Gợi Ý Cách Giúp Mẹ Phân Biệt Chàm Sữa Và Mụn Sữa

Chàm sữa và mụn sữa đều là những bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có biểu hiện tương đối giống nhau khiến mẹ dễ nhầm lẫn, dẫn đến chăm sóc và điều trị sai cách làm tình trạng bệnh của bé kéo dài, lâu khỏi. Dưới đây là cách phân biệt chàm sữa và mụn sữa chi tiết, cụ thể mà mẹ có thể tham khảo. 

⇒Xem ngay: Hướng Dẫn Phân Biệt Chàm Sữa Và Rôm Sảy Tránh Nhầm Lẫn

Phân biệt bệnh chàm sữa và mụn sữa

Chàm sữa và mụn sữa là những bệnh lý về da mạn tính, có liên quan đến các yếu tố như cơ địa, di truyền, hệ miễn dịch yếu, cơ thể phản ứng với dị nguyên… Bệnh rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mặc dù không phải là bệnh truyền nhiễm, không lây truyền và không nguy hiểm nhưng lại có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến trẻ.

Chàm sữa và mụn sữa ở trẻ sơ sinh là hai bệnh khác nhau
Chàm sữa và mụn sữa ở trẻ sơ sinh là hai bệnh khác nhau

Việc phân biệt chàm sữa và mụn sữa sẽ giúp mẹ dễ dàng nhận biết bệnh, từ đó các cách chăm sóc, điều trị phù hợp khi con mắc một trong hai căn bệnh này. Chúng ta có thể phân biệt chàm sữa và mụn sữa qua những điểm khác biệt dưới đây:

1. Phân biệt qua khái niệm bệnh

Mụn sữa và chàm sữa mặc dù tương đối giống nhau nhưng không phải là một bệnh. Trước hết, xét về bản chất, hai bệnh này khác nhau như sau:

Chàm sữa

Chàm sữa hay lác sữa là một dạng của chàm thể tạng, hay gặp ở trẻ từ 2 tháng – 2 tuổi, có xu hướng biến mất khi trẻ trên 2 tuổi. Bệnh chàm sữa chiếm khoảng 20% các trường hợp đến khác tại các phòng khám, bệnh viện có chuyên khoa da liễu. Đây là một dạng viêm da mạn tính, không lây nhưng dễ tái đi tái lại nhiều lần, khó điều trị dứt điểm.

Mụn sữa

Mụn sữa còn được gọi là mụn trứng cá sơ sinh hay nang kê. Bệnh đặc trưng bởi các đám mụn trắng nhỏ li ti mọc thành cụm ở mũi, cằm, má, mắt, mí mắt của trẻ. Mụn sữa rất phổ biến ở trẻ sơ sinh, có thể phát triển thành mụn mủ, mụn đầu đen.

Thông thường, mụn sữa không ảnh hưởng gì đến trẻ, tuy nhiên, có khiến bé không thoải mái, nhất là khi vùng da mụn tiếp xúc trực tiếp với quần áo, chăn gối. Mụn sữa thường xuất hiện lúc trẻ mới sinh hoặc khi trẻ được 2 – 4 tuần tuổi.

[Giải đáp chi tiết]: Chàm Sữa Ở Trẻ Sơ Sinh Có Tự Hết Không? Mất Bao Lâu?

2. Phân biệt chàm sữa và mụn sữa qua nguyên nhân gây bệnh

Chàm sữa và mụn sữa đều là những bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có liên quan đến yếu tố di truyền và ảnh hưởng của các tác nhân môi trường. Tuy nhiên chúng ta có thể phân biệt qua những đặc điểm sau đây:

Bệnh chàm sữa

Chàm sữa là bệnh có tính chất di truyền, các nghiên cứu nhận thấy rằng, có khoảng 60 – 80% cha mẹ có tiền sử mắc bệnh viêm da cơ địa, hen suyễn, mề đay con sinh ra bị chàm. Đặc biệt, nguy cơ bị chàm sữa của con lên đến 80% nếu cả ba và mẹ đều mắc bệnh.

Chàm sữa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuất hiện do cơ địa dị ứng, thông thường, phải có yếu tố làm khởi phát đợt chàm ở trẻ. Trẻ cũng có thể bị chàm sữa do các yếu tố như:

  • Do môi trường và khí hậu: Bệnh thường khởi phát khi thời tiết lạnh, khô, môi trường ô nhiễm, nấm mốc, nhiều khói thuốc lá.
  • Ảnh hưởng từ thức ăn của mẹ: Với những trẻ bú mẹ, bé có thể bị chàm sữa khi mẹ bổ sung quá nhiều thực phẩm dinh dưỡng, nhất là đồ tanh, hải sản, thực phẩm giàu đau.
  • Yếu tố liên quan đến tiêu hóa: Có 30 – 40% trẻ bị chàm do dị ứng sữa bò, có thể xảy ra ở trẻ ăn sữa công thức hoặc trẻ bú sữa mẹ nhưng mẹ hay sử dụng các chế phẩm chứa đạm bò.
  • Do ảnh hưởng của các yếu tố khác: Bệnh cũng có thể liên quan đến một số yếu tố khác như trẻ dị ứng lông chó mèo, dị ứng thức ăn (hiếm gặp)…

Mụn sữa (nang kê)

Theo các bác sĩ chuyên khoa, nguyên nhân gây mụn sữa ở trẻ sơ sinh vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, một trong những yếu tố chính, có liên quan đến mụn sữa ở trẻ em là do sự ảnh hưởng của nội tiết tố trong cơ thể. Có thể do hormone từ mẹ vẫn còn trong cơ thể trở và gây ra những thay đổi trên da, nội tiết tố (androgen) từ mẹ có thể gây tắc lỗ chân lông trên da của trẻ.

Ngoài ra, mụn sữa ở trẻ sơ sinh cũng có thể liên quan đến các yếu tố như:

  • Da trẻ không được vệ sinh sạch sẽ: Da không được vệ sinh sạch sẽ, đúng cách sẽ khiến tế bào da chết, bụi bẩn và vi khuẩn bám trên da, làm bít tắc lỗ chân lông, dẫn đến hình thành mụn sữa trên da trẻ.
  • Tuyến dầu tắc nghẽn: Có thể do tuyến dầu hẹp hoặc bị bít tắc làm mồ hôi không thể thoát ra ngoài được.
  • Mẹ ăn nhiều đồ cay nóng: Trong quá trình mang thai và sau sinh, mẹ ăn nhiều thực phẩm cay nóng có thể gia tăng nguy cơ bị mụn sữa cho bé.

Có thể bạn quan tâm: Thuốc Trị Chàm Cho Trẻ Em Được Tin Dùng Và Đánh Giá Cao

3. Phân biệt chàm sữa và mụn sữa qua triệu chứng bệnh

Thông qua biểu hiện bệnh, chúng ta có thể dễ dàng phân biệt được chàm sữa và mụn sữa. Mặc dù hai bệnh đều xuất hiện từ sớm trong những tháng đầu đời của trẻ, có thể tự khỏi khi trẻ lớn hơn nhưng sẽ có những điểm khác biệt cụ thể như:

Triệu chứng chàm sữa

Chàm sữa là bệnh hay xuất hiện khi thời tiết lạnh, khô, đặc trưng bởi tình trạng da đỏ, khô và ngứa. Vị trí bệnh phổ biến nhất là ở 2 bên má, các vùng da bị chàm có tính chất đối xứng ở hai bên mặt.

Chàm sữa thường xuất hiện ở mặt, có 3 đặc trưng là da khô, đỏ, ngứa
Chàm sữa thường xuất hiện ở mặt, có 3 đặc trưng là da khô, đỏ, ngứa

Nếu không được chăm sóc đúng cách, bệnh có thể lan sang các vùng da như bên tai, trán, cằm, da đầu, mặt duỗi cẳng tay, cẳng chân, tứ chi, thân mình, khuỷu… Tuy nhiên, chàm sữa thường không xuất hiện ở vùng mũi.

Bệnh khởi phát với sự xuất hiện của một vùng da khô, tấy đỏ, hơi ngứa. Sau đó, trên nền da đỏ có các mụn nước li ti tập trung thành đám. Tiếp đó, các mụn nước này vỡ ra, chảy dịch, khi lau bằng khăn thấy có màu vàng. Dịch khô dần, da đóng vảy rồi bắt đầu bong ra, làn da dần trở lại bình thường nhưng khô, căng, có vảy nhỏ li ti.

Khi bị chàm sữa, trẻ thường rất khó chịu, hay lấy tay cào, gãi mặt hoặc dụi mặt vào gối, người mẹ để đỡ ngứa. Điều này vô tình khiến các mụn nước vỡ ra, làm bệnh lâu lành và có nguy cơ bội nhiễm ở trẻ bị chàm sữa.

Triệu chứng mụn sữa

Mụn sữa ở trẻ sơ sinh là những nốt mụn nhỏ li ti màu trắng hoặc đỏ, thường xuất hiện ở mũi, má, trán, cằm, cổ, đầu của trẻ. Đầu mụn sữa có mủ, màu trắng đục, có thể có viền đỏ xung quanh.

Kích thước của các mụn sữa rất nhỏ, từ 1 – 2mm, đa phần là lành tính, trẻ không có biểu hiện bất thường gì về xuất khỏe. Mụn sữa ở trẻ không gây đỏ da, không sưng, không ngứa tuy nhiên, khi quần áo hoặc ga nệm thô có thể gây kích ứng khiến da đỏ lên.

Mụn sữa ở trẻ sơ sinh có thể biến mất trong 5 – 7 ngày hoặc kéo dài đến khi trẻ được 2 tuổi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp, mụn sữa tiến triển thành mụn mủ hoặc mụn đầu đen gây đau, sưng, viêm khiến trẻ khó chịu, hay quấy khóc.

4. Phân biệt qua hướng điều trị từng bệnh

Chàm sữa và mụn sữa là hai bệnh khác nhau nên cách chăm sóc và điều trị đối với mỗi trường hợp là không giống nhau:

Cách điều trị bệnh chàm sữa

Chàm sữa là bệnh khó điều trị dứt điểm, hay tái phát. Để điều trị bệnh thì cần xác định được nguyên nhân khiến đợt chàm cấp của trẻ xuất hiện. Đối với căn bệnh này, nguyên tắc xử trí chủ yếu là dưỡng ẩm, chăm sóc da, điều trị viêm và ngứa cho trẻ. Các bước điều trị chàm sữa cho trẻ sơ sinh như sau:

  • Làm sạch, dưỡng ẩm cho da: Trẻ bị chàm sữa nên được tắm bằng nước ấm 1 – 2 lần/ngày, mỗi lần không quá 15 phút. Khi tắm nên dùng sữa tắm chuyên dụng cho da chàm. Sau tắm 3 phút thì thoa kem dưỡng ẩm dành riêng cho da chàm, kem dưỡng ẩm nên thoa 2 – 3 lần/ngày.
  • Sử dụng kem chống viêm: Kem chống viêm thường dùng là Eumovate, Gentrisone, millian 1%, eosine 2%, hydrocortisone 1%, clobetasol butyrate 0.05%… Các loại kem bôi, thuốc mỡ chứa Corticoid cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể.
  • Thuốc kháng sinh, kháng histamin: Nhóm thuốc kháng histamin (clorpheniramin, alimemazin…) có tác dụng giảm ngứa, giảm khó chịu cho bé. Các thuốc kháng sinh (Cephalexin, Cefadroxyl, Erythromycin, oxacillin…) được dùng trong điều trị chàm sữa bội nhiễm.

Việc điều trị chàm sữa ở trẻ em chủ yếu cần chú ý đến cách chăm sóc, kết hợp với sữa tắm và kem dưỡng ẩm trị chàm, cùng một sữa kem trị chàm sữa cho trẻ sơ sinh chuyên dụng. Việc sử dụng thuốc kháng histamine, thuốc kháng sinh chỉ được cân nhắc khi trẻ bị ngứa nghiêm trọng hoặc có nguy cơ bội nhiễm.

Đặc biệt, cần thận trọng với các loại kem, thuốc mỡ chứa corticoid. Các sản phẩm này mặc dù có thể làm giảm triệu chứng bệnh nhanh nhưng vô cùng nguy hiểm. Lạm dụng corticoid có thể gây teo da, nguy cơ nhiễm nấm, suy yếu tuyến thượng thận…

Cách điều trị mụn sữa trẻ sơ sinh

Phần lớn, mụn sữa ở trẻ sơ sinh sẽ biến mất sau vài tuần hoặc vài tháng mà không cần phải dùng bất cứ phương pháp điều trị đặc biệt nào. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trẻ bị nổi mụn hạt kê kéo dài, có thể kèm theo sưng đỏ, ngứa ngáy, đau rát, chảy dịch, có mủ… Đối với trẻ có các triệu chứng này, mẹ nên nhanh chóng đưa con đến bệnh viện, phòng khám chuyên khoa nhi hoặc da liễu để được khám và điều trị kịp thời.

Mụn sữa ở trẻ sơ sinh đa phần có thể tự hết mà không cần điều trị
Mụn sữa ở trẻ sơ sinh đa phần có thể tự hết mà không cần điều trị

→Đừng bỏ qua: Chàm Sữa Ở Lông Mày: Nguyên Nhân và Cách Điều Trị

Lưu ý khi chăm sóc cho trẻ bị chàm sữa và mụn sữa

Việc chăm sóc đóng vai trò rất quan trọng đối với trẻ bị chàm sữa và mụn sữa. Trong quá trình chăm sóc trẻ, cần lưu ý những vấn đề sau đây:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được tắm bằng nước ấm, sử dụng loại sữa tắm chuyên dụng dành cho da trẻ nhạy cảm hoặc trẻ bị chàm. Tránh các loại sữa tắm tạo bọt nhiều vì chúng có thể khiến da trẻ dễ kích ứng, ngứa, nổi mẩn đỏ.
  • Khi trẻ bị mụn sữa, không nên thoa bất kỳ loại kem hoặc thuốc nào lên da vì có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, không dùng tay chà xát lên mụn sữa hoặc vùng da bị chàm sữa để tránh nhiễm trùng.
  • Khi tắm cho trẻ, nước tắm chỉ cần ấm vừa đủ là được, tránh dùng nước quá nóng sẽ gây bỏng, tổn thương làn da mỏng manh của bé, khiến hàng rào bảo vệ da suy yếu.
  • Với trẻ bị chàm sữa, sau tắm, mẹ cần thoa kem dưỡng ẩm cho con để thúc đẩy hồi phục, bảo vệ da và ngăn ngừa bệnh tái phát.
  • Hạn chế trẻ gãi, cào lên vùng da bệnh để tránh tạo thành vết thương hở, khiến tình trạng viêm nghiêm trọng hơn.
  • Trẻ nên được mặc quần áo rộng rãi, mềm, thoáng, thấm hút mồ hôi tốt để tránh bít tắc lỗ chân lông, cọ vào vùng da bệnh gây trầy xước, vỡ các mụn nước.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng đa dạng, lành mạnh. Nếu trẻ bú mẹ thì mẹ nên tránh ăn thức ăn cay nóng, thực phẩm dễ dị ứng. Nếu trẻ đã ăn dặm thì cần hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, ớt, đậu phộng…

Trên đây là một số thông tin giúp mẹ dễ dàng phân biệt chàm sữa và mụn sữa ở trẻ sơ sinh để có cách chăm sóc và điều trị phù hợp cho trẻ. Nếu trẻ bị ngứa nhiều, da mưng mủ, lở loét, vùng da bệnh lan rộng, không có dấu hiệu thuyên giảm… mẹ nên nhanh chóng đưa con đến phòng khám, bệnh viện chuyên khoa nhi hoặc da liễu để được thăm khám và điều trị.

Xem thêm: Hướng Dẫn Trị Chàm Sữa Bằng Mẹo Dân Gian An Toàn, Hiệu Quả