Nội dung chính

Nổi mề đay là tình trạng khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ từ 1 – 7 tuổi. Tình trạng này thường xảy ra do tiếp xúc với mủ thực vật, động vật, dị ứng thức ăn, thời tiết hoặc do ảnh hưởng của các bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể. Thống kê cho thấy, có đến 80% trường hợp mề đay tự thuyên giảm sau 24 – 48 giờ đồng hồ. 

bé 3 tuổi hay bị nổi mề đay
Nổi mề đay mẩn ngứa thường ảnh hưởng đến trẻ từ 1 – 7 tuổi

Nổi mề đay ở trẻ em – Phân loại

Nổi mề đay (mày đay) là tình trạng da liễu phổ biển ở cả trẻ em và người lớn. Tình trạng này thực chất là phản ứng viêm của da khi có các yếu tố kích ứng và dị ứng tác động. Thống kê cho thấy, mỗi người đều có khả năng nổi mề đay ít nhất 1 lần trong đời. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp nổi mề đay đều bùng phát đột ngột, ồ ạt và thuyên giảm nhanh trong vòng 24 giờ đồng hồ.

Nổi mề đay mẩn ngứa phổ biến hơn ở trẻ từ 1 – 7 tuổi do lúc này, hệ miễn dịch của bé chưa phát triển hoàn chỉnh và dễ bị kích thích khi có tác động nội sinh lẫn ngoại sinh. Dựa vào thời gian tiến triển, mề đay được chia thành 2 loại, bao gồm:

  • Nổi mề đay cấp ở trẻ em (kéo dài dưới 6 tuần): Đặc trưng bởi tình trạng tổn thương da bùng phát đột ngột nhưng thuyên giảm nhanh chóng. Thống kê cho thấy, mề đay cấp có thể biến mất hoàn toàn sau khoảng 24 – 48 giờ và hầu như không để lại dấu vết.
  • Nổi mề đay mãn tính ở trẻ em (kéo dài hơn 6 tuần): Bùng phát chậm, tiến triển dai dẳng và âm ỉ. Mề đay mãn tính thường có liên quan đến các bệnh lý tiềm ẩn như nhiễm giun sán, ảnh hưởng của các bệnh hệ thống,… Ngoài ra, một số trường hợp mề đay mãn tính không thể xác định được nguyên nhân cụ thể (mề đay vô căn).

Mề đay mẩn ngứa là tình trạng da liễu tương đối lành tính. Bệnh chủ yếu gây ngứa, tổn thương da kèm nóng rát (ít gặp). Do đó, điều trị chủ yếu là kiểm soát ngứa ngáy nhằm hạn chế các ảnh hưởng của bệnh đối với chất lượng cuộc sống. Mặc dù không phổ biến nhưng mề đay cũng có thể là biểu hiện của sốc phản vệ – phản ứng dị ứng có mức độ nghiêm trọng, đe dọa đến trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của trẻ nhỏ.

Dấu hiệu nhận biết nổi mề đay ở trẻ nhỏ

Mề đay mẩn ngứa là tình trạng da liễu có triệu chứng tương đối đa dạng tùy thuộc vào nguyên nhân, cơ địa và yếu tố kích thích. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp nổi mề đay đều có triệu chứng rõ ràng và rất dễ nhận biết.

mẹo chữa mề đay cho bé
Nổi mề đay đặc trưng bởi sự xuất hiện của các sẩn cục, da đỏ, phù nề và ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội

Các dấu hiệu nhận biết nổi mề đay mẩn ngứa ở trẻ nhỏ, bao gồm:

  • Da đỏ và xuất hiện các sẩn, mảng có kích thước đa dạng, đao dộng từ vài mm đến hơn 20cm
  • Sẩn, ban đỏ thường có hình tròn, một số trường hợp có hình dáng đa dạng hơn
  • Đặc trưng của mề đay là da nổi sẩn cứng, bờ tròn, có màu đỏ hồng hoặc trắng, nổi cộm và thường có ranh giới rõ so với vùng da xung quanh
  • Tổn thương do mề đay xuất hiện ở vùng da tiếp xúc (trong trường hợp do côn trùng, hóa chất,…), sau đó lan dần ra vùng da xung quanh. Nếu xảy ra do dị ứng thời tiết, thức ăn và các yếu tố nội sinh, mề đay có thể ảnh hưởng trên phạm vi da rộng hoặc thậm chí lan tỏa toàn thân.
  • Xuất hiện hiện tượng phù dưới da nếu mề đay xảy ra ở những vùng da mỏng như môi, mí mắt và cơ quan sinh dục
  • Khi mới bùng phát, mề đay thường đi kèm với hiện tượng nóng rát nhưng không kéo dài. Sau đó, da chuyển sang ngứa ngáy âm ỉ đến dữ dội
  • Mề đay có đặc tính bùng phát đột ngột, rầm rộ và thuyên giảm nhanh. Chỉ có khoảng 20% trường hợp mề đay khởi phát chậm, âm ỉ và dai dẳng

Mề đay thường là phản ứng của da khi cơ thể bị dị ứng. Do đó, đây còn có thể là biểu hiện của sốc phản vệ – một trong những phản ứng dị ứng có mức độ nghiêm trọng. Vì vậy, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện nếu mề đay đi kèm với các dấu hiệu sau:

  • Khó thở
  • Buồn nôn
  • Sưng, ngứa cổ họng
  • Choáng đầu
  • Đau bụng
  • Phù mí mắt

Sốc phản vệ là phản ứng quá mức của cơ thể đối với các yếu tố kích ứng và dị ứng. Nếu không kịp thời xử lý, trẻ có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Do đó, phụ huynh không nên chủ quan khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường ở con trẻ.

Nguyên nhân gây nổi mề đay ở trẻ nhỏ

Mề đay là tình trạng viêm da khi cơ thể phản ứng với các yếu tố kích ứng và dị ứng. Qua nhiều nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy, mề đay có liên quan đến chất trung gian gây dị ứng – histamine với cơ chế vô cùng phức tạp.

bé 7 tuổi bị nổi mề đay
Dị ứng thức ăn là một trong những nguyên nhân gây nổi mề đay mẩn ngứa ở trẻ nhỏ

Dưới đây là một số yếu tố có khả năng gây nổi mề đay ở trẻ em:

  • Tác nhân vật lý: Tác nhân vật lý (nhiệt độ nóng, lạnh, mồ hôi,…) là yếu tố thường gặp nhất gây mề đay mẩn ngứa – đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Trẻ có thể bị nổi mề đay sau khi tiếp xúc với ánh nắng cường độ cao, tia xạ, tia cực tím hoặc do tiếp xúc với gió lạnh, tắm nước lạnh,… Trường hợp nổi mề đay do vận động mạnh gây tăng thân nhiệt và đổ nhiều mồ hôi được gọi là mề đay Cholinergic.
  • Tác nhân thực vật, động vật: Tiếp xúc với mủ thực vật (cây sơn, cây tầm ma, phong lữ thảo, cây trường xuân) hoặc động vật (muỗi, ong, bọ chét, rệp,…) có thể kích thích mề đay bùng phát. Nếu xảy ra do những tác nhân này, mề đay còn có thể đi kèm với tổn thương dạng viêm da tiếp xúc.
  • Tác nhân cơ học: Các tác nhân cơ học như ma sát, gãi cào, chà xát,… đều có thể là yếu tố kích thích mề đay bùng phát ở trẻ nhỏ. Mề đay do tác nhân cơ học thường được gọi là chứng mề đay vẽ nổi.
  • Dị ứng thức ăn: Dị ứng thức ăn là nguyên nhân phổ biến gây nổi mề đay mẩn ngứa ở trẻ nhỏ. Lúc này, thức ăn đóng vai trò là dị nguyên kích thích phản ứng quá mẫn của hệ miễn và kết quả là gây phóng thích histamine vào da, niêm mạc. Ngoài tổn thương da, dị ứng thức ăn còn có thể đi kèm với tình trạng buồn nôn, nôn mửa, ngứa họng và rối loạn tiêu hóa.
  • Các yếu tố khác: Nổi mề đay ở trẻ nhỏ còn có thể là hệ quả do sử dụng một số loại thuốc, ảnh hưởng của các bệnh hệ thống (Reticulose, Collagenose, Amyloidose,…), dị ứng thời tiết, cơ thể mệt mỏi, sang chấn tâm lý, xúc động quá mức hoặc do nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng,…

Trẻ nhỏ là đối tượng nhạy cảm do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh. Do đó, trẻ rất dễ bị nổi mề đay khi có các yếu tố dị ứng và kích ứng. Trên thực tế, có rất nhiều yếu tố có thể làm bùng phát mề đay mẩn ngứa ở trẻ em. Thông tin trong bài viết chỉ đề cập đến những yếu tố phổ biến nhất.

Mề đay ở trẻ em có nguy hiểm không?

Như đã đề cập, mề đay là biểu hiện ngoài da do cơ thể bị dị ứng và có tính chất tương đối lành tính. Hơn 80% trường hợp mề đay có thể tự thuyên giảm sau 24 – 48 giờ mà không cần điều trị. Ở một số ít trường hợp, mề đay có thể diễn tiến dai dẳng và phát triển mãn tính. Bệnh chủ yếu gây ngứa kèm theo tổn thương da và hoàn toàn không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Tuy nhiên, ngứa ngáy kéo dài do mề đay có thể khiến trẻ bứt rứt, khó chịu và mất ngủ. Với trẻ lớn, mề đay còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ và ngoại hình khiến trẻ hình thành tâm lý tự ti, e ngại. Do đó, phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị y tế trong trường hợp mề đay kéo dài hơn 3 – 5 ngày.

bệnh nổi mề đay ở trẻ em
Nổi mề đay kéo dài gây ngứa ngáy dai dẳng khiến trẻ khó chịu, mệt mỏi, bứt rứt và khó ngủ

Trong trường hợp mề đay đi kèm với các dấu hiệu sốc phản vệ, nên đến bệnh viện trong thời gian sớm nhất. Nếu không xử lý kịp thời, trẻ có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Đây là tình trạng tương đối hiếm gặp nhưng có mức độ nghiêm trọng và diễn tiến rất nhanh. Vì vậy, phụ huynh không nên chủ quan trước các biểu hiện khác lạ ở con trẻ.

Cách điều trị bệnh mề đay cho trẻ em

Đa phần nổi mề đay đều có mức độ nhẹ và tự thuyên giảm sau 24 – 48 giờ đồng hồ mà không để lại dấu vết. Tuy nhiên nếu mề đay kéo dài hơn vài ngày, phụ huynh nên thực hiện một số biện pháp điều trị để giảm ngứa ngáy, tránh tình trạng trẻ gãi cào khiến da chảy máu, trầy xước.

1. Điều trị mề đay cấp ở trẻ em

Mặc dù bùng phát mạnh, tiến triển nhanh nhưng mề đay cấp tương đối dễ điều trị. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, phụ huynh nên lựa chọn các phương pháp phù hợp với độ tuổi của bé.

cách chữa bệnh mề đay ở trẻ em
Điều trị mề đay cấp ở trẻ em chủ yếu là sử dụng thuốc bôi để làm dịu, tiêu viêm và làm mát da

Dưới đây là một số cách trị mề đay cấp tính cho trẻ em:

  • Kem bôi da: Sử dụng thuốc bôi chứa menthol để làm mát da, tiêu viêm và giảm ngứa. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể sử dụng các loại kem dưỡng dịu nhẹ, chứa Zinc (kẽm), vitamin E, chiết xuất yến mạch, nha đam, vitamin B5,… để làm dịu da cho bé.
  • Thuốc kháng histamine H1: Cân nhắc dùng thuốc kháng histamine H1 cho trẻ trên 2 tuổi để giảm ngứa ngáy và cải thiện tình trạng nổi ban đỏ, sẩn ngứa. Lưu ý, không dùng loại thuốc này cho trẻ dưới 2 tuổi nếu không có chỉ định từ bác sĩ.
  • Thuốc kháng cholin: Trong trường hợp bị mề đay Cholinergic, phụ huynh có thể cho trẻ dùng thuốc kháng cholin. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được dùng cho trẻ từ 6 tuổi trở lên và cần phải sử dụng theo đúng liều lượng được bác sĩ khuyến cáo.

Trên thực tế, rất ít trẻ phải sử dụng thuốc uống khi điều trị mề đay cấp. Đa phần đều giảm nhanh cảm giác ngứa, nổi sẩn và ban đỏ khi dùng kem bôi ngoài da.

2. Chữa mề đay mãn tính ở trẻ nhỏ

Mề đay mãn tính tiến triển dai dẳng và hay tái phát. Khác với mề đay cấp, mề đay mãn thường đáp ứng kèm với điều trị bằng thuốc. Do đó để kiểm soát bệnh hoàn toàn, phụ huynh cần cho trẻ dùng thuốc kết hợp với loại trừ căn nguyên.

Các phương pháp điều trị mề đay mãn tính ở trẻ nhỏ:

  • Loại trừ căn nguyên: Tránh để trẻ tiếp xúc với mủ thực vật, côn trùng, hạn chế các loại thực phẩm gây dị ứng,… Ngoài ra, nên cho trẻ thăm khám tổng quát để phát hiện các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như nhiễm ký sinh trùng, bệnh hệ thống,… Loại trừ căn nguyên được xem là yếu tố quan trọng nhất trong kiểm soát và điều trị mề đay mãn tính.
  • Dùng thuốc: Đối với mề đay mãn tính, điều trị chủ yếu là dùng thuốc kháng histamine H1 để giảm ngứa khi cần thiết. Vì thuốc tác dụng trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương nên phụ huynh chỉ dùng thuốc cho bé khi có sự cho phép của bác sĩ chuyên khoa.

Điều trị mề đay mãn tính thường được cá thể hóa tùy vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi, căn nguyên, mức độ đáp ứng,… Do đó trên thực tế, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị không được đề cập trong bài viết.

3. Các biện pháp hỗ trợ

Mề đay là phản ứng viêm ở lớp trung bì khi có các yếu tố kích ứng và dị ứng. Mặc dù là phản ứng ngoài da nhưng mề đay có liên hệ mật thiết với hoạt động rối loạn của hệ miễn dịch. Do đó bên cạnh việc sử dụng thuốc, phụ huynh nên kết hợp với các biện pháp hỗ trợ để kiểm soát hoàn toàn mề đay ở trẻ nhỏ.

cách chữa mề đay cho trẻ em
Cho trẻ tắm nước mát giúp giảm ngứa ngáy đáng kể, đồng thời hỗ trợ giảm ban đỏ và các sẩn cục

Các biện pháp hỗ trợ kiểm soát mề đay ở trẻ em:

  • Cho trẻ tắm hoặc chườm đắp khăn mát để giảm viêm, nóng rát và ngứa ngáy. Khi tắm, có thể thêm vào một số tinh dầu tự nhiên (bạc hà, dầu khuynh diệp,…) để tăng hiệu quả giảm ngứa.
  • Với trẻ trên 2 tuổi, mẹ có thể sử dụng lá tắm chữa mề đay như chè xanh, lá khế, trầu không,… để dứt cơn ngứa, giảm ban đỏ, sẩn cục do mề đay gây ra.
  • Dặn dò trẻ không được chà xát và gãi cào lên da. Tác động cơ học từ phản ứng này có thể khiến mề đay lan rộng và ngứa ngáy dữ dội.
  • Cho trẻ ăn uống điều độ để nâng cao sức khỏe và ổn định hệ miễn dịch. Nghiên cứu cho thấy, chức năng đề kháng tăng giúp giảm phản ứng quá mức của hệ miễn dịch, qua đó cải thiện mề đay mẩn ngứa và các tình trạng da liễu khác.

