Bị Viêm Da Cơ Địa Ngón Tay Mất Dấu Vân Tay Phải Làm Thế Nào?
Viêm da cơ địa ở ngón tay có thể gây ra cảm giác ngứa ngáy, khó chịu và làm mất dấu vân tay. Bệnh lý này thường xảy ra ở người có cơ địa nhạy cảm và hàng rào bảo vệ da suy giảm, nhất là khi có những yếu tố tác động như thường xuyên tiếp xúc với nước, xà phòng, hóa chất, chất tẩy rửa,…
Viêm da cơ địa (chàm thể tạng) là một dạng tổn thương da nông, có tính chất dai dẳng, dễ tái phát và gần như chưa thể điều trị hoàn toàn. Bệnh lý này có biểu hiện lâm sàng phong phú, đa dạng tùy thuộc vào giai đoạn phát triển, độ tuổi và cơ địa của từng cá thể. Trong đó, triệu chứng chung của viêm da cơ địa là ngứa ngáy và viêm lớp nông của da.
Bệnh có thể ảnh hưởng đến nhiều vùng da trên cơ thể nhưng thường gặp nhất ở vùng mặt (đặc biệt là má, cằm), khuỷu tay, bàn chân và ngón tay. Do ở những vị trí này, da có đặc tính mỏng hoặc thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố kích ứng, dị ứng. Theo thời gian, hàng rào bảo vệ da suy giảm khiến “dị nguyên” xâm nhập và gây ra viêm da cơ địa.
Nhận biết viêm da cơ địa ở ngón tay
Viêm da cơ địa ở ngón tay có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Tương tự như các vùng da khác, tổn thương da ở ngón tay cũng tiến triển theo từng giai đoạn, cấp tính, bán cấp và mãn tính.
Nhận biết viêm da cơ địa ở ngón tay trong giai đoạn cấp:
- Đầu ngón tay nổi các ban dát đỏ kèm theo mụn nước và sẩn ngứa
- Sau đó, mụn nước vỡ, rỉ dịch, trợt loét và phù nề
- Quá trình này lặp đi lặp lại trong khoảng vài ngày đến vài tuần
- Tổn thương da gây ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội và đôi khi gây đau, nóng rát nhưng mức độ không đáng kể
Sau đó, da dần khô lại và chuyển sang giai đoạn bán cấp. Giai đoạn này không có triệu chứng điển hình và thời gian tiến triển ngắn nên ít khi được đề cập. Viêm da cơ địa ở ngón tay trong giai đoạn bán cấp biểu hiện qua tình trạng da giảm sưng đỏ, phù nề, ngưng rỉ dịch và chỉ gây ngứa âm ỉ, mức độ ngứa nhẹ, không đáng kể.
Triệu chứng của viêm da cơ địa ở ngón tay trong giai đoạn mãn tính:
- Đầu ngón tay bắt đầu khô lại, da dày sừng, sần sùi và bong tróc
- Các mảng da khô dày lên theo thời gian, khi da bong để lại nền da đỏ và bóng
- Tổn thương da tiến triển dai dẳng dẫn đến tình trạng mất dấu vân tay, da nứt nẻ hoặc thậm chí là chảy máu
- Một số trường hợp có thể bị tổn thương, biến dạng móng do viêm da cơ địa ảnh hưởng đến đầu ngón tay
- Trong giai đoạn mãn tính, tổn thương da thường đi kèm với triệu chứng ngứa. Mức độ ngứa có thể tăng lên đáng kể nếu thời tiết khô hanh hoặc tiếp xúc với xà phòng, hóa chất và các chất kích ứng
Viêm da cơ địa ở đầu ngón tay thường tiến triển dai dẳng hơn so với tổn thương da ở những vị trí khác. Do ngón tay là vị trí có tần suất tiếp xúc cao với xà phòng, chất tẩy rửa, hóa chất và các chất có khả năng gây dị ứng, kích ứng khác.
- Xem Thêm: Viêm Da Cơ Địa Ở Tay Và Chân – Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Cách Điều Trị Dứt Điểm Tận Gốc [Đừng Bỏ Qua]
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa ở ngón tay
Tương tự như viêm da cơ địa ở những vùng da khác, viêm da cơ địa ở đầu ngón tay gần như không thể xác định được nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, bệnh lý này chỉ xảy ra ở những cá thể có cơ địa dị ứng (rối loạn đáp ứng miễn dịch) và hàng rào bảo vệ da suy giảm.
Viêm da cơ địa ở ngón tay cũng là một trong những bệnh da liễu có tính chất di truyền. Do đó, nếu có cha hoặc mẹ mắc bệnh lý này, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên đáng kể.
Nguyên nhân có thể gây viêm da cơ địa ở đầu ngón tay:
- Cơ địa dị ứng: Ở người có cơ địa dị ứng (được quy định bởi gen), cơ thể nhạy cảm hơn với các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Do đó khi tiếp xúc với dị nguyên, hệ miễn dịch dễ bị kích thích và phản ứng lại bằng cách tăng kháng nguyên IgE trong máu. IgE hoạt hóa các chất gây viêm, tiền viêm, thành phần trung gian gây dị ứng,… Kết quả là hình thành tổn thương viêm da cơ địa ở lớp nông của da.
- Hàng rào bảo vệ da suy giảm: Da của người bị viêm da cơ địa thường bị thiếu hụt protein liên kết tế bào biểu mô – filaggrin và loricrin. Việc thiếu hụt các loại protein này khiến hàng rào da suy giảm, da dễ mất nước, khô căng và bong tróc. Hơn nữa, thiếu hụt filaggrin và loricrin khiến da xuất hiện các lỗ hổng nhỏ, tạo điều kiện cho dị nguyên xâm nhập và kích hoạt triệu chứng của viêm da cơ địa bùng phát.
Tuy nhiên, viêm da cơ địa ở ngón tay chỉ bùng phát và tiến triển nặng khi có những yếu tố tác động như:
- Thường xuyên tiếp xúc với nước (tăng mất nước trong lớp sừng của da)
- Tiếp xúc nhiều với xà phòng, chất tẩy rửa có tính kiềm
- Ma sát quá mức
- Tiếp xúc với chất len dạ
- Dị ứng thức ăn
- Dị ứng thời tiết
- Thời tiết khô hanh (tăng mất nước gây khô da, nứt nẻ)
Thực tế, viêm da cơ địa ở đầu ngón tay là bệnh lý có liên quan đến tính chất nghề nghiệp. Người làm những công việc phải tiếp xúc với nước, chất tẩy rửa, hóa chất,… thường xuyên dễ mắc phải bệnh lý này, bệnh tiến triển dai dẳng và dễ tái phát hơn so với người làm các công việc khác.
Nên xem: Bị viêm da cơ địa nên bôi thuốc gì? Tổng hợp các loại kem trị viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa mất dấu vân tay có nguy hiểm không?
Theo thầy thuốc ưu tú, bác sĩ CKII Nguyễn Thị Nhuần – Giám đốc chuyên môn Trung tâm Da liễu Đông y Việt Nam (trực thuộc Viện Da liễu Hà Nội – Sài Gòn), viêm da cơ địa ở ngón tay có thể gây mất dấu vân tay do quá trình tăng sinh tế bào sừng, da khô quá mức, nứt nẻ và bong tróc. Điều này gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống. Tuy nhiên trên thực tế, vân tay có thể phục hồi trở lại nếu kiểm soát tốt triệu chứng và tiến triển của bệnh.
Mặc dù chưa thể điều trị hoàn toàn nhưng viêm da cơ địa là bệnh lành tính và có thể quản lý thông qua việc sử dụng thuốc, chăm sóc da đúng cách, tổ chức lại lối sống,… Vì vậy, bệnh ít khi đe dọa đến sức khỏe và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của bệnh nhân.
Tuy nhiên do tính chất tái đi tái lại và tiến triển mãn tính nên khi điều trị viêm da cơ địa, cần phải tích cực phối hợp giữa các phương pháp y tế và biện pháp chăm sóc. Nếu không điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ngứa ngáy dai dẳng, nứt nẻ nặng và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.
Hơn nữa, đầu ngón tay là vị trí có tần suất tiếp xúc cao. Vì vậy, tổn thương da rất dễ bị bội nhiễm nếu không chăm sóc và vệ sinh đúng cách. Ngoài ra, tình trạng đầu ngón tay nứt nẻ, khô ráp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến yếu tố thẩm mỹ. Do đó, bệnh nhân nên tích cực điều trị để kiểm soát triệu chứng và tiến triển của bệnh.
Cách điều trị viêm da cơ địa mất dấu vân tay
Viêm da cơ địa mất dấu vân tay có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, sử dụng thuốc là biện pháp phổ biến nhất. Ngoài các phương pháp y tế, cần chú ý các biện pháp chăm sóc để da nhanh chóng phục hồi, tái tạo và hạn chế tình trạng lạm dụng thuốc quá mức.
Dưới đây là một số phương pháp điều trị viêm da cơ địa mất dấu vân tay hiệu quả:
Sử dụng thuốc bôi + thuốc uống
Thuốc bôi và thuốc uống được sử dụng để điều trị viêm da cơ địa ở ngón tay trong giai đoạn cấp, bệnh bùng phát mạnh và gây ngứa nhiều. Tùy vào giai đoạn phát triển của bệnh, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc sau:
- Thuốc bôi chứa corticoid: Thuốc bôi chứa corticoid là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất khi điều trị viêm da cơ địa ở tay. Thuốc có tác dụng giảm viêm, ngứa ngáy và cải thiện tình trạng da tăng sinh tế bào sừng. Loại thuốc này thường được dùng với tần suất 1 – 2 lần/ ngày trong tối đa 20 ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý lạm dụng thuốc bôi corticoid có thể khiến da mỏng, teo, rạn da, giãn mạch,…
- Thuốc ức chế calcineurin: Thuốc ức chế calcineurin được sử dụng xen kẽ với corticoid để giảm rủi ro và tác dụng phụ khi điều trị. Loại thuốc này có tác dụng chống viêm, giảm ngứa và làm sạch tổn thương do viêm da cơ địa gây ra. Thuốc ức chế calcineurin có thể dùng cho các vùng da mỏng, da có nếp gấp và không gây teo da, rạn da như corticoid.
- Thuốc sát trùng, khử khuẩn: Ở giai đoạn cấp, bác sĩ có thể có thể chỉ định các loại thuốc dạng dung dịch hoặc dạng bôi chứa các thành phần sát trùng, khử khuẩn như Zinc oxide, Chlorhexidine,… Thuốc được sử dụng nhằm phòng ngừa bội nhiễm và làm dịu vùng da tổn thương.
- Kháng sinh: Kháng sinh dạng bôi và dạng uống có thể được dùng để phòng ngừa – điều trị viêm da cơ địa bội nhiễm. Đối với tổn thương ở đầu ngón tay, bác sĩ có thể chỉ định các loại kháng sinh dạng bôi phối hợp với hoạt chất kháng nấm để ngăn ngừa nhiễm nấm da tay.
- Thuốc bôi chứa axit salicylic: Axit salicylic là hoạt chất bạt sừng, bong vảy. Thuốc chứa axit salicylic được sử dụng để cải thiện tình trạng thâm nhiễm, dày sừng, bong tróc,… ở bệnh nhân bị viêm da cơ địa mất dấu vân tay. Ngoài ra, hoạt chất này còn có tác dụng sát trùng nhẹ và hỗ trợ phòng ngừa bội nhiễm nấm nhờ vào cơ chế làm giảm lipid ở lớp sừng.
- Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 đường uống được dùng để giảm ngứa ngáy do viêm da cơ địa gây ra. Vì chỉ có tác dụng giảm ngứa nên thuốc chủ yếu được dùng ngắn hạn (khoảng 2 – 3 ngày). Khi mức độ ngứa thuyên giảm, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc bôi để cải thiện triệu chứng này.
Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị viêm da cơ địa mất dấu vân tay. Khi tổn thương da được kiểm soát, da sẽ phục hồi, tái tạo và dấu vân tay sẽ hiện lên sau khoảng vài tháng. Tuy nhiên, dùng thuốc chỉ có tác dụng kiểm soát triệu chứng lâm sàng, không tác động đến căn nguyên của bệnh. Do đó, chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định, tránh lạm dụng và phụ thuộc quá mức.
- Tìm hiểu thêm: Thuốc Chữa Viêm Da Cơ Địa Của Pháp Có Tốt Không? Gợi Ý Top 3 Thuốc Bán Chạy Nhất Trên Thị Trường Hiện Nay
Liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu)
So với các vùng da khác, tổn thương ở vùng da tay có xu hướng dai dẳng và dễ tái phát hơn. Chính vì vậy trong một số trường hợp, tổn thương da có thể không thuyên giảm khi sử dụng thuốc. Trong trường hợp này, bệnh nhân nên cân nhắc can thiệp liệu pháp ánh sáng.
Quang trị liệu (liệu pháp ánh sáng) là phương pháp sử dụng tia UVA và UVB nhân tạo chiếu trực tiếp lên vùng da tổn thương để điều biến miễn dịch, ức chế phóng thích các tế bào gây viêm (tế bào mast, bạch cầu hạt, tế bào lympho T(. Từ đó, hạn chế việc sản sinh các yếu tố tiền viêm và gây viêm vào da giúp cải thiện tình trạng da viêm đỏ, ngứa ngáy.
Ngoài ra, liệu pháp ánh sáng còn giúp hạn chế hiện tượng tăng sinh tế bào sừng. Qua đó hỗ trợ cải thiện tình trạng da thâm nhiễm, nứt nẻ, khô ráp và bong tróc. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định quang trị liệu kết hợp với thuốc để dẫn thuốc vào sâu bên trong cấu trúc da nhằm mang lại hiệu quả tối ưu.
Tham khảo thêm: Các Loại Lá Tắm Trị Viêm Da Cơ Địa Hiệu Quả, Dễ Tìm
Chăm sóc da tay đúng cách
Là bệnh da liễu mãn tính nên viêm da cơ địa tái đi tái lại nhiều lần. Hơn nữa, các phương pháp điều trị hiện nay cũng chỉ giúp kiểm soát triệu chứng lâm sàng và hoàn toàn không tác động đến căn nguyên của bệnh. Chính vì vậy song song với các phương pháp y tế, bệnh nhân cần kết hợp với các biện pháp chăm sóc da tay đúng cách như:
- Tránh tiếp xúc với các chất dị ứng, kích ứng.
- Thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên (2 – 4 lần/ ngày) trong thời gian lâu dài – ngay cả khi không có biểu hiện của bệnh. Đối với vùng da đầu ngón tay, nên sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm có kết cấu cream đặc hoặc dạng mỡ (ointment) để ngăn thoát hơi nước, giảm khô da và nứt nẻ nhanh chóng.
- Hạn chế sơn móng tay khi đang điều trị. Thực tế, các hóa chất trong sơn móng tay có thể khiến tổn thương da lan tỏa rộng, viêm đỏ nặng và ngứa ngáy dữ dội.
- Giữ ấm tay và mang bao tay để hạn chế tình trạng da mất nước, nứt nẻ và bong tróc mạnh.
- Khi các đầu ngón tay khô và nứt nẻ quá mức, có thể ngâm tay với nước ấm trong 10 phút. Sau đó, massage nhẹ để loại bỏ vảy bong. Kế tiếp, dùng khăn lau khô và thoa kem dưỡng hoặc thuốc mỡ để giữ ấm da, giảm ngứa.
- Nếu lo ngại về vấn đề dị ứng khi dùng sản phẩm dưỡng ẩm, bệnh nhân có thể dưỡng ẩm cho vùng da tay bằng các loại tinh dầu tự nhiên như dầu dừa, dầu ô liu, dầu argan, dầu quả bơ,… Ngoài khả năng dưỡng ẩm, các loại tinh dầu tự nhiên còn giúp phục hồi vùng da tổn thương và ức chế sự phát triển của nấm, hại khuẩn.
- Tránh ma sát và hạn chế các tác động cơ học lên vùng da tay.
Phòng ngừa viêm da cơ địa ở ngón tay tái phát
Viêm da cơ địa ở ngón tay dễ tái phát hơn so với tổn thương ở những vùng da khác do đây là vị trí có tần suất tiếp xúc cao, da dễ bị bong tróc, nứt nẻ,… Vì vậy sau khi tổn thương da thuyên giảm, bệnh nhân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa tái phát như:
- Cách ly tuyệt đối với các yếu tố kích thích bệnh bùng phát như chất tẩy rửa, xà phòng, chất len dạ, dung dịch có tính kiềm,… Nếu phải tiếp xúc với các yếu tố này, nên sử dụng găng tay cao su để bảo vệ da.
- Cân nhắc thay đổi công việc nếu viêm da cơ địa ở đầu ngón tay tái phát nhiều lần, dấu vân tay mất hoàn toàn, da nứt nẻ và chảy máu.
- Tránh các loại thực ăn gây dị ứng như hải sản, mè, đậu phộng,… Phản ứng dị ứng đối với protein có trong các loại thực phẩm có thể “vô tình” kích hoạt triệu chứng của viêm da cơ địa ở đầu ngón tay bùng phát.
- Giữ ấm cơ thể – đặc biệt là vùng da tay khi thời tiết chuyển lạnh.
- Dưỡng ẩm cho da thường xuyên là cách phòng ngừa viêm da cơ địa tái phát hiệu quả. Tuy nhiên, cần lựa chọn kem dưỡng ẩm cho người bị viêm da cơ địa phù hợp với mức độ khô của da, độ tuổi, cơ địa, khả năng tài chính,…
- Cải thiện sức khỏe tổng thể bằng chế độ ăn uống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý và tập thể dục thường xuyên. Thể trạng tốt giúp nâng cao sức đề kháng và giảm mức độ nhạy cảm của cơ địa với các yếu tố kích ứng, dị ứng.
Viêm da cơ địa ngón tay gây mất dấu vân tay là tình trạng tương đối phổ biến. Mặc dù là bệnh lành tính nhưng tình trạng này có xu hướng tái đi tái lại, ảnh hưởng không nhỏ đến yếu tố thẩm mỹ và gây ra nhiều phiền toái khi sinh hoạt, làm việc. Do đó, bệnh nhân cần tích cực điều trị và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để kiểm soát bệnh hoàn toàn.
- Xem Thêm: Người Bị Viêm Da Cơ Địa Nên Ăn Gì Và Kiêng Gì nhanh khỏi bệnh? Chế Độ Dinh Dưỡng Ra Sao [Tham Khảo Ý Kiển Chuyên Gia]
Mình bị khô da 2 bàn tay tróc hết cả dấu vân tay , ko bị ngứa, đi chữa bệnh viện da liễu sg cả gần năm trời vãn không đỡ , có ai từng bị mà chữa hết được ko ạ
Thanh bì dưỡng can thang có dễ dùng k? Em đi lăm việc giờ hành chính nên việc sắc thuốc là không thể rồi.
Bị viêm da cơ địa đặc biệt là bị mất dấu vân tay thì cần phải kiêng khem những gì vậy mọi người nhỉ, ai có kinh nghiệm cho em biết đi
Bệnh này điều trị đông y có thất có thể là hết không, mà nghe nói phải dùng thuốc lâu lắm.