Rong kinh sau sinh thường hoặc mổ thường xảy ra trong vòng 2 – 3 tháng đầu. Nguyên nhân chủ yếu là do rối loạn hệ trục vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng gây mất cân bằng hormone. Nhìn chung nếu được chăm sóc đúng cách, tình trạng này sẽ nhanh chóng thuyên giảm mà không cần phải điều trị y tế.
Rong kinh sau sinh là gì?
Mang thai – sinh nở là thời kỳ nhạy cảm đối với sức khỏe sinh lý và sinh sản của nữ giới. Sự thay đổi đột ngột cả về tâm lý, sinh lý trong giai đoạn này có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Không ít mẹ bỉm gặp phải tình trạng rong kinh sau khi sinh mổ và sinh thường.
Rong kinh là tình trạng thời gian hành kinh kéo dài bất thường (trên 7 ngày). Ở phụ nữ sau sinh, tình trạng này rất phổ biến và sẽ mất khoảng 5 – 6 tháng để chu kỳ kinh nguyệt ổn định trở lại.
Phần lớn các trường hợp rong kinh sau sinh đều liên quan đến những nguyên nhân sinh lý nên không quá nguy hiểm đến sức khỏe. Dù vậy, các mẹ bỉm cũng cần phải chú ý đến vấn đề này để tránh bị thiếu máu, suy nhược… do chu kỳ hành kinh kéo dài.
Tương tự như các trường hợp rong kinh khác, mẹ bỉm cần phải xác định đúng nguyên nhân để có phương pháp điều trị và cải thiện hợp lý. Việc điều chỉnh kịp thời sẽ giúp điều hòa kinh nguyệt và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của đối với sức khỏe tổng thể.
Xem thêm: Rong Kinh Tiền Mãn Kinh: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Điều Trị
Vì sao phụ nữ sau sinh thường hay sinh mổ dễ bị rong kinh?
Rong kinh, rong huyết có thể gặp ở cả phụ nữ sinh thường và sinh mổ. Trong thời gian mang thai, buồng trứng sẽ ngưng rụng trứng nên không có hiện tượng hành kinh. Sau khi sinh, buồng trứng và niêm mạc tử cung sẽ hoạt động trở lại nên cần một thời gian để điều chỉnh.
Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng rong kinh sau sinh:
1. Rối loạn hormone
Phần lớn các vấn đề thường gặp ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh đều liên quan đến rối loạn hormone. Trong 9 tháng mang thai, hormone progesterone gia tăng nhằm làm dày niêm mạc, đảm bảo sự ổn định của thai nhi. Sau khi sinh, hormone giảm xuống đột ngột sẽ gây ra hiện tượng rong huyết dai dẳng.
Chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới bị chi phối bởi hormone estrogen và progesterone. Chính vì vậy, việc mất cân bằng nội tiết tố sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lượng máu cũng như thời gian hành kinh. Hệ nội tiết trục não bộ – tuyến yên – buồng trứng sẽ mất một thời gian mới có thể ổn định. Do đó, phụ nữ sau khi sinh sẽ khó tránh khỏi hiện tượng rong kinh và rối loạn kinh nguyệt.
2. Do hoạt động của buồng trứng
Ngay sau khi sinh, buồng trứng sẽ hoạt động trở lại sau một thời gian dài. Do bị ức chế trong một thời gian dài nên buồng trứng có xu hướng hoạt động quá mức gây ra hiện tượng rong huyết, rong kinh. Vì vậy trong một tháng đầu, rất nhiều mẹ bỉm gặp phải tình trạng chảy máu kinh nguyệt dai dẳng.
Tình trạng này thường không đáng lo ngại nếu chỉ xảy ra trong vòng 1 – 2 tháng đầu. Tuy nhiên, nếu lượng máu quá nhiều gây hạ huyết áp, mệt mỏi hoặc rong kinh xảy ra trong thời gian quá dài, nên thăm khám để được điều trị. Tránh mất máu quá mức dẫn đến suy nhược, cơ thể xanh xao, mệt mỏi.
3. Ảnh hưởng của các bệnh phụ khoa
Trong nhiều trường hợp, rong kinh sau sinh mổ, sinh thường có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý phụ khoa như viêm cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, đa nang buồng trứng… Các bệnh lý này đều gây rối loạn hormone dẫn đến những vấn đề như bế kinh, thống kinh và rong kinh.
4. Tác dụng phụ của thuốc
Sau khi sinh nở, chu kỳ kinh nguyệt sẽ xuất hiện trở lại nên không ít mẹ bỉm đã sử dụng thuốc tránh thai để ngừa mang thai ngoài ý muốn. Tác dụng của thuốc có thể làm mất cân bằng hormone trong thời gian đầu và đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rong kinh.
Xem ngay: Uống Thuốc Tránh Thai Hàng Ngày Bị Rong Kinh Và Cách Trị Tốt Nhất
Nhận biết hiện tượng rong kinh sau sinh
Rong kinh đặc trưng bởi tình trạng lượng máu và thời gian hành kinh gia tăng đáng kể. Thông thường, kinh nguyệt sẽ kéo dài khoảng 3 – 5 ngày và tối đa là 7 ngày. Tuy nhiên, ở người bị rong kinh, máu kinh chảy ồ ạt, nhiều và kéo dài trên 1 tuần.
1. Biểu hiện của rong kinh sau sinh thường
Sau khi sinh thường, rong kinh sẽ kéo dài khoảng 1 – 2 tháng đầu. Lượng máu trong mỗi chu kỳ nhiều gấp 2 – 3 lần so với bình thường và kéo dài dai dẳng.
Nhận biết hiện tượng rong kinh ở phụ nữ sinh thường:
- Lượng máu trong mỗi chu kỳ nhiều hơn 80ml
- Máu kinh chảy ồ ạt, dai dẳng trên 1 tuần
- Kinh nguyệt thường vón cục và tụ lại thành mảng lớn
- Máu kinh có màu đỏ thẫm hoặc nâu đen
- Thường đi kèm với các triệu chứng như mệt mỏi, stress, đau bụng, đau lưng…
2. Dấu hiệu rong kinh sau sinh mổ
Nhìn chung, biểu hiện của rong kinh sau sinh mổ không quá khác biệt so với sau sinh thường. Tuy nhiên, rong huyết có thể đi kèm với viêm nhiễm vết mổ nên mẹ bỉm cần phải lưu ý.
Các dấu hiệu nhận biết rong kinh sau sinh mổ:
- Chảy máu nhiều hơn bình thường, rong kinh ra máu có màu đen/ nâu và vón cục
- Máu chảy nhiều khi thay đổi tư thế và vận động
- Liên tục phải thay băng vệ sinh do máu chảy ồ ạt, không ngừng
Trường hợp đi kèm với nhiễm trùng sẽ có các dấu hiệu như loạn nhịp tim, ớn lạnh, thị lực kém, chóng mặt, ngất xỉu, buồn nôn, hạ huyết áp, vã mồ hôi… Khi nhận thấy các biểu hiện này, nên thăm khám kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Sau sinh bị rong kinh có sao không?
Rong kinh là một trong những dạng rối loạn kinh nguyệt thường gặp. Tình trạng này vô cùng phổ biến ở phụ nữ sau sinh do nồng độ hormone chưa ổn định. Nhìn chung, rong kinh sau sinh thường không quá nghiêm trọng và có thể tự thuyên giảm sau khoảng 1 – 2 tháng. Dù vậy, mẹ bỉm cũng không nên chủ quan trước những dấu hiệu bất thường.
Rong kinh làm mất một lượng máu lớn dẫn đến hạ huyết áp, suy nhược, mệt mỏi… So với người khỏe mạnh, phụ nữ sau sinh có sức khỏe kém và chưa ổn định. Rong kinh xảy ra trong thời gian này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể.
Ngoài ra, tình trạng chảy máu kéo dài còn làm mất cân bằng môi trường ở âm đạo. Độ pH thay đổi tạo điều kiện cho nấm, vi khuẩn, tạp trùng phát triển gây viêm âm đạo, viêm cổ tử cung… Vì vậy, dù là tình trạng thường gặp nhưng mẹ bỉm cũng cần có biện pháp khắc phục và cải thiện chứng rong kinh trong thời gian sớm nhất.
Tìm hiểu định nghĩa: Bệnh Buồng Trứng Đa Nang: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Cách điều trị rong kinh ở phụ nữ sau sinh
Rong kinh sau sinh thường và sinh mổ sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể. Như đã đề cập, tình trạng này thường có liên quan đến mất cân bằng hormone nên sau khoảng 2 – 6 tháng, chu kỳ kinh nguyệt sẽ ổn định trở lại.
Để cải thiện rong kinh cũng như cân bằng nội tiết tố, mẹ bỉm nên thực hiện một số biện pháp chăm sóc. Trường hợp cần thiết, nên thăm khám để được chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
1. Vệ sinh vùng kín đúng cách
Trong thời gian hành kinh, vùng kín sẽ trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Máu kinh bài xuất liên tục sẽ khiến niêm mạc tử cung trở nên mỏng và dễ bị vi khuẩn, vi nấm tấn công. Để phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm phụ khoa trong thời gian này, nên vệ sinh vùng kín đúng cách.
Hướng dẫn vệ sinh vùng kín trong thời gian bị rong kinh:
- Rửa vùng kín bằng nước ấm, không thụt rửa sâu vào bên trong
- Trường hợp dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ, chỉ dùng tối đa 1 lần/ ngày. Không nên lạm dụng các sản phẩm này quá mức vì dễ gây khô, kích ứng “cô bé” và ảnh hưởng đến độ pH bên trong âm đạo.
- Nên thay băng vệ sinh và quần lót thường xuyên để tránh viêm nhiễm.
- Quần lót nên giặt với nước ấm và phơi dưới ánh nắng để khử khuẩn, chống nấm.
- Khi bị rong kinh, vùng kín luôn trong trạng thái ẩm ướt nên dễ tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn phát triển. Mẹ bỉm nên chọn trang phục rộng rãi để giúp vùng kín được khô thoáng, tránh nhiễm nấm.
2. Tổ chức lại lối sống
Nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu gây rong kinh sau sinh là do mất cân bằng hormone. Thông qua việc tổ chức lại lối sống, hoạt động của hệ trục vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng sẽ được tái thiết lập. Từ đó giúp cân bằng nồng độ hormone và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.
Lối sống khoa học giúp cải thiện tình trạng rong kinh sau sinh:
- Hạn chế căng thẳng, lo lắng quá mức. Nên giữ tinh thần thoải mái và vui vẻ để tránh rong kinh, bế kinh, thống kinh… Mặt khác, một tinh thần thoải mái cũng sẽ giúp cho cơ thể phục hồi nhanh chóng và phòng tránh các vấn đề tâm lý thường gặp sau sinh nở.
- Tận dụng thời gian rảnh rỗi để ngủ và nghỉ ngơi.
- Chia sẻ công việc nhà và chăm sóc em bé với những thành viên khác trong gia đình.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và cân bằng. Tập trung vào các nhóm thực phẩm lành mạnh như rau xanh, thịt, cá, các loại hạt và đậu.
- Kiêng cà phê, nước ngọt, rượu bia và thực phẩm chế biến sẵn.
- Sau khoảng 1.5 tháng, mẹ bỉm nên bắt đầu thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ… để phục hồi sức khỏe. Thói quen này sẽ giúp cho tử cung co bóp đều đặn, tống khứ sản dịch và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt hiệu quả.
Xem chi tiết: Bị Rong Kinh Nên Ăn Gì Và Kiêng Gì Là Tốt Nhất? Chuyên Gia Giả Đáp
3. Kiêng sinh hoạt vợ chồng
Sau khi sinh, tốt nhất nên kiêng sinh hoạt vợ chồng cho đến khi sức khỏe phục hồi hoàn toàn. Đặc biệt nếu bị rong kinh, việc kiêng cữ là cần thiết để tránh gây tổn thương niêm mạc tử cung.
Trong thời gian này, nên hạn chế quan hệ tình dục để tử cung và âm đạo được co hồi trở lại. Mặt khác, khi không sinh hoạt vợ chồng, nữ giới sẽ không phải sử dụng các biện pháp ngừa thai và điều này có thể giảm thiểu nguy cơ bị rong kinh sau sinh.
4. Tìm gặp bác sĩ
Đa phần các trường hợp bị rong kinh sau sinh đều tự thuyên giảm sau một thời gian. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp cần phải thăm khám và điều trị do máu chảy ồ ạt, dai dẳng.
Sau khi hỏi bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán như siêu âm, phết tế bào, soi ổ bụng, soi tử cung… để xác định nguyên nhân chính xác. Trường hợp rong kinh cơ năng thường không có chỉ định điều trị. Tình trạng này có thể cải thiện bằng cách ăn uống, sinh hoạt điều độ và dùng thêm các viên uống hỗ trợ điều hòa kinh nguyệt (nếu có).
Đối với rong kinh thực thể, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh lý và thể trạng để đưa ra phương án điều trị. Sau khi sinh nở, cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn nên nếu không cần thiết, bác sĩ sẽ trì hoãn phẫu thuật. Sau đó, có thể cân nhắc điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật cắt bỏ khối u trong trường hợp cần thiết.
Rong kinh sau sinh thường, sinh mổ là tình trạng rất phổ biến. Hy vọng qua bài viết, mẹ bỉm đã được trang bị những thông tin cần thiết để có kinh nghiệm chăm sóc, cải thiện tình trạng này khi gặp phải.
Tham khảo thêm:
- TOP 5 Bác Sĩ Chữa Rong Kinh Giỏi Và Tận Tâm Chị Em Nên Đến Khám
- Tham Khảo 8 Bài Thuốc Nam Trị Rong Kinh Hiệu Quả Và Lành Tính