Nội dung chính

Vảy phấn hồng là bệnh da liễu lành tính tương đối phổ biến. Bệnh gây ra tình trạng phát ban tạm thời với các mảng vảy đỏ nổi trên bề mặt da. Hầu hết các trường hợp bệnh đều tự biến mất sau khoảng 4 – 10 tuần. Tuy nhiên vẫn nên can thiệp điều trị, nhất là trong trường hợp tổn thương ảnh hưởng rộng và có dấu hiệu thâm nhiễm.

bệnh vảy phấn hồng
Vảy phấn hồng (Gibert) là bệnh da liễu lành tính có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng

Bệnh vảy phấn hồng – Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Vảy phấn hồng (Gibert) là một bệnh ngoài da lành tính đặc trưng bởi sự xuất hiện của các đốm ban có màu hồng, hình bầu dục hoặc hình tròn. Tổn thương có thể kích hoạt ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể. Trong đó lưng, ngực, đùi, mặt trong cánh tay, bụng là những vị trí ưa thích của bệnh.

Một số trường hợp, sau khoảng vài ngày đến vài tuần, tổn thương thường có xu hướng lan rộng. Đi kèm với đó là tình trạng ngứa ngáy rất khó chịu. Tổn thương thường kéo dài dưới 3 tháng và có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

Bệnh vảy phấn hồng có thể ảnh hưởng tới mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, số liệu thống kê ghi nhận, bệnh thường xảy ra nhất ở những người trong độ tuổi từ 10 – 15 tuổi. Mùa xuân và mùa thu là những thời điểm dễ bị mắc bệnh nhất.

1. Nguyên nhân gây bệnh

Cho đến nay, căn sinh bệnh học của vảy nến hồng (Gibert) vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên rất nhiều nghiên cứu đã đề cập đến vai trò của một số chủng virus Herpes, đặc biệt là HHP6 và HHP7 tron cơ chế bệnh sinh.Bệnh vảy phấn hồng đôi khi phát thành dịch nhỏ, đặc biệt và về mùa xuân và mùa thu.

Ngoài ra, một số loại thuốc có thể được cho là liên quan tới sự xuất hiện của bệnh. Điển hình như isotretinoin, ketotifen, metronidazon, omeprazon, terbinafin, barbioturiques, beta bloquant, griseofulvin….

2. Các dấu hiệu nhận biết

Dưới đây là một số triệu chứng điển hình giúp nhận biết bệnh vảy phấn hồng:

– Tổn thương da:

  • Thương tổn tiên phát: Xuất hiện dát Herald hình tròn hoặc hình bầu dục có giới hạn rõ ràng. Kích thước khoảng từ 2 – 10cm. Bờ xung quanh có màu hồng tươi, ở giữa màu nhạt hơn và hơi nhăn nheo. Giữa 2 vùng sẽ được tách biệt bằng 1 lớp vảy da. Tổn thương có xu hướng lan ra xung quanh. Thường xuất hiện ở thân mình, cổ hay phần gốc chi.
  • Thương tổn thứ phát: Xuất hiện từ 2 – 20 ngày sau khi có tổn thương tiên phát. Chúng là các dát đỏ hình huy hiệu có kích thước nhỏ. Có thể xuất hiện các sẩn màu hồng hơi nổi cao lên trên bề mặt da. Thương tổn thương sắp xếp theo nếp căng da, tạo nên hình ảnh giống như cây thông.
dấu hiệu nhận biết bệnh vảy phấn hồng
Bệnh đặc trưng bởi tổn thương là các dát Herald hình tròn hoặc bầu dục có kích thước rõ ràng

– Triệu chứng cơ năng:

Thực tế cho thấy, khoảng 25% người bệnh xuất hiện tình trạng ngứa ngáy, khó chịu tại vùng da bị ảnh hưởng.

– Triệu chứng toàn trạng:

Thường không bị ảnh hương. Tuy nhiên một số trường hợp có thể biểu hiện ăn kém ngon, buồn nôn, chóng mặt, đau cơ, đau đầu hay sốt nhẹ.

Có thể bạn quan tâm: Bệnh Vảy Nến Có Lây Không? Có Di Truyền Không? Một Số Lưu Ý

Vảy phấn hồng có lây không? Nguy hiểm không?

Các chuyên gia cho biết, vảy phấn hồng là một bệnh lý da liễu lành tính. Hiện vẫn chưa ghi nhận nguy cơ lây nhiễm bệnh thông qua các tiếp xúc thông thường. Vì vậy có thể thấy, vảy phấn hồng không phải là bệnh truyền nhiễm nên hoàn toàn không cần lo lắng khi có tiếp xúc với người mắc bệnh.

Hầu hết các trường hợp bị vảy phấn hồng là vô hại. Bệnh không gây ra các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên tình trạng ngứa ngáy mà bệnh gây ra có thể làm gia tăng phản ứng cào gãi. Từ đó làm tăng nguy cơ bị chàm hóa hay bội nhiễm da.

Đặc biệt hơn là các trường hợp bị vảy phấn hồng trong thai kỳ. Thực tế ghi nhận, bệnh có thể làm tăng nguy cơ bị sảy thai và sinh non. Tuy nhiên không có biện pháp để ngăn ngừa các biến chứng này. Trường hợp phát hiện các triệu chứng bệnh khi mang thai, mẹ bầu nên thăm khám định kỳ để bác sĩ chẩn đoán và theo dõi biến chứng.

Đọc thêm: Bệnh vảy nến da mặt là gì: Nguyên nhân và cách xử lý an toàn

vảy phấn hồng nguy hiểm không
Bà bầu cần đặc biệt cẩn trọng nếu bị vảy phấn hồng trong thai kỳ

Chẩn đoán bệnh vảy phấn hồng

Chẩn đoán bệnh vảy phấn hồng có thể bao gồm:

1. Chẩn đoán xác định

Để đưa ra chẩn đoán xác định cho bệnh vảy phấn hồng (Gibert), bác sĩ chủ yếu dựa vào các đặc điểm lâm sàng. Ngoài quan sát tổn thương trên da thì bác sĩ còn quan sát các tổn thương thứ phát và triệu chứng toàn trạng.

Ngoài ra, bác sĩ còn có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng trong các trường hợp cần thiết. Dưới đây là kết quả một số xét nghiệm thường được chỉ định:

  • Hóa mô miễn dịch chủ yếu là các tế bào có TCD4 dương tính
  • Mô bệnh học không đặc hiệu. Có xuất hiện thâm nhiễm ở các tế bào viêm tại nhú bì.
  • Xét nghiệm tìm nấm cho kết quả âm tính.
  • Các xét nghiệm sinh hóa không xuất hiện bất thường.

2. Chẩn đoán phân biệt

Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể thực hiện chẩn đoán phân biệt vảy phấn hồng (Gibert) với một số bệnh lý khác. Cụ thể như:

  • Nấm da: Đặc trưng của tổn thương là sự xuất hiện của các nốt mụn nước mọc thành từng đám. Chúng có xu hướng lành giữa và gây ngứa nhiều. Xét nghiệm tìm nấm cho kết quả dương tính.
  • Viêm da dầu: Đặc trưng tổn thương là các dát đỏ xuất hiện ở vùng da dầu. Điển hình như rãnh mũi má, trước xương ức và vùng liên bả vai. Tổn thương thường bị bong vảy phấn. Bệnh xuất hiện phổ biến hơn trong mùa đông.
  • Vảy nến thể giọt: Vảy nến thể giọt đặc trưng bởi sự xuất hiện của các sẩn nhỏ có kích thước dao động 1 – 2mm có màu đỏ sẫm. Sau vài ba ngày thì tổn thương xẹp, trên bề mặt có vảy nâu. Khi cạo vảy sẽ thấy có dấu hiệu gắn xi.
  • Bệnh giang mai giai đoạn II: Có xuất hiện tổn thương dạng đào ban ở thân mình và không gây ngứa. Đi kèm với đó là nhiều triệu chứng khác như sẩn hay mảng niêm mạc, hạch toàn thân. Xét nghiệm phản ứng huyết thanh sẽ cho kết quả dương tính với xoắn khuẩn giang mai.

Đọc thêm: Vảy Nến Thể Mảng Là Gì? Nguyên Nhân Gây Bệnh Và Cách Xử Lý

Các phương pháp điều trị bệnh vảy phấn hồng

Hầu hết các triệu chứng của bệnh vảy phấn hồng sẽ tự thuyên giảm dần và khỏi sau khoảng 3 – 8 tuần mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ngứa ngáy nhiều và khó chịu. Hơn nữa còn để lại thâm nhiễm và tổn thương lâu dài trên da.

Điều trị vảy phấn hồng có thể bao gồm dùng thuốc, quang hóa trị liệu và áp dụng các mẹo tự nhiên hỗ trợ. Cụ thể như sau:

1. Điều trị bằng thuốc

Việc điều trị bằng thuốc sẽ giúp cải thiện nhanh chóng các triệu chứng ngứa ngáy và khó chịu. Đồng thời ngăn ngừa tổn thương trên da ảnh hưởng rộng.

thuốc chữa vảy phấn hồng
Dùng thuốc bôi là lựa chọn ưu tiên trong điều trị bệnh vảy phấn hồng

Đối với bệnh lý này, dùng thuốc bôi tại chỗ được cho là lựa chọn ưu tiên trong điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc uống kết hợp.

Dưới đây là một số loại thuốc được dùng phổ biến trong điều trị bệnh vảy phấn hồng:

  • Kem bôi chứa corticosteroid loại trung bình hoặc nhẹ như desonid, betamethason, kem hydrocortison.
  • Kem làm dịu da, mềm da.
  • Thuốc kháng histamine đường uống như chlorpheniramine, loratadine, cetirizine, diphenhydramine…

Trường hợp tổn thương ảnh hưởng rộng hoặc không đáp ứng với thuốc bôi đơn thuần thì bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp điều trị tại chỗ với dùng một số thuốc sau:

  • Erythromycin: Người lớn dùng với liều 1 – 2g/ ngày trong 14 ngày. Trẻ em dùng với liều 25 – 40mg/ ngày.
  • Acyclovir: Dùng với liều 800mg x 4 lần/ ngày trong khoảng 1 tuần.
  • Corticoid đƣờng uống: Được dùng với các thể nặng, tổn thương lan tỏa rộng hay có triệu chứng toàn thân. Liều dùng là 15 – 20mg/ ngày.

Tham khảo thêm: Review TOP 10+ Thuốc Trị Vảy Nến Tốt Nhất Trên Thị Trường

2. Liệu pháp ánh sáng

Ngoài việc điều trị bằng thuốc thì liệu pháp ánh sáng (quang hóa trị liệu) có thể đáp ứng tốt với các tổn thương do bệnh vẩy phấn hồng gây ra. Tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo có thể giúp cho các vết phát ban mờ dân.

Tuy nhiên liệu pháp ánh sáng có thể sẽ gây sạm da lâu dài tại một số điểm nhất định ngay cả sau khi tổn thương da đã được chữa lành. Chính vì vậy bạn cần trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ trước khi áp dụng phương pháp điều trị này.

Nên xem: Dấu Hiệu Bệnh Vẩy Nến Da Đầu: Nguyên Nhân, Biến Chứng Và Điều Trị

3. Áp dụng các mẹo tự nhiên hỗ trợ

Một số mẹo tự nhiên có thể giúp hỗ trợ khắc phục tình trạng ngứa ngáy mà bệnh vảy phấn hồng gây ra. Đồng thời còn giúp thúc đẩy chữa lành các tổn thương trên da và ngăn ngừa thâm nhiễm sau khi khỏi bệnh. Hơn nữa còn chăm sóc cho làn da sáng khỏe và đều màu.

Các lựa chọn điều trị tại nhà với mẹo tự nhiên bao gồm:

– Sử dụng dầu dừa:

Dùng dầu dừa chữa vảy phấn hồng tại nhà cũng là mẹo rất đơn giản. Hàm lượng acid lauric, vitamin E, B1, B5, C… trong dầu dừa rất dồi dào. Chúng sẽ giúp cấp ẩm, làm mềm da, giảm bong tróc và ngứa ngáy.

mẹo chữa vảy phấn hồng tại nhà
Có thể dùng dầu dừa để làm giảm bong tróc da và cải thiện tình trạng ngứa ngáy
  • Vệ sinh và lau khô vùng da cần điều trị
  • Lấy 1 lượng dầu dừa nguyên chất vừa đủ thoa lên bề mặt da
  • Massage nhẹ nhàng trong vòng vài ba phút
  • Chờ thêm 15 phút nữa rồi dùng nước ấm rửa sạch

– Tắm bột yến mạch:

Hàm lượng saponin trong bột yến mạch rất dồi dào có tác dụng làm sạch da dịu nhẹ mà không gây ngứa ngáy. Hơn nữa lượng lớn chất chống oxy hóa avenanthramides trong nguyên liệu này có khả năng làm giảm ngứa rất tốt. Từ đó đáp ứng tốt với các triệu chứng bệnh vảy phấn hồng.

  • Chuẩn bị bồn nước tắm (chú ý pha nước ấm có nhiệt độ thích hợp)
  • Thêm vào 2 – 3 muỗng canh bột yến mạch
  • Khuấy đều lên rồi dùng nước này để tắm
  • Nên tắm lại bằng nước sạch để loại bỏ hết bột yến mạch dính trên da

– Dùng gel nha đam:

Bệnh vảy phấn hồng đặc trưng bởi các tổn thương có vảy và gây ngứa ngáy. Việc dùng gel nha đam có thể làm giảm bong tróc da và giảm ngứa. Do gel nha đam chứa lượng nước, vitamin và các chất chống oxy hóa dồi dào giúp làm dịu da và cấp ẩm hiệu quả.

  • Chuẩn bị 1 nhánh nha đam tươi, gọt vỏ rồi rửa kỹ cho sạch nhựa mủ
  • Dùng thìa cạo lấy phần gel trong suốt để sử dụng
  • Vệ sinh và lau khô vùng da cần điều trị rồi thoa trực tiếp gel nha đam lên
  • Để nguyên khoảng 20 phút rồi rửa lại cho sạch

Các mẹo tự nhiên mặc dù rất lành tính và an toàn khi dùng chữa vảy phấn hồng nhưng bạn vẫn nên cẩn trọng. Tuyệt đối không áp dụng trên tổn thương hở, chảy máu, trợt loét hay các tổn thương có dấu hiệu bội nhiễm.

ĐỪNG BỎ LỠ: Mách Bạn Cách Chữa Vảy Nến Bằng Nha Đam Cực Hay Và Hiệu Quả

Lưu ý khi bị bệnh vảy phấn hồng

Để kiểm soát diễn tiến của bệnh vảy phấn hồng và hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị bệnh, song song với các giải pháp điều trị, người bệnh nên chú ý đến một số vấn đề sau:

lưu ý khi bị vảy phấn hồng
Cần chú ý kiểm soát tốt tình trạng căng thẳng thần kinh khi bị vảy phấn hồng
  • Kiểm soát tốt căng thẳng thần kinh và stress. Nên giảm bớt khối lượng công việc, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Đảm bảo đi ngủ đúng giờ (không thức quá 23 giờ) và ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày.
  • Có thể áp dụng các giải pháp ngồi thiền, tập yoga, nghe nhạc, đọc sách, tắm nước ấm… để giải tỏa căng thẳng và giữ cho tinh thần được thoải mái. Luôn duy trì suy nghĩ tích cực.
  • Tuyệt đối không hút thuốc lá, hít khói thuốc lá thụ động và tiêu thụ các loại thức uống có cồn hay chứa chất kích thích. Bởi đây là các yếu tố có thể tạo điều kiện cho triệu chứng bệnh vảy phấn hồng bùng phát mạnh.
  • Dành khoảng 5 – 10 phút mỗi ngày cho việc tắm nắng trong khung giờ từ 7:00 – 9:00. Tác động của tia cực tím có thể giúp tăng cường hoạt động tái tạo da và kiểm soát tình trạng bong vảy trên da do bệnh vảy phấn hồng.
  • Luôn giữ ẩm cho làn da. Bổ sung đủ nước cho cơ thể (uống đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày). Ngoài ra nên tham khảo bác sĩ da liễu để được tư vấn các sản phẩm kem dưỡng ẩm phù hợp.
  • Thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt điều độ. Nên tăng cường các loại rau xanh, trái cây tươi và thực phẩm có khả năng kháng viêm vào chế độ ăn. Hạn chế tiêu thụ đồ ăn cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ, gia vị… Dành thời gian cho hoạt động thể chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
  • Trường hợp được bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc thì cần tuân thủ hướng dẫn. Chú ý tái khám đúng hẹn để có quá trình kiểm soát và điều trị bệnh đạt hiệu quả cao.

Vảy phấn hồng là bệnh da liễu không có khả năng lây nhiễm và ít gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên người bệnh tuyệt đối không được chủ quan, cần nghiêm túc điều trị để tránh gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ của làn da. Ngoài dùng thuốc thì có thể áp dụng thêm một số mẹo tự nhiên tại nhà.

Bài viết liên quan

Câu hỏi liên quan

Bệnh vảy nến có lây không? Có di truyền không? Những vấn đề liên quan đến tính lây nhiễm cũng như khả năng di truyền của bệnh vảy nến được nhiều người quan tâm. Qua...

Xem chi tiết

Vảy nến toàn thân là tình trạng nguy hiểm. Người bệnh bị tổn thương da trên diện rộng, triệu chứng ngứa rát nặng nề khiến chất lượng cuộc sống và sức khỏe giảm sút nghiêm...

Xem chi tiết

Vảy nến là bệnh da liễu mãn tính có tiến triển từng đợt, dai dẳng và hiện vẫn chưa rõ căn nguyên. Ngoài gây tổn thương trên da thì bệnh còn gây tổn thương niêm...

Xem chi tiết

Bị vảy nến tắm lá gì? Lá tắm giúp chữa bệnh vảy nến được nhiều người sử dụng như lá trà xanh, trầu không, lá lốt, muồng trâu,...Những loại lá thiên nhiên luôn mang lại...

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa

Dinh dưỡng sức khỏe

Dịch vụ & Giải pháp