Mụn dậy thì có rất nhiều dạng khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là mụn mủ, mụn có nhân khá sưng đau. Nếu không có biện pháp điều trị phù hợp, mụn có thể phát triển mạnh và để lại nhiều sẹo trên da cho tới khi trưởng thành. Vì vậy, cần phải có những kiến thức cơ bản về mụn để chăm sóc, bảo vệ làn da một cách tốt nhất.
Định nghĩa mụn dậy thì
Mụn dậy thì là loại mụn xảy ra ở cả nam và nữ trong giai đoạn dậy thì. Mụn có thể phát triển với nhiều thể khác nhau, không chỉ xuất hiện ở mặt, vùng vai, lưng cũng có nguy cơ bị mụn. Nguyên nhân chủ yếu bởi sự thay đổi lớn trong hormone giới tính, làm rối loạn hoạt động của tuyến bã nhờn, tạo ra môi trường phát triển thuận lợi cho các vi khuẩn gây mụn.
Mụn có thể nặng hoặc nhẹ tùy từng cơ địa cũng như cách chăm sóc da của mỗi người. Tuy nhiên, việc chủ quan, chữa trị chậm trễ hoặc sai cách hoàn toàn có thể gây ra sẹo nghiêm trọng vĩnh viễn trên da.
Nguyên nhân gây mụn dậy thì
Mụn dậy thì xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó các yếu tố gây mụn thường gặp nhất gồm:
Nội tiết tố gia tăng sản sinh Androgen
Androgen là một loại hormone sinh dục gia tăng mạnh mẽ trong giai đoạn tuổi dậy thì. Theo đó, tuyến bã nhờn bị Androgen tác động gây tiết lượng dầu lớn làm bít tắc lỗ chân lông, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập sinh sôi, gây nhiều loại mụn khác nhau.
Chưa biết cách vệ sinh da cẩn thận
Làn da hàng ngày đổ nhiều dầu, bị bết dính nhiều bụi bẩn, vi khuẩn, mồ hôi và da chết, nếu không vệ sinh sạch sẽ và dùng sản phẩm phù hợp sẽ gây ra mụn trứng cá, mụn sưng viêm đau nhức. Đặc biệt những trường hợp có da nhạy cảm càng có nguy cơ nổi nhiều mụn.
Chế độ ăn uống và sinh hoạt
Mụn dậy thì cũng xảy ra do vấn đề ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Chế độ ăn nhiều đồ chiên rán, cay nóng, uống nước ngọt, nước có ga thường xuyên dễ gây mụn, da tích tụ nhiều độc tố, đổ nhiều dầu, mất nước.
Ngoài ra, việc thức khuya thường xuyên cũng là yếu tố làm ảnh hưởng tới làn da, dễ khiến giảm khả năng miễn dịch, các vi khuẩn có thể xâm nhập và làm tổn thương tế bào nhanh chóng.
Đối tượng bị mụn dậy thì
Mụn dậy thì sẽ xảy ra ở những bạn trong giai đoạn dậy thì từ 8 - 13 tuổi đối với nữ, 9 - 14 tuổi đối với nam. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp mụn đến sớm hơn hoặc đã kết thúc tuổi dậy thì nhưng mụn vẫn còn phát triển.
Ngoài ra, những trường hợp cụ thể sau sẽ có nguy cơ bị mụn cao hơn:
- Thường xuyên chịu căng thẳng stress từ học tập, gia đình.
- Tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất, chất tẩy rửa nhưng không có đồ bảo hộ.
- Thường sử dụng các mỹ phẩm trang điểm, các loại kem trộn làm trắng da cấp tốc.
Triệu chứng mụn dậy thì
Mụn trong độ tuổi dậy thì có nhiều khác biệt tùy theo mức độ tổn thương của làn da. Mụn chủ yếu xuất hiện trên mặt, những vị trí đổ nhiều dầu, cũng không thể loại bỏ trường hợp mụn nổi ở lưng, vai, cánh tay, ngực,... Các thể mụn cũng khá đang dạng như sau:
Mụn viêm
Là nhóm mụn nặng, để lại nhiều tổn thương nặng nề đối với làn da, da thường đau nhức, sưng đỏ, dễ có thâm, sẹo lõm.
- Mụn mủ: Kích thước mụn khá lớn, có màu đỏ, quanh chân mụn da khá căng rát. Mụn chứa nhiều mủ bên trong, màu trắng hoặc màu vàng, không có nhân cứng và dễ để lại sẹo lõm.
- Mụn nang: Mụn lớn tương đương hạt đầu, biểu hiện chủ yếu là đau nhức, có chứa dịch hoặc mủ bên trong và cũng dễ có sẹo lõm giống mụn mủ.
- Mụn bọc: Chủ yếu bị ở nam giới, mụn có cả trên mặt, ngực, lưng, có nguy cơ tái phát, kéo dài dai dẳng. Mụn do vi khuẩn gây nên và mất nhiều thời gian để chữa trị.
- Mụn sần: Mụn có màu hồng, đỏ, sưng và đau rõ rệt, tuy nhiên kích thước nhỏ hơn các loại mụn bọc, mụn mủ. Mụn được xếp vào nhóm trung bình hoặc nặng.
Mụn không viêm
Thuộc nhóm mụn nhẹ, dễ chữa trị hơn mụn viêm, mụn có nhân cứng rõ ràng, ít có nguy cơ gây ra sẹo thâm và sẹo lõm.
- Mụn đầu trắng: Mụn có đầu màu trắng do nang lông đóng lại, xảy ra bởi quá trình tích tụ bã nhờn, da chết, vi khuẩn.
- Mụn đầu đen: Hình thành khi nang lông mở rộng, gây ra quá trình oxy hóa của các loại bụi bẩn bã nhờn ứ đọng trong nang lông, do đó nhân mụn thường có đầu màu đen.
Biến chứng mụn dậy thì
Mụn dậy thì có thể tự hết và không để lại biến chứng hay không còn tùy thuộc từng trường hợp. Nếu mụn ở thể nhẹ, là các dạng mụn đầu trắng, đầu đen hoặc mụn trứng cá không nghiêm trọng, các nốt mụn sẽ hết khi chữa trị và chăm sóc da hợp lý.
Đối với các nốt mụn thể viêm nhiễm nghiêm trọng, da có nguy cơ bị tổn thương ăn sâu, mụn ngày càng lan rộng khiến các tế bào mất khả năng tự phục hồi và làm lành vết thương. Lúc này, da sẽ có các biến chứng là thâm, sẹo, xỉn màu, mụn kéo dài dai dẳng nhiều năm.Tâm lý đồng thời cũng chịu nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới các giao tiếp, các hoạt động xã giao đời thường.
Chẩn đoán mụn dậy thì
Mụn dậy thì cần có quá trình chẩn đoán chi tiết bởi các bác sĩ để đánh giá loại mụn và hướng chữa trị, cụ thể như sau:
- Thăm khám lâm sàng, quan sát các dấu hiệu mụn sưng đỏ, có nhân hay không nhân, diện tích nổi mụn, tình trạng da tiết bã nhờn,...
- Xét nghiệm nội tiết tố, đánh giá các tác nhân gây mụn trên da.
- Sử dụng máy soi da để quan sát chi tiết hơn về sức khỏe làn da và các vấn đề tiềm ẩn khác.
Điều trị mụn dậy thì
Mụn dậy thì có thể điều trị với nhiều biện pháp tùy vào mức độ tổn thương. Các cách chữa mụn có thể áp dụng gồm:
Thuốc Tây y
Trị mụn bằng thuốc Tây y có cả thuốc bôi và thuốc uống, một số loại thường gặp là:
- Benzoyl Peroxide: Thuốc dùng cho mụn viêm, mụn bọc, mụn đầu đen và đầu trắng. Tiêu diệt các loại vi khuẩn, làm sạch da, loại bỏ lớp sừng.
- Clindamycin: Thuốc dùng trong trường hợp mụn dậy thì trung bình hoặc nặng, cản trở sự sinh sôi và phát triển của vi khuẩn, các dấu hiệu viêm nhiễm da sẽ giảm đi rõ rệt.
- Acid Azelaic: Thuốc sử dụng cho những người bị mụn trung bình hoặc nhẹ, giảm sự hình thành của mụn mới, khích nhân mụn đẩy lên bề mặt da và loại bỏ bụi bẩn trong nang lông.
- Acid Salicylic: Làm sạch lỗ chân lông, hạn chế tình trạng đổ dầu thừa, từ đó mụn dịu đi và không còn dai dẳng kéo dài.
- Retinol: Thuốc loại bỏ bã nhờn, làm sạch lỗ chân lông, dịu các nốt mụn nang, mụn sần, duy trì độ ẩm cho làn da.
- Isotretinoin: Thuốc có công dụng mạnh mẽ, cản trở quá trình da tiết dầu thừa, làm dịu các nốt mụn sưng viêm, đau nhức. Thuốc dùng trong các ca bệnh nặng khi đã sử dụng nhiều loại khác nhưng không có hiệu quả.
- Thuốc kháng sinh: Ngăn chặn vi khuẩn gây mụn, giảm viêm nhiễm, kích thích làn da có khả năng đề kháng, tái tạo tốt hơn.
Kỹ thuật hiện đại
Mụn dậy thì có thể chữa trị hiệu quả bằng các kỹ thuật hiện đại tại những cơ sở spa, phòng khám da liễu uy tín. Hiện nay các phương pháp được sử dụng nhiều gồm:
- Phi kim vaccin mụn: Thực hiện bằng cách dùng các loại đầu kim siêu nhỏ tạo ra các tổn thương mới trên da, từ đó làm lành vết thương cũ, loại bỏ mụn, viêm nhiễm, vi khuẩn. Tế bào mới được sản sinh khỏe mạnh hơn, thay thế cho các tế bào cũ đã mất chức năng hoạt động, da không bị thâm hay sẹo rỗ.
- Huyết thanh tảo biển: Dùng tinh chất huyết thanh đưa vào da nhằm kích thích nhân mụn đẩy ra ngoài, loại bỏ dịch mủ, làm lành các vùng da bị tổn thương. Lỗ chân lông được thu nhỏ, da sạch, thông thoáng và mịn màng, hạn chế các dấu hiệu kích ứng bởi tác nhân từ môi trường.
- Laser tảo: Dùng tảo và laser để loại bỏ các vi khuẩn trú ngụ trên da, cắt bỏ hoàn toàn gốc mụn, kích thích tế bào mới phát triển, gia tăng collagen để làm đầy các vết thương. Mụn không còn nguy cơ tái phát, không có thâm sẹo, lỗ chân lông cũng nhỏ đi nhiều.
Thuốc Đông y
Thuốc Đông y trị mụn đi sâu vào căn nguyên gốc rễ, làm sạch nhân mụn, cản trở sự phát triển của vi khuẩn, kích thích da phục hồi sau tổn thương với các liệu trình như:
Bài thuốc 1:
- Vị thuốc: Sa nhân, biển đậu, phục linh, bạch truật, nhân sâm, chích thảo, cát cánh, ý dĩ, hoài sơn, liên nhục.
- Cách dùng: Thuốc sắc cùng lượng nước vừa đủ, uống 3 bữa mỗi ngày và nên uống thuốc ấm để dễ phát huy công dụng.
Bài thuốc 2:
- Vị thuốc: Bồ công anh, chi tử, hoàng liên, sinh địa, liên kiều, huyền sâm, cam thảo, kinh giới, sinh địa.
- Cách dùng: Cho vào ấm 7 bát nước, sắc thuốc đến khi cạn còn ⅓. Người dùng chia thuốc 3 bữa sáng, trưa và tối, khi thuốc nguội hãy hâm ấm để sử dụng.
Bài thuốc 3:
- Vị thuốc: Xuyên khung, đan sâm, cam thảo, quế nhục, đương quy, bạch truật, hoàng kỳ, đẳng sâm.
- Cách dùng: Sắc thuốc cùng 1 lít nước đến khi sôi cạn còn 2 bát con. Thuốc uống hết trong ngày, không để qua đêm hôm sau dùng tiếp sẽ giảm nhiều tác dụng.
Mẹo dân gian
Chăm sóc da mặt nổi mụn trong thời gian dậy thì có thể dùng một số nguyên liệu tự nhiên được ưa chuộng trong dân gian, có thể kể tới gồm:
- Quế và mật ong: Dùng 1 thìa mật ong trộn với 1 thìa bột quế cho thật đều. Sau khi đã rửa mặt, thoa đều hỗn hợp lên mặt thật nhẹ nhàng. Đợi qua 15 phút, lấy nước mát rửa mặt sạch sẽ.
- Nha đam: Dùng 1 nhánh nha đam đã gọt vỏ, rửa sạch lớp nhựa, thái nguyên liệu thành các miếng nhỏ rồi cho vào máy xay nhuyễn. Đắp trực tiếp nha đam lên da trong khoảng 20 phút rồi rửa lại mặt bằng nước mát. Mỗi tuần đắp mặt nạ nha đam 3 lần giúp mụn giảm tốt.
- Trà xanh: Dùng một nắm lá trà xanh, rửa sạch và cho vào nồi nước nấu sôi. Phần nước trà thu được sẽ để nguội, sau đó dùng để thoa đều lên mặt trong 15 phút. Cuối cùng vệ sinh lại bằng nước sạch và nên áp dụng cách này mỗi tuần 3 lần.
Phòng tránh mụn dậy thì
Có nhiều cách để phòng tránh mụn dậy thì, dưới đây là một số gợi ý chi tiết trong việc ăn uống, sinh hoạt và chăm sóc da hàng ngày.
- Luôn chú ý về các sản phẩm mỹ phẩm khi có nhu cầu sử dụng. Bảng thành phần cần tránh các yếu tố cồn, dầu khoáng, paraben, các loại hương liệu tổng hợp. Thay vào đó, nên chọn dùng những sản phẩm có chứa các chiết xuất từ tự nhiên sẽ rất tốt cho làn da.
- Có thể sử dụng các loại thảo dược tự nhiên như: Chanh, sả, tía tô, gừng,... để nấu nước xông hơi mỗi tuần 1 lần. Đây là biện pháp chăm sóc da phù hợp với người người trưởng thành cũng như trong độ tuổi dậy thì. Làn da sẽ được làm sạch sâu trong từng lỗ chân lông, kích thích tuần hoàn máu, nâng cao khả năng đề kháng, tạo sự săn chắc và căng mịn hơn cho làn da.
- Khi ra ngoài trời nắng, cần che chắn cẩn thận cho làn da, sử dụng sản phẩm kem chống nắng có SPF thích hợp và vẫn phải dùng khẩu trang, mũ nón. Tránh để ánh nắng tiếp xúc trực tiếp với da sẽ dễ làm da bị yếu, cháy nắng, mất hàng rào bảo vệ, gây ra mụn cùng nhiều vấn đề khác.
- Luôn vệ sinh da mặt sạch sẽ mỗi ngày bằng các sản phẩm dịu nhẹ, phù hợp với làn da giúp loại bỏ hết bã nhờn, bụi bẩn, vi khuẩn. Không nên dùng nước quá lạnh hoặc quá nóng để rửa mặt đều sẽ làm da bị khô, mất nước, dễ xảy ra các dấu hiệu kích ứng.
- Dù không sử dụng các sản phẩm trang điểm cũng cần phải tẩy trang. Ngoài ra, nếu có dùng kem chống nắng, cuối ngày cần làm sạch da thật kỹ lưỡng. Kem chống nắng nếu để tích tụ lại trên da chính là nguyên do gây ra rất nhiều loại mụn.
- Không cho tay lên sờ mặt hoặc nặn các nốt mụn một cách tùy ý. Hành động này gián tiếp đưa vi khuẩn lên da và sinh sôi thành nhiều loại mụn khác nhau.
- Chế độ sinh dưỡng hàng ngày cần bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ từ các loại rau, củ, trái cây. Nên ăn nhiều: Rau cải xanh, bông cải xanh, ớt chuông, cà chua, bí đỏ, dưa leo, kiwi, bưởi, cam, ổi, dâu tây, bơ,.... Các món ăn chế biến theo dạng hấp hoặc luộc, nấu canh hầm đều rất tốt cho cơ thể và làn da.
- Tránh sử dụng những món ăn được chế biến sẵn, các loại thức ăn nhanh hay đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng. Các loại nước ngọt, nước có ga cũng dễ làm da bị mất nước, khô sạm, giảm khả năng đào thải độc tố dẫn tới hình thành mụn.
- Nên đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya sử dụng các thiết bị điện tử. Đồng thời, tập luyện thể dục thể thao thường xuyên cũng sẽ mang tới nhiều lợi ích cho làn da, giúp kích thích đẩy độc tố ra bên ngoài, tăng khả năng lưu thông máu, nâng cao khả năng đề kháng và miễn dịch để da luôn khỏe mạnh.
- Vệ sinh chăn gối và không gian sống thường xuyên, tránh để bụi bẩn, vi khuẩn và nấm mốc có nguy cơ phát triển, sinh sôi gây ra nhiều vấn đề da liễu.
Mụn dậy thì tùy theo từng cơ địa sẽ có mức độ biểu hiện khác nhau, có người nặng, có người nhẹ. Để điều trị hiệu quả, trước tiên cần tới bệnh viện để thăm khám chi tiết. Sau đó, các bác sĩ sẽ tư vấn liệu trình phù hợp, kết hợp thêm chế độ ăn uống, sinh hoạt và chăm sóc da hàng ngày sẽ giúp làn da cải thiện rất tốt, da khỏe, đẹp, có khả năng phục hồi hiệu quả, ngăn chặn tối đa nguy cơ sẹo và thâm.