Viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản là những bệnh vô cùng phổ biến ở trẻ em. Trong đó, viêm tiểu phế quản ở trẻ em là bệnh hô hấp cấp tính thường gặp, có tần suất nhập viện cao. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, hay tái đi tái lại nhiều lần, nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể gây biến chứng thậm chí là tử vong.
Tổng quan về viêm tiểu phế quản ở trẻ em
Phế quản là ống dẫn khí trực thuộc hệ thống đường hô hấp dưới, đảm nhận nhiều chức năng quan trọng. Trong khi đó, tiểu phế quản là các ống dẫn khí nhỏ trong phổi. Vai trò của bộ phận này trong cơ thể chính là kiểm soát các luồng không khí lưu thông trong phổi. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tiểu phế quản rất dễ bị viêm gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho trẻ.
Viêm tiểu phế quản ở trẻ em là bệnh lý hô hấp thường gặp, xảy ra khi đường hô hấp bị virus xâm nhập gây nhiễm trùng. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus gây bệnh sẽ gây viêm ở tiểu phế quản, làm các ống thở nhỏ của phổi bị sưng lên, cản trở quá trình lưu thông khí qua phổi.
Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 24 tháng tuổi, trong đó, trẻ từ 2 – 6 tháng tuổi là đối tượng có nguy cơ cao. Đặc biệt là những trẻ thường tiếp xúc với khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm, những bé đi nhà trẻ từ sớm. Viêm tiểu phế quản là bệnh lây nhiễm, thường bùng phát vào mùa mưa, có đến 90% các trường hợp trẻ mắc bệnh là do virus gây ra.
Tiểu phế quản ở trẻ có kích thước nhỏ, đường kính dưới 2mm, cấu tạo của chúng chỉ có cơ trơn, không có sụn. Khi bị viêm sẽ dễ bị co thắt, xẹp lại làm ảnh hưởng đến khả năng hô hấp. Bệnh gây ra tình trạng sưng, viêm, tiết dịch nhiều, dẫn đến chít hẹp hoặc tắc nghẽn ở hệ hô hấp. Cần đặc biệt lưu ý rằng, bệnh lây lan nhanh và rất mạnh, dễ lây thành dịch ở nhóm trẻ nhỏ.
Đọc ngay: Viêm khí quản là gì? Nguyên nhân, Dấu Hiệu và Cách Điều Trị
Triệu chứng của viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ
Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không có nhiều các dấu hiệu đặc trưng. Các triệu chứng bệnh rất giống với các triệu chứng thường gặp ở những bệnh đường hô hấp khác. Vì vậy, chỉ khi ba mẹ đưa con đến thăm khám bác sĩ để kiểm tra thì mới biết con đang bị viêm tiểu phế quản.
Có thể nhận biết các dấu hiệu của bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thông qua các biểu hiện như:
- Trẻ ho có đờm hoặc không đờm
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao, sốt liên tục hoặc từng cơn, đôi khi có những trẻ không sốt
- Thở nhanh, thở khò khè, cảm giác bé thở mệt, khó thở
- Viêm hô hấp trên dẫn đến nghẹt mũi, sổ mũi
- Bé có nhiều đờm tiết ra, có thể trong hoặc có màu vàng, xanh, trắng
Khi trẻ bị viêm tiểu phế quản, ban đầu con sẽ có các triệu chứng nhẹ như hắt hơi, sổ mũi. Sau đó tăng dần kèm theo các biểu hiện như ho, khò khè, khó thở. Với trẻ sơ sinh, trẻ có thể có các dấu hiệu như thở nhanh, rút lõm lồng ngực, bú ít, bỏ bú, tím tái, cánh mũi phập phồng.
Các triệu chứng của viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ rất dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh. Bệnh lây lan nhanh và đặc biệt nguy hiểm với trẻ dưới 3 tháng tuổi, sinh non, hệ miễn dịch kém hoặc có các bệnh lý bẩm sinh. Nếu con thuộc một trong số những đối tượng này, có biểu hiện của viêm tiểu phế quản, ba mẹ nên nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị kịp thời.
Tìm hiểu thêm: Triệu Chứng Của Viêm Phế Quản Ở Trẻ Em, Chẩn Đoán, Điều Trị
Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản ở trẻ
Viêm tiểu phế quản là bệnh lây nhiễm, có thể lây qua ho, hắt hơi hay khi tay dính vi trùng gây bệnh chạm vào miệng, mũi của bé. Bệnh có thể xảy ra ở mọi trẻ, nhất là những trẻ dưới 24 tháng tuổi, trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, trẻ đã đi nhà trẻ. Ngoài ra, những đối tượng có nguy cơ cao cũng có thể kể đến như trẻ sinh non, trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ, trẻ suy giảm hệ miễn dịch, mắc bệnh bẩm sinh hay sống trong gia đình có anh, chị bị viêm tiểu phế quản.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản ở trẻ em, trong đó, phổ biến nhất là do các chủng virus đường hô hấp là cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV – virus Respiratoire SyncytiaL). Rhinovirus, virus Parainfluenza, Adenovirus, siêu vi trùng ở người. Sau khi nhiễm bệnh, virus sẽ sinh sôi, phát triển trong cơ thể, khiến đường hô hấp trên gồm mũi, miệng, cổ họng nhiễm trùng.
Tình trạng nhiễm trùng sẽ từ đường hô hấp trên lan rộng xuống đường hô hấp dưới, khiến khí quản, phổi bị sưng, viêm, gây phù nề, tắc nghẽn các ống thở. Thậm chí, chúng còn có thể làm chết các tế bào bên trong đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi, thở khò khè, nói chuyện sẽ khiến các chủng virus này có cơ hội lây lan.
Theo thống kê, virus hợp bào hô hấp RSV là nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản thường gặp nhất, chiếm từ 30 – 50% tổng số ca bệnh. Virus này phát triển vô cùng mạnh mẽ, khả năng lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch. Với trẻ dưới 2 tuổi, nhất là các bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, bệnh gây ra các triệu chứng nặng, rất nghiêm trọng. Với trẻ trên 2 tuổi, virus hợp bào hô hấp RSV thường gây các biểu hiện nhẹ, ít nguy hiểm hơn.
Trong các trường hợp viêm tiểu phế quản do virus, có khoảng 25% ca bệnh là do virus cúm gây ra. Khoảng 10% các trường hợp là do Adenovirus gây ra. Dù bé mắc chủng virus nào thì trẻ cũng sẽ gặp phải các triệu chứng khó chịu, thường hay quấy khóc. Vì vậy, ba mẹ nên theo dõi các biểu hiện của bé để kịp thời đưa con đến bệnh viện khi có vấn đề bất thường cần được can thiệp hỗ trợ.
Có thể bạn cần: Bé Bị Viêm Phế Quản Ho Nhiều Và Cách Trị An Toàn
Viêm tiểu phế quản có nguy hiểm không?
Trẻ bị viêm tiểu phế quản có nguy hiểm không là thắc mắc chung của nhiều cha mẹ. Có thể thấy, bệnh chủ yếu do virus gây ra, hiếm gặp do vi khuẩn, chủng virus phổ biến là virus hợp bào hô hấp RSV. Có thể khẳng định, viêm tiểu phế quản là bệnh thường gặp, nếu không được phát hiện, điều trị, chăm sóc đúng cách có thể gây nhiều hậu quả nặng nề, vô cùng nguy hiểm.
Ba mẹ không nên chủ quan khi thấy trẻ có các dấu hiệu như sốt cao hoặc vừa, ho, chảy nước mũi trong, sau 3 – 5 ngày thì ho ngày một nghiêm trọng, thở rít, thở khó. Đặc biệt khi trẻ có biểu hiện tím tái, nhịp thở nhanh, lồng ngực bị rút lõm, trẻ thở rên, có cơn co kéo cơ hô hấp, nghe tiếng thở ran rít thì phải nhanh chóng đưa con đến bệnh viện.
Bệnh viêm tiểu phế quản có thể gây ra các biến chứng thường gặp là suy hô hấp, viêm tai giữa, viêm phổi, xẹp phổi. Bệnh có thể kéo dài, nặng hơn, kèm theo nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt có thể gây nguy cơ tử vong. Nhất là đối với các trường hợp như trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non nhẹ cân, trẻ mắc bệnh bẩm sinh…
Lưu ý: Hướng Dẫn Phân Biệt Viêm Phế Quản Và Viêm Tiểu Phế Quản
Khi nào nên đưa trẻ đến bệnh viện?
Cần đưa con đến bệnh viện khi trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non, hệ miễn dịch kém, có các bệnh lý bẩm sinh. Đây là nhóm trẻ dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi viêm tiểu phế quản. Cần được thăm khám và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Nếu không thuộc nhóm đặc biệt nguy hiểm thì nên đưa trẻ đến bệnh viện khi:
- Trẻ có nhịp thở nông, tăng nhanh (trên 60 nhịp/phút)
- Trẻ co lõm ngực khi hít vào
- Ngủ li bì, bỏ bú, hôn mê, khó đánh thức
- Từ chối uống nước, có biểu hiện mất nước
- Môi, da, móng tay tím tái
- Trẻ thở ngắn sau khi ho
- Trẻ ngủ nhiều, bú hoặc uống sữa ít, dễ ngủ trong lúc ăn
- Trẻ có thóp lõm, bị sốt, thở khò khè hoặc ngủ li bì
- Trẻ không đi tiểu trong 6 – 8 tiếng, bị khô miệng và môi.
Tư vần từ chuyên gian: Bé Bị Viêm Phế Quản Có Nên Nằm Quạt Hay Máy Lạnh Không?
Phương pháp chẩn đoán và điều trị
Trẻ bị sốt, ho, thở khò khè, nhịp thở nông, có dấu hiệu mất nước, khô miệng, môi… cần được thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Phương pháp chẩn đoán, điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ như sau:
Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm tiểu phế quản, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và khai thác các thông tin về biểu hiện, tình trạng bệnh, tiền sử bệnh và sức khỏe của con. Sau đó, bác sĩ sẽ khám phổi, tai – mũi – họng và có thể yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm để loại trừ các bệnh như viêm phổi, hen suyễn.
Chẩn đoán lâm sàng sẽ dựa vào các biểu hiện bệnh khởi đầu với triệu chứng viêm long đường hô hấp trên, có ho, thở nhanh, khò khè, lồng ngực căng phồng, phổi giảm thông khí, nghe có ran, rít. Một số xét nghiệm không đặc hiệu chỉ chỉ định khi bệnh từ mức độ vừa trở lên như:
- Công thức máu
- X-quang phổi
- Khí máu (chỉ làm ở thể nặng)
- Kỹ thuật PCR hoặc test nhanh để phân lập virus (chỉ làm với thể nặng)
Phương pháp điều trị
Nguyên tắc của điều trị viêm tiểu phế quản ở trẻ em là điều trị triệu chứng, cung cấp đủ nước, điện giải, dinh dưỡng và đảm bảo đủ oxy. Bệnh vẫn chưa có thuốc đặc trị, vì vậy mục đích của việc điều trị là làm giảm nhẹ và điều trị các triệu chứng. Tùy vào tình trạng sức khỏe, độ tuổi, các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà có cách điều trị phù hợp.
Đối với trường hợp nhẹ
Khi trẻ bị sốt nhẹ hoặc vừa, có kèm theo ho, chảy nước mũi nhưng ít quấy khóc, trẻ bú hoặc ăn uống bình thường, ngủ ngon giấc thì có thể điều trị tại nhà. Cách điều trị tại nhà với trường hợp viêm tiểu phế quản không quá phức tạp. Có thể thực hiện như sau:
- Đối với trẻ sơ sinh, cho trẻ bú đầy đủ, thường xuyên. Nên dùng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, nhỏ mũi cho bé.
- Đối với trẻ nhỏ, cho trẻ ăn uống đầy đủ, chia nhỏ bữa, uống nhiều nước. Nên vệ sinh mũi họng cho bé bằng nước muối sinh lý.
- Hạ sốt bằng cách cho con uống Hapacol theo cân nặng của bé, cứ 4 – 6 tiếng có thể cho con uống 1 lần. Cần lưu ý rằng chỉ được uống khi trẻ quấy khóc nhiều, sốt trên 38.5 độ C. Không nên lạm dụng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.
Để hạ sốt cho trẻ, ngoài việc cho con uống thuốc hạ sốt, ba mẹ có thể thường xuyên lau người cho con bằng nước có nhiệt độ thích hợp. Cho con ở môi trường thoáng khí, mát mẻ, sạch sẽ, tuyệt đối không ủ ấm hay cho con mặc quá nhiều quần áo. Đặc biệt, cần thường xuyên theo dõi các triệu chứng của bé, nếu có dấu hiệu nặng thì cần nhanh chóng cho con nhập viện.
Nên biết: Chữa viêm phế quản bằng cách nào là hiệu quả nhất?
Đối với trường hợp trung bình và nặng
Khi trẻ có các biểu hiện như giảm oxy máu, thở nông, nhịp thở nhanh, người lờ phờ, mệt mỏi, tím tái, sốt cao, bỏ ăn, bỏ bú, thở rít, thở rút lõm lồng ngực, thở nhanh (trên 70 lần/phút)… Hoặc với những trẻ sinh non, trẻ dưới 3 tháng, trẻ hệ miễn dịch suy giảm, có bệnh nên như bệnh tim… thì cần được xem xét chỉ định nhập viện.
Trẻ nhập viện tùy vào tình trạng sức khỏe, tình trạng và biểu hiện bệnh mà sẽ được chăm sóc, điều trị bằng phương pháp phù hợp. Có thể kể đến như:
- Thở oxy: Được áp dụng cho bệnh nhân có biểu hiện thở gắng sức khi thở, bão hòa oxy dưới 90 – 92%.
- Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, truyền dịch khi bệnh nhân có dấu hiệu mất nước
- Khí dùng Ventolin, nếu có đáp ứng sau 1 giờ thì có thể dùng khí dung mỗi 4 – 6 giờ/lần đến khi triệu chứng suy hô hấp được cải thiện
- Đối với bệnh nhân thể nặng, có thể kết hợp điều trị thở oxy, truyền dịch, khí dung và kháng sinh khi có biểu hiện bội nhiễm…
Đọc thêm: Viêm Phế Quản Bội Nhiễm Là Tình Trạng Gì? Cách Chữa Trị
Cách chăm sóc cho trẻ khi bị viêm tiểu phế quản
Khi con bị viêm tiểu phế quản, cha mẹ nên đưa con thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị. Tùy vào tình trạng sức khỏe, triệu chứng bệnh, cân nặng của bé mà bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ sử dụng các loại thuốc điều trị phù hợp. Song song với việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, để giúp con giảm bớt khó chịu và nhanh khỏi bệnh, có thể chăm sóc cho con như sau:
- Cho con ở phòng mát mẻ, thông thoáng, nếu phòng quá nóng thì nên dùng máy lạnh kết hợp cùng máy phun sương tạo ẩm để trẻ cảm thấy mát mẻ, thoải mái, dễ chịu hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, không gian thoáng khí sẽ giúp bé hạ sốt tốt hơn.
- Cho trẻ uống nước ấm, cho trẻ ăn uống đầy đủ, đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất là chất bột đường, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Trẻ dưới 24 tháng tuổi thường có biểu hiện chán ăn khi bị viêm tiểu phế quản, ba mẹ có thể tăng cường cho con ăn cháo, uống sữa, uống nước để tránh nguy cơ mất nước, thiếu hụt dưỡng chất.
- Thường xuyên vệ sinh mũi họng cho bé bằng nước muối sinh lý 0.9% ở dạng nhỏ mũi.
- Nếu trở có nhiều dịch đờm, có thể tiến hành hút đờm, vỗ rung để giúp giải phóng các chất xuất tiết, làm thông thoáng đường thở, nhất là trước khi ăn.
- Với những trẻ sốt cao, phải bù nước và điện giải theo nhu cầu cơ thể của bé. Nếu suy hô hấp nặng, trẻ cần được đưa đến phòng khám, bệnh viện để được hút thông đường hô hấp, dùng thuốc giãn phế quản đường khí dung ẩm…
Nhìn chung, khi trẻ bị viêm tiểu phế quản, dù nhẹ hay nặng, mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám. Căn cứ vào tình trạng, mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Trong quá trình chăm sóc bé, cần thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện các triệu chứng bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời.
Chia sẻ thêm: Một Số Phương Pháp Chăm Sóc Trẻ Bị Viêm Tiểu Phế Quản Các Mẹ Nên Biết
Biện pháp phòng ngừa viêm tiểu phế quản
Viêm tiểu phế quản là bệnh khá phổ biến, thường xảy ra ở những trẻ thường tiếp xúc với khói thuốc lá, trẻ đi nhà trẻ từ sớm. Mỗi trẻ sẽ bị căn bệnh này ít nhất một lần khi còn nhỏ. Khi trẻ dưới 24 tháng tuổi, con thường quấy khóc, khó chịu khi mắc viêm phế quản. Vì vậy, phòng bệnh là một vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Có thể phòng viêm tiểu phế quản cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bằng cách:
- Cho trẻ bú mẹ đầy đủ, ít nhất cần bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, nếu có thể, nên cho bé bú đến 24 tháng tuổi.
- Cần giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, đặc biệt là khi chuyển trời, thời tiết thay đổi. Tuy nhiên, cũng không nên cho bé mặc quá nhiều, ủ ấm bé quá mức sẽ dễ khiến con bị viêm phổi, viêm tiểu phế quản.
- Giữ vệ sinh cho con sạch sẽ, cho trẻ ở nơi thoáng mát. Vệ sinh sạch sẽ không gian sống, tránh khói bụi, khói thuốc lá
- Tiêm phòng cho bé đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Nếu trong gia đình có người bị cúm, nhiễm khuẩn, cảm lạnh thì nên cách ly, tránh tiếp xúc với trẻ để không lây cho bé.
- Khi trẻ mắc viêm phế quản, nên cho con dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua các loại thuốc, siro ho để sử dụng.
- Nếu trẻ bú mẹ thì cần cho trẻ bú thường xuyên. Nếu trẻ đã ăn được thì cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, kết hợp bù dịch theo đúng hướng dẫn.
Trên đây là một số thông tin về bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em, cách nhận biết, chăm sóc cũng như điều trị bệnh. Viêm tiểu phế quản có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm thậm chí có nguy cơ gây tử vong. Do đó, ba mẹ tuyệt đối không nên chủ quan khi con có các dấu hiệu của bệnh.
Bài viết liên quan:
- Người Bị Viêm Phế Quản Có Ăn Yến Được Không?
- Viêm Phế Quản Uống Sữa Được Không? Liệu Có An Toàn?