Chàm môi là căn bệnh da liễu phổ biến ở những người thường xuyên liếm môi, sử dụng kem môi kém chất lượng hoặc tiếp xúc nhiều với hóa chất độc hại. Ban đầu, tổn thương xuất hiện dưới dạng viêm đỏ kèm theo tình trạng khô môi, sau đó có thể hình thành mụn nước gây đóng vảy, bong tróc, nứt nẻ hoặc nghiêm trọng hơn là lở loét. Các triệu chứng bệnh chàm ở môi có khuynh hướng kéo dài và dễ tái phát nếu không được kiểm soát và điều trị tốt.
Định nghĩa chàm môi
Bệnh chàm môi là một dạng viêm da môi có tính chất mãn tính và đóng vảy tiết trên bề mặt tổn thương. Tổn thương do bệnh gây ra có thể ảnh hưởng đến một phần môi trên, môi dưới hay toàn bộ diện tích của hai cánh môi.
Ở giai đoạn mới khởi phát, bệnh chàm môi xuất hiện với điểm đặc trưng là tình trạng viêm đỏ xảy ra ở lớp trên cùng của da môi. Tổn thương sau đó có thể xuất hiện mụn nước gây ngứa, đóng vảy tiết và tạo ra các mảng da bong tróc, nứt nẻ, đôi khi còn gây chảy máu môi. Vùng môi bị chàm trông khá khô và đôi khi còn khiến người bệnh có cảm giác đau rát vô cùng khó chịu.
Các thể thường gặp của chàm môi:
- Viêm môi tiếp xúc kích ứng
- Viêm môi bong vảy
- Viêm môi tiếp xúc dị ứng.
Chàm ở môi không phải là bệnh truyền nhiễm nhưng tổn thương có thể lan rộng đến các vùng da lành xung quanh nếu không được điều trị sớm và chăm sóc đúng cách. Một số trường hợp bị nhiễm trùng dẫn đến lở loét môi, để lại vết thâm đen cùng sẹo xấu gây mất thẩm mỹ, từ đó làm ảnh hưởng lớn đến nhan sắc cũng như sự tự tin trong giao tiếp của bệnh nhân.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khiến môi bị chàm
Một số nghiên cứu từ Y học hiện đại đã phát hiện ra yếu tố di truyền có liên quan mật thiết đến sự phát triển của bệnh chàm môi. Bên cạnh đó, một số trường hợp còn mắc bệnh do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, kích ứng hoặc do ảnh hưởng của thời tiết và tình trạng căng thẳng kéo dài…
Các nguyên nhân gây chàm ở môi phổ biến bao gồm:
- Di truyền: Các trường hợp trong gia đình có tiền sử mắc bệnh chàm hoặc các chứng bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch như hen suyễn, viêm da cơ địa,... dễ bị chàm môi hơn những đối tượng khác. Các triệu chứng bệnh có thể khởi phát ngay từ khi còn nhỏ nếu có yếu tố di truyền.
- Do tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng: Nguyên nhân này ảnh hưởng nhiều hơn đến phụ nữ. Hệ miễn dịch có thể bị kích thích và giải phóng nhiều chất trung gian gây viêm sau khi tiếp xúc kem đánh răng, son môi, mỹ phẩm hay thậm chí là một số thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày. Trường hợp này, các dấu hiệu của bệnh chàm không chỉ ảnh hưởng đến môi mà đôi khi còn xuất hiện ở những vùng da khác.
- Căng thẳng, lo âu kéo dài: Tâm lý bất ổn, thường xuyên bị stress hoặc lo lâu kéo dài làm tăng tiết hormone cortisol ở tuyến thượng thận và gây mất cân bằng nội tiết. Tình trạng căng thẳng quá mức cũng gây suy giảm hệ miễn dịch. Cả hai yếu tố trên đều tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh chàm môi bùng phát.
- Tiếp xúc với chất gây kích ứng: Một cá nhân có thể bị chàm ở môi khi thường xuyên tiếp xúc với các chất gây kích ứng như hóa chất, niken, thành phần có trong son môi hoặc kem cạo râu…
- Thay đổi nội tiết tố nữ: Tình trạng rối loạn nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ miễn dịch và làm giảm khả năng tự bảo vệ của hàng rào da. Hậu quả là da bị khô, mất nước và dễ bị các tác nhân có hại tấn công dẫn đến chàm da môi.
- Thay đổi thời tiết: Thời tiết thay đổi đột ngột khiến cơ thể không kịp thích nghi. Lúc này, hệ miễn dịch bị rối loạn và sản sinh ra nhiều kháng nguyên gây viêm môi và các triệu chứng khác của bệnh chàm.
Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ khiến môi bị chàm:
- Có thói quen liếm môi liên tục.
- Cơ địa mẫn cảm
- Thường xuyên ôm ấp, ngủ chung hoặc tiếp xúc với lông thú cưng trong nhà.
- Bị cảm lạnh, cảm cúm và các bệnh viêm đường hô hấp trên khác
- Mắc các bệnh lý gây suy giảm hệ miễn dịch, chẳng hạn như HIV/AIDS, tiểu đường,...
- Môi trường sống bị ô nhiễm, độ ẩm không khí thấp.
- Làm việc ở nơi có nhiều hóa chất độc hại.
- Cơ thể nhạy cảm với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.
- Từng xăm môi.
Triệu chứng bệnh chàm ở môi
Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh mà người bị chàm môi có thể bắt gặp các triệu chứng khác nhau. Nếu như ở mức độ nhẹ, bạn chỉ cảm thấy môi có cảm giác khô hơn bình thường, nứt nẻ và thường xuyên bong tróc vảy thì bệnh có thể gây ra các vết lở loét hoặc sưng phù khi trở nặng.
Các dấu hiệu bệnh chàm ở môi ban đầu chỉ khu trú ở một vị trí nhất định ở môi trên, môi dưới. Theo thời gian, tổn thương có khuynh hướng lan rộng ra khắp cả hai môi và ảnh hưởng đến cả vùng da lành xung quanh miệng gây thay đổi màu sắc da.
Cụ thể, bạn nên thận trọng với bệnh chàm môi khi bắt gặp các triệu chứng dưới đây:
- Khô môi
- Lớp da phía trên môi ửng đỏ hoặc sưng phù
- Có mụn nước, mẩn đỏ trên môi hoặc da quanh môi
- Bờ môi bị nứt nẻ, có thể chảy máu nếu tổn thương sâu
- Bong tróc da môi thường xuyên.
- Xuất hiện vết loét ở khu vực tổn thương.
- Môi ngứa rát, khó chịu
- Màu sắc môi và da quanh môi có thể thay đổi.
Những dấu hiệu trên không chỉ xuất hiện khi môi bị chàm mà còn bắt gặp ở nhiều bệnh lý khác. Để tránh bị nhầm lẫn, bạn nên đến bệnh viện khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để được chẩn đoán và điều trị bệnh đúng cách.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh chàm môi hiếm khi gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được phát hiện và khắc phục sớm, tổn thương có thể trở nên nghiêm trọng và lan rộng gây khó khăn cho quá trình điều trị. Chúng không chỉ gây đau rát, khó chịu mà còn mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác như:
- Nhiễm trùng da: Vùng môi bị chàm khi nhiễm trùng có thể làm mủ và tạo ra vết loét lớn, khiến người bệnh vô cùng đau rát, khó chịu, thậm chí là bị nhiễm trùng máu.
- Ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống hàng ngày: Đôi môi nằm ở vị trí “mặt tiền” và cũng chính là điểm dễ dàng thu hút sự chú ý của người khác. Những dấu tích do chàm gây ra, bao gồm tổn thương viêm, các mảng da bong tróc, mụn nước hay vết thâm sẹo sau điều trị đều khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi ăn uống và trở nên mất tự tin, ngại giao tiếp với người khác.
Bên cạnh đó, bệnh chàm môi còn có tính chất mãn tính, dễ tái phát nhiều lần trong suốt cuộc đời của bệnh nhân. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng bởi các triệu chứng bệnh sẽ được kiểm soát tốt khi được chẩn đoán và điều trị sớm, giúp bạn chung sống hòa bình với căn bệnh này mà không phải chịu ảnh hưởng quá nhiều.
Chẩn đoán chàm môi
Để xác định chàm môi, bác sĩ thường thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán bệnh cần thiết như:
- Thăm khám, trao đổi về tiền sử mắc bệnh của bản thân và gia đình, môi trường sống và làm việc, thói quen chăm sóc môi hàng ngày…
- Quan sát, kiểm tra bên ngoài khu vực tổn thương để tìm kiếm các dấu hiệu bệnh, chẳng hạn như viêm đỏ, sưng môi, lở loét môi, nổi mụn nước, bong tróc da hoặc khô môi,...
- Thực hiện các xét nghiệm dị ứng, kiểm tra công thức máu, sinh thiết da…
Điều trị bệnh chàm môi
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị chính dành cho những bệnh nhân bị chàm môi. Ngoài ra, bệnh nhân cần thực hiện tốt các giải pháp chăm sóc, sự phòng tại nhà để ngăn ngừa tái phát.
Thuốc trị chàm môi
Một số loại thuốc được bác sĩ kê đơn nhằm mục đích điều trị triệu chứng chàm môi và làm giảm phản ứng dị ứng quá mẫn của cơ thể. Đa số đều là thuốc bôi ngoài da có tác dụng tại chỗ nên ít tác dụng phụ. Trường hợp bị nặng mới dùng thuốc theo đường uống. Bao gồm:
- Thuốc kháng histamin: Giúp ức chế hoạt động của histamin - chất hóa học trung gian có trong phản ứng viêm, qua đó xoa dịu cơn ngứa ngáy khó chịu. Nhóm thuốc này thường gây buồn ngủ khi sử dụng. Vì vậy, cần thận trọng nếu bạn phải lái xe hoặc điều khiển máy móc thiết bị sau đó.
- Thuốc kháng sinh: Chỉ dùng khi chàm ở môi có dấu hiệu nhiễm trùng, bội nhiễm.
- Thuốc Corticoid: Loại thuốc này có tác dụng kháng viêm mạnh, giúp giảm viêm môi, làm dịu nhanh cơn ngứa. Loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ nên chỉ được khuyến cáo sử dụng trong thời gian ngắn và ưu tiên dạng kem bôi.
Tìm hiểu ngay: Top 7 Thuốc Điều Trị Bệnh Chàm Môi An Toàn, Hiệu Quả Nhất
Cách chăm sóc, hỗ trợ điều trị chàm môi tại nhà
Song song với quá trình chữa trị bằng thuốc bác sĩ kê đơn, người bị chàm môi cần biết cách chăm sóc tại nhà để hỗ trợ nâng cao hiệu quả của thuốc. Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý:
- Thoa kem dưỡng ẩm mỗi ngày kết hợp uống nhiều nước để cải thiện các triệu chứng khô, bong tróc, nứt nẻ môi. Bạn nên chọn các loại son môi hoặc kem dưỡng ẩm chứa thành phần thiên nhiên dịu nhẹ, an toàn và không gây kích ứng thêm cho khu vực tổn thương.
- Giữ cho đôi môi và vùng mặt luôn sạch sẽ, khô ráo. Sử dụng một chiếc khăn mềm mại để vệ sinh riêng cho khu vực tổn thương. Chú ý lau rửa một cách nhẹ nhàng để tránh bị đau rát, chảy máu môi.
- Sử dụng các món ăn mềm, dễ nhai nuốt để quá trình ăn không làm ảnh hưởng đến môi. Chú ý vệ sinh môi kỹ sau khi ăn.
- Để da môi bong tróc tự nhiên. Không dùng tay để lột da hoặc chạm vào tổn thương, gãi ngứa… gây nhiễm trùng và tổn thương môi nghiêm trọng hơn.
- Không liếm môi hoặc sử dụng son môi (trừ các loại son dưỡng được bác sĩ khuyến cáo sử dụng).
- Tránh các thực phẩm từng khiến bạn bị dị ứng. Kiêng ăn đồ cay, nóng, thịt bò, hải sản, thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ nếp. Hãy thêm rau xanh, nước ép trái cây cùng hoa quả tươi vào thực đơn để bổ sung vitamin, khoáng chất, giúp cơ thể có khả năng miễn dịch tốt và chữa lành tổn thương nhanh hơn.
- Không sử dụng bia rượu và các thức uống kích thích.
- Tránh xa các tác nhân gây dị ứng, kích ứng như hóa chất, lông thú nuôi,...
- Giữ đầu óc luôn thoải mái, tránh stress, nghỉ ngơi đầy đủ.
- Không đeo khẩu trang bịt kín môi trong nhiều giờ liên tục gây bí hơi, ẩm ướt và cọ sát vào tổn thương.
- Sàng lọc và áp dụng những mẹo trị bệnh tự nhiên, khoa học để hỗ trợ rút ngắn thời gian điều trị.
Đừng bỏ qua: 10 Cách Chữa Chàm Môi Tại Nhà Hiệu Quả Từ Dân Gian
Phòng ngừa bị chàm ở môi
Để giảm nguy cơ mắc bệnh chàm môi, bạn có thể áp dụng những giải pháp đơn giản dưới đây:
- Không liếm môi
- Thận trọng khi lựa chọn các loại hóa mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cơ thể như son môi, kem dưỡng môi, kem đánh răng, nước súc miệng…
- Bổ sung đầy đủ nhu cầu chất lỏng cho cơ thể mỗi ngày thông qua các thức uống lành mạnh hoặc nước canh rau.
- Dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động vui chơi, giải trí và gặp gỡ bạn bè nếu bạn thường xuyên gặp căng thẳng trong công việc cũng như trong cuộc sống.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh.
- Không ôm ấp, tiếp xúc gần với thú nuôi trong nhà.
- Vệ sinh môi trường và không gian sống thường xuyên.
- Cân nhắc thay đổi công việc nếu nghề nghiệp hiện tại của bạn thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất độc hại.
Những câu hỏi quan trọng cần trao đổi với bác sĩ khi đi khám
- Tại sao tôi bị chàm môi?
- Tình trạng bệnh của tôi như thế nào? Có nghiêm trọng không?
- Bệnh chàm ở môi có lây không? Có lan rộng không?
- Chàm môi có di truyền không?
- Môi bị chàm có chữa khỏi được không? Tôi cần làm gì để nhanh hết bệnh?
- Thời gian điều trị mất bao lâu?
- Tôi có cần kiêng cữ gì trong ăn uống không?
- Bệnh chàm môi có tái phát không? Làm thế nào để phòng ngừa?
Nhìn chung, chàm môi mặc dù không nguy hiểm đến mức đe dọa tới tính mạng nhưng căn bệnh này lại có khuynh hướng kéo dài dai dẳng gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống, tâm lý, sức khỏe cũng như nhan sắc của bệnh nhân. Nếu được chẩn đoán mắc căn bệnh này, bạn nên tích cực phối hợp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời thực hiện tốt công tác dự phòng để giảm nguy cơ tái phát trong tương lai.
Mách bạn: Công Thức Chữa Chàm Môi Bằng Mật Ong Không Nên Bỏ Lỡ