Phù nề niêm mạc mũi sẽ kéo theo một loạt các triệu chứng như nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi… Mặc dù ít ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tình trạng này sẽ gây ra nhiều bất tiện, cản trở trong cuộc sống. Vì vậy, cần phải xác định nguyên nhân để có phương án chăm sóc và điều trị phù hợp.
Phù nề niêm mạc mũi là gì?
Niêm mạc mũi là mô mềm bao xung quanh diện tích thành mũi, có mối liên hệ mật thiết với niêm mạc xoang, VA, thành họng… Niêm mạc mũi thường có màu hồng nhạt, ẩm với tác dụng làm ẩm khoang mũi và kháng khuẩn. Bên trong dịch nhầy của mũi chứa nhiều tế bào bạch cầu giúp tiêu diệt vi khuẩn, nấm, virus và các tác nhân có hại khác.
Giống như niêm mạc của các cơ quan khác, niêm mạc mũi có cấu tạo khá mỏng và nhạy cảm. Cơ quan này dễ bị phù nề, sưng viêm khi có tác động (thay đổi môi trường, vi khuẩn, virus xâm nhập…). Khi niêm mạc mũi phù nề, diện tích khoang mũi sẽ bị thu hẹp dẫn đến ngạt thở, bít mũi, khó thở và chảy dịch mũi.
Niêm mạc mũi có thể bị phù nề do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tình trạng này phổ biến ở cả trẻ em và người trưởng thành nên bạn không phải lo lắng khi gặp phải. Tuy nhiên, nếu niêm mạc mũi phù nề lâu ngày, cần phải có biện pháp chăm sóc và điều trị phù hợp để tránh phát sinh biến chứng.
Nguyên nhân gây ra tình trạng phù nề niêm mạc mũi
Có rất nhiều nguyên nhân khiến niêm mạc mũi bị sưng viêm. Hiện tượng phù nề thường do ảnh hưởng của viêm nhiễm hoặc dị ứng. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, tác động vật lý mạnh (xì mũi quá mạnh, ngoáy mũi, xịt rửa mũi không đúng cách…) cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Dưới đây là một vài nguyên nhân thường gặp khiến gây niêm mạc mũi bị phù nề:
1. Thay đổi thời tiết
Niêm mạc mũi giống như một lớp lót ẩm bao bọc toàn bộ khoang mũi. Vì vậy, khi thời tiết thay đổi, cơ quan này sẽ có những thay đổi như phù nề, tăng tiết dịch, ngứa hoặc khô.
Phần lớn các trường hợp bị sưng viêm niêm mạc mũi là do thời tiết thay đổi đột ngột (thường là từ nóng chuyển sang lạnh). Vào những thời điểm này, độ ẩm và nhiệt độ có sự thay đổi lớn khiến cho niêm mạc mũi không kịp thích nghi. Dẫn đến hiện tượng phù nề kèm theo các triệu chứng như hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi liên tục, ngứa mũi…
Có thể bạn quan tâm: Ngứa Mũi Hắt Hơi Liên Tục Là Như Thế Nào? Cách Phòng Ngừa Hiệu Quả
2. Hít phải khói bụi, hóa chất
Một nguyên nhân khác gây ra tình trạng phù nề ở niêm mạc mũi là do hít phải hóa chất và khói bụi. Như đã đề cập, niêm mạc mũi có cấu tạo mỏng và nhạy cảm. Khi hít phải khói bụi và hóa chất, niêm mạc sẽ phản ứng lại bằng cách phù nề, sưng viêm, đôi khi kèm xuất tiết. Mục đích là loại bỏ toàn bộ khói bụi giúp bảo vệ khoang mũi và phòng ngừa các bệnh lý hô hấp.
Hiện nay, chất lượng không khí ngày càng đi xuống khiến cho tỷ lệ người bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm phổi… ngày càng gia tăng. Vì vậy, nếu sinh sống ở những thành phố lớn, môi trường ô nhiễm, tỷ lệ bị viêm niêm mạc mũi sẽ cao hơn so với khu vực nông thôn.
3. Dị vật trong mũi
Dị vật mũi là một trong những nguyên nhân khiến niêm mạc mũi bị phù nề. Tình trạng này chủ yếu gặp ở trẻ em do thói quen nghịch ngợm, có thể vô tình đẩy các dị vật vào bên trong khoang mũi.
Khi có dị vật hoặc côn trùng bên trong khoang mũi, niêm mạc mũi sẽ bị phù nề, đôi khi kèm theo phản ứng khó thở và chảy máu. Trường hợp dị vật có kích thước lớn, cần phải đến ngay bệnh viện/ phòng khám gần nhất để được xử trí.
4. Thói quen ngoáy mũi
Thói quen ngoáy mũi có thể là nguyên nhân gián tiếp khiến niêm mạc mũi bị phù nề. Nếu thường xuyên ngoáy mũi, niêm mạc sẽ bị kích thích dẫn đến hiện tượng viêm và xuất huyết. Ngoài ra, ngoáy mũi còn khiến lông mũi rụng nhiều, ảnh hưởng đến khả năng ngăn chặn bụi bẩn, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn xâm nhập vào bên trong.
5. Vệ sinh mũi không đúng cách
Tương tự như tai và họng, mũi cũng cần được vệ sinh thường xuyên để làm sạch khói bụi. Vệ sinh mũi cần được thực hiện nhẹ nhàng, giảm tác động tối đa lên niêm mạc mũi. Nếu xịt rửa quá mạnh, niêm mạc mũi có thể bị kích ứng và phù nề.
Trường hợp viêm niêm mạc mũi do vệ sinh không đúng cách thường chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, bạn cần phải thay đổi thói quen này nếu muốn bảo vệ đường hô hấp trên, phòng ngừa viêm mũi dị ứng, viêm xoang… hiệu quả.
6. Do bệnh viêm mũi
Sưng viêm niêm mạc mũi là triệu chứng thường thấy của bệnh viêm mũi. Khi mũi bị viêm, toàn bộ niêm mạc sẽ có dấu hiệu phù nề, sưng tấy và tăng tiết dịch. Dựa vào nguyên nhân, viêm mũi được chia thành nhiều loại như viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch, viêm mũi teo, viêm mũi do nhiễm khuẩn, viêm mũi do virus…
Trong đó, phổ biến nhất là viêm mũi dị ứng và viêm mũi vận mạch. Mặc dù nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh có khác biệt nhưng điểm chung của các bệnh viêm mũi là gây chảy nước mũi dai dẳng, nghẹt mũi, khó thở, ngứa mũi, hắt hơi…
Nếu thường xuyên bị phù nề ở vùng niêm mạc mũi, bạn nên cân nhắc đến nguyên nhân này. Bởi do đặc thù về khí hậu, tỷ lệ bị viêm mũi ở nước ta luôn ở mức cao và phổ biến ở cả trẻ em lẫn người lớn.
Đọc thêm: Viêm Mũi Dị Ứng Có Bị Lây Không? Các Biện Pháp Phòng Tránh
7. Phù nề niêm mạc mũi do viêm xoang
Tương tự như viêm mũi, viêm xoang cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng sưng viêm niêm mạc mũi. Xoang là hệ thống nằm sau mũi, gò má, trán và giữa mắt có chức năng sản xuất chất nhầy nhằm bảo vệ cơ thể khỏi virus, vi khuẩn và chất dị ứng.
Hệ thống xoang có thể bị viêm do các tác nhân dị ứng, kích ứng hoặc do sự xâm nhập của virus, vi khuẩn. Khi bị viêm xoang, các hốc rỗng bên trong bị thu hẹp dẫn đến ứ đọng chất nhầy gây ra tình trạng nghẹt mũi, cảm giác nặng và đau nhức ở vùng mặt.
Xoang – mũi là hệ thống có mối liên hệ mật thiết. Khi xoang bị ứ đọng chất nhầy sẽ khiến cho niêm mạc mũi trở nên nhạy cảm và có hiện tượng phù nề, tăng tiết dịch. Để xác định liệu niêm mạc mũi bị phù nề có phải do viêm xoang hay không, bạn nên thăm khám tại chuyên khoa Tai mũi họng.
Phù nề niêm mạc mũi có nguy hiểm không?
Tình trạng phù nề ở niêm mạc mũi thường có liên quan đến các bệnh hô hấp trên như viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch, viêm mũi teo, viêm xoang… Các bệnh lý này đa phần đều không đe dọa đến sức khỏe và hiếm khi gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, niêm mạc mũi phù nề lâu ngày có thể gây nghẹt mũi dai dẳng, chảy nước mũi, hắt hơi, đau nhức xung quanh mũi và vùng mặt… Mặt khác, tình trạng này còn gia tăng nguy cơ phát triển cuốn mũi quá phát.
Ảnh hưởng lớn nhất của các bệnh lý hô hấp là gây ra nhiều phiền toái, bất tiện trong cuộc sống. Hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi… thường xuyên sẽ khiến cho bạn khó có thể duy trì hiệu suất học tập và lao động như trước. Bên cạnh đó, nghẹt mũi, khó thở cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và trạng thái tinh thần.
Khi gặp phải tình trạng phù, sưng viêm niêm mạc mũi, bạn có thể cải thiện bằng một số mẹo đơn giản tại nhà. Tuy nhiên nếu tình trạng kéo dài, việc thăm khám là cần thiết để có thể chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
Có thể bạn chưa biết: Bỏ Túi Các Bài Thuốc Chữa Viêm Mũi Dị Ứng Bằng Hạt Gấc Hiệu Quả Cho Người Bệnh
Các phương pháp điều trị phù nề niêm mạc mũi
Những giải pháp để điều trị tình trạng này phụ thuộc vào các nguyên nhân cụ thể. Để có hướng điều trị phù hợp nhất, bạn nên thăm khám nếu tình trạng kéo dài, không cải thiện khi thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà.
Các phương pháp điều trị phù nề niêm mạc mũi bao gồm:
1. Điều trị dứt điểm các bệnh tai mũi họng
Niêm mạc mũi sưng viêm, xuất tiết thường có liên quan đến các bệnh tai mũi họng như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm mũi vận mạch… Vì vậy, cần phải điều trị dứt điểm các bệnh lý này để chấm dứt tình trạng nghẹt mũi, ngứa mũi, chảy nước mũi, hắt hơi liên tục.
Điều trị có khá nhiều lựa chọn bao gồm sử dụng thuốc uống, thuốc xịt, rửa… Trường hợp triệu chứng dai dẳng có thể kết hợp thêm với bấm huyệt, xoa bóp, châm cứu hoặc cấy chỉ. Các phương pháp này đều đã được chứng minh giúp giảm phù nề niêm mạc, đảm bảo sự thông suốt của hệ thống dịch mũi – xoang, qua đó đẩy lùi triệu chứng hiệu quả.
Trường hợp không có đáp ứng với điều trị nội khoa sẽ được cân nhắc phẫu thuật. Phẫu thuật viêm mũi dị ứng, viêm xoang… tập trung vào việc điều chỉnh cấu trúc xoang – mũi như đốt cuốn mũi quá phát, phẫu thuật chỉnh vẹo vách ngăn, cắt polyp… Khi cấu trúc mũi – xoang được bình thường hóa, tình trạng sưng viêm niêm mạc mũi sẽ được cải thiện nhanh chóng.
2. Vệ sinh mũi hằng ngày
Ngoài các phương pháp điều trị y tế, cần phải kết hợp với các biện pháp hỗ trợ như vệ sinh mũi hằng ngày. Sử dụng nước muối sinh lý hoặc các sản phẩm vệ sinh mũi chuyên dụng để làm sạch khoang mũi, loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc, chất gây dị ứng…
Khi được làm sạch đúng cách, hiện tượng phù nề niêm mạc mũi sẽ dần được cải thiện. Mũi ít nhạy cảm hơn với các yếu tố dị ứng, kích ứng bên ngoài môi trường. Bên cạnh đó, thông qua việc xịt rửa mũi, niêm mạc sẽ được làm ẩm và giảm bớt cảm giác khó chịu do thời tiết hanh khô.
