Điều trị khí dung là phương pháp được áp dụng phổ biến trong điều trị các bệnh lý tai – mũi – họng như viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản (hen suyễn), khí phế thũng, viêm xoang mạn tính… Có nhiều loại thuốc khí dung cho trẻ viêm phế quản được phối hợp để điều trị viêm phế quản. Tuy nhiên, việc dùng thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng tại nhà.
Điều trị khí dung cho trẻ là gì?
Điều trị khí dung là phương pháp sử dụng thiết bị chuyên dụng (máy khí dung) để chuyển thuốc thành các hạt khí dung nhỏ dạng sương mù và đẩy thuốc trực tiếp vào đường thở. Nhờ vậy, thuốc có thể đi sâu vào các đường dẫn khí nhỏ trong phổi, giúp phát thuốc phát huy tác dụng nhanh và hiệu quả hơn.
Ngoài việc đưa thuốc tác động trực tiếp lên niêm mạc đường hô hấp, thở khí dung còn giúp hạn chế một số tác dụng phụ không mong muốn của thuốc, đồng thời bỏ qua khâu tương tác đầu tiên của thuốc tại gan và dạ dày. Khí dung có 2 loại là: khí dung nước, nước muối ẩm hoặc lạnh (để điều trị bệnh đường hô hấp trên) và khí dung thuốc (thường là các thuốc corticoid, thuốc giãn phế quản, chống dị ứng, thuốc long đờm, thuốc kháng sinh, insulin, vasopressin…)
Thời gian phun khí dung không nên quá lâu, với trẻ em thì tốt nhất là từ 10 – 15 phút. Có nhiều loại máy khí dung có thể kể đến như máy khí dung siêu âm, máy khí dung theo nguyên lý dòng phụt, máy khí dung dòng phụt thế hệ mới, bình phun khí dung định liều, bình hít bột khô…
Xem thêm: Bệnh viêm phế quản là gì? Nguyên nhân, Triệu chứng và Cách điều trị
Các loại thuốc khí dung cho trẻ viêm phế quản
Có nhiều loại thuốc khí dung cho trẻ viêm phế quản, tuy nhiên, thuốc chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Viêm phế quản là bệnh chủ yếu do nhiễm virus, nguyên tắc điều trị chủ yếu là làm giảm triệu chứng, hạ sốt, long đờm, giúp nghẹt mũi, đờm nhầy khó chịu cho trẻ. Các thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm phế quản cho trẻ em có thể kể đến như:
1. Thuốc kích thích thụ cảm thể b 2 giao cảm
Là nhóm thuốc giãn phế quản có tác dụng mạnh nhất, thường được sử dụng trong điều trị, cấp cứu hen phế quản. Các thuốc này có cơ chế tác dụng là gắn trực tiếp vào các thụ thể b2 adrenergic ở bề mặt tế bào cơ trơn phế quản. Hoạt hóa men adenincyclase, chuyển AMP thành AMP vòng, giúp điều hòa quá trình phosphoryl hóa myosine cùng nồng độ canxi, từ đó giúp giãn cơ trơn phế quản, tăng hoạt động của hệ thống màng nhầy lông.
Thuốc giúp tăng thải đờm nhầy để cải thiện các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ có thể kể đến như run cơ, mạch nhanh, hồi hộp, rối loạn tiêu hóa, hạ kali máu, nhức đầu. Các thuốc thường gặp là
– Salbutamol
Còn gọi là albuterol, tên biệt dược thông dụng Ventolin (thuốc giãn khí quản), có tác dụng điều trị các bệnh hô hấp như viêm phế quản mãn tính, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, cơn hen cấp…
Thuốc thường được dùng để hít quan miệng vào đường thở bằng dụng cụ xịt hoặc máy xông khí dung. Khi được dùng đúng cách sẽ giúp giảm các triệu chứng như khò khè, ho, khó thở, tăng oxy đi vào phổi.
Một số tác dụng phụ không mong muốn có thể kể đến như tim đập nhanh, trống ngực, run rẩy tay chân, co thắt phế quản, hạ huyết áp… Nếu gặp các triệu chứng này, đặc biệt là trẻ em thì cần ngưng thuốc và đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Đọc ngay: Viêm phế quản mạn tính ở người già là gì?
– Terbutaline
Thuộc nhóm thuốc giãn phế quản, có tác dụng giãn cơ trơn phế quản, mạch ngoại vi và tử cung, làm giảm sức cản đường hô hấp. Thường được chỉ định trong điều trị cơn hen phế quản, viêm phế quản mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khí phế thũng co thắt phế quản còn hồi phục được.
Terbutaline là thuốc chủ vận beta2, tác dụng nhanh, ngắn, khi sử dụng khí dung thì liều lượng phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Thường là:
- 5 – 10mg/lần x 2 – 4 lần/ngày với người lớn
- 2mg/lần x 2 – 4 lần/ngày với trẻ dưới 3 tuổi
- 3mg/lần x 2 – lần/ngày với trẻ từ 3 – 5 tuổi
- 4mg/lần x 2 – 4 lần/ngày với trẻ từ 6 – 7 tuổi
- 5mg/lần x 2 – 4 lần/ngày với trẻ trên 8 tuổi (cân nặng trên 25kg).
Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như tăng tần số tim, thay đổi huyết áp, đánh trống ngực, nhức đầu, chóng mặt, run cơ, khó ngủ, khô miệng, có vị khó chịu trong miệng, chuột rút, giảm kali máu… Cần theo dõi trong quá trình sử dụng, ngưng thuốc ngay khi có tác dụng phụ.
Chuyên gia tư vấn: Trẻ Bị Viêm Phế Quản Uống Thuốc Gì? 8 Loại Được Tin Dùng
– Salmeterol
Salmeterol chứa hoạt chất Salmeterol được chỉ định trong điều trị viêm phế quản, giãn phế nang, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản… Thường được dùng bằng đường xịt qua miệng dạng khí dung, được dùng cho trẻ em trên 4 tuổi và người trưởng thành. Tuyệt đối không dùng cho trẻ dưới 4 tuổi do không đảm bảo về an toàn.
Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như run chi, đau đầu, đánh trống ngực, da xanh xao, tăng huyết áp, chóng mặt, sốt, đau nửa đầu, mệt mỏi, viêm da tiếp xúc, buồn nôn, kích ứng họng, khô miệng, nghẹt mũi…
– Formoterol
Formoterol là thuốc kích thích chọn lọc thụ thể β2-adrenergic ở cơ trơn phế quản, hoạt động theo cơ chế gắn vào thụ thể β2-adrenergic, chuyển adenosin triphosphat (ATP) thành adenosine monophosphate (AMP), khi nồng độ AMP vòng tăng lên sẽ giúp ức chế giải phóng các yếu tố gây viêm và làm giãn cơ trơn phế quản.
Thuốc thường được chỉ định để điều trị bệnh tắc nghẽn đường hô hấp có hồi phục, bao gồm các bệnh nhân có triệu chứng viêm phế quản, hen ban đêm, khí phế thũng, phòng ngừa cơn co thắt phế quản do gắng sức… Không dùng thuốc cho trẻ dưới 5 tuổi, người chuẩn bị phẫu thuật có gây mê bằng halothan, cyclopropan…
Đọc ngay: Bé Bị Viêm Phế Quản Thở Khò Khè Và Cách Xử Lý Hiệu Quả
2. Nhóm thuốc kháng hệ Cholinergic
Thuốc chỉ được sử dụng khi các thuốc kích thích beta2 không có đủ hiệu quả hoặc có tác dụng phụ nặng. Thường được dùng để điều trị chứng co thắt phế quản hồi phục trong bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản, giãn phế nang. Thường được dùng phối hợp với albuterol bằng cách hít qua miệng. Điều trị chảy nước mũi nhiều không do nhiễm khuẩn. Chỉ dùng cho trẻ từ 5 tuổi trở lên ở Mỹ, trẻ từ 12 tuổi trở lên ở Anh.
Thuốc được dùng là Ipratropium bromide dạng khí dung. Khi dùng dạng khí dung thường phối hợp với albuterol sulfat, cần dùng trong suốt thời gian điều trị để được hiệu quả tốt nhất. Không dùng cho người có tiền sử quá mẫn với lecithin đậu nành hoặc các thực phẩm như đậu nành, lạc.
Thuốc có thể gây các tác dụng phụ không mong muốn như khô miệng, viêm đường hô hấp trên, khó thở, viêm họng, chảy máu cam, nhức đầu, chóng mặt, đau mắt, đau lưng, khó tiêu, táo bón, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực…
Bác sĩ chia sẻ: Viêm Phế Quản Uống Thuốc Gì – TOP 8 Thuốc Hiệu Quả Nhất 2023
3. Corticoid – Thuốc khí dung cho trẻ viêm phế quản
Corticoid là thuốc kháng viêm có thể làm giảm sưng nề thành phế quản, từ đó có thể làm tắc nghẽn đường thở. Thế nhưng, các nghiên cứu chỉ ra rằng corticoid có rất ít hiệu quả trong điều trị viêm phế quản, viêm tiểu phế quản.
Corticoid có thể được cân nhắc dựa trên cơ sở cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc. Các trường hợp có thể cân nhắc sử dụng gồm viêm mũi dị ứng, viêm sưng họng, hen phế quản, viêm thanh khí phế quản cấp, loạn sản phế quản phổi.
Đối với viêm thanh khí phế quản sẽ được chỉ định dùng Dexamethasone dạng tiêm, uống hoặc khí dung pulmicort. Tác dụng chính của thuốc này là chống dị ứng, chống viêm, ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như hạ kali máu, mất ngủ, ban đỏ, teo da, tăng huyết áp, tăng bạch cầu…
Đừng bỏ lỡ: 10 Bài Thuốc Nam Trị Viêm Phế Quản Hiệu Quả
Trẻ bị viêm phế quản có nên thở khí dung?
Thở khí dung là phương pháp dùng máy xông hơi thuốc ở dạng sương mù. Đây là phương pháp điều trị tại chỗ cho các bệnh lý thuộc niêm mạc đường hô hấp như viêm khí – phế quản, viêm mũi xoang, viêm mũi họng, viêm thanh quản… Ưu điểm của phương pháp này chính là hơi thuốc sẽ được đẩy trực tiếp lên chỗ viêm nhiễm nên thuốc có tác dụng nhanh, phù hợp với những trẻ không chịu dùng thuốc, khó uống thuốc. Tuy nhiên, ở phương pháp này thì thời gian duy trì tác dụng của thuốc tương đối ngắn.
Với thắc mắc trẻ bị viêm phế quản có nên thở khí dung hay không, các chuyên gia cho biết, tùy vào trường hợp mà bác sĩ sẽ quyết định có cho bé thở khí dung hay không. Việc sử dụng khí dung chỉ áp dụng cho một số trường hợp nhất định, khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự áp dụng tại nhà.
Việc lạm dụng khí dung sẽ khiến trẻ phụ thuộc thuốc, về lâu dài sẽ gây tổn hại cho phổi. Đặc biệt, các thuốc khí dung thường kèm theo nhiều tác dụng phụ không mong muốn, nếu không được sử dụng đúng cách sẽ vô cùng nguy hiểm cho trẻ. Việc dùng khí dung cho trẻ có thể gây ức chế hô hấp, ngộ độc ốc tai, điếc tai, thậm chí có thể gây nghiện, làm giảm khứu giác..
Không chỉ vậy, đối với viêm phế quản ở trẻ em, việc dùng khí dùng nhiều sẽ gây khó nhận biết khi bệnh nặng lên, khi phát hiện thì bệnh đã nguy kịch. Hơn hết, phương pháp khí dung có quy định chặt chẽ về nhiễm trùng, cần phải thay bộ dây mới sau mỗi lần khí dung. Nếu không sẽ gây nguy cơ nhiễm trùng, nấm miệng và nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho trẻ.
Đối với viêm phế quản, nguyên nhân chính gây bệnh thường là do virus gây ra. Nguyên tắc điều trị là làm giảm triệu chứng, hạ sốt, long đờm, chống ngạt tắc mũi, giúp trẻ dễ chịu hơn… Bệnh chưa có thuốc đặc trị, chủ yếu là để cơ thể trẻ có khả năng tự sinh ra kháng thể để chống lại bệnh này. Bệnh thường xuyên xảy ra, dễ tái đi tái lại nhiều lần, nếu dùng thuốc sẽ ảnh hưởng đến cơ chế tự phục hồi của cơ thể.
Cần biết thêm: 5 Cách Trị Viêm Phế Quản Cho Bé Tại Nhà Bố Mẹ Nên Biết
Lưu ý khi dùng thuốc khí dung cho trẻ
Tùy vào từng bệnh, từng trường hợp mà người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc và máy xông phù hợp. Các thuốc thường dùng là thuốc chống viêm, giãn phế quản, thuốc có tinh dầu, có thể kết hợp kháng viêm có corticoid… Khi sử dụng thuốc khí dung cho trẻ thì cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Thuốc khí dung chỉ được dùng khi có chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc cho trẻ tại nhà.
- Thời gian khí dung chỉ nên từ 5 – 7 ngày, không nên lạm dụng để tránh các tác dụng phụ và tình trạng nghiện thuốc ở trẻ.
- Với bệnh viêm phế quản, có đến 80% các trường hợp là do virus gây nên, việc dùng khí dung thường ít được cân nhắc điều trị. Thường chỉ dùng các thuốc như hạ sốt, chống ngạt tắc mũi, giảm ho nhóm long đờm…
- Việc dùng kháng sinh trong điều trị viêm phế quản chỉ được chỉ định khi có bội nhiễm vi khuẩn. Dùng kháng sinh bằng đường khí dung thường có lợi hơn việc dùng thuốc đường uống.
- Cần theo dõi các triệu chứng, những dấu hiệu bất thường của trẻ, trao đổi với bác sĩ để được điều chỉnh các thuốc điều trị cho phù hợp.
Trên đây là một số thuốc khí dung cho trẻ viêm phế quản thường được sử dụng. Thuốc khí dung phải được sử dụng đúng liều lượng, tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Tham khảo thêm:
- Viêm Tiểu Phế Quản Ở Trẻ Em: Biểu Hiện Và Cách Điều Trị
- Hướng Dẫn Phân Biệt Viêm Phế Quản Và Viêm Tiểu Phế Quản