Viêm nang lông là tình trạng da xuất hiện các vết sần nhỏ, có thể kèm mủ ở cổ nang lông, khiến làn da sần sùi mất thẩm mỹ. Đây là bệnh lý da liễu có thể xảy ra ở mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác giới tính. Dưới đây sẽ là những thông tin cụ thể giải đáp về nguyên nhân, dấu hiệu chi tiết, cách chữa trị cũng như hạn chế tái phát dạng viêm nhiễm này.
Định nghĩa viêm nang lông
Viêm nang lông là một tình trạng viêm nhiễm phổ biến xảy ra ở các nang lông, gây ra bởi vi khuẩn, nấm hoặc các yếu tố cơ học. Tình trạng này có thể gặp phải ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất ở các khu vực như mặt, cổ, lưng, ngực và vùng chân tay.
Viêm nang lông có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và giới tính, nhưng thường gặp hơn ở người có da nhờn, hệ miễn dịch suy yếu hoặc có thói quen vệ sinh cá nhân không tốt.
Nguyên nhân viêm nang lông
Viêm nang lông có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Dưới đây là các tác nhân chính bạn đọc nên biết:
Nguyên nhân sinh học
Xảy ra bởi các loại nấm, khuẩn sinh sôi quá mức trên da và dẫn tới các dạng viêm nhiễm:
- Vi khuẩn Staphylococcus aureus: Đây là loại vi khuẩn thường gặp nhất gây viêm nang lông. Khi da bị tổn thương hoặc khi các nang lông bị tắc nghẽn, vi khuẩn này có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng.
- Vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa: Thường gặp trong các trường hợp viêm nang lông liên quan đến nước bẩn hoặc không vệ sinh tốt, chẳng hạn như khi sử dụng bể bơi công cộng không được khử trùng đúng cách.
- Candida: Loại nấm này thường gây nhiễm trùng ở những vùng da ẩm ướt và nóng, như vùng nách, bẹn và dưới ngực. Candida gây ra viêm nang lông khi phát triển quá mức trên da.
- Malassezia: Đây là một loại nấm tự nhiên sống trên da người. Khi điều kiện môi trường thay đổi, chẳng hạn như tăng độ ẩm hoặc dầu nhờn trên da, Malassezia có thể phát triển mạnh và gây viêm nang lông.
Nguyên nhân cơ học
Bao gồm các yếu tố chăm sóc làn da cũng như thói quen sử dụng quần áo hàng ngày.
- Sử dụng dao cạo lông cũ hoặc không sạch sẽ: Dao cạo cũ hoặc không được vệ sinh đúng cách thường mang nhiều vi khuẩn. Cùng với đó, việc cạo lông quá sát cũng có thể gây tổn thương da, tạo điều kiện cho nấm khuẩn xâm nhập.
- Cạo ngược chiều lông mọc: Thói quen này làm làn da bị kích ứng và lông dễ bị mọc ngược, dẫn đến viêm nang lông.
- Quần áo chật và bí: Mặc quần áo quá chật dễ gây cọ xát và kích ứng da, làm tổn thương các nang lông. Ngoài ra, những loại quần áo làm từ chất liệu nylon hoặc polyester sẽ làm da bị ẩm ướt và nóng hơn, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển.
Nguyên nhân khác
Một số trường hợp có thể bị viêm nang lông bởi sự thay đổi nội tiết, miễn dịch như sau:
- Rối loạn nội tiết: Thay đổi hormone trong giai đoạn dậy thì và thai kỳ có thể làm tăng sản xuất dầu nhờn trên da, dẫn đến tắc nghẽn các nang lông và gây viêm.
- Sử dụng hormone hoặc thuốc tránh thai: Một số loại thuốc có chứa hormone khi dùng trong thời gian làm thay đổi nội tiết và tăng nguy cơ viêm nang lông.
- Hệ miễn dịch suy yếu: Những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư, bệnh tự miễn thuộc vào nhóm có nguy cơ cao bị viêm nang lông do hệ miễn dịch suy yếu và khả năng chống lại nhiễm trùng giảm mạnh.
Ngoài ra, việc thường xuyên dùng chất kích thích, ít vận động, vệ sinh cơ thể kém cũng là những yếu tố góp phần gây ra bệnh viêm nang lông. Do lúc này hàng rào bảo vệ da bị suy giảm, máu lưu thông tới da kém, nang lông tắc nghẽn.
Đối tượng viêm nang lông
Những đối tượng dễ bị viêm nang lông gồm có:
- Người có cơ địa da dầu, nhiều mồ hôi.
- Người thường xuyên cọ xát da.
- Các trường hợp sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không phù hợp.
- Đối tượng có hệ miễn dịch yếu.
- Người có tiền sử mắc các bệnh lý về da.
- Bệnh nhân sử dụng thuốc corticosteroid.
- Người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất.
Triệu chứng viêm nang lông
Bệnh lý này sẽ có các biểu hiện đặc trưng mà bạn cần lưu ý để nhận biết và điều trị kịp thời như sau:
- Mụn mủ nhỏ, tấy đỏ: Mụn mủ thường xuất hiện ở các vị trí dễ đổ mồ hôi và ma sát như vai, lưng, ngực, đùi, mông, nách. Kích thước mụn từ nhỏ đến lớn, thường đi kèm với cảm giác ngứa rát, sưng tấy nhẹ.
- Sưng tấy: Viêm nang lông khiến vùng da bị ảnh hưởng sưng tấy, nóng đỏ. Mức độ sưng tấy khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
- Ngứa rát: Đây là triệu chứng phổ biến của viêm nang lông. Ngứa có thể nhẹ hoặc dữ dội. Càng cào gãi càng dẫn đến nguy cơ lây lan sang các vùng da khác hoặc làm viêm nhiễm nặng hơn.
- Đau nhức: Trong một số trường hợp, người bệnh cảm thấy đau nhức dữ dội tại vùng da bị ảnh hưởng do tụ cầu gây ra.
- Các dấu hiệu khác: Bệnh có thể kèm theo các dấu hiệu khác như vảy da, bong tróc da, sốt, ớn lạnh,...
Biến chứng viêm nang lông
Viêm nang lông tuy là bệnh lý da liễu phổ biến nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ khó tránh khỏi biến chứng nguy hiểm như:
- Nhiễm trùng lan rộng: Bệnh có thể dẫn đến áp xe, nhọt, viêm mủ da,... Nhiễm trùng lan rộng có thể gây đau nhức, sưng tấy, mưng mủ, sốt, ớn lạnh,... và trong một số ca nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
- Sẹo vĩnh viễn: Nếu không được điều trị hoặc chữa không đúng cách, các tổn thương viêm có thể để lại sẹo vĩnh viễn trên da, gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Tăng sắc tố da: Da trở nên sẫm màu hơn so với bình thường.
- Viêm tuyến bã nhờn: Da tiết nhiều dầu nhờn hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây ra mụn trứng cá.
Chẩn đoán viêm nang lông
Chẩn đoán chính xác là bước quan trọng để có phương pháp điều trị viêm nang lông hiệu quả. Quy trình chẩn đoán bệnh thường trải qua những giai đoạn sau:
Khám da liễu: Bác sĩ da liễu sẽ hỏi về tiền sử bệnh, triệu chứng, thói quen sinh hoạt và kiểm tra trực tiếp da của bạn để đánh giá mức độ và vị trí của các tổn thương.
Xét nghiệm:
- Nuôi cấy vi khuẩn: Lấy mẫu dịch mủ hoặc vảy da tổn thương để nuôi cấy vi khuẩn, cách này giúp bác sĩ xác định loại vi khuẩn gây bệnh và lựa chọn kháng sinh phù hợp.
- Xét nghiệm nấm: Lấy mẫu da hoặc vảy da để xét nghiệm nấm, giúp xác định loại nấm gây bệnh và lựa chọn thuốc chống nấm phù hợp.
- Xét nghiệm máu: Có thể được thực hiện để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể và xác định các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn.
Chẩn đoán hình ảnh: Trong một số ít trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm da, chụp MRI để đánh giá mức độ lan rộng của viêm nang lông và phát hiện các biến chứng tiềm ẩn.
Điều trị viêm nang lông
Bệnh viêm nang lông cần được điều trị từ sớm để tránh lan rộng cũng như khiến da tổn thương nặng hơn. Theo đó, những biện pháp có thể áp dụng gồm:
Chăm sóc tại nhà
Việc chăm sóc tại nhà rất quan trọng xuyên suốt quá trình điều trị viêm nang lông. Đặc biệt với những trường hợp bị viêm nang lông nhẹ, bệnh lý có thể cải thiện tốt trong khi không cần dùng nhiều loại thuốc.
- Vệ sinh da thường xuyên: Nên sử dụng sữa tắm/sữa rửa mặt dịu nhẹ, phù hợp với da đang bị viêm, tắm/rửa mặt 2 lần mỗi ngày và lau khô da sau khi tắm/rửa mặt.
- Tẩy tế bào chết: Tẩy tế bào chết 1 - 2 lần mỗi tuần giúp loại bỏ da chết, thông thoáng nang lông và ngăn ngừa tắc nghẽn.
- Sử dụng kem bôi kháng khuẩn/kháng nấm: Có thể sử dụng các loại kem bôi kháng khuẩn/kháng nấm không kê đơn để điều trị viêm nang lông nhẹ. Nên lựa chọn sản phẩm phù hợp với loại da và nguyên nhân gây bệnh.
- Tránh gãi ngứa: Cào gãi có thể khiến tình trạng viêm nang lông trở nên tồi tệ hơn và dẫn đến nguy cơ lây lan sang các vùng da khác.
- Chế độ ăn uống: Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, C, E và omega-3 tốt cho sức khỏe da. Hạn chế các thức ăn chứa gia vị cay nóng, nhiều dầu mỡ và đồ ngọt.
Xem thêm: Các Cách Trị Viêm Lỗ Chân Lông Bằng Muối
Thuốc Tây chữa viêm nang lông
Để điều trị viêm nang lông hiệu quả, việc sử dụng thuốc phù hợp cũng đóng vai trò quan trọng. Các loại thuốc trị viêm nang lông phổ biến có thể sử dụng hiện nay gồm.
Nhóm thuốc bôi
Thuốc kháng sinh:
- Neomycin: Thuốc mỡ hoặc kem bôi Neomycin sử dụng 2 - 3 lần mỗi ngày trong 7-10 ngày.
- Mupirocin: Có thể dùng dạng mỡ hoặc kem bôi. Liệu trình cũng dùng trong khoảng 1 tuần đến 10 ngày.
- Clindamycin: Nên sử dụng 2 lần mỗi ngày trong 7 - 10 ngày.
Thuốc chống nấm:
- Clotrimazole: Thuốc dùng 2 lần mỗi ngày trong 2 - 4 tuần.
- Ketoconazole: Thoa thuốc đều đặn 1 - 2 lần mỗi ngày trong khoảng 2 - 4 tuần.
Corticosteroid: Thuốc có liệu trình từ 1 - 2 lần/ngày và duy trì trong 5 - 7 ngày.
Nhóm thuốc uống
- Amoxicillin: Là thuốc kháng sinh đường uống phổ biến được sử dụng trong điều trị viêm nang lông do vi khuẩn Staphylococcus aureus.
- Doxycycline: Kháng sinh Doxycycline dùng để điều trị viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm.
- Itraconazole: Thuốc chống nấm nấm Malassezia.
- Fluconazole: Cũng thuộc nhóm thuốc chống nấm giúp kiểm soát các triệu chứng viêm nang lông nhanh chóng.
Các loại thuốc trên khi sử dụng đều cần có sự chỉ dẫn, kê đơn chi tiết của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả, an toàn.
Xem thêm thông tin: TOP 11 Thuốc Trị Viêm Nang Lông Không Nên Bỏ Qua
Biện pháp khác
Bên cạnh các phương pháp điều trị y tế thông thường như sử dụng thuốc bôi, thuốc uống, một số cách chữa khác cũng có thể áp dụng để chấm dứt trạng viêm nang lông, bao gồm:
Liệu pháp ánh sáng:
- IPL (Intense Pulsed Light): Sử dụng ánh sáng cường độ cao với nhiều bước sóng khác nhau để tiêu diệt vi khuẩn, giảm viêm và se khít lỗ chân lông. Hiệu quả trong điều trị viêm nang lông do vi khuẩn, nấm và viêm nang lông do lông mọc ngược.
- Laser Yag: Sử dụng tia laser Yag để loại bỏ các nang lông bị ảnh hưởng bởi viêm nang lông do lông mọc ngược. Phương pháp này có hiệu quả cao cũng như ít tác dụng phụ.
Tiểu phẫu:
- Rạch mủ: Trường hợp viêm nang lông do tụ cầu khuẩn tụ họp gây ra mủ to, bác sĩ sẽ thực hiện rạch mủ để dẫn lưu mủ và giảm áp lực cho vùng da bị ảnh hưởng.
- Cắt lông mọc ngược: Trường hợp da bị viêm nang lông nặng do lông mọc ngược, bệnh nhân được chỉ định cắt bỏ nang lông bị ảnh hưởng để ngăn ngừa tình trạng tái phát.
Phòng tránh
Để hạn chế nguy cơ tái phát viêm nang lông, mọi người cần chú ý tới những vấn đề sau đây:
- Giữ da sạch sẽ, khô ráo, tắm rửa thường xuyên 2 lần mỗi ngày với sữa tắm/sữa rửa mặt dịu nhẹ, phù hợp với da của bạn.
- Tránh sử dụng các sản phẩm chăm sóc da có chứa cồn, hương liệu nhân tạo hoặc chất tẩy rửa mạnh vì có thể gây kích ứng da.
- Tẩy tế bào chết 1 - 2 lần mỗi tuần giúp làn da dễ dàng hô hấp.
- Nếu cảm thấy ngứa, hãy chườm mát hoặc thoa kem dưỡng ẩm dịu nhẹ để làm dịu da.
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, C, E và omega-3 tốt cho sức khỏe da. Vitamin A giúp tăng cường hệ miễn dịch, vitamin C giúp chống oxy hóa, vitamin E giúp dưỡng ẩm da, omega-3 giúp giảm viêm.
- Hạn chế thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ và đồ ngọt vì có thể làm tăng nguy cơ viêm da.
- Uống đủ nước lọc mỗi ngày để da luôn có đủ độ ẩm.
- Stress có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và khiến da dễ bị tổn thương. Vì vậy hãy tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và thư giãn tinh thần để giảm stress.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt để tránh làm bí da. Tránh mặc quần áo bó sát, làm từ chất liệu tổng hợp vì có thể gây ma sát và kích ứng da.
Viêm nang lông là bệnh lý da liễu rất thường gặp, làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Người bệnh cần chủ động trong việc thăm khám, điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuân thủ các hướng dẫn chăm sóc tại nhà. Nếu nhận thấy bệnh có dấu hiệu chuyển xấu, nên nhanh chóng tới cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời.
Xem thêm thông tin:
- TOP 10+ Kem Trị Viêm Nang Lông Phát Huy Hiệu Quả Cực Nhạy
- Gợi Ý 9 Loại Xà Phòng Trị Viêm Nang Lông Nên Mua Nhất