Bé Bị Viêm Phế Quản Thở Khò Khè Và Cách Xử Lý Hiệu Quả
Bé bị viêm phế quản thở khò khè khiến các bậc cha mẹ không tránh khỏi tâm lý lo lắng, bất an. Những thông tin trong bài viết sẽ giúp các bậc phụ huynh chủ động hơn trong quá trình chăm sóc và điều trị cho trẻ.
Vì sao bé bị viêm phế quản có biểu hiện thở khò khè?
Viêm phế quản là bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ. Thông thường, virus, vi khuẩn khi đi qua mũi họng sẽ được “giữ lại” không cho xâm nhập vào cơ quan hô hấp dưới. Tuy nhiên ở trẻ nhỏ, hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh nên rất dễ bị viêm phế quản, viêm tiểu phế quản…
Biểu hiện viêm phế quản là sốt kèm theo ho khan và chuyển sang ho có đờm. Khoảng 1 – 3 ngày sau, trẻ sẽ xuất hiện biểu hiện thở khò khè và thở rít. Thực tế, hầu hết bé bị viêm phế quản đều thở khò khè do đường thở bị chít hẹp.
Bên cạnh đó, tình trạng tăng tiết dịch nhầy sẽ khiến cho việc hô hấp trở nên khó khăn hơn. Trẻ có xu hướng thở rít, thở gấp, hơi thở nông… Không khí đi qua phế quản và khí quản bị cản trở do không gian thu hẹp, cộng với chất nhầy ứ đọng gây ra tiếng khò khè vô cùng đặc trưng.
Tương tự như các triệu chứng khác, thở khò khè khá phổ biến ở bệnh viêm phế quản ở trẻ em và viêm tiểu phế quản. Do đó, bố mẹ không cần phải lo lắng quá mức khi gặp phải tình trạng này. Sau khi chăm sóc và điều trị đúng cách, quá trình lưu thông khí sẽ trở lại trạng thái bình thường, tình trạng thở rít, thở khò khè sẽ nhanh chóng được cải thiện.
Có thể bạn cần: 5 cách trị viêm phế quản cho trẻ tại nhà
Trẻ bị viêm phế quản thở khò khè có nguy hiểm không?
Như đã đề cập, thở khò khè là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh viêm phế quản. Do đó, tình trạng bé bị viêm phế quản thở khò khè thường không đáng lo ngại. Biểu hiện này sẽ thuyên giảm sau 5 – 7 ngày trong trường hợp trẻ được chăm sóc và điều trị đúng cách.
Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên lơ là trước các triệu chứng trẻ gặp phải. Thở rít, khò khè là dấu hiệu cho thấy đường dẫn khí bị sưng viêm, phù nề, không gian bên trong bị chít hẹp. Nếu không có biện pháp cải thiện, trẻ có thể bị khó thở, tím tái, co lõm ngực. Về lâu dài sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, làm nghiêm trọng triệu chứng của các bệnh hô hấp khác…
Khi xuất hiện triệu chứng thở khò khè, cha mẹ nên cho trẻ thăm khám để được chẩn đoán và điều trị. Các vấn đề hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ đa phần đều thuyên giảm nhanh. Tuy nhiên, do hệ miễn dịch kém nên các bệnh lý này có thể tiến triển nhanh gây suy hô hấp, xẹp phổi. Vì vậy khi điều trị viêm phế quản ở trẻ em, phụ huynh cần theo dõi sát sao những dấu hiệu bất thường.
Viêm phế quản lâu ngày sẽ khiến cho chức năng hô hấp suy giảm. Sức khỏe tổng thể bị ảnh hưởng, trẻ mệt mỏi, chậm lớn do ăn uống kém. Bên cạnh đó, trẻ có thể bị sốt, ho nhiều vào ban đêm… khiến cho chất lượng giấc ngủ suy giảm, khả năng tập trung, trí nhớ vì thế cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Tham khảo thêm: Phác đồ điều trị bệnh viêm phế quản chuẩn bộ y tế
Cách điều trị thở khò khè ở trẻ bị viêm phế quản
Bé bị viêm phế quản thở khò khè khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng và băn khoăn. Triệu chứng này tuy không quá nguy hiểm nhưng sẽ có xu hướng nghiêm trọng theo thời gian nếu không được điều trị đúng cách.
Nếu trẻ bị thở khò khè, thở rít nhiều, bố mẹ nên thực hiện một số biện pháp cải thiện sau:
1. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn
Khi có biểu hiện thở khó, thở rít, bố mẹ nên cho trẻ thăm khám để được chẩn đoán chính xác. Đa phần các bệnh viêm đường hô hấp đều không có biểu hiện điển hình và dễ nhầm lẫn nếu chỉ xác định thông qua triệu chứng lâm sàng. Vì vậy, bố mẹ tuyệt đối không tự ý điều trị cho trẻ khi chưa thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng theo chỉ định của bác sĩ.
Tùy theo nguyên nhân và triệu chứng, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc như:
- Thuốc kháng histamin
- Thuốc giảm đau, hạ sốt
- Thuốc giảm ho long đờm
- Thuốc giãn phế quản
- Thuốc kháng sinh
Trẻ nhỏ nhạy cảm hơn với cơ chế hoạt động của các loại thuốc. Chính vì vậy, phụ huynh cần cho trẻ uống thuốc đúng liều lượng và chú ý những biểu hiện bất thường trong thời gian điều trị.
Bác sĩ tư vấn: Các loại thuốc khí dung cho trẻ viêm phế quản
2. Vệ sinh mũi họng thường xuyên
Để hỗ trợ quá trình điều trị, bố mẹ nên vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên. Nên sử dụng nước muối sinh lý để làm sạch chất nhầy ứ đọng bên trong hốc mũi và cổ họng. Đồng thời làm sạch các chất dị ứng, kích ứng… bên trong niêm mạc hô hấp, qua đó giảm tình trạng thở khò khè, ho, ngứa họng…
Khi vệ sinh mũi họng cho bé, bố mẹ nên lưu ý thao tác nhẹ nhàng. Đặc biệt nên rửa mũi sau khi đi ra ngoài để làm sạch bụi bẩn, phấn hoa, khói thuốc và các chất kích ứng khác.
3. Xông mũi
Xông mũi sẽ giúp cải thiện nhanh tình trạng bé bị viêm phế quản thở khò khè. Khi xông, hơi nước sẽ đi vào niêm mạc mũi họng giúp làm loãng chất nhầy ứ đọng, hỗ trợ long đờm và giảm kích thích lên cổ họng. Thực hiện cách này thường xuyên sẽ giúp cải thiện chức năng hô hấp, giảm rõ rệt tình trạng thở khò khè, khó rít, phù nề niêm mạc mũi…
Bố mẹ nên cho trẻ xông mũi bằng nước muối hoặc xông cùng với các loại thảo dược tự nhiên như ngải cứu, lá trầu không, bạc hà, sả, vỏ chanh… Ngoài tác dụng giảm triệu chứng viêm phế quản, cách này còn giúp bảo vệ đường hô hấp khỏi sự tấn công của virus, vi khuẩn vào giai đoạn chuyển mùa.
4. Xây dựng chế độ ăn hợp lý
Viêm phế quản có thể tiến triển mãn tính, dai dẳng ở trẻ có hệ miễn dịch kém. Chính vì vậy, bố mẹ cần xây dựng chế độ ăn cân bằng giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, đẩy lùi các triệu chứng nhanh chóng.
Khi bị viêm phế quản, trẻ có xu hướng biếng ăn, chán ăn do giảm vị giác, cổ họng bị kích thích do đờm ứ nhiều. Do đó, cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp để cải thiện sức khỏe hiệu quả.
Hướng dẫn xây dựng chế độ ăn khoa học cho trẻ bị viêm phế quản:
- Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ từ tinh bột, vitamin, khoáng chất, chất xơ cho đến cho các loại chất béo không bão hòa.
- Nên chế biến thức ăn ở dạng lỏng, mềm như súp, canh, các món hấp luộc… để trẻ không bị nôn trớ, khó chịu khi ăn uống.
- Hạn chế dùng quá nhiều dầu mỡ và gia vị trong quá trình chế biến.
- Nên chia nhỏ bữa ăn để giảm áp lực lên hệ tiêu hóa.
- Hạn chế bánh kẹo, các món ăn khó tiêu hóa, dễ dị ứng.
- Thực hiện ăn chín uống sôi, tránh cho trẻ ăn đồ sống tái do nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
- Nếu trẻ chán ăn và thường xuyên nôn trớ, bố mẹ có thể thay thế bằng các loại thức uống như sinh tố bơ, dâu, táo, sữa gạo, nước ép lê… để bổ sung dinh dưỡng và năng lượng cho trẻ.
- Khi hệ miễn dịch được cải thiện, tình trạng bé bị viêm phế quản thở khò khè sẽ thuyên giảm rõ rệt. Các triệu chứng đi kèm như ho dai dẳng, ho có đờm, sốt, mệt mỏi… cũng được cải thiện đáng kể.
Đọc ngay: Người bị viêm phế quản nên ăn gì để mau khỏe?
5. Các biện pháp hỗ trợ khác
Hiện nay, số ca bị viêm phế quản ở trẻ em và người lớn đều có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do môi trường ô nhiễm, chất lượng không khí giảm thấp và sự thay đổi thất thường của thời tiết.
Với những điều kiện bất lợi kể trên, viêm phế quản rất dễ tiến triển dai dẳng, mãn tính. Vì vậy khi điều trị cho trẻ, bố mẹ nên thực hiện thêm một số biện pháp như sau:
- Vệ sinh không gian sống thường xuyên để làm sạch bụi bẩn, phấn hoa, bụi vải, nấm mốc, rệp, lông chó mèo… Nếu có không gian, nên trồng cây xanh để lọc không khí.
- Trường hợp sinh sống ở những đô thị sầm suất, chỉ số bụi mịn cao, cân nhắc sử dụng máy lọc không khí để giảm kích ứng lên niêm mạc đường hô hấp.
- Trong giai đoạn thời tiết khô hanh, nên dùng máy tạo độ ẩm để làm dịu niêm mạc hô hấp. Tránh trường hợp phế quản và mũi họng xuất tiết quá nhiều gây ho, thở khò khè, thở rít…
- Cho trẻ kê đầu cao khi ngủ để giảm áp lực lên phổi, hạn chế tình trạng ho nhiều vào ban đêm, thở khó, thở rít…
- Hạn chế cho trẻ ra ngoài vào mùa phấn hoa, thời tiết thay đổi đột ngột.
- Hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang, giữ ấm vùng cổ vào thời tiết khô lạnh.
- Khi bé bị viêm phế quản thở khò khè, bố mẹ chỉ nên tắm cho trẻ 2 – 3 lần/ tuần và ưu tiên làm sạch bằng khăn ướt để tránh nhiễm lạnh. Ngoài ra, nên lưu ý tắm vào ban ngày và thời gian tắm không nên quá 10 phút.
Tình trạng bé bị viêm phế quản thở khò khè sẽ thuyên giảm nhanh nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích giúp bố mẹ có thêm kinh nghiệm và tránh được tâm lý lúng túng khi gặp phải.
Bài viết khác:
- Trẻ bị viêm phế quản có nên tắm không?
- Bé bị viêm phế quản có nên nằm quạt hay máy lạnh không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!