Vảy nến là bệnh tự miễn ngoài da rất phổ biến với hình thái tổn thương đa dạng. Ngoài gây đỏ da, bong tróc vảy, có mủ… còn đi kèm với tình trạng ngứa ngáy, rất khó chịu. Người bệnh cần tìm hiểu các thông tin về bệnh kỹ lưỡng để luôn có sự chủ động trong phát hiện và điều trị.

Định nghĩa vảy nến

Vảy nến (Psoriasis) là một căn bệnh mãn tính có tiến triển dai dẳng theo từng đợt. Hiện nay căn nguyên gây bệnh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Bệnh vảy nến thường xảy ra khi quá trình sản sinh các tế bào da mới diễn ra nhanh chóng hơn bình thường, sự tích tụ của các tế bào da, khiến da dày, sần sùi và khô ráp.

Đặc trưng của bệnh vảy nến là sự tích tụ nhanh chóng các mảng da chết. Chúng thường có màu đỏ, khô, ngứa ngáy và có vảy. Vảy thường có màu trắng bạc, nhiều trường hợp còn bị nứt nẻ, gây chảy máu và đau đớn.

Bệnh lý tự miễn này thường ảnh hưởng tới các khớp khuỷu tay hay đầu gối. Tuy nhiên các dấu hiệu bệnh cũng có thể xuất hiện tại bất cứ vị trí nào của cơ thể. Bao gồm chân, tay, da đầu, cổ và cả khuôn mặt. Còn các vị trí như miệng, xung quanh bộ phận sinh dục hay khu vực móng tay thường ít bị ảnh hưởng hơn.

Vảy nến là bệnh lý da liễu có khả năng tái phát rất cao
Vảy nến là bệnh lý da liễu có khả năng tái phát rất cao

Dưới đây là thông tin chi tiết về một số thể bệnh vảy nến thường gặp nhất hiện nay:

Vảy nến thể chấm giọt

Thể bệnh này đặc trưng bởi tổn thương da là các chấm có đường kính chỉ khoảng 1 – 2mm, có màu đỏ tươi. Bên trên chấm giọt có phù 1 lớp vảy mỏng với màu trắng trục. Các chấm này có thể xuất hiện rải rác toàn thân, nhất là ở phần thân trên. Chúng dễ bị bong vảy và khi cạo vụn ra thì giống như bụi phấn.

Vảy nến thể chấm giọt thường phổ biến ở những người trẻ tuổi. Thường khởi phát đột ngột và có liên quan tới một số bệnh như viêm tai giữa, viêm amidan liên cầu khuẩn hay thường xuyên dùng thuốc kháng sinh. Trong một số trường hợp, thể vảy nến này có thể bị chẩn đoán nhầm với bệnh á vảy nến thể giọt hay giang mai phát ban dạng vảy nến.

Vảy nến thể đồng tiền

Đây là một dạng bệnh vảy nến điển hình và rất phổ biến hiện nay. Đặc trưng của bệnh là sự xuất hiện của các đốm tổn thương da có dạng hình tròn như đồng tiền. Đường kính của các đốm này nằm trong khoảng từ 1 – 4cm.

Tổn thương da có thể phát triển lên tới vài chục đám hay nhiều hơn, nằm rải rác khắp cơ thể. Thể bệnh này có xu hướng phát triển thành mạn tính, kéo dài dai dẳng và rất khó điều trị.

Xem thêm: Vảy Nến Đồng Tiền Là Gì? Triệu Chứng Gây Bệnh Và Cách Điều Trị

Vảy nến thể mảng

Số liệu thống kê ghi nhận, vảy nến thể mảng là dạng phổ biến nhất. Theo ước tính, thể bệnh này có thể gây ảnh hưởng tới khoảng 90% người bệnh. Đây là một dạng bệnh đã phát triển trong vài năm, có tính chất dai dẳng và rất khó điều trị.

Các mảng tổn thương da thường có kích thước lớn với đường kính khoảng từ 5 – 10cm hay lớn hơn. Tổn thương có xu hướng khu trú ở các vị trí da bị tì đè như khuỷu tay, đầu gối, xương cùng, lưng, ngực hay phần trước cẳng chân. Các mảng da đỏ có giới hạn rõ ràng và nổi cộm lên, rất dễ phân biết với các vùng da xung quanh.

Vảy nến thể mảng
Vảy nến thể mảng

Vảy nến thể da tiết bã

Thể bệnh vảy nến này thường có xu hướng xuất hiện tại các vùng da nếp gấp. Nhất là vùng nách, rốn, kẽ mông, bẹn hay khu vực dưới ngực. Những vùng da này có xu hướng tiết ra nhiều bã nhờn gây ẩm ướt. Đặc trưng của bệnh là sự hình thành của các mảng da đỏ, có giới hạn rõ ràng và dễ lan rộng ra các khu vực lân cận nhưng lại ít khi bị bong tróc.

Vảy nến đỏ da toàn thân

Đây được cho là một thể bệnh nghiêm trọng và hiếm khi gặp. Đặc điểm của thể bệnh này là da toàn thân chuyển màu đỏ tươi, phù nề, căng bóng lên và nổi cộm. Bên cạnh đó còn bị rớm dịch và phủ 1 lớp vảy mỡ ẩm ướt.

Bên cạnh đó, tình trạng này khiến cho toàn thân không có vùng da nào lành lặn. Tổn thương gây ngứa rất dữ dội và khó chịu. Các nếp gấp trên da rất dễ bị nứt nẻ, lở loét, rò rỉ dịch mủ và gây đau đớn nghiêm trọng.

Tham khảo thêm: Vảy Nến Toàn Thân Có Nguy Hiểm Không? Cách Xử Lý Dứt Điểm

Vảy nến thể viêm khớp

Vảy nến thể viêm khớp (viêm khớp vảy nến) là một thể bệnh ít gặp, có thể gây ra các tổn thương da và khớp nghiêm trọng. Đa phần các trường hợp đều bị tổn thương da lan rộng khắp cơ thể sau đó mới ảnh hưởng tới các khớp xương. Tổn thương khớp thường có triệu chứng tương tự như viêm đa khớp mạn tính, có thể gây thấp khớp hay biến dạng khớp.

Thể bệnh vảy nến này có thể khiến cho các khớp sưng đau, lâu dần sẽ dẫn tới biến dạng khớp và hạn chế cử động. Một số ngón chân và ngón tay còn có thể bị bắt chéo. Tình trạng này kéo dài sau nhiều năm rất dễ gây ra tàn phế. Ngoài ra, nhiều trường hợp, bệnh nhân còn bị suy nhược cơ thể và gặp phải một số biến chứng có liên quan tới nội tạng, tiềm ẩn nguy cơ tử vong.

Vảy nến thể mủ

Vảy nến thể mủ cũng là một thể bệnh vảy nến hiếm gặp và nghiêm trọng. Tình trạng này thường được phân thành 2 loại phổ biến là:

  • Vảy nến thể mủ lòng bàn tay, bàn chân:

Các biểu hiện thường gặp là xuất hiện mụn mủ nổi giữa vùng da dày sừng tại lòng bàn tay và lòng bàn chân. Nhất là ở ngón tay út. Mụn mủ có xu hướng phát triển thành nhiều đợt và tái phát dai dẳng. Kèm theo đó là tình trạng phù nề các chi, nổi hạch ở bẹn, sốt cao và tổn thương có thể lan rộng ra toàn thân.

  • Vảy nến thể mủ toàn thân:

Thể bệnh vảy nến này thường xuất hiện như 1 biến chứng của viêm khớp vảy nến hay vảy nến thể đỏ da. Các triệu chứng lâm sàng bao gồm xuất hiện các vùng da đỏ, nổi nhiều mụn mủ với đường kính khoảng từ 1 – 2mm, sốt cao đột ngột, cơ thể mệt mỏi… Ở giai đoạn sau thì người bệnh có thể bị tổn thương móng, rụng tóc. Khi xét nghiệm máu thường phát hiện số lượng bạch cầu đa nhân trung tính cao và máu lắng tăng cao.

Nguyên nhân mắc vảy nến

Căn nguyên của bệnh vảy nến cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, bệnh có thể liên quan tới rối loạn miễn dịch và yếu tố di truyền. Ngoài ra, tổn thương có thể dễ dàng vùng phát hơn khi gặp các yếu tố thuận lợi.