Phòng ngừa nổi mề đay ở trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh và thể trạng kém. Do đó, trẻ rất dễ bị nổi mề đay khi tiếp xúc với các yếu tố kích ứng và dị ứng. Mặc dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng mề đay gây ngứa nhiều khiến trẻ khó chịu, mất ngủ, khó ngủ và chán ăn. Vì vậy sau khi điều trị, phụ huynh nên thực hiện một số biện pháp nhằm phòng ngừa mề đay tái phát ở con trẻ.

cách chữa mề đay ở trẻ em
Tránh để trẻ tiếp xúc với các yếu tố dị ứng, kích ứng là cách phòng ngừa mề đay hiệu quả

Các biện pháp phòng ngừa mề đay ở trẻ nhỏ tái phát:

  • Không cho trẻ sử dụng thức ăn có tiền sử dị ứng và các loại thực phẩm có khả năng dị ứng cao như mè (vừng), đậu phộng, hải sản,…
  • Dặn dò trẻ không tiếp xúc với côn trùng, thực vật, hóa chất,…
  • Giảm các tác động cơ học cho trẻ bằng cách mặc trang phục rộng rãi, thông thoáng, mang giày đế mềm, có kích cỡ vừa phải.
  • Thông báo với bác sĩ tiền sử trẻ bị nổi mề đay do sử dụng thuốc để được chỉ định loại thuốc phù hợp.
  • Nên vệ sinh không gian sống thường xuyên và dùng thiết bị lọc không khí để loại bỏ nấm mốc, vi khuẩn, côn trùng và các chất dị ứng.
  • Không cho trẻ tắm với nước quá nóng hoặc quá lạnh. Ngoài ra, nên hạn chế đồ uống lạnh, món ăn chứa gia vị cay nóng,…
  • Vào thời điểm nắng nóng, không nên cho trẻ tham gia các hoạt động gây đổ nhiều mồ hôi vì có thể gây mề đay Cholinergic. Thay vào đó, khuyến khích trẻ bơi lội hoặc thực hiện các hoạt động vui chơi trong nhà.
  • Cho trẻ tiêm vaccine đầy đủ để phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm. Thực tế, viêm nhiễm đường hô hấp cũng có thể kích thích phản ứng thái quá của hệ miễn dịch khiến trẻ nổi mề đay và ban đỏ.
  • Nhiễm giun sán là một trong những nguyên nhân gây mề đay mãn tính ở trẻ nhỏ mà nhiều phụ huynh bỏ qua. Do đó, nên cho trẻ xổ giun định kỳ 6 tháng/ lần.

Nổi mề đay là tình trạng da liễu khá phổ biến ở trẻ em và thường có thể tự thuyên giảm sau 24 – 48 giờ. Nếu nhận thấy mề đay kéo dài, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Câu hỏi liên quan

Bệnh mề đay mẩn ngứa có lây không? Có nguy hiểm không? Là thắc mắc của rất nhiều bạn đọc, đặc biệt là những ai đang bị bệnh hoặc nghi ngờ bản thân/người thân của...

Xem chi tiết

Nổi mẩn đỏ, ngứa khắp người sau khi quan hệ là dấu hiệu điển hình của bệnh mề đay. Tình trạng này có thể xảy ra do dị ứng mồ hôi, bao cao su, dị...

Xem chi tiết

Bị nổi mề đay mẩn ngứa cần kiêng gì là vấn đề được bệnh nhân quan tâm. Bởi một số yếu tố có thể khiến mề đay lan rộng, ngứa ngáy dữ dội và tiến...

Xem chi tiết

Nổi mề đay nằm máy lạnh được không? Vấn đề này đang được nhiều người quan tâm. Do một trong những nguyên nhân khiến bệnh khởi phát có yếu tố nhiệt độ nên việc nằm...

Xem chi tiết

Nổi mề đay có tắm được không? Nhiều người bệnh đang quan tâm đến vấn đề này. Do trong dân gian quan niệm rằng việc tiếp xúc với nước khi bị nổi mề đay có...

Xem chi tiết

Nổi mề đay có kiêng gió không là câu hỏi được nhiều người bệnh quan tâm. Trên thực tế, không nhất thiết trường hợp mề đay nào cũng phải kiêng gió, có những trường hợp...

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa

Dinh dưỡng sức khỏe

Dịch vụ & Giải pháp