Các Phương Pháp Xét Nghiệm Chẩn Đoán Viêm Da Cơ Địa
Để chẩn đoán viêm da cơ địa, bệnh nhân cần được thăm khám lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu đo định lượng IgE, đo bạch cầu ái toan,… Ngoài ra trong trường hợp cần thiết, bác sĩ còn có thể đưa ra chẩn đoán dựa vào biến chứng của bệnh.
Thông tin cần biết về viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là thể lâm sàng thường gặp nhất của bệnh chàm (eczema). Bệnh thường khởi phát trong những năm đầu đời (2 tháng – 2 tuổi) và chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ bụ bẫm. Bệnh lý này có tính chất dai dẳng, mãn tính và tái đi tái lại trong nhiều năm. Ở một số trường hợp, viêm da cơ địa có thể thuyên giảm hoàn toàn sau khi trưởng thành.
Viêm da cơ địa là bệnh da liễu có mối liên hệ mật thiết với cơ địa dị ứng. Đa phần người mắc bệnh lý này đều di truyền thể địa dị ứng từ cha hoặc mẹ. Đây là yếu tố quan trọng, có vai trò hình thành rối loạn đáp ứng miễn dịch với các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Kết quả là gây ra tổn thương ở lớp nông của da kèm ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội và có tính chất dai dẳng.
Mặc dù chưa thể xác định nguyên nhân cụ thể nhưng cơ chế bệnh sinh có sự tham gia của cơ địa dị ứng, yếu tố di truyền, hàng rào da suy giảm, tác động từ môi trường và một số vấn đề sức khỏe. Có thể thấy, mặc dù là bệnh ngoài da nhưng viêm da cơ địa có căn nguyên phức tạp, tiến triển dai dẳng và dễ tái phát.
Hơn nữa, bệnh lý này có biểu hiện lâm sàng tương đối đa dạng, phong phú, phụ thuộc vào giai đoạn phát triển, cơ địa và độ tuổi của từng bệnh nhân. Do đó trước khi điều trị, bệnh nhân cần phải thăm khám lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán viêm da cơ địa.
Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là bệnh da liễu có liên quan đến cơ chế dị ứng. Hiện tại, không có xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán bệnh lý này. Do đó để thu thập đủ dữ liệu nhằm đưa ra chẩn đoán, bác sĩ sẽ yêu cầu thăm khám lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết.
1. Thăm khám lâm sàng
Thăm khám lâm sàng là bước đầu tiên trong chẩn đoán viêm da cơ địa. Như đã biết, viêm da cơ địa chủ yếu gây ngứa ngáy kèm theo tổn thương da. Do đó, thăm khám lâm sàng chủ yếu là khai thác triệu chứng, xem xét tổn thương da, vị trí ảnh hưởng,…
- Xem Thêm: Mách Bạn Phương Pháp Chữa Viêm Da Cơ Địa Ở Mặt An Toàn, Dứt Điểm, Không Để Lại Sẹo [Click Ngay]
Dựa vào tổn thương da, bác sĩ có thể chẩn đoán viêm da cơ địa và giai đoạn phát triển của bệnh.
Viêm da cơ địa giai đoạn cấp tính:
Ở giai đoạn cấp, tổn thương da thường bùng phát mạnh, xảy ra đột ngột, tiến triển nhanh chóng và dễ nhận biết. Viêm da cơ địa cấp tính biểu hiện qua các dấu hiệu sau:
- Da xuất hiện các vết ban đỏ, hồng bằng phẳng, không có ranh giới rõ ràng với vùng da xung quanh
- Bề mặt ban dát nổi sẩn ngứa hoặc mụn nước nhỏ, nông, không sâu và chìm khảm như bệnh tổ đỉa
- Mụn nước bắt đầu vỡ dẫn đến hiện tượng rỉ dịch, da phù nề, sưng đỏ và xuất hiện các vảy tiết màu trắng. Ở giai đoạn này, da dễ bị bội nhiễm – nhất là khi cào gãi thường xuyên. Viêm da cơ địa bội nhiễm thường gây đau, nóng rát, phù nề và bong vảy tiết màu vàng
- Viêm da cơ địa cấp có thể ảnh hưởng đến một số vị trí nhất định hoặc có thể lan rộng ra toàn bộ thân mình
Viêm da cơ địa giai đoạn bán cấp:
Viêm da cơ địa giai đoạn bán cấp không có triệu chứng điển hình, thời gian tiến triển ngắn và khó nhận biết. Hơn nữa, các vùng tổn thương ở giai đoạn cấp và bán cấp lồng ghép lẫn nhau nên giai đoạn này ít được đề cập đến.
- Tổn thương da ngưng rỉ dịch, giảm phù nề
- Da hết đau rát, giảm ngứa
- Tổn thương da màu hồng/ đỏ bóng và có hiện tượng sần sùi nhẹ
Viêm da cơ địa mãn tính:
Viêm da cơ địa mãn tính có tiến triển chậm, dai dẳng và dễ tái đi tái lại. Ở giai đoạn này, bệnh chủ yếu gây tổn thương ở những vùng da nhỏ, khu trú, ít khi ảnh hưởng toàn thân và phạm vi rộng.
- Tổn thương da thường có màu hồng hoặc đỏ, bề mặt sần sùi, nứt nẻ và khô ráp
- Tổn thương da nổi cộm và có ranh giới rõ ràng với những vùng da xung quanh
- Có hiện tượng dày sừng và lichen hóa (hằn cổ trâu) do tác động cơ học (phản ứng gãi cào)
- Da có thể bị nứt nẻ nặng dẫn đến đau nhức và chảy máu
Khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử gia đình và cá nhân bởi viêm da cơ địa là bệnh da liễu có tính chất gia đình. Thống cho thấy, hơn 70% bệnh nhân có người thân cận huyết mắc các bệnh lý có cơ chế dị ứng như viêm da cơ địa, các thể chàm khác, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng,…
2. Xét nghiệm chẩn đoán viêm da cơ địa
Biểu hiện của viêm da cơ địa khá giống với các bệnh da liễu mãn tính khác. Hơn nữa, một số bệnh nhân không có các triệu chứng điển hình do tổn thương da thứ phát (nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, viêm da thần kinh,…) che lấp.
Vì vậy sau khi thăm khám lâm sàng, bệnh nhân cần thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Xét nghiệm bạch cầu ái toan: Bạch cầu ái toan thường tăng số lượng khi có phản ứng dị ứng – đặc biệt là trong giai đoạn viêm da cơ địa bùng phát mạnh (giai đoạn vượng). Vì không có xét nghiệm đặc hiệu nên để có đủ dữ liệu nhằm đưa ra chẩn đoán xác định, bác sĩ buộc phải yêu cầu bệnh nhân thực hiện xét nghiệm này.
- Định lượng IgE toàn phần: IgE là kháng thể được sản sinh khi cơ thể bị dị ứng. Thống kê cho thấy, hơn 80% bệnh viêm da cơ địa có nồng độ IgE trong máu tăng, Nồng độ IgE càng cao thì tổn thương da càng nặng. Tuy nhiên trên thực tế, một số bệnh nhân bị viêm da cơ địa nhưng IgE trong máu vẫn ở mức bình thường.
- Test áp da (Patch test): Patch test là xét nghiệm nhằm tìm ra dị nguyên gây bệnh. Xét nghiệm được thực hiện bằng cách sử dụng miếng dán chứa dị nguyên nghi ngờ dán trực tiếp lên da. Sau đó, quan sát phản ứng của da để xác định được dị nguyên gây bùng phát mạnh. Việc phát hiện dị nguyên giúp quá trình điều trị và phòng ngừa mang lại hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên, rất ít bệnh nhân bị viêm da cơ địa tìm được dị nguyên cụ thể.
- Xét nghiệm tìm dị nguyên huyết thanh (RAST): RAST được thực hiện nhằm phát hiện sự hiện diện của IgE đặc hiệu đối với từng dị nguyên. Xét nghiệm này không chỉ giúp xác định tổn thương da có liên quan đến cơ chế dị ứng mà còn tìm được dị nguyên cụ thể (phấn hoa, đậu phộng,…).
Thông qua kết quả của các xét nghiệm cận lâm sàng và thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ dựa vào các tiêu chuẩn sẵn có để đưa ra chẩn đoán xác định.
- Xem Thêm: Gợi Ý 5 Loại Kem Bôi Viêm Da Cơ Địa Cho Bé Lành Tính, Hiệu Quả – Lời Khuyên Hữu Ích Cho Bố Mẹ
3. Chẩn đoán xác định viêm da cơ địa
Vì không có xét nghiệm đặc hiệu, cơ chế phức tạp và tổn thương da phong phú, đa dạng nên chẩn đoán viêm da cơ địa thường phải soi xét dưới nhiều tiêu chuẩn. Hiện nay, có 3 tiêu chuẩn chính được sử dụng để chẩn đoán bệnh lý này, bao gồm:
Tiêu chuẩn của Hanifin và Rajka (1980):
Theo tiêu chuẩn của Hanifin và Rajka, bệnh viêm da cơ địa phải có ít nhất 3 tiêu chuẩn chính và 3 tiêu chuẩn phụ.
Các tiêu chuẩn chính:
- Viêm da mãn tính, có tính chất tái phát
- Ngứa
- Tiền sử cá nhân và gia đình mắc các bệnh dị ứng (viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, hen suyễn,…)
- Vị trí, hình thái tổn thương có tính chất điển hình (Viêm da cơ địa ở trẻ em chủ yếu ảnh hưởng đến vùng da mặt, các mặt duỗi của các chi. Trong khi đó, trẻ lớn và người lớn chủ yếu bị dày sừng, thâm nhiễm da ở vùng da có nếp gấp)
Các tiêu chuẩn phụ:
- Tuổi phát bệnh sớm (chủ yếu là dưới 2 tuổi)
- Chàm núm vú (nếu xảy ra ở nữ giới)
- Xuất hiện các tổn thương khác giống với bệnh dày sừng nang lông
- Giác mạc hình chóp
- Chứng vẽ nổi
- Da khô ráp (do thiếu hụt filaggrin trong cấu trúc da)
- Đục thủy tinh thể
- Viêm môi
- Dị ứng thức ăn
- Mặt đỏ, tái
- Viêm kết mạc mắt và bị các chứng kích thích ở mắt có tính chất tái phát
- Nồng độ IgE tăng
- Chàm ở bàn tay
- Da dễ bị nhiễm trùng, có tính chất tái phát (hàng rào da suy giảm là yếu tố thuận lợi gây nhiễm trùng)
- Phản ứng da tức thì tuýp 1 dương tính
- Vảy phấn trắng
- Da bị ngứa khi đổ mồ hôi
- Nếp dưới mắt Dennie-Morgan (là dấu hiệu cho thấy phản ứng dị ứng gây viêm, phù ở mí mắt dưới)
- Xuất hiện quầng thâm quanh mắt
Có thể thấy, tiêu chuẩn Hanifin và Rajka tương đối phức tạp và mất nhiều thời gian thực hiện. Hiện nay, tiêu chuẩn này ít khi được ứng dụng trên lâm sàng vì có nhiều tiêu chuẩn không đặc hiệu hoặc đặc hiệu thì không thật sự phổ biến. Do đó, tiêu chuẩn Hanifin và Rajka chủ yếu được dùng trong thử nghiệm lâm sàng.