Yếu tố di truyền

Một số người có thể thừa hưởng các gen di truyền liên quan đến bệnh vảy nến. Chính vì vậy mà gia đình có tiền sử mắc các bệnh về da liễu thì nguy cơ mắc bệnh vảy nến có thể cao hơn.

Đọc thêm: Bệnh Vảy Nến Có Lây Không? Có Di Truyền Không? Hỏi Đáp

Cơ chế miễn dịch

Các tế bào miễn dịch thường được hoạt hóa và tiết các hoạt chất sinh học, khi xảy ra các trục trặc trong cơ chế hoạt động sẽ thúc đẩy tăng sinh và làm rối loạn quá trình biệt hóa các tế bào sừng.

Một số yếu tố thuận lợi

Dưới đây là một số yếu tố thuận lợi có thể khiến cho tổn thương bệnh vảy nến dễ bùng phát hơn:

  • Stress ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần.
  • Tiền sử mắc các bệnh mãn tính.
  • Rối loạn nội tiết.
  • Rối loạn chuyển hóa.
  • Nghiện rượu.
  • Chấn thương cơ học vật lý.
  • Nhiễm khuẩn.
  • Sử dụng thuốc.

Uống nhiều rượu có thể kích thích bệnh bùng phát
Uống nhiều rượu có thể kích thích bệnh bùng phát

Đối tượng bị vảy nến

Bệnh vảy nến có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và không phân biệt giới tính. Mặc dù là bệnh ngoài da nhưng lại không có khả năng lây nhiễm. Và bệnh cũng không gây nguy hiểm trực tiếp cho tính mạng con người. Tuy nhiên bệnh có tiến triển dai dẳng và rất khó điều trị dứt điểm.

Triệu chứng vảy nến

Bệnh vảy nến thường biểu hiện bởi các mảng da tổn thương có sự phân bố đối xứng. Tổn thương da có màu đỏ, có vảy, đồng thời có ranh giới khá rõ với các vùng da lành lặn xung quanh. Vùng da bệnh có thể có màu trắng bạc do bị bong tróc. Tuy nhiên ở các khu vực nếp gấp thì bệnh lại thường gây ra các mảng bám ẩm ướt.

Ngoài ra, bệnh còn có thể gây ra một số triệu chứng phổ biến khác bao gồm:

  • Xuất hiện các mảng da viêm đỏ và nổi cộm.
  • Bề mặt da xuất hiện vảy trắng hay các mảng bám có màu đỏ.
  • Da bị khô ráp, nứt nẻ, nhiều trường hợp còn gây chảy máu và đau đớn.
  • Xung quanh vùng da bệnh có thể bị đau nhức.
  • Ngứa ngáy hay cảm thấy nóng rát tại tổn thương và xung quanh các mảng da vảy nến.
  • Móng tay trở nên dày và xuất hiện các lỗ loang lổ.
  • Sưng đau ở các khớp.

Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân bị vảy nến đều trải qua các triệu chứng này. Một số người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng hoàn toàn khác trong trường hợp mắc các thể bệnh vảy nến hiếm gặp.

Bệnh vảy nến thường có xu hướng xuất hiện theo chu kỳ. Các triệu chứng của bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn sau vài ngày hay vài tuần. Nhưng sau đó, triệu chứng lại có thể tự cải thiện mà không gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm: Bị Vảy Nến Khi Mang Thai Là Như Thế Nào? Có Nguy Hiểm Không?

Da xuất hiện các lớp vảy khô ráp nứt nẻ
Da xuất hiện các lớp vảy khô ráp nứt nẻ

Biến chứng vảy nến

Bệnh vảy nến có thể gây ra các biến chứng dưới đây:

  • Biến chứng trên xương khớp: Các dấu hiệu của viêm khớp vảy nến là sưng, đỏ khớp ngón tay, ngón chân, cột sống, khuỷu tay, đau và cứng khớp,... nhất là vào buổi sáng, xuất hiện những cơn đau ở gót, dây chằng bám xương, mặt trong bàn chân, làm giảm khả năng vận động. Đặc biệt khi bệnh tiến triển nặng có thể gây đau vùng cột sống, viêm cột sống dính khớp,...
  • Hệ tim mạch: Bệnh vảy nến ảnh hưởng tới hệ tim mạch và làm tăng nguy cơ cao huyết áp. Số lần lên cơn đau tim của người mắc vảy nến cao nhiều lần so với người bình thường. 
  • Nội tiết: Vảy nến làm tăng nguy cơ mắc đái đường tuýp 2 do nồng độ insulin trong máu tăng lên, làm cơ thể đề kháng với insulin.
  • Thận: Một số trường hợp vảy nến có thể dẫn tới suy thận.
  • Thị lực: Vảy nến ở mí mắt có thể làm khô, ngứa, nóng rát, rối loạn chuyển động đồng tử,... Bệnh vảy nến cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác tại mắt như viêm kết mạc, viêm bờ mi, viêm màng bồ đào,... 

Đọc thêm: Bệnh Vảy Nến Có Nguy Hiểm Không? Có Điều Trị Được Không?

Chẩn đoán vảy nến

Chẩn đoán bệnh vảy nến thường được dựa trên đặc trưng của bệnh, các triệu chứng lâm sàng cùng với kết quả của các xét nghiệm cần thiết. Ngoài ra, cần thực hiện chẩn đoán phân biệt để tránh bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác có hình thái tổn thương tương tự.

  • Dựa vào triệu chứng lâm sàng:

Tổn thương da điển hình là những dát đỏ có giới hạn rõ ràng với da lành, trên dát phủ 1 lớp vảy dễ bong. Dát tổn thương thường có màu đỏ hay hồng, kích thước và số lượng có thể khác nhau. Dát da có thể có hình tròn, bầu dục hay hình nhiều vòng cung, ấn kính mất màu, không thâm nhiễm. Thương tổn thường xuất hiện ở vị trí tì đè và có huynh hướng đối xứng…

Ngoài các tổn thương da thì bác sĩ cũng sẽ theo dõi thêm tổn thương khớp và cả tổn thương niêm mạc. Đồng thời kiểm tra lịch sử y tế hay bệnh án gia đình. Bởi các yếu tố này đều có thể hỗ trợ bác sĩ rất nhiều trong công tác chẩn đoán bệnh.

  • Xét nghiệm:

Sinh thiết da là xét nghiệm được chỉ định phổ biến nhất. Bác sĩ sẽ tiến hành lấy một mẫu da nhỏ và đưa đến phòng thí nghiệm để kiểm tra. Ngoài chẩn đoán bệnh vảy nến thì sinh thiết da còn giúp chẩn đoán các rối loạn da và nhiễm trùng khác.

Ngoài ra, bác sĩ còn yêu cầu xét nghiệm sinh hóa máu, đặc biệt là cần định lượng canxi trong máu với các trường hợp vảy nến thể mủ. Còn với vảy nến thể chấm giọt thì thực hiện xét nghiệm ASLO hay nuôi cấy vi khuẩn (ngoáy họng) là rất cần thiết.

Các xét nghiệm máu giúp chẩn đoán bệnh chi tiết
Các xét nghiệm máu giúp chẩn đoán bệnh chi tiết

  • Chẩn đoán phân biệt:

Bệnh vảy nến cần phải được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý khác như:

  • Giang mai thời kỳ thứ II: Tổn thương cơ bản là các sẩn màu hồng, thâm nhiễm và xung quanh có vảy trắng. Cạo vảy theo phương pháp Brocq cho kết quả âm tính. Xét nghiệm tìm xoắn trùng tại tổn thương và phản ứng huyết thanh giang mai dương tính.
  • Lupus đỏ kinh: Tổn thương cơ bản là dát đỏ, teo da và vảy da dính khó bong.
  • Á vảy nến: Tổn thương cơ bản là các sẩn và mảng màu hồng có vảy trắng. Khi cạo vảy sẽ có dấu hiệu “gắn xi”.
  • Vảy phấn hồng GibertTổn thương cơ bản là mảng da đỏ có hình tròn hay hình bầu dục và có vảy phấn nổi cao hơn so với trung tâm. Tổn thương có thể nằm rải rác toàn thân. Tuy nhiên thường không xuất hiện ở bàn chân, bàn tay, mặt và đầu.
  • Vảy phấn đỏ nang lông: Tổn thương cơ bản là các sẩn hình chóp có màu hồng và có vảy phấn, khu trú ở nang lông. Vị trí thường gặp nhất là tại mặt duỗi đốt 2, 3 ngón tay và ngón chân, chi dưới, bụng.

Tham khảo thêm: Cập Nhật Mới Nhất, Chi Tiết Nhất Phác Đồ Điều Trị Vảy Nến Của Bộ Y Tế

Điều trị vảy nến

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhằm chữa khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Nếu vận dụng và phối hợp tốt các phương pháp có thể duy trì tốt sự ổn định của bệnh và hạn chế được các đợt bùng phát.

Thuốc Tây chữa vảy nến

Bác sĩ có thể cân nhắc để lựa chọn chỉ định trong số các loại thuốc bôi sau:

  • Dithranol, anthralin: Các thuốc này rất có hiệu quả với bệnh vảy nến thể mảng, nhất là những trường hợp chỉ có 1 vài mảng tổn thương lớn. Chống chỉ định với các trường hợp đỏ da toàn thân hay vảy nến thể mủ. Tuyệt đối không để thuốc dây vào vùng da lành, chú ý rửa tay sau khi thoa thuốc. Tác dụng phụ có thể gặp ở 1 vài trường hợp, phổ biến là gây kích ứng da.
  • Salicylic acid: Salicylic acid đơn thuần hay được dùng ở Việt Nam. Thuốc này có tác dụng bạt sừng và bong vảy. Bôi với tần suất 1 – 2 lần/ngày. Tuyệt đối không bôi toàn thân vì có thể gây độc và tăng men gan. Salicylic acid kết hợp với corticoid vừa có tác dụng bạt sừng lại vừa phát huy khả năng chống viêm, bôi 2 lần/ngày.
  • Calcipotriol: Đây là 1 dẫn chất của vitamin D3 ở dạng thuốc mỡ. Thường được dùng phổ biến trong điều trị bệnh vảy nến thể thông thường. Bôi thuốc 2 lần/ngày với liều tối đa không quá 100mg/tuần. Không dùng cho vùng da tổ đỉa lớn.
  • Calcipotriol kết hợp với corticoid: Bôi với tần suất 1 lần/ngày dùng để điều trị tấn công. Thuốc ở dạng gel sẽ được sử dụng điều trị vảy nến da đầu. Còn thuốc ở dạng mỡ thì dùng điều trị vảy nến ở thân mình.
  • Vitamin A acid: Dùng tại chỗ ở dạng đơn thuần hay dạng kết hợp với corticoid. Trong điều trị bệnh vảy nến thể mảng, thuốc sẽ được bôi với tần suất 1 lần/ngày. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như kích ứng, đỏ da hoặc bong da nhẹ.
  • Kẽm oxit: Loại thuốc điều trị tại chỗ này có tác dụng làm dịu da và giảm kích ứng. Có thể kết hợp sử dụng chung với các thuốc bạt sừng bong vảy mạnh.
  • Corticoid tại chỗ: Thuốc Corticoid tại chỗ được bôi với tần suất 1 – 2 lần/ngày và dùng trong điều trị tấn công. Thuốc có tác dụng điều trị nhanh nhưng bệnh lại dễ tái phát sau khi ngừng thuốc. Ngoài ra việc dùng kéo dài có thể sẽ gặp phải các tác dụng phụ, cần chú ý giảm liều.

Tham khảo thêm: Review TOP 10+ Loại Thuốc Trị Vảy Nến Được Đánh Giá Tốt Hiện Nay

Thuốc Tây rất cần thiết cho việc điều trị
Thuốc Tây rất cần thiết cho việc điều trị

Quang trị liệu

Dưới đây là một số phương pháp quang trị liệu có thể dùng trong điều trị bệnh vảy nến:

  • UVA (320 – 400nm): Chiếu với tần suất 3 lần/ tuần hoặc 2 ngày chiếu 1 lần.
  • UVB (290 – 320nm): Phương pháp quang trị liệu này hiện nay ít được sử dụng. Nó được thay thế dần bằng g UVB dải hẹp (UVB – 311nm và UVB – Narrow Band). Do có hiệu quả điều trị tốt hơn và hạn chế được các tác dụng phụ không mong muốn.
  • PUVA (Psoralen phối hợp UVA): Cần cho người bệnh uống meladinin 0,6 mg/kg 2 giờ trước khi chiếu UVA. Và liều UVA tăng dần từ khoảng 0.5 tới 1 J/cm2.

Điều trị toàn thân

Bác sĩ có thể lựa chọn các giải pháp điều trị toàn thân dưới đây:

  • Methotrexat: Methotrexat có tác dụng chống chuyển hóa do ức chế quá trình khử acid folic cần thiết để tổng hợp acid nucleic và acid amin tại tế bào. Thuốc có tác dụng điều trị đỏ da toàn thân do vảy nến, vảy nến thể mảng lan rộng và vảy nến thể mủ toàn thân.
  • Acitretin: Acitretin là 1 dẫn chất của vitamin A acid có tác dụng điều hòa hoạt động của quá trình sừng hóa. Thuốc có thể dùng để điều trị các thể vảy nến nặng. Người lớn dùng với liều khởi đầu là 25mg/ngày.
  • Cyclosporin: Cyclosporin có tác dụng ức chế miễn dịch, dùng điều trị các thể vảy nến nặng. Liều khởi đầu là 2.5 – 5mg/kg/ngày và chia làm 2 lần.
  • Corticoid: Corticoid chỉ được sử dụng trong các trường hợp thật sự cần thiết. Tuyệt đối không được lạm dụng hay dùng kéo dài bởi thuốc có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là gây đỏ da toàn thân và vảy nến thể mủ.
  • Sinh học trị liệu: Sinh học trị liệu (biotherapy) có thể điều trị bệnh vảy nén hiệu quả như secukinumab ức chế IL17 do Th17 tiết ra, ustekinumab ức chế IL-12, etanercept, alefacept, infliximab…

Phòng tránh vảy nến

Những người mắc bệnh vảy nến cần lưu ý một số điều dưới đây để quá trình điều trị bệnh diễn ra thuận lợi:

  • Tuân theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không được lạm dụng thuốc và tự ý sử dụng.
  • Người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều, chỉ nên tiếp xúc hợp lý và vừa phải.
  • Giữ gìn vệ sinh thân thể và vệ sinh da, chăm sóc và làm sạch thường xuyên.
  • Nên thăm khám da liễu định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời.
  • Chăm sóc da, giữ ẩm cho da cẩn thận, tránh để da bị khô và tổn thương.
  • Không sử dụng rượu bia, thuốc lá.
  • Luôn giữ cho tinh thần thoải mái, ổn định, không nên để bản thân quá lo lắng, trầm cảm quá mức.
  • Nên theo dõi tình hình da, sức khỏe cơ thể, nếu thấy có dấu hiệu nhiễm khuẩn da và các triệu chứng khác thì nên đi thăm khám để điều trị kịp thời. Hạn chế sử dụng các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo. Bổ sung thêm acid folic và omega-3 trong các bữa ăn. 

Bệnh vảy nến cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nào chữa khỏi hoàn toàn, cần nắm rõ dấu hiệu bệnh để sớm phát hiện và kịp thời thăm khám. Người bệnh nghiêm túc điều trị và thực hiện chế độ sinh hoạt điều độ để duy trì sự ổn định của bệnh, hạn chế các đợt bùng phát. Từ đó chung sống hòa bệnh với bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

Câu hỏi liên quan

Bị vảy nến tắm lá gì? Lá tắm giúp chữa bệnh vảy nến được nhiều người sử dụng như lá trà xanh, trầu không, lá lốt, muồng trâu,...Những loại lá thiên nhiên luôn mang lại...

Xem chi tiết

Vảy nến toàn thân là tình trạng nguy hiểm. Người bệnh bị tổn thương da trên diện rộng, triệu chứng ngứa rát nặng nề khiến chất lượng cuộc sống và sức khỏe giảm sút nghiêm...

Xem chi tiết

Vảy nến là bệnh da liễu mãn tính có tiến triển từng đợt, dai dẳng và hiện vẫn chưa rõ căn nguyên. Ngoài gây tổn thương trên da thì bệnh còn gây tổn thương niêm...

Xem chi tiết

Bệnh vảy nến có lây không? Có di truyền không? Những vấn đề liên quan đến tính lây nhiễm cũng như khả năng di truyền của bệnh vảy nến được nhiều người quan tâm. Qua...

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa

Dinh dưỡng sức khỏe

Dịch vụ & Giải pháp