Hướng Dẫn Phân Biệt Chàm Sữa Và Rôm Sảy Tránh Nhầm Lẫn
Chàm sữa và rôm sảy đều là những bệnh da liễu thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có nhiều đặc điểm tương đối giống nhau, đều đặc trưng bởi tình trạng xuất hiện những mảng da đỏ, phía trên có các mụn nước nhỏ li ti. Tuy nhiên, hai bệnh này không phải là một, chúng ta có thể phân biệt chàm sữa và rôm sảy thông qua những đặc điểm dưới đây.
⇒Xem ngay: Trẻ Sơ Sinh Bị Chàm Sữa Có Tự Hết Không? Bao Lâu Thì Khỏi?
Phân biệt chàm sữa và rôm sảy ở trẻ sơ sinh
Chàm sữa và rôm sảy đều là những bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, không lây và đều chịu tác động của thời tiết, yếu tố môi trường và chế độ dinh dưỡng. Cả hai bệnh đều gây ngứa, đỏ một vùng da nhất định, phía trên có những mụn nước nhỏ li ti. Mặc dù có nhiều đặc điểm giống nhau nhưng hai bệnh này không phải là một, có thể phân biệt như sau:
1. Về nguyên nhân bệnh
Rôm sảy và chàm sữa đều là bệnh ngoài da, không phải là bệnh truyền nhiễm nên hoàn toàn không lây lan. Có thể dễ dàng phân biệt hai bệnh này thông qua nguyên nhân gây bệnh:
Bệnh chàm sữa
Chàm sữa ở trẻ em còn được gọi là lác sữa, là tình trạng viêm da mạn tính, thường gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 2 tháng đến 2 tuổi. Bệnh khó điều trị dứt điểm, có nguy cơ tái phát cao.
Nguyên nhân gây bệnh chàm sữa rất phức tạp, chưa thể xác định được chính xác. Tuy nhiên, các nghiên cứu nhận thấy rằng, bệnh có liên quan mật thiết đến yếu tố cơ địa và có tính chất di truyền. Khi gia đình có người mắc các bệnh về dị ứng như viêm da cơ địa, hen suyễn, mề đay thì trẻ có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Ngoài ra, bệnh cũng có thể liên quan đến các yếu tố bên ngoài như:
- Do môi trường và khí hậu: Bệnh phát triển nhanh nếu môi trường ô nhiễm, nấm mốc, nhiều khói thuốc lá. Thời tiết lạnh, hanh khô cũng khiến chàm sữa phát triển mạnh và hay tái phát.
- Ảnh hưởng từ thức ăn của mẹ: Đối với những trẻ bú mẹ, khi mẹ sử dụng quá nhiều thực phẩm dinh dưỡng, nhất là các thực phẩm dễ dị ứng sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ, khiến trẻ bị chàm sữa.
- Do ảnh hưởng của các yếu tố khác: Chàm sữa cũng có thể có liên quan đến các yếu tố khác như bé bị dị ứng thức ăn, dị ứng lông chó, mèo, phấn hoa…
Bệnh rôm sảy
Nếu chàm sữa thường xuất hiện khi thời tiết lạnh, khô thì rôm sảy hay xuất hiện vào thời tiết nắng nóng hoặc ẩm ướt. Rôm sảy còn gọi là ban nóng, xảy ra khi ống mồ hôi của trẻ bị tắc nghẽn, khiến mồ hôi bị ứ đọng, không thể thoát khỏi da.
Rôm sảy được xem là một tình trạng lành tính, xảy ra nhiều ở trẻ sơ sinh là vì ống dẫn mồ hôi của trẻ còn nhỏ, đồng thời, cơ thể chưa thuần thục trong việc điều chỉnh nhiệt độ. Nhìn chung, các yếu tố dẫn đến sự phát triển của bệnh có thể kể đến như:
- Hệ bài tiết trên da chưa hoàn thiện: Ống dẫn mồ hôi còn nhỏ, cơ thể chưa điều chỉnh nhiệt độ tốt, dẫn đến dễ bít tắc ống dẫn mồ hôi.
- Nhiệt độ quá nóng: Thân nhiệt của trẻ thường cao hơn so với người lớn, khi nhiệt độ quá cao, cơ thể bé tiết ra nhiều mồ hôi, trong khi đó, tuyến bài tiết chưa hoàn chỉnh dẫn đến ứ đọng dưới da gây rôm sảy.
- Bé mặc bỉm/quần áo chật: Bé mặc bỉm hoặc quần áo chật, chất vải nóng hoặc mặc nhiều quần áo khiến da bị cọ xát nhiều, dẫn đề mồ hôi không bay hơi được, tồn đọng trên da gây rôm sảy.
- Vệ sinh da bé không đúng cách: Bé không được tắm rửa, vệ sinh thường xuyên, không làm sạch da tốt khiến chất thải tồn đọng trên da, gây bít tắc lỗ chân lông.
⇒Có thể bạn quan tâm: Nổi Mề Đay Ở Trẻ Em: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Nhận Biết
2. Phân biệt chàm sữa và rôm sảy qua vị trí bệnh
Không chỉ khác nhau về nguyên nhân bệnh mà vị trí bệnh của chàm sữa và rôm sảy cũng không giống nhau:
Chàm sữa
Bệnh chàm sữa thường xuất hiện đối xứng nhau ở 2 bên gò má của trẻ. Nếu nghiêm trọng có thể lan đến trán, da đầu, cằm (không có ở mũi). Một số trường hợp có thể lan đến chẳng chân, cẳng tay, thân mình, khuỷu, tứ chi…
Rôm sảy
Rôm sảy thường gặp ở những nơi ra nhiều mô hôi, da bị cọ sát như ở vùng cổ, nách, mông, eo, mặt. Lý do là ở những khu vực ra nhiều mồ hôi, cơ thể khó giải phóng hơi ẩm, đặc biệt khi vùng đó có nếp gấp da hoặc bị chặn bởi quần áo chật.
3. Các phân biệt chàm sữa và rôm sảy qua triệu chứng
Rôm sảy và chàm sữa đều là những bệnh dễ tái phát, có thể tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, đây là 2 bệnh khác nhau, có thể phân biệt chàm sữa và rôm sảy thông qua các biểu hiện đặc trưng sau:
Bệnh chàm sữa
Chàm sữa là bệnh có thể xuất hiện quanh năm, phổ biến nhất là vào thời điểm thời tiết lạnh, khô. Bệnh có tính chất gia đình và có liên quan mật thiết đến yếu tố cơ địa. Thường sẽ thuyên giảm và biến mất sau vài tuần. Bệnh có 3 triệu chứng đặc trưng chính là da đỏ, khô và ngứa nhiều, các vùng da bị chàm có tính chất đối xứng ở hai bên mặt.
Bệnh được chia làm 5 giai đoạn chính là:
- Giai đoạn tấy đỏ – xuất hiện một vùng da khô có ranh giới rõ ràng, hơi tấy đỏ, ngứa, sau xuất hiện các mụn nhỏ li ti như hạt kê.
- Giai đoạn mụn nước – da xuất hiện các mụn nước có xu hướng tập trung thành đám trên nền da đỏ
- Giai đoạn chảy dịch với sự vỡ ra của các mụn nước gây xuất tiết, chảy dịch, gây hiện tượng áo, gối hoặc tấm lót bé nằm có màu vàng nhạt.
- Giai đoạn đóng vảy là giai đoạn mà các mụn nước khô dần và đóng vảy, bề mặt vảy có màu vàng.
- Giai đoạn bong vảy – tình trạng các vảy bong ra, da dần trở lại trạng thái bình thường nhưng có dấu hiệu khô, mỏng hơn thông thường.
Khi mắc chàm sữa, vùng da bệnh của trẻ thường rất thô ráp, khô, căng. Da nhạy cảm, dễ kích ứng, ngứa nhiều khiến bé thường dùng tay cào gãi hoặc dụi mặt vào gối, vào người mẹ cho đỡ ngứa.
Bệnh rôm sảy
Bệnh rôm sảy ở trẻ em thường biểu hiện ở dạng nốt sẩn đỏ hoặc hồng, có thể trông giống vết côn trùng đốt hoặc nút mụn. Ngoài ra, có ba loại rôm sảy khác nhau, đặc trưng của mỗi loại cũng không giống nhau:
- Rôm sảy kết tinh: Là loại thường gặp, không gây đau, xuất hiện trong vài giờ hoặc vài ngày ở dạng mụn nước trong.
- Rôm sảy đỏ: Thường gặp nhất, loại này gây kích ứng, có thể xuất hiện trong vài ngày hoặc vài tuần, đặc trưng là các sẩn đỏ hoặc hồng.
- Rôm sảy sâu: Là loại hiếm gặp, thời gian bệnh kéo dài nhiều tuần, đặc trưng là các nốt hoặc nang to, có màu giống màu da, dễ vỡ, gây đau cho trẻ. Với loại này, trẻ cần được thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Rôm sảy chủ yếu xuất hiện vào mùa hè, khi thời tiết nóng bức hoặc khi mẹ ủ bé quá mức, cho trẻ mặc quá nhiều quần áo chật, khó thấm hút mồ hôi. Bệnh đặc trưng bởi những nốt mụn nước trắng trong li ti, gây ngứa ở những vị trí có nhiều tuyến mồ hôi như cổ, trán, lưng, ngực, kẽ nách, háng, eo, mặt…
⇒Hữu ích: Lá Tắm Thảo Dược Thuốc Dân Tộc Trị Rôm Sảy, Viêm Da, Mề Đay
4. Phân biệt rôm sảy và chàm sữa qua hướng điều trị
Chàm sữa và rôm sảy đều là những bệnh da liễu lành tính, có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc đúng trẻ, tình trạng bệnh của trẻ có thể nghiêm trọng, kéo dài lâu khỏi, dễ tái phát và có nguy cơ bội nhiễm cao. Cách điều trị của bệnh chàm sữa và rôm sảy có sự khác biệt nhất định như sau:
Cách điều trị bệnh chàm sữa
Bệnh lác sữa ở trẻ sơ sinh có liên quan đến yếu tố cơ địa và di truyền, khó điều trị dứt điểm. Để điều trị bệnh chàm sữa, mẹ cần xác định được nguyên nhân khởi phát đợt chàm cấp và loại bỏ yếu tố này. Nguyên tắc điều trị chàm sữa là chăm sóc, làm ẩm da, điều trị viêm và ngứa.
Cách bước chăm sóc, điều trị khi trẻ bị chàm sữa như sau:
- Dưỡng ẩm, chăm sóc da: Trẻ cần được vệ sinh, tắm rửa 1 – 2 lần/ngày bằng các loại sữa tắm chuyên dụng cho da bị chàm, mỗi lần không tắm quá 15 phút. Sau khi tắm 3 phút, nên thoa kem dưỡng ẩm cho trẻ, sử dụng kem dưỡng ẩm cho da bị chàm sữa, thoa 2 – 3 lần/ngày, chọn loại đã được kiểm nghiệm lâm sàng, uy tín chất lượng.
- Sử dụng kem chống viêm: Kem chống viêm có chứa corticoid thường được sử dụng với trường hợp chàm sữa cấp tính. Trường hợp sang thương đang bội nhiễm, rỉ dịch thì thoa millian 1% hoặc eosine 2% 2 lần/ngày. Trường hợp da tổn thương nặng thì dùng Eumovate, gentrisone… Trường hợp da có dấu hiệu dày sừng thì dùng thuốc mỡ chứa corticosteroid và chất tiêu sừng salicylic acid.
- Thuốc điều trị ngứa: Thường dùng là thuốc kháng histamine (clorpheniramin, alimemazin…), có tác dụng giảm ngứa, thúc đẩy làm lành vùng da bệnh. Thuốc trị chàm cho trẻ em chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua và dùng cho trẻ.
- Thuốc kháng sinh: Kháng sinh chỉ được sử dụng trong trường hợp viêm da có bội nhiễm, khi có chỉ định của bác sĩ. Đối với chàm sữa thể bội nhiễm, thường ưu tiên Cephalexin, Cefadroxyl, erythromycin, oxacillin…
Ngoài ra, chàm sữa ở trẻ em còn có thể được điều trị bằng các loại nước tắm thảo dược hoặc bài thuốc Thanh Bì Dưỡng Can Thang theo y học cổ truyền. Bài thuốc gồm 2 phần là ngâm rửa và bôi da, được đánh giá cao về mức độ an toàn và hiệu quả, phù hợp với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
⇒Tham khảo ngay: Thuốc Bôi Trị Chàm Sữa Cho Trẻ Sơ Sinh An Toàn, Hiệu Quả
Cách điều trị bệnh rôm sảy
Thông thường, rôm sảy sẽ tự hết sau vài giờ, vài ngày hoặc vài tuần. Để điều trị rôm sảy, trước hết cần phải giảm nhiệt độ cơ thể để ngăn ngừa chảy mồ hôi khiến các ống dẫn bị tắc nghẽn. Nếu có điều kiện, hãy cho trẻ nằm điều hòa, nhiệt độ phòng thích hợp là 26 độ C.
Một số cách chăm sóc, điều trị rôm sảy cho trẻ có thể kể đến như:
- Giảm nhiệt độ cho cơ thể: Nhúng một chiếc khăn vào nước mát, đặt lên vùng da bị viêm trong 20 phút. Sau đó, thấm khô vùng da bị viêm, để vùng da này tiếp xúc với không khí để làm mát da, ngăn ngừa kích ứng.
- Áp dụng mẹo dân gian: Với rôm sảy, mẹ có thể cho bé tắm lá khế, mướp đắng, lá tía tô, kinh giới… để làm sạch da, kháng viêm, kháng viêm. Tuy nhiên, cần lưu ý, chỉ tắm lá khi trẻ mới bị rôm sảy, các mụn nước chưa vỡ, không có bội nhiễm. Tắm lá có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn khi có dấu hiệu bội nhiễm.
- Sử dụng kem bôi ngoài da: Có rất nhiều loại kem bôi ngoài da có tác dụng trị rôm sảy cho trẻ. Khi sử dụng các sản phẩm này, mẹ nên chọn những loại uy tín, đảm bảo chất lượng, phù hợp với độ tuổi của trẻ. Thận trọng với các sản phẩm chứa corticoid, chúng có thể làm giảm triệu chứng nhanh nhưng vô cùng nguy hiểm, có thể gây teo da, suy tuyến thượng thận ở trẻ.
- Sử dụng nước tắm thảo dược: Với tình trạng rôm sảy nhẹ, các loại nước tắm thảo dược có thể giúp làm dịu da, giảm kích ứng cho trẻ. Có rất nhiều loại nước tắm thảo dược trên thị trường, mẹ nên chọn sản phẩm phù hợp cho bé.
Ngoài ra, trẻ bị rôm sảy có thể được điều trị bằng thuốc giảm viêm, giảm ngứa khi tình trạng bệnh nghiêm trọng, gây ngứa nhiều cho trẻ. Tuy nhiên, mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ, sau khi được kê thuốc thì mới được sử dụng, tuyệt đối không tự ý mua và dùng thuốc cho con khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị chàm sữa và rôm sảy
Đối với trẻ bị rôm sảy, nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi tình trạng bệnh kéo dài sau vài tuần hoặc khi có các dấu hiệu như đau nhiều, sốt hoặc ớn lạnh, các hạch bạch huyết sưng hoặc mưng mủ, sưng quanh nốt ban. Đối với trẻ bị chàm sữa, cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay nếu bé gặp phải tình trạng mụn nước mưng mủ, sưng nóng, lở loét…
Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc trẻ, ba mẹ cần lưu ý những vấn đề sau đây:
- Nhiệt độ phòng nên được duy trì ở mức từ 26 – 28 độ C, nếu sử dụng điều hòa, khi không khí khô, mẹ nên dùng máy phun sương, tạo ẩm để duy trì độ ẩm phòng ở mức thích hợp, phù hợp cho bé.
- Trẻ nên được làm sạch da đúng cách để rửa sạch bụi bẩn, vi khuẩn, làm thông thoáng da. Do đó, mẹ nên tắm cho bé 1 – 2 lần/ngày bằng nước ấm, sử dụng loại sữa tắm, nước tắm phù hợp.
- Đối với trẻ bú mẹ, mẹ cần chú ý chế độ ăn uống, nên đa dạng các nhóm dưỡng chất, khi sử dụng các thực phẩm có nguy cơ dị ứng, nên quan sát các biểu hiện trên da của bé để xác định nguy cơ bệnh.
- Rôm sảy và chàm sữa đều khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu. Tuy nhiên, mẹ cần hạn chế việc trẻ cào gãi để tránh nguy cơ mụn vỡ, tạo thành vết thương hở, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập, làm bệnh lâu lành, dễ nhiễm trùng hơn.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thân nhiệt cao, mẹ cần tránh ủ bé, nên cho con mặc đồ thoáng mát để giúp thoát mồ hôi nhanh, tránh gây bí bách, kích ứng da.
Trên đây là một số thông tin giúp bạn biết cách phân biệt chàm sữa và rôm sảy dễ dàng. Mặc dù đều là bệnh lành tính, không nguy hiểm nhưng hai căn bệnh này đều gây ngứa ngáy, khó chịu, khiến trẻ hay quấy khóc, khó ngủ. Do đó, khi con mắc bệnh, mẹ nên chú ý chăm sóc trẻ đúng cách để giúp con được dễ chịu, thoải mái và nhanh khỏi bệnh hơn.
Xem thêm: Cách Trị Chàm Sữa Bằng Mẹo Dân Gian An Toàn, Hiệu Quả
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!