U nang buồng trứng là căn bệnh thường gặp của nữ giới, bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể gặp phải. Khối u buồng trứng thường lành tính và tự hết, không có triệu chứng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, vẫn có khối u ác tính và nguy cơ gây ung thư cao. Có nhiều phương pháp chữa trị, cần khám và kiểm tra kịp thời để được điều trị nhanh chóng.

U nang buồng trứng là gì?

U nang buồng trứng là bệnh lý thường mắc phải của phụ nữ, bệnh có thể mắc phải ở mọi lứa tuổi, tỉ lệ trung bình chiếm 5-10% dân số nữ mắc phải căn bệnh này. Nhưng trong số đó u nang ác tính dẫn đến nguy hiểm chiếm khá ít, thường sẽ là u nang lành tính. 

U nang buồng trứng là một khối u hình thành và phát triển tại buồng trứng. Khối u này chứa các dịch và bã, có thể phát triển nhỏ hoặc lớn tùy vào mức độ di căn của khối u.

Định nghĩa u nang buồng trứng
U nang buồng trứng là bệnh lý phổ biến ở nữ giới

Thông thường, các khối u nhỏ sẽ không có biểu hiện hoặc triệu chứng nào nguy hiểm, chúng sẽ tự tiêu biến. Các dấu hiệu thường gặp như: rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, khó chịu, đau bụng nhẹ,... Nếu những triệu chứng này kéo dài, cần thăm khám và điều trị để tránh nguy cơ khối u phát triển gây ung thư. 

Khối u có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên buồng trứng. Trường hợp u nang cả hai bên buồng trứng khá hiếm, đa số các triệu chứng thường gặp là do u nang buồng trứng trái hoặc phải. 

Các dạng u nang buồng trứng

U nang buồng trứng được phân chia làm nhiều loại, mỗi loại có tính chất, đặc điểm triệu chứng khác nhau. Bao gồm:

U nang lành tính

Gồm 2 loại cơ bản sau:

U nang cơ năng

U nang cơ năng xuất hiện do vấn đề của nội tiết, sinh lý và hoạt động của quá trình rụng trứng gặp vấn đề hoặc miễn dịch đang bị suy giảm. Thường các u nang cơ năng sẽ lành tính và không gây nguy hiểm đến người bệnh.

Một số loại u nang cơ năng hay gặp phải ở nữ giới gồm:

  • Nang hoàng thể;
  • Nang hoàng tuyến;
  • Nang bọc noãn;

Ngoài 3 dạng chính này, còn một số loại u buồng trứng lành tính mà phụ nữ thường mắc như: nang đơn thùy, nang xuất huyết, nang lạc nội mạc.

U nang thực thể

Là loại u ít gặp hơn u cơ năng, chúng được phát triển một cách âm thầm, thường sẽ không có triệu chứng. U nang này khác với nang cơ năng do được hình thành từ bệnh lý liên quan đến sức khỏe buồng trứng. Đa số khối u này lành tính nhưng nếu có những biểu hiện bất thường cần được phát hiện sớm để tránh khối u di căn thành ung thư hoặc vỡ khối u gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Một số loại cơ năng hay gặp phải:

  • U nang nước
  • U nang nhầy
  • U nang bì

U nang ác tính

U nang ác tính hay được gọi là ung thư buồng trứng. Khối u xuất hiện một bên hoặc cả 2 bên trái và phải của buồng trứng. Các khối u sẽ khá sần sùi, bám vào các vị trí ở buồng trứng và sau đó di căn thành ung thư. Sau một thời gian các tế bào ung thư sẽ phát triển và lan ra các cơ quan khác trong ổ bụng. Dịch trong khối u nang ung thư sẽ đặc và có chồi.

Các dạng u nang buồng trứng
U nang ác tính khá sần sùi, bám vào các vị trí ở buồng trứng

Khối u buồng trứng ác tính là một trong những bệnh ung thư dễ có nguy cơ tử vong nhất đối với phụ nữ hiện nay, mặc dù chỉ chiếm 10% khả năng khối u đó là ác tính.

Ung thư buồng trứng thường sẽ trải qua 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Khối u sẽ chỉ nằm tại buồng trứng, không có những biểu hiện và triệu chứng rõ rệt.
  • Giai đoạn 2: Lúc này khối u đã bắt đầu lớn và lây lan sang các khu vực xung quanh vùng xương chậu.
  • Giai đoạn 3: Tế bào ung thư di căn đến các vị trí bên ngoài vùng khung chậu và xâm lấn đến các cơ quan trong ổ bụng như: hạch bạch huyết, cạnh động mạch chủ, gan, lá lách,...
  • Giai đoạn 4: Ở giai đoạn này, tế bào ung thư đã lây lan đến các vị trí xa hơn trong ổ bụng, bắt đầu xuất hiện các chất lỏng bao quanh phổi, bề mặt gan, thành ruột,...

Triệu chứng nhận biết u nang buồng trứng

Tùy theo từng dạng u nang, các triệu chứng bệnh nhân gặp phải có thể khác nhau.

U nang lành tính

  • U nang cơ năng: Thường u nang lành tính sẽ không có dấu hiệu hoặc triệu chứng, khó nhận biết. Nhưng vẫn sẽ có các biểu hiện cơ bản sau: gây chậm kì kinh nguyệt, tiểu tiện nhiều lần, cân nặng không ổn định, đau bụng nhẹ,...
  • U nang thực thể: Tương tự như u nang cơ năng, với kích thước nhỏ thì u nang thực thể sẽ không có biểu hiện đặc biệt. Nhưng khi khối u phát triển lớn hơn sẽ có một số triệu chứng bất thường như đau tức bụng dưới, khó chịu buồn nôn, tiểu tiện nhiều lần,... Những biểu hiện này cần được bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán chính xác tránh gây nguy hiểm.

U nang ác tính

Biểu hiện: U nang ác tính giai đoạn đầu sẽ không có những biểu hiện nổi bật, thường sẽ lầm với u lành tính. Các biểu hiện phổ biến như: rối loạn kinh nguyệt, đau vùng xương chậu, đau bụng dưới, khó chịu, buồn nôn, tiểu tiện liên tục,...

Nếu không được kiểm tra và chữa trị kịp thời, các tế bào ung thư sẽ gây ra những di chứng ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể: xoắn nang, vỡ nang, khối u chèn gây ra các bệnh lý khác nghiêm trọng.

Nguyên do gây ra u nang buồng trứng

Nhiều nguyên nhân khiến u nang buồng trứng phát triển, nhưng cũng khó xác định được đâu là nguyên nhân chính. Bệnh lý phát triển trong âm thầm và khó nhận biết, nên các chuyên gia nghiên cứu nêu ra một số nguyên nhân nổi bật có khả năng cao gây ra u nang buồng trứng.

Thuốc tránh thai: Đây là biện pháp tránh thai khá an toàn vì sự tiện lợi và hiệu quả. Nhưng đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến u buồng trứng. Trong thuốc tránh thai thường chứa Progestin, nếu lạm dụng thuốc sẽ làm thay đổi hoocmon nữ giới, dẫn đến tăng sinh quá mức các mô niêm mạc buồng trứng, dẫn đến hình thành khối u.

Nguyên do gây ra u nang buồng trứng
Lạm dụng thuốc tránh thai sẽ thay đổi hoocmon nữ giới, nguy cơ u nang buồng trứng cao.

Di truyền: Đây cũng là một nguyên nhân khá phổ biến, nếu trong gia đình từng có người mắc u nang buồng trứng, rất có khả năng điều này sẽ di truyền cho con cháu của họ về sau. Ngoài ra, phụ nữ nhiều lần sảy thai cũng có khả năng cao mắc u buồng trứng.

Chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe phụ khoa. Nguyên nhân gây khối u buồng trứng có thể do chế độ dinh dưỡng quá ít rau xanh và chất xơ nhưng dung nạp quá nhiều dầu mỡ, đường, chất béo làm sản sinh nhiều estrogen gây mất cân bằng nội tiết tố nữ.

Sức khỏe bên trong cơ thể: Khi cơ thể đang mắc một bệnh lý nào đó làm sức khỏe suy yếu cũng là nguyên nhân dẫn đến u nang buồng trứng. Ngoài ra nếu tinh thần không tốt, làm việc căng thẳng, stress, lo âu, sống hoặc làm việc ở môi trường độc hại cũng có thể gây ra nguy cơ u buồng trứng.

U nang buồng trứng có nguy hiểm không?

U nang buồng trứng thực ra không nguy hiểm, vì tỷ lệ u ác tính chỉ chiếm 10% và u lành tính chiếm đến 90%. Khối u lành tính thường có khả năng tự tiêu giảm và không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng gì. Tuy nhiên đối với khối u đã có dấu hiệu ác tính và không thuyên giảm cần phải đến bác sĩ kiểm tra.

Khi mắc phải khối u buồng trứng ác tính sẽ khá nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Vì khối u sẽ di căn thành ung thư và lây lan ảnh hưởng đến sức khỏe các cơ quan khác trong cơ thể.

Ngoài ra, u nang buồng trứng cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Tuy phụ nữ mắc phải bệnh lý này vẫn có thể mang thai nhưng nếu khối u phát triển lớn và buộc phải cắt bỏ một bên buồng trứng, làm giảm khả năng có thai. Cần kiểm tra định kỳ sức khỏe phụ khoa để đảm bảo khối u không ảnh hưởng nghiêm trọng và nguy hiểm.

Chẩn đoán bệnh u nang buồng trứng

Vì triệu chứng của bệnh lý không rõ ràng, nên cần phải kiểm tra để được chẩn đoán và điều trị. Để chẩn đoán chính xác và khách quan nhất cần phải thực hiện cả 2 việc: khai thác thông tin (lâm sàng) và kiểm tra bằng hình ảnh (cận lâm sàng)

Khai thác thông tin (lâm sàng)
Thăm hỏi qua các câu khai thác liên quan đến bệnh để chẩn đoán một cách chính xác nhất, vì đôi khi biểu hiện bệnh của mỗi người không giống nhau. Cần phải xác định triệu chứng bệnh lý hiện tại, khai thác tiền sử bệnh án và các dấu hiệu gần đây để kết luận.

Thông thường các câu hỏi sẽ xoay quanh vấn đề của buồng trứng như: chu kỳ kinh nguyệt; sức khỏe sinh sản; các triệu chứng đau nhức; tình trạng khi quan hệ,...

Kiểm tra bằng hình ảnh (cận lâm sàng)
Kiểm tra bằng hình ảnh sẽ giúp việc chẩn đoán có độ chính xác cao hơn, vì bác sĩ sẽ có cái nhìn chi tiết và thực tế hơn về bệnh lý cũng như vị trí và sự phát triển của khối u.

Chẩn đoán bệnh u nang buồng trứng
Phương pháp siêu âm có thể hỗ trợ chẩn đoán khối u lành tính hay ác tính

Phương pháp thường được sử dụng khi kiểm tra bằng hình ảnh:

  • Siêu âm: Đây là phương pháp phổ biến và đơn giản. Việc siêu âm có thể hỗ trợ chẩn đoán khối u lành tính hay ác tính, ngoài ra biết được kích thước và tình trạng của u nang.
  • Chụp MRI; CT: Để biết chính xác tình trạng thực tế của khối u thì phương pháp chụp MRI hoặc CT có thể cho kết quả rõ ràng hơn siêu âm. Ngoài ra cũng có thể biết được khả năng lan và di căn của khối u nếu nghi ngờ ung thư.
  • Sinh thiết: Nếu phát hiện khối u có dấu hiệu bất thường và có nguy cơ phát triển thành ung thư, bệnh nhân sẽ được sinh thiết lấy một mẫu tế bào của khối u để tầm soát dấu hiệu ung thư của khối u.

Cách điều trị u nang buồng trứng

Đối với những khối u buồng trứng lành tính như u nang cơ năng sẽ không cần phẫu thuật, khối u sẽ tự teo nhỏ và biến mất sau một thời gian. Nhưng cần phải kiểm tra thường xuyên để đảm bảo rằng khối u không chuyển biến nghiêm trọng.

Đối với các khối u như khối u thực thể cần phải được kiểm tra sớm và chẩn đoán chính xác để chắc chắn rằng khối u không di căn. Nếu ác tính cần can thiệp điều trị kịp thời. Có nhiều phương pháp loại bỏ khối u, tùy vào tình trạng sức khỏe, các bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phù hợp nhất.

Điều trị nội khoa

Bệnh nhân có thể được kê một số loại thuốc đặc trị như thuốc kháng estrogen, GnRH agonist giúp làm giảm kích thước khối u và các vấn đề về rối loạn nội tiết. Tuy nhiên khối u vẫn có thể tiếp tục phát triển khi ngưng sử dụng thuốc.

Điều trị ngoại khoa

Khi các khối u bắt đầu phát triển lớn hơn, cần phải được phẫu thuật, việc phẫu thuật có thể giải quyết triệt để khối u cũng như tránh được các di chứng. Hiện nay có hai phương pháp mổ khối u buồng trứng:

  • Mổ mở: Được chỉ định khi khối u có những biến chứng nặng cần xử lý gấp.
  • Mổ nội soi: Đây là phương pháp được sử dụng nhiều khi khối u nhỏ hoặc vừa. Mổ nội soi sẽ mau lành vết thương, ít gây đau đớn và vẫn đảm bảo được khả năng sinh sản của bệnh nhân.

Đối với khối u đã phát triển thành ung thư vì phát hiện trễ do không có dấu hiệu rõ ràng ở giai đoạn đầu. Bệnh nhân sẽ được thực hiện các phương pháp như: phẫu thuật cắt bỏ khối u; hóa trị (dùng thuốc loại bỏ tế bào ung thư sau phẫu thuật); xạ trị (dùng tia để bắn vào các tế bào ung thư).

U nang buồng trứng phòng ngừa như thế nào?

U nang buồng trứng là bệnh lý xuất hiện không rõ nguyên do cụ thể nên khó xác định được cách phòng ngừa tuyệt đối căn bệnh này. Bên cạnh đó vẫn có một số cách giúp giảm thiểu được nguy cơ gây bệnh và mang lại những lợi ích cho sức khỏe phụ khoa.

Thăm khám sức khỏe phụ khoa

Việc khám định kỳ sức khỏe phụ khoa thực sự quan trọng. Vì u nang buồng trứng có thể mắc phải ở mọi lứa tuổi của nữ giới, u nang không xuất hiện các triệu chứng rõ rệt nên rất khó để nhận biết. Vì thế cần thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần để kiểm tra và nếu có khối u vẫn có thể kịp thời điều trị, tránh các hậu quả nghiêm trọng không mong muốn.

U nang buồng trứng phòng ngừa như thế nào?
Việc kiểm tra sức khỏe phụ khoa định kỳ giúp phòng tránh nguy cơ u nang buồng trứng.

Chế độ dinh dưỡng khoa học

Chế độ dinh dưỡng khoa học giúp cơ thể chống lại các nguy cơ gây bệnh. Để phòng chống các khối u cần có một thực đơn ăn uống lành mạnh và hợp lý, không ăn có nhiều đồ dầu mỡ, chất béo xấu, không nên ăn ngọt quá nhiều và thay vào đó nên cung cấp lượng chất xơ từ rau củ và trái cây để tăng kháng thể.

Tập luyện thể dục thể thao

Tập luyện thể thao không chỉ giúp giảm nguy cơ về bệnh u nang buồng trứng mà còn phòng được các bệnh khác. Chăm chỉ vận động đều đặn, duy trì cân nặng hợp lý, giảm thiểu nguy cơ béo phì, thực hiện lối sống lành mạnh sẽ giúp làm hạn chế khả năng u nang buồng trứng

Sử dụng thuốc có thành phần phù hợp, an toàn

Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cũng cần có sự tư vấn và tham khảo từ bác sĩ. Dùng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng cần nghiên cứu kỹ thành phần để đảm bảo an toàn và phù hợp với cơ thể. Cần tham khảo bác sĩ nếu trong thuốc chứa các thành phần có nguy cơ gây u nang buồng trứng.

Tuy khả năng ác tính và ung thư rất thấp nhưng căn bệnh u nang buồng trứng nếu không được kiểm tra và điều trị sớm, vẫn sẽ gây ra các di chứng nghiêm trọng. Vì thế cần khám sức khỏe phụ khoa định kỳ để biết rõ được tình trạng sức khỏe, và điều trị kịp thời nếu có dấu hiệu xấu.

Dịch vụ & Giải pháp

Bài viết liên quan