Xem thêm: Có Nên Dùng Thuốc Xịt Viêm Mũi Dị Ứng Không? TOP 10 Loại Thuốc Điều Trị Hiệu Quả
3. Cách chữa phù nề niêm mạc mũi tại nhà
Các bệnh lý liên quan đến mũi xoang có mối liên hệ mật thiết với yếu tố cơ địa và môi trường nên rất khó điều trị dứt điểm. Khi có điều kiện thuận lợi, các triệu chứng có thể bùng phát gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày.
Thay vì phụ thuộc vào tân dược, bạn có thể áp dụng một số mẹo dân gian để cải thiện:
- Xông mũi: Xông mũi là mẹo giảm sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi… công hiệu và an toàn. Mẹo chữa này tận dụng hơi ẩm từ nước để làm dịu niêm mạc mũi, hỗ trợ làm sạch bụi bẩn và các chất dị ứng. Bên cạnh đó, hơi nước còn giúp làm loãng dịch nhầy, cải thiện tình trạng nghẹt mũi, khó thở.
- Chườm ấm: Khi thời tiết chuyển lạnh, niêm mạc mũi thường có hiện tượng khô và khó chịu. Bạn có thể cải thiện tình trạng này bằng cách dùng khăn chườm ấm lên toàn bộ vùng mũi. Nhiệt độ ấm sẽ giúp giãn nở các mạch máu, thông mũi, giảm nhanh tình trạng nghẹt mũi, khó thở.
- Uống trà thảo mộc: Một số loại trà có tác dụng tiêu viêm, kháng khuẩn như trà gừng, trà cam quế, trà mật ong… rất hữu ích trong việc giảm phù nề, nghẹt mũi. Vào buổi sáng hoặc buổi tối trước khi đi ngủ, bạn có thể thưởng thức một tách trà thảo mộc để thông mũi, giảm tình trạng nghẹt mũi khi ngủ.
Cách chăm sóc và phòng ngừa phù nề niêm mạc mũi
Niêm mạc mũi sưng viêm, phù nề không phải là tình trạng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các triệu chứng liên quan như nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi… sẽ gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống.
Để cải thiện và phòng ngừa tình trạng này, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau:
- Cung cấp độ ẩm cho niêm mạc mũi bằng cách vệ sinh mũi thường xuyên. Trường hợp thời tiết khô hanh và độ ẩm trong không khí quá thấp có thể sử dụng thêm máy tạo độ ẩm.
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, kích ứng như phấn hoa, lông thú cưng, hóa chất, mạt bụi, khói thuốc lá…
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài nhằm hạn chế hít phải hóa chất, bụi mịn.
- Vệ sinh không gian sống thường xuyên, đặc biệt là những vật dụng dễ bám bụi như thảm, sofa, rèm cửa… Cân nhắc dùng máy lọc không khí nếu sinh sống ở những khu vực ô nhiễm, chỉ số bụi mịn cao.
- Dị ứng thức ăn cũng có thể kích hoạt triệu chứng viêm mũi dị ứng, viêm xoang bùng phát. Để tránh niêm mạc mũi bị phù nề, bạn nên kiêng các loại thực phẩm dị ứng hoặc có nguy cơ dị ứng cao như ghẹ, tôm, cua, gà, bò…
- Tăng cường sức khỏe thông qua lối sống lành mạnh, khoa học. Khi hệ miễn dịch được cải thiện, tình trạng phù nề, hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi… sẽ thuyên giảm đáng kể và ít có nguy cơ tái phát.
- Tiêm ngừa các bệnh hô hấp thường gặp.
- Khi bị bệnh nên tránh đồ ăn lạnh, cay nóng và nhiều gia vị. Nên dùng thức ăn mềm, lỏng để làm dịu cổ họng và giảm tình trạng nghẹt mũi, khó thở…
Phù nề niêm mạc mũi không phải là tình trạng đáng lo ngại. Tuy nhiên, các triệu chứng liên quan sẽ gây ra nhiều phiền toái, bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày. Nếu tình trạng kéo dài, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị.
Bài viết bạn quan tâm:
- Dùng Mẹo Trị Viêm Xoang Bằng Cây Thù Lù Có Hiệu Quả Không? Một Số Lưu Ý
- Tìm Hiểu Các Triệu Chứng Viêm Mũi Dị Ứng Bội Nhiễm? Cách Điều Trị