Nổi Mề Đay Có Liên Quan Đến Gan Không?

Nổi mề đay mẩn ngứa có mối liên hệ mật thiết với các vấn đề về gan như viêm gan B, C, nóng gan, gan yếu,… Như đã biết, gan là cơ quan chuyển hóa dinh dưỡng, dự trữ năng lượng và thanh thải độc tố. Chức năng gan suy giảm khiến độc tố tích lũy trong cơ thể, qua đó kích thích phản ứng dị ứng và kết quả là gây nổi mẩn đỏ, phát ban kèm ngứa ngáy.

nổi mề đay có liên quan đến gan không
Nổi mề đay là vấn đề da liễu có mối liên hệ mật thiết với chức năng gan

Nổi mề đay có liên quan đến gan không?

Nổi mề đay là bệnh da liễu khá phổ biến, điển hình bởi tình trạng viêm lớp trung bì của da gây ra các sẩn cục, mảng nổi cộm, da nóng đỏ, phù nề và ngứa ngáy. Bệnh lý này có thể xảy ra ở cả trẻ em, người trưởng thành và người cao tuổi do các yếu tố kích ứng, dị ứng. Mề đay thực chất là phản ứng cấp – mãn tính của da khi cơ thể bị dị ứng. Hiện tượng dị ứng khiến histamine được giải phóng vào da, niêm mạc và kết quả là gây ra các triệu chứng cơ năng, thực thể của mề đay mẩn ngứa.

Có rất nhiều nguyên nhân gây nổi mề đay, trong đó phổ biến nhất là các tác nhân vật lý (nhiệt độ, ánh nắng, kích thích cơ học), tác nhân có nguồn gốc động vật, thực vật, thức ăn, thời tiết và thuốc. Ngoài ra, mề đay còn có thể là bùng phát do ảnh hưởng của các bệnh lý tiềm ẩn như rối loạn tuyến giáp, hội chứng suy giảm miễn dịch, rối loạn nội tiết tố và các vấn đề về gan.

Nổi mề đay có liên quan đến gan không là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm. Theo các chuyên gia Tiêu hóa, mề đay và chức năng gan là hai vấn đề có mối liên hệ mật thiết. Bởi gan là cơ quan có vai trò chuyển hóa dinh dưỡng, dữ trữ năng lượng và đào thải độc tố trong rượu bia, thuốc lá, thức ăn ra khỏi cơ thể. Khi chức năng gan suy yếu, độc tố bị tích tụ trong cơ thể dần theo thời gian và kích thích phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch. Kết quả là gây nổi mẩn ngứa, mề đay, mụn và một số vấn đề da liễu khác.

Nguyên nhân gây nổi mề đay do gan

Gan là một trong những tạng quan trọng không thể thay thế chức năng. Ngoài vai trò chuyển hóa chất dinh dưỡng và dự trữ năng lượng, gan còn đảm nhiệm chức năng thải độc từ thức ăn, khói thuốc, hóa chất và các chất độc hại có trong không khí.

Tuy nhiên nếu có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt không lành mạnh, chức năng gan có thể bị suy giảm dẫn đến tình trạng tích tụ độc tố trong cơ thể, kích thích phản ứng thái quá của hệ miễn dịch và cuối cùng dẫn đến phóng thích histamine vào da.

Nổi mề đay do gan thường bắt nguồn từ những vấn đề sau:

  • Nóng gan: Nóng gan là tên gọi dân gian đề cập đến tính trạng rối loạn chức năng gan. Tình trạng này thường xảy ra trong thời gian ngắn do uống quá nhiều rượu bia, thức ăn, ăn uống không điều độ,… Nóng gan biểu hiện qua một số dấu hiệu như nổi mề đay mẩn ngứa, da dẻ tối sạm, kém rạng rỡ và nổi mụn trứng cá.
  • Gan yếu: Gan yếu là tình trạng suy giảm chức năng gan do ảnh hưởng của lối sống thiếu khoa học hoặc do các vấn đề về gan, mật gây ra. Gan yếu có thể gây suy gan vĩnh viễn nếu không thực hiện các biện pháp xử lý và điều trị sớm. Tương tự như chứng nóng gan, gan yếu khiến chức năng thải độc suy giảm, độc tố tích lũy theo thời gian và gây nổi mẩn ngứa, mề đay.
  • Viêm gan B và các bệnh về gan: Chức năng gan suy giảm thường có liên quan đến các bệnh lý về gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan B, C, xơ gan,… Các bệnh lý này đều khiến tế bào gan giảm chức năng và hệ quả là gây mề đay mẩn ngứa, mụn trứng cá, cơ thể mệt mỏi, da dẻ vàng vọt, ăn uống kém.

Các triệu chứng nổi mề đay do gan yếu, nóng gan thường bùng phát mạnh hơn vào mùa hè. Nguyên nhân là do thời tiết nóng làm tăng mức độ nhạy cảm của gan và hệ miễn dịch. Do đó khi độc tố không được thanh thải hoàn toàn, hệ miễn dịch có thể bị kích thích dẫn đến nổi sẩn đỏ, mẩn ngứa và phát ban.

nóng gan có nổi mề đay
Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh là yếu tố làm tăng nguy cơ nóng gan gây nổi mề đay

Ngoài ra, nguy cơ bị nổi mề đay do gan cũng có thể tăng lên nếu có những yếu tố thuận lợi sau:

  • Thường xuyên tiếp xúc với khói bụi
  • Sinh sống trong môi trường ô nhiễm
  • Căng thẳng
  • Thức khuya
  • Ăn uống không điều độ
  • Hút thuốc lá
  • Uống nhiều rượu bia
  • Lạm dụng thuốc Tây quá mức

Nhận biết nổi mề đay do gan yếu, nóng gan, viêm gan B

Mề đay mẩn ngứa là biểu hiện thường gặp của các bệnh lý về gan như viêm gan B, nóng gan, gan yếu,… Khác với mề đay do những tác nhân thông thường, mề đay do gan thường có đặc tính dai dẳng và dễ tái phát.

nổi mề đay có liên quan đến gan không
Nổi mề đay do gan thường có tính chất dai dẳng, dễ tái phát và gây ngứa âm ỉ đến dữ dội

Một số dấu hiệu nhận biết nổi mề đay do viêm gan B, nóng gan và gan yếu:

  • Da nổi các sẩn cục có kích thước nhỏ, hình tròn, nổi cộm và ranh giới rõ ràng với những vùng da xung quanh
  • Một số trường hợp không nổi sẩn cục mà xuất hiện phát ban rộng ở vùng ngực, lưng
  • Tổn thương da bùng phát đột ngột hoặc âm ỉ tùy theo cơ địa, đi kèm với cảm giác ngứa nhẹ, nóng rát thoáng qua và châm chích như kiến bò
  • Mức độ ngứa ngáy có thể tăng lên nếu có ma sát, cơ thể đổ nhiều mồ hôi, thời tiết thay đổi đột ngột, sử dụng rượu bia và các loại thực phẩm có tính hàn
  • Mề đay mẩn ngứa do gan thường xảy ra trên phạm vi rộng và lan tỏa dần theo thời gian. Ít khi khu trú ở phạm vi nhỏ như mề đay tiếp xúc
  • Theo thời gian, các sẩn cục do mề đay có thể liên kết tạo thành mảng lớn, nổi cộm và gây ngứa nhiều
  • Các triệu chứng do mề đay gây ra có thể bùng phát và kéo dài trong vài ngày đến vài tuần rồi thuyên giảm. Tuy nhiên, mề đay do gan thường có đặc tính dễ tái phát – nhất là khi gan bị quá tải do ăn uống thiếu khoa học, hít phải khói thuốc lá, thời tiết nóng ẩm,…

Ngoài mề đay mẩn ngứa, chứng nóng gan, gan yếu và viêm gan B còn biểu hiện qua một số triệu chứng ở đường tiêu hóa và triệu chứng toàn thân. Để phân biệt mề đay do những nguyên nhân thông thường, bạn có thể xem xét thêm một số triệu chứng đi kèm như:

  • Cơ thể mệt mỏi mặc dù ngủ nghỉ điều độ
  • Đau tức hạ sườn phải
  • Bụng đầy, ăn uống kém, khó tiêu
  • Da vàng, mắt vàng, nước tiểu có màu vàng đậm và phân nhạt màu hơn bình thường
  • Da dễ xuất hiện các vết bầm tím
  • Răng lợi nhạy cảm, dễ chảy máu
  • Luôn có cảm giác nóng bức, bứt rứt

Ngoài ra tùy theo nguyên nhân cụ thể, bạn cũng có thể gặp phải một số triệu chứng khác. Nếu không xử lý sớm, các triệu chứng này cùng với mề đay mẩn ngứa có xu hướng nghiêm trọng dần theo thời gian.

Nóng gan gây nổi mề đay có nguy hiểm không?

Nóng gan gây nổi mề đay mẩn ngứa là tình trạng ít gặp hơn so với các tác nhân thông thường. Mề đay là phản ứng cấp hoặc mãn tính của da khi cơ thể bị kích thích bởi tác nhân nội sinh và ngoại sinh. Các tác nhân này có vai trò như “dị nguyên” kích thích phản ứng quá mức của hệ miễn dịch, hệ quả là tăng IgE (kháng nguyên) và làm giải phóng histamine cùng với các chất gây viêm, tiền viêm vào da.

Trên thực tế, đa phần các trường hợp nổi mề đay đều lành tính. Hầu như chỉ gây viêm da kèm theo nóng rát nhẹ và ngứa ngáy. Bệnh lý này không trực tiếp tác động đến sức khỏe. Tuy nhiên, cảm giác ngứa, nóng rát do mề đay gây ra có thể kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, giấc ngủ, hiệu suất lao động và học tập. Hơn nữa, tình trạng mẩn đỏ, phát ban còn tác động đến ngoại hình dần dần tạo tâm lý thiếu tự tin, e ngại trong các cuộc gặp gỡ.

Đa phần các trường hợp mề đay đều bùng phát cấp và thuyên giảm nhanh sau 24 giờ đồng hồ. Tuy nhiên khác với những nguyên nhân thông thường, mề đay do nóng gan, gan yếu có tính chất dai dẳng, tiến triển mãn tính và dễ tái phát. Do đó để hạn chế ảnh hưởng lên chất lượng cuộc sống, nên chủ động khắc phục và điều trị tình trạng này trong thời gian sớm nhất.

Mề đay không phải là tác nhân trực tiếp gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, các vấn đề về gan như nóng gan, viêm gan B, gan yếu,… đều có thể chuyển biến nặng dần theo thời gian nếu không có các biện pháp xử lý. Chức năng gan kém không chỉ khiến mề đay lan rộng, bùng phát ồ ạt và gây ngứa ngáy nhiều mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của các tạng quan trọng và sức khỏe tổng thể. Do đó nếu nghi ngờ mề đay bùng phát do gan, cần chủ động thăm khám và tiến hành các biện pháp điều trị kịp thời.

Cách xử lý mề đay do các vấn đề về gan

Mề đay do các vấn đề về gan có thể thuyên giảm hoàn toàn nếu chức năng gan được cải thiện. Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể (nóng gan, viêm gan B,…), bạn có thể áp dụng một số phương pháp điều trị sau:

1. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt

Thực tế, hơn 80% trường hợp nổi mụn trứng cá, mề đay và mẩn ngứa do gan đều xảy ra do chứng nóng gan (rối loạn chức năng gan tạm thời). Tình trạng này thường là hệ quả do thói quen thức khuya, uống quá nhiều rượu bia, ăn uống không điều độ,… xảy ra cùng lúc trong một thời gian ngắn. Các thói quen này khiến chức năng gan suy giảm đột ngột, độc tố tích lũy trong cơ thể và kích thích mề đay bùng phát.

Tùy nhiên, nổi mề đay do nóng gan là tình trạng có thể cải thiện bằng cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng. Nếu xảy ra do các bệnh lý về gan khác như gan nhiễm mỡ, viêm gan B và C, việc điều chỉnh lối sống cũng có thể kiểm soát phần nào mề đay mẩn ngứa và các triệu chứng đi kèm.

viêm gan b nổi mề đay
Để cải thiện mề đay do các vấn đề về gan, nên kiêng cử đồ uống chứa cồn và ăn uống điều độ

Cách điều chỉnh chế độ ăn giúp kiểm soát mề đay do nóng gan:

  • Hạn chế các loại thực phẩm gây dị ứng và có nguy cơ dị ứng cao như đậu phộng, hải sản, mè (vừng) và trứng. Sử dụng các loại thực phẩm này có thể làm tăng mức độ dị ứng khiến mề đay lan rộng, nổi ồ ạt và gây ngứa ngáy dữ dội.
  • Tránh sử dụng thực phẩm chứa quá nhiều đạm và nhiều chất béo bão hòa. Các loại thực phẩm này khó tiêu hóa và buộc gan phải hoạt động liên tục để chuyển hóa chất dinh dưỡng.
  • Đường, muối, gia vị cay nóng,… đều gây áp lực lên cơ quan tiêu hóa nói chung và gan nói riêng. Do đó, nên tập thói quen ăn nhạt, tránh nêm nếm quá nhiều gia vị khi chế biến. Ngoài ra, nên hạn chế sử dụng thực phẩm đông lạnh và chế biến sẵn.
  • Uống nhiều nước và tăng cường chất xơ trong mỗi bữa ăn là cách đơn giản giúp cải thiện chức năng gan, hỗ trợ thanh thải độc tố và giảm nhẹ tình trạng nổi mề đay mẩn ngứa.
  • Người bị nóng gan, gan yếu nên ưu tiên dùng các món ăn ở dạng luộc, hấp, ít gia vị và dầu mỡ. Tránh các món chiên xào, nướng và hạn chế ăn quá mặn, quá cay.
  • Ngoài ra, nên chú ý ăn đủ 3 bữa/ ngày, tránh nhịn ăn hoặc ăn uống quá mức. Việc ăn đúng giờ và điều độ giúp ổn định chức năng gan và các cơ quan tiêu hóa khác. Điều này giúp cho độc tố được thanh thải và bài tiết hoàn toàn ra ngoài cơ thể.
  • Tuyệt đối không dùng rượu bia và đồ uống chứa cồn. Ethanol trong các loại thức uống này thường tồn tại ở dạng độc tố acetaldehyde trong cơ thể nếu gan không chuyển hóa hoàn toàn. Acetaldehyde gây tác động tiêu cực đến tất cả các tạng trong cơ thể và có khả năng kích thích mề đay lan rộng, nổi ồ ạt, ngứa ngáy dữ dội.
  • Có thể sử dụng các loại trà thảo dược có đặc tính thanh nhiệt, giải độc gan như trà atiso, trà nhân trần, trà diếp cá, trà hoa cúc la mã,… để cải thiện chức năng gan và giảm nhẹ các triệu chứng của mề đay mẩn ngứa.

Ngoài ra, bạn cũng nên thay đổi một số thói quen sinh hoạt tác động xấu đến chức năng gan và sức khỏe tổng thể như:

  • Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến chức năng phổi mà còn làm tăng độc tố tích tụ trong cơ thể và gây áp lực lên gan. Do đó nếu bị nổi mề đay do nóng gan hay bất cứ nguyên nhân nào khác, việc cai thuốc lá là biện pháp quan trọng giúp kiểm soát tổn thương da, ngứa ngáy và các triệu chứng đi kèm.
  • Tránh thức khuya, đảm bảo ngủ trước 11:00 tối và giấc ngủ nên kéo dài 7 giờ/ ngày. Ngủ đủ giấc giúp gan có thời gian thải độc, tái tạo và phục hồi các tế bào hư tổn.
  • Hạn chế căng thẳng, làm việc quá mức.
  • Dành 30 – 60 phút mỗi ngày để tập thể dục thể thao. Hoạt động thể chất giúp tiêu hao lượng chất béo dư thừa tích trữ ở gan, đồng thời thanh thải độc tố và cải thiện hệ miễn dịch rõ rệt. Tuy nhiên nếu bị mề đay Cholinergic, bạn nên tập yoga và bơi lội thay vì các bộ môn có cường độ mạnh như gym, chạy bộ,…
  • Hạn chế tiếp xúc với hóa chất và các chất gây dị ứng.
  • Nếu nơi sinh sống có chất lượng không khí kém, nên trồng thêm cây xanh để lọc bụi bẩn, giảm chất dị ứng và kích ứng.

Tổ chức lại lối sống là biện pháp hiệu quả giúp điều trị và hỗ trợ giảm nhẹ mề đay do các vấn đề về gan. Ngoài ra, người bị nổi mề đay do những nguyên nhân khác cũng có thể áp dụng biện pháp này để kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển dai dẳng.

2. Sử dụng thuốc điều trị mề đay khi cần thiết

Mề đay do nóng gan, viêm gan B,… thường kéo dài trong vài ngày đến vài tháng và rất dễ tái phát. Do đó trong trường hợp mề đay gây ngứa ngáy và khó chịu, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc điều trị như:

bị gan có nổi mề đay không
Trong trường hợp mề đay gây ngứa nhiều, có thể dùng thuốc để cải thiện
  • Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 là nhóm thuốc chống dị ứng được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Thuốc có tác dụng ức chế histamine ở thụ thể H1, từ đó làm giảm các triệu chứng do chất trung gian này gây ra như ngứa da, nổi mẩn đỏ, phát ban,… Tuy nhiên, nên thông báo với dược sĩ các vấn đề về gan để được chỉ định loại thuốc phù hợp và an toàn.
  • Kem bôi chứa menthol: Ngoài thuốc uống, bạn cũng có thể dùng kem bôi chứa menthol và các loại kem bôi có tác dụng làm dịu da để giảm ngứa, tiêu sẩn đỏ do mề đay gây ra. Tuy nhiên, các loại thuốc này thường chỉ mang lại hiệu quả tạm thời. Do đó, có thể áp dụng với các mẹo trị mề đay tại nhà để giảm nhanh triệu chứng khó chịu.

Nổi mề đay do nóng gan có thể tái phát gây ngứa ngáy dai dẳng, khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình và chất lượng cuộc sống. Trong trường hợp này, mề đay là hệ quả do các vấn đề về gan gây ra. Nếu không kiểm soát các bệnh lý tiềm ẩn, mề đay có thể tái phát thường xuyên và chuyển biến mãn tính.

3. Điều trị dứt điểm các bệnh về gan

Mề đay do các tác nhân thông thường có thể thuyên giảm nhanh sau khi dùng thuốc và cách ly, hạn chế tiếp xúc với dị nguyên. Tuy nhiên trong trường hợp xảy ra do gan, bạn cần phải điều trị các bệnh lý này dứt điểm nếu muốn kiểm soát mề đay mẩn ngứa hoàn toàn.

Điều trị y tế thường được chỉ định trong trường hợp mề đay do viêm gan B, C, gan nhiễm mỡ và các bệnh lý về gan khác. Thực tế, có một số bệnh lý về gan không thể điều trị hoàn toàn mà chỉ có thể kiểm soát thông qua sử dụng thuốc và tổ chức lại lối sống. Tuy nhiên, việc kiểm soát các bệnh lý này có thể hạn chế được nguy cơ mề đay bùng phát và giảm ảnh hưởng đối với chất lượng cuộc sống đáng kể.

gan yếu nổi mề đay
Để kiểm soát mề đay do gan triệt để, cần thăm khám và điều trị dứt điểm các bệnh về gan

Bên cạnh các phương pháp y tế, bạn nên xây dựng lối sống khoa học để cải thiện chức năng gan và giảm nhẹ phạm vi ảnh hưởng của mề đay mẩn ngứa. Ngoài ra, có thể tận dụng một số loại thảo dược tự nhiên để phục hồi tế bào gan, hỗ trợ thanh nhiệt và thải độc.

Phòng ngừa nổi mề đay do nóng gan, gan yếu

Gan là cơ quan giữ nhiều chức năng quan trọng. Chức năng gan suy yếu không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược, ảnh hưởng đến hoạt động của các tạng khác trong cơ thể mà còn gây bùng phát mề đay mẩn ngứa, phát ban và mụn nhọt.

Để phòng ngừa nổi mề đay do gan, bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản sau:

  • Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học là cách đơn giản để có một lá gan khỏe mạnh. Chức năng gan tốt giúp độc tố được thanh thải hoàn toàn, tránh tình trạng tích lũy trong cơ thể và gây mề đay mẩn ngứa.
  • Không lạm dụng thuốc điều trị – đặc biệt là các loại thuốc gây độc lên gan.
  • Chú ý tránh tiếp xúc với hóa chất, vệ sinh không gian sống thường xuyên và giữ nhà cửa thông thoáng, mát mẻ để hạn chế chứng nóng gan khi thời tiết nóng bức.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý về gan. Bởi hầu hết các vấn đề ở cơ quan này đều không có triệu chứng hoặc chỉ phát sinh triệu chứng mờ nhạt ở giai đoạn đầu. Chủ động thăm khám giúp phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn, qua đó hạn chế phần nào ảnh hưởng đối với sức khỏe và giảm thiểu nguy cơ mề đay bùng phát.

Nổi mề đay có thể xảy ra do các vấn đề về gan như nóng gan, gan yếu, viêm gan B,… Hy vọng qua nội dung trong bài viết, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về tình trạng này. Qua đó chủ động trong việc phòng ngừa và xử lý mề đay mẩn ngứa một cách hiệu quả nhất.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *