Vảy nến da mặt là bệnh da liễu mãn tính gây ra rất nhiều phiền toái. Tổn thương trên da thường gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý người bệnh. Hơn nữa còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không kiểm soát kịp thời. Ngoài can thiệp điều trị y tế thì người bệnh cần chú ý đến các giải pháp chăm sóc và dự phòng tại nhà.
Vảy nến da mặt là bệnh gì?
Vảy nến là một bệnh da liễu mãn tính rất phổ biến ảnh hưởng đến nhiều vị trí trên cơ thể. Trong đó có không ít người gặp phải các tổn thương trên vùng da mặt.
Vảy nến da mặt có nhiều điểm đặc trưng hơn ở các vị trí khác trên cơ thể. Do da ở vùng mặt thường mỏng và có vòng đời ngắn hơn. Chính vì vậy rất dễ hình thành các mảng da chết dày, có vảy và gây ngứa ngáy, khó chịu.
Thực tế cho thấy, vảy nến da mặt hầu hết có tính chất nhẹ nhưng thường gây ảnh hưởng rộng. Tổn thương có thể xuất hiện ở da mặt rồi lan ra đường chân tóc, cổ, tai… Đa phần các trường hợp bị vảy nến da mặt sẽ kèm theo vảy nến da đầu.
Tổn thương trên da mặt thường ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề thẩm mỹ. Người bệnh dễ cảm thấy mặc cảm, tự ti trong giao tiếp thường ngày. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới công việc và chất lượng cuộc sống.
Vảy nến da mặt – Nguyên nhân do đâu?
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây bệnh vảy nến nói chung và vảy nến da mặt nói riêng. Tuy nhiên, theo kết quả của nhiều nghiên cứu, cơ thể bệnh sinh có thể liên quan đến bất thường gen tại nhiễm sắc thể số 6.
Một số yếu tố nội sinh và ngoại sinh cũng có thể kích hoạt gen gây bệnh. Từ đó làm bùng phát các triệu chứng vảy nến da mặt. Dưới đây là một số yếu tố có ảnh hưởng tới sự bùng phát bệnh:
- Yếu tố di truyền: Bệnh vảy nến và yếu tố di truyền có mối liên quan mật thiết với nhau. Trong gia đình có tiền sử bệnh thì nguy cơ mà bạn mắc bệnh sẽ cao hơn.
- Rối loạn miễn dịch: Điều này có thể khiến cho hệ miễn dịch thay vì tấn công vi khuẩn virus sẽ tấn công vào các tế bào của cơ thể. Đôi khi sẽ làm rối loạn quá trình chu chuyển của da và bùng phát triệu chứng vảy nến ở mặt.
- Căng thẳng thần kinh: Tình trạng này ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tổng thể. Hơn nữa còn là yếu tố có khả năng kích hoạt gen gây bệnh vảy nến.
- Nhiễm khuẩn: Trong một số trường hợp, sự kích hoạt tổn thương do vảy nến trên da mặt có thể liên quan đến tình trạng nhiễm khuẩn. Điển hình là nhiễm khuẩn liên cầu.
Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể gây tác động, khiến bệnh bùng phát hoặc trở nên nghiêm trọng hơn. Ví dụ như tổn thương da, thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, béo phì, thiếu hụt vitamin D, lạm dụng thuốc corticoid…
Tham khảo thêm: Bệnh Vẩy Nến Có Bị Lây Không? Có Di Truyền Không? Một Số Lưu Ý
Dấu hiệu nhận biết vảy nến da mặt
Vảy nến da mặt cũng có những dấu hiệu tương tự như bệnh vảy nến ở các vùng da khác. Có thể dựa vào một số triệu chứng sau đây để nhận biết:
- Da mặt thường xuyên bị khô ráp và rạn nứt da. Trên bề mặt da xuất hiện các lớp sừng dày có vảy trắng hoặc hồng bị bong tróc.
- Tổn thương có thể màu đỏ với các mảng có đường kính khoảng từ 2 – 3cm.
- Nhiều trường hợp có thể kèm theo ngứa ngáy nhẹ và gây khó chịu.
- Nếu bệnh ảnh hưởng đến vùng mắt thì vành mi mắt có thể đỏ lên và cứng hơn bình thường.
- Tổn thương có thể ảnh hưởng đến vùng má, trên môi, mũi thậm chí là còn tác động tới vùng lợi hoặc lưỡi.
- Trường hợp cào gãi lên tổn thương thì da có thể bị nhiễm trùng với các triệu chứng chảy máu, chảy mủ và viêm nhiễm.
