Polyp mũi là dạng u lành phổ biến nhất ở vùng mũi xoang. Triệu chứng bệnh khá mờ nhạt và không có tính điển hình nên dễ bị nhầm lẫn với viêm xoang, viêm mũi dị ứng… Trong các trường hợp, điều trị bảo tồn luôn được ưu tiên và can thiệp ngoại khoa chỉ được cân nhắc khi polyp có kích thước lớn.

Định nghĩa polyp mũi

Polyp mũi là u lành thường gặp nhất ở vùng mũi xoang, phát triển từ tình trạng thoái hóa niêm mạc. Mặc dù được đánh giá lành tính nhưng tình trạng này vẫn sẽ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng đáng kể đến chức năng của các cơ quan hô hấp.

polyp mũi là gì
Polyp mũi là khối u lành tính, mềm, màu hồng nhạt xuất hiện bên trong hệ thống mũi xoang

Tỷ lệ polyp chiếm khoảng 1 - 4% dân số và nguy cơ tăng lên theo độ tuổi. Bởi bệnh lý này có liên quan đến viêm mũi dị ứng, viêm xoang, hen suyễn mãn tính… tiến triển trong nhiều năm. Ngoài ra, những bệnh lý ảnh hưởng đến mô liên kết như hội chứng Churg-Strauss và bệnh lý xơ nang cũng có thể là nguyên nhân khiến khối u lành tính hình thành.

Bệnh chủ yếu xuất hiện sau năm 30 tuổi và tỷ lệ cao hơn ở nam giới. Trẻ nhỏ dưới 10 tuổi rất hiếm khi mắc bệnh lý này.

Điều trị polyp mũi đôi khi không cần thiết, nhất là khi khối u có kích thước nhỏ và không gây ra bất cứ triệu chứng nào. Ngược lại, khi khối u lớn dần làm cản trở lưu thông của hệ thống mũi - xoang khiến cho tình trạng viêm xoang, viêm mũi tái phát nhiều lần… điều trị sẽ được cân nhắc thực hiện.

Phân loại

Polyp mũi được phân loại dựa vào kích thước của khối u. Hiện tại, bệnh lý này được chia thành 4 loại sau:

polyp mũi là gì
Mức độ của bệnh polyp mũi được phân chia dựa trên kích thước của khối u

Polyp mũi độ 1

Polyp mũi độ 1 được xác định khi khối u có kích thước rất nhỏ, không thể quan sát bằng mắt thường. Ở giai đoạn này gần như không có triệu chứng lâm sàng và đa phần chỉ vô tình phát hiện khi nội soi mũi xoang.

Polyp mũi độ 2

Polyp mũi độ 2 có kích thước khá lớn, chiếm một phần khe giữa mũi. Vì vậy nếu chú ý, có thể quan sát thấy khối u bằng mắt thường.

Polyp mũi độ 3

Ở giai đoạn này, khối u gia tăng kích thước đáng kể khiến cho một phần hốc mũi bị che lấp. Các triệu chứng lâm sàng bắt đầu xuất hiện, khởi đầu là nghẹt mũi và giảm khứu giác. Do kích thước khối u đã gia tăng đáng kể nên có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường.

Polyp mũi độ 4

Polyp mũi độ 4 là giai đoạn nặng nhất, nhìn vào bên trong khoang mũi có thể dễ dàng thấy khối u lớn, màu hồng nhạt. Khối u cản trở không khí lưu thông gây ra tình trạng nghẹt mũi dai dẳng, khó thở, mệt mỏi, ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ và sinh hoạt hằng ngày.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Có rất nhiều giả thuyết được đặt ra để giải thích cho sự hình thành của polyp mũi xoang. Ngoài những nguyên nhân trực tiếp, cơ địa, di truyền cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

Các nguyên nhân, yếu tố nguy cơ có thể gây hình thành polyp mũi:

Viêm xoang và viêm mũi

Viêm xoangviêm mũi là nguyên nhân phổ biến nhất gây polyp mũi. Hai bệnh lý này đều gây ra tình trạng phù nề, viêm niêm mạc. Do tính chất dai dẳng và dễ tái phát, vùng niêm mạc mũi xoang có thể bị phù nề trong thời gian dài dẫn đến phì đại và hình thành khối u lành tính.

Hình ảnh polyp mũi
Viêm mũi dị ứng dai dẳng, mãn tính là nguyên nhân hàng đầu gây polyp mũi

Nước ta có khí hậu nóng ẩm, thời tiết thay đổi thất thường và chất lượng không khí ngày càng đi xuống. Do đó, tỷ lệ viêm xoang, viêm mũi dị ứng tái phát là rất cao. Nếu không kiểm soát hai bệnh lý này, số ca mắc polyp mũi sẽ có chiều hướng gia tăng trong thời gian sắp tới.

Hen suyễn

Bên cạnh viêm mũi và viêm xoang, hen suyễn cũng là nguyên nhân gây polyp mũi. Người bị hen phế quản thường rất mẫn cảm với những yếu tố dị ứng, kích ứng… Vì vậy, niêm mạc mũi xoang và các cơ quan hô hấp dưới có thể bị viêm mãn tính. Tạo điều kiện gây ra tổn thương dạng thoái hóa và xuất hiện các polyp lành tính bên trong khoang mũi.

Thống kê cho thấy, 15 - 30% trường hợp polyp mũi đi kèm với hen suyễn. Điều này phần nào khẳng định mối liên hệ mật thiết giữa hai bệnh lý này.

Dị ứng thuốc NSAID

NSAID (thuốc chống viêm không steroid) là loại thuốc thông dụng với tác dụng giảm đau, chống viêm, hạ sốt. Các nghiên cứu cho thấy, những người bị dị ứng với nhóm thuốc này, đặc biệt là Aspirin, Diclofenac… sẽ có nguy cơ bị polyp mũi lên đến 50%.

nguyên nhân của bệnh polyp mũi
Người có tiền sử mẫn cảm, dị ứng với NSAID sẽ có nguy cơ cao phát triển bệnh polyp mũi

Xơ nang

Xơ nang là tình trạng di truyền ảnh hưởng chủ yếu đến hệ tiêu hóa và hô hấp. Những người mắc chứng bệnh này nhiều khả năng sẽ phát triển bệnh phổi mãn tính, bệnh gan mật, suy tụy… và đồng thời nguy cơ hình thành polyp mũi cũng cao hơn so với bình thường.

Hội chứng Churg – Strauss

Hội chứng Churg – Strauss là bệnh lý tự miễn rất hiếm gặp. Chỉ có khoảng 2 - 4 trường hợp trên 1.000.000 người và nguy cơ cao hơn ở nam giới. Người mắc hội chứng này bị rối loạn đa hệ thống với những biểu hiện như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm da dị ứng, suy đa tạng… Tương tự như chứng xơ nang, Hội chứng Churg – Strauss cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ hình thành khối u lành tính ở vùng mũi xoang.

Cơ địa dị ứng

Dị ứng dai dẳng, mãn tính có thể là nguyên nhân gây phù nề, phì đại niêm mạc mũi xoang và kết quả là làm xuất hiện polyp mũi. Do đó, những người có cơ địa mẫn cảm, dễ dị ứng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

nguyên nhân dẫn đến bệnh polyp mũi
Cơ địa dị ứng là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ polyp mũi

Đặc biệt, những người dễ bị dị ứng với các dị nguyên có trong không khí như phấn hoa, mạt bụi, lông chó mèo, hóa chất, khói thuốc… sẽ có khả năng cao hình thành polyp mũi. Bởi những tác nhân dị ứng này gần như không thể loại bỏ và cách ly hoàn toàn như thức ăn, cao su, niken…

Di truyền

Di truyền cũng là một trong những yếu tố được đề cập. Các chuyên gia tin rằng, cơ địa nhạy cảm và đáp ứng của niêm mạc mũi với các tác nhân dị ứng, kích ứng… đều liên quan đến gen. Vì vậy, nếu gia đình có tiền sử bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang và polyp mũi, nguy cơ sẽ cao hơn so với những người không có tiền sử gia đình mắc các bệnh lý kể trên.

Triệu chứng bệnh polyp mũi

Triệu chứng

Thời gian đầu, polyp mũi gần như không có biểu hiện. Các dấu hiệu bất thường chỉ xuất hiện khi khối u phát triển về kích thước. Nhìn chung, triệu chứng của polyp mũi không điển hình và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh hô hấp trên thường gặp.

nguyên nhân dẫn đến bệnh polyp mũi
Polyp mũi làm cản trở quá trình thông lưu mũi - xoang dẫn đến nghẹt thở, chảy nước mũi, giảm khứu giác...

