Viêm Mũi Dị Ứng Gây Ù Tai: Nguyên Nhân Và Cách Chữa Trị
Viêm mũi dị ứng có gây ù tai không là lăn tăn của khá nhiều bạn đọc. Trên thực tế, ngoài các triệu chứng điển hình như sổ mũi, ngứa mũi, nghẹt mũi, hắt hơi… bệnh lý này còn gây ra nhiều vấn đề như giảm thính lực, đau tai, ù tai. Bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này cũng như biết cách điều trị, chăm sóc hiệu quả.
Viêm mũi dị ứng có gây ù tai không? Nguyên nhân
Viêm mũi dị ứng là bệnh hô hấp trên thường gặp bên cạnh viêm xoang, viêm họng, viêm amidan… Khác với các bệnh tai mũi họng, viêm mũi dị ứng thường liên quan đến yếu tố cơ địa. Cơ địa nhạy cảm sẽ khiến cho niêm mạc mũi dễ kích ứng, sưng viêm khi tiếp xúc với các yếu tố như thời tiết lạnh, hóa chất, nấm mốc, phấn hoa…
Ngoài các triệu chứng điển hình như nghẹt mũi, ngứa mũi, ho, hắt hơi… viêm mũi dị ứng còn gây ra tình trạng ù tai và đau tai. Khi bị viêm mũi dị ứng, niêm mạc mũi sẽ tăng tiết dịch. Dịch nhầy xuất tiết liên tục sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống xoang và lỗ thông giữa mũi – tai giữa (lỗ vòi nhĩ).
Về lâu dài, lỗ vòi nhĩ sẽ bị bít tắc và dịch tiết có thể đi sâu vào khi xì mũi, vệ sinh mũi họng không đúng cách. Dịch tiết hô hấp ứ đọng bên trong tai giữa sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm, ù tai, đau tai.
Tai mũi họng là hệ thống có mối liên hệ mật thiết. Do đó, tình trạng tăng tiết dịch xảy ra ở bất cứ một trong những cơ quan này đều ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Ù tai do viêm mũi dị ứng là tình trạng khá phổ biến nên bạn không cần quá lo lắng.
Tìm hiểu khái niệm: Viêm Xoang Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Ù tai do viêm mũi dị ứng có nguy hiểm không?
Ù tai, đau tai là tình trạng khá phổ biến ở người bị viêm xoang, viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, không nên vì thế mà chủ quan trước các biểu hiện gặp phải. Ù tai về lâu dài sẽ dẫn đến suy giảm thính lực gây ra nhiều phiền toái trong công việc cũng như cuộc sống.
Viêm mũi dị ứng là bệnh có tính chất dai dẳng, mãn tính. Nếu không có biện pháp điều trị và chăm sóc đúng cách, niêm mạc mũi sẽ bị sưng viêm, xuất tiết liên tục. Dịch nhầy vì thế sẽ tràn vào bên trong lỗ vòi nhĩ, sau đó đi vào tai giữa gây ra nhiều vấn đề về thính giác.
Trường hợp chủ quan, không điều trị sớm, viêm mũi dị ứng có thể gây ù tai, giảm khả năng nghe và gia tăng nguy cơ bị viêm tai giữa, viêm tai ngoài… Mặt khác, các triệu chứng nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt hơi liên tục… sẽ khiến cho chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng, hiệu suất lao động, học tập suy giảm.
Các phương pháp điều trị viêm mũi dị ứng gây ù tai
Với đặc thù về khí hậu, tỷ lệ viêm mũi dị ứng, viêm xoang ở nước ta luôn có mức cao và không ngừng gia tăng. Để giảm phiền toái của chứng bệnh này, nên trang bị một số biện pháp chăm sóc và điều trị. Trong trường hợp ù tai, đau tai do viêm mũi dị ứng, bạn có thể cân nhắc một số phương pháp sau:
1. Thăm khám và chẩn đoán
Ngay khi xuất hiện triệu chứng ù tai, đau tai, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra để được thăm khám và chẩn đoán. Trên thực tế, ù tai đôi khi không phải là triệu chứng của viêm mũi dị ứng mà là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Để xác định nguyên nhân gây ù tai, bác sĩ sẽ khám tai kết hợp với hỏi bệnh. Trường hợp cần thiết sẽ phải thực hiện thêm một số chẩn đoán chuyên sâu như nội soi tai mũi họng, siêu âm, chụp CT, X-Quang…
Các kỹ thuật chẩn đoán này sẽ giúp bác sĩ xác định viêm mũi dị ứng có thật sự là nguyên nhân gây ù tai hay không. Mức độ tắc nghẽn của lỗ vòi nhĩ là nhiều hay ít? Các dữ liệu này sẽ giúp bác sĩ đưa ra đánh giá chính xác và có phương án điều trị hợp lý.
