Sạm da có thể xảy ra ở cả nam và nữ giới khi không có các biện pháp chăm sóc phù hợp, sạm cũng có nguy cơ gặp phải ở bất cứ độ tuổi nào. Hiểu rõ về các nguyên nhân, biện pháp điều trị cũng như phòng ngừa sẽ giúp bạn luôn sở hữu làn da sáng khỏe, hạn chế tối đa những vùng da xỉn màu.
Định nghĩa sạm da
Sạm da là biểu hiện da gia tăng các sắc tố làm màu da trở nên tối hơn, xỉn hơn so với những vị trí khác, có thể xuất hiện ở từng vùng hoặc toàn thân. Tiếng Anh gọi sạm là Darkened hoặc Hyperpigmentation.
Sạm da không phân biệt giới tính hay đối tượng nhưng sẽ có sự phổ biến hơn ở nữ giới đang mang thai, sau sinh con hoặc người từ 30 tuổi trở ra. Tình trạng này có thể làm làn da bị xù xì, phân chia thành các mảng lớn hoặc tạo ra những vùng nhỏ lẻ lẻ trên cơ thể. Đặc biệt, tùy từng người sẽ có sự khác biệt về màu sắc khi da bị sạm, có thể là màu cà phê sữa, nâu vàng hoặc màu đen.
Các vị trí sạm da thường gặp gồm:
- Da mặt: Là nơi có nguy cơ bị sạm cao nhất, làn da mặt tương đối mỏng và dễ bị tác động bởi các yếu tố từ môi trường, từ đó da dễ tổn thương hơn.
- Da tay: Khi bàn tay tiếp xúc với nắng nóng nhiều, da sẽ đen sạm hơn rõ rệt, có sự phân chia rất lớn giữa bàn tay với cánh tay.
- Da cổ: Sạm da ở cổ thường bởi tiếp xúc với nắng khiến da yếu và bị suy giảm hàng rào bảo vệ.
- Da chân: Cũng tương tự như vùng da tay, da chân dễ bị sạm hơn khi thường ngày phải tiếp xúc nhiều với những tác nhân gây hại.
Nguyên nhân sạm da
Sạm da có rất nhiều nguyên nhân gây ra, để điều trị cũng như phòng ngừa một cách tốt nhất, cần xác định được những yếu tố kích thích sau:
- Da không được dưỡng ẩm: Những người không thường xuyên sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm, đặc biệt người có làn da khô sẽ dễ bị sạm hơn rất nhiều. Ngược lại, nếu đều đặn dùng kem dưỡng ẩm 2 lần mỗi ngày sẽ giúp da luôn có độ ẩm tốt, hàng rào bảo vệ được củng cố vững chắc hơn.
- Mất nước: Đây cũng là một trong những yếu tố làm da bị sạm, da mất nước sẽ nhanh chóng bị khô, giãn nở lỗ chân lông và dễ dàng bị phá hủy màng bảo vệ khi gặp ánh nắng.
- Thời tiết: Khi thời tiết chuyển lạnh, độ ẩm thấp, không khí khô hanh sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tới làn da, da dễ bị sạm màu, bong tróc và khô căng hơn so với bình thường.
- Lão hóa: Quá trình lão hóa tự nhiên sẽ gây ra sạm, nám và tàn nhang. Đặc biệt những người lười chăm sóc da càng xảy ra dấu hiệu oxy hóa sớm hơn so với lứa tuổi.
- Ánh nắng: Tia UV từ ánh nắng mặt trời có rất nhiều tác hại với da, là nguyên nhân khiến da bị xỉn màu, xuống sắc, kích thích gia tăng các hắc sắc tố, làm da khô ráp, mất nước nặng nề. Nặng nhất chính là gây bỏng rát da.
- Tích tụ tế bào chết: Khi làn da không được tẩy da chết thường xuyên, các tế bào sừng sẽ tích tụ thành các lớp dày, làm cản trở quá trình tế bào mới tái tạo, khiến da tối màu, dễ tróc vảy và khá khô sần.
- Thức khuya thường xuyên: Các trường hợp thức khuya đều khó tránh khỏi da sạm màu. Giấc ngủ không được điều độ làm kích thích sự phát triển của hắc sắc tố melanin, da bị thêm nám, tàn nhang, xuất hiện cả quầng thâm mắt và các nếp nhăn.
- Nội tiết tố mất cân bằng: Hormone thay đổi bất thường gây ra nhiều vấn đề, trong đó có sạm da. Đặc biệt nữ giới khi sử dụng thuốc tránh thai liên tục, đang mang thai, sau sinh hoặc ở thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh.
- Hút thuốc lá: Khói thuốc là làm cản trở quá trình cơ thể sản sinh thêm collagen, làm da mất nước, mất đàn hồi, gia tăng quá trình oxy hóa và khiến da sạm màu rõ rệt.
- Sử dụng mỹ phẩm trộn: Các loại kem trộn làm trắng da cấp tốc đều có chứa nồng độ chất tẩy rửa rất lớn, làm bào mòn da, mất khả năng tự bảo vệ trước các yếu tố gây hại. Da tuy trắng lên nhanh chóng nhưng sau một thời gian sẽ trở nên đen sạm, mỏng và yếu.
- Chế độ dinh dưỡng: Trong chế độ ăn uống hàng ngày, các thực phẩm sử dụng sai cách, đồ ăn có hại có thể làm làn da trở nên sạm đen hơn. Ví dụ như các thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, đồ ăn dầu mỡ, các món cay nóng, đồ ăn quá nhiều đường hoặc muối.
- Bệnh lý: Sạm da có thể do một số bệnh liên quan tới chức năng của thận, gan, cơ thể tích tụ sắt khiến da luôn xỉn màu, kém sắc, da bị khô và dễ dàng lão hóa hơn.
Đối tượng sạm da
Từ những nguyên nhân gây sạm da ở trên, có thể đưa ra những nhóm đối tượng có nguy cơ gặp phải vấn đề này cao hơn bình thường gồm:
- Phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai hoặc tiền mãn kinh, mãn kinh, người sử dụng thuốc tránh thai thường xuyên.
- Những người làm việc văn phòng, ngồi trước màn hình vi tính hoặc trong phòng điều hòa nhiều giờ liên tục hàng ngày.
- Những trường hợp lạm dụng mỹ phẩm, đang sử dụng các biện pháp hóa trị liệu.
- Người làm việc dưới thời tiết nắng nóng thường xuyên.
- Những người làm công việc phải tiếp xúc với nhiều loại hóa chất độc hại như: Nhựa đường, dầu nhờn, xăng, dầu hỏa, nhựa than,...
Triệu chứng sạm da
Làn da khi bị đen sạm sẽ có những dấu hiệu rất rõ ràng, thể hiện cụ thể trên da. Tùy từng người sẽ có mức độ sạm khác nhau nhưng nhìn chung đều có các biểu hiện gồm:
- Làn da sạm đen và có dấu hiệu sần sùi, có thể bị ở mặt, cổ, tay, chân hoặc lưng.
- Không chỉ bị xỉn màu, da còn xuất hiện mụn, da khô và bong tróc.
- Các vùng da có sự chênh lệch màu sắc rất rõ rệt, đặc biệt vùng mu bàn tay với cổ tay, mu bàn chân với cổ chân trở lên.
- Lỗ chân lông mở rộng hơn, khi sờ lên da thấy khá thô ráp, da cảm giác căng rát hơn rõ rệt.
Biến chứng sạm da
Cũng tương tự nám, tàn nhang hay đồi mồi, sạm da không đe dọa tới sức khỏe của người mắc, không phải bệnh lý đáng lo ngại. Nhưng các vùng da xỉn màu, da sáng tối chênh lệch rõ rệt, đặc biệt ở trên mặt sẽ làm giảm sự rạng rỡ, tươi trẻ của làn da, làm ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ và khiến chị em tự ti mặc cảm.
Nhưng cũng không thể chủ quan xem nhẹ các trường hợp cảnh báo bệnh lý. Sạm da có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang gặp phải một số vấn đề nghiêm trọng như dư thừa sắt, suy tuyến thượng thận. Đây đều là tình trạng cần phải nhanh chóng chữa trị với các biện pháp phù hợp, khoa học để bảo vệ sức khỏe tổng thể và làn da.
Bên cạnh đó, sạm da cũng được xác định có thể là một trong những biểu hiện đầu tiên của bệnh: Ung thư, tăng huyết áp, nhiễm độc giáp, tăng tuyến giáp hoặc thậm chí loãng xương.
Chẩn đoán sạm da
Sạm da sẽ được chẩn đoán chi tiết trước khi áp dụng bất cứ biện pháp chữa trị nào. Hiện nay, các kỹ thuật được sử dụng để đánh giá mức độ tổn thương do sạm da gồm có: Chẩn đoán lâm sàng, cận lâm sàng, chẩn đoán xác định.
Một số phương pháp chẩn đoán cụ thể là:
- Xác định mức độ da bị sạm, xỉn màu ở tầng thượng bì và trung bì. Khi tiến hành kiểm tra, nếu thấy sắc tố da tăng đậm hơn so với trạng thái lúc quan sát không dùng máy móc sẽ là tăng sắc tố thượng bì. Nếu sắc tố mờ hơn so khi nhìn bằng mắt thường sẽ là sạm ở tầng trung bì. Nếu có cả dấu hiệu tăng hoặc mờ ở 2 tầng này, đây là tăng sắc tố dạng hỗn hợp.
- Xác định mô bệnh học ở thượng bì, trung bì, hỗn hợp và các đặc trưng riêng biệt khác.
- Sử dụng bản đồ gen.
- Xét nghiệm sinh hóa máu, điện tim và siêu âm.
Điều trị sạm da
Sạm da có thể chữa bằng các nguyên liệu tự nhiên hoặc cần dùng tới các phương thuốc, kỹ thuật hiện đại dựa theo mức độ sạm. Các phương pháp này được áp dụng cụ thể như sau:
Thuốc Tây y
Tây y có rất nhiều loại thuốc sử dụng cho việc điều trị sạm da, thường sẽ là các loại kem bôi kết hợp với thuốc uống gồm:
- Axit Glycolic, Salicylic: Nhằm loại bỏ lớp da chết, phá hủy hắc sắc tố ở tầng thượng bì, làm da sáng hồng hơn.
- Retinol: Có thể dùng theo dạng serum hoặc chiết xuất với nồng độ phù hợp. Thông thường khi chữa sạm da bằng Retinol, người dùng sẽ được chỉ định từ nồng độ thấp nhất và tăng dần về sau.
- Hydroquinone: Được sử dụng với tác dụng giảm sạm da, làm đều màu da, hạn chế các hắc sắc tố.
- Thuốc Camoquin, Plaquenil, Cloroquin dạng uống: Nhằm cải thiện tình trạng da sạm màu từ tầng trung bì trở ra.
- Một số thuốc khác: L-Cystine, vitamin B, C, PP.
Tất cả các thuốc trên đều cần có sự chỉ định cụ thể từ bác sĩ trước khi dùng. Tránh tự ý mua về sử dụng tại nhà sẽ dễ gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm.
Kỹ thuật hiện đại
Cùng với thuốc Tây, có một số kỹ thuật hiện đại được sử dụng phổ biến hiện nay để điều trị sạm da, có thể kể tới gồm:
- Chiếu tia laser: Với nguồn ánh sáng cường độ cao, các vùng da sạm đen sẽ được xử lý hiệu quả, nhanh chóng, hắc sắc tố bị phá hủy hoàn toàn, các vùng da trở nên đều màu hơn. Tuy vậy, cần lựa chọn thực hiện ở những địa chỉ có đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất, bác sĩ giàu kinh nghiệm,...
- Mài da vi điểm: Trị sạm da bằng mài da vi điểm có cơ chế kích thích các tế bào da tự phục hồi, đánh bay lớp da chết ở bên ngoài và kích thích collagen sản sinh nhiều hơn. Da đều màu, căng mịn, săn chắc qua mỗi lần sử dụng.
- Dùng hóa chất peel da: Phương pháp peel da bằng hóa chất sẽ hoạt động theo cơ chế đưa các axit vào da để loại bỏ tế bào sừng, làm bong tróc lớp da ngoài cùng và phá hủy hắc sắc tố. Cho kết quả nhanh chóng và rõ rệt nhưng đồng thời da cũng dễ bắt nắng hơn, bị mỏng đi và có thể bị kích ứng nếu ai có da mẫn cảm.
Mẹo dân gian
Sạm da ở thể nhẹ có thể dùng một số nguyên liệu tự nhiên để cải thiện tại nhà. Theo đó, những mẹo được dùng nhiều nhất gồm:
- Chanh tươi: Vắt nước cốt 1 quả chanh và thêm vào 1 thìa mật ong, khuấy đều hỗn hợp. Vệ sinh làn da rồi thoa đều hỗn hợp chanh mật ong lên da trong 20 phút. Sau cùng lấy nước sạch vệ sinh mặt một lần nữa. Nên trị nám bằng chanh mỗi tuần 3 lần.
- Cà chua: Dùng 1 - 2 quả cà chua sạch, ngâm rửa trong nước muối loãng 15 phút. Đem cà chua đi nghiền nhuyễn rồi thêm vào một chút mật ong. Vệ sinh da và đắp mặt nạ trong 20 phút, sau đó rửa lại mặt như bình thường bằng nước mát. Hàng tuần dùng cà chua 2 - 3 lần để cho kết quả tốt nhất.
- Cà phê: Lấy 1 thìa bã cà phê, thêm vào một chút sữa tươi không đường để tạo thành hỗn hợp đồng nhất. Sau khi rửa mặt, thoa hỗn hợp lên da thật nhẹ nhàng. Đợi 15 phút sau lấy nước mát vệ sinh sạch sẽ. Hàng tuần duy trì công thức trị sạm da từ cà phê 3 lần.
Phòng tránh sạm da
Da sạm màu có thể phòng tránh được khi bạn biết cách chăm sóc cơ thể sao cho khoa học mỗi ngày. Dưới đây là một số mẹo ngăn chặn tình trạng da xỉn màu khá hữu ích:
- Nên có chế độ ăn uống lành mạnh, sử dụng nhiều rau củ xanh, các loại trái cây tươi. Ưu tiên ăn các món hấp, luộc hoặc hầm canh.
- Hạn chế đồ ăn chiên rán dầu mỡ nhiều, các món ăn cay nóng hoặc đồ đóng hộp, đồ đã chế biến sẵn.
- Hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia, cà phê hoặc những chất kích thích khác.
- Nên uống 2 lít nước hàng ngày để da có đủ nước, duy trì được độ ẩm phù hợp.
- Có chế độ sinh hoạt khoa học, ngủ nghỉ hợp lý, hạn chế thức khuya hay thường xuyên stress.
- Nên tập thể dục đều đặn để cơ thể cũng như làn da dễ dàng đào thải các độc tố, hoạt động tuần hoàn diễn ra ổn định, hệ miễn dịch và đề kháng được nâng cao.
- Luôn che chắn cẩn thận cho làn da trước khi ra ngoài bằng mũ, nón, khẩu trang, quần áo dài tay. Đồng thời cần thoa kem chống nắng để tăng cường bảo vệ cho làn da trước tia UV.
- Không lạm dụng các mỹ phẩm trang điểm hoặc các loại thuốc điều trị. Không dùng những sản phẩm chăm sóc da không có nguồn gốc rõ ràng, hàng trôi nổi ngoài thị trường.
Sạm da có thể cải thiện nhanh chóng khi áp dụng đúng các biện pháp. Ngoài ra, cũng cần có các cách bảo vệ da phù hợp để ngăn chặn da bị xỉn màu trở lại. Nếu bạn có ý định sử dụng bất cứ loại thuốc nào, hãy tham khảo ý kiến tư vấn từ các bác sĩ trước.