Viêm tai có thể gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn do nhiều nguyên nhân khác nhau như virus, nấm, vi khuẩn. Phần lớn các trường hợp đều không quá nghiêm trọng và thuyên giảm nhanh sau khi điều trị. Dù vậy, một số trường hợp viêm tai nặng có thể dẫn đến giảm thính lực, mất thăng bằng, thậm chí là điếc vĩnh viễn.

Định nghĩa bệnh viêm tai

Viêm tai là thuật ngữ đề cập đến tình trạng viêm cấp hoặc mãn tính xảy ra ở ống tai ngoài, tai giữa hoặc tai trong. Tương tự như các bệnh tai mũi họng khác, nguyên nhân gây viêm tai rất đa dạng có thể do virus, vi khuẩn hoặc do nấm.

viêm tai
Viêm tai là một trong những bệnh hô hấp trên thường gặp

Viêm tai gặp nhiều ở trẻ em hơn so với người lớn. Lý do khách quan là vì hệ miễn dịch của trẻ còn kém, chức năng của tai mũi họng chưa hoàn chỉnh như người trưởng thành… Lý do chủ quan là vì trẻ chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh tai mũi họng và dễ bị lây nhiễm do không biết cách bảo vệ sức khỏe.

Triệu chứng của từng loại viêm tai sẽ có sự khác nhau về mức độ và biểu hiện lâm sàng. Nhưng nhìn chung nếu được điều trị tốt, hầu hết đều thuyên giảm nhanh và ít để lại biến chứng. Một số ít trường hợp có thể bị tổn thương thính giác, thậm chí điếc vĩnh viễn do bệnh tiến triển nặng.

Phân loại bệnh

Như đã đề cập, viêm tai xảy ra khi tai ngoài, tai giữa hoặc tai trong bị viêm nhiễm, phù nề. Dựa vào vị trí cũng như nguyên nhân, viêm tai được chia thành 3 loại chính:

viêm tai là gì
Viêm tai được chia thành 3 loại chính là viêm tai ngoài, viêm tai giữa và viêm tai trong

Viêm tai ngoài:

Viêm tai ngoài là tình trạng tai ngoài (bao gồm loa tai và ống tai ngoài) bị viêm nhiễm do virus, nấm hoặc vi khuẩn. Tai ngoai được tính từ vị trí màng nhĩ ra bên ngoài nên hiện tượng viêm nhiễm ở vị trí này ít ảnh hưởng đến thính lực. Cũng chính vì vậy mà viêm tai ngoài có tỷ lệ biến chứng thấp hơn các loại viêm tai còn lại.

Viêm tai ngoài có 2 thể là cấp tính (diễn tiến ngắn ngày, không quá 4 tuần) và mãn tính (triệu chứng dai dẳng kéo dài hơn 4 tuần). Dựa vào vị trí cụ thể cũng như tác nhân gây bệnh, viêm tai ngoài được chia thành nhiều loại nhỏ như:

  • Viêm tai ngoài lan tỏa cấp tính (nhọt ống tai)
  • Viêm tai do bơi lội
  • Nấm ống tai ngoài
  • Viêm sụn vành tai
  • Viêm vành tai ngoài

Viêm tai giữa:

Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở khu vực tai giữa. Tai giữa được xác định từ phía sau màng nhĩ nên tình trạng nhiễm trùng ở vị trí này sẽ ảnh hưởng nhiều đến thính giác. Tai giữa giữ chức năng truyền tải âm thanh ra bên ngoài, do đó viêm tai giữa cần phải được điều trị kịp thời và đúng cách để phòng tránh biến chứng.

Loại viêm tai này chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ từ 3 - 6 tuổi, rất ít khi gặp ở người trưởng thành. Viêm tai giữa được chia thành 3 loại bao gồm:

  • Viêm tai giữa cấp tính - Là tình trạng tai giữa bị viêm, nhiễm trùng bởi vi khuẩn hoặc virus. Loại viêm tai này thường thứ phát sau một đợt bị nhiễm trùng hô hấp trên. Triệu chứng chỉ xảy ra trong một đợt ngắn (không quá 4 tuần) và đa phần đều có thể tự thuyên giảm.
  • Viêm tai giữa mạn tính - Là tình trạng tai bị viêm dai dẳng quá 6 tuần kèm theo hiện tượng có mủ, chảy mủ. Loại viêm tai này không gây đau nhiều nhưng tiến triển dai dẳng, khó dứt điểm. Triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu nước xâm nhập vào tai.
  • Viêm tai giữa ứ dịch - Viêm tai giữa ứ dịch là tình trạng dịch ứ bên trong tai giữa gây giảm thính giác, khó chịu. Tình trạng này không do nhiễm trùng mà thường có liên quan đến tắc nghẽn vòi Eustache (vòi nhĩ).

Viêm tai trong:

Viêm tai trong là loại viêm tai có mức độ nghiêm trọng nhất. May mắn là loại viêm tai rất hiếm gặp. Viêm tai trong được xác định khi hiện tượng nhiễm trùng, sưng viêm xảy ra ở các bộ phận của tai trong bao gồm ốc tai, tiền đình và các ống bán khuyên.

Tương tự như viêm tai giữa và tai ngoài, viêm tai trong được chia thành các loại như sau:

  • Viêm mê nhĩ - Mê nhĩ nằm ở tai trong có chức năng duy trì sự thăng bằng và kiểm soát thính lực. Viêm mê nhĩ xảy ra khi cơ quan này bị viêm nhiễm bởi virus hoặc vi khuẩn.
  • Viêm dây thần kinh tiền đình - Tiền đình là một trong những bộ phận nằm ở tai trong. Dây thần kinh tiền đình có thể bị nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn. Viêm dây thần kinh tiền đình là loại viêm tai trong khó phát hiện và dễ bị nhầm lẫn với chứng rối loạn tiền đình.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm tai là do virus, vi khuẩn và một số loại nấm. Tác nhân thường gặp nhất là virus cúm và các loại vi khuẩn thường gây viêm nhiễm đường hô hấp trên. Dù vậy, vẫn có một vài trường hợp viêm tai không do nhiễm trùng.

Các nguyên nhân gây viêm tai giữa thường gặp:

  • Virus: Rhinovirus, Influenza virus, Parainfluenzae virus, virus hợp bào hô hấp…
  • Vi khuẩn: Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, Streptococcus pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa…
  • Nấm: Aspergillus, Candida Albicans…

nguyên nhân viêm tai
Trẻ em có vòi nhĩ ngắn và hẹp hơn người trưởng thành nên có nguy cơ mắc bệnh viêm tai

Ngoài nguyên nhân trực tiếp, nguy cơ bị viêm tai gia tăng đáng kể khi có những yếu tố như:

  • Vòi nhĩ ngắn, hẹp - Viêm tai thường gặp nhiều ở trẻ em hơn so với người lớn. Bởi vòi nhĩ ở trẻ em thường hẹp và ngắn hơn bình thường. Chính vì vậy, dịch rất dễ ứ đọng ở tai giữa tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển gây viêm tai ngoài, tai giữa và tai trong.
  • Hệ miễn dịch kém - Trẻ em bị suy dinh dưỡng, người lớn bị suy nhược cơ thể… có nguy cơ bị viêm tai cao hơn bình thường. Sức đề kháng kém sẽ khiến cho virus, nấm và vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào hệ thống tai mũi họng gây viêm, kích ứng niêm mạc.
  • Vệ sinh kém - Tương tự như viêm họng, viêm amidan, vệ sinh kém cũng là nguyên nhân gây viêm tai. Tai không được vệ sinh thường xuyên và đúng cách dễ ứ đọng dịch, tích tụ nhiều bụi bẩn, vi khuẩn.
  • Dị vật mắc kẹt trong tai - Dị vật (côn trùng, nước, sợi len, vải…) mắc kẹt trong tai là điều kiện thuận lợi gây ra viêm tai giữa và tai trong. Dị vật sẽ làm cản trở quá trình dẫn lưu gây ra hiện tượng ứ dịch và tắc nghẽn. Nếu không xử lý kịp thời, tai trong, tai giữa và tai ngoài sẽ có nguy cơ bị viêm nhiễm cao.
  • Mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên - Tai mũi họng là những bộ phận nối thông với nhau. Khi một trong những cơ quan này bị viêm nhiễm, virus, nấm và vi khuẩn rất dễ xâm nhập đến những cơ quan còn lại. Thực tế cũng cho thấy, viêm tai - đặc biệt là viêm tai giữa thường xuất hiện sau một đợt bị cảm cúm, cảm lạnh.
  • Mắc các bệnh da liễu - Đối với viêm tai ngoài, nguy cơ sẽ tăng lên nếu có các bệnh da liễu mãn tính như chàm, viêm da tiết bã… Tương tự như những vùng da khác, vùng tai ngoài cũng có thể xuất hiện sang thương đỏ, sưng viêm, ngứa ngáy, khó chịu.
  • Các yếu tố khác - Nguy cơ bị viêm tai cũng có thể gia tăng khi có những yếu tố thuận lợi như trào ngược dạ dày, u vòm họng, viêm mũi, viêm xoang, tắc vòi nhĩ, cấu trúc tai bất thường, thời tiết thay đổi đột ngột, dị ứng, môi trường sống ô nhiễm…

Nhìn chung, trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ bị viêm tai cao nhất bởi 3 nguyên nhân chính là cấu trúc vòi nhĩ chưa hoàn chỉnh, hệ miễn dịch kém và chưa biết cách vệ sinh tai. Hơn nữa, môi trường mẫu giáo cũng là điều kiện thuận lợi để lây nhiễm các bệnh viêm đường hô hấp trên. Sau khi viêm họng, cảm lạnh, cảm cúm thuyên giảm… tai giữa sẽ bị nhiễm trùng thứ phát trong khoảng vài tuần và thường tự hết mà không cần phải điều trị.

Triệu chứng của bệnh viêm tai

Triệu chứng của viêm tai phụ thuộc nhiều vào vị trí viêm nhiễm, tổn thương. Trong đó, thể cấp tính có triệu chứng rầm rộ, bùng phát mạnh và rõ rệt hơn so với thể bán cấp và mãn tính. Những trường hợp viêm tai không do nhiễm trùng thường không có biểu hiện rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các vấn đề về thính lực và rối loạn tiền đình.

Triệu chứng chung của bệnh viêm tai:

  • Ngứa, đau ở bên ngoài hoặc bên trong tai
  • Mức độ đau tăng lên khi thay đổi tư thế hoặc ấn, tác động mạnh vào tai
  • Chảy máu tai
  • Ngứa tai
  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Tai chảy dịch có mùi hôi
  • Giảm thính lực

Những trường hợp viêm tai nặng có thể gây đau nhức dữ dội, đau lan đến vùng đầu kèm theo chóng mặt và mất thăng bằng. Trẻ nhỏ bị viêm tai thường có biểu hiện ăn kém, nôn trớ, quấy khóc, sốt cao có thể dẫn đến co giật và rối loạn tiêu hóa.

Ở người lớn, triệu chứng của bệnh viêm tai thường có mức độ nhẹ hơn. Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời, thính lực sẽ giảm dần kèm theo mất thăng bằng và buồn nôn, rung giật nhãn cầu.

Biến chứng và tiên lượng của bệnh viêm tai

Biến chứng của viêm tai phụ thuộc vào vị trí cũng như nguyên nhân cụ thể. Viêm tai do virus thường có thể tự thuyên giảm mà không cần điều trị. Viêm tai do vi khuẩn cần được điều trị nghiêm ngặt để tránh lây lan và gây giảm thính lực, thậm chí là điếc vĩnh viễn.

Viêm tai ngoài tuy gây ngứa, sưng tấy khó chịu nhiều nhưng ít khi ảnh hưởng đến thị lực. Triệu chứng thuyên giảm nhanh sau khi được điều trị. Viêm tai giữa lâu ngày dễ gây nghe kém, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tai mũi họng. Trường hợp do vi khuẩn có thể gây ra biến chứng viêm tai xương chũm, áp xe não, viêm màng não…

triệu chứng viêm tai
Viêm tai không được điều trị sẽ tiến triển nặng dẫn đến giảm thính lực, thậm chí là điếc vĩnh viễn

Viêm tai trong có biến chứng nguy hiểm nhất. Nhiều trường hợp có thể mất hoàn toàn thính lực nếu không có phương án điều trị kịp thời. Biến chứng phổ biến không kém là rối loạn tiền đình gây đau đầu, mệt mỏi và mất thăng bằng.

Viêm tai có thể đưa đến nhiều biến chứng và di chứng. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp được chẩn đoán và điều trị đúng cách đều có đáp ứng tốt. Triệu chứng thuyên giảm dần, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát, bình thường hóa quá trình dẫn lưu tai mũi họng. Ở trẻ em, điều trị cần phải được thực hiện song song với chăm sóc và phòng ngừa để tránh tái phát.

Chẩn đoán bệnh viêm tai

Viêm tai cần phải được thăm khám để xác định loại vị trí bị nhiễm trùng cũng như nguyên nhân cụ thể. Chẩn đoán viêm tai thường sẽ bao gồm các bước sau:

triệu chứng viêm tai
Bác sĩ sẽ soi tai và yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán chính xác

  • Hỏi bệnh (trao đổi về triệu chứng gặp phải, tiền sử bệnh lý, có tiếp xúc với người bị viêm nhiễm đường hô hấp không…)
  • Kiểm tra tai
  • Nội soi tai
  • Khám vòm họng
  • Khám mũi xoang
  • Đo nhĩ lượng, đo thính lực

Thông qua các kỹ thuật này, bác sĩ có thể xác định viêm tai ngoài, viêm tai giữa và viêm tai trong. Đồng thời đánh giá được mức độ tổn thương thính giác cũng như phát hiện các biến chứng khác. Thông qua kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị cụ thể cho từng trường hợp.

Điều trị bệnh viêm tai

Một số trường hợp viêm tai có thể tự thuyên giảm nên điều trị không được chỉ định cho tất cả các trường hợp. Kế hoạch điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, triệu chứng cũng như nguyên nhân cụ thể.

Sử dụng thuốc:

Thuốc được chỉ định để làm giảm các triệu chứng của viêm tai như sốt, đau nhức, ngứa… Trường hợp do vi khuẩn, nấm sẽ được dùng thuốc kháng sinh, kháng nấm. Nếu viêm tai có liên quan đến dị ứng hoặc các bệnh da liễu mãn tính như chàm, thuốc kháng dị ứng có thể được sử dụng.

điều trị bệnh viêm tai
Thuốc sẽ được sử dụng để làm giảm triệu chứng và điều trị nguyên nhân cụ thể

Nhìn chung, chỉ định dùng thuốc cho viêm tai sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Bác sĩ sẽ cân nhắc bệnh trạng, cơ địa cũng như độ tuổi của từng bệnh nhân để chỉ định loại thuốc phù hợp nhất.

  • Thuốc nhỏ tai chứa Corticoid
  • Kháng sinh nhỏ tai hoặc đường uống (Neomycin/ Polymyxin, Ofloxacin, Ciprofloxacin…)
  • Thuốc kháng nấm (Clotrimazole, Nystatin, Gentian…)
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt (Acetaminophen, Ibuprofen, Diclofenac…)
  • Thuốc giảm ho
  • Thuốc kháng dị ứng

Khi sử dụng thuốc, cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ (đặc biệt là với trẻ dưới 12 tuổi). Ngoại trừ các loại thuốc điều trị nguyên nhân như kháng sinh, kháng nấm và kháng dị ứng cần phải dùng đủ thời gian. Những loại thuốc khác nên dùng trong thời gian ngắn nhất để hạn chế tác dụng phụ.

Phẫu thuật:

Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp viêm tai có liên quan đến khối u hoặc cấu trúc tai bất thường. Can thiệp ngoại khoa ở vùng tai sẽ đi kèm với nhiều rủi ro, biến chứng. Vì vậy, phẫu thuật sẽ được chỉ định trong trường hợp điều trị ngoại khoa thất bại.

Ngoài ra, trường hợp viêm tai tái phát nhiều lần, viêm tai gây thủng/ rách màng nhĩ… cũng sẽ được cân nhắc phẫu thuật. Các kỹ thuật có thể được thực hiện bao gồm phẫu thuật vá màng nhĩ, mở màng nhĩ và đặt ống dẫn lưu, khoan xương chũm…

Chăm sóc tại nhà:

Đa phần các trường hợp viêm tai đều do virus nên hầu như không phải điều trị y tế. Sau một thời gian, triệu chứng có thể tự thuyên giảm mà không cần phải điều trị. Khi được chăm sóc đúng cách, những trường hợp này đều cải thiện rõ rệt và rất ít khi phải dùng thuốc dài ngày.

Các biện pháp chăm sóc tại nhà trong giai đoạn bị viêm tai:

  • Nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc để phục hồi sức khỏe.
  • Uống nhiều nước, dùng thức ăn mềm, lỏng và ít gia vị để dễ tiêu hóa.
  • Có thể sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt nếu thân nhiệt quá 37.5 độ C.
  • Rửa tai bằng nước muối sinh lý. Thực hiện vệ sinh tai mũi họng đúng cách để làm sạch dịch ứ, hỗ trợ loại bỏ virus, vi khuẩn ra khỏi ống tai…
  • Giữ ấm cơ thể, tránh tắm nước lạnh vào sáng sớm và tối muộn.
  • Kết hợp điều trị các bệnh lý liên quan như viêm họng, viêm amidan, viêm VA, viêm mũi dị ứng, viêm xoang
  • Vệ sinh nhà cửa đảm bảo không gian sống trong lành. Cân nhắc dùng máy lọc không khí để làm ẩm niêm mạc mũi họng, cải thiện tình trạng kích ứng, dị ứng…
  • Tránh tiếp xúc với chất dị ứng nếu viêm tai có liên quan đến dị ứng với phấn hoa, nấm mốc, mạt bụi, côn trùng…

Phòng ngừa bệnh viêm tai

Ở trẻ nhỏ, viêm tai giữa có thể tái đi tái lại ảnh hưởng nhiều đến chức năng nghe và làm gián đoạn quá trình phát triển về thể chất, trí tuệ. Do đó sau khi điều trị, cần phải có biện pháp phòng ngừa hiệu quả:

phòng ngừa viêm tai
Tiêm vaccine ngừa cúm, viêm phổi do phế cầu khuẩn... sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm tai

  • Tiêm ngừa vacxin cúm, vacxin phế cầu… 
  • Vệ sinh tai mũi họng đúng cách và thường xuyên. Với trẻ lớn, nên hướng dẫn trẻ vệ sinh tai để trẻ có thể chủ động bảo vệ sức khỏe, tránh viêm tai và các bệnh viêm đường hô hấp trên.
  • Sử dụng nút bịt tai khi bơi lội. Làm sạch và lau khô tai ngoài bằng khăn mềm để tránh viêm tai ngoài.
  • Không dùng chung các dụng cụ cá nhân như tăm bông, đồ ráy tai…
  • Điều trị dứt điểm các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên như viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan, viêm VA
  • Nâng cao sức đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân bằng. Tập thể dục thường xuyên, ngủ đúng giờ, đủ giấc và hạn chế căng thẳng.
  • Trường hợp dị vật rơi vào tai, cần đến phòng khám xử lý kịp thời. Tránh trường hợp dị vật gây tắc nghẽn quá trình dẫn lưu, tạo điều kiện cho virus và vi khuẩn phát triển.
  • Tránh hút thuốc lá và hạn chế rượu bia.
  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài nhằm hạn chế hít phải khói bụi, chất dị ứng, kích ứng…
  • Vệ sinh tay sau khi trở về nhà (đặc biệt là khi có tiếp xúc với những vật dụng công cộng).
  • Bố mẹ nên hướng dẫn trẻ cách giữ gìn vệ sinh cá nhân và hạn chế tiếp xúc với những đối tượng bị viêm nhiễm đường hô hấp.
  • Tái khám thường xuyên để phát hiện sớm tình trạng tái phát - nhất là với người bị tiểu đường, ung thư, nhiễm HIV…

Viêm tai là một trong những bệnh viêm đường hô hấp trên thường gặp. Nguyên nhân gây bệnh đa dạng nên trước khi điều trị cần phải thăm khám để xác định căn nguyên, mức độ triệu chứng. Ngoài ra, cần trang bị thêm các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa để hạn chế tái phát.

Câu hỏi liên quan

Viêm amidan là một trong số bệnh lý đường hô hấp rất phổ biến, nguyên nhân có thể do vi khuẩn, virus hay các tác nhân xấu tấn công. Vậy người bị bệnh viêm amidan...

Xem chi tiết

Viêm mũi dị ứng có tiêm được vaccine Covid không là băn khoăn của rất nhiều bạn đọc. Bởi các đối tượng có cơ địa mẫn cảm sẽ dễ dị ứng với thuốc và vaccine...

Xem chi tiết

Nhiều trường hợp bị đau đầu thường xuyên nhưng không xác định được nguồn gốc của cơn đau xuất phát từ viêm tai giữa hay do một vấn đề khác về sức khỏe. Khi trao...

Xem chi tiết

Viêm amidan có gây sốt không tới thời điểm hiện tại vẫn còn là thắc mắc của khá nhiều người. Theo các bác sĩ chuyên khoa, đây là một bệnh nhiễm trùng hô hấp do...

Xem chi tiết

Cắt amidan bằng phương pháp nào tốt nhất là mối quan tâm của rất nhiều người bệnh trong thời gian qua. Hiện nay có nhiều liệu pháp khác nhau được áp dụng trong việc điều...

Xem chi tiết

Viêm xoang sàng sau có mổ được không là thắc mắc chung của người bệnh. Phương pháp này phù hợp với những người không đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn, có biến chứng...

Xem chi tiết

Cách chữa

Thuốc chữa

Tra cứu thuốc

Dinh dưỡng sức khỏe

Dịch vụ & Giải pháp