Bà Bầu Bị Chàm Bội Nhiễm Nguy Hiểm Không? Cách Trị An Toàn

Bà bầu bị chàm bội nhiễm cần lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp để nhanh chóng kiểm soát được các dấu hiệu khó chịu và đảm bảo an toàn cho thai nhi. Ngoài việc sử dụng thuốc bác sĩ kê đơn, phụ nữ mắc chàm bội nhiễm khi mang thai cũng cần biết cách chăm sóc da và duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh để nhanh khỏi bệnh, giảm nguy cơ gặp biến chứng.

⇒ Tìm hiểu thêm: Bệnh Chàm Bội Nhiễm Nhũ Hoa Có Nguy Hiểm Không? Cách Điều Trị Tốt Nhất

Bệnh chàm bội nhiễm ở bà bầu là gì?

Chàm bội nhiễm được xem là một dạng nặng và cũng là biến chứng của bệnh eczema. Lúc này, bên cạnh các triệu chứng thông thường của chàm, vùng da tổn thương còn có dấu hiệu bị nhiễm trùng, sưng viêm, phù nề, có thể xuất hiện cả mủ hoặc vết lở loét gây đau rát, ngứa ngáy nghiêm trọng.

Bà bầu bị chàm bội nhiễm
Bị chàm bội nhiễm khi mang thai khiến cho nhiều bà bầu lo lắng và phải đối mặt với không ít triệu chứng khó chịu

Bệnh chàm bội nhiễm có thể xuất hiện ở bất cứ đối tượng nào, nhất là bà bầu. Khi mang thai, sức đề kháng của da yếu, khả năng miễn dịch của chị em cũng suy giảm nên dễ bị virus, vi khuẩn tấn công vào vùng da vốn đang bị tổn thương và khiến cho bà bầu bị chàm bội nhiễm.

Các triệu chứng chàm bội nhiễm khi mang thai có thể ảnh hưởng đến bất cứ vùng da nào trên cơ thể. Do đặc thù cơ địa nên tình trạng chàm bội nhiễm ở bà bầu khó kiểm soát hơn so với những đối tượng khác. Do vậy, tổn thương có thể lây lan nhanh chóng sang các vùng da lành nếu không được điều trị tốt. Bệnh kéo dài thậm chí còn ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý cũng như sức khỏe của bà bầu.

Bà bầu bị chàm bội nhiễm nguyên nhân do đâu?

Bệnh chàm bội nhiễm khi mang thai thường phát triển trên nền tảng đã mắc bệnh chàm (eczema) trước đó. Có nhiều yếu tố thuận lợi khiến cho bệnh tiến triển nặng và dẫn đến bội nhiễm như:

  • Chăm sóc vùng da bị tổn thương không đúng cách, thường xuyên dùng móng tay cào gãi mạnh khiến cho vi khuẩn và các tác nhân gây nhiễm trùng khác tấn công vào da.
  • Điều trị bệnh chàm khi mang thai chậm trễ hoặc không đúng cách khiến bệnh kéo dài, gây tổn thương da nghiêm trọng và dễ bị nhiễm trùng, bội nhiễm virus, vi khuẩn.
  • Bà bầu có cơ địa nhạy cảm và làn da quá khô, dễ bị kích ứng.
  • Khả năng miễn dịch giảm khiến hàng rào bảo vệ da bị suy yếu. Từ đây, các tác nhân gây nhiễm trùng có thể tấn công mạnh mẽ vào vùng tổn thương gây sưng đỏ, phù nề.
  • Bà bầu có tiền sử mắc các bệnh như viêm da cơ địa khi mang thai, viêm da tiếp xúc hay các bệnh lý khác liên quan đến cơ địa dị ứng.
  • Rối loạn nội tiết tố trong thai kỳ gây mất cân bằng độ ẩm trên da và làm khả năng miễn dịch của chị em bị suy giảm.
  • Tắm rửa bằng nguồn nước bị ô nhiễm
  • Môi trường làm việc ẩm thấp, chứa nhiều hóa chất, bụi bẩn.
  • Do bị kích ứng, bội nhiễm do tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như lông chó mèo, kem dưỡng da, kem chống rạn da, sữa tắm, một số loại thực phẩm.
  • Vệ sinh cơ thể kém, không tắm gội và thay quần áo thường xuyên.
  • Khí hậu khô, lạnh khiến da bị mất nước, nứt nẻ, bị vi khuẩn, nấm hay virus xâm nhập.

⇒ Xem thêm: Nguyên Nhân Gây Chàm Sữa Bội Nhiễm, Cách Phòng Ngừa Và Chữa Trị An Toàn

Triệu chứng chàm bội nhiễm khi mang thai

Sau khi tấn công vào da, virus và các tác nhân gây bệnh khác thường ủ bệnh trong một thời gian ngắn, khoảng 5 – 12 ngày trước khi gây ra các triệu chứng rõ ràng. Cùng với các triệu chứng thông thường của bệnh chàm, bà bầu bị chàm bội nhiễm còn xuất hiện các dấu hiệu của nhiễm trùng.

triệu chứng chàm bội nhiễm ở bà bầu
Bệnh chàm bội nhiễm ở bà bầu gây ra những tổn thương viêm đỏ và nhiều mụn nước ngứa trên da

Dưới đây là một số biểu hiện nhận biết bà bầu bị chàm bội nhiễm:

  • Xuất hiện mảng viêm đỏ trên da và vùng tổn thương có khuynh hướng ngày càng lan rộng khi chưa được điều trị.
  • Bề mặt da xuất hiện nhiều mụn nước mọc rải rác hoặc nằm sát nhau thành chùm. Đôi khi, nhiều mụn nước liền kề bị phá bỏ ranh giới và hợp thành một mụn nước lớn hơn.
  • Mụn nước vỡ ra, chảy dịch và huyết thanh rồi đóng vảy dày trên da.
  • Vùng tổn thương khô, dày sừng, thô ráp và bong tróc.
  • Ngứa ngáy nhiều, cơn ngứa có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Cảm giác ngứa có thể tăng lên vào buổi tối.
  • Da phù nề, đau rát và có thể xuất hiện một số vết nứt.
  • Thân nhiệt tăng, có thể bị sốt do ảnh hưởng của nhiễm trùng.

Bà bầu bị chàm bội nhiễm có nguy hiểm không? Có ảnh hưởng đến thai nhi?

Bệnh chàm bội nhiễm không có khả năng lây lan trực tiếp từ mẹ sang em bé trong bụng nhưng lại có khuynh hướng di truyền. Do có tiền sử mắc bệnh từ mẹ, trẻ sinh ra có nguy cơ bị chàm và các bệnh liên quan đến dị ứng (hen phế quản, viêm mũi xoang dị ứng, viêm da cơ địa…)cao hơn người khác. Mặc dù vậy, các mẹ cũng không nên quá lo lắng bởi đa số các trường hợp khởi phát bệnh từ thời thơ ấu đều có thể được kiểm soát tốt khi đến tuổi trưởng thành.

Bên cạnh đó, các tác nhân gây chàm bội nhiễm, đặc biệt là virus, vi khuẩn có thể đi vào trong máu và ảnh hưởng không tốt đến thai nhi nếu không có biện pháp kiểm soát tốt.

Bệnh chàm bội nhiễm ở bà bầu cũng mang đến một số tác hại cho mẹ như:

  • Cảm giác ngứa ngáy, đau rát xuất hiện thường xuyên khiến các mẹ bứt rứt, khó chịu, ăn không ngon, ngủ không yên giấc. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của em bé trong bụng.
  • Lo âu, căng thẳng vì bệnh tật kéo dài
  • Nhiễm trùng máu do vi khuẩn từ vết thương hở xâm nhập vào trong máu. Đây là một biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ lẫn thai nhi.
  • Vùng da bị bệnh tái phát nhiều lần để lại sẹo và có hiện tượng sần sùi, bong tróc da khiến chị em mất tự tin khi giao tiếp, nhất là khi bệnh ảnh hưởng đến các vùng da hở như mặt, tay, cổ.
  • Một số tác nhân gây chàm bội nhiễm khi mang thai (virus, nấm,..) có thể lây truyền và gây bệnh cho người khác khi tiếp xúc da chạm da trực tiếp hoặc dùng chung các đồ vật cá nhân (khăn tắm, chăn, quần áo,…)
  • Bệnh không được điều trị tốt còn khiến tổn thương lan dần ra xung quanh gây chàm bội nhiễm trên diện rộng hoặc chàm bội nhiễm toàn thân.

Có thể thấy, bệnh chàm bội nhiễm ở bà bầu ẩn chứa nhiều tác hại cho cả mẹ lẫn thai nhi. Tuy nhiên, y học hiện đại đã tìm ra nhiều phương pháp khống chế bệnh an toàn, giúp chị em thuận lợi vượt qua thai kỳ. Các mẹ nên tích cực phối hợp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Tránh lo âu, căng thẳng quá mức khiến các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Cách điều trị chàm bội nhiễm ở bà bầu an toàn

Bệnh chàm bội nhiễm ở phụ nữ mang thai được điều trị bằng nội khoa. Bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn những phương pháp điều trị an toàn nhất nhằm kiểm soát các triệu chứng bệnh cho mẹ và hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến thai nhi.

Vậy bà bầu bị chàm bội nhiễm phải làm sao? Dưới đây là một số giải pháp chữa trị và lời khuyên hữu ích cho các mẹ để nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế gặp biến chứng.

1. Sử dụng thuốc bác sĩ kê đơn

Bệnh chàm bội nhiễm ở bà bầu chủ yếu được điều trị bằng các loại thuốc bôi ngoài da. Chúng chỉ có tác dụng tại chỗ nên ít tác dụng phụ và an toàn hơn khi dùng trong thai kỳ. Đôi khi, thuốc uống cũng được bác sĩ kê đơn để điều trị chàm bội nhiễm khi mang thai ở mức độ nặng.

Các loại thuốc được sử dụng nhằm mục đích cải thiện triệu chứng và loại bỏ nguyên nhân khiến bà bầu bị chàm bội nhiễm. Chúng sẽ giúp các mẹ xoa dịu cơn ngứa ngáy khó chịu, giảm hiện tượng viêm đỏ, bong tróc da và đẩy nhanh tốc độ tái tạo tổn thương.

thuốc điều trị chàm bội nhiễm khi mang thai
Một số loại thuốc an toàn khi sử dụng để điều trị cho bà bầu bị chàm bội nhiễm

Được sử dụng phổ biến là các nhóm thuốc sau:

  • Dung dịch sát trùng tại chỗ
  • Thuốc mỡ kháng viêm Steroid
  • Thuốc kháng histamin chống dị ứng, giảm ngứa da
  • Thuốc kháng sinh…

⇒ Tìm hiểu ngay: 9 Thuốc Chữa Chàm Bội Nhiễm Hiệu Quả, An Toàn Nhất

2. Chăm sóc vùng da bị chàm bội nhiễm đúng cách, giảm nhẹ triệu chứng cho bà bầu

Vùng da bị chàm bội nhiễm được chăm sóc đúng cách sẽ nhanh hồi phục, bớt khô ngứa và giảm thiểu tối đa nguy cơ để lại di chứng như sẹo, vết thâm đen. Do vậy, song song với việc dùng thuốc theo đúng liều lượng bác sĩ hướng dẫn, bà bầu bị chàm bội nhiễm cần lưu ý:

  • Vệ sinh khu vực da bị chàm thường xuyên với dung dịch sát khuẩn hay nước ấm. Giữ cho da luôn sạch sẽ, khô ráo, không bị tích tụ mồ hôi hay bụi bẩn.
  • Không tắm rửa bằng nước nóng khiến da bị khô và ngứa ngáy nhiều hơn. Bên cạnh đó, chị em cũng nên thận trọng lựa chọn các loại sữa tắm dịu nhẹ, chứa thành phần an toàn cho da.
  • Thoa kem dưỡng ẩm mỗi ngày 2 – 3 lần kết hợp uống đủ nước để giảm bớt tình trạng khô da, nứt nẻ, đồng thời hỗ trợ làm dịu cơn ngứa ngáy khó chịu.
  • Tránh kỳ cọ mạnh khi tắm hoặc dùng tay gãi ngứa khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Không để vùng da bị bệnh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có cường độ mạnh khiến tổn thương lâu lành và dễ để lại sẹo thâm.
  • Mặc quần áo được làm từ chất liệu cotton mềm mại có khả năng thấm hút mồ hôi tốt hoặc làm từ sợi tự nhiên để tránh gây kích ứng da.

⇒ Mách bạn: Top 6 Son Dưỡng Trị Chàm Môi Hiệu Quả Nhanh, Cấp Ẩm Tốt

3. Chườm mát giảm ngứa da do chàm bội nhiễm ở bà bầu

Bà bầu bị chàm bội nhiễm thường xuyên phải đối mặt với những cơn ngứa ngáy dữ dội cùng cảm giác đau rát, khó chịu. Chườm mát là một giải pháp đơn giản để khắc phục tình trạng này. Chị em nên áp dụng ngay khi tổn thương mới có biểu hiện sưng đỏ để ức chế phản ứng viêm, giúp vùng da bị chàm bội nhiễm bớt phù nề.

Có 3 cách chườm mát thông dụng như sau:

  • Cách 1: Nhúng 1 cái khăn sạch vào trong nước lạnh. Vắt cho ráo bớt nước rồi đắp lên vùng tổn thương.
  • Cách 2: Lấy vài cục đá nhỏ bỏ vào trong túi vải rồi chườm lên khu vực bị ảnh hưởng.
  • Cách 3: Chườm trực tiếp túi gel lạnh lên vùng da tổn thương.
bà bầu bị chàm bội nhiễm phải làm sao
Chườm lạnh có thể giúp giảm sưng viêm, làm dịu cơn ngứa cùng cảm giác đau rát do chàm bội nhiễm khi mang thai gây ra

*Một số lưu ý khi chườm lạnh giảm sưng đau, ngứa rát cho phụ nữ bị chàm bội nhiễm khi mang thai:

  • Không để vùng da bị tổn thương tiếp xúc trực tiếp với cục đá lạnh mà nên bọc đá vào khăn trước khi dùng để tránh hiện tượng bỏng nhiệt.
  • Có thể lặp lại thao tác chườm mát nhiều lần nhưng khoảng cách giữa các lần thực hiện nên cách nhau khoảng 3 tiếng.
  • Mỗi lần không nên chườm lạnh quá 20 phút.
  • Các vùng da đang có vấn đề về tuần hoàn không nên chườm lạnh.

4. Chữa chàm bội nhiễm khi mang thai tại nhà bằng mẹo dân gian

Để cải thiện các triệu chứng bệnh cho bà bầu, dân gian hiện đang lưu truyền nhiều công thức trị chàm bội nhiễm ở bà bầu từ các nguyên liệu thiên nhiên. Dưới đây là những mẹo đang được áp dụng phổ biến:

  • Thoa gel lô hội (nha đam): Nha đam được gọt vỏ, nạo lấy phần gel bên trong ruột và thoa lên khu vực cần điều trị mỗi ngày 2 lần. Nguyên liệu này có tác dụng sát trùng, giảm ngứa, ức chế phản ứng viêm, làm mềm da, giúp các mảng da chết nhẹ nhàng bong tróc ra ngoài mà không gây tổn thương cho bề mặt da.
  • Rửa nước trà xanh: Dùng 1 nắm lá trà xanh rửa sạch, vò nhẹ rồi nấu với 1,5 lít nước. Đun sôi trong khoảng 3 – 5 phút thì cho vào vài hạt muối ăn rồi tắt bếp. Để nước nguội bớt lấy vệ sinh vùng da tổn thương mỗi ngày vài lần hoặc pha vào nước tắm nếu bà bầu bị chàm bội nhiễm trên diện rộng.
  • Dùng dầu ô liu hoặc dầu dừa: Cả hai loại dầu này đều có đặc tính kháng khuẩn, dưỡng ẩm, thúc đẩy quá trình tái tạo các mô bị tổn thương, giúp vùng da bị chàm bớt ngứa ngáy, thô ráp. Mỗi ngày, bà bầu chỉ cần lấy một lượng dầu vừa đủ thoa lên vùng tổn thương 2 – 3 lần là được.

⇒  Bỏ túi ngay: Trị Chàm Khô Bằng Dầu Dừa Với 5 Cách Đơn Giản, Lành Tính

Bên cạnh các nguyên liệu trên, dân gian còn sử dụng dưa leo, mật ong, giấm táo hay mướp đắng để điều trị chàm bội nhiễm khi mang thai. Tuy nhiên, những phương pháp truyền miệng này chưa được khoa học chứng minh về hiệu quả và cũng không đảm bảo các nguyên liệu sử dụng đều vô trùng tuyệt đối. Mẹ bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi có ý định áp dụng các mẹo chữa bệnh tại nhà.

5. Kiểm soát căng thẳng

Stress kéo dài là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ khiến bà bầu bị chàm bội nhiễm. Cùng với đó là tâm trạng lo âu, căng thẳng quá mức càng thúc đẩy các triệu chứng bệnh bùng phát và trở nên nghiêm trọng hơn, từ đó ảnh hưởng không tốt đến kết quả điều trị.

Chính vì những lý do trên, việc kiểm soát căng thẳng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ điều trị và giảm nhẹ triệu chứng, giúp bà bầu nhanh chóng kiểm soát được tình trạng chàm bội nhiễm khi mang thai.

cách chữa chàm bội nhiễm ở bà bầu
Bà bầu bị chàm bội nhiễm cần tránh căng thẳng nếu không muốn các triệu chứng bệnh bùng phát nghiêm trọng hơn

Một số cách đơn giản để kiểm soát căng thẳng, cải thiện tâm trạng cho mẹ bầu:

  • Tâm sự, chia sẻ với bạn bè, người thân hay bác sĩ về những băn khoăn, lo lắng của mình để nhận được những lời khuyên hữu ích.
  • Tập yoga hay các bài tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp cải thiện tâm trạng, tăng cường sức đề kháng và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
  • Tham gia các hội nhóm bà bầu bị chàm bội nhiễm để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với những chị em đồng cảnh ngộ.
  • Ngủ đủ giấc
  • Sắp xếp kế hoạch làm việc hợp lý
  • Nghe nhạc, đọc sách hoặc làm những công việc bản thân yêu thích.
  • Gặp gỡ, trò chuyện với các chuyên gia tâm lý nếu thường xuyên rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu quá mức.

6. Đẩy lùi bệnh chàm bội nhiễm ở bà bầu qua chế độ ăn uống

Bà bầu bị chàm bội nhiễm được khuyến cáo nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh để cải thiện thể trạng, giúp hỗ trợ đẩy lùi bệnh và kích thích tái tạo tổn thương từ bên trong cơ thể. Vậy bị chàm bội nhiễm khi mang thai nên ăn gì và kiêng gì?

– Các thực phẩm nên bổ sung:

  • Thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B, C, E: Rau lá xanh, các loại rau củ có màu đỏ, chuối, bơ, trái cây có múi,…
  • Thực phẩm giàu omega 3: Cá hồi, đậu nành, cá thu, dầu gan cá tuyết, hạt óc chó, hạnh nhân.
  • Thực phẩm chữa nhiều kẽm: Bột yến mạch, vừng đen, đầu Hà Lan…
  • Sữa chua
  • Mật ong
  • Các gia vị kháng viêm: Gừng, nghệ, tỏi, quế…

– Thực phẩm phụ nữ bị chàm bội nhiễm khi mang thai nên kiêng:

  • Tôm, cua và một số loại hải sản
  • Nội tạng động vật
  • Thức ăn nhanh
  • Thịt gà, thịt bò
  • Thức ăn được chế biến với nhiều đường, muối, dầu mỡ và gia vị cay.
  • Kiêng uống bia, rượu và các chất kích thích.

Phòng ngừa chàm bội nhiễm khi mang thai

Phụ nữ mang thai là nhóm đối tượng có nguy cơ bị chàm bội nhiễm khá cao. Để ngăn ngừa bệnh, bà bầu có thể áp dụng các biện pháp dưới đây:

  • Kiểm soát tốt bệnh chàm và các vấn đề về sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ bị chàm bội nhiễm.
  • Uống đủ nước mỗi ngày và sử dụng các sản phẩm kem dưỡng phù hợp để da không bị khô
  • Tránh tắm bằng nước quá nóng khiến lớp màng bảo vệ da bị tổn thương. Dùng khăn mềm thấm khô người trước khi mặc quần áo.
  • Trang phục hàng ngày nên lựa chọn các loại có chất liệu thoáng khí, rộng rãi và mềm mại để tránh cọ sát vào da.
  • Lắp đặt và sử dụng máy phun sương trong nhà để tạo độ ẩm nếu thời tiết hanh khô quá mức.
  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng để củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể.
  • Hạn chế sử dụng mỹ phẩm hoặc tiếp xúc với các chất kích thích như hóa chất, phấn hoa, khói thuốc lá… trong thời gian mang thai.
  • Không để cơ thể đổ nhiều mồ hôi hoặc tích tụ mồ hôi trên cơ thể quá lâu, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển mạnh gây nhiễm trùng.
  • Loại bỏ các thực phẩm gây dị ứng ra khỏi thực đơn
  • Duy trì thái độ tích cực, lạc quan kết hợp giảm bớt khối lượng công việc và có chế độ vận động, nghỉ ngơi hợp lý để nâng cao sức khỏe, giảm nguy cơ bị chàm bội nhiễm khi mang thai.

Khi mang thai, cơ thể người mẹ có nhiều sự biến đổi lớn và có thể thường xuyên bị ốm nghén kết hợp với triệu chứng khó chịu do bệnh tật mang lại sẽ ảnh hưởng lớn đến tinh thần cũng như sức khỏe của mẹ. Vì vậy, bà bầu bị chàm bội nhiễm nên tích cực điều trị và đừng bỏ qua những lời khuyên hữu ích từ bác sĩ để kiểm soát tốt bệnh cho đến ngày vượt cạn thành công.

⇒ Xem thêm: Cách Xử Lý Và Phòng Ngừa Chàm Bội Nhiễm Ở Trẻ Em