Bệnh tổ đỉa ở tay chân: Dấu hiệu nhận biết và điều trị
Tổn thương do bệnh tổ đỉa đa phần khu trú ở tay chân. Ngoài sự xuất hiện của các nốt mụn nước sâu dưới da thì bệnh còn gây ngứa ngáy rất khó chịu. Tùy thuộc vào biểu hiện triệu chứng và mức độ ảnh hưởng của bệnh mà sẽ có giải pháp điều trị phù hợp với từng cá thể.
Bệnh tổ đỉa ở tay chân – Nguyên nhân và triệu chứng
Tổ đỉa là một thể lâm sàng thường gặp của bệnh chàm (eczema). Bệnh thường gây ra các tổn thương khu trú ở lòng bàn tay/ bàn chân, ngón tay, ngón chân. Bệnh tổ đỉa ở tay chân đặc trưng bởi sự xuất hiện của các nốt mụn nước sâu và cứng dưới da.
Các mụn nước chứa dịch lỏng bên trong, dày, cứng và rất khó vỡ. Trường hợp tổn thương xuất hiện ở tay chân thì vùng da bệnh thường nóng rát và ngứa ngáy rất khó chịu.
Tay chân là vị trí có tiếp xúc thường xuyên. Chính vì vậy mà việc điều trị gặp nhiều bất lợi. Hơn nữa tổn thương còn có xu hướng tiến triển dai dẳng và ảnh hưởng nặng nề hơn các vị trí khác.
BẠN CÓ BIẾT: Bệnh Tổ Đỉa Có Tự Khỏi Được Không? Có Chữa Được Không?
1. Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh tổ đỉa nói chung và bệnh tổ đỉa ở tay chân nói riêng hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên theo kết quả của nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết, cơ chế bệnh sinh có liên quan một số yếu tố nội giới và ngoại giới cộng hưởng.
Các yếu tố được nhắc đến bao gồm:
– Yếu tố di truyền:
Số liệu thống kê ghi nhận, trường hợp có người thân cận huyết bị tổ đỉa ở tay chân thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn khoảng 50% so với các đối tượng bình thường khác.
– Căng thẳng thần kinh:
Căng thẳng thần kinh là yếu tố có liên quan đến sự kích hoạt của hầu hết các bệnh da liễu mãn tính. Trong đó có bệnh tổ đỉa ở tay chân. Đặc biệt là có thể khiến cho triệu chứng bệnh tồi tệ thêm.
– Tiết mồ hôi tay chân quá nhiều:
Rối loạn hoạt động tuyến bã nhờn có thể khiến cho mồ hôi ở tay chân tiết ra quá mức. Nhất là trong mùa hè nóng nực. Đây là yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh tổ đỉa ở tay chân bùng phát và tiến triển nhanh.
– Nhiễm vi khuẩn, nấm men:
Như đã đề cập, tay chân là vị trí thường xuyên có tiếp xúc. Vì thế mà sẽ có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn và nấm men cao hơn các vùng da khác. Đây được cho là 1 yếu tố liên quan tới sự bùng phát bệnh tổ đỉa.
– Vấn đề dị ứng:
Thường xuyên sử dụng hóa chất, xà phòng hay nước rửa tay chân chứa chất tẩy mạnh có thể gây bào mòn hàng rào bảo vệ da. Điều này khiến da bị suy giảm khả năng đề kháng, trở nên nhạy cảm và dễ kích ứng.
Bên cạnh các yếu tố thường gặp nêu trên thì sự khởi phát bệnh tổ đỉa ở tay chân còn có thể liên quan đến một số yếu tố khác. Ví dụ như tiếp xúc nhiều với kim loại, niken hay thường xuyên tiêu thụ thực phẩm giàu coban.
Xem thêm định nghĩa: Dị Ứng: Nguyên Nhân Gây Bệnh, Triệu Chứng, Chẩn Đoán Và Điều Trị
2. Dấu hiệu nhận biết
Bệnh tổ đỉa ở tay chân có thể gây ra một số triệu chứng sau:
- Trước hết, người bệnh bị ngứa ngáy, khó chịu, thậm chí là nóng rát ở một số vị trí như lòng bàn tay/ bàn chân, ngón chân, ngón tay…
- Sau đó các mụn nước li ti sẽ xuất hiện dưới da.
- Nhiều trường hợp, mụn nước có thể có kích thước lớn và mọc rải rác ở cả cổ tay và mu bàn chân.
- Triệu chứng có thể thuyên giảm sau 3 – 4 tuần nhưng dễ tái phát trở lại.
- Nếu người bệnh cào gãi hay chà xát mạnh thì mụn nước có thể vỡ ra và chảy dịch.
- Khi mụn nước khô hay tự tiêu thì da tay chân có thể bị dày sừng, khô ráp, nứt nẻ và bong tróc nhiều.
- Một số trường hợp, bội nhiễm có thể xảy ra khiến tổn thương da trở nên nghiêm trọng hơn.
Nên đọc định nghĩa: Bệnh Tổ Đỉa Ở Trẻ Em Là Gì?: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Nhận Biết Và Điều Trị
Bệnh tổ đỉa ở tay chân có lây không? Nguy hiểm không?
Các chuyên gia cho biết, bệnh tổ đỉa ở tay chân thường kích hoạt do yếu tố cơ địa và miễn dịch, không liên quan tới virus và vi khuẩn. Chính vì vậy mà bệnh lý này không có xu hướng lây nhiễm cho người khác mặc dù tay chân là vị trí tiếp xúc nhiều.
Tuy nhiên, tổn thương trên da lại dễ lan tỏa trên phạm vi rộng. Trường hợp không sớm kiểm soát và điều trị thì bệnh sẽ tiến triển nghiêm trọng. Tổn thương ở tay chân có thể sưng viêm và tiềm ẩn nguy cơ bội nhiễm.
Bội nhiễm khiến cho vùng da bệnh ở tay chân bị mưng mủ và đau đớn. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt thường ngày. Nhiễm trùng không được điều trị đúng cách sẽ khiến cho da bị tổn thương vĩnh viễn. Ngoài gây mất thẩm mỹ thì còn tác động xấu tới tâm lý người bệnh.
Với một số trường hợp bệnh tổ đỉa ảnh hưởng đến các ngón tay, ngón chân thì rất dễ làm hư hại móng. Dấu hiệu thường gặp là khiến móng khô, nứt nẻ và biến dạng.
Xem chi tiết: Bệnh Tổ Đỉa Có Lây Không? Cách Phòng Tránh Hiệu Quả
Các phương pháp điều trị bệnh tổ đỉa ở tay chân
Lựa chọn điều trị bệnh tổ đỉa ở tay chân phụ thuộc vào yếu vấn đề liên quan. Ví dụ như biểu hiện triệu chứng, mức độ bệnh, khả năng đáp ứng của từng cá thể… Mục đích điều trị là cải thiện triệu chứng, kiểm soát tiến triển và ngăn bệnh tái phát.
Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh tổ đỉa ở tay chân:
1. Điều trị y tế
Điều trị bằng thuốc được cho là phương pháp chính đối với các trường hợp bị bệnh tổ đỉa ở tay chân. Tùy thuộc vào mức độ bệnh và ảnh hưởng của triệu chứng mà bác sĩ sẽ kê toa thuốc phù hợp với từng đối tượng.
Dưới đây là một số loại thuốc bôi và thuốc uống có thể được bác sĩ kê toa:
– Dung dịch bạc Nitrat 0,5%:
Được chỉ định khi mụn nước ở bàn tay/ bàn chân chưa có dấu hiệu vỡ. Dung dịch bạc Nitrat 0,5% giúp sát khuẩn nhẹ. Đồng thời hỗ trợ làm giảm tình trạng ngứa ngáy.
– Dung dịch tím methyl 1%:
Đáp ứng khi tổn thương da xuất hiện mụn mủ. Dung dịch tím methyl 1% có tác dụng diệt khuẩn và ngăn ngừa viêm nhiễm ảnh hưởng rộng.
– Thuốc mỡ chứa corticoid:
Được bác sĩ chỉ định trong giai đoạn mụn nước đã thuyên giảm. Thuốc mỡ có chứa corticoid giúp làm giảm viêm và cải thiện tình trạng ngứa ngáy. Tempovate, Flucinar hay Dermovate là một số loại được dùng phổ biến. Tuy nhiên không được lạm dụng bởi nhóm thuốc này có thể gây mỏng da, teo da hay dày sừng nang lông.
– Thuốc bôi chống nấm:
Trường hợp tổ đỉa ở tay chân bùng phát do vi nấm thì bác sĩ sẽ chỉ định thuốc bôi chống nấm. Mục đích là để ức chế hoạt động của nấm men. Đồng thời làm giảm mức độ tổn thương da.
Tham khảo thêm: TOP 10+ Loại Thuốc Kem Bôi Chữa Tổ Đỉa Người Bệnh Tin Dùng
– Thuốc corticoid kết hợp với kháng sinh tại chỗ:
Được chỉ định trong các trường hợp có nhiễm khuẩn. Thuốc corticoid kết hợp với kháng sinh tại chỗ sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng. Hơn nữa còn có tác dụng chống viêm và làm giảm ngứa ngáy.
– Thuốc kháng histamine:
Nhóm thuốc này có tác dụng chống dị ứng và làm giảm các triệu chứng của bệnh tổ đỉa ở tay chân. Điển hình là ngứa ngáy, khó chịu và nóng rát tại vùng da ảnh hưởng. Đồng thời hỗ trợ hạn chế tổn thương da lan rộng.
– Kháng sinh đường uống:
Được chỉ định khi tổn thương do tổ đỉa xảy ra bội nhiễm. Bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ nhiễm trùng đẻ chỉ định loại kháng sinh đường uống phù hợp.
– Thuốc uống chứa corticoid:
Thường được kê toa nếu bệnh tổ đỉa ở tay chân gây viêm nhiễm nặng nề. Tuy nhiên thuốc uống chứa corticoid chỉ được sử dụng khoảng 5 – 10 ngày tùy theo hiện trạng viêm. Bởi thuốc này dễ gây ra tác dụng phụ nên cần chú ý cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chỉ định.
Bên cạnh việc dùng thuốc thì quang hóa trị liệu cũng có thể được bác sĩ chỉ định để điều trị bệnh tổ đỉa ở tay chân. Tác động của tia cực tím sẽ giúp kiểm soát triệu chứng. Đồng thời thúc đẩy tốc độ làm lành tổn thương. Tuy nhiên liệu pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ. Thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư da.
Đọc thêm: Tham Khảo TOP 7 Thuốc Trị Tổ Đỉa Của Nhật Tốt Nhất Hiện Nay
2. Các mẹo hỗ trợ tại nhà
Ngoài việc điều trị y tế thì người bệnh có thể áp dụng một số mẹo cải thiện triệu chứng tổ đỉa tại nhà. Các mẹo này phù hợp khi bệnh mới kích hoạt, mụn mủ chưa bị vỡ. Hoặc có thể áp dụng trong giai đoạn tổn thương đang dần được chữa lành.
Một số lựa chọn điều trị tại nhà bao gồm:
– Chườm lạnh:
Chườm lạnh sẽ giúp cải thiện triệu chứng ngứa ngáy và làm giảm sưng viêm da. Người bệnh có thể bọc đá lạnh trong miếng vải mỏng rồi chườm lên vùng da tổn thương 10 – 15 phút. Trường hợp không có tổn thương hở thì có thể dùng nước mát để ngâm tay chân.
– Chữa tổ đỉa ở tay chân bằng gừng tươi:
Gừng tươi có chứa lượng lớn Gingerol và Zingerone có khả năng chống viêm và kháng khuẩn hiệu quả. Hơn nữa dịch ngâm từ thảo dược này còn giúp ức chế hoạt động của nhiều chủng nấm men và hại khuẩn trên da.
- Chuẩn bị 2 củ gừng tươi, cạo vỏ rồi rửa sạch và thái lát
- Đun sôi 1.5 lít nước, thả gừng vào và đun thêm vài ba phút nữa
- Đổ nước ra chậu, pha thêm 1 ít nước lạnh cho nguội bớt
- Sử dụng nước gừng ấm để ngâm rửa tay chân 10 – 15 phút
– Dùng rau răm chữa bệnh tổ đỉa ở tay chân:
Rau răm là thảo dược tự nhiên lành tính có chứa lượng lớn tinh dầu với các thành phần hoạt chất phát huy tốt dược tính. Đặc biệt là β-caryophyllene, Decanol, Dodecanal, Decanal, α-humulene… Các thành phần này giúp làm dịu da, giảm ngứa và hạn chế viêm nhiễm rất tốt.
- Chuẩn bị 1 nắm lá rau răm tươi đem ngâm rửa với nước muối loãng rồi để ráo
- Cho vào cối giã nát rồi đắp lên vùng da tay chân bị tổ đỉa
- Trước khi đắp cần vệ sinh và lau khô vùng da bệnh
- Giữ nguyên thảo dược trên da 20 phút rồi dùng nước sạch rửa lại
Tham khảo thêm: Chia Sẻ Mẹo Chữa Tổ Đỉa Bằng Rau Răm Đơn Giản, Nhanh Khỏi
– Sử dụng chất làm mềm da hoặc kem dưỡng ẩm:
Trong giai đoạn tổn thương bị khô ráp, dày sừng và bong vảy thì người bệnh nên sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc chất làm mềm da. Đây là giải pháp đơn giản giúp làm dịu da, giảm ngứa và giảm kích ứng. Trước khi thoa các sản phẩm này cần chú ý làm sạch và lau khô vùng da bệnh. Tuyệt đối không áp dụng khi mụn nước bị vỡ, chảy dịch hay da có tổn thương hở, bị bội nhiễm.
Lưu ý khi bị bệnh tổ đỉa ở tay chân
Bệnh tổ đỉa ở tay chân thường hiếm khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên bệnh ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt thường ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố nên bệnh có xu hướng dễ tái phát sau điều trị.
Song song với việc điều trị, người bệnh cần chú ý thực hiện tốt việc chăm sóc và dự phòng nguy cơ tái phát của bệnh. Dưới đây là một số giải pháp:
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường kim loại, dung môi, hóa chất… Trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc thì cần mang bao tay, đeo ủng và mặc đồ bảo hộ lao động.
- Cần vệ sinh tay chân sạch sẽ bằng các sản phẩm lành tính. Nhất là sau khi tiếp xúc với các chất có khả năng gây dị ứng cao.
- Trong tắm rửa, vệ sinh thường ngày nên sử dụng các sản phẩm lành tính và có nguồn gốc từ thiên nhiên.
- Tránh đi giày quá chật, nên chọn giày tất vừa vặn và có chất liệu thông thoáng. Đồng thời hạn chế các hoạt động quá sức khiến cơ thể và tay chân đổ nhiều mồ hôi.
- Khi bị tổ đỉa ở tay chân, tuyệt đối không cào gãi, chà xát lên vùng da bị tổn thương.
- Chú ý uống đủ nước, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất cho cơ thể, nhất là rau củ quả tươi. Hạn chế ăn các thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ hay thức uống chứa chất kích thích.
Bệnh tổ đỉa ở tay chân rất khó điều trị dứt điểm, hơn nữa còn rất dễ tái phát. Tốt nhất nên thăm khám để được bác sĩ hướng dẫn điều trị và chăm sóc đúng cách. Đồng thời chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng để hạn chế nguy cơ tái phát của bệnh.
Có thể bạn quan tâm
- Bà Bầu Bị Tổ Đỉa Do Đâu? Hướng Dẫn Cách Điều Trị An Toàn, Hiệu Quả
- TOP 10 Cách Trị Bệnh Tổ Đỉa Tại Nhà Theo Dân Gian Cực Hay Cho Bạn
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!