Tiêu chuẩn của Hội Da liễu Mỹ (AAD):
Tiêu chuẩn của Hội Da liễu Mỹ được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng. Tiêu chuẩn này bao gồm các nội dung sau:
Đặc điểm cần phải có:
- Ngứa – Ngứa được xem là triệu chứng kinh điển của viêm da cơ địa, xuất hiện từ giai đoạn cấp kéo dài đến giai đoạn bán cấp, mãn tính
- Có hình thái, vị trí tổn thương đặc trưng theo từng độ tuổi
Đặc điểm quan trọng:
- Da khô, nứt nẻ, bong tróc
- Cơ địa dị ứng (cá nhân và gia đình)
- Thời gian khởi phát bệnh (dưới 2 – 3 tuổi)
Đặc điểm phối hợp:
- Dày sừng nang lông
- Vảy cá
- Phản ứng mạch máu không điển hình
- Lichen hóa
- Vết trầy xước ở da
- Tổn thương xung quanh mắt, miệng và quanh tay
Tiêu chuẩn chẩn đoán của Tổ chức UK Working Party
Theo tiêu chuẩn của UK Working Party, chẩn đoán viêm da cơ địa bắt buộc phải có triệu chứng ngứa da dai dẳng và có ít nhất 3/5 tiêu chuẩn sau:
- Tiền sử cá nhân gặp phải tình trạng da khô trong ít nhất 12 tháng
- Hiện tại, có tổn thương da ở các nếp gấp (mặt trước cổ tay, cổ chân, hố khoeo, nếp gấp khuỷu tay nếu trên 18 tháng. Dưới 18 tháng thường có tổn thương ở mặt duỗi các chi và ở vùng má)
- Tiền sử cá nhân có tổn thương dạng chàm – eczema ở những vị trí điển hình trên
- Tiền sử cá nhân bị viêm mũi, viêm xoang dị ứng, hẹn phế quản. Hoặc khai thác tiền sử gia đình (cha, mẹ, anh chị em mắc các bệnh cơ địa) đối với trẻ dưới 4 tuổi.
- Khởi phát sớm, thường là dưới 2 tuổi
- Xem Thêm: Viêm Da Cơ Địa Khởi Phát Ở Người Lớn: Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Cách Điều Trị Dứt Điểm Tận Gốc
4. Chẩn đoán phân biệt
Viêm da cơ địa ở trẻ em cần phải phân biệt với các bệnh da liễu như:
- Viêm da tiết bã (viêm da dầu): Vị trí ảnh hưởng tương tự viêm da cơ địa nhưng tổn thương là các mảng da hồng/ đỏ, bong vảy tiết màu vàng, khô nhưng có bã nhờn, dính và thường không gây ngứa hoặc chỉ ngứa nhẹ
- Viêm da thiếu kẽm
- Nấm da (phân biệt với viêm da cơ địa ảnh hưởng đến bàn tay, bàn chân)
- Ghẻ chàm hóa (gây tổn thương dạng eczema do phản ứng gãi, cào nên cần phân biệt với viêm da cơ địa để điều trị đúng cách)
- Viêm da tiếp xúc (tổn thương tương tự viêm da cơ địa nhưng cơ chế khác nhau. Viêm da tiếp xúc thường xảy ra do hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ, hầu như không có cơ chế dị ứng)
- Hội chứng Wiskott-Aldrich (có biểu hiện viêm da ở dạng chàm mức độ nặng kèm theo hiện tượng xuất huyết dạng mảng dưới da. Tuy nhiên, tổn thương do hội chứng này không do cơ chế dị ứng mà do sự suy giảm chức năng của tế bào T)
- Hội chứng Hyperimmunoglobulinemia E (Job): Có tổn thương tương tự như viêm da cơ địa và có nồng độ IgE tăng. Tuy nhiên, tổn thương da ở hội chứng này bắt nguồn từ suy giảm miễn dịch, không phải rối loạn đáp ứng miễn dịch với các dị nguyên như viêm da cơ địa.
Viêm da cơ địa ở người lớn đặc trưng bởi tình trạng dày sừng, thâm nhiễm và lichen hóa. Do đó, cần phân biệt với các bệnh lý này:
- Viêm da thiếu kẽm
- Ghẻ chàm hóa
- Bệnh nấm da
- Mycosis Fungoides (một dạng u lympho tế bào T)
- Viêm da dầu
- Vảy nến
- Viêm da ánh nắng
- Viêm da tiếp xúc
5. Chẩn đoán thông qua biến chứng của bệnh
Trong những trường hợp không có đủ tiêu chuẩn để đưa ra chẩn đoán xác định, bác sĩ có thể thông qua các biến chứng mà bệnh nhân gặp phải để đưa ra kết quả cuối cùng.
Viêm da cơ địa là một dạng tổn thương da lành tính và ít nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, bệnh thường gây ngứa nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống, giấc ngủ,… Hơn nữa vì cơ chế liên quan đến phản ứng dị ứng và tăng IgE trong huyết tương nên bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của một số trẻ.
Chẩn đoán viêm da cơ địa thông qua các biến chứng sau:
- Bệnh gây ngứa nhiều, ảnh hưởng đến giấc ngủ và không ít phiền toái khi sinh hoạt, học tập. Tổn thương da thâm nhiễm, dày sừng, lichen hóa,… ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ và tâm lý của bệnh nhân – đặc biệt là người lớn và trẻ lớn.
- Trẻ chậm lớn khi bị viêm da cơ địa, nhất là trong trường hợp tình trạng viêm da cơ địa tái đi tái lại nhiều lần
- Da dễ bị nhiễm khuẩn do hàng rào da suy giảm (thiếu hụt filaggrin ở tế bào biểu mô). Các dạng nhiễm khuẩn thường gặp là viêm nang lông, mụn nhọt,…
- Dễ nhiễm các loại virus gây bệnh nhiễm herpes lan tỏa toàn thân, u mềm lây,…
- Đỏ da toàn thân do viêm da cơ địa (ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ nhỏ, đặc biệt là ở trẻ có thêm một vài vấn đề sức khỏe liên quan đến cơ chế dị ứng)
- Bất thường về mắt như đục thủy tinh thể, viêm kết mạc,…
Chẩn đoán viêm da cơ địa có cần xét nghiệm máu?
Chẩn đoán viêm da cơ địa có cần xét nghiệm máu không là thắc mắc của nhiều bạn đọc. Thực tế, xét nghiệm máu là kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng được ứng dụng phổ biến. Đối với bệnh viêm da cơ địa, bệnh nhân cần phải xét nghiệm máu để đo định lượng IgE (kháng thể dị ứng), bạch cầu ái toan và xét nghiệm tìm dị nguyên huyết thanh.
Khác với xét nghiệm đường huyết, cholesterol trong máu,… các xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm da cơ địa hầu như không phải nhịn ăn. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thức ăn gây dị ứng trong thời gian này có thể làm sai lệch kết quả của các xét nghiệm trên. Do đó nếu có thể, nên nhịn ăn trong 5 – 6 đồng hồ trước khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán viêm da cơ địa.
Bài viết đã tổng hợp các phương pháp thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán viêm da cơ địa. Tuy nhiên trên thực tế, quá trình chẩn đoán có thể bao gồm nhiều hoặc ít hơn các xét nghiệm được đề cập trong bài viết tùy vào biểu hiện lâm sàng, độ tuổi, tiền sử cá nhân, gia đình,… của từng trường hợp.
- Tham khảo thêm: Bỏ Túi Ngay 15+ Cách Chữa Bệnh Viêm Da Cơ Địa Tại Nhà Đơn Giản Mà Hiệu Quả Bất Ngờ
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!