gặp phải, đại tràng thường được gọi tên tùy theo vị trí. Trong đó, đại tràng góc gan là thuật ngữ đề cập đến vùng đại tràng nằm ở hạ sườn phải ngay bên dưới lá gan (vi trí gấp khúc giữa đại tràng lên và đại tràng ngang).
Viêm đại tràng góc gan là tình trạng đại tràng ở vị trí góc gan bị viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau. So với những vị trí khác như đại tràng lên, đại tràng ngang và viêm đại tràng xuống, viêm đại tràng góc gan ít phổ biến hơn. Vì vị trí tổn thương nằm ở hạ sườn phải nên bệnh lý này rất dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề ở gan và túi mật.
Thực tế, hiện tượng viêm đại tràng góc gan có nguy cơ phát triển thành u lành hoặc u ác tính. Theo ước tính, ung thư đại tràng chủ yếu xảy ra ở vị trí góc gan. Do đó ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở vùng hạ sườn phải, bệnh nhân cần tiến hành thăm khám sớm để kịp thời chẩn đoán và can thiệp các phương án điều trị.
Nguyên nhân gây viêm đại tràng góc gan
Tương tự như các bệnh viêm đại tràng ở những vị trí khác, viêm đại tràng cũng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó các nguyên nhân phổ biến nhất thường là:
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng là tác nhân chủ yếu gây viêm đại tràng góc gan ở cả giai đoạn cấp và mãn tính. Các loại vi trùng, ký sinh trùng, virus và nấm đều có khả năng gây viêm niêm mạc ruột già ở vị trí góc gan. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể tiến triển dai dẳng sang giai đoạn mãn tính dẫn đến nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
- Do rối loạn miễn dịch: Rối loạn miễn dịch (tự miễn) là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý – trong đó có bệnh viêm đại tràng góc gan. Tự miễn là hiện tượng hệ miễn dịch bị rối loạn dẫn đến việc tự sản sinh kháng thể tấn công vào các cơ quan khỏe mạnh của cơ thể. Hệ quả là khiến ruột già bị viêm không do nhiễm trùng, đồng thời hiện tượng viêm có xu hướng tiến triển dai dẳng và mãn tính.
- Không rõ nguyên nhân: Rất nhiều trường hợp bị viêm đại tràng – đặc biệt là viêm đại tràng mãn tính có thể không xác định được nguyên nhân cụ thể. Do đó, ở một số bệnh nhân bị viêm đại tràng góc gan, bác sĩ có thể không tìm được nguyên nhân chính xác gây bệnh.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, nguy cơ bị viêm đại tràng góc gan có thể tăng lên khi có những yếu tố thuận lợi như:
- Thường xuyên sử dụng rượu bia và chất kích thích
- Stress, căng thẳng kéo dài
- Thói quen ăn uống bừa bãi, không đảm bảo vệ sinh
- Tiền sử gia đình bị viêm đại tràng mãn tính
- Tiền sử cá nhân, gia đình mắc các bệnh lý tự miễn
Đọc thêm: Dấu hiệu nhận biết viêm đại tràng co thắt để sớm điều trị
Triệu chứng nhận biết bệnh viêm đại tràng góc gan
Viêm đại tràng góc gan có triệu chứng không quá điển hình và rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý ở gan, túi mật. Vì vậy nếu không chú ý, bệnh nhân có thể xác định không đúng bệnh lý dẫn đến áp dụng các phương pháp điều trị không phù hợp.
Bệnh viêm đại tràng góc gan có thể gây ra một số triệu chứng như:
- Đau hạ sườn bên phải, mức độ đau có thể âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn
- Sốt nhẹ hoặc không sốt
- Tiêu chảy hoặc táo bón, khối lượng phân ít và thường có kèm theo chất nhầy
- Tăng tần suất đi tiêu, luôn có cảm giác đi tiêu không hết
- Đầy bụng, khó tiêu, ăn uống kém
- Có thể đi kèm với cảm giác buồn nôn
Tìm hiểu thêm: Viêm đại tràng giả mạc là gì? Có nguy hiểm không?
Viêm đại tràng góc gan có nguy hiểm không?
Viêm đại tràng góc gan là tình trạng ruột già ở vị trí nếp gấp giữa đại tràng lên và đại tràng xuống bị viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trên thực tế, góc gan là vị trí ít bị viêm hơn so với đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống và trực tràng. Vị trí này thường xuất hiện các khối u lành hoặc u ác tính (ung thư đại tràng).
Do đó ở người bị viêm đại tràng góc gan, các bác sĩ thường kiểm tra rất kỹ lưỡng để loại trừ khả năng bị ung thư. Tương tự như hiện tượng viêm ở những vị trí khác của đại tràng, viêm đại tràng góc gan có thể gây giãn đại tràng, rối loạn điện giải, thủng ruột hoặc thậm chỉ là xảy ra hội chứng xuất huyết tiêu hóa dưới. Ngoài ra, tình trạng tiêu chảy mãn tính do bệnh lý này gây ra còn khiến bệnh nhân bị suy nhược, sụt cân và tăng nguy cơ mắc các vấn đề ở trực tràng – hậu môn như bệnh trĩ (lòi dom) và nứt kẽ hậu môn.
Như đã đề cập, góc gan là vị trí dễ hình thành khối u ác tính và u lành tính. Khi khối u phát triển, lòng ruột có thể bị thu hẹp dẫn đến hiện tượng tắc ruột và nhiều biến chứng nặng nề khác. Do đó, bệnh nhân đã được chẩn đoán bị viêm đại tràng góc gan cần tích cực điều trị để kịp thời ngăn chặn các biến chứng và ảnh hưởng của bệnh.
Tham khảo ngay: Làm thế nào để trị dứt điểm bệnh đại tràng – Tư vấn cùng chuyên gia
Các phương pháp điều trị viêm đại tràng góc gan
Điều trị viêm đại tràng góc gan phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Trong đó, lựa chọn ưu tiên là điều chỉnh lối sống và sử dụng thuốc. Trong khi đó, phẫu thuật chỉ được cân nhắc trong những trường hợp thật sự cần thiết.
1. Điều chỉnh thói quen ăn uống, sinh hoạt
Đại tràng là một trong những cơ quan chính của hệ tiêu hóa nên chế độ dinh dưỡng có vai trò không nhỏ trong việc kiểm soát triệu chứng và ngăn chặn tiến triển của bệnh. Do đó, bên cạnh các phương pháp y tế, bệnh nhân cần điều chỉnh thói quen ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, cần kết hợp với thói quen sinh hoạt khoa học để kiểm soát bệnh hoàn toàn, hạn chế tình trạng bệnh tiến triển nặng gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt dành cho người bị viêm đại tràng góc gan:
- Thực hiện tốt nguyên tắc ăn chín uống sôi để tránh tình trạng virus, vi trùng, nấm và ký sinh trùng xâm nhập vào niêm mạc ruột già.
- Cung cấp đủ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày để hỗ trợ làm mềm phân và tăng nhu động ruột. Đối với những trường hợp bị tiêu chảy, uống nhiều nước giúp bù chất lỏng và cân bằng điện giải, tránh tình trạng cơ thể suy nhược và sụt cân do bệnh tiến triển mãn tính.
- Tăng cường bổ sung các nhóm thực phẩm lành mạnh như rau xanh, củ, trái cây, thực phẩm chứa hàm lượng đạm và chất béo lành mạnh vừa phải để cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng cho cơ thể.
- Hạn chế các loại thức uống và món ăn kích thích lên ống tiêu hóa như đồ uống chứa cồn, caffeine, món ăn chứa nhiều chất béo bão hòa và gia vị cay nóng.
- Nên ăn đủ bữa, tránh tình trạng nhịn ăn khiến cơ thể suy nhược và giảm sức đề kháng. Trong trường hợp bị đầy hơi và khó tiêu, nên chia nhỏ bữa ăn để cơ thể dễ dàng hấp thu vi chất dinh dưỡng và giảm áp lực lên ruột già cùng với các cơ quan tiêu hóa khác.
- Tránh thói quen thức khuya, làm việc quá mức, hút thuốc lá và lười vận động. Nên xây dựng thời gian biểu phù hợp để hệ tiêu hóa hoạt động ổn định, từ đó giảm nhẹ các triệu chứng rối loạn đại tiện và rối loạn tiêu hóa thường gặp ở bệnh nhân bị viêm đại tràng.
Lối sống là yếu tố quan trọng đối với quá trình điều trị bệnh viêm đại tràng nói chung và viêm đại tràng góc gan nói riêng. Ngay cả khi bệnh tình đã được kiểm soát, bệnh nhân vẫn cần duy trì lối sống khoa học để ngăn ngừa tình trạng tái phát.
Lưu ý: Viêm đại tràng uống sữa được không? Loại sữa nào phù hợp?
2. Sử dụng thuốc Tây y
Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị bệnh viêm đại tràng góc gan. Mục tiêu của phương pháp này là kiểm soát nhiễm trùng (nếu có) và cải thiện các triệu chứng của bệnh.
