Không ít chị em lo lắng, hoang mang khi bị rong kinh trong thời gian uống thuốc tránh thai hàng ngày. Hiện tượng này được lý giải là do cơ thể chưa thích nghi với tác dụng của thuốc. Sau một thời gian, nồng độ hormone được cân bằng và các triệu chứng sẽ dần thuyên giảm.
Hiện tượng rong kinh khi uống thuốc tránh thai hàng ngày
Thuốc tránh thai hàng ngày được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như điều hòa kinh nguyệt, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, hỗ trợ điều trị mụn trứng cá… Loại thuốc này chứa cả estrogen và progestin có tác dụng ức chế rụng trứng. Mặt khác, thuốc còn có cơ chế làm tăng độ đặc, dính của chất nhầy bên trong tử cung, từ đó cản trở khả năng di chuyển của tinh trùng.
So với thuốc tránh thai khẩn cấp, thuốc tránh thai hàng ngày an toàn hơn và được các bác sĩ Sản phụ khoa khuyến khích sử dụng. Phương pháp ngừa thai này cũng không ảnh hưởng đến cảm giác của cả hai khi “ân ái”. Đồng thời hỗ trợ điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, giảm các triệu chứng khó chịu trong giai đoạn tiền kinh nguyệt và trong những ngày hành kinh.
Tuy nhiên, một trong những tác dụng phụ thường gặp khi uống thuốc tránh thai hàng ngày là bị rong kinh. Rong kinh là tình trạng hành kinh kéo dài trên 7 ngày, lượng máu kinh nhiều hơn 80ml/ chu kỳ. Kinh nguyệt dai dẳng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ra nhiều cản trở đối với sinh hoạt, đặc biệt là đời sống tình dục. Do đó, không ít chị em lăn tăn khi gặp phải tình trạng này.
Theo Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Tuyến – Khoa Phụ sản của Phòng khám Favina, hiện tượng rong kinh khi uống thuốc tránh thai hàng ngày không phải vấn đề quá nghiêm trọng. Về bản chất, loại thuốc này tác động trực tiếp đến nội tiết của nữ giới nên khó tránh khỏi những xáo trộn về chu kỳ kinh nguyệt và đa phần sẽ tự thuyên giảm, điều hòa sau 5 – 6 tháng dùng thuốc.
Bên cạnh chứng rong kinh, trong thời gian đầu sử dụng, thuốc tránh thai hàng ngày còn gây chứng rong huyết (xuất huyết âm đạo bất thường không trong thời gian hành kinh), buồn nôn, tăng cân, giảm ham muốn tình dục, trễ kinh, mất kinh… Đây đều là những tác dụng phụ phổ biến nên chị em không nên quá lo lắng khi gặp phải.
Đọc thêm: Tổng Hợp Các Triệu Chứng Rong Kinh Chị Em Thường Gặp
Vì sao uống thuốc tránh thai hàng ngày bị rong kinh?
Rong kinh do uống thuốc tránh thai hàng ngày thường liên quan đến những nguyên nhân sau:
1. Uống thuốc không đúng cách
Thuốc tránh thai hàng ngày cần được sử dụng đều đặn 1 lần/ ngày. Trường hợp thường xuyên quên liều, uống thuốc không đều, sai thời điểm… có thể là nguyên nhân gây ra chứng rong kinh.
Như đã đề cập, nhóm thuốc này chứa estrogen và progestin có chức năng tương tự như nội tiết tố ở nữ giới. Việc bổ sung sai cách sẽ gây xáo trộn hormone dẫn đến các vấn đề như rong kinh, rong huyết, thống kinh, bế kinh…
Thuốc tránh thai hàng ngày được đánh giá cao về độ an toàn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà dùng thuốc tùy tiện, không tuân thủ chỉ định của dược sĩ/ bác sĩ. Ngoài chứng rong kinh, sử dụng thuốc không đúng cách còn làm giảm hiệu quả tránh thai.
2. Cơ thể chưa kịp thời thích nghi
Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng rong kinh khi uống thuốc tránh thai hàng ngày. Trong 5 – 6 tháng đầu, nội tiết tố chưa ổn định nên không tránh khỏi tình trạng rong huyết, rong kinh. Một số nữ giới còn bị trễ kinh hoặc mất kinh hoàn toàn trong thời gian đầu.
Sau một thời gian, nội tiết tố trong cơ thể sẽ dần ổn định. Vì thế, các vấn đề liên quan đến rối loạn kinh nguyệt sẽ dần được khắc phục. Tuy nhiên, nếu tình trạng vẫn kéo dài, rất có thể rong kinh xuất phát từ những nguyên nhân tiềm ẩn khác.
3. Do các bệnh phụ khoa tiềm ẩn
Rong kinh có thể bắt nguồn từ các bệnh phụ khoa tiềm ẩn như polyp tử cung, đa nang buồng trứng, viêm cổ tử cung, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung… Khi sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, độ dày của lớp nội mạc tử cung có sự thay đổi nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các bệnh lý kể trên. Vì vậy, rong kinh đôi khi không phải do tác dụng của thuốc mà là kết quả của các bệnh phụ khoa tiềm ẩn.
Tìm hiểu khái niệm: Lạc Nội Mạc Tử Cung: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn Đoán Và Điều Trị
Ngừng uống thuốc tránh thai hàng ngày có bị rong kinh không?
Rong kinh không chỉ xảy ra trong thời gian đầu uống thuốc tránh thai mà còn xuất hiện khi ngừng thuốc. Việc dừng thuốc cũng sẽ làm thay đổi nồng độ các hormone trong cơ thể. Vì vậy, hiện tượng rong kinh khi ngừng thuốc tránh thai được xem là phản ứng bình thường.
Sau một vài tháng, chu kỳ kinh nguyệt sẽ ổn định trở lại, tình trạng bế kinh, rong kinh, cường kinh… cũng sẽ tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Lưu ý trong trường hợp máu kinh chảy ồ ạt, không cầm được, nên đến ngay bệnh viện để kiểm tra và điều trị nếu cần thiết.
Dùng thuốc tránh thai hàng ngày bị rong kinh có đáng lo ngại?
Phần lớn các trường hợp rong kinh khi dùng thuốc tránh thai đều không đáng lo ngại. Mức độ xuất huyết không quá nghiêm trọng như những nguyên nhân khác. Thời gian hành kinh thường chỉ kéo dài khoảng 7 – 10 ngày, máu kinh dai dẳng nhưng ra không nhiều, ít khi chảy ào ạt gây chóng mặt, mệt mỏi.
Để tránh tâm lý lo lắng, chị em có thể liên hệ với dược sĩ/ bác sĩ khi gặp phải tình trạng này. Mặt khác, nên cố gắng điều chỉnh lối sống để ổn định nội tiết tố trong thời gian sớm nhất. Trường hợp máu kinh ra nhiều, cơ thể xanh xao, hạ huyết áp… nên tìm gặp bác sĩ Sản phụ khoa để được thăm khám và hướng dẫn điều trị khi cần thiết.
Bạn có biết: Thực Hư Việc Dùng Thuốc Tránh Thai Điều Trị Rong Kinh? Chuyên Gia Giải Đáp
Khắc phục rong kinh do uống thuốc tránh thai hàng ngày
Dù không đáng lo ngại nhưng tình trạng rong kinh kéo dài có thể gây thiếu máu, mệt mỏi. Hơn nữa, hiện tượng xuất huyết âm đạo dai dẳng còn gây ra nhiều cản trở khi sinh hoạt. Nữ giới có gia đình phải kiêng cữ quan hệ vợ chồng dẫn đến đời sống chăn gối nguội lạnh, mất đi sự thăng hoa, hào hứng như trước.
Nếu gặp phải hiện tượng rong kinh khi uống thuốc tránh thai hàng ngày, chị em có thể khắc phục bằng một số biện pháp sau:
1. Uống thuốc đúng cách
Thuốc tránh thai hàng ngày nên được uống vào ngày đầu tiên của chu kỳ (ngày đầu hành kinh) và duy trì uống mỗi ngày. Bên cạnh đó, nên uống thuốc vào khung giờ cố định để nội tiết tố được ổn định nhanh chóng, tránh trường hợp xáo trộn hormone gây rong kinh, rong huyết, cường kinh…
Theo các bác sĩ Sản phụ khoa, nên uống thuốc tránh thai hàng ngày vào buổi tối để hạn chế tác dụng phụ. Trong khi đó dùng vào buổi sáng và buổi trưa sẽ không tránh khỏi những phản ứng bất lợi như buồn nôn, chóng mặt, giảm khả năng tập trung…
Uống thuốc đúng cách sẽ giúp giảm thiểu tối đa tác dụng ngoại ý có thể gặp phải. Đồng thời đảm bảo hiệu quả tránh thai, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, giảm các triệu chứng khó chịu trong thời gian hành kinh và giai đoạn tiền kinh nguyệt.
Chuyên gia tư vấn: TOP 8 Thuốc Trị Rong Kinh Cho Chị Em Không Thể Bỏ Qua
2. Xây dựng lối sống lành mạnh
Xáo trộn hormone là hiện tượng khó tránh khỏi trong thời gian đầu sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày. Để nội tiết nhanh chóng ổn định, chị em nên xây dựng lối sống khoa học và hợp lý. Nếu có lối sống cân bằng, tình trạng rong kinh sẽ nhanh chóng thuyên giảm, kinh nguyệt đều, ít bị đau bụng kinh, mệt mỏi vào những ngày “đèn đỏ”.
Lối sống lành mạnh giúp cải thiện hiện tượng rong kinh khi uống thuốc tránh thai hàng ngày:
- Ngủ đúng giờ, đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ mỗi ngày. Trong thời gian bị rong kinh, nên tránh thức khuya, thiếu ngủ vì thói quen này sẽ khiến cho nồng độ hormone bị xáo trộn, mất cân bằng.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng. Chế độ ăn nên tập trung bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt, cá, trứng… Hạn chế dùng thức ăn chế biến sẵn, kiêng dầu mỡ và đồ ngọt.
- Khi bị rối loạn kinh nguyệt nói chung và rong kinh nói riêng, nên hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá.
- Tập thể dục là thói quen rất tốt cho sức khỏe nói chung và chức năng sinh lý nói riêng. Nữ giới có thói quen này sẽ ít gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, thống kinh, bế kinh… Đồng thời đời sống tình dục cũng thăng hoa hơn so với những người lười vận động.
- Trong thời gian rong kinh, nên kiêng cữ sinh hoạt vợ chồng. Quan hệ trong thời gian này dễ gia tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa. Bên cạnh đó, ma sát trong quá trình “ân ái” có thể khiến cho nội mạc tử cung mạnh dẫn đến chảy máu ồ ạt.
- Chú ý vệ sinh vùng kín thường xuyên. Nên thay băng sau 3 – 4 tiếng để tránh tạo môi trường ẩm thấp khiến nấm và vi khuẩn phát triển.
- Tinh thần ảnh hưởng nhiều đến hệ trục vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng. Do đó, nữ giới bị rong kinh khi uống thuốc tránh thai hàng ngày nên giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng, áp lực.
- Một lưu ý khác mà nhiều chị em bỏ qua đó là duy trì cân nặng ở mức cân đối. Các nghiên cứu cho thấy, thừa cân – béo phì hoặc tăng – giảm cân quá đột ngột là yếu tố gia tăng nguy cơ rong kinh.
ĐỪNG BỎ LỠ: Mách Chị Em Cách Dùng Ngải Cứu Trị Rong Kinh Không Nên Bỏ Lỡ
3. Thăm khám khi cần thiết
Hiện tượng rong kinh trong thời gian uống thuốc tránh thai hàng ngày có thể tự thuyên giảm nên không nhất thiết phải thăm khám. Tuy nhiên, nếu máu kinh chảy ồ ạt, dai dẳng gây thiếu máu và suy nhược, chị em nên chủ động tìm gặp bác sĩ.
Trong trường hợp rong kinh cơ năng, bác sĩ sẽ tư vấn một số biện pháp cải thiện không dùng thuốc. Nếu lượng máu kinh trong mỗi chu kỳ vượt quá 80ml, thuốc có thể được sử dụng với mục đích cầm máu, tránh xuất huyết dai dẳng…
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ có thể phát hiện những bệnh lý tiềm ẩn như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, viêm âm đạo… Nếu có các vấn đề bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị những bệnh phụ khoa tiềm ẩn để kiểm soát chứng rong kinh triệt để.
Uống thuốc tránh thai hàng ngày bị rong kinh là tình trạng không hiếm gặp. Nguyên nhân chủ yếu là do mất cân bằng nội tiết tố dẫn đến rối loạn kinh nguyệt. Nếu chăm sóc đúng cách, tình trạng rong kinh, rong huyết sẽ dần được khắc phục mà không cần phải điều trị y tế.
Có thể bạn quan tâm:
- Điểm Danh TOP 5 Bác Sĩ Chữa Rong Kinh Giỏi Mát Tay Chị Em Nên Biết
- U Xơ Tử Cung Gây Rong Kinh: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị