Chữa viêm da cơ địa bằng lá lốt là bài thuốc quen thuộc, được nhiều người ứng dụng tại nhà để cải thiện tình trạng bệnh. Thành phần dược tính tìm thấy trong lá lốt sẽ làm dịu các triệu chứng do bệnh gây ra và giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Theo dõi bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về công dụng của lá lốt và cách dùng để chữa bệnh viêm da cơ địa.
Dùng lá lốt chữa viêm da cơ địa có nên không?
Lá lốt là loại cây thân thảo sống lâu năm với chiều cao từ 30 – 40cm. Cây lá lốt thường mọc hoang dại trong tự nhiên ở những vùng đất râm mát hoặc được trồng nhằm mục đích kinh tế. Với mùi thơm đặc trưng, lá lốt được xem là gia vị để nấu nướng giúp làm tăng hương vị của món ăn. Ngoài ra, tất cả các bộ phận của cây lá lốt còn được xem là thuốc Nam giúp cải thiện nhiều bệnh lý khác nhau. Từ xa xưa, ông cha ta đã tận dụng cây lá lốt để điều trị bệnh viêm họng, cảm cúm, viêm phế quản và viêm nhiễm ngoài da.
Theo Đông y, lá lốt còn được gọi là tất bát thuộc nhóm dược liệu có tính ấm. Khi sử dụng vào cơ thể sẽ có công dụng tán hàn, chống viêm nhiễm và giảm đau. Nghiên cứu khoa học hiện đại cũng đã chỉ ra, trong lá lốt chứa rất nhiều hoạt chất có tác dụng dược lý như flavonoid, ancaloit, benzyl axetat,… Đây đều là những chất có khả năng chống viêm và sát khuẩn mạnh, thường được ứng dụng trong y học với công dụng giảm đau, chống oxy hóa, làm lành vết thương ngoài da,… Đồng thời, hàm lượng vitamin và khoáng chất trong lá lốt còn có tác dụng nâng cao sức đề kháng cơ thể và tăng khả năng chống lại tác nhân gây bệnh.
Viêm da cơ địa là bệnh lý viêm nhiễm ngoài da với các triệu chứng đặc trưng là ngứa ngáy, nổi mẩn, bong tróc,… Đây là một thể chàm mãn tính rất khó điều trị dứt điểm và dễ tái phát. Nhiều người đã tận dụng các loại thảo dược có sẵn trong tự nhiên để cải thiện triệu chứng và phòng ngừa bệnh tái phát trở lại. Dùng lá lốt chữa viêm da cơ địa tại nhà được đánh giá là ít tốn kém, lành tính và mang lại hiệu quả khá tốt. Nếu người bệnh kiên trì áp dụng trong thời gian dài sẽ mang lại hiệu quả giảm viêm, giảm ngứa và phòng ngừa nhiễm trùng.
Hướng dẫn chữa viêm da cơ địa bằng lá lốt
Chữa viêm da cơ địa bằng lá lốt tại nhà có cách thực hiện rất đơn giản. Với nguyên liệu có sẵn ngay trong vườn nhà sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí và đơn giản khâu chuẩn bị dược liệu. Dưới đây là tổng hợp các cách chữa viêm da cơ địa bằng lá lốt và hướng dẫn thực hiện bạn có thể tham khảo:
1. Đắp lá lốt chữa viêm da cơ địa
Dùng lá lốt đắp trực tiếp lên vùng da bị bệnh sẽ giúp da dễ dàng hấp thu dược tính có trong lá lốt và mang lại hiệu quả trị bệnh. Khi thực hiện trị bệnh bằng cách này, bạn cần chú ý đến việc vệ sinh da và dược liệu để tránh bị nhiễm trùng.
Hướng dẫn thực hiện:
- Hái một nắm lá lốt tươi đem rửa sạch bụi bẩn bám quanh, đem ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 15 phút rồi vớt ra để cho ráo nước.
- Giã nhuyễn lá lốt rồi đem đắp trực tiếp lên vùng da bị bệnh (cần vệ sinh da và lau không trước khi đắp thuốc).
- Để cố định dược liệu trên da khoảng 15 phút, sau đó tháo ra rửa sạch lại với nước mát.
- Áp dụng cách trị bệnh này 2 lần/ngày, kiên trì thực hiện liên tục trong 1 tháng sẽ thấy hiệu quả mang lại.
- Xem Thêm: Bé Bị Viêm Da Cơ Địa Nên Tắm Lá Gì Cho Mau Khỏi – Lời Khuyên Hữu Ích Dành Cho Bố Mẹ
2. Tắm nước đun lá lốt mỗi ngày
Tắm nước lá lốt là phương pháp trị bệnh thích hợp áp dụng đối với những trường hợp viêm da cơ địa gây tổn thương ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Khi đun nước tắm, bạn chỉ nên dùng lượng dược liệu vừa đủ. Nước tắm quá đặc hay quá loãng đều ảnh hưởng đến hiệu quả trị bệnh.
Hướng dẫn thực hiện:
- Rửa sạch 50 gram lá lốt rồi cho vào nồi đun sôi cùng với 3 lít nước. Đun khoảng 20 phút cho dược tính trong lá lốt hòa tan vào nước rồi tắt bếp.
- Đổ nước ra chậu pha cùng với một ít nước lạnh cho nguội bớt rồi dùng để tắm toàn thân. Phần bã dược liệu dùng để chà nhẹ nhàng lên vùng da bị bệnh giúp tăng hiệu quả trị bệnh.
- Người bệnh nên thực hiện tắm nước lá lốt từ 3 – 4 lần/tuần để nhanh chóng mang lại hiệu quả trị bệnh.
3. Nấu nước lá lốt dùng để xông hơi
Nấu nước lá lốt dùng để xông hơi cũng là một trong những cách hỗ trợ điều trị bệnh viêm da cơ địa rất tốt. Tinh dầu lá lốt sẽ hòa tan vào nước khi đun, lúc xông hơi chúng sẽ theo hơi nước tiếp xúc với vùng da bị bệnh và mang lại hiệu quả chống viêm, sát khuẩn.
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị 50 gram lá lốt tươi đem làm sạch tương tự như các cách trên rồi cho vào nồi đun sôi cùng với 3 lít nước.
- Khi nước sôi thì vặn nhỏ lửa lại, tiếp tục đun trong khoảng 20 phút nữa rồi mới tắt bếp.
- Đổ nước chậu để cho nguội bớt rồi dùng để xông hơi vùng da bị bệnh. Khi xông hơi cần chú ý đến khoảng cách của da với mặt nước để tránh bị bỏng hơi.
- Xông hơi cho đến khi nước nguội hẳn thì ngừng lại, phần nước tận dụng để vệ sinh da hoặc tắm toàn thân.
- Người bệnh nên thực hiện xông hơi bằng nước đun lá lốt vào buổi tối trước khi đi ngủ giúp giảm ngứa ngáy và dễ ngủ hơn.
4. Uống nước lá lốt trị viêm da cơ địa
Khi dùng lá lốt chữa viêm da cơ địa, nhiều bệnh nhân thường kết hợp điều trị bằng cách đắp ngoài và uống trong giúp nâng cao hiệu quả mang lại. Bên cạnh đó, việc uống nước lá lốt còn có tác dụng giảm đau và cải thiện chức năng của hệ tiêu hóa.
Hướng dẫn thực hiện:
- Hái một nắm lá lốt tươi đem đi rửa sạch và ngâm nước muối loãng để sát khuẩn. Sau 15 phút vớt dược liệu ra để cho ráo nước rồi đem đi sao nóng.
- Cho phần dược liệu đã sao vào ấm hãm cùng với 2 lít nước trong vòng 30 phút. Sau đó chắt lấy nước, chia thành nhiều phần bằng nhau rồi dùng để uống hết trong ngày.
- Người bệnh chỉ cần duy trì thói quen uống nước sắc lá lốt từ 2 – 3 tuần thì triệu chứng của bệnh sẽ nhanh chóng được cải thiện.
- Xem Thêm: Hé Lộ Công Dụng Tuyệt Vời Của Dầu Dừa Trị Viêm Da Cơ Địa Không Phải Ai Cũng Biết [Xem Ngay Kẻo Lỡ]
5. Chế biến lá lốt thành món ăn để dùng
Lá lốt còn là thực phẩm được sử dụng rất nhiều trong ẩm thực Việt Nam. Khi bị viêm da cơ địa, bạn cũng có thể chế biến lá lốt thành món ăn để sử dụng. Ăn lá lốt sẽ giúp cải thiện sức đề kháng cơ thể và hỗ trợ điều trị bệnh từ bên trong. Dưới đây là cách chế biến món ăn từ lá lốt bạn có thể tham khảo:
Nguyên liệu:
- 100 gram lá lốt tươi
- 200 gram thịt lợn xay
- Hành củ
- Gia vị vừa đủ
Cách thực hiện:
- Lá lốt rửa sạch rồi vớt ra để cho ráo nước, dùng dao cắt bỏ phần cuống rồi thái nhỏ vừa ăn.
- Thịt heo ướp cùng với một ít gia vị rồi đem vo thành viên nhỏ. Hành tím lột vỏ, rửa sạch rồi đem đi thái nhỏ.
- Cho một ít dầu ăn vào nồi rồi bắc lên bếp đun nóng, sau đó đổ hành vào phi thơm. Khi hành đã dậy mùi thì cho lượng nước vừa đủ để nấu canh vào đun sôi.
- Khi nước sôi thì thả thịt viên vào, nấu cho đến khi thịt chín thì thả lá lốt vào. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn, đợi cho nước sôi trở lại thì tắt bếp.
- Dọn canh ra bát và sử dụng chung với cơm ngay khi còn nóng
Lưu ý: Khi bị viêm da cơ địa, bạn không nên chế biến lá lốt cùng với một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng để sử dụng. Đồng thời hạn chế sử dụng quá nhiều dầu ăn, đường và muối trong nấu nướng.
Tham khảo thêm: Bị Viêm Da Cơ Địa Kiêng Ăn Gì Và Nên Ăn Gì Là Tốt Nhất?
Lưu ý khi dùng lá lốt chữa viêm da cơ địa
Dùng lá lốt chữa viêm da cơ địa chỉ là bài thuốc dân gian được truyền miệng từ đời này sang đời khác, chưa được khoa học kiểm chứng về hiệu quả mang lại. Vì vậy bạn cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi áp dụng. Đồng thời, trong quá trình trị bệnh bằng phương pháp này bạn cũng cần phải lưu ý những điều sau đây:
- Nên chọn những lá lốt tươi sạch và có nguồn gốc rõ ràng để chữa viêm da cơ địa. Không dùng lá lốt bị sâu bệnh, lá lốt quá già hoặc bị nhiễm hóa chất.
- Dùng lá lốt trị bệnh mang lại hiệu quả chậm hơn rất nhiều so với tây y. Người bệnh cần kiên trì áp dụng từ 2 – 3 tuần thì tình trạng bệnh mới có chuyển biến tốt.
- Lá lốt sau khi điều chế thành thuốc để trị bệnh cần sử dụng hết trong ngày. Không dùng nước đun hoặc nước cốt lá lốt đã để qua đêm để trị bệnh.
- Không dùng lá lốt chữa viêm da cơ địa cho bà bầu, phụ nữ đang cho con bú, người bị dị ứng mẫn cảm với lá lốt và trẻ nhỏ.
- Sau khi dùng lá lốt trị bệnh, nếu thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường thì bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
- Hiệu quả chữa bệnh bằng phương pháp này còn tùy thuộc vào yếu tố cơ địa và mức độ bệnh trạng của mỗi người. Sau thời gian dài áp dụng, nếu thấy tình trạng bệnh vẫn không có chuyển biến tích cực thì bạn nên tìm đến phương pháp điều trị khác.
- Bên cạnh việc thực hiện trị bệnh bằng lá lốt, bạn cũng nên chú ý đến khâu chăm sóc và vệ sinh da giúp quá trình điều trị nhanh chóng mang lại hiệu quả.
- Chữa viêm da cơ địa bằng lá lốt chỉ có tác dụng hỗ trợ cải thiện triệu chứng chứ không thể dùng thay thế cho phương pháp điều trị chuyên khoa. Người bệnh không được ngưng dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Trên đây là các cách chữa viêm da cơ địa bằng lá lốt bạn có thể tham khảo và áp dụng tại nhà. Tuy nhiên, phương pháp chữa trị này chỉ thích hợp áp dụng đối với những trường hợp bệnh nhẹ, nếu vùng da bị bệnh có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc phát sinh biến chứng thì tuyệt đối không dùng lá lốt trị bệnh tại nhà. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên hình thành cho bản thân lối sống sinh hoạt và chế độ ăn uống khoa học, phù hợp với tình trạng bệnh.
- Có thể bạn quan tâm: Viêm Da Cơ Địa Mất Vân Tay Do Đâu, Làm Sao Để Khắc Phục? [Lời Khuyên Hữu Ích Từ Chuyên Gia]