Rong kinh, rong huyết sau khi phá thai là hiện tượng khó tránh khỏi do nội tiết tố bị xáo trộn, mất cân bằng. Tình trạng này thường có thể thuyên giảm sau thời gian ngắn nhưng cũng có thể tiến triển nặng gây thiếu máu, viêm nhiễm âm đạo, suy nhược cơ thể.
Hiện tượng rong kinh sau hút thai, phá thai bằng thuốc
Hút thai, phá thai bằng thuốc hay thủ thuật đều gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với sức khỏe. Trong đó, rong kinh là tình trạng rất phổ biến có thể gặp ở 40% trường hợp. Rong kinh được hiểu là tình trạng kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày và lượng máu kinh có thể nhiều gấp 2 – 3 lần so với bình thường. Có rất nhiều yếu tố gây ra hiện tượng này và hút thai, phá thai là nguyên nhân thường gặp.
Nạo hút thai là thủ thuật được thực hiện trong trường hợp nữ giới mong muốn kết thúc thai kỳ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dù được thực hiện đúng kỹ thuật, thủ thuật này vẫn sẽ gây ra một số rủi ro và tác dụng phụ.
Để nhận biết rong kinh sau phá thai, có thể dựa vào một số biểu hiện như sau:
- Kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày, thời gian dài hơn so với các chu kỳ trước.
- Lượng máu kinh nhiều hơn bình thường (hơn 80ml trong một chu kỳ)
- Ban đầu, lượng máu khá nhiều, sau đó giảm dần, rỉ rả trong nhiều ngày
- Âm đạo ẩm ướt, có thể đi kèm với mùi khó chịu
- Một số nữ giới có biểu hiện mệt mỏi, xanh xao, chóng mặt, uể oải, đau vùng bụng dưới…
Trong một số trường hợp, rong kinh sau phá thai có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Kết thúc thai kỳ bằng thuốc hay thủ thuật ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan bên trong. Do đó, sẽ khó tránh khỏi hiện tượng xuất huyết, đau vùng bụng dưới trong thời gian đầu. Sau khoảng 2 – 3 tháng, chu kỳ kinh nguyệt sẽ ổn định trở lại.
Có thể bạn quan tâm: Bị Rong Kinh Sau Sinh Là Gì? Nguyên Nhân Và Cách Chữa
Vì sao sau nạo hút thai thường bị rong kinh, rong huyết?
Rong kinh, rong huyết là tình trạng rất phổ biến ở nữ giới. Hiện tượng này có thể xảy ra do tác dụng phụ của thuốc, ảnh hưởng của quá trình dậy thì, tiền mãn kinh… Đối với rong kinh sau khi phá thai, các bác sĩ Sản phụ khoa đã tìm ra 5 nguyên nhân phổ biến nhất:
1. Nội tiết tố bị rối loạn
Khi mang thai, hormone trong cơ thể sẽ có sự thay đổi lớn. Tuyến yên tăng kích thước lên 35% so với bình thường dẫn đến tăng nồng độ prolactin lên 10 lần, xuất hiện thêm hormone HCG và các steroid. Bên cạnh đó, 2 hormone quen thuộc là estrogen và progesterone cũng có sự gia tăng rõ rệt.
Việc sử dụng thuốc phá thai hoặc hút thai sẽ gây ra sự xáo trộn về nội tiết tố trong cơ thể. Các hormon trên sẽ giảm đột ngột dẫn đến rối loạn chu kỳ kinh nguyệt mà hiện tượng thường nhất là rong kinh, cường kinh.
Nội tiết tố của nữ giới vô cùng nhạy cảm. Tác động từ quá trình nạo phá thai sẽ khiến cho hormone xáo trộn, ảnh hưởng đến các hiện tượng sinh lý như hành kinh, rụng trứng… Vì vậy, trong 2 – 3 tháng đầu sau khi phá thai, nữ giới dễ gặp phải tình trạng rong kinh, rong huyết.
2. Tổn thương buồng trứng, cổ tử cung
Một nguyên nhân thường gặp khác đó chính là cổ tử cung và buồng trứng bị tổn thương, suy yếu. Tình trạng này gặp nhiều ở nữ giới thực hiện hút thai. Khi hút bỏ thai, các dụng cụ có thể gây tổn thương cổ tử cung. Cùng với sự co bóp của tử cung khi hành kinh, niêm mạc cổ tử cung sẽ bị kích thích dẫn đến tình trạng xuất huyết dai dẳng.
Ngoài ra, buồng trứng cũng có thể bị tổn thương, suy yếu sau khi phá thai. Bởi lẽ đây là cơ quan sản xuất nội tiết chính ở nữ giới. Loại bỏ bào thai làm rối loạn hệ trục nội tiết và buồng trứng là cơ quan chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Rối loạn chức năng buồng trứng sẽ dẫn đến một loạt những vấn đề như rong kinh, cường kinh, vô kinh, thống kinh… Rất nhiều nữ giới gần như mất kinh sau khi phá thai và phải mất một thời gian dài mới có thể điều chỉnh trở lại.
Xem thêm: Bị Rong Kinh Khi Uống Thuốc Tránh Thai Hàng Ngày Và Cách Xử Lý
3. Tác dụng phụ của thuốc phá thai
Phá thai bằng thuốc sử dụng kết hợp Mifepristone và Misoprostol để gây co bóp tử cung, đồng thời ngăn cản hiện tượng rụng trứng và sự phát triển của nội mạc tử cung. Với cơ chế này, bào thai sẽ khó có thể làm tổ và bị đào thải ra bên ngoài khi tử cung co bóp mạnh.
Các loại thuốc phá thai đang hiện hành đều được đánh giá an toàn. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra một số tác dụng và xuất huyết là biểu hiện thường gặp. Do đó, rong kinh sau khi phá thai đôi khi là tác dụng phụ của thuốc.
4. Thực hiện ở những cơ sở không uy tín
Ngoài những nguyên nhân khách quan, rong huyết sau khi phá thai có thể do thực hiện những phòng khám nhỏ, không uy tín. Nạo phá thai không phải là thủ thuật quá phức tạp nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ.
Thực hiện sau kỹ thuật, không đảm bảo vô trùng… sẽ làm gia tăng nguy cơ viêm nhiễm và xuất huyết. Không ít người bị rong kinh, cường kinh trong thời gian dài do cổ tử cung và nội mạc tử cung bị tổn thương nghiêm trọng sau khi nạo hút thai.
5. Không tuân thủ chỉ định của bác sĩ
Rong kinh sau khi hút thai cũng có thể bắt nguồn từ chính bản thân nữ giới. Như đã đề cập, việc chấm dứt thai kỳ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe tổng thể cũng như cơ quan sinh sản.
Nếu không kiêng cữ theo chỉ định, tử cung và cổ tử cung sẽ khó có thể phục hồi hoàn toàn. Tình trạng rong kinh sau khi phá thai có thể do vận động mạnh, lao động nặng và sinh hoạt tình dục ngay sau khi nạo hút thai mà không có thời gian nghỉ dưỡng.
ĐỌC NGAY: Điểm Danh Các Bác Sĩ Chữa Rong Kinh Tốt Nhất Hiện Nay
Bị rong kinh sau khi uống thuốc phá thai có nguy hiểm không?
Khi gặp phải tình trạng rong kinh sau khi hút thai, không ít chị em trở nên lo lắng, hoang mang. Nhìn chung, hiện tượng này không quá nguy hiểm như hình dung của nhiều người. Nạo hút thai gây ra nhiều thay đổi lớn trong cơ thể nói chung và cơ quan sinh sản nói riêng. Vì vậy, khó tránh khỏi tình trạng rong huyết, rong kinh trong thời gian đầu.
Nếu lượng máu kinh không nhiều, thời gian xuất huyết dưới 10 ngày thì không đáng lo ngại. Ngược lại, trường hợp kéo dài trên 10 ngày, máu kinh chảy ồ ạt… cần phải được thăm khám và điều trị sớm.
Tương tự như rong kinh do những nguyên nhân khác, hiện tượng chảy máu kéo dài sau sinh có thể gây ra nhiều biến chứng như:
- Thiếu máu, suy nhược cơ thể
- Gia tăng nguy cơ băng huyết
- Viêm nhiễm vùng kín
- Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau
- Gây ra tâm lý căng thẳng, lo âu, trầm cảm
Đối với nữ giới, phá thai là quyết định không hề dễ dàng. Vì vậy, những vấn đề phát sinh như rong kinh, rong huyết, đau bụng dưới dữ dội… đều ảnh hưởng đến cả tâm lý và thể chất.
Các phương pháp điều trị rong kinh sau phá thai
Rong kinh sau phá thai cần phải được điều trị nếu tình trạng kéo dài, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như tâm lý. Do tử cung vừa bị tổn thương nên trong trường hợp này, điều trị nội khoa sẽ được ưu tiên.
Bên cạnh đó, cần phải ổn định tâm lý để tránh các vấn đề như lo âu, trầm cảm trong giai đoạn nhạy cảm này:
1. Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc sẽ được sử dụng để ngăn hiện tượng xuất huyết và ổn định nội tiết tố sau khi phá thai. Tùy vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể cân nhắc một trong những loại thuốc sau:
- Thuốc tránh thai hàng ngày: Loại thuốc này được sử dụng phổ biến trong điều trị rong kinh. Thuốc có chứa cả estrogen và progesterone có tác dụng ức chế quá trình rụng trứng, kìm hãm quá trình tăng sinh của các tế bào nội mạc tử cung. Thuốc có hiệu quả với chứng rong kinh, rong huyết và đau bụng kinh.
- Tiêm estrogen: Trường hợp rong kinh nặng, tiêm estrogen sẽ được cân nhắc. Với liệu pháp này, nồng độ estrogen tăng sẽ giúp cầm máu nhanh, hạn chế tình trạng chảy máu ồ ạt. Bên cạnh đó, tiêm estrogen còn giúp ổn định chu kỳ kinh nguyệt.
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): NSAID thường được giảm đau, chống viêm trong nhiều trường hợp. Với cơ chế giảm tổng hợp prostaglandin, nhóm thuốc này còn giúp giảm co bóp tử cung và hạn chế lượng máu kinh bài tiết qua âm đạo. Khi sử dụng thuốc, tình trạng chảy máu ồ ạt sẽ được hạn chế tối đa.
- Thuốc cầm máu: Thuốc cầm máu được sử dụng trong trường hợp rong kinh nặng, kéo dài trên 15 ngày. Loại thuốc được dùng phổ biến nhất là Acid tranexamic với khả năng cầm máu nhanh và khá an toàn ở liều điều trị.
Mục đích của việc dùng thuốc chữa rong kinh là cầm máu, hạn chế tình trạng xuất huyết kéo dài. Bên cạnh đó, thuốc còn được sử dụng để ổn định chu kỳ kinh nguyệt và điều hòa nội tiết tố.
Xem thêm: Bị Rong Kinh Nên Uống Thuốc Gì Tốt Nhất? Chuyên Gia Tư Vấn
2. Đặt vòng tránh thai nội tiết
Ngoài tác dụng ngừa thai, vòng tránh thai nội tiết còn có hiệu quả đối với chứng rong kinh và cường kinh. Phương pháp này sử dụng dụng cụ có hình chữ T đưa vào bên trong buồng tử cung.
Điểm đặc biệt của vòng tránh thai nội tiết là bên trong ống trụ chứa Levonorgestrel với hàm lượng 52mg và được phủ bên ngoài bằng Polydimethylsiloxane. Hoạt chất này có tác dụng làm đặc chất nhầy ở cổ tử cung khiến tinh trùng không thể xâm nhập vào bên trong. Bằng cách ngăn chặn sự “gặp gỡ” của trứng và tinh trùng, vòng tránh thai nội tiết sẽ giúp tránh thai hiệu quả.
Ngoài ra, phương pháp này còn làm cho lớp nội mạc tử cung mỏng đi. Điều này sẽ giúp giảm hiện tượng xuất huyết dai dẳng liên quan đến cường kinh và rong kinh.
3. Ổn định tâm lý
Tâm lý căng thẳng, lo lắng quá mức sau khi phá thai có thể là yếu tố góp phần gây ra hiện tượng rong kinh. Đặc biệt khi có sang chấn mạnh, âm đạo có thể xuất huyết ồ ạt gây hạ huyết áp và ngất xỉu.
Vì vậy trong trường hợp này, ngoài điều trị rong kinh, cần phải ổn định lại tâm lý. Nên chia sẻ với những người xung quanh về vấn đề bản thân đang gặp phải, học cách chấp nhận và đối mặt với những khó khăn về tâm lý. Trường hợp cần thiết có thể tham vấn, trị liệu tâm lý để được hỗ trợ và nâng đỡ tinh thần trong giai đoạn nhạy cảm này.
4. Sinh hoạt khoa học
Phá thai ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tổng thể. Nồng độ hormone bị xáo trộn sẽ kéo theo những phản ứng tiêu cực khác như rối loạn kinh nguyệt, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, đau vùng chậu, rối loạn tiêu hóa, giảm vị giác…
Để ổn định sức khỏe cũng như điều hòa hormone, cần xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học. Trong giai đoạn nhạy cảm này, nên tránh làm việc quá sức và vận động nặng. Ngủ đúng giờ, đủ giấc và ăn uống điều độ để phục hồi sức khỏe.
5. Xử lý tình trạng sót thai
Trong một số trường hợp, rong kinh sau phá thai có thể do hút thai còn sót. Tình trạng này thường xảy ra do hút thai ở những cơ sở y tế không uy tín, không đảm bảo yếu tố vô trùng trong quy trình thực hiện. Sót nhau thai sẽ gây ra một số biểu hiện như đau bụng dữ dội, chảy máu âm đạo bất thường và kéo dài, rối loạn kinh nguyệt, thậm chí có thể gây sốt cao và nhiễm trùng.
Với sót thai sau hút, cách duy nhất là can thiệp loại bỏ thai còn sót lại bên trong tử cung. Sau khi thai được hút bỏ hoàn toàn, các triệu chứng trên sẽ dần được cải thiện. Tuy nhiên, việc can thiệp nhiều lần sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý cũng như sức khỏe thể chất. Chính vì vậy, chị em nên lựa chọn cơ sở y tế uy tín khi có ý định nạo hút thai.
Rong kinh sau phá thai, hút thai là hiện tượng khá phổ biến. Nếu chăm sóc đúng cách, tình trạng này có thể thuyên giảm dần sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu âm đạo chảy máu nhiều, ồ ạt và kéo dài, nên tiến hành thăm khám để có phương pháp xử trí kịp thời.
Tham khảo thêm:
- Rong Kinh Sau Khi Đặt Vòng Tránh Thai Là Gì? Cách Điều Trị An Toàn
- Rong Kinh Ra Máu Đen Là Gì? Có Nguy Hiểm Không? Cách Điều Trị