Nổi Mề Đay Do HIV Có Ngứa Không?

Nổi mề đay do HIV có hình thái lâm sàng tương tự như mề đay do các tác nhân thông thường. Tuy nhiên, tình trạng này thường khởi phát âm ỉ, ảnh hưởng trên phạm vi rộng và gần như không gây ngứa ngáy hay khó chịu.

Nhiễm HIV có nổi mề đay không? Có ngứa không?

Nhiễm HIV là tình trạng nhiễm phải virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch. Loại virus này chủ yếu lây qua đường máu, quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, sinh nở. HIV tấn công vào các tế bào miễn dịch của cơ thể khiến chức năng đề kháng suy giảm, cơ thể dễ mắc các bệnh nhiễm trùng dẫn đến suy kiệt và tử vong.

Nhiễm HIV thường không có biểu hiện quá rõ rệt. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu (khoảng sau 2 – 6 tuần phơi nhiễm), da có thể bị nổi mề đay do phản ứng chuyển đổi huyết thanh. Ngoài ra, tình trạng nổi mề đay ở bệnh nhân nhiễm HIV còn có thể xảy ra ở giai đoạn sau do nhiều nguyên nhân và yếu tố khác.

Mề đay được biết đến là phản ứng viêm đỏ, nổi sẩn, mảng trên bề mặt da kèm theo ngứa ngáy, nóng rát và châm chích nhẹ. Tình trạng này có thể bùng phát do nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến nhất là dị ứng thời tiết, thức ăn cùng với các yếu tố nội sinh và ngoại sinh khác.

Tuy nhiên không giống với mề đay do những tác nhân thông thường, nổi mề đay do nhiễm HIV ít khi gây ngứa, hầu như không bùng phát quá đột ngột và rầm rộ. Bên cạnh đó, mề đay do HIV đa phần đều có thể tự thuyên giảm sau vài tuần đến vài tháng mà không cần can thiệp điều trị.

Nhận biết nổi mề đay do HIV

Như đã đề cập, nổi mề đay do HIV thường khởi phát sau 2 – 6 tuần phơi nhiễm. Bên cạnh tổn thương da, virus HIV cũng có thể gây ra một số triệu chứng toàn thân. Để phân biệt với mề đay do những tác nhân thông thường, bạn có thể xem xét tổn thương da cùng với các triệu chứng đi kèm.

1. Biểu hiện ngoài da

Nổi mề đay do nhiễm HIV hiếm khi bùng phát đột ngột, rầm rộ như mề đay do các tác nhân thông thường. Trong trường hợp này, tổn thương da thường khởi phát chậm, âm ỉ và ảnh hưởng đến vùng da rộng, hiếm khi khu trú như mề đay tiếp xúc.

hiv có nổi mề đay không
Nổi mề đay do HIV thường ảnh hưởng trên phạm vi rộng như ngực, bụng, lưng,…

Nổi mề đay do nhiễm HIV thường biểu hiện qua các dấu hiệu sau:

  • Da nổi các mảng hoặc đốm phát ban có màu hồng hoặc đỏ, thỉnh thoảng xen kẽ với các sẩn nổi cộm, sờ vào cứng chắc và có bờ tròn
  • Tổn thương ảnh hưởng trên phạm vi rộng, chủ yếu là vùng da ở vai, ngực, lưng, mặt và tay. Một số ít trường hợp còn có thể xuất hiện ở cơ quan sinh dục và chân.
  • Thông thường, mề đay do nhiễm HIV hầu như không gây ngứa. Tuy nhiên nếu chuyển sang giai đoạn AIDS, mề đay có thể là biểu hiện của các bệnh cơ hội. Trong trường hợp này, mẩn cục, phát da có thể gây ngứa và nóng rát tương tự như mề đay thông thường.
  • Mề đay do nhiễm HIV có thể kéo dài trong vài tuần và tự thuyên giảm mà không cần điều trị.

Mề đay vốn dĩ là tình trạng da liễu có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng – nhất là với những trường hợp đặc biệt như nhiễm HIV. Do đó trên thực tế, tình trạng này cũng có thể bùng phát với các triệu chứng không điển hình. Tuy nhiên trong tất cả các trường hợp mề đay do HIV, da đều xuất hiện phát ban dạng đốm hoặc mảng.

2. Các triệu chứng đi kèm

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, HIV nhân lên và hệ quả là gây suy giảm các tế bào miễn dịch lympho T CD4, lympho B, đại thực bào, monocyte, bạch cầu đa nhân,…Ở giai đoạn cửa sổ (khoảng 3 – 6 tuần sau khi nhiễm), virus hầu như không gây ra các triệu chứng điển hình. Tuy nhiên ở một số cá thể, HIV có thể gây ra một số triệu chứng mờ nhạt. Do đó ngoài nổi mề đay, bạn có thể nhận thấy một số triệu chứng đi kèm như:

nổi mề đay hiv
Nhiễm HIV không chỉ gây nổi mề đay mà còn đi kèm với một số triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ, đau họng,…
  • Sốt nhẹ từ 37.5 – 38 độ C kèm với ớn lạnh kéo dài từ 1 – 2 tuần
  • Buồn ngủ, mệt mỏi
  • Đau nhức các khớp, nhức mỏi toàn thân
  • Sưng hạch ở bẹn, nách và cổ
  • Đau rát cổ họng, khó nuốt
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Rối loạn kinh nguyệt (nữ giới)

Sau giai đoạn cửa sổ, HIV thường không gây ra triệu chứng trong 5 – 7 năm hoặc hơn tùy theo sức khỏe, lối sống của từng người. Nếu không kiểm soát, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn toàn phát (AIDS) với sự xuất hiện của các bệnh cơ hội, ung thư,..

Các nguyên nhân gây nổi mề đay do nhiễm HIV

Nổi mề đay do HIV thực chất là hệ quả do quá trình chuyển đổi huyết thanh (phản ứng của hệ miễn dịch với virus gây bệnh). Ngoài ra, hiện tượng da nổi phát ban, mẩn đỏ ở người bị nhiễm HIV còn có thể xảy ra một số nguyên nhân khác.

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây nổi mề đay do nhiễm HIV:

1. Giai đoạn chuyển đổi huyết thanh

Chuyển đổi huyết thanh là giai đoạn xảy ra sau khoảng 2 – 3 tuần sau khi nhiễm virus HIV và có thể kéo dài hơn 3 tuần. Khi có tác nhân xâm nhập, tế bào miễn dịch có xu hướng đối kháng bằng cách sản sinh IgE cùng với một số kháng thể để bảo vệ cơ thể. Bên cạnh đó để ngăn chặn sự lây lan và nhân đôi của virus, cơ thể còn hoạt hóa và kích hoạt các tế bào miễn dịch.

Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi nhiễm bất cứ loại virus nào. Tuy nhiên, HIV là virus tấn công trực tiếp đến hệ miễn dịch. Do đó, tế bào miễn dịch thường không thể tiêu diệt loại virus này như các loại virus gây cảm cúm, cảm lạnh thông thường. Vì vậy sau khoảng vài tuần, phản ứng này sẽ chấm dứt.

Ở một số người, chuyển đổi huyết thanh có thể gây nổi mề đay, phát ban da kèm theo một số triệu chứng tương tự như cảm cúm. Nguyên nhân là do khi lượng kháng thể được sản sinh quá nhiều, Điều này kích thích phản ứng dị ứng dẫn đến hiện tượng viêm da (nổi mẩn đỏ, phát ban, các mảng/ sẩn nổi cộm,…).

2. Tác dụng phụ của thuốc kháng virus

Sau khi phơi nhiễm với bệnh phẩm (máu, dịch âm đạo, tinh trùng) của người nhiễm HIV, thuốc PEP sẽ được sử dụng trong vòng 72 giờ và thường được dùng liên tục trong 4 tuần. Đây là loại thuốc kháng virus có tác dụng ức chế và tiêu diệt virus HIV, ngăn không cho virus nhân đôi và tấn công vào hệ miễn dịch.

mề đay mẩn ngứa hiv
Nổi mề đay mẩn ngứa có thể là tác dụng phụ của thuốc điều trị dự phòng sau khi phơi nhiễm HIV

Mặc dù có hiệu quả phòng ngừa nhiễm HIV cao nhưng thuốc chống phơi nhiễm PEP có thể gây ra một số tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, phát ban da, nổi mề đay,… Do đó nếu đang sử dụng thuốc điều trị sau khi phơi nhiễm, bạn không nên quá lo lắng nếu da bị nổi mề đay, mẩn đỏ và phát ban.

3. Nổi mề đay do các bệnh cơ hội

Sau khi gây suy giảm các tế bào miễn dịch, HIV làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư và một số bệnh nhiễm trùng cơ hội như viêm phổi, các bệnh viêm nhiễm trùng da, viêm gan do virus,… Ngoài ra, người nhiễm HIV còn có nguy cơ cao mắc các bệnh lý có thể gây nổi mề đay như sốt cao, dị ứng và sốt phát ban.

Nếu đã được chẩn đoán nhiễm HIV, bạn nên chủ động đến bệnh viện nếu nhận thấy da nổi mề đay. Bởi đây có thể là dấu hiệu của các bệnh cơ hội. Khác với người khỏe mạnh, điều trị các bệnh nhiễm trùng ở người nhiễm HIV rất khó khăn do hệ miễn dịch không có khả năng phục hồi. Vì vậy nếu chủ quan, bệnh có thể tiến triển nặng và đe dọa trực tiếp đến tính mạng.

Nổi mề đay do nhiễm HIV kéo dài bao lâu?

Nổi mề đay có các nguyên nhân thông thường có xu hướng bùng phát nhanh, ồ ạt nhưng đa phần đều thuyên giảm sau 24 giờ. Tuy nhiên nếu xảy ra do nhiễm HIV, tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều tuần đến nhiều tháng tùy theo cơ địa của từng người.

Mề đay do ảnh hưởng của phản ứng chuyển đổi huyết thanh thường tự thuyên giảm sau 1 – 2 tháng mà không phải can thiệp điều trị. Hơn nữa, mề đay do nguyên nhân này thường không gây ngứa ngáy, nóng rát hay khó chịu. Trong khi đó, mề đay do các bệnh cơ hội có thể khởi phát đột ngột, thuyên giảm nhanh nhưng cũng có những trường hợp tiến triển thành mề đay mãn tính.

Thực tế, mề đay do HIV hiếm khi là yếu tố đe dọa đến sức khỏe như các bệnh lý cơ hội khác. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các mảng phát ban, mẩn đỏ, mảng ngứa,… có thể ảnh hưởng đến ngoại hình và tâm lý – nhất là với người mắc căn bệnh xã hội HIV. Do đó mặc dù ít khi gây ngứa nhưng mề đay do nhiễm HIV vẫn có chỉ định điều trị trong một số trường hợp.

Cách xử lý nổi mề đay do nhiễm HIV

Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm HIV, cần đến ngay bệnh viện để được xét nghiệm và chẩn đoán. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định một số biện pháp sau:

1. Tích cực điều trị HIV

HIV là loài virus tấn công trực tiếp vào hệ miễn dịch khiến chức năng đề kháng suy giảm. Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với tình trạng này. Tuy nhiên với sự phát triển của y học, HIV có thể bị kiểm soát bằng cách sử dụng thuốc và tổ chức lại lối sống. Mục đích của các phương pháp này là cải thiện hệ miễn dịch và phòng ngừa các bệnh cơ hội. Qua đó giúp kéo dài tuổi thọ, duy trì sức đề kháng và nâng cao sức khỏe.

mề đay mẩn ngứa hiv
Cần tìm gặp bác sĩ để làm xét nghiệm, chẩn đoán và tư vấn hướng điều trị nhiễm HIV phù hợp

Do đó ngay khi nhận thấy nổi mề đay và các dấu hiệu nhiễm HIV, bạn nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm máu và tư vấn điều trị. Một số loại thuốc được dùng để điều trị HIV phổ biến hiện nay, bao gồm:

  • Nhóm thuốc NNRTI: Bao gồm Etravirine, Efavirenz, Nevirapine,…
  • Nhóm thuốc NRTI: Bao gồm Lamivuidine, Stavudine, Tenofovir, Emtricitabine,…
  • Nhóm thuốc PI: Bao gồm Saquinavir, Lopinavir, Ritonavir, Indinavir,…
  • Các loại thuốc khác: Thuốc ức chế men tích hợp integrase, thuốc đối kháng thụ thể CCR5, thuốc ức chế hòa màng,…

Mặc dù không trực tiếp làm giảm ngứa ngáy và mẩn đỏ, sẩn cục trên da nhưng tích cực điều trị HIV có thể giảm thiểu nổi mề đay do các bệnh cơ hội.

2. Áp dụng các biện pháp điều trị mề đay

Trong trường hợp mề đay gây ngứa nhiều, khó chịu và kéo dài dai dẳng, bạn có thể áp dụng một số biện pháp điều trị mề đay mẩn ngứa như:

mề đay hiv có ngứa không
Có thể dùng thuốc kháng histamine để giảm ngứa và tổn thương do mề đay gây ra
  • Sử dụng thuốc kháng histamine H1 và H2 nếu mề đay gây ngứa ngáy, khó chịu. Chỉ sau khoảng vài ngày dùng thuốc, tình trạng mề đay mẩn ngứa sẽ thuyên giảm rõ rệt.
  • Có thể dùng kem bôi chứa menthol, vitamin E, Glycerin,… thoa lên vùng da phát ban, nổi mẩn và mảng ngứa để làm dịu da.
  • Khi bị nhiễm HIV, hệ miễn dịch trở nên nhạy cảm hơn với các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Do đó để phòng ngừa mề đay lan rộng, nên cách ly và hạn chế tiếp xúc với các yếu tố kích thích bệnh bùng phát như nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, nấm mốc, thức ăn, thuốc dễ gây dị ứng,…
  • Ăn uống điều độ và nghỉ ngơi hợp lý để nâng cao thể trạng và hỗ trợ giảm ảnh hưởng của bệnh.

Mề đay do nhiễm HIV thường không đáng lo ngại, ít khi gây ngứa và có thể tự thuyên giảm sau một thời gian nhất định. Tuy nhiên để tránh mề đay bùng phát mạnh và tái phát nhiều lần, cần tích cực điều trị nhiễm HIV và tổ chức lại lối sống để nâng cao sức khỏe tổng thể.