Nội dung chính

Viêm tiểu phế quản ở trẻ em là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 24 tháng tuổi, nhất là những trẻ đã đi nhà trẻ. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho bé, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách sẽ vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra các biến chứng như suy hô hấp, xẹp phổi, viêm tai giữa, thậm chí có thể gây tử vong. Dưới đây là cách chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản ở trẻ em tại nhà mẹ có thể tham khảo.

Nhận biết bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em

Viêm tiểu phế quản ở trẻ em là tình trạng các ống dẫn khí nhỏ trong phổi bị sưng viêm do virus xâm nhập gây nhiễm trùng. Khi các ống này sưng lên, quá trình lưu thông khí qua phổi bị cản trở, khiến trẻ xuất hiện các triệu chứng khó chịu như thở khò khè, khó thở, thở rít, ho…

Viêm tiểu phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Viêm tiểu phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 24 tháng tuổi do hệ miễn dịch còn non nớt, dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường, dễ bị virus, vi khuẩn xâm nhập, gây bệnh. Theo thống kê, có đến khoảng 90% các trường hợp viêm tiểu phế quản là do virus gây ra. Trong đó, virus hợp bào hô hấp RSV chiếm 30 – 50% tổng số ca bệnh, virus cúm khoảng 25%, Adenovirus chiếm khoảng 10%.

Các triệu chứng phổ biến của bệnh ban đầu là hắt hơi, sổ mũi. Sau vài ngày thì kèm theo ho, khò khè, khó thở, tình trạng ho tăng dần. Khi quan sát trẻ thấy có rút lõm lồng ngực, hơi thở nông, nhịp thở nhanh, cánh mũi phập phồng, trẻ bú ít hoặc ăn ít, thậm chí bỏ bú, người tím tái. Có sốt nhẹ hoặc sốt cao, sốt liên tục hoặc từng cơn, đôi khi không sốt. Nghẹt mũi, sổ mũi, có nhiều đờm, có thể là đờm trong, vàng, xanh hoặc trắng.

Viêm tiểu phế quản nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây các biến chứng như xẹp phổi, suy hô hấp, viêm phổi, viêm tai giữa, thậm chí có nguy cơ gây tử vong. Trẻ bị viêm tiểu phế quản thể nhẹ sẽ được chăm sóc và điều trị tại nhà. Nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng hoặc bé thuộc các trường hợp như dưới 3 tháng tuổi, sinh non, nhẹ cân, sức đề kháng kém, có bệnh lý nền… thì cần được nhập viện để được theo dõi và điều trị.

Xem thêm: Phác đồ chữa viêm phế quản chuẩn xác nhất từ Bộ Y tế

Cách chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản tại nhà

Trẻ bị viêm tiểu phế quản thể nhẹ có thể được hướng dẫn chăm sóc tại nhà theo nguyên tắc điều trị triệu chứng, hạ sốt, đảm bảo dinh dưỡng, sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Cách chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản tại nhà như sau:

Đảm bảo chức năng hô hấp và hạ sốt

Trẻ bị viêm tiểu phế quản có thể sốt nhẹ, sốt vừa, thậm chí sốt cao, tuy nhiên, thường sẽ sốt từ 38 – 39 độ C. Khi trẻ mắc bệnh, điều cần thiết phải làm chính là hạ sốt, làm giảm nhẹ triệu chứng, làm thông thoáng đường thở để trẻ được thoải mái, dễ chịu.

Khi trẻ sốt trên 38.5 độ C, mẹ có thể hạ sốt cho bé bằng cách thường xuyên lau người bằng nước hơi ấm, nhiệt độ vừa phải. Nếu trẻ sốt cao liên tục, có xu hướng ngày càng gia tăng hay quấy khóc thì nên dùng thuốc hạ sốt Hapacol cho bé. Việc dùng thuốc phải tùy thuộc vào cân nặng và tình trạng sức khỏe của trẻ.

Các vấn đề cần lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt như sau:

  • Mỗi lần dùng thuốc cần cách nhau từ 4 – 6 tiếng
  • Với trẻ bị suy thận, mỗi lần dùng thuốc phải cách nhau tối thiểu 8 giờ
  • Tuyệt đối không lạm dụng thuốc hạ sốt để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Song song với vấn đề hạ sốt, ba mẹ có thể giúp trẻ thoải mái, dễ chịu hơn bằng cách vệ sinh mũi họng hàng ngày với nước muối sinh lý. Nếu bé có nhiều đờm, dịch nhầy thì có thể sử dụng dụng cụ hút mũi, đờm để làm thông thoáng đường thở. Đặt trẻ ở tư thế phù hợp, cho con mặc quần áo thoáng mát, thoải mái nhất. Để trẻ nằm ở phòng thoáng, yên tĩnh, mát mẻ.

Có thể bạn quan tâm: Trẻ Bị Viêm Phế Quản Ho Nhiều Về Đêm Và Cách Trị An Toàn

Chú ý chăm sóc về dinh dưỡng

Dinh dưỡng cũng là vấn đề cần được đặc biệt lưu ý, cần quan tâm khi trẻ bị viêm tiểu phế quản. Khi mắc bệnh, trẻ có xu hướng biếng ăn, chán ăn. Việc thiếu hụt dinh dưỡng sẽ khiến sức đề kháng suy giảm, làm bệnh kéo dài lâu khỏi. Thêm vào đó, trẻ cũng có nguy cơ mất nước, mất điện giải khi sốt, chảy nước mũi thường xuyên.

Khi chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản, về dinh dưỡng, mẹ cần:

  • Cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu, tốt nhất nên chia thành nhiều bữa nhỏ. Không nên cho con ăn quá nhiều một lúc sẽ khiến tình trạng chán ăn của bé nghiêm trọng hơn. Trước bữa ăn, cần làm thông thoáng đường thở bằng cách nhỏ nước muối sinh lý, sau một lúc khi nước mũi loãng ra thì dùng dụng cụ hút mũi hút sạch dịch mũi.
  • Đối với những trẻ đã ăn dặm, nên chế biến thức ăn loãng hơn bình thường. Trẻ có thể ăn cháo loãng, dùng nước cháo để bù nước, làm loãng dịch nhầy đờm đường thở và bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.
  • Nên tăng cường cho trẻ uống nước, có thể là nước cháo, nước lọc hay nước ép hoa quả đều được. Tùy vào độ tuổi mà chúng ta bổ sung dung dịch điện giải, bù nước.
  • Đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất cho cơ thể trẻ bao gồm vitamin và khoáng chất, chất bột đường, chất béo, protein.

Vấn đề về dinh dưỡng rất quan trọng với trẻ bị viêm tiểu phế quản. Khi mắc bệnh, cơ thể của bé thường suy kiệt, dễ mất nước, cần được bổ sung dinh dưỡng để mau hồi phục. Bé bị viêm tiểu phế quản nên tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây, các thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như sữa chua, sữa bò, trứng gà, đậu phụ, chất béo lành mạnh, cà rốt, bí ngô, rau cải xanh…

Thức ăn nên được chế biến ở dạng mềm, lỏng, dễ nuốt như canh, cháo, súp… Trẻ trên 6 tháng tuổi mẹ có thể cho con uống nhiều nước ấm, uống nước ép trái cây, rau củ hoặc tăng cường bú mẹ. Nên cho trẻ ăn nhiều bữa, không ăn quá nhiều vào một bữa. Hạn chế các thực phẩm như bánh ngọt, nước uống có gas, thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, gà rán, khoai tây chiên…

Chia sẻ thêm: Mách Bạn 5 Món Ăn Chữa Viêm Phế Quản Hiệu Quả Và Dễ Nấu

Dùng thuốc và tái khám theo chỉ định của bác sĩ

Mặc dù trẻ chỉ mắc các triệu chứng nhẹ như sốt, chảy mũi, ho, khò khè… nhưng để đảm bảo an toàn, tốt nhất mẹ nên đưa con thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Khi tình trạng bệnh nhẹ, bé sẽ được kê thuốc và hướng dẫn điều trị tại nhà. Nếu tình trạng vừa và nặng, có các biểu hiện như thở nông, nhịp thở nhanh (trên 70 lần/phút), thở rút lõm lồng ngực, sốt cao, tím tái, bỏ ăn, bỏ bú, mất nước… thì cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được theo dõi.

Trẻ bị viêm tiểu phế quản nên được chăm sóc và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ
Trẻ bị viêm tiểu phế quản nên được chăm sóc và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ

Sau khi thăm khám bác sĩ, được xác định là viêm tiểu phế quản. Mẹ cần chăm sóc bé như sau:

  • Dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, cho bé uống thuốc đúng giờ, đủ liều lượng
  • Sử dụng các thuốc long đờm, hạ sốt, bù dịch theo hướng dẫn, cho con ăn uống đầy đủ, đủ các nhóm chất
  • Tái khám theo lịch hẹn hoặc khi bé có các dấu hiệu bất thường như bỏ ăn, bỏ bú, sốt cao, ho nhiều, khò khè, thở rít, tím tái…
  • Ho là phản xạ có lợi, giúp tống đờm và vi khuẩn ra ngoài, do đó, trong điều trị các bác sĩ thường không khuyến khích sử dụng các loại thuốc giảm ho.

Bác sĩ tư vấn: Ho viêm phế quản uống thuốc gì? – Top 8 thuốc hiệu quả nhất

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản

Nhìn chung, cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản cũng giống như cách chăm sóc trẻ nhỏ. Nhưng vì trẻ sơ sinh còn quá nhỏ nên ba mẹ cần đặc biệt lưu ý trong cách chăm sóc trẻ. Đối với những trẻ sinh non, nhẹ cân, trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ mắc bệnh nền như bệnh tim, trẻ có đề kháng kém, khi nghi ngờ có dấu hiệu viêm tiểu phế quản, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản tại nhà như sau:

  • Thuốc hạ sốt Hapacol loại dùng cho trẻ sơ sinh, liều lượng sử dụng tính theo cân nặng của trẻ. Dùng cách nhau 4 – 6 tiếng/lần, chỉ nên dùng khi trẻ sốt cao trên 38.5 độ C, không nên lạm dụng để tránh ảnh hưởng đến chức năng gan, thận của trẻ.
  • Cho trẻ bú mẹ thường xuyên để tránh tình trạng bé thiếu nước, không đủ dưỡng chất. Nếu trẻ sử dụng sữa công thức thì nên cho trẻ uống sữa thường xuyên. Nên chia nhỏ thành nhiều cữ vì có thể con sẽ không thể uống quá nhiều một lần khi bị viêm tiểu phế quản.
  • Dùng nước muối sinh lý chuyên dụng cho trẻ sơ sinh để nhỏ mắt, nhỏ mũi. Trường hợp mũi bé có nhiều đờm thì sau khi nhỏ mũi, mẹ có thể dùng dụng cụ hút mũi để hỗ trợ làm sạch đờm nhầy cho con.
  • Trước khi cho bé bú, nên hút đờm cho bé để giải phóng các chất xuất tiết, làm thông thoáng đường thở giúp bé dễ bú hơn.
  • Massage gan bàn chân, lưng, ngực, massage ở vùng đầu trán, thái dương kèm theo tinh dầu khuynh diệp hoặc tinh dầu tràm có thể giúp bé giảm nghẹt mũi, chảy nước mũi.
  • Thường xuyên dùng nước vừa ấm, nhiệt độ vừa phải để lau người nhằm hạ nhiệt cho bé. Ngoài ra, nên đặt con nằm ở phòng ở thông thoáng, mát mẻ. Trường hợp không gian bí bách, nóng nực thì có thể sử dụng máy lạnh, tuy nhiên nên kết hợp cùng máy phun sương tạo ẩm để trẻ dễ chịu hơn.

Đối với trẻ sơ sinh, khi con bị viêm tiểu phế quản, ba mẹ nên theo dõi tình trạng sức khỏe và các triệu chứng của bé thường xuyên. Trẻ còn quá nhỏ nên mẹ tuyệt đối không tự ý cho con sử dụng các loại siro, thuốc long đờm khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, nếu bé có các triệu chứng bất thường như bỏ bú, sốt cao, tím tái, nôn, thở nông, nhịp thở nhanh, ngực lõm rút, môi khô, thở rít, ho nhiều… cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện để được hỗ trợ điều trị kịp thời.

