Lý do hắc lào bị tái phát và cách phòng ngừa

Bệnh hắc lào có thể tái phát nhiều lần nếu điều trị không đúng cách, hệ miễn dịch suy giảm hoặc không chủ động kiểm soát các nguồn lây nhiễm. Dù hiếm khi ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tình trạng bệnh tái đi tái lại nhiều lần gây ra không ít phiền toái khi sinh hoạt, tác động tiêu cực đến thẩm mỹ, ngoại hình và chất lượng cuộc sống. 

hắc lào tái đi tái lại
Bệnh hắc lào có thể tái đi tái lại do một số sai lầm trong quá trình điều trị

Vì sao bệnh hắc lào tái đi tái lại?

Hắc lào (lác đồng tiền) là bệnh viêm da do nấm rất phổ biến ở nước ta, có thể ảnh hưởng đến cả trẻ nhỏ và người lớn. Bệnh lý này thực chất là một dạng tổn thương lớp sừng của da do nhiễm nấm sợi (chủng nấm dermatophytes), trong đó thường gặp nhất là Epidermophyton, Trichophyton và Microsporum.

Các loại nấm gây bệnh hấp thu keratin từ lớp sừng của da, móng, lông, tóc và phát triển mạnh. Sau đó, gây tổn thương là các đám hình tròn như đồng xu, bề mặt đỏ, viền có mụn nước và chính giữa là các vảy bong nhỏ, đi kèm với cảm giác ngứa âm ỉ đến dữ dội. Tổn thương do hắc lào thường xảy ra ở những vị trí kín, ẩm ướt như kẽ ngón, bẹn, cơ quan sinh dục, vùng da dưới cánh tay, râu, da đầu,…

Trên thực tế, lác đồng tiền là bệnh lành tính, chủ yếu gây ngứa kèm theo tổn thương lớp sừng. Bệnh hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và cũng rất hiếm khi phát sinh các biến chứng nặng nề. Đa phần các trường hợp bị hắc lào đều đáp ứng tốt khi sử dụng thuốc bôi, thuốc uống và chăm sóc đúng cách.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, hắc lào có thể tái đi tái lại nhiều lần. Dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng tình trạng bệnh tái phát thường xuyên ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình, thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống. Vì vậy để có phương án điều trị phù hợp, bệnh nhân cần tìm ra nguyên nhân khiến bệnh tái phát.

Một số nguyên nhân gây ra tình trạng hắc lào tái đi tái lại nhiều lần:

1. Không tiến hành điều trị

Hắc lào là bệnh da liễu thường gặp, lành tính và hầu hết đều có mức độ nhẹ. Do đó, rất nhiều bệnh nhân chủ quan khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh và đa phần đều không can thiệp điều trị. Tuy nhiên, chủng nấm dermatophytes không thể bị tiêu diệt nếu không can thiệp các phương pháp y tế.

Trong trường hợp không điều trị, các chủng nấm gây hắc lào có thể phát triển mạnh và khiến bệnh lây lan rộng. Ở một số người có hệ miễn dịch tốt, tổn thương do hắc lào có thể thuyên giảm dần sau vài tuần. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Khi có điều kiện thuận lợi, bệnh có thể tái phát nhiều lần gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, tác động không nhỏ đến ngoại hình và tính thẩm mỹ của da.

ĐỌC NGAY: Bệnh Hắc Lào Có Chữa Khỏi Hẳn Được Không? Chuyên Gia Giải Đáp

2. Điều trị không đúng cách

Tương tự như vi khuẩn, vi nấm có khả năng kháng thuốc và tái nhiễm cao. Do đó ngoài nguyên nhân kể trên, hiện tượng hắc lào tái đi tái lại thường xuyên còn có thể xảy ra do điều trị không đúng cách.

hắc lào tái phát
Tự ý dùng thuốc khi chưa thăm khám là một trong những nguyên nhân khiến hắc lào tái phát

Một số sai lầm trong điều trị có thể khiến bệnh hắc lào tái phát nhiều lần:

  • Tự ý sử dụng thuốc khi chưa tiến hành thăm khám khiến vi nấm có nguy cơ kháng thuốc cao.
  • Không điều trị bằng tân dược mà phụ thuộc hoàn toàn vào các mẹo chữa dân gian. Tuy nhiên, các mẹo từ nguyên liệu tự nhiên chỉ có vai trò hỗ trợ, hoàn toàn không thể tiêu diệt dứt điểm các loại vi nấm gây bệnh.
  • Sử dụng thuốc không đúng liều lượng, tần suất, tự ý hiệu chỉnh liều và ngưng thuốc ngay sau khi triệu chứng thuyên giảm. Tình trạng này làm tăng nguy cơ kháng thuốc và khiến hắc lào tái phát sau một thời gian điều trị.

Vi nấm dermatophytes chỉ bị tiêu diệt hoàn toàn khi dùng thuốc liên tục trong 4 – 8 tuần (tùy vị trí tổn thương). Nếu dùng thuốc không đều hoặc ngưng thuốc quá sớm, vi nấm có thể tiếp tục phát triển và gây tái phát bệnh sau một thời gian ngắn. Thống kê cho thấy, tình trạng dùng thuốc không đều và tự ý ngưng thuốc là sai lầm thường gặp nhất khi điều trị hắc lào và các bệnh nấm da khác.

3. Không kiểm soát các nguồn lây nhiễm

Hắc lào là bệnh da liễu có khả năng lây nhiễm cao. Vi nấm có thể lây từ người nhiễm bệnh hoặc lây từ thú nuôi (chó, mèo, ngựa) và một số ít trường hợp còn có thể bị lây nhiễm từ môi trường (đất, nước, không khí). Nếu không kiểm soát nguồn lây nhiễm, hắc lào có thể tái phát nhiều lần và có nguy cơ phát triển mãn tính.

hắc lào tái phát
Thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây nhiễm làm tăng nguy cơ tái phát hắc lào và các bệnh nấm da khác

Ngoài ra, tình trạng bệnh tái đi tái lại còn có thể bắt nguồn từ các nguồn lây trung gian (mền, gối, quần áo, khăn mặt). Do đó khi điều trị, bệnh nhân cần chú ý vệ sinh các vật dụng cá nhân bằng xà phòng, nước ấm và lộn trái phơi dưới ánh nắng cường độ cao để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn và các loại nấm có hại.

Tìm hiểu thêm: Bệnh Hắc Lào Có Lây Không? Có Di Truyền Không? [HỎI ĐÁP]

4. Không kết hợp với chế độ chăm sóc

Một nguyên nhân khác khiến hắc lào tái phát thường xuyên là do không kết hợp với chế độ chăm sóc. Thực tế, hiệu quả của các phương pháp y tế giảm đi đáng kể nếu bệnh nhân không kết hợp với thói quen vệ sinh, sinh hoạt và ăn uống lành mạnh.

Thống kê cho thấy, người sinh sống trong môi trường ô nhiễm, chất lượng cuộc sống thấp, thói quen vệ sinh kém,… thường có nguy cơ tái phát hắc lào cao hơn so với người có thói quen vệ sinh cá nhân tốt. Ngoài ra, vệ sinh kém còn làm tăng nguy cơ bội nhiễm da và tạo điều kiện để tổn thương lây lan rộng.

5. Hệ miễn dịch suy giảm

Hệ miễn dịch suy giảm là điều kiện thuận lợi để hắc lào tiến triển mãn tính và tái đi tái lại nhiều lần. Thông thường, các tế bào miễn dịch (lympho) có khả năng kiểm soát và ức chế sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm trên bề mặt da. Do đó, ở người khỏe mạnh, chủng nấm dermatophytes gây bệnh hắc lào thường bị kiểm soát hoàn toàn sau khi sử dụng thuốc.

Ngược lại ở những người có hệ miễn dịch kém, vi nấm có thể tồn tại một lượng nhỏ trong lớp sừng của da ngay cả khi đã tích cực điều trị. Sau khi xuất hiện các yếu tố thuận lợi, nấm tiếp tục phát triển và gây tái phát lác đồng tiền. Trên thực tế, hắc lào thường tái đi tái lại ở những người có hệ miễn dịch kém như người nhiễm HIV, bệnh nhân tiểu đường, người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài.

Tham khảo: Bật Mí 11 Loại Thuốc Chữa Hắc Lào Của Nhật Bản Tốt Nhất

Cách phòng ngừa hắc lào tái phát hiệu quả

Hắc lào là bệnh viêm da do nấm rất phổ biến ở nước ta. Mặc dù ít khi đe dọa đến sức khỏe nhưng tình trạng bệnh tái đi tái lại ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình, tâm lý và chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, nếu không kiểm soát bệnh sớm, vi nấm có thể lây nhiễm cho những thành viên khác trong gia đình.

Để ngăn ngừa hắc lào tái phát, bệnh nhân có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa đơn giản sau:

1. Thăm khám và tích cực điều trị

Ngay khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh hắc lào, bệnh nhân cần chủ động thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán, đánh giá tình trạng bệnh và tư vấn phương án điều trị phù hợp. Nếu sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn, tổn thương da do hắc lào có thể được kiểm soát trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, bệnh nhân nên duy trì dùng thuốc trong vài tuần để ngăn ngừa hiện tượng tái nhiễm.

hắc lào tái phát
Thăm khám và tích cực điều trị là biện pháp phòng ngừa hắc lào tái phát hiệu quả nhất

Đa phần các trường hợp bị hắc lào đều đáp ứng tốt với sử dụng thuốc và được kiểm soát hoàn toàn sau 4 – 8 tuần (tùy vị trí tổn thương). Để hạn chế tình trạng tái phát, bệnh nhân cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý hiệu chỉnh liều hoặc ngưng thuốc sớm hơn thời gian khuyến cáo.

Tìm hiểu thêm: Bị Hắc Lào Nên Ăn Gì Và Kiêng Gì Để Bệnh Không Tái Phát? 

2. Tránh các nguồn lây nhiễm

Bên cạnh các phương pháp điều trị, bệnh nhân cần tránh các nguồn lây nhiễm để tránh hiện tượng tái nhiễm.

phòng ngừa hắc lào
Nên giặt quần áo và phơi khô dưới ánh nắng để tiêu diệt hoàn toàn vi nấm gây bệnh
  • Không tiếp xúc với thú nuôi nhiễm nấm dermatophytes. Nếu nuôi thú cưng, nên tắm rửa thường xuyên bằng các sản phẩm làm sạch chuyên dụng để ngăn sự phát triển của vi nấm, từ đó hạn chế tình trạng nấm dermatophytes lây nhiễm sang người.
  • Sử dụng bao tay cao su và mang ủng khi làm vườn, tiếp xúc với nước và đất cát. Dù không phổ biến nhưng đã có ghi nhận về trường hợp nhiễm nấm dermatophytes từ môi trường.
  • Trong thời gian điều trị, nên thông báo với các thành viên trong gia đình về tình trạng bệnh lý để chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.
  • Sau khi điều trị, cần hạn chế tiếp xúc thân mật và sử dụng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, quần áo, mền, gối,… với người bị nấm da nói chung và lác đồng tiền nói riêng.
  • Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần kiểm soát các nguồn lây trung gian như mền, vỏ gối, quần áo, khăn,… Để phòng ngừa bệnh tái phát, cần thường xuyên giặt giũ các vật dụng kể trên bằng nước ấm và xà phòng, sau đó lộn mặt trái phơi dưới ánh nắng. Nếu không kiểm soát nguồn lây nhiễm từ các vật dụng trung gian, hắc lào có thể tái phát sau một thời gian ngắn điều trị.

3. Cải thiện sức khỏe và hệ miễn dịch

Như đã đề cập, hệ miễn dịch suy yếu là yếu tố thuận lợi để hắc lào tiến triển mãn tính và tái phát thường xuyên. Vì vậy để hạn chế bệnh tái đi tái lại, bệnh nhân cần kết hợp điều trị và xây dựng lối sống khoa học.

Đối với những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm, nên tăng cường tập thể dục và bổ sung thực phẩm giàu Kẽm, vitamin C, canxi,… để nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, phơi nắng từ 5 – 10 phút trong khung giờ từ 7:00 – 9:30 hằng ngày cũng có thể cải thiện hệ miễn dịch đáng kể.

Đọc thêm: Chia Sẻ Bí Kíp Chữa Hắc Lào Bằng Chuối Xanh Cực Hay Bạn Nên Thử

4. Một số biện pháp phòng ngừa khác

Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên thực hiện thêm một số biện pháp phòng ngừa khác như:

phòng ngừa hắc lào
Vệ sinh cá nhân tốt là cách đơn giản để phòng ngừa hắc lào tái đi tái lại
  • Vệ sinh cơ thể 1 – 2 lần/ ngày, mặc quần áo có chất liệu thấm hút và rộng rãi để hạn chế tăng tiết mồ hôi. Mồ hôi bài tiết quá nhiều là yếu tố tạo môi trường thuận lợi để vi nấm phát triển và gây tái phát hắc lào.
  • Chú ý làm sạch những vùng da kín và có nếp gấp lớn. Để hạn chế hiện tượng tăng tiết mồ hôi, nên sử dụng bột talc hoặc các sản phẩm chuyên dụng bên cạnh việc tắm rửa thường xuyên.
  • Khi thời tiết nóng ẩm, nên tránh mặc trang phục bó sát, chất liệu dày cứng và thấm hút kém. Bởi đây là điều kiện kích thích da tiết nhiều mồ hôi và tạo điều kiện cho vi nấm, hại khuẩn phát triển.
  • Tránh lạm dụng xà phòng quá mức. Thay vào đó, nên sử dụng các sản phẩm làm sạch có độ pH gần với độ pH sinh lý của da (dao động từ 5 – 6). Sử dụng xà phòng có độ pH kiềm tạo môi trường thuận lợi để nấm dermatophytes phát triển và gây tái phát lác đồng tiền.
  • Hạn chế mang giày quá chật và có chất liệu bí. Thói quen này khiến da chân tiết nhiều mồ hôi và dễ mắc các bệnh nấm da, trong đó có hắc lào.

Bài viết đã tổng hợp các nguyên nhân có khả năng khiến hắc lào tái đi tái lại và hướng dẫn một số biện pháp phòng ngừa bệnh tái phát hiệu quả. Hy vọng qua bài viết, bệnh nhân có thể hiểu rõ hơn về bệnh lý này và chủ động trong việc phòng ngừa, điều trị để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.

Có thể bạn quan tâm