Viêm tai giữa là nguyên nhân hàng đầu làm giảm sức nghe ở trẻ dưới 6 tuổi. Đa phần trường hợp đều do virus nên có thể thuyên giảm nhanh dù không điều trị. Nhưng không nên vì thế mà chủ quan vì bệnh có thể tiến triển nặng gây ù tai, viêm tai xương chũm, thậm chí là viêm màng não.

Định nghĩa bệnh viêm tai giữa

Viêm tai giữa (Otitis Media) là dạng viêm tai thường gặp ở trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi. Tình trạng này được xác định khi tai giữa (bao gồm màng nhĩ, hòm nhĩ, vòi nhĩ và xương chũm) bị sưng tấy và viêm nhiễm. Để dễ hình dung hơn, tai giữa là khu vực phía sau màng nhĩ có vai trò rất quan trọng trong việc dẫn truyền âm thanh.

Thông thường, tai giữa ít bị viêm nhiễm do được bảo vệ bởi vành tai và ống tai ngoài. Tuy nhiên ở trẻ nhỏ, hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh cộng với cấu trúc vòi nhĩ ngắn, hẹp chính là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, nấm, virus trú ngụ và phát triển.

viêm tai giữa là gì
Viêm tai giữa là tình trạng tai giữa bị viêm nhiễm, tấy đỏ do virus, vi khuẩn hoặc do các nguyên nhân không nhiễm trùng

Viêm tai giữa rất phổ biến ở trẻ em và hiếm gặp ở người trưởng thành. Hầu hết trẻ nhỏ từ 0 - 3 tuổi đều bị viêm tai giữa ít nhất một lần. Điều này cho thấy, giải phẫu vòi nhĩ và hệ miễn dịch thực sự có tham gia vào cơ chế bệnh sinh.

Đa phần các trường hợp bị viêm tai giữa đều có thể thuyên giảm mà không cần điều trị. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp phải dùng kháng sinh để tránh nhiễm trùng lây lan. Do tai giữa giữ chức năng quan trọng nên nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây giảm thính lực và rối loạn khả năng giữ thăng bằng.

Phân loại bệnh

Tai giữa có phạm vi nhỏ hơn so với tai ngoài. Vì vậy, viêm tai giữa chủ yếu được phân loại dựa vào tiến triển bệnh:

bệnh viêm tai giữa
Khi có hiện tượng viêm, hầu hết các cơ quan bên trong tai giữa đều bị ảnh hưởng nên bệnh chủ yếu được phân loại dựa trên tiến triển

Viêm tai giữa cấp tính

Viêm tai giữa cấp tính là tình trạng tai giữa bị viêm đột ngột, triệu chứng tiến triển ngắn hạn, không kéo dài dai dẳng. Tình trạng này chủ yếu thứ phát sau một đợt bị viêm nhiễm đường hô hấp trên (thường là viêm họng, viêm xoang, viêm mũi, viêm VA, cảm lạnh, cảm cúm do virus). Phần lớn các trường hợp viêm tai giữa đều có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị.

Viêm tai giữa mãn tính

Viêm tai giữa mãn tính là tình trạng tai giữa bị viêm lâu ngày kèm theo hiện tượng chảy mủ. Mủ sẽ chảy qua lỗ thủng màng nhĩ và dẫn lưu ra ống tai ngoài. Viêm tai giữa mãn tính được xác định khi triệu chứng dai dẳng trên 12 tuần.

Viêm tai giữa ứ dịch

Viêm tai giữa ứ dịch (OME) hay còn được gọi là viêm tai giữa không nung mủ. Bệnh tiến triển từ viêm tai giữa cấp không được điều trị đúng cách. Trong một số trường hợp OME có thể phát triển do vòi nhĩ (Eustachian) bị tắc dẫn đến ứ đọng dịch.

Viêm tai giữa ứ dịch đặc trưng bởi hiện tượng dịch ứ nhiều phía sau màng nhĩ. Dịch thường có dạng keo dính, dịch nhầy hoặc thanh dịch, không phải dạng mủ thường thấy. Tuy không có hiện tượng nhiễm trùng nhưng dịch ứ nhiều sẽ làm giảm khả năng nghe và gây ù tai dai dẳng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ bệnh viêm tai giữa

Nguyên nhân trực tiếp gây viêm tai giữa là do virus và vi khuẩn, ít khi xảy ra do nấm như viêm tai ngoài.

Tác nhân gây bệnh chủ yếu là các loại virus, vi khuẩn gây viêm đường hô hấp thường gặp như tụ cầu vàng, Haemophilus Influenzae, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn nhóm A và virus hợp bào hô hấp. Trong một vài trường hợp, dị ứng và tắc nghẽn vòi nhĩ (ống Eustachian) đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh.

nguyên nhân viêm tai giữa
Virus hợp bào hô hấp, phế cầu khuẩn... là tác nhân trực tiếp gây bệnh viêm tai giữa

Các nguyên nhân, yếu tố làm gia tăng nguy cơ viêm tai giữa:

  • Tắc vòi nhĩ: Vòi nhĩ có dạng ống, hẹp nối giữa tai và vòm họng. Khi vòi nhĩ bị tắc nghẽn, dịch sẽ ứ đọng tạo điều kiện cho virus và vi khuẩn xâm nhập. Đây cũng là lý do trẻ em có vòi nhĩ ngắn, hẹp sẽ dễ bị viêm tai giữa hơn so với người lớn. Ngoài ra, người bị viêm đường hô hấp dai dẳng cũng có thể khiến cho vòi Eustachian bị chít hẹp gây ứ dịch và gia tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Viêm VA: Ngoài tắc vòi nhĩ, viêm VA là điều kiện thuận lợi gây viêm tai giữa. VA là tổ chức lympho nằm phía sau mũi có chức năng tương tự amidan. Khi VA bị viêm, vòi nhĩ có thể bị tắc làm gia tăng nguy cơ viêm tai giữa. Ở người lớn, tổ chức VA thường bị thoái hóa, không còn chức năng nên tỷ lệ bị viêm VA và viêm tai giữa thường rất thấp.
  • Mắc các bệnh hô hấp trên: Tai mũi họng là hệ thống nối thông với nhau. Các bệnh viêm đường hô hấp trên như cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng… đều sẽ gia tăng nguy cơ viêm tai giữa.
  • Sống trong môi trường ô nhiễm: Tương tự như các bệnh hô hấp khác, nguy cơ bị viêm tai giữa sẽ tăng lên đáng kể nếu sinh sống trong môi trường ô nhiễm, chất lượng không khí kém. Ngoài ra, người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, khói thuốc lá… cũng có nguy cơ bị viêm tai giữa cao hơn bình thường.
  • Thời tiết thay đổi: Virus, vi khuẩn thường phát triển mạnh vào mùa thu và mùa đông. Vì vậy, đây là thời điểm các bệnh viêm đường hô hấp như viêm tai giữa, viêm họng, viêm amidan, viêm VA… bùng phát mạnh.
  • Hở hàm ếch: Các chuyên gia nhận thấy, trẻ bị hở hàm ếch có khả năng bị viêm tai giữa cao hơn. Lý do là vì dị tật này khiến cho dịch ứ bên trong vòi nhĩ khó thoát ra bên ngoài, gia tăng hiện tượng ứ dịch tạo điều kiện để virus, vi khuẩn phát triển.
  • Những yếu tố khác: Nguy cơ bị viêm tai giữa cũng gia tăng đáng kể khi có những yếu tố như tiền sử gia đình, chấn thương tai gây thủng màng nhĩ, vệ sinh tai không đúng cách… Bên cạnh đó, hệ miễn dịch kém cũng là điều kiện để bệnh tái phát nhiều lần.

Triệu chứng của bệnh viêm tai giữa

Các triệu chứng của viêm tai giữa thường khởi phát đột ngột, rầm rộ. Ở trẻ dưới 12 tháng, các triệu chứng toàn thân thường rất rõ rệt nên nếu không chú ý, các bậc phụ huynh có thể nhầm lẫn với các bệnh viêm đường hô hấp trên.

Mức độ triệu chứng phụ thuộc nhiều vào thể trạng. Vì vậy, triệu chứng thường ít nghiêm trọng hơn ở trẻ lớn và người trưởng thành. Tuy nhiên, nhìn chung đa phần các trường hợp viêm tai giữa đều có thể thuyên giảm nhanh.

triệu chứng viêm tai giữa
Trẻ nhỏ bị viêm tai giữa thường có phản ứng quấy khóc do đau tai, mệt mỏi, sốt cao...

Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm tai giữa:

  • Đau tai, mức độ đau tăng lên khi nằm hoặc gắng sức
  • Nghe kém, giảm nhạy cảm với âm thanh
  • Sốt cao (trẻ dưới 36 tháng tuổi) thường sốt trên 38 độ C
  • Mất thăng bằng
  • Dịch hoặc mủ chảy ra ống tai ngoài
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn, ăn kém
  • Một số trẻ có biểu hiện ngáy to và thở bằng miệng

Trẻ bị viêm tai giữa thường hay quấy khóc, bỏ bú hoặc bú kém. Cơn đau dai dẳng, dữ dội khiến trẻ khó ngủ, dễ thức giấc. Ở người lớn hầu như chỉ có biểu hiện chảy dịch tai, đau tai và giảm thính lực, hiếm khi có các triệu chứng toàn thân.

Biến chứng và tiên lượng của bệnh viêm tai giữa

Như đã đề cập, tai giữa có chức năng truyền âm thanh, tham gia trực tiếp vào quá trình nghe và phản xạ lại âm thanh. Viêm tai giữa dù nhẹ hay nghiêm trọng ít nhiều đều ảnh hưởng đến thính lực.

Hình ảnh viêm tai giữa
Viêm tai giữa không được điều trị sẽ gây ù tai, giảm thính lực

Nếu không điều trị đúng cách, viêm tai giữa có thể dẫn đến những biến chứng như:

  • Giảm thính giác: Đây là ảnh hưởng thường thấy của bệnh viêm tai giữa. May mắn là sau khi hiện tượng viêm, nhiễm trùng được kiểm soát, sức nghe sẽ được phục hồi. Ngược lại, viêm tai giữa tiến triển dai dẳng, kéo dài có thể làm giảm thính giác và ù tai lâu dài.
  • Chậm phát triển: Nếu tình trạng nghe kém kéo dài, trẻ sẽ chậm phát triển ngôn ngữ so với trẻ đồng trang lứa. Giảm thính giác cũng kéo theo chậm phản ứng và khó khăn trong quá trình học tập.
  • Thủng màng nhĩ: Màng nhĩ có thể bị thủng nếu áp lực trong tai giữa gia tăng. Thường thì lỗ thủng có thể tự phục hồi sau 72 giờ. Tuy nhiên nếu tình trạng viêm kéo dài, có thể cần đến phẫu thuật để khắc phục.
  • Viêm màng não: Biến chứng nguy hiểm nhất của viêm tai giữa là viêm màng não. Biến chứng này thường gặp ở những trường hợp viêm tai giữa do vi khuẩn. Khi nhiễm trùng không được kiểm soát, vi khuẩn có thể lây lan rộng và gây tổn thương các cơ quan ở vùng não.
  • Các biến chứng khác: Viêm tai giữa không được điều trị có thể chuyển sang giai đoạn mãn tính hoặc thể viêm tai giữa ứ dịch. Triệu chứng tái phát thường xuyên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chức năng nghe và gây ra không ít phiền toái trong cuộc sống.

Viêm tai giữa có tiên lượng khá tốt. Triệu chứng có thể thuyên giảm sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, cũng có trường hợp phải can thiệp điều trị bằng kháng sinh và phẫu thuật. Nhìn chung, các ca viêm tai giữa trên lâm sàng đều có đáp ứng tốt và ít khi phát triển các biến chứng nguy hiểm.

Chẩn đoán bệnh viêm tai giữa

Nếu chỉ dựa vào biểu hiện lâm sàng sẽ rất khó xác định viêm tai ngoài, viêm tai giữa và viêm tai trong. Vì vậy, khi trẻ có những biểu hiện bất thường, bố mẹ nên cho trẻ thăm khám để được chẩn đoán chính xác.

triệu chứng viêm tai giữa
Khám tai là bước quan trọng trong chẩn đoán viêm tai nói chung và viêm tai giữa nói riêng

Chẩn đoán viêm tai giữa sẽ bao gồm các bước sau:

  • Khám lâm sàng (hỏi bệnh, khai thác tiền sử bệnh, đánh giá phản ứng của trẻ với âm thanh…)
  • Khám soi tai
  • Khám vòm họng
  • Khám mũi xoang
  • Đo nhĩ lượng
  • Đo thính lực
  • Chụp X-Quang trong trường hợp viêm tai giữa mãn tính
  • Soi, nuôi cấy bệnh phẩm trong một số trường hợp

Điều trị bệnh viêm tai giữa

Điều trị viêm tai giữa phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn hay các nguyên nhân không do nhiễm trùng). Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ dựa vào giai đoạn tiến triển (cấp tính hoặc mãn tính) để có phương án điều trị phù hợp.

Các phương pháp được cân nhắc trong điều trị viêm tai giữa:

Sử dụng thuốc

Thuốc thường được dùng để làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm tai giữa như sốt, đau tai dữ dội… Kháng sinh không được chỉ định phổ biến do nguyên nhân chủ yếu là do virus. Những trường hợp đã chắc chắn do vi khuẩn, kháng sinh mới được cân nhắc dùng trong 7 - 10 ngày.

điều trị viêm tai giữa
Thuốc được sử dụng để làm giảm triệu chứng và điều trị nguyên nhân gây viêm tai giữa

Các loại thuốc được dùng trong điều trị viêm tai giữa:

  • Thuốc hạ sốt, giảm đau - Acetaminophen là lựa chọn đầu tay vì an toàn cho cả trẻ em và người trưởng thành. Trẻ từ 12 tuổi trở lên có thể dùng một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Diclofenac, Ibuprofen. NSAID không chỉ có hiệu quả hạ sốt, giảm đau mà còn có tác dụng kháng viêm.
  • Thuốc nhỏ tai chứa chất gây tê - Để giảm đau tại chỗ, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc nhỏ tai chứa những hoạt động gây tê như Benzocaine, Lidocaine… Thuốc thường được dùng trong giai đoạn đầu khi màng nhĩ sung huyết, căng phồng. Không nên dùng khi màng nhĩ đã bị thủng và mỹ chảy ra ống tai ngoài.
  • Kháng sinh: Kháng sinh có thể được dùng ở dạng nhỏ tai hoặc dạng uống. Tuy nhiên, thuốc nhỏ tai chủ yếu được dùng khi màng nhĩ bị thủng nếu không sẽ rất khó hấp thu và không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
  • Thuốc kháng dị ứng - Trong một số trường hợp, thuốc kháng histamin H1 được chỉ định để giảm ngứa, sưng nề nếu viêm tai giữa khởi phát do dị ứng. Thuốc có tác dụng thần kinh nên cần thận trọng khi dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
  • Thuốc chống viêm chứa steroid - Corticoid đường uống hoặc tại chỗ có thể được dùng để giảm viêm, phù nề. Bên cạnh tác dụng chống viêm mạnh, thuốc đi kèm với nhiều rủi ro nên cần phải cân nhắc trước khi dùng.

Phẫu thuật

Trường hợp viêm tai giữa không có đáp ứng với điều trị nội khoa, phẫu thuật sẽ được cân nhắc. Can thiệp ngoại khoa sẽ được thực hiện trong giai đoạn mãn tính, phản ứng viêm đã được kiểm soát.

Phẫu thuật thường được chỉ định để khắc phục nguyên nhân hoặc giải quyết biến chứng do viêm tai giữa gây ra. Các phương pháp được cân nhắc bao gồm cắt amidan, nạo VA, đặt ống thông khí màng nhĩ, khâu màng nhĩ…

Chăm sóc đúng cách

Hơn 90% trường hợp viêm tai giữa đều có thể thuyên giảm nhanh sau khi chăm sóc và sử dụng một số loại thuốc làm giảm triệu chứng. Do đó khi trẻ bị viêm tai giữa, cha mẹ cần thực hiện một số biện pháp chăm sóc như:

điều trị bệnh viêm tai giữa
Khi điều trị viêm tai giữa, nên vệ sinh tai mũi họng thường xuyên

  • Uống nhiều nước để cân bằng điện giải khi sốt cao. Nên bổ sung nước khoáng và các loại nước ép trái cây tươi để bù khoáng chất, vitamin cho cơ thể.
  • Nghỉ ngơi nhiều trong thời gian điều trị.
  • Mặc quần áo thông thoáng, thấm hút mồ hôi tốt.
  • Đắp khăn mát ở những vị trí như cổ, nách và bẹn để hạ thân nhiệt.
  • Đảm bảo phòng có không gian mát mẻ, thông thoáng. Tuy nhiên, tránh để trẻ tiếp xúc với gió và nhiệt độ lạnh.
  • Theo dõi thân nhiệt của trẻ, trường hợp trẻ sốt quá cao và không cải thiện khi dùng Acetaminophen nên đến ngay bệnh viện/ phòng khám gần nhất.
  • Trong thời gian bị viêm tai giữa, nên cho trẻ dùng thức ăn lỏng, mềm và dễ tiêu hóa. Bổ sung thêm năng lượng, dưỡng chất với sinh tố, sữa chua… để nâng đỡ thể trạng, giảm mệt mỏi khi bị viêm nhiễm.
  • Vệ sinh tai nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý. Đồng thời hướng dẫn trẻ súc họng và vệ sinh mũi thường xuyên để tránh nhiễm trùng lây lan.

Phòng ngừa bệnh viêm tai giữa

Viêm tai giữa hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách giảm thiểu những yếu tố nguy cơ. Các biện pháp phòng ngừa cha mẹ có thể thực hiện để phòng tránh viêm tai giữa ở trẻ em tái phát:

điều trị bệnh viêm tai giữa
Đeo khẩu trang sẽ giúp hạn chế nhiễm virus, vi khuẩn gây viêm đường hô hấp nói chung và viêm tai giữa nói riêng

  • Chú ý thay đổi những thói quen xấu của trẻ như ngoáy mũi, vệ sinh tai sai cách, cho tay vào miệng. Những thói quen này sẽ làm gia tăng nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp trên nói chung và viêm tai giữa nói riêng.
  • Giữ ấm cơ thể khi trời chuyển lạnh, đặc biệt là vùng cổ và ngực. Ở giai đoạn chuyển mùa, nên cho trẻ đeo khẩu trang để tránh nhiễm phải các bệnh viêm đường hô hấp.
  • Vệ sinh tai mũi họng đúng cách.
  • Thăm khám và điều trị kịp thời các bệnh viêm đường hô hấp như viêm amidan, viêm VA, viêm họng, cảm cúm, cảm lạnh…
  • Sử dụng máy lọc không khí, vệ sinh không gian sống thường xuyên để tránh ẩm mốc, bụi bẩn..
  • Nên cho trẻ ngồi khi bú để tránh tình trạng sữa chảy ngược gây tắc nghẽn vòi nhĩ. Trẻ dưới 6 tháng nên dùng gối chống trào ngược khi bú bình để hạn chế nguy cơ bị viêm tai giữa và trào ngược dạ dày thực quản.
  • Cho trẻ tiêm vacxin ngừa cúm, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não, ho gà, uốn ván…
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ bệnh tái phát.

Viêm tai giữa là bệnh lý rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Do tai giữa là cơ quan quan trọng ảnh hưởng đến khả năng nghe, nên bệnh lý này cần được điều trị sớm và đúng cách. Tránh tình trạng kéo dài gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt và cản trở quá trình phát triển của trẻ.

Câu hỏi liên quan

Tình trạng viêm amidan có nổi hạch ở cổ không? Đây là thông tin được rất nhiều người bệnh băn khoăn đặt ra khi không may bản thân mắc viêm amidan. Theo các chuyên gia,...

Xem chi tiết

Viêm amidan gây sốt là tình trạng xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là trẻ em. Với những trường hợp sốt cao cần được xử lý đúng cách để tránh phát sinh rủi ro...

Xem chi tiết

Viêm xoang sàng sau có mổ được không là thắc mắc chung của người bệnh. Phương pháp này phù hợp với những người không đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn, có biến chứng...

Xem chi tiết

Viêm amidan mãn tính là tổn thương kéo dài tại hai khối amidan bên trong vòm họng, triệu chứng của bệnh khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu và làm suy nhược cơ thể....

Xem chi tiết

Các bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng cho biết, việc nắm rõ vấn đề viêm họng hạt có lây không? Có nguy hiểm không? Đâu là con đường lây nhiễm bệnh? Sẽ...

Xem chi tiết

Viêm phế quản mãn tính có nguy hiểm không là câu hỏi phổ biến được người bệnh đặt ra bởi đây là tình trạng bệnh đường hô hấp khá dễ gặp. Người bệnh ở mọi...

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa

Dinh dưỡng sức khỏe

Dịch vụ & Giải pháp