Đọc thêm: Viêm Tiểu Phế Quản Bội Nhiễm: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Biện pháp phòng ngừa viêm tiểu phế quản cho trẻ

Viêm tiểu phế quản là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ từ dưới 24 tháng tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi là những đối tượng có nguy cơ cao. Nguyên tắc chăm sóc và điều trị cho trẻ là phải đảm bảo làm giảm triệu chứng, cung cấp đủ nước, điện giải, dinh dưỡng và oxy.

Đeo khẩu trang giúp bé phòng ngừa viêm tiểu phế quản
Đeo khẩu trang giúp bé phòng ngừa viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản có thể gây nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu trẻ không được chăm sóc đúng cách và điều trị kịp thời. Trẻ còn nhỏ, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện sẽ rất dễ mắc các vấn đề về hô hấp. Do đó, cách tốt nhất là chúng ta nên phòng ngừa từ sớm bằng cách:

  • Cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, nên cho con bú đến 24 tháng tuổi. Trường hợp mẹ ít sữa, không có sữa thì có thể thay thế bằng sữa công thức.
  • Cần giữ ấm cho trẻ khi thay đổi thời tiết, nhất là vào thời điểm giao mùa. Tuy nhiên, cũng không nên cho bé mặc quá nhiều, ủ ấm con quá mức vì dễ khiến bé ra mồ hôi, mồ hôi không thoát được cũng có thể làm con bị viêm phổi, viêm phế quản.
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ nơi ở, không gian sống, tránh để con tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bẩn. Phòng ở cần thông thoáng, mát mẻ, tránh ẩm ướt, tối tăm sẽ tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.
  • Tuyệt đối không hôn lên mặt, má bé, không để người lạ hôn trẻ. Vệ sinh tay trẻ sạch sẽ, hạn chế con mút tay, vệ sinh sạch sẽ các vật dụng cụ bé như gặm nướu, ti giả…
  • Tiêm phòng cho bé đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn. Sử dụng thuốc cho bé theo đúng hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Không tự ý tăng giảm liều lượng, không tự ý cho bé dùng các loại thuốc, siro ho.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, nếu con đã ăn dặm thì cần cho trẻ ăn đủ 4 nhóm chất bao gồm đường bột, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất.
  • Trường hợp gia đình có người bị cúm, nhiễm khuẩn thì tốt nhất nên cách ly, không ở gần trẻ để tránh lây lan cho bé.

Viêm tiểu phế quản là bệnh thường xảy ra ở trẻ em, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho trẻ như sốt, ho, khó thở, nghẹt mũi, sổ mũi, đờm nhiều, bú ít hoặc bỏ bú, chán ăn… Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ba mẹ nắm được cách chăm sóc trẻ bị viêm phế quản tại nhà an toàn, hiệu quả.

Bài viết khác:

Câu hỏi liên quan

Viêm phế quản là bệnh đặc biệt phổ biến ở trẻ, bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra những thường gặp nhất là do nhiễm các loại virus. Khi bị viêm phế quản, trẻ cần...

Xem chi tiết

Viêm phế quản có lây không là băn khoăn của rất nhiều bạn đọc. Tham khảo bài viết để hiểu hơn về tính chất cũng như cách thức lây nhiễm của bệnh, qua đó có...

Xem chi tiết

Người bị viêm phế quản có tiêm vacxin được không là mối bận tâm của nhiều bạn đọc. Sở dĩ, nhiều người lăn tăn về vấn đề này vì vacxin là chế phẩm có tính...

Xem chi tiết

Dân gian quan niệm nên kiêng tắm rửa khi mắc các bệnh hô hấp để tránh nhiễm phong hàn. Tuy nhiên, các bác sĩ thường không dặn dò vấn đề này khi thăm khám và...

Xem chi tiết

Viêm phế quản có truyền nước được không là vấn đề mà nhiều bệnh nhân quan tâm. Về bản chất, truyền dịch là hình thức bổ sung nước, điện giải, dinh dưỡng qua đường tĩnh...

Xem chi tiết

Viêm phế quản mãn tính có nguy hiểm không là câu hỏi phổ biến được người bệnh đặt ra bởi đây là tình trạng bệnh đường hô hấp khá dễ gặp. Người bệnh ở mọi...

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa