Vảy nến thể mủ là thể bệnh vảy nến hiếm gặp nhưng thường gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Ngoài gây tổn thương ngoài ra thì bệnh còn làm phát sinh nhiều triệu chứng toàn thân đi kèm. Trường hợp không kiểm soát tốt thì các biến chứng nguy hiểm hoàn toàn có thể xuất hiện.
Vảy nến thể mủ là bệnh gì?
Vảy nến thể mủ (Pustular Psoriasis) hay còn được gọi là vảy nến mụn mủ – một trong những thể hiếm gặp của bệnh vảy nến. Đây là thể bệnh có mức độ nghiêm trọng và tiến triển phức tạp. Trong một số trường hợp còn có thể trực tiếp đe dọa tới tính mạng người bệnh.
Ngoài những triệu chứng trên da thì thể bệnh vảy nến này còn gây ra nhiều triệu chứng toàn thân đi kèm. Điển hình như sốt, mệt mỏi, gây suy kiệt thể trạng. Từ đó tạo điều kiện cho tình trạng nhiễm trùng kích hoạt và phát triển.
Vảy nến thể mủ được chia làm 2 phân thể nhỏ đó là vảy nến mụn mủ lòng bàn tay, chân và vảy nến mụn mủ toàn thân. Hai thể bệnh này có triệu chứng lâm sàng, tiến triển, tiên lượng cũng như cách điều trị hoàn toàn khác nhau.
– Vảy nến mụn mủ lòng bàn tay, chân:
Tổn thương điển hình ở thể bệnh này là sự xuất hiện nhiều mụn mủ có kích thước dao động từ 2 – 4mm và chìm sâu dưới da. Các mụn mủ này vô khuẩn và có màu vàng. Chúng xuất hiện khu trú ở vùng da sát đỏ tại lòng bàn tay và bàn chân. Vảy nến mụn mủ lòng bàn tay, chân có tính chất mãn tính. Hơn nữa còn rất dễ tái phát sau điều trị.
Vảy nến mụn mủ lòng bàn tay, chân chủ yếu ảnh hưởng tới người từ 30 – 60 tuổi. Trong đó thường phổ biến hơn ở nữ giới (tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 3 lần nam giới). Đây là phân thể có mức độ nhẹ hơn nhưng lại hiếm gặp. Bệnh thường khởi phát ở những người đã từng phát sinh các thể vảy nến lành tính trước đó.
– Vảy nến mụn mủ toàn thân:
Đây được cho là phân thể có mức độ nghiêm trọng hơn. Triệu chứng thường khởi phát một cách đột ngột và nhiều trường hợp có khả năng đe dọa tới tính mạng. Tổn thương da thường là tình trạng da bị đỏ lên trong nhiều giờ. Phạm vi tổn thương rộng, trên bề mặt có xuất hiện nhiều mụn mủ. Đi kèm với đó là tình trạng khó chịu, sốt, mệt mỏi và suy yếu.
Vảy nến thể mụn mủ toàn thân thường gặp ở người lớn khoảng từ 20 – 70 tuổi. Tỷ lệ mắc phân thể này ở cả nam và nữ giới là như nhau. Bệnh có thể tự bùng phát hay tiến triển từ bệnh vảy nến thể giọt hoặc thể viêm khớp.
Tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh vảy nến thể mủ
Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh vảy nến nói chung và vảy nến thể mủ nói riêng vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên thông qua kết quả của nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học thấy rằng bệnh có sự tham gia của yếu tố gen di truyền ở nhiễm sắc thể số 6. Cộng hưởng với đó là sự tác động của một số tác nhân nội giới và ngoại giới.
Các yếu tố này sẽ cộng hưởng với nhau và gây ra sự bất thường trong quá trình chuyển hóa của da. Từ đó dẫn tới tình trạng tăng sinh tế bào sừng, tăng gián phân cũng như rút ngắn thời gian chu chuyển tế bào thượng bì. Cuối cùng là làm phát sinh các triệu chứng bệnh vảy nến.
Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh vảy nến thể mủ:
- Căng thẳng thần kinh kéo dài
- Yếu tố di truyền
- Chấn thương vật lý/ cơ học
- Mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Rối loạn chuyển hóa da
- Rối loạn chuyển hóa đường đạm
Đối với phân thể vảy nến mụn mủ lòng bàn tay/ bàn chân thì bệnh có thể phát triển từ các thể vảy nến lành tính khác. Còn riêng phân thể vảy nến mụn mủ toàn thân thì các nhà khoa học cho rằng bệnh có thể tự phát hay phát triển từ vảy nến thể viêm khớp hoặc vảy nến thể giọt.
Dấu hiệu nhận biết vảy nến thể mủ
Bệnh vảy nến thể mủ được chia thành 2 phân thể nhỏ hơn với dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng có nhiều điểm khác biệt. Bạn có thể dựa vào một số triệu chứng dưới đây để xác định phân thể của bệnh:
1. Trường hợp bệnh khu trú ở lòng bàn tay, chân
Phân thể này thường làm phát sinh triệu chứng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu ngón chân, mặt mu bàn chân… Tổn thương thường có tính chất đối xứng nhau.
Một số triệu chứng thường gặp của bệnh vảy nến thể mủ lòng bàn tay, bàn chân có thể bao gồm:
- Mụn mủ có kích thước dao động từ 2 – 4mm nổi trên nền da tay, da chân.
- Mụn nước có xu hướng nổi thành từng đợt trong vòng vài ba giờ.
- Sau đó xung quanh tổn thương có thể xuất hiện quầng đỏ và chuyển dần thành màu đỏ sẫm.
- Mụn mủ thường có màu trắng vàng, mọc sâu thành đám, có thể bằng phẳng hoặc hơi phồng lên.
- Màu của các nốt mụn mủ thường đậm dần lên theo thời gian. Sau khoảng 8 – 10 ngày có thể chuyển thành màu nâu tối và khô lại.
- Khi các nốt mụn nước khô thì da có dấu hiệu bị dày sừng và bong vảy tiết. Triệu chứng này tương tự như ở bệnh chàm.
Bệnh vảy nến thể mủ khu trú ở lòng bàn tay bàn chân không gây ra các triệu chứng toàn thân. Đồng thời cũng không gây đau và ít ngứa. Cảm giác ngứa ngáy nhẹ chỉ xuất hiện trước khi bị nổi mụn mủ.
2. Trường hợp bệnh ảnh hưởng toàn thân
Triệu chứng của bệnh vảy nến thể mủ toàn thân thường ảnh hưởng trên phạm vi rộng hoặc có khả năng lan tỏa toàn thân. Các triệu chứng này có xu hướng khởi phát đột ngột, ngoài ảnh hưởng tới da thì còn tác động xấu tới sức khỏe tổng thể.
Các triệu chứng thường gặp có thể bao gồm:
- Trong vòng 24 giờ đầu tiên người bệnh thường có biểu hiện bị sốt cao (khoảng 40°C). Đi kèm với đó là tình trạng da đỏ rực lên. Ban đỏ có xu hướng lan tỏa thành từng đám rộng. Đôi khi các vết ban còn lan ra toàn thân. Tuy nhiên tổn thương hầu như không ảnh hưởng tới mặt và lòng bàn tay/ bàn chân.
- Trường hợp tổn thương ảnh hưởng tới vùng sinh dục và nếp gấp thì da sẽ có dấu hiệu đỏ rực, phù nề. Đồng thời tổn thương cũng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
- Sau khoảng 12 – 36 giờ thì bề mặt da sẽ xuất hiện nhiều mụn mủ vô khuẩn có kích thước nhỏ, nông và có màu trắng sữa. Mụn mủ có thể mọc rải rác hay mọc thành cụm.
- Mụn mủ có thể gồ cao hay bằng phẳng, xung quanh thường có quầng màu đỏ sẫm.
- Một số mụn mủ còn mọc bên ngoài nền da đỏ. Xung quanh có xuất hiện quầng xung huyết nhẹ.
- Mụn mủ sẽ không mọc ở nang lông, chúng có xu hướng liên kết tạo thành các mụn mủ lớn hơn với đường kính dao động khoảng từ 1 – 2cm.
- Mụn mủ thường mọc thành đợt, lớp cũ khô thì sẽ có lớp mụn mủ mới mọc lên.
- Sau khoảng vài ba ngày thì mụn mủ sẽ có xu hướng vỡ, gây chảy dịch, trợt loét, tróc vảy tiết. Lúc này, da sẽ chuyển dần sang giai đoạn tróc vảy.
- Mặc dù hiếm xảy ra nhưng tổn thương đôi khi vẫn có thể ảnh hưởng tới vùng mặt. Ở giai đoạn bong vảy, da mặt có thể bị tróc vảy dạng phấn.
- Tình trạng tróc vảy có thể kéo dài từ 1 cho tới vài tuần. Sau đó da đỏ nhạt dần và từ từ có dấu hiệu thuyên giảm.
- Tổn thương da thường đi kèm với tình trạng đau rát, có thể gây ngứa ít hoặc ngứa nhiều.
- Mụn mủ do vảy nến thể mủ toàn thân có thể còn gây dày sừng, dày móng, bong móng hoặc gây rụng tóc.
- Ngoài ra còn có thể gây viêm quy đầu, viêm lưỡi trợt gai và viêm màng tiếp hợp.
Bên cạnh các triệu chứng trên da thì phân thể này còn gây ra một số triệu chứng toàn thân đi kèm khác như:
- Sốt, rét run
- Nhức đầu
- Thể trạng suy yếu
- Mệt mỏi
- Mệt li bì
- Khó chịu
- Đau nhức khớp
Vảy nến thể mủ toàn thân mặc dù ảnh hưởng nghiêm trọng tới thể trạng nhưng bệnh không gây tổn thương chức năng nội tạng.
Bệnh vảy nến thể mủ có nguy hiểm không?
Như đã đề cập, vảy nến thể mủ là một thể bệnh vảy nến nặng và hiếm gặp. Trong đó phân thể mụn mủ lòng bàn tay/ bàn chân sẽ có mức độ nhẹ hơn. Đồng thời đáp ứng tương đối tốt với các phương pháp điều trị.
Riêng với phân thể mụn mủ toàn thân thì bệnh có tiến triển đặc biệt hơn. Các giai đoạn của bệnh thường nối tiếp nhau và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả ngoại hình cũng như sức khỏe tổng thể.
Mặc dù hiếm gặp nhưng ở một số ít trường hợp thì bệnh vảy nến thể mủ có khả năng phát triển thể đỏ da toàn thân. Thể bệnh này có mức độ nặng nề và thường chỉ gặp ở khoảng 1% người bệnh bị vảy nến.
Tổn thương điển hình là vùng da toàn thân có màu đỏ tươi, bị phù nề. Đồng thời còn bị căng, nhiễm cộm, phủ vảy mỡ ướt, trợt loét, nứt nẻ, rớm dịch, ngứa ngáy và đau rát.
Khi mắc thể đỏ da toàn thân thì thể trạng người bệnh sẽ bị suy kiệt. Từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng. Thậm chí còn đe dọa cả tính mạng.
Đối với bệnh vảy nến thể mủ, trong thời gian bệnh bùng phát thì người bệnh buộc phải điều trị nội trú và hạn chế tiếp xúc với người khác để làm giảm nguy cơ bị nhiễm trùng da. Chính vì vậy, bệnh ngoài ảnh hưởng tới sức khỏe thì còn tác động tiêu cực đến ngoại hình, tâm lý cũng như công việc, học tập.
Chẩn đoán bệnh vảy nến thể mủ
Tùy thuộc vào phân thể của bệnh mà bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán khác nhau:
1. Trường hợp bệnh khu trú ở lòng bàn tay, chân
Để chẩn đoán phân thể này, bác sĩ sẽ dựa vào xét nghiệm, chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt.
Dưới đây là kết quả của một số xét nghiệm thường được bác sĩ chỉ định:
- Xét nghiệm dịch mụn mủ sẽ nhận thấy vô khuẩn
- Công thức máu cho thấy có tăng bạch cầu nhưng ít
- Quan sát thấy các triệu chứng lâm sàng trên da
- Xét nghiệm mô bệnh học cho kết quả mụn mủ có dạng xốp
- Cấy khuẩn sẽ cho kết quả âm tính
Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chẩn đoán phân biệt vảy nến thể mủ lòng bàn tay/ bàn chân với một số bệnh lý sau:
- Tổ đỉa bội nhiễm
- Ghẻ nhiễm khuẩn
- Viêm da đầu chi liên tục của Hallopeau
2. Trường hợp bệnh ảnh hưởng toàn thân
Cũng giống như phân thể mụn mủ lòng bàn tay/ bàn chân, bệnh vảy nến thể mủ toàn thân cũng sẽ được chẩn đoán thông qua xét nghiệm, chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt.
- Xét nghiệm máu cho kết quả tốc độ máu lắng cao. Đồng thời tăng bạch cầu, nhất là bạch cầu đa nhân.
- Mụn mủ vô khuẩn hay nhiễm tụ cầu/ liên cầu.
- Xét nghiệm mô bệnh học.
- Cấy máu sẽ cho kết quả âm tính – không có nhiễm trùng.
Sau khi có các kết quả xét nghiệm, bác sĩ chuyên khoa có thể kết hợp với việc quan sát triệu chứng lâm sàng để xác định thể bệnh. Ngoài ra trong các trường hợp cần thiết có thể thực hiện chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý như:
- Nhiễm khuẩn do tụ cầu
- Viêm khớp phản ứng (Hội chứng Reiter)
- Herpes thể lan tỏa
- Dị ứng thuốc bội nhiễm có mụn mủ
Các phương pháp điều trị vảy nến thể mủ
Cũng giống như chẩn đoán, điều trị bệnh vảy nến thể mủ tùy thuộc vào từng phân thể nhỏ. Mục đích chính của quá trình điều trị chính là làm giảm các tổn thương trên da. Đồng thời cải thiện triệu chứng toàn thân và hạn chế nguy cơ tái phát của bệnh.
Các biện pháp điều trị vảy nến thể mủ theo từng phân thể cụ thể như sau:
1. Điều trị vảy nến thể mủ lòng bàn tay/ bàn chân
Phân thể này có mức độ nhẹ hơn phân thể mụn mủ toàn thân. Chính vì vậy mà người bệnh có thể thực hiện việc điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ có thể chỉ định một số giải pháp điều trị vảy nến thể mủ lòng bàn tay/ bàn chân cụ thể như sau:
– Sử dụng thuốc sát khuẩn:
Ngay khi nhận thấy da mới bùng phát các triệu chứng thì người bệnh có thể được chỉ định sử dụng dung dịch sát khuẩn. Mục đích là để hạn chế nguy cơ nhiễm tụ cầu và liên cầu.
– Thuốc mỡ corticoid:
Thuốc mỡ corticoid sẽ được chỉ định trong trường hợp tổn thương da bị đỏ hay có dấu hiệu dày sừng. Nhóm thuốc bôi chứa corticoid có khả năng làm giảm viêm, chống phù nề nhanh chóng. Đồng thời còn ức chế hoạt động miễn dịch ngay tại vùng da được sử dụng thuốc.
– Thuốc Cyclosporin A:
Cyclosporin A chính là một loại polypeptide vòng bao gồm 11 loại acid amin. Loại thuốc này có tác dụng ức chế miễn dịch và làm giảm hoạt tính của các tế bào lympho T. Từ đó giúp làm giảm viêm và ức chế quá trình tăng sinh thượng bì.
Thuốc Cyclosporin A thường được bác sĩ chỉ định sử dụng trong thời gian dưới 3 tháng cho các trường hợp bệnh vảy nến mụn mủ lòng bàn tay/ bàn chân tiến triển dai dẳng.
– Các biện pháp khác:
Ngoài việc chỉ định dùng một số loại thuốc trên thì bác sĩ có thể yêu cầu điều trị bằng một số giải pháp khác. Điển hình như PUVA trị liệu, dùng thuốc kháng sinh hay thuốc Retinoid.
2. Điều trị vảy nến thể mủ toàn thân
Vảy nến thể mủ toàn thân có mức độ nặng và nghiêm trọng hơn nhiều so với phân thể mụn mủ lòng bàn tay/ bàn chân. Chính vì thế mà việc điều trị cũng sẽ gặp nhiều khó khăn và cản trở hơn.
Bệnh nhân bị vảy nến thể mủ toàn thân trong giai đoạn cấp buộc phải được điều trị nội trú. Đồng thời sẽ được chỉ định nằm phòng cấp cứu riêng để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn.
Sau đó, bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả chẩn đoán để chỉ định các biện pháp điều trị phù hợp. Có thể bao gồm:
– Retinoid:
Retinoid cho đến nay vẫn đang là loại thuốc điều trị ưu tiên đối với bệnh vảy nến thể mủ toàn thân. Thuốc này chính là một dẫn xuất tổng hợp của vitamin A. Nó tác động trực tiếp lên chất keratin. Từ đó sẽ làm chậm quá trình tăng sinh biểu bì và giúp biệt hóa tế bào sừng. Đồng thời chống thâm nhiễm biểu bì da.
Thuốc Retinoid thường được bác sĩ chỉ định sử dụng với liều 0.5 – 1mg/kg/ngày. Mục đích là để kiểm soát tình trạng nổi mụn mủ. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định dùng Retinoid liều thấp nhằm duy trì và hạn chế nguy cơ tái phát của bệnh.
– Methotrexate:
Thuốc Methotrexate hoạt động nhờ khả năng ức chế miễn dịch. Đồng thời hạn chế quá trình tăng sinh các tế bào thượng bì. Tuy nhiên loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ. Đặc biệt là làm hư hại gan và máu. Chính vì vậy mà bác sĩ chỉ yêu cầu điều trị với thuốc Methotrexate khi tổn thương da lan rộng trên 50% diện tích cơ thể.
– PUVA trị liệu:
PUVA trị liệu hay còn được gọi là quang hóa trị liệu (liệu pháp ánh sáng). Ở phương pháp điều trị này, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc cảm ứng ánh sáng Prosalen kết hợp với chiếu tia cực tím sóng UVA.
Mục đích của PUVA trị liệu là để làm giảm tổn thương da. Đồng thời giúp cải thiện một số triệu chứng cơ năng của bệnh. Tuy nhiên liệu pháp này sẽ chỉ được thực hiện trong giai đoạn bệnh đã thuyên giảm.
Thực tế cho thấy, bệnh vảy nến thể mủ có tiến triển phức tạp hơn rất nhiều ro với các thể bệnh vảy nến lành tính. Chính vì vậy, ở một số trường hợp, các bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định điều trị bằng thuốc hay các phương pháp khác không được đề cập ở trên.
Các biện pháp hỗ trợ và dự phòng bệnh tái phát
Chính vì nguyên nhân gây bệnh vảy nến thể mủ vẫn chưa được xác định cụ thể nên quá trình điều trị còn gặp nhiều hạn chế. Hầu hết các loại thuốc và các phương pháp điều trị chỉ nhằm mục đích làm giảm tổn thương lâm sàng. Ngoài ra không đem lại kết quả bền vững và cũng không ngăn ngừa được nguy cơ tái phát của bệnh.
Người bị vảy nến thể mủ nói riêng và các thể thể bệnh vảy nến khác nói chung được khuyến cáo là nên phối hợp điều trị y tế cùng với các giải pháp hộ trợ và phòng bệnh tái phát.
Dưới đây là một số vấn đề cần chú ý:
- Tuyệt đối không cào gãi hay chà xát mạnh lên vùng da bị tổn thương. Nên tắm nước ấm và dùng các sản phẩm làm sạch dịu nhẹ để hỗ trợ loại bỏ vảy bong.
- Tắm nắng khoảng 5 – 10 phút/ ngày trong khung giờ từ 7:00 đến 9:00 sáng. Tia UV và vitamin D trong ánh nắng mặt trời sẽ giúp bình thường hóa quá trình biệt hóa các tế bào sừng. Đồng thời còn giúp ức chế gián phân và cải thiện các triệu chứng bong vảy da rõ rệt.
- Không hút thuốc lá, hít phải khói thuốc lá thụ động. Hạn chế uống rượu bia, cà phê và dùng chất kích thích.
- Chỉ dùng thuốc điều trị khi nhận được chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc bôi da thông thường có thể gây nhiễm độc nếu dùng trên phạm vi rộng hoặc trong thời gian kéo dài.
- Nên dành thời gian cho hoạt động thể chất và chú ý ăn uống lành mạnh. Điều này giúp cải thiện hệ miễn dịch và nâng cao thể chất.
- Giảm khối lượng công việc, sinh hoạt điều độ để hạn chế nguy cơ stress, căng thẳng thần kinh và rối loạn nội tiết tố.
Vảy nến thể mủ là thể nặng và hiếm gặp của bệnh vảy nến. Trường hợp không chẩn đoán và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ gây ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng. Chính vì vậy, khi nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, bạn cần chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa trong thời gian sớm nhất.
Có thể bạn quan tâm: