Sốt Xuất Huyết Bị Rong Kinh Và Các Cách Chữa Trị Tốt Nhất
Sốt xuất huyết bị rong kinh có thể dẫn đến chảy máu ồ ạt, hạ huyết áp, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Trang bị kiến thức về vấn đề này sẽ giúp chị em nhận biết sớm dấu hiệu bất thường và có phương án xử trí kịp thời.
Hiện tượng rong kinh do sốt xuất huyết
Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt nói chung và rong kinh nói riêng, nhưng thường gặp nhất là do mất cân bằng hormone, u nang buồng trứng, u xơ tử cung… Trong một số ít trường hợp, hiện tượng này có thể bắt nguồn từ bệnh sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra với trung gian truyền bệnh là muỗi vằn – Aedes aegypti. Cho đến nay, bệnh lý này chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc đặc trị. Vào mùa mưa, thời tiết ẩm, muỗi sinh sôi mạnh và gia tăng số ca mắc bệnh.
Virus xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra các triệu chứng như đau cơ xương, sốt cao, đau đầu, suy nhược, mệt mỏi, đau mắt… Những trường hợp nặng còn có biểu hiện xuất huyết bất thường như chảy máu chân răng, chảy máu mũi và rong kinh (gặp ở nữ giới).
Nếu hành kinh xảy ra đúng thời điểm bị sốt xuất huyết, nguy cơ rong kinh là rất cao. Đây là giai đoạn tử cung đang loại bỏ niêm mạc thông qua âm đạo nên rất nhạy cảm. Sốt xuất huyết khởi phát đúng thời điểm này sẽ khiến cho âm đạo xuất huyết không ngừng.
Tìm hiểu định nghĩa: Rong Kinh Là Gì? Nguyên Nhân, Biểu Hiện, Chẩn Đoán Và Cách Điều Trị
Vì sao sốt xuất huyết gây rong kinh?
Rong kinh thường có liên hệ mật thiết với mất cân bằng hormone. Khi hormone estrogen và progesterone bị xáo trộn, quá trình đào thải nội mạc tử cung sẽ gặp trục trặc dẫn đến hành kinh kéo dài.
Sốt xuất huyết dù không ảnh hưởng đến nội tiết của nữ giới nhưng cũng có thể là nguyên nhân gây rong kinh. Lý do là virus Dengue tấn công vào các cơ quan bên trong cơ thể. Loại virus này sẽ tấn công vào máu dẫn đến hiện tượng giảm tiểu cầu, tăng tính thấm của thành mạch và gây tổn thương mạch máu. Đây là lý do khi mắc bệnh, da thường xuất hiện các đốm xuất huyết.
Tiểu cầu là tế bào máu có chức năng làm đông máu. Khi tiểu cầu giảm, tình trạng xuất huyết tử cung, âm đạo sẽ xảy ra liên tục trong thời gian dài thay vì 3 – 5 ngày như bình thường. Ở những trường hợp nặng, tử cung có thể bị chảy máu ồ ạt dẫn đến hạ huyết áp, ngất xỉu.
Không chỉ phá hủy các tế bào máu, virus Dengue còn gây tổn thương gan – cơ quan sản xuất các yếu tố đông máu. Vì vậy, người bị sốt xuất huyết khó tránh khỏi hiện tượng xuất huyết, nhẹ thì chảy máu chân răng, chảy máu cam, nặng có thể gây chảy máu âm đạo, đường ruột, xuất huyết tiết niệu, xuất huyết não… không cầm được.
Ngoài nguyên nhân khách quan, tình trạng rong kinh khi bị sốt xuất huyết còn bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ quan như:
- Tiền sử bị rối loạn đông máu
- Sử dụng thuốc chống đông máu, thuốc chống viêm không steroid (NSAID)… trong thời gian gần đây
- Thiếu vitamin K
- Tiểu đường
- Tiền sử rong kinh từ trước
Tìm hiểu thêm: Rong Kinh Ra Máu Đen Do Đâu? Nguyên Nhân Và Cách Điều Trị
Sốt xuất huyết bị rong kinh có nguy hiểm không?
Rong kinh là hiện tượng khá phổ biến – đặc biệt là ở nữ giới trong độ tuổi sinh đẻ. Không giống với những nguyên nhân thông thường, rong kinh do sốt xuất huyết có thể đe dọa đến tính mạng. Nếu không kịp thời điều trị, tử cung có thể chảy máu ồ ạt dẫn đến hạ huyết áp, xuất huyết nội tạng…
Ngay khi nhận thấy hiện tượng rong kinh trong thời gian bị sốt xuất huyết, nên đến ngay bệnh viện gần nhất để được kiểm tra. Với những trường hợp có nguy cơ cao (bị tiểu đường, rối loạn đông máu, suy nhược…), bác sĩ thường yêu cầu nhập viện theo dõi để kịp thời xử trí khi có vấn đề bất thường phát sinh.
Cho đến nay, sốt xuất huyết vẫn là một trong những bệnh lý có nguy cơ tử vong cao. Hiện tượng xuất huyết âm đạo là dấu hiệu cho thấy, gan đang bị tổn thương, các yếu tố đông máu và tỷ lệ tiểu cầu đang giảm dần. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong sẽ tăng lên đáng kể.
Các phương pháp điều trị sốt xuất huyết bị rong kinh
Như đã đề cập, rong kinh do sốt xuất huyết có mức độ nghiêm trọng hơn so với những nguyên nhân thông thường. Chính vì vậy, cần đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời. Khi sức khỏe ổn định, có thể theo dõi và điều trị tại nhà cho đến khi triệu chứng dứt điểm.
1. Nhập viện
Chảy máu là biểu hiện đáng lo ngại của bệnh sốt xuất huyết. Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường như rong kinh, chảy máu mũi, chảy máu chân răng… nên nhập viện để được theo dõi và cầm máu kịp thời.
Sốt xuất huyết gây rong kinh sẽ được bù dịch bằng đường uống và đường truyền. Trường hợp chảy máu âm đạo nhiều được dùng thêm thuốc cầm máu để tránh nguy cơ hạ áp, tử vong.
Vì sốt xuất huyết là bệnh chưa có thuốc đặc hiệu nên chỉ định điều trị sẽ dựa trên triệu chứng. Đa phần các trường hợp đều được chỉ định dùng thuốc giảm đau, hạ sốt để tránh thân nhiệt tăng cao gây co giật.
Paracetamol là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất vì khá an toàn, hiệu quả tốt. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) ít được chỉ định trong trường hợp này do nguy cơ xuất huyết tiêu hóa.
Chuyên gia tư vấn: Bị Rong Kinh Khám Ở Đâu? XEM NGAY 8 Địa Chỉ Tốt Nhất Hiện Nay
2. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Ngoài sử dụng thuốc, nâng đỡ thể trạng cũng là nguyên tắc quan trọng khi điều trị sốt xuất huyết. Trong thời gian điều trị, nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để cung cấp cho cơ thể năng lượng, dưỡng chất cần thiết. Thể trạng tốt cũng giúp cầm máu nhanh, cải thiện tình trạng mất nước, suy nhược…
Chế độ dinh dưỡng trong thời gian điều trị rong kinh do sốt xuất huyết:
- Nên dùng các món ăn mềm, lỏng như cháo, súp, canh… để dễ tiêu hóa. Hạn chế sử dụng dầu mỡ, gia vị khi chế biến và tránh thực phẩm chứa nhiều axit nhằm hạn chế nguy cơ xuất huyết ống tiêu hóa.
- Uống đủ 2 lít nước/ ngày. Nên uống nước khoáng, bổ sung thêm nước ép từ rau xanh, trái cây để cân bằng điện giải.
- Ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm chứa vitamin K (có tác dụng đông máu) như cần tây, măng tây, súp lơ, xà lách, cải xoăn, bắp cải… Ngoài ra, nên ăn nhiều thực phẩm chứa sắt để bồi hoàn thể tích máu, tránh mệt mỏi, suy nhược.
- Kiêng món ăn chứa nhiều đường, dầu mỡ, tinh bột đã qua tinh chế. Các món này đều gia tăng mức độ viêm và ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.
- Không uống rượu bia, cà phê, trà đặc.
3. Vệ sinh vùng kín thường xuyên
Âm đạo xuất huyết thường xuyên sẽ khiến cho vùng kín bị ẩm ướt, ngứa ngáy. Để tránh tình trạng rong kinh có mùi hôi, chị em cần vệ sinh vùng kín ít nhất 1 lần/ ngày và thay băng 4 giờ/ lần.
Nên sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ để làm sạch “cô bé” nhẹ nhàng, tránh thụt rửa vào bên trong ảnh hưởng đến độ pH cũng như môi trường sinh lý của âm đạo. Đồng thời nên mặc quần lót có chất liệu cotton thoáng, hạn chế mặc quần áo ôm sát gây ngứa ngáy, ẩm ướt “vùng tam giác”.
Sốt xuất huyết bị rong kinh là dấu hiệu cần được chú ý và theo dõi. Để tránh chảy máu nhiều nguy kịch đến tính mạng, nên đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất. Nếu được phát hiện kịp thời, tình trạng này sẽ được kiểm soát nhanh chóng và hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm.
Bài viết dành cho bạn
- Rong Kinh Sau Sinh Là Gì? Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách Phòng Ngừa
- Nguyên Nhân Bị Rong Kinh Cả Tháng Và Giải Pháp Điều Trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!