Xem thêm: Dấu hiệu của bệnh dị ứng? Các cách điều trị
Vảy nến da mặt có nguy hiểm không?
Theo nhận định từ các chuyên gia, vảy nến da mặt là một bệnh lý da liễu tương đối lành tính. Bệnh không trực tiếp đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có giải pháp điều trị bệnh dứt điểm. Trường hợp bệnh tiến triển nặng hay tái phát nhiều lần thì các vấn đề nghiêm trọng hoàn toàn có thể phát sinh.
Dưới đây là một số ảnh hưởng nguy hại mà bệnh vảy nến da mặt gây ra:
- Suy giảm thị lực: Trong một số trường hợp, tổn thương do vảy nến có thể xuất hiện ở vùng mắt. Chúng gây ra các tình trạng khô mắt, ngứa ngáy và nóng rát. Đồng thời tiềm ẩn nguy cơ làm bùng phát các bệnh lý viêm nhiễm như viêm kết mạc, viêm bờ mi… Điều này khiến cho thị lực của người bệnh suy giảm.
- Ảnh hưởng tâm lý: Vảy nến da mặt khiến cho người bệnh bị mặc cảm, tự ti về thẩm mỹ và ngoại hình. Điều này kéo dài có thể gây ra chứng trầm cảm.
- Tăng huyết áp: Số liệu thống kê cho thấy, những người bị vảy nến da mặt có nguy cơ bị huyết áp cao cao hơn những đối tượng bình thường khác. Chiếm tỷ lệ khoảng gần 20%.
Ngoài các vấn đề nêu trên thì trong một số trường hợp, bệnh vảy nến ở mặt còn gây ra nhiều ảnh hưởng khác. Ví dụ như tăng nguy cơ bị tiểu đường, thừa cân béo phì, xơ vữa động mạch. Thậm chí còn làm tăng nguy cơ ung thư.
Đọc thêm: Vảy Nến Có Nguy Hiểm Không? Có Chữa Được Không? Giải Đáp
Các phương pháp điều trị vảy nến da mặt
Bệnh vảy nến nói chung và vảy nến da mặt nói riêng đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu để chữa dứt điểm. Mục đích của việc điều trị là để làm giảm triệu chứng, cải thiện tổn thương và ngăn bệnh tái phát.
Điều trị vảy nến da mặt có thể bao gồm dùng thuốc, quang hóa trị liệu, các mẹo tự nhiên hỗ trợ cùng các biện pháp chăm sóc và dự phòng bệnh. Cụ thể như sau:
1. Điều trị bằng thuốc
Bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ tổn thương da cùng các triệu chứng đi kèm để kê toa thuốc phù hợp cho từng cá thể. Dùng thuốc bôi là lựa chọn ưu tiên cho các trường hợp bệnh nhẹ. Tuy nhiên với các trường hợp bị tổn thương nặng hay bệnh tiến triển nghiêm trọng thì thuốc uống có thể được chỉ định kết hợp.
Dưới đây là một số thuốc có thể được bác sĩ kê toa trong điều trị vảy nến da mặt:
- Thuốc bôi chứa corticoid: Nhóm thuốc này có tác dụng chống viêm và làm giảm sưng đỏ nhanh chóng. Đồng thời hỗ trợ cải thiện tình trạng ngứa da rất tốt. Tuy nhiên thuốc bôi chứa corticoid chỉ được dùng trong điều trị ngắn hạn. Bởi lạm dụng rất dễ gây mỏng da, rạn da và giãn mao mạch.
- Vitamin A: Vitamin A cùng 1 số dẫn xuất của nó như Retinoids có tác dụng làm giảm viêm và loại bỏ vảy bong rất tốt.
- Vitamin D tổng hợp: Có thể được dùng dưới dạng kem bôi hoặc thuốc mỡ với tác dụng ức chế tăng sinh tế bào da. Calcipotriene và Calcitriol là 2 loại vitamin D tổng hợp được dùng phổ biến trong điều trị vảy nến da mặt.
- Kem dưỡng ẩm: Các loại kem dưỡng ẩm được sử dụng với mục đích làm mềm da và giảm bong tróc. Đồng thời còn có khả năng cải thiện tình trạng ngứa ngáy.
- Acid Salicylic: Đây là loại thuốc được dùng phổ biến trong điều trị vảy nến da mặt. Để nâng cao hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định dùng kết hợp với coal tar hay steroids.
- Coal Tar: Coal Tar là một dẫn xuất của than đá có tác dụng chống ngứa, kháng khuẩn. Hơn nữa còn ức chế được quá trình tăng sinh tế bào sừng quá mức. Với bệnh vảy nến da mặt, có thể dùng Coal Tar được điều chế ở dạng kem bôi.
- Thuốc kháng sinh: Có thể được chỉ định kháng sinh tại chỗ hoặc đường uống trong các trường hợp tổn thương da xuất hiện dấu hiệu bội nhiễm.
Điều trị vảy nến da mặt bằng thuốc cần tuân thủ chỉ định từ bác sĩ. Dùng thuốc đúng liều lượng, tần suất và thời gian được khuyến cáo. Tuyệt đối không tùy tiện thay đổi kế hoạch điều trị. Trường hợp toa thuốc đáp ứng kém hay gây ra các vấn đề ngoại ý thì hãy báo ngay cho bác sĩ để kịp thời điều chỉnh.
2. Liệu pháp ánh sáng
Ngoài sử dụng thuốc thì liệu pháp ánh sáng (quang hóa trị liệu) cũng là một giải pháp có thể đáp ứng với bệnh vảy nến da mặt. Giải pháp này có tác dụng làm chậm sự phát triển quá mức của các tế bào da.
Tùy thuộc vào mức độ bệnh cùng các yếu tố liên quan khác mà bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng một số loại pháp quang sau:
- Điều trị bằng ánh sáng mặt trời: Có nghĩa là nhận tia cực tím từ ánh sáng mặt trời hay ánh sáng nhân tạo.
- Quang trị liệu UVB: Da mặt sẽ nhận được tia UVB từ 1 nguồn sáng nhân tạo. Ngoài ra bác sĩ còn có thể chỉ định loại pháp quang mới hơn đó là quang trị liệu UVB dải hẹp.
- Liệu pháp Goeckerman: Phương này là sự kết hợp giữa điều trị UVB với nhựa than đá.
- Laser Excimer: Sử dụng chùm tia UVB để kiểm soát và xử lý tổn thương tại 1 khu vực nhỏ.
- Psoralen kết hợp với tia cực tím A (PUVA): Psoralen là một loại thuốc có thể giúp làn da trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng UVA. Từ đó giúp nâng cao hiệu quả điều trị.
Có thể bạn quan tâm: Bệnh Vảy Nến Bôi Thuốc Gì Để Điều Trị Nhanh Khỏi?
3. Áp dụng mẹo tự nhiên
Việc áp dụng một số mẹo tự nhiên có thể hỗ trợ rất tốt cho quá trình kiểm soát bệnh vảy nến da mặt. Đặc biệt là trong các trường hợp bệnh khiến cho da mặt bị khô ráp, bong tróc nhiều hay gây ngứa ngáy.
Một số nguyên liệu tự nhiên như nha đam, nghệ, tinh dầu cây trà… có thể hỗ trợ đẩy lùi tổn thương trên da. Đồng thời cải thiện triệu chứng và nuôi dưỡng làn da sáng khỏe. Cụ thể như sau:
– Dùng nghệ chữa vảy nến trên mặt:
Hàm lượng curcumin trong củ nghệ rất dồi dào đem lại lợi ích trong việc chống viêm, kháng khuẩn và chống oxy hóa. Nguyên liệu này được sử dụng như 1 loại thuốc điều trị tại chỗ giúp làm giảm các tổn thương do bệnh vảy nến da mặt gây ra.
- Chuẩn bị 1 củ nghệ tươi đem cạo vỏ, rửa sạch rồi để ráo
- Cho nghệ vào cối giã nát rồi thêm vào 2 thìa nước lọc khuấy đều
- Chắt lấy nước cốt nghệ, vệ sinh da mặt, lau khô rồi thoa lên vùng da bệnh
- Để nguyên khoảng 20 phút rồi dùng nước ấm rửa sạch
Nước cốt nghệ có thể khiến màu vàng lưu lại rất lâu trên da. Trước khi dùng nước ấm rửa sạch thì bạn có thể dùng dầu ô liu hay dầu dừa massage để loại bỏ màu của nghệ tốt hơn.
– Sử dụng gel nha đam:
Lượng nước và vitamin cùng hàng loạt khoáng chất dồi dào trong gel nha đam đặc biệt hữu ích với sức khỏe làn da. Chúng giúp cấp ẩm, làm dịu da và giảm ngứa hiệu quả. Đặc biệt là còn thúc đẩy tốc độ chữa lành các tổn thương trên da mặt do bệnh vảy nến gây ra.
- Chuẩn bị 1 nhánh nha đam tươi, gọt vỏ rồi rửa sạch nhựa mủ
- Cạo lấy phần gel trong suốt để sử dụng
- Vệ sinh da mặt rồi lau khô và thoa gel nha đam lên
- Massage vài phút, thư giãn thêm 10 phút rồi rửa sạch
Gel nha đam có thể gây kích ứng ở những người sở hữu làn da quá nhạy cảm. Chính vì vậy trước khi dùng cho da mặt nên thoa gel nha đam lên da tay để quan sát phản ứng. Sau 24 giờ nếu thấy an toàn mới dùng nguyên liệu này để chữa vảy nến trên mặt.
Xem chi tiết: Chia Sẻ Cách Chữa Vảy Nến Bằng Nha Đam Cực Hay Và Hiệu Quả
– Chữa vảy nến da mặt bằng dầu cây trà:
Dầu cây trà còn được gọi là tinh dầu tràm trà – nguyên liệu có khả năng kháng khuẩn và chống viêm rất hiệu quả. Ngoài ra, dùng dầu cây trà chữa vảy nến trên mặt còn giúp dưỡng ẩm, làm mềm da và loại bỏ lớp vảy bong tróc. Đồng thời xoa dịu tình trạng ngứa ngáy, khó chịu trên da.
- Chỉ cần chuẩn bị vài ba giọt tinh dầu cây trà
- Đem hóa lỏng với 1 lượng nước lọc phù hợp
- Vệ sinh da mặt sạch sẽ rồi lau khô và thoa trực tiếp lên da
- Thực hiện đều đặn 2 – 3 lần/ ngày
Ngoài ra, bạn có thể thay thế dầu cây trà bằng một số loại tinh dầu khác. Điển hình như tinh dầu oải hương, dầu thầu dầu, dầu dừa, dầu ô liu, tinh dầu bạc hà…
Đọc thêm: Bệnh Vẩy Nến Thể Giọt: Dấu Hiệu Đặc Trưng Và Những Điều Cần Lưu Ý
4. Chăm sóc và dự phòng
Vảy nến da mặt là bệnh mãn tính không thể trị dứt điểm. Hơn nữa bệnh lý này có nguy cơ tái phát rất cao khi có các yếu tố thuận lợi. Chính vì vậy, song song với việc điều trị, người bệnh cần chú ý đến các biện pháp chăm sóc và dự phòng bệnh, bao gồm:
- Kiểm soát tốt tình trạng căng thẳng, giảm khối lượng công việc, dành thời gian cho việc nghỉ ngơi. Đảm bảo đi ngủ trước 23 giờ và ngủ đủ 7 – 8 giờ/ ngày. Có thể cân nhắc tập thiền, yoga hay áp dụng một số giải pháp đọc sách, nghe nhạc, tắm nước ấm…
- Tuyệt đối không tác động lên tổn thương da do vảy nến gây ra. Cào gãi hay chà xát lên vùng vảy có thể khiến chúng tồi tệ hơn hay bắt đầu phát ban mới.
- Tránh kích hoạt các yếu tố làm bùng phát bệnh. Điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể và hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tái phát.
- Chăm sóc da mặt đúng cách. Nên sử dụng các sản phẩm sữa rửa mặt dịu nhẹ để vệ sinh da mặt 2 lần/ ngày. Đừng quên sử dụng kem dưỡng ẩm để duy trì độ ẩm tự nhiên cần thiết cho da.
- Uống đủ nước mỗi ngày (khoảng từ 2 – 2.5 lít). Ngoài nước lọc thì bạn có thể bổ sung thêm các loại nước ép từ rau củ quả tươi để hỗ trợ cải thiện hệ miễn dịch cho cơ thể.
- Sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh vảy nến da mặt theo đúng chỉ dẫn từ bác sĩ. Tuyệt đối không tùy tiện điều chỉnh kế hoạch dùng thuốc khi chưa nhận được yêu cầu.
Vảy nến da mặt mặc dù là bệnh lành tính nhưng gây ra rất nhiều phiền toái. Đặc biệt bệnh ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và thẩm mỹ. Ngoài việc điều trị y tế theo chỉ dẫn bác sĩ thì cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp chăm sóc và dự phòng bệnh tại nhà.
Bài viết dành cho bạn
- Vảy Nến Toàn Thân Là Gì? Có Nguy Hiểm Không? Cách Điều Trị
- TOP 7 Cách Chữa Vảy Nến Da Đầu Tại Nhà Đơn Giản, Dễ Áp Dụng