2. Điều trị theo hướng dẫn
Nguyên nhân trực tiếp gây ù tai là do viêm mũi dị ứng. Vì vậy, khi bệnh lý này được cải thiện, tình trạng giảm thính lực, ù tai, đau tai sẽ thuyên giảm rõ rệt.
Đa phần các trường hợp viêm mũi dị ứng sẽ được điều trị nội khoa bằng thuốc, xoa bóp bấm huyệt, cấy chỉ… Một số trường hợp sẽ được chỉ định phẫu thuật để cắt polyp mũi và chỉnh vách ngăn.
Trường hợp dịch mũi xoang ứ đọng nhiều ở lỗ thông vòi nhĩ, bác sĩ sẽ tiến hành hút dịch mũi xoang, làm sạch mủ, dịch nhầy để cải thiện tình trạng ù tai. Ngoài ra, biện pháp này còn giúp hạn chế nguy cơ bị viêm tai giữa do ảnh hưởng của viêm mũi dị ứng mãn tính.
Tìm hiểu thêm: Tổng Hợp Các Cách Điều Trị Viêm Mũi Dị Ứng Có Thể Bạn Chưa Biết
3. Các biện pháp chăm sóc tại nhà
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý phổ biến với triệu chứng điển hình là ngạt mũi, sổ mũi, hắt hơi, ngứa mũi, ù tai… Về bản chất, bệnh lý này có tính chất lành tính, hiếm khi đe dọa đến sức khỏe. Tuy nhiên, bệnh rất dễ tiến triển mãn tính, dai dẳng, triệu chứng khó dứt.
Ngoài các phương pháp điều trị y tế, bạn nên kết hợp thêm với một số biện pháp chăm sóc tại nhà để giảm nhẹ triệu chứng, hạn chế tình trạng bệnh tiến triển mãn tính gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt hằng ngày.
Các biện pháp chăm sóc tại nhà giúp cải thiện tình trạng viêm mũi dị ứng gây ù tai:
- Uống đủ 2 lít nước/ ngày để làm ẩm niêm mạc mũi – họng, hỗ trợ hóa lỏng chất nhầy giúp hạn chế tình trạng ù tai, nghẹt mũi.
- Nên xông mũi 1 lần/ ngày nhằm làm sạch dịch nhầy bị ứ đọng bên trong khoang mũi. Qua đó giảm tình trạng dịch tiết lọt vào bên trong lỗ vòi nhĩ gây ù tai, đau tai.
- Trong giai đoạn bệnh bùng phát mạnh, nên dùng thức ăn mềm, lỏng dễ tiêu hóa. Kiêng đồ ăn chứa nhiều gia vị và có mùi mạnh vì dễ gây kích thích niêm mạc mũi – họng.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất nhằm nâng cao thể trạng. Người bị viêm mũi dị ứng nên tăng cường các nhóm thực phẩm có lợi như rau xanh, trái cây, ngũ cốc, thịt, cá, trứng…
- Tập thể dục thường xuyên là biện pháp hữu hiệu giúp đẩy lùi các triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Ngoài nâng cao sức đề kháng, tập thể dục còn đảm bảo sự lưu thông thuận lợi của dịch tiết hô hấp, hạn chế tình trạng chất nhầy lọt vào bên trong lỗ vòi nhĩ gây ù tai, đau tai.
- Lưu ý không xì mũi mạnh để tránh đẩy chất nhầy vào sâu bên trong lỗ vòi nhĩ và tai giữa.
- Vệ sinh tai mũi đúng cách, giữ ấm cơ thể và đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Viêm mũi dị ứng gây ù tai, đau tai là tình trạng khá phổ biến và không đáng lo ngại. Khi chăm sóc đúng cách, các triệu chứng như nghẹt mũi, ù tai, chảy nước mũi… sẽ thuyên giảm rõ rệt. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài, bạn nên thăm khám để xác định đúng nguyên nhân và có biện pháp điều trị hợp lý.
Tham khảo thêm:
- Viêm Mũi Dị Ứng Có Lây Không? Cách Phòng Tránh Bệnh?
- Viêm Mũi Dị Ứng Có Nên Đi Bơi? Có Nguy Hiểm Không? Làm Thế Nào Để Điều Trị
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!