Tùy theo nguyên nhân và triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc sau:
- Kháng sinh: Kháng sinh được sử dụng trong trường hợp viêm đại tràng góc gan xảy ra do viêm nhiễm (ký sinh trùng, virus, nấm,…). Bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh đường tiêm truyền hoặc đường uống tùy theo mức độ nghiêm trọng của từng bệnh nhân. Để hạn chế tình trạng kháng thuốc, nhóm thuốc này thường được dùng liên tục trong 7 – 14 ngày hoặc hơn tùy theo khả năng đáp ứng.
- Thuốc chống viêm: Các loại thuốc chống viêm (Sulfasalazine, Balsalazide,…) được sử dụng trong trường hợp đại tràng góc gan bị viêm và đau nặng. Ngoài ra, nhóm thuốc này còn được cân nhắc dùng cho bệnh nhân bị bệnh Crohn – một dạng viêm đường ruột mãn tính khá phổ biến.
- Corticoid: Corticoid có tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch. Nhóm thuốc này được cân nhắc sử dụng trong viêm đại tràng cấp có mức độ vừa đến nặng. Corticoid thường được dùng ở đường tĩnh mạch trong khoảng 10 – 14 ngày để giảm mức độ viêm.
- Một số loại thuốc khác: Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc khác như Azathioprin (thuốc ức chế miễn dịch), thuốc cầm tiêu chảy, thuốc giảm đau chống co thắt, thuốc nhuận tràng trị táo bón, thuốc an thần, giải lo âu,…
Sử dụng thuốc tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác dụng ngoại ý. Do đó khi điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng. Không tự ý hiệu chỉnh liều và ngưng dùng thuốc – đặc biệt là với thuốc corticoid và kháng sinh.
Xem thêm: Đơn thuốc điều trị viêm đại tràng được bác sĩ khuyên dùng
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định khi viêm đại tràng góc gan tiến triển nặng hoặc đã phát sinh biến chứng. Phương pháp này cũng được cân nhắc nếu các bác sĩ nghi ngờ hoặc đã xác định đại tràng góc gan xuất hiện khối u lành hoặc u ác tính (ung thư).
Tùy theo vấn đề mà bệnh nhân gặp phải, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp phẫu thuật như:
- Nội soi khâu vết thủng (trong trường hợp thủng ruột)
- Nội soi cầm máu
- Phẫu thuật cắt khối u lành/ u ác tính
- Cắt 1 đoạn ruột già (trong trường hợp nghi ngờ hoặc xác định có khối u ác tính)
Phòng ngừa bệnh viêm đại tràng góc gan
Viêm đại tràng góc gan ít gặp hơn so với viêm đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống và viêm loét đại trực tràng. Tuy nhiên, hiện tượng viêm nhiễm ở vị trí này có nguy cơ phát triển dai dẳng thành khối u lành tính hoặc ác tính.
Do đó, chủ động phòng ngừa bệnh là biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe – đặc biệt là với những người có nguy cơ cao.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm đại tràng góc gan:
- Tập thói quen ăn chín uống sôi, tuyệt đối không dùng thực phẩm sống, tái. Đối với rau củ, nên ngâm rửa sạch với nước muối để loại bỏ nấm mốc và các vi khuẩn có hại.
- Không sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích. Thay vào đó, nên tăng cường bổ sung probiotic (lợi khuẩn) và chất xơ để ổn định hệ vi sinh đường ruột.
- Thăm khám định kỳ 1 – 2 lần/ năm để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường, đặc biệt là khi gia đình có tiền sử bị viêm đại tràng mãn tính, ung thư đại trực tràng,…
- Dành thời gian nghỉ ngơi và tập thể dục thường xuyên để giảm căng thẳng. Hạn chế lo âu và stress quá mức.
- Tẩy giun sán định kỳ 6 tháng/ lần.
- Rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Không sử dụng kháng sinh và các loại thuốc chống viêm (corticoid, NSAID) nếu không thật sự cần thiết.
Viêm đại tràng góc gan là dạng viêm đại tràng khá ít gặp. Tuy nhiên, hiện tượng viêm ở vị trí góc gan có nguy cơ cao phát triển thành khối u lành tính và ác tính. Vì vậy, bệnh nhân nên chủ động thăm khám và tích cực điều trị để kiểm soát bệnh trong thời gian sớm nhất.
Tham khảo thêm:
- Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm đại tràng chính xác
- Làm thế nào để chẩn đoán Ung thư đại tràng?