Nội dung chính

Viêm thanh khí phế quản (Croup) thường gặp ở trẻ từ 6 tháng - 5 tuổi với nguyên nhân chủ yếu là do virus, vi khuẩn… Bệnh có thể tự thoái lui sau 2 - 4 ngày nhưng cũng có trường hợp tiến triển nặng gây khó thở, tím tái.

Tổng quan

Viêm thanh khí phế quản (Croup) là tình trạng viêm, phù nề thanh quản, khí quản và cả phế quản. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do virus hoặc vi khuẩn, trong đó phổ biến nhất là siêu vi Parainfluenza (chiếm hơn 70%).

Viêm Thanh Khí Phế Quản
Viêm thanh khí phế quản (Croup) là bệnh lý hô hấp phổ biến ở trẻ nhỏ

Viêm thanh khí phế quản gặp nhiều ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Các triệu chứng đôi khi không quá nghiêm trọng và có thể thuyên giảm nhanh sau khi điều trị. Tuy nhiên ở một vài trường hợp, triệu chứng có thể tiến triển nhanh với mức độ nghiêm trọng và đe dọa trực tiếp đến sức khỏe.

Không giống với viêm thanh quản cấp, các triệu chứng của viêm thanh khí quản thường khởi phát từ từ trong 1 - 3 ngày. Thể trạng của trẻ không bị ảnh hưởng nhiều nên nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh trạng thường thuyên giảm nhanh, ít gây ra biến chứng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chủ yếu gây viêm thanh khí phế quản là do virus. Một vài trường hợp có thể do vi khuẩn gây ra. Vì tác nhân gây bệnh là siêu vi nên bệnh lý này có khả năng lây nhiễm cao, dễ phát tán thành dịch nếu không chủ động phòng ngừa.

viêm thanh khí phế quản là gì
Parainfluenza là tác nhân chủ yếu gây viêm thanh khí phế quản

Các nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh viêm thanh khí phế quản:

  • Siêu vi Parainfluenza (chiếm hơn 70%)
  • Virus hợp bào hô hấp (RSV)
  • Adenovirus
  • Vi khuẩn Haemophilus influenzae

Tác nhân gây bệnh có thể xâm nhập trực tiếp do hít phải giọt bắn chứa virus, vi khuẩn. Hoặc cũng có thể do tiếp xúc với vật dụng chứa giọt bắn, nước bọt từ người bệnh.

Viêm thanh khí phế quản chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, rất hiếm khi xảy ra ở trẻ lớn và người trưởng thành. Vì vậy, các chuyên gia tin rằng những yếu tố sau sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Hệ thống hô hấp chưa phát triển hoàn chỉnh
  • Hệ miễn dịch kém

Do bệnh thường gặp ở đối tượng từ 6 tháng - 5 tuổi nên nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Ở độ tuổi này, trẻ chưa có ý thức giữ vệ cá nhân và không biết cách phòng ngừa lây nhiễm các bệnh viêm đường hô hấp như người trưởng thành. Do đó, viêm thanh khí quản rất dễ bùng phát thành dịch trong các môi trường như mầm non, câu lạc bộ thiếu nhi…

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng

Ban đầu, các triệu chứng của viêm thanh khí quản khá giống với cảm lạnh. Sau khoảng 1 - 3 ngày, triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Viêm Thanh Khí Phế Quản
Ho, thở rít là biểu hiện thường gặp khi thanh quản, khí quản và phế quản bị sưng viêm, phù nề

Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm thanh khí phế quản:

  • Khởi phát với các biểu hiện như sổ mũi, ho, sốt nhẹ
  • Sau 1 - 3 ngày sẽ xuất hiện tình trạng khó thở thanh quản, khàn tiếng…
  • Thở nhanh, ngực co lõm
  • Trường hợp nặng có thể dẫn đến tím tái, thở rít

Các triệu chứng có xu hướng nặng hơn vào ban đêm và tiến triển nhanh trong vòng 3 - 5 ngày. Do đó, cha mẹ cần phải phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường để kịp thời cho trẻ điều trị.

Chẩn đoán

Viêm thanh khí quản có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu nhận thấy các triệu chứng nghiêm trọng dần theo thời gian, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện/ phòng khám để được chẩn đoán.

viêm thanh khí phế quản là gì
Bác sĩ sẽ đánh giá nhịp thở, nhịp tim để khoanh vùng những khả năng trẻ có thể mắc phải

Chẩn đoán bệnh viêm thanh khí quản sẽ bao gồm các bước sau:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ đặt câu hỏi liên quan để khai thác những dữ liệu quan trọng như tiền sử bệnh lý, triệu chứng, thời điểm khởi phát… Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ quan sát nhịp thở, kiểm tra cổ họng và nghe tim để nắm bắt tình hình sức khỏe của trẻ.
  • Xét nghiệm công thức máu: Xét nghiệm này được thực hiện để xác định tình trạng nhiễm trùng với sự gia tăng rõ rệt của các tế bào bạch cầu.
  • Phết họng: Các triệu chứng của viêm thanh khí phế quản có thể bị nhầm lẫn với bệnh bạch hầu. Phết họng sẽ được chỉ định thực hiện để loại trừ khả năng này.
  • X-Quang phổi: Trường hợp có dấu hiệu suy hô hấp sẽ được X-Quang phổi để loại trừ những bệnh lý có liên quan.
  • Nội soi thanh khí quản: Được chỉ định trong trường hợp có biểu hiện khó thở thanh quản. Ngoài ra, kỹ thuật này cũng sẽ giúp chẩn đoán phân biệt với dị vật đường thở.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán viêm thanh khí phế quản khi đáp ứng các tiêu chí như khàn tiếng, rít thanh quản, nội soi nhận thấy hiện tượng viêm ở thanh khí quản.

Biến chứng và tiên lượng

Viêm thanh khí phế quản là bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Phần lớn đều có mức độ nhẹ và thuyên giảm nhanh sau khi dùng thuốc. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, trẻ sẽ được điều trị nội trú để tránh tình trạng thiếu oxy do khó thở, thở rít.

Thống kê cho thấy, có khoảng 15% trường hợp gặp phải biến chứng. Các biến chứng thường gặp bao gồm viêm phổi, viêm tiểu phế quản và viêm tai giữa. Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh cũng sẽ khiến cho trẻ mệt mỏi, ăn uống kém, sức đề kháng suy giảm…

Nếu được phát hiện sớm và chăm sóc, điều trị đúng cách, viêm thanh khí phế quản có thể thuyên giảm nhanh chóng và không gặp phải bất cứ biến chứng nào. Điều trị sớm còn giúp hạn chế lây nhiễm cho những người xung quanh.

Điều trị

Viêm thanh khí phế quản có thể được điều trị hoàn toàn tại nhà nếu có mức độ nhẹ. Trường hợp bệnh trạng xấu có thể phải điều trị nội trú để tránh các biến chứng nguy hiểm. Tùy theo mức độ bệnh, thời gian điều trị có thể kéo dài từ 2 - 4 ngày hoặc lâu hơn.

Nguyên tắc khi điều trị viêm thanh khí quản là đảm bảo thông khí và nồng độ oxy trong máu. Đồng thời phục hồi sự thông thương của đường thở.

Điều trị với bệnh mức độ nhẹ

Viêm thanh khí phế quản mức độ nhẹ được xác định khi trẻ bị khó thở thanh quản độ I (thở rít và khàn tiếng). Những trường hợp này sẽ đa phần đều tự hồi phục sau 2 - 4 ngày nên có thể điều trị tại nhà.

v
Có thể cho trẻ điều trị tại nhà nếu triệu chứng nhẹ, không có biểu hiện tím tái, vật vã

  • Sử dụng các loại thuốc giảm triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi…
  • Bù điện giải để tránh mất nước
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, nên ưu tiên thức ăn mềm, dễ tiêu hóa…
  • Quan sát triệu chứng và chủ động đưa trẻ đến bệnh viện nếu có biểu hiện co lõm ngực, khó thở nặng…

Điều trị bệnh ở mức độ trung bình

Viêm thanh khí phế quản mức độ trung bình được xác định khi trẻ có biểu hiện khó thở thanh quản độ IIA (thở rít khi nằm yên). Đối với trường hợp này, cha mẹ có thể cho trẻ điều trị ngoại trú nhưng cần theo dõi sát sao.

Điều trị cụ thể bao gồm:

  • Sử dụng thuốc làm giảm triệu chứng
  • Dùng thêm Dexamethasone 0.15mg/ kg hoặc Prednisone 1mg/ kg/ ngày mỗi 8 giờ để giảm viêm, phù nề thanh khí quản
  • Theo dõi triệu chứng sát và đưa trẻ đến bệnh viện khi có biểu hiện khó thở, tím tái
  • Tái khám hằng ngày để đánh giá mức độ đáp ứng và phục hồi

Điều trị bệnh ở mức độ nặng

Viêm thanh khí phế quản mức độ nặng được xác định khi có biểu hiện khó thở thanh quản độ IIB (thở nhanh, khó thở, co lõm ngực) hoặc độ III (kèm theo tím tái, vật vã). Những trường hợp này sẽ có chỉ định nhập viện để tránh các tai biến và biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Điều trị cụ thể cho viêm thanh khí phế quản mức độ nặng:

  • Tránh bồng bế vì có thể gia tăng mức độ khó thở và phù nề thanh quản.
  • Cho trẻ nằm gối cao để giảm áp lực lên hệ thống hô hấp.
  • Trẻ sẽ được thở oxy nhằm hạn chế thiếu oxy trong máu
  • Khí dung Adrenalin 1% 2 - 5ml, lặp lại liều sau 30 - 60 phút
  • Dùng Dexamethason 0.15 - 0.6mg/ kg để giảm viêm, chống phù nề, lặp lại liều sau 6 - 12 giờ đồng hồ
  • Trường hợp do vi khuẩn sẽ được dùng kháng sinh Ceftriaxone hoặc Cefotaxime
  • Trẻ có biểu hiện kiệt sức, tím tái, ngưng thở, đồng thời thất bại khi điều trị nội khoa bằng Adrenalin và Dexamethasone sẽ được đặt nội khí quản.

Đối với trường hợp viêm thanh khí phế quản nặng, trẻ sẽ được theo dõi trong thời gian dài cho đến khi sức khỏe ổn định. Trong thời gian điều trị, nên xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để quá trình hồi phục có thể diễn ra thuận lợi.

Các biện pháp chăm sóc

Viêm thanh khí phế quản chủ yếu do virus gây ra nên có thể tự hồi phục sau 2 - 4 ngày. Trong thời gian này, cần có biện pháp chăm sóc để nâng đỡ thể trạng, hạn chế tình trạng virus phát triển mạnh gây khó thở, tím tái và gia tăng nguy cơ bội nhiễm.

Điều trị viêm thanh khí phế quản
Nên cho trẻ uống nhiều nước để giữ ẩm cổ họng, giảm độ đặc của dịch nhầy hô hấp

Trong thời gian điều trị viêm thanh khí quản, cha mẹ cần có các biện pháp chăm sóc hợp lý:

  • Cho trẻ uống nước ấm nhiều lần trong ngày để làm dịu niêm mạc hô hấp, giảm độ đặc của chất nhầy. Bằng cách này, tình trạng ho có đờm, khó thở sẽ được thuyên giảm rõ rệt.
  • Dùng thức ăn mềm, chia nhỏ bữa ăn và hạn chế gia vị để trẻ dễ nuốt, tránh nôn ói.
  • Cho trẻ kê đầu cao, mặc quần áo mềm, thấm hút tốt.
  • Vệ sinh không gian sống, đảm bảo phòng ốc thoáng gió và có ánh sáng.
  • Trong thời gian điều trị, cha mẹ nên ngủ cùng con để có thể phát hiện kịp thời khi triệu chứng chuyển biến xấu.
  • Rửa mũi họng cho trẻ thường xuyên.
  • Khi trẻ quấy khóc, nên cố gắng dỗ dành để tránh tình trạng khó thở và tím tái.

Phòng ngừa

Hiện nay, chưa có vaccine phòng ngừa viêm thanh khí phế quản. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm đi đáng kể nếu có các biện pháp phòng ngừa phù hợp.

Điều trị viêm thanh khí phế quản
Cho trẻ đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người để tránh nhiễm virus, vi khuẩn gây viêm đường hô hấp

Các biện pháp giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm thanh khí phế quản:

  • Hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh tiếp xúc với người bị viêm nhiễm đường hô hấp.
  • Dạy trẻ sát khuẩn tay bằng cồn và rửa tay với xà phòng sau khi tiếp xúc với các đồ dùng công cộng.
  • Cho trẻ tiêm vaccine ngừa cúm mỗi năm 1 lần.
  • Nâng cao sức khỏe cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất, tiếp xúc với môi trường tự nhiên…
  • Vệ sinh không gian sống, trồng thêm cây xanh và sử dụng các thiết bị hỗ trợ như máy lọc không khí, máy tạo độ ẩm… để giảm nguy cơ phát triển các bệnh lý hô hấp.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Có phải con tôi bị viêm thanh khí phế quản không?

2. Bệnh lý này có nghiêm trọng không?

3. Bé cần phải thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?

4. Tôi có thể điều trị cho bé tại nhà hay phải nhập viện?

5. Khi nào con tôi cần nhập viện?

6. Viêm thanh khí phế quản có lây không? Có cách nào phòng tránh?

7. Con tôi có cần nghỉ học trong thời gian điều trị không?

8. Bé có cần kiêng ăn uống gì khi điều trị?

9. Thời gian điều trị khoảng bao lâu?

10. Có thể sử dụng BHYT để được hỗ trợ viện phí hay không?

Viêm thanh khí phế quản là bệnh hô hấp khá phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh lý này thường là hậu quả của các bệnh viêm đường hô hấp trên (phổ biến nhất là cảm lạnh do virus hợp bào hô hấp). Vì vậy, cha mẹ cần trang bị kiến thức cần thiết để có thể xử lý kịp thời, đúng cách khi con trẻ có những biểu hiện bất thường.

Câu hỏi liên quan

Viêm phế quản là bệnh đặc biệt phổ biến ở trẻ, bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra những thường gặp nhất là do nhiễm các loại virus. Khi bị viêm phế quản, trẻ cần...

Xem chi tiết

Viêm phế quản có lây không là băn khoăn của rất nhiều bạn đọc. Tham khảo bài viết để hiểu hơn về tính chất cũng như cách thức lây nhiễm của bệnh, qua đó có...

Xem chi tiết

Viêm phế quản mãn tính có nguy hiểm không là câu hỏi phổ biến được người bệnh đặt ra bởi đây là tình trạng bệnh đường hô hấp khá dễ gặp. Người bệnh ở mọi...

Xem chi tiết

Viêm phế quản có truyền nước được không là vấn đề mà nhiều bệnh nhân quan tâm. Về bản chất, truyền dịch là hình thức bổ sung nước, điện giải, dinh dưỡng qua đường tĩnh...

Xem chi tiết

Dân gian quan niệm nên kiêng tắm rửa khi mắc các bệnh hô hấp để tránh nhiễm phong hàn. Tuy nhiên, các bác sĩ thường không dặn dò vấn đề này khi thăm khám và...

Xem chi tiết

Người bị viêm phế quản có tiêm vacxin được không là mối bận tâm của nhiều bạn đọc. Sở dĩ, nhiều người lăn tăn về vấn đề này vì vacxin là chế phẩm có tính...

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa

Dinh dưỡng sức khỏe

Dịch vụ & Giải pháp