Các triệu chứng thường gặp của bệnh polyp mũi:

  • Ngạt mũi kéo dài, có thể nghẹt luân phiên hoặc nghẹt cùng lúc 2 bên
  • Giảm khứu giác, thậm chí không ngửi được mùi
  • Khó thở
  • Tắc mũi, bít mũi
  • Chảy nước mũi đặc
  • Nước mũi liên tục chảy xuống cổ họng tạo đờm có màu vàng xanh
  • Cổ họng ngứa, kích thích
  • Có cảm giác nặng và tức ở vùng mặt, trán
  • Đau đầu
  • Ngủ ngáy
  • Một số triệu chứng ít gặp hơn bao gồm hắt hơi, chảy máu mũi, ngứa mắt…

Nhìn từ bên ngoài, có thể thấy polyp bên trong khoang mũi. Bề mặt khối u trơn láng, màu tái nhợt và bề mặt mọng nước. Chân polyp thường xuất phát từ xoang bướm, xoang sàng hoặc xoang hàm.

Biến chứng và tiên lượng

Polyp mũi là khối u lành tính nên không đe dọa đến sức khỏe. Dù vậy, khối u xuất hiện ở vị trí mũi xoang nên có thể cản trở quá trình lưu thông không khí.

Trường hợp không thăm khám và điều trị kịp thời, các triệu chứng như nghẹt mũi, đau nhức vùng mặt, khó thở, giảm khứu giác… sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Các biến chứng có thể gặp phải bao gồm:

  • Mất ngủ, mệt mỏi mãn tính
  • Giảm chất lượng cuộc sống (hiệu suất lao động, học tập, bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày…)
  • Viêm xoang nhiễm khuẩn
  • Hình thành u nhầy
  • Mất khứu giác không thể phục hồi
  • Gia tăng nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ

Polyp mũi có tiên lượng tốt nếu được thăm khám và điều trị đúng cách. Hiện nay, khoa học kỹ thuật đã phát triển nên những phương pháp xâm lấn đều ít tác dụng phụ hơn trước. Tuy nhiên, polyp mũi vẫn có khả năng tái phát nếu niêm mạc mũi xoang tiếp tục bị viêm, phù nề trong một thời gian dài.

Chẩn đoán bệnh polyp mũi

Khác với viêm xoang và viêm mũi dị ứng, polyp mũi không có triệu chứng điển hình. Rất ít trường hợp chủ động thăm khám và điều trị, trừ một số bệnh nhân vô tình phát hiện khi nội soi mũi xoang.

Các triệu chứng của polyp mũi sẽ khởi phát khi khối u gia tăng kích thước. Triệu chứng kéo dài, dai dẳng trong nhiều tháng và có xu hướng nghiêm trọng hơn theo thời gian nếu không có phương án điều trị.

nguyên nhân dẫn đến bệnh polyp mũi
Nội soi là kỹ thuật có giá trị nhất trong chẩn đoán bệnh polyp mũi

Nếu nghi ngờ mắc bệnh lý này, nên thăm khám để được chẩn đoán. Chẩn đoán polyp mũi sẽ bao gồm các kỹ thuật sau:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ khám vùng mũi xoang để xem xét có sự hiện diện của polyp hay không. Ở bước này, bác sĩ sẽ đặt một số câu hỏi để khai thác những dữ liệu quan trọng như có tiền sử hen phế quản, viêm xoang, viêm mũi dị ứng hay không, triệu chứng khởi phát từ khi nào, biểu hiện ra sao…
  • Nội soi mũi xoang: Đây là kỹ thuật có giá trị nhất trong chẩn đoán polyp mũi. Thông qua hình ảnh nội soi, bác sĩ có thể quan sát rõ bề mặt khối u và xác định chân của polyp xuất phát từ xoang bướm, xoang sàng hay xoang hàm.
  • Chụp CT hoặc MRI: Chụp CT hoặc MRI sẽ được chỉ định trong trường hợp polyp có kích thước lớn, lan tỏa ra hai bên. Hình ảnh từ kỹ thuật này vừa giúp bác sĩ xác định kích thước vừa có thể phân biệt với các tổn thương dạng u khác.
  • Test dị nguyên: Phần lớn các trường hợp polyp mũi đều có liên quan đến viêm xoang mũi dị ứng. Do đó, test dị nguyên tìm nguyên nhân là bước cần thiết để quá trình điều trị diễn ra thuận lợi.
  • Các kỹ thuật khác: Ngoài ra, chẩn đoán bệnh polyp mũi còn bao gồm các kỹ thuật khác như xét nghiệm chức năng phổi, xét nghiệm dịch mũi, độ nhạy Aspirin…

Điều trị bệnh polyp mũi

Như đã đề cập, polyp mũi có thể không cần phải điều trị trong trường hợp kích thước khối u nhỏ, không gây ra biểu hiện lâm sàng… Điều trị chỉ được xem xét khi khối u cản trở quá trình hô hấp, gây nghẹt mũi, chảy nước mũi dai dẳng kéo dài.

Tương tự như các bệnh hô hấp trên, điều trị ưu tiên luôn là các phương pháp bảo tồn. Phẫu thuật chỉ được cân nhắc khi điều trị nội khoa thất bại.

Điều trị bảo tồn

Trường hợp polyp mũi có kích thước nhỏ, chưa lấp kín hốc mũi và khoang mũi sẽ được điều trị bằng thuốc. Thuốc sẽ giúp kiểm soát một số triệu chứng như nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi… qua đó giảm phiền toái trong sinh hoạt hằng ngày và nâng cao chất lượng cuộc sống.

dấu hiệu bị bệnh polyp mũi
Thuốc có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu và thu nhỏ kích thước của polyp mũi

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị polyp mũi bao gồm:

  • Thuốc xịt mũi chứa corticoid: Có tác dụng giảm viêm và phù nề, đồng thời có thể làm giảm kích thước của polyp mũi trong một số trường hợp. Tuy nhiên, nhóm thuốc này chỉ được dùng ngắn hạn để tránh các tác dụng phụ như chảy máu cam, teo niêm mạc mũi, thậm chí loét vách mũi.
  • Thuốc chống dị ứng: Polyp mũi thường có liên quan đến tình trạng viêm mũi và viêm xoang dị ứng. Do đó, thuốc kháng histamin H1 có thể được sử dụng để cải thiện tình trạng nghẹt mũi, ngứa mũi… Khi tình trạng dị ứng được kiểm soát, kích thước polyp có thể thuyên giảm đáng kể.
  • Thuốc kháng sinh: Polyp mũi rất dễ gây ra viêm xoang nhiễm khuẩn do khối u gây bít tắc các hốc xoang, làm ứ đọng chất nhầy. Trong trường hợp này, kháng sinh sẽ được sử dụng để kiểm soát nhiễm trùng, tránh trường hợp vi khuẩn lây lan sang các cơ quan kế cận.

Điều trị ngoại khoa

Đối với polyp mũi, điều trị nội khoa cho hiệu quả khá hạn chế. Đa phần đều sẽ được điều trị bằng phẫu thuật.

Mục tiêu của can thiệp ngoại khoa là giảm thể tích hoặc loại bỏ hoàn toàn khối polyp. Qua đó giải phóng các hốc xoang bị tắc nghẽn, đảm bảo sự thông suốt của hệ thống tai mũi họng.

Đa phần các ca cắt polyp mũi đều có sự hỗ trợ của kỹ thuật nội soi. Phẫu thuật thường được chỉ định trong trường hợp polyp gây ngạt tắc mũi và rối loạn thông khí vòi nhĩ. Trường hợp bị hen suyễn nặng hoặc đang bị nhiễm trùng cần phải điều trị nội khoa trước khi phẫu thuật.

điều trị polyp mũi
Trường hợp polyp có kích thước lớn, che kín toàn bộ khoang mũi sẽ được xem xét phẫu thuật

Hiện nay có 3 phương pháp cắt polyp được áp dụng rộng rãi:

  • Cắt polyp bằng thòng lọng: Kỹ thuật này được chỉ định trong trường hợp polyp là khối riêng biệt, cuống nằm ở phần trước của hốc mũi. Khi cắt, bác sĩ sẽ đưa thòng lọng vào giữa polyp, di chuyển đến sát chân polyp và thắt dần thòng lọng để loại bỏ khối u.
  • Cắt polyp bằng kìm Luc: Được chỉ định trong trường hợp polyp trải rộng trong lòng khe giữa hoặc polyp do thoái hóa cuốn mũi. Trong kỹ thuật này, bác sĩ sẽ tách riêng các cuống polyp và cắt bằng kìm Luc bẹt với nhiều kích cỡ khác nhau.
  • Cắt polyp bằng dao cắt hút: Đây là kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp. Thiết bị này có thể hút khối polyp từ trước ra sau cho đến sát chân. Sau đó cắt bỏ để loại bỏ khối u lành tính, trả lại sự thông thoáng cho hệ thống mũi xoang.

Sau khi phẫu thuật cắt polyp, vùng mũi sẽ có hiện tượng chảy máu nhẹ. Một số trường hợp có cơ địa hen sẽ lên cơn hen kịch phát nên để đảm bảo an toàn, bệnh nhân bị polyp mũi kèm hen suyễn cần điều trị nội khoa tích cực trước mổ và theo dõi tại bệnh viện để xử trí trong trường hợp có tai biến.

Phòng ngừa bệnh polyp mũi

Polyp mũi hoàn toàn có thể tái phát sau điều trị. Để phòng ngừa bệnh lý này, nên loại trừ những yếu tố nguy cơ:

  • Kiểm soát các bệnh lý gây viêm, phù nề niêm mạc mũi như viêm xoang, viêm mũi dị ứng, hen phế quản…
  • Bảo vệ tai mũi họng bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài, vệ sinh đúng cách, giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với người bị viêm nhiễm đường hô hấp…
  • Tập thói quen rửa sạch tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với các vật dụng công cộng.
  • Tránh tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa, nấm mốc, lông chó mèo, hóa chất, sơn và các dung dịch có mùi mạnh…
  • Tăng cường hệ miễn dịch bằng lối sống lành mạnh và khoa học.
  • Tăng độ ẩm cho niêm mạc mũi xoang bằng cách uống đủ nước và sử dụng máy tạo độ ẩm trong điều kiện thời tiết khô hanh.
  • Trường hợp đã phẫu thuật polyp mũi, nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời tái khám định kỳ để phát hiện sớm nếu tình trạng tái phát.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Vì sao tôi bị polyp mũi?

2. Polyp mũi có nguy hiểm không? Tôi có thể gặp phải biến chứng nào?

3. Polyp mũi có phải là ung thư không?

4. Tôi cần phải thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh?

5. Tôi nên điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật?

6. Thời gian điều trị là bao lâu?

7. Chi phí điều trị polyp mũi khoảng bao nhiêu? Có sử dụng BHYT được không?

8. Tôi có nhất thiết phải phẫu thuật? Có phương án điều trị khác hay không?

9. Bệnh polyp mũi có lây không? Tôi cần làm gì để tránh lây nhiễm cho người khác?

10. Polyp mũi có tái phát không? Cách phòng ngừa hiệu quả

Polyp mũi tuy không đe dọa đến sức khỏe nhưng gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày. Về lâu dài, khối u có thể cản trở lưu thông mũi xoang và làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tai mũi họng. Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường, cần chủ động thăm khám để được chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời.

Câu hỏi liên quan

Có nhiều cách điều trị polyp mũi nhưng sử dụng thuốc điều trị, áp dụng các biện pháp ngăn ngừa khối polyp phát triển bằng các mẹo dân gian. Khi polyp mũi lớn, ảnh hưởng...

Xem chi tiết

Phẫu thuật luôn tiềm ẩn rủi ro, biến chứng nên việc lựa chọn địa chỉ thực hiện là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Trước băn khoăn Mổ polyp mũi ở đâu tốt nhất?,...

Xem chi tiết

Polyp mũi là một khói tròn nhỏ giống như một nang nhỏ, phát triển từ mô viêm của niêm mạc mũi. Xuất hiện khi tình trạng niêm mạc mũi bị kích thích do viêm hoặc...

Xem chi tiết

Viêm mũi dị ứng có tiêm được vaccine Covid không là băn khoăn của rất nhiều bạn đọc. Bởi các đối tượng có cơ địa mẫn cảm sẽ dễ dị ứng với thuốc và vaccine...

Xem chi tiết

“Viêm mũi dị ứng có lây không” không chỉ là thắc mắc của người bị viêm mũi dị ứng, mà còn là nỗi trăn trở của người thân, bạn bè hay những người tiếp xúc...

Xem chi tiết

Đối với người bình thường hoạt động bơi lội thường giúp nâng cao thể trạng, rèn luyện sức khỏe và tăng độ dẻo dai cho cơ thể. Tuy nhiên đa số người bệnh đều có...

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa

Dinh dưỡng sức khỏe

Dịch vụ & Giải pháp