Nổi mề đay sau khi uống rượu bia có thể xảy ra do dị ứng đồ uống chứa cồn, chức năng gan suy giảm hoặc do hội chứng không dung nạp rượu bia. Tình trạng này thường gây phát ban da, nổi các sẩn, mảng kèm ngứa ngáy, châm chích và nóng rát nhẹ. Ở một số trường hợp, mề đay còn đi kèm với phản ứng phù mạch và các biểu hiện sốc phản vệ.
Nguyên nhân gây nổi mề đay sau khi uống rượu bia
Nổi mề đay là tình trạng da liễu khá phổ biến, đặc trưng bởi hiện tượng viêm mao mạch ở lớp trung bì dẫn đến sự xuất hiện của các mảng, sẩn cục và ban đỏ trên da. Tổn thương da đi kèm với cảm giác nóng rát thoáng qua, ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội. Các triệu chứng của mề đay thường bùng phát chỉ sau vài phút tiếp xúc với tác nhân kích thích. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp đều có thể biến mất hoàn toàn sau 24 giờ mà không để lại dấu vết.
Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố gây nổi mề đay, bao gồm cả tác nhân nội sinh và ngoại sinh. Trong đó, uống rượu bia là nguyên nhân phổ biến gây mề đay ở người trưởng thành – đặc biệt là nam giới. Bên cạnh tổn thương da và cảm giác ngứa ngáy, mề đay do rượu bia còn đi kèm với một số triệu chứng tiêu hóa hoặc thậm chí là phản ứng phù mạch.
Theo các chuyên gia, nổi mề đay sau khi uống rượu bia có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:
1. Chức năng gan suy giảm
Rượu được hấp thu qua dạ dày và ruột non nhưng được chuyển hóa chủ yếu tại gan (khoảng 90%). Sau khi dung nạp, ethanol (cồn) trong rượu sẽ xúc tác với enzyme ADH trong cơ quan tiêu hóa và biến đổi thành acetaldehyde. Acetaldehyde là thành phần gây độc lên tất cả các cơ quan trong cơ thể. Chính vì vậy, nhiệm vụ của gan là chuyển hóa acetaldehyde thành acetate nhờ vào glutathione và enzyme ALDH. Cuối cùng, acetate được phân hủy thành CO2 và năng lượng.
Có thể thấy, gan là cơ quan chính chuyển hóa cồn có trong rượu bia. Do đó khi chức năng gan suy giảm, cồn không được chuyển hóa hoàn toàn mà tích tụ trong cơ thể ở dạng acetaldehyde. Như đã đề cập, thành phần này gây độc lên toàn bộ các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy ở một số người, hệ miễn dịch bị kích thích bởi nồng độ acetaldehyde vượt mức, dẫn đến hiện tượng phóng thích histamine vào da và gây nổi mề đay.
- Xem Thêm: Nổi Mề Đay Có Được Nằm Quạt Không? Những Điều Bạn Cần Lưu Ý Để Cải Thiện Bệnh Nhanh Chóng
2. Uống quá nhiều rượu bia trong thời gian ngắn
Rượu bia được hấp thu ở dạ dày, ruột non và được chuyển hóa bằng các enzyme do gan bài tiết. Tuy nhiên, gan có chỉ có thể sản xuất một lượng enzyme nhất định trong mỗi giờ. Do đó nếu uống quá nhiều rượu bia trong thời gian ngắn, lượng acetaldehyde có thể không được chuyển hóa hoàn toàn và tích tụ bên trong cơ thể.
Nồng độ acetaldehyde tăng cao gây ra các triệu chứng say rượu như choáng váng, đi đứng không vững, đau đầu, mệt mỏi,… Bên cạnh đó, acetaldehyde còn kích thích phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch và kết quả là làm bùng phát mề đay mẩn ngứa.
3. Do cơ thể không dung nạp được rượu bia
Không dung nạp được rượu bia là một trong những nguyên nhân gây nổi mề đay mẫn ngứa. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do gan không có thể bài tiết các enzyme để chuyển hóa độc tố có trong bia rượu, dẫn đến tình trạng đỏ da toàn thân và nổi mề đay. Các triệu chứng này thường bùng phát ngay tức thì sau khi uống rượu khoảng một vài phút.
Không dung nạp rượu bia khác với hiện tượng dị ứng và thường có tính chất di truyền. Tình trạng này thường gặp nhiều hơn ở người gốc Á, đặc biệt là người Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam.
- Xem Thêm: Bật Mí 20 Cách Trị Mề Đay Mẩn Ngứa Tại Nhà Hiệu Quả Nhanh Chóng, Không Cần Dùng Thuốc [Click Ngay]
4. Dị ứng với cồn và thành phần trong rượu bia
Rượu bia là đồ uống chứa cồn được chế biến bằng cách lên men lúa mạch và hoa bia. Ngoài ra, đồ uống này còn chứa một số thành phần khác như nho, men, gạo, lúa mì, hương liệu, chất bảo quản, chất tạo màu,… Nếu bị dị ứng với một trong những thành phần có trong bia rượu, mề đay có xu hướng nổi ồ ạt và lan tỏa nhanh chóng chỉ trong khoảng vài phút sau khi dung nạp.
Dị ứng rượu bia là tình trạng hệ miễn dịch nhạy cảm với cồn hoặc các thành phần kích thích khác. Sau đó, cơ quan miễn dịch hoạt hóa tế bào mast, phóng thích histamine (chất trung gian gây dị ứng) vào da và kết quả là gây nổi mề, mẩn ngứa. Thống kê cho thấy, khoảng 2 – 3% dân số thế giới bị dị ứng rượu bia, trong đó chủ yếu là dị ứng với cồn, lúa mì và mạch nha.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, nguy cơ bị nổi mề đay sau khi uống rượu bia còn có thể tăng lên nếu có những điều kiện thuận lợi như cơ địa nhạy cảm, tiền sử nổi mề đay, có các bệnh lý về gan hoặc các vấn đề sức khỏe có cơ chế dị ứng (viêm da cơ địa, hen suyễn, viêm kết mạc dị ứng, viêm mũi dị ứng…).
Nhận biết nổi mề đay mẩn ngứa khi uống rượu bia
Nổi mề đay mẩn ngứa sau khi uống rượu bia là tình trạng khá phổ biến. Khác với mề đay thông thường, tình trạng này không chỉ gây sẩn cục, ngứa ngáy da mà còn đi kèm với một số triệu chứng ở cơ quan tiêu hóa và hô hấp.
Các dấu hiệu nhận biết nổi mề đay mẩn ngứa sau khi uống rượu bia:
- Da đỏ rực toàn thân hoặc xuất hiện các mảng, sẩn cục cứng chắc, màu đỏ, bờ tròn và nổi cộm với vùng da xung quanh
- Da nóng rát, châm chích nhẹ kèm theo ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội
- Có thể gây sưng môi, mí mắt và phù mặt
- Buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa và mệt mỏi
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi
Đối với những trường hợp dị ứng nặng, bệnh nhân có thể gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng như:
- Tụt huyết áp
- Khó thở
- Nôn mửa liên tục
- Choáng
- Mất ý thức
- Ngất xỉu
Khi nhận thấy các triệu chứng nghiêm trọng, nên tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức. Khác với dị ứng thông thường, phản ứng dị ứng nặng có thể chuyển thành sốc phản vệ và đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
- Xem Thêm: Mề Đay Mãn Tính Vô Căn: Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Cách Điều Trị Dứt Điểm Tận Gốc
Nổi mề đay khi uống rượu có nguy hiểm không?
Nổi mề đay là phản ứng cấp và mãn tính của da khi cơ thể bị dị ứng với các tác nhân nội sinh và ngoại sinh. Các tác nhân này có vai trò kích hoạt phản ứng dị ứng, từ đó kích thích hệ miễn dịch tăng kháng nguyên, hoạt hóa tế bào mast và giải phóng histamine ra khỏi phức hợp với protein. Sau đó, histamine được phóng thích vào da, niêm mạc và gây ra mề đay mẩn ngứa cùng một số triệu chứng đi kèm.
Trên thực tế, mề đay mẩn ngứa thường bùng phát đột ngột, rầm rộ nhưng thuyên giảm nhanh sau 24 giờ và hầu như không để lại vết tích. Tuy nhiên, nổi mề đay sau khi uống rượu bia thường có mức độ nghiêm trọng hơn – nhất là khi dung nạp một lượng lớn rượu bia trong thời gian ngắn.
Đã có không ít trường hợp sốc phản vệ do uống rượu bia. Sốc phản vệ qlà tai biến dị ứng có mức độ nghiêm trọng, triệu chứng bùng phát mạnh, tiến triển nhanh và có thể gây tử vong nếu không xử lý kịp thời. Đây thực chất là phản ứng thái uá của hệ miễn dịch dẫn đến hiện tượng viêm da và niêm mạc của các cơ quan trong cơ thể.
Ngoài ra, nổi mề đay khi uống rượu bia còn là dấu hiệu cho thấy các vấn đề sức khỏe như chức năng gan suy giảm, dị ứng rượu bia và không dung nạp rượu bia. Nếu không xử lý và tiếp tục dung nạp đồ uống chứa cồn, sức khỏe tổng thể nói chung và chức năng gan nói riêng sẽ bị suy giảm dần theo thời gian. Vì vậy, bệnh nhân không nên chủ quan khi bị nổi mề đay mẩn ngứa khi uống bia, rượu và các đồ uống chứa cồn khác.
- Xem Thêm: “Học Lỏm” 5 Bài Thuốc Xông Hơi Chữa Mề Đay Theo Dân Gian Cực Đơn Giản Mà Hiệu Quả Bất Ngờ
Cách khắc phục tình trạng nổi mề đay khi uống rượu bia
Nổi mề đay sau khi uống rượu bia có biểu hiện khá đa dạng, mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng tùy theo cơ địa và lượng rượu bia dung nạp.
Ở những trường hợp nhẹ, mề đay và các triệu chứng đi kèm có thể thuyên giảm hoàn toàn sau vài phút đến vài tiếng mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu nhận thấy mề đay kéo dài hoặc đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng, bệnh nhân có thể áp dụng một số phương pháp điều trị sau:
1. Ngưng sử dụng rượu bia và đồ uống chứa cồn
Ngay khi da nổi phát ban, sẩn cục kèm nóng rát và ngứa ngáy, cần ngưng sử dụng rượu bia ngay lập tức. Bởi các triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng và lan rộng hơn nếu tiếp tục dung nạp cồn. Ở người bị dị ứng, tiếp tục sử dụng rượu bia có thể tăng phản ứng thái quá của hệ miễn dịch và dẫn đến sốc phản vệ.
Rượu bia là loại thức uống có hương vị đặc trưng và được ưa chuộng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, thức uống này gây ra nhiều tác hại đối với sức khỏe. Do đó, nên kiêng cử sử dụng rượu bia để tránh gây tổn hại chức năng của các cơ quan tiêu hóa – ngay cả khi không bị nổi mề đay.
Theo các chuyên gia, người bị dị ứng rượu bia và người không dung nạp được rượu bia BẮT BUỘC phải ngưng sử dụng các loại đồ uống chứa cồn. Bởi phản ứng dị ứng và phản ứng bất dung nạp ở những lần kế tiếp có thể nghiêm trọng hơn so với lần đầu tiên.
Ngoài ra, người có chức năng gan suy giảm cũng không nên dùng rượu bia. Acetaldehyde được chuyển hóa từ cồn có thể phá hủy tế bào gan, tăng hình thành sẹo ở gan và dẫn đến gan nhiễm mỡ, xơ gan và hàng loạt các vấn đề sức khỏe khác. Mặc dù không gây ra phản ứng tức thì như dị ứng hay hội chứng không dung nạp nhưng sử dụng rượu bia thường xuyên có thể khiến chức năng gan suy giảm dần theo thời gian và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tổng thể.
- Xem Thêm: Ngứa Nổi Mề Đay Vào Ban Đêm Là Do Đâu? Có Nguy Hiểm Không? Cách Điều Trị Dứt Điểm Tận Gốc [Tham Khảo Từ Chuyên Gia Mới Nhất 2023]
2. Các mẹo khắc phục tại nhà
Trong trường hợp mề đay kéo dài và gây ngứa ngáy, châm chích, nóng rát, bệnh nhân có thể áp dụng một số cách chữa mề đay tại nhà như:
- Uống nhiều nước: Uống nhiều nước là cách đơn giản nhất để hỗ trợ loại bỏ cồn và độc tố có trong bia rượu. Ngoài ra khi dùng các loại đồ uống chứa cồn, cơ thể dễ mất nước, miệng khô khát và mệt mỏi. Vì vậy, bù nước có thể giảm nhẹ các triệu chứng do say rượu, giảm mức độ ngứa ngáy của mề đay và giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục.
- Nước ép rau xanh, trái cây: Các loại nước ép từ rau xanh, trái cây như nước ép bưởi, nước dừa, nước gừng tươi, nước chanh,… có khả năng giải rượu tốt. Khoáng chất và vitamin trong các loại thức uống này giúp thanh thải bớt độc tố tích tụ trong gan, phục hồi cơ thể và giảm mệt mỏi đáng kể.
- Dùng các món ăn mềm: Tốc độ dung nạp cồn có thể tăng lên khi dạ dày rỗng. Đây chính là lý do vì sao uống rượu bia khi đói dễ say hơn so với bình thường. Vì vậy nếu uống quá nhiều rượu bia trong thời gian ngắn, bệnh nhân nên bổ sung các món ăn mềm, lỏng như cháo trắng, bún, súp,… để cung cấp năng lượng cho cơ thể và làm chậm tốc độ hấp thu cồn ở dạ dày, ruột non. Việc làm chậm tốc độ dung nạp ethanol giúp gan có thời gian sản sinh enzyme để chuyển hóa độc tố, tránh tình trạng tích lũy acetyldehyde trong cơ thể.
Sau khi áp dụng các mẹo trên, nên dành thời gian nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe và giảm mệt mỏi. Sau khoảng vài giờ đồng hồ, số lượng sẩn ngứa trên da sẽ giảm đi đáng kể. Tình trạng này thường sẽ thuyên giảm hoàn toàn sau 24 – 48 giờ đồng hồ.
3. Sử dụng thuốc khi cần thiết
Trong trường hợp mề đay đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng hoặc gây ngứa ngáy dữ dội, dai dẳng, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị. Tùy theo mức độ dị ứng, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc uống và thuốc bôi đặc trị mề đay mẩn ngứa sau:
- Adrenalin: Adrenalin (Ephinephrine) là thuốc dạng tiêm được sử dụng nếu mề đay đi kèm với phản ứng phù mạch nghiêm trọng hoặc các biểu hiện sốc phản vệ. Thuốc có tác dụng duy trì chức năng hô hấp, tim mạch và giảm thiểu nguy cơ tử vong do tai biến dị ứng.
- Thuốc kháng histamine H1: Thuốc kháng histamine H1 được sử dụng để giảm ngứa ngáy và cải thiện tình trạng phát ban, nổi sẩn trên da. Nhóm thuốc này hoạt động dựa trên cơ chế ức chế histamine ở thụ thể H1. Với những trường hợp nhẹ, tình trạng nổi mề đay thường thuyên giảm nhanh sau khi dùng các loại thuốc kháng histamine.
- Corticoid: Corticoid đường uống có thể được sử dụng nếu mề đay bùng phát mạnh gây đỏ da toàn thân đi kèm với hiện tượng phù mạch. Tuy nhiên, do nguy cơ cao nên thuốc chỉ được dùng ngắn hạn với liều thấp. Thực tế, sử dụng corticoid đường uống không mang lại cải thiện lâm sàng rõ rệt ở bệnh nhân nổi mề đay. Do đó, thuốc chỉ được sử dụng để ngăn chặn phản ứng thái quá của hệ miễn dịch, từ đó hạn chế tai biến dị ứng (sốc phản vệ).
- Oresol: Sau khi dùng rượu bia, cơ thể dễ mất nước, mệt mỏi và suy nhược. Do đó, bệnh nhân có thể bổ sung Oresol để bù nước và cân bằng điện giải. Loại thuốc này còn giúp đào thải độc tố từ rượu và phục hồi thể trạng nhanh chóng.
Qua bài viết trên, chúng tôi đã giải thích cặn kẽ về nguyên nhân gây nổi mề đay sau khi uống rượu bia cùng một số lời khuyên để điều trị tình trạng này. Hy vọng thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc sớm khắc phục được hiệu quả nổi mề đay.
- Tham khảo thêm: Hướng Dẫn Cách Dùng Vảy Trút Chữa Mề Đay Giảm Ngứa Nhanh, Lành Tính [Mẹo Hay]