Chàm sữa là một trong những bệnh lý da liễu thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 2 tháng - 2 tuổi, chiếm đến 20% các trường hợp thăm khám tại các phòng khám, chuyên khoa da liễu. Bệnh mặc dù không lây nhưng khó điều trị dứt điểm, dễ tái đi tái lại nhiều lần và có nguy cơ bội nhiễm nếu không được chăm sóc đúng cách. 

Định nghĩa bệnh chàm sữa

Bệnh chàm sữa (lác sữa) là tình trạng viêm da mạn tính, một dạng chàm thể tạng, không lây, thường xảy ra ở trẻ trong độ tuổi từ 2 tháng đến 2 tuổi. Bệnh phổ biến ở những trẻ có tiền sử gia đình có cơ địa dị ứng, chẳng hạn như ba mẹ có người bị hen suyễn, viêm mũi dị ứng, chàm thể tạng...

Chàm sữa là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi
Chàm sữa là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi

Bệnh đặc trưng bởi 3 triệu chứng chính là đỏ da, ngứa nhiều và khô da, hay xuất hiện khi thời tiết hanh khô. Ước tính, có khoảng 20% trẻ sơ sinh bị chàm sữa khi thăm khám, bệnh nhi có các đặc điểm như da khô, bong vảy ở mặt, trán, đầu và nổi bật nhất là ở vùng 2 bên má. Các vùng da bị chàm thường có tính chất đối xứng hai bên mặt.

Khi mắc chàm sữa, trẻ có xu hướng cào gãi nhiều do ngứa, dẫn đến vùng tổn thương lan rộng, gây nên vòng bệnh lý "ngứa - gãi", hậu quả là bệnh nghiêm trọng, lâu lành và có nguy cơ bội nhiễm vi trùng cao. Chàm sữa mặc dù không phải là bệnh nguy hiểm nhưng thường khiến trẻ bị ngứa ngáy, khó chịu, khó ngủ và quấy khóc thường xuyên.

Bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh được phân làm 3 loại chính là:

  • Cấp tính: Trẻ bị nổi mụn nước, hồng ban, rỉ dịch, ngứa
  • Mạn tính: Da khô, rát, mảng da dày, nhiều rãnh ngang, sắc tố da thay đổi
  • Bán cấp: Trung gian giữa hai giữa đoạn là cấp tính và mạn tính.

Giải đáp: Chàm Sữa Ở Trẻ Sơ Sinh Có Tự Hết Không? Bao Lâu Thì Khỏi hẳn?

Nguyên nhân gây bệnh chàm sữa

Nguyên nhân gây chàm sữa rất phức tạp, đến nay, khoa học vẫn chưa thể xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu nhận thấy rằng, bệnh thường gặp ở trẻ có cơ địa dị ứng. Chàm sữa có tính chất gia đình, khi gặp các tác nhân gây dị ứng, tình trạng dị ứng sẽ được kích hoạt, biểu hiện ra triệu chứng ở da hoặc các cơ quan khác.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu gia đình có cha mẹ mắc bệnh viêm da dị ứng, dị ứng thời tiết, mề đay, hen suyễn thì trẻ có nguy cơ mắc chàm sữa và các bệnh dị ứng cao. Đặc biệt, tỷ lệ mắc bệnh chàm sữa ở trẻ lên đến 80% đối với những trẻ có cả bố lẫn mẹ bị viêm da cơ địa. Bệnh thường có xu hướng giảm dần ở trẻ trên 1 tuổi.

Chàm sữa ở trẻ em có liên quan đến dị ứng, thông thường phải có yếu tố làm trẻ khởi phát đợt chàm. Theo thống kê, có khoảng 30 - 40% trẻ bị chàm do dị ứng sữa bò. Đồng thời, bệnh cũng có thể xảy ra ở ăn sữa công thức, trẻ bú mẹ hoàn toàn nhưng mẹ hay ăn hoặc uống các chế phẩm chứa đạm bò. Ngoài ra, bệnh có thể xuất hiện khi mẹ ăn nhiều đồ tanh, hải sản, thực phẩm giàu đạm.

Một số yếu tố khác gây bệnh chàm sữa cho trẻ có thể kể đến như:

  • Yếu tố môi trường bên ngoài: Đa phần có liên quan đến nấm mốc, bụi, ve, mạt, bọ chét có trong chăn, ga, gối, nệm, ga giường, thảm hoặc từ lông chó lông mèo.
  • Yếu tố liên quan đến tiêu hóa: Các rối loạn về tiêu hóa, rối loạn dung nạp hoặc do các thực phẩm dị ứng (sữa, trứng), cách cho bú hoặc nhiễm khuẩn có thể gây chàm sữa ở trẻ.

Bên cạnh đó, các yếu tố như bột giặt, khí hậu nóng, khô lạnh... cũng có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng, khó điều trị dứt điểm hơn.

Xem thêm: Bé Bị Chàm Sữa Tái Đi Tái Lại Và Cách Điều Trị Tận Gốc

Triệu chứng bệnh chàm sữa

Chàm sữa là một bệnh dị ứng, nổi bật với các biểu hiện ngoài da rất đặc trưng, bệnh thường xuất hiện đối xứng nhau ở 2 bên gò má của trẻ. Triệu chứng nhận biết bệnh rõ ràng nhất là sự xuất hiện của vùng da đỏ ở hai bên má, kèm theo các mụn nước li ti.

Bệnh đặc trưng bởi sự xuất hiện của các mụn nước li ti trên nền da ửng đỏ
Bệnh đặc trưng bởi sự xuất hiện của các mụn nước li ti trên nền da ửng đỏ

Các vị trí thường gặp là ở hai má, nếu nghiêm trọng có thể lan đến trán, cằm, da đầu nhưng không có ở mũi. Thậm chí, trong một số trường hợp, bệnh có thể lan đến mặt duỗi cẳng tay, cẳng chân, thân mình, khuỷu, da đầu, tứ chi... Bệnh gây ngứa nhiều, đôi khi xuất hiện tình trạng chảy dịch hoặc mụn mủ nếu bội nhiễm.

Các triệu chứng của bệnh chàm sữa sẽ hay tái phát ở trẻ dưới 1 tuổi, nhất là khi thời tiết lạnh, không khí hanh khô. Bệnh được chia làm 5 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn tấy đỏ: Da bắt đầu khô, tấy đỏ, hơi ngứa, bắt đầu xuất hiện các mụn nhỏ li ti như hạt kê.
  • Giai đoạn mụn nước: Xuất hiện các mụn nước trên nền da đỏ, những mụn nước này có xu hướng tập trung thành đám.
  • Giai đoạn chảy dịch: Các mụn nước này bắt đầu vỡ ra, xuất hiện tình trạng chảy dịch, xuất tiết.
  • Giai đoạn đóng vảy: Sau khi các mụn nước chảy dịch, dịch khô dần rồi đóng vảy, bề mặt vảy có màu vàng nhạt.
  • Giai đoạn bong vảy: Các vảy đóng lại bắt đầu bong ra, làn da dần trở lại trạng thái bình thường.

Da của trẻ sơ sinh mắc bệnh chàm sữa không mềm mịn như thông thường mà rất khô, căng, thô ráp, có các vảy nhỏ li ti. Tình trạng này làm bé ngứa ngáy, khó chịu, hay dụi mặt vào gối cho đỡ ngứa hoặc thường xuyên dùng tay cào, gãi khiến các mụn nước vỡ ra, da rớm máu, thậm chí có thể gây chảy máu. Nếu không được chăm sóc đúng cách, trẻ rất dễ bị nhiễm khuẩn gây chàm sữa bội nhiễm.

Chuyên gia giải đáp: Chàm Sữa (Lác Sữa) Có Để Lại Sẹo Không? Cách Khắc Phục

Điều trị chàm sữa ở trẻ sơ sinh

Chàm sữa là bệnh liên quan đến yếu tố cơ địa và di truyền, rất khó để điều trị dứt điểm. Mục đích điều trị chủ yếu là làm giảm nhẹ triệu chứng, giúp da nhanh chóng trở lại bình thường, tăng cường hàng rào bảo vệ da và hạn chế bệnh tái phát. Nguyên tắc xử trí đối với căn bệnh này là chăm sóc da và làm ẩm da, đồng thời điều trị kháng viêm, điều trị ngứa.

1. Dưỡng ẩm, chăm sóc da

Để điều trị chàm sữa, trước tiên cần xác định được nguyên nhân khởi phát đợt chàm cấp, từ đó hạn chế, loại bỏ yếu tố đó. Tùy vào tình trạng bệnh và cơ địa của trẻ mà có phương pháp điều trị phù hợp. Trong điều trị chàm sữa, trước hành cần chú ý chăm sóc và dưỡng ẩm da cho trẻ đúng cách:

  • Vệ sinh tắm rửa: Trẻ chỉ nên tắm từ 1 - 2 lần/ngày, mỗi ngày không quá 15 phút. Tắm bằng nước ấm, dùng sữa tắm dịu nhẹ, pH trung tính hoặc acid nhẹ hoặc Lactodiall.
  • Dưỡng ẩm cho da: Các sản phẩm chăm sóc da cho trẻ có tác dụng dưỡng ẩm nên được sử dụng thường xuyên với trẻ bị chàm sữa, nhất là khi thời tiết hanh khô.  Mẹ có thể tham khảo các loại kem dưỡng ẩm như aveeno, cetaphil, physiogel, ceradan... Thời điểm thoa tốt nhất là sau tắm 3 phút, ngày thoa 2 - 4 lần.

Khi bị chàm, da trẻ rất khô dễ kích ứng, cần được dưỡng ẩm thường xuyên
Khi bị chàm, da trẻ rất khô dễ kích ứng, cần được dưỡng ẩm thường xuyên

Khi chọn sữa tắm, kem dưỡng ẩm cho trẻ, cần chú ý chọn những loại uy tín, chất lượng, đã được kiểm nghiệm lâm sàng, được nhiều phụ huynh tin dùng. Thận trọng với các sản phẩm được quảng cáo quá đà, các loại thuốc dân gian được mách bảo. Tránh các kem có mùi thơm nồng vì chứa hương hiệu, có thể gây kích ứng cho da.

Mẹ nên biết: Cách Phân Biệt Chàm Sữa Và Rôm Sảy Để Điều Trị Chính Xác

2. Điều trị bằng thuốc

Trẻ bị chàm sữa chỉ được điều trị bằng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ da liễu. Các loại thuốc thường được dùng cho trẻ có thể kể đến như:

  • Thuốc điều trị triệu chứng: Có tác dụng giảm ngứa ngáy, khó chịu, giúp thúc đẩy làm lành vùng da bệnh. Thường sử dụng là nhóm thuốc kháng histamin, phổ biến là alimemazin, clopheniramin...
  • Thuốc chống viêm: Các loại kem, thuốc chống có chứa corticoid có thể được chỉ định đối với trường hợp chàm sữa cấp tính. Thường là clobetasol butyrate 0.05%, hydrocortisone 1%... Tuy nhiên, những loại này tuyệt đối không được lạm dụng chỉ dùng khi bị chàm thể nặng.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh chỉ được chỉ định trong trường hợp viêm da có bội nhiễm vi khuẩn. Kháng sinh cần được sử dụng sau khi đã thăm khám và được chỉ định bởi bác sĩ. Các kháng sinh thường được ưu tiên lựa chọn là erythromycin, Cephalexin, Cefadroxyl, oxacillin...

Ngoài ra, tùy vào từng trường hợp mà sử dụng loại thuốc điều trị chàm sữa phù hợp cho trẻ. Với trường hợp da bé có dấu hiệu dày sừng thì dùng thuốc mỡ chứa corticosteroid kết hợp với chất tiêu sừng salicylic acid. Trường hợp da tổn thương nặng thì dùng các thuốc như Eumovate, gentrisone... Trường hợp trẻ sang thương đang bội nhiễm, rỉ dịch thì có thể thoa eosine 2% hoặc millian 1%, ngày 2 lần.

Góc tư vấn: Kem Bôi Chàm Sữa Dexeryl Dùng Có Tốt Không? Cách Sử Dụng

Lưu ý: Thận trọng khi sử dụng các thuốc chứa corticoid cho trẻ. Việc dùng corticoid chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Các thuốc này dùng bôi ngoài da dù hàm lượng nhẹ vẫn có thể gây tác dụng toàn thân, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Lạm dụng corticosteroid có thể gây teo da, mất màu da, nguy cơ nhiễm nấm, suy yếu tuyến thượng thận...

3. Chăm sóc đúng cách

Trẻ bị chàm sữa cần được chăm sóc đúng cách để hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa tái phát. Ngoài chú ý chăm sóc da và dưỡng ẩm, ba mẹ cũng cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Tránh ủ ấm trẻ, nên cho trẻ ở không gian sạch sạch, thoáng đãng, nhiệt độ phòng ở mức thích hợp, không quá nóng, không quá lạnh. Trường hợp gia đình sử dụng máy lạnh thì nên trang bị máy phun sương, tạo ẩm khi không khí hanh, khô.
  • Quần áo trẻ nên chọn những loại được làm từ 100% cotton, vải sợi sồi, sợi tre, chất vải mềm mịn, khả năng thấm hút mồ hôi tốt. Không cho trẻ mặc quần áo quá chật, quá nhiều lớp, tránh dùng vải sợi tổng hợp, sợi len để không gây kích ứng da.
  • Để tránh con cào gãi, nên cắt ngắn móng tay, nếu bé cào mặt thường xuyên thì tốt nhất cần tạm thời nên cho bé mang vớ, găng tay để hạn chế gãi.
  • Với trẻ bú mẹ hoàn toàn, nếu trẻ có nguy cơ dị ứng với thực phẩm thì mẹ nên tránh sử dụng các thực phẩm dễ gây dị ứng như đậu phộng, trứng, hải sản...

Xem ngay: 9 Mẹo Chữa Chàm Sữa Cho Trẻ Sơ Sinh Ngay Tại Nhà Cực An Toàn

Trẻ cần được sống trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát
Trẻ cần được sống trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát

Phòng tránh bệnh chàm sữa

Chàm sữa là bệnh thường gặp, khó điều trị dứt điểm và có nguy cơ tái phát cao. Bệnh thường chỉ biến mất khi con trên 2 tuổi. Mặc dù không nguy hiểm nhưng chàm sữa lại khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu và quấy khóc thường xuyên. Do đó, cách tốt nhất là cha mẹ nên chủ động phòng tránh cho con bằng cách:

  • Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và lâu nhất khi có thể. Đến độ tuổi ăn dặm, cần cho con ăn đa dạng các loại thực phẩm. Tuy nhiên, cần trì hoãn việc cho ăn các thực phẩm dễ dị ứng như hải sản, trứng, đậu phộng...
  • Trẻ có cơ địa dị ứng dễ bị chàm sữa, với những trẻ này, phụ huynh nên chú ý việc dưỡng ẩm, chăm sóc da cho bé. Nên tắm bằng sữa tắm dịu nhẹ, phù hợp với loại da của trẻ. Sau khi tắm nên dưỡng ẩm cho da để tránh tình trạng khô da.
  • Phòng ở, môi trường sống của bé cần sạch sẽ, thoáng mát, tránh tối tăm, ẩm ướt tạo điều kiện cho nấm mốc, vi khuẩn phát triển.
  • Thường xuyên dọn dẹp phòng ngủ, nhà cửa, giặt chăn mền, gối nệm, rửa đồ chơi của trẻ thường xuyên, nhất là những vật dụng như gặm nướu, ti giả, những đồ bé có thể ngậm vào miệng.
  • Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bẩn và các tác nhân gây bệnh như chó, mèo, phấn hoa...

Chàm sữa là bệnh rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ bị chàm sữa cần được chăm sóc và điều trị đúng cách để làm giảm triệu chứng bệnh, thúc đẩy làm lành vùng da tổn thương và ngăn ngừa bệnh tái phát. Đặc biệt, nên đưa trẻ thăm khám và điều trị khi tình trạng bệnh kéo dài, vùng tổn thương có xu hướng lan rộng hoặc có dấu hiệu bội nhiễm.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan

Kem Sudocrem là một trong những sản phẩm quen thuộc, được sử dụng phổ biến cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các tác dụng kháng khuẩn, làm dịu da, tăng cường và củng cố...

Xem chi tiết

Chàm là một trong những bệnh lý da liễu thường gặp, có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn. Bệnh gây tổn thương da, không chỉ ảnh hưởng đến sức...

Xem chi tiết

Chàm sữa và viêm da cơ địa đều là những từ dùng để chỉ cho các bệnh ngoài da gây viêm, khó chịu và ngứa. Chàm sữa và viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ...

Xem chi tiết

Chàm môi là tình trạng bệnh chàm xuất hiện ở môi, gây ra các biểu hiện như môi khô, nứt nẻ, bong tróc. Đây là bệnh lý mạn tính, không chỉ ảnh hưởng đến yếu...

Xem chi tiết

Chàm sinh dục là một trong những bệnh da liễu thường gặp, gây ra tình trạng da đỏ, ngứa, có mụn nước li ti, vùng da bệnh bị dày sừng, đóng vảy, bong tróc nhiều...

Xem chi tiết

Chàm bìu là bệnh viêm da hay gặp khiến vùng da bìu trở nên dày, đỏ, kích ứng, bong tróc, việc điều trị bệnh không khó nhưng lại hay tái phát, khó điều trị dứt...

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa

Tra cứu thuốc

Dịch vụ